Thursday, 12 March 2015

Về Dự luật “Ngày Hành trình tìm Tự do” tại Canada - Trần Giao Thủy

galangNhân đọc “Thư ngỏ gởi Chủ tịch Hạ viện không đồng ý với dự luật S-219”.

Hình bên: Bia tưởng niệm thuyền nhân và tri ân thế giới ở đảo Galang, Indonesia bị phá hủy theo yêu cầu của chính quyền CSVN (tháng 6, 2005).
Người tị nạn cộng sản đi tìm tự do. Ảnh: Eddie Adams (Con tàu không nụ cười , 1977)
Người tị nạn cộng sản Việt Nam đi tìm tự do. Ảnh: Eddie Adams (Con tàu không nụ cười, 1977)
Như những bản tin (1, 2) đã đăng ở DCVOnline hôm 6 và 11 tháng 12/2014, cuộc vận động để dự luật này có nhiều ý kiến khác nhau khi được đưa ra tranh luận tại Hạ viện Canada đã tiếp tục bằng một trang web yêu cầu người Canada ký tên ủng hộ(3) Dự luật “Ngày Hành trình tìm Tự do” đặt ở trang nhà của dân biểu Jason Kenney (đảng Bảo Thủ, vùng Calgary South West, hiện là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (từ 9 tháng 2) và còn là Bộ trưởng Đa văn hóa (Minister of National Defence and Minister for Multiculturalism).
Cùng lúc, một số người Canada gốc Việt cũng đã viết thư cho dân biểu Jason Kenney bày tỏ quan điểm không ủng hộ (Thu Mai) cũng như ủng hộ (Nguyen Duy Vinh) Dự luật “Ngày Hành trình tìm Tự do” như bản tin(4) đã đăng trên DCVOnline ngày 17/1/2015.
Ngày 1 tháng Hai, 2015 trang web của “Canada-Vietnam Association” đã công bố “Lá Thư Ngỏ gửi Ngài Andrew Scheer và các Dân biểu”(5) không đồng ý với dự luật S-219 cùng với 22 chữ ký. Lá thư được viết bằng Anh, Pháp và Việt ngữ.
Nội dung lá thư ngỏ có 3 điểm chính phản đối dự luật S-219, một là “các quy trình làm việc thiếu dân chủ của Thượng Viện”; hai là, “thiếu tính đại diện”; và ba là “nội dung không thích đáng”. Từ 3 điểm chính lá thư ngỏ khai triển thành 9 tiểu đoạn phản đối dự luật này.
Trước khi vào phần phản đối dự luật S-219, “Ngày Hành trình tìm Tự do”, với 22 người dại diện ký tên, tác giả bức thư ngỏ thấy cần thiết phải công bố quá khứ nhân thân của Thượng nghị sĩ (TNS) đỡ đầu dự luật này ở Thượng viện, ngay ở đoạn thứ hai, họ viết,
“Người đỡ đầu Dự luật này là Thượng Nghị sĩ Ngô Thanh Hải, một thành viên trước đây của chính quyền Sài Gòn bị sụp đổ vào tháng 4/1975.”
Thay vì chú trọng vào nội dung dự luật, những người chủ trương gởi lá thư ngỏ đã phí thời gian ngụy biện bằng cách đả kích cá nhân, argumentum ad hominem; đây là một loại ngụy biện phổ biến nhất, thấp kém nhất và có lẽ sẽ không có hiệu quả với ông Chủ tịch và dân biểu Hạ viện cũng như với giới tri thức Canada.
Thế ông TNS đã là gì trong chính quyền Sài Gòn? Trước khi tốt nghiệp khoa Khoa học Xã hội và Mỹ thuật ở Paris-Sorbonne (Paris IV) ông làm việc với Trung tâm Văn hóa Pháp (Alliance française), đi dạy tiếng Pháp ở Kuala Lumpur, Malaysia. Sau đó ông tiếp tục dạy Anh và Pháp ngữ tại Hội Việt Mỹ và Trung tâm Văn hóa Pháp ở Sài Gòn. Từ 1971 đến 1973, ông Ngô Thanh Hải là Trưởng phòng Thông tin và Báo chí tại Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa. Hai năm sau đó ông là Tùy viên Báo chí và Trưởng phòng Chính trị tại Tòa Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Bangkok, Thailand. Tôi tin rằng ông TNS không trăn trở chút nào về cái quá khứ “thành viên trước đây của chính quyền Sài Gòn”.
Thực ra nhóm chữ “chính quyền Sài Gòn” trong lá thư ngỏ là tương đối mềm dẻo; theo ngôn từ xã hội chủ nghĩa Việt Nam trước kia thì ông TNS đã phải là “một đối tượng phản động của ngụy quyền Sài Gòn, có nợ máu với nhân dân”, v.v.
Nói đi thì cũng phải nói lại. Nếu nhìn vào danh sách 22 người ký tên dưới lá thư thì có gần 1/3 thuộc một thành phần tương tự như ông Ngô Thanh Hải. Gần 1/3 đó là những sinh viên được chính phủ Việt Nam Cộng hòa (mà trong lá thư ngỏ gọi là “chính quyền Sài Gòn), bằng ngân sách quốc gia đã cho đi du học ở Pháp, Canada, và Mỹ qua Kế hoạch Colombo (Plan Colombo Plan) của Khối Thịnh vượng chung hay chương trình học bổng Leadership (USAID Leadership Sholarship Program) của chính phủ Mỹ mà cộng sản Việt Nam – Việt Cộng – thường gọi là Đế quốc Mỹ. Nợ máu thì chắc là không, nhưng có lẽ vẫn nợ đấy chứ?
1. Thiếu dân chủ
Trở lại vấn đề chính của nội dung lá thư ngỏ phản đối Dự luật “Ngày Hành trình tìm Tự do”, ở điểm số một, lá thư ngỏ cho là Thượng viện Canada thiếu dân chủ, “Ủy ban Thường trực về Nhân quyền của Thượng Viện Canada chỉ nghe các nhân chứng ủng hộ Dự luật, bỏ qua các cá nhân và tổ chức chống Dự luật, […]” chỉ vì ông Đại sứ nước CHXHCN Việt Nam không kịp làm nhân chứng điều trần ở Thượng viện để phản đối dự luật S-219. Thực sự thì không phải ủy ban ở Thượng viện Canada thiếu dân chủ mà vì văn kiện phản đối của ông Đại sứ không phải bằng tiếng Pháp và không được dịch kịp thời hạn để được đưa vào hồ sơ như dân biểu Mark Adler (CPC), người cùng đỡ đầu Dự luật S-219 tại Ha viện, đã trả lời dân biểu Anne Minh-Thu Quach (NDP) trong buổi tranh luận(6) về dự luật này ở tại Hạ viện chiều ngày 5 tháng 2, 2015.
Làm ngoại giao tại Canada mà không biết Anh và Pháp ngữ là hai ngôn ngữ chính dùng trong tất cả các cơ quan hành pháp, tư pháp, lập pháp tại đây thì khác gì lấy tuyền thúng bơi ra biển lớn.
Muốn điều trần trước các ủy ban nghiên cứu ở Thượng và Hạ viện Quốc hội Canada như 24.000 người(7) đã là nhân chứng ở các ủy ban tại lưỡng viện Quốc hội trong nhiệm kỳ của Thủ tướng thứ 20 của Canada Jean Chretien (1993-2003) thì tất cả đã cần phải hiểu rõ những nghi thức và làm những thủ tục cần thiết trước khi được nhận vào quốc hội để điều trần (8,9).
Tượng đài kỷ niệm Việt Nam tại Ottawa (Điêu khắc gia Phạm Thế Trung). Nguồn: Ottwa Citizen
Tượng đài kỷ niệm Việt Nam tại Ottawa (để nhớ những người đã bỏ mình trên đường tìm tự do). Điêu khắc gia Phạm Thế Trung. Nguồn: Ottawa Citizen 16/5/1995.
Việc phản đối dự luật S-219 bằng lá thư ngỏ hay những tuyên bố với báo chí của giới ngoại giao và người đứng đầu chính phủ Việt Nam hôm nay khiến người ta nhớ lại một phản ứng tương tự của chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, cực lực phản đối chính phủ Canada khi cộng đồng người Việt dựng tượng đài “Thuyền nhân mẹ bồng con” vào ngày 30 tháng 4, 1995 tại thủ đô Ottawa. Tất nhiên phản đối kịch liệt đó cũng không đi đến đâu vì tự do phát biểu là quyền căn bản của mọi người dân Canada. Và lá thư ngỏ phản đối dự luật S-219 hôm nay cũng là một minh chứng rõ rệt khác về quyền tự do bày tỏ ở xứ sở này. Tuy nhiên, cũng có dư luận đặt vấn đề và thắc mắc,
“Tôi không hiểu vấn đề tại sao phải nghe ông Đại sứ CHXHCN Việt Nam. Ông là một đại diện của một nước lạ, tại sao ông ấy lại được phép điều trần về dự luật này? Với tư cách nào? Đây là một vấn đề hoàn toàn thuộc nội bộ của Canada và trong một tiến trình lập pháp của Quốc hội của Canada. Chấm hết.” – V. Attarian.
Có lẽ vì Canada “có thừa dân chủ” nên dễ bị “lợi dụng dân chủ” hay chăng?
2. Thiếu tính đại diện
Đọc lý do trưng dẫn ở điểm thứ hai của lá thư ngỏ để phản đối dự luật S-219, “Dự luật không phản ánh quan điểm chung của toàn thể cộng đồng người Việt tại Canada. Trong cộng đồng không phải ai cũng như nhau, và đa số là người di dân (“người đi bằng máy bay”) chứ không phải là thuyền nhân […]” cùng luận điệu với điểm số 1 trong điện thư(4) của ông Thu Mai gởi dân biểu Jason Kenney tôi có cảm tưởng những lá thư loại này, thứ nhất, muốn phân chia thứ bậc giữa những công dân Canada gốc Việt Nam mà thiểu số là những người đi thuyền đến Canada (boat people, thuyền nhân, người tị nạn cộng sản) và đa số là người đến Canada là người đi máy bay; thứ hai, tác giả lá thư ngỏ không hiểu chút nào về Canada.
Đây là một xã hội khai phóng, nhân bản của những con người cởi mở, đồng cảm, hào hiệp, và chân giá trị của đất nước này là tự do, dân chủ, pháp trị, nhân quyền. Đó chính là lý do tại sao cơ quan lập pháp của Canada đã quan tâm đến và muốn tưởng nhớ “hành trình tìm tự do” của những người tị nạn cộng sản Việt Nam đã vượt qua bao nghịch cảnh đồng thời cũng để tán dương những công dân Canada, những người hào hiệp đã thông cảm, mở lòng, mở cửa đón nhận thuyền nhân, và sau cùng là ghi nhận những đóng góp với xã hội của những người dân Canada gốc Việt trên mọi phương diện từ y học, kỹ thuật, kinh doanh, khoa học, đến luật pháp, học viện, nghệ thuật, truyền thông, cộng đồng và cả lãnh vực chính trị.
Không còn nghi ngờ gì, dự luật S-219 phản ảnh tinh thần khai phóng, nhân bản, sự trân quý những gía trị cơ bản của toàn dân Canada là tự do, dân chủ, pháp trị, nhân quyền.
Nguồn: Nat Geo số tháng 6, 1955, trang 859. Ảnh:_GertrudeSamuels-Pix-Inc.
Mẹ bế con trên USS Mountrail 213 trên Đường tìm tự do. Nguồn: Nat Geo số tháng 6, 1955, trang 859. Ảnh: Gertrude Samuels Pix Inc.
Nhân câu chuyện đi thuyền với đi máy bay tôi xin được nhắc lại chuyện của những người tị nạn cộng sản cách đây hơn sáu mươi năm trước ở Việt Nam, sau khi ông Tạ Quang Bửu (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và ông General Henri Delteil (Pháp) ký kết Hiệp Định Geneva vào ngày 21 tháng 7, 1954. Đó là làn sóng tị nạn chính trị lớn thứ nhì trong lịch sử nước Việt Nam sau thảm trạng thuyền nhân sau ngày 30 tháng Tư, 1975. Tình cờ, lúc đó những người lính Hải quân Mỹ gọi cuộc di tản khổng lồ đó là“Đường đến Tự do” (Passage to Freedom). Tính đến ngày 15 tháng 5, 1955 tổng số người miền bắc bỏ lại làng quê, bỏ lại phố phường, người thân và sản nghiệp vào nam vì không muốn sống với cộng sản (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) là 800.786 người(10); trong số đó 26,7% đi bằng máy bay, 68,2% đi bằng thuyền, và một số nhỏ hơn, 5,2% tự kiếm cách vào nam. Và đồng bào miền nam (Việt Nam Cộng Hòa) đã mở rộng vòng tay đón họ như người cùng một nước, không ai bị phân biệt là người đi máy bay hay đi thuyền, hoặc là người đã chống bè vượt sông Bến Hải cả. Họ đã cùng dân miền Nam đóng góp và xây dựng xã hội suốt 2 thập niên sau đó. Và một số không ít trong những người đi tìm tự do của những năm 1954-55 và con cháu của họ, 20 năm sau đã phải bỏ lại quê hương lần thứ hai, vượt biên, vượt biển đi tìm tự do vì không muốn sống với cộng sản.
Ở Canada năm 2015 cũng vậy, không ai phân biệt những người dân gốc Việt ở đây là người đến bằng thuyền hay đi bằng máy bay, là sinh viên Việt Nam Cộng hòa du học trước 1975, người tị nạn cộng sản sau 30 tháng 4, hay là những người sang Canada đoàn tụ với thân nhân – đi học trước 1975 hoặc là người tị nạn sau 30 tháng 4 – hay là di dân đi lao động, đi làm ăn, hay đi học trong những năm sau đó. Tuy nhiên, mục đích đầu tiên của dự luật S-219 là nhằm dựng một cột mốc trong lịch sử của Canada để tưởng nhớ “hành trình tìm tự do” của những người tị nạn cộng sản Việt Nam.
3. Không thích đáng, khiếm khuyết
Đọc lời phản đối trong lá thư ngỏ ở điểm số 3, “Dự luật lại cố ý chuyển sang đề cập đến vấn đề mâu thuẫn của thời chiến tranh Việt Nam và các chỉ trích tiêu cực về Chính phủ Việt Nam […]” tôi có cảm tưởng tác giả đã viết lá thư ngỏ trong ảo giác, đang chạy trốn sự kiện lịch sử về người tị nạn cộng sản nhưng lại mâu thuẫn khi chính họ nhiều lần lập lại những nhóm chữ “chính quyền Sài Gòn”, “Mỹ hậu thuẫn”, “sự can thiệp của Mỹ”. Thực ra, ở đây tác giả chỉ lập lại lối ngụy biện rơm trong tập hợpignoratio-elenchi như những phản đối ở điểm (2) nêu trên.
Cả dự luật S-219, bản Anh ngữ, có 460 từ và trong đó có 50 chữ đề cập đến những dữ kiện lịch sử Việt Nam chung quanh ngày 30 tháng 4, năm 1975. Lịch sử chỉ ghi lại dữ kiện và không đánh giá tiêu cực hay tích cực. Lịch sử sẽ mãi mãi còn đó; Ở phần khai triển, đoạn (c), tác giả lá thư cho là dự luật S-219 “xuyên tạc thông tin về sự ra đi của thuyền nhân”. Thực ra, đây là một luận cứ cũ rích và không vững.
“Thuyền nhân chỉ là những phần tử bất mãn của chế độ cũ, những kẻ có nợ máu với nhân dân, những thành phần đĩ điếm, trốn tránh lao động.” – Nguyễn Cơ Thạch [Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam, tại Hội nghị LHQ về thuyền nhân, Geneva, 20-21/7/1979](12)
Trước cổng vào Hội nghị do LHQ triệu tập 69 quốc gia, kể cả nước CHXHCN Việt Nam, đến Geneva ngày 20-21 tháng 7, 1979 để giải quyết thảm trạng thuyền nhân – vấn đề của cả thế giới, hai thuyền nhân Việt Nam đã giơ cao biểu ngữ “TOUT LE PEUPLE VIETNAMIEN CONTRE LA CLIQUE DE HANOI” [Tất cả người Việt Nam chống bè lũ Hà Nội”](13)
vvvv
“Thà chết giữa biển đông còn hơn sống với cộng sản”, một thành ngữ rất phổ biến giữa người Việt Nam sau năm 1975. Trích “Boat People: Imprints on History”, Lloyd Dương, trang 8. Tác giả Dương Thành Lợi là một thuyền nhân 14 tuổi đến định cư ở Canada vào năm 1980. Ông hiện đang hành nghề luật sư tại Toronto, Ontario, Canada.
4. Sự thật lịch sử
Những hành trình tìm tự do của người tị nạn chính trị và tị nạn cộng sản là những sự kiện lịch sử. Sau đây là một vài ví dụ tiêu biểu những đợt sóng người tị nạn trong lịch sử Canada(11).
Thế kỷ 18 | Năm 1789, Huân tước Dorchester, toàn quyền của Thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ (British North America tiền thân của Canada) đã công nhận những người tị nạn chính trị, bị đàn áp trong cuộc Cách mạng ở Hoa Kỳ từ New York sang định cư ở Quebec và Nova Scotia là “Những người trung thành dầu tiên” [“First Loyalists”]. Năm 1793, Upper Canada (Ontario ngày nay) là tỉnh bang đầu tiên của Đế quốc Anh xóa bỏ chế độ nô lệ.
Thế kỷ 19 | Đến thế kỷ 19, hàng ngàn người nô lệ da đen trốn khỏi Hoa Kỳ sang Canada tự do xây dựng cuộc đời mới.1891, 170.000 ngàn người Ukraine chạy trốn sự đàn áp của chính quyền Austria-Hungary. 1920-1939, làn sóng người Ukraine tị nạn vì nội chiến, vì cuộc xâm lăng của Nga và vì trốn chạy cộng sản đã đến Canada. 1945-1952, lần thứ ba người Ukraine đã phải bỏ xứ ra đi vì họ không muốn sống với cộng sản.
Thế kỷ 20 | 1947-1952, 250.000 nạn nhân của Nazis, cộng sản và cuộc xâm lăng của Liên Xô, từ Trung Âu và Đông Âu đã phải bỏ nước sang Canada tìm tự do. 1960, người tị nạn Trung Hoa bỏ nước ra đi để thoát khỏi bạo lực cộng sản của cuộc Cách mạng Văn hóa thời Mao Trạch Đông. 1968-1969, 11000 người Tiệp đã bỏ trốn sang Canada đất nước của họ khi bị quân Liên Xô và khối cộng sản Warsaw xâm lăng.
Trong thế kỷ 20, sau dân tị nạn cộng sản Việt Nam, Canada còn đón nhận người Khmer tị nạn cộng sản trong những năm 1980; Thập niên sau cùng của thế kỷ, Canada đã nhận 5000 người Hồi giáo Bosnia, đưa 5000 người tị nạn Kosovar đến chốn bình yên.
Thế kỷ 21 | Đến năm 2010, Canada đã đón nhận người tị nạn từ hơn 140 quốc gia trên thế giới.
Tiếp tục phản đối, ở đoạn (b), lá thư ngỏ viết, “Dự luật này khiếm khuyết nghiêm trọng khi nó cố ý chọn ngày 30 tháng 4 làm ngày kỷ niệm sự ra đi của những người tị nạn Việt Nam” là sai và trích dẫn nhật báo Ottawa Citizen ngày 27 tháng 7, 1979 cho rằng “Đúng ra, ngày để kỷ niệm nên là ngày mà Canada đón nhận người tị nạn Việt Nam, và ngày đó xảy ra vào tháng 7/1979”. Tôi đề nghị tác giả lá thư ngỏ và 22 người ký tên đại diện không nên sợ sự thật và đừng bóp méo lịch sử. Trong phần phát biểu ngày 25 tháng 2 ở Hạ Viện, bà dân biểu Anne Minh-Thu Quách nói,
“Hôm nay, chúng ta không phải sợ hãi khi nói sự thật. Mỗi con người có quyền được sống, quyền tự do và có cơ hội bình đẳng.”
Đúng thế. Nếu đọc tài liệu của Nội các Chính phủ Canada ngày 26 tháng 6, 1975 về tuyên bố của Bộ trưởng bộ Nhân lực và Di Trú Bob Andras về người tị nạn(14) hay đọc báo Ottawa Journal(15) ngày cuối tháng 5, trong một bản tin của ký giả Bob Bull ở trang 25, người đọc sẽ thấy sự thật.
xxxx
Tin người tị nạn đến Canada. Ottawa Journal, May 30, 1975 | Page 25
“Trong ba tuần nay, các chuyến xe buýt của hãng hàng không đã đưa người tị nạn Việt Nam xuống vỉa hè trước Khách sạn Queen’s [16] phía nam của nhà ga xe lửa chính của Canadian Pacific Railway. Một số được bạn hoặc người thân đến đón đi. Cộng đồng người Việt tại địa phương đã có mặt giúp khiêng hành lý và hướng dẫn họ làm thủ tục nhập cảnh.” – Trích The Ottawa Journal, May 30, 1975 | Page 25
Mọi người đều thấy sự thật là Canada đã quyết định và đón nhận người tị nạn Việt Nam từ ngay sau ngày 30 tháng 4, 1975.
Một nét chính của nội dung bức thư ngỏ (cũng như điện thư của ông Thu Mai) hiện rõ qua những đoạn (d), (e), (f), và (g) là luận cứ biện hộ cho chính quyền cộng sản Việt Nam. Tôi tin rằng không ai bận tâm đến quan điểm phù cộng của tác giả lá thư ngỏ và những người đại diện, nhưng ở đây là họ lạc đề vì đã đánh tráo tiền đề. Mục đích chính của dự luật “Ngày Hành trình tìm Tự do” không phải là để tố cộng hay bàn về thời sự Việt Nam mà là để công nhận và tôn trọng một sự thật lịch sử, đó là “hành trình tìm tự do” của người Việt Nam đến Canada sau ngày 30 tháng 4, 1975.
Canada chưa hề lên tiếng phản đối việc Việt Nam hàng năm tổ chức kỷ niệm “Đại thắng mùa Xuân” hay “Giải phóng miền Nam” hà cớ gì tác giả lá thư lại bất bình với một ngày Canada chọn ghi vào lịch sử quốc gia này?
Không như lá thư ngỏ viết người tị nạn đến Canada là bỏ đi quá khứ, “những người di dân chăm chỉ làm việc, chăm lo cho gia đình, và cố để quá khứ lại sau lưng”. Nếu ở Ottawa có tượng thuyền nhân mẹ bồng con đi tị nạn cộng sản thì năm 2001 ở công viên ven sông tại Windsor người ta đã dựng “Tháp Tự do” (Freedom Tower) để tưởng nhớ hành trình tìm tự do (1840-1860) của những người nô lệ trước cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ, và cộng đồng di dân Armenian cũng có tượng đài tưởng nhớ nạn nhân trong cuộc diệt chủng thời thế chiến thứ nhất do thành phố Montreal dựng ở công viên Marcelin Wilson.
Tháp Tự do ở công viên ven sông thành phố Windsor. Nguồn:
Tháp Tự do ở công viên ven sông thành phố Windsor (2001). Điêu khác gia Ed Dwight. Nguồn: www.eddwight.com
Một vài ví dụ đó đủ xác minh rằng người Canada trân trọng chứ không chạy trốn hay bóp méo sự thật lịch sử. Người Canada cũng dựng tượng đài ghi nhận những sai lầm và bất công trong lịch sử. Thí dụ, cộng đồng người Canada gốc Ukraine đã dựng trên 20 bia và tượng đánh dấu thời gian bị chính phủ Canada quản thúc ở những trại giam trong thời đệ nhất thế chiến. Đến năm 2005, Thủ tướng Canada Paul Martin công nhận đó là một việc “không thể chấp nhận, không thể biện hộ” và là “nỗi khổ đau sâu thẳm” của dân Canada gốc Ukraine và vì thế đã thông qua đạo luật “Internment of Persons of Ukrainian Origin Recognition Act” công nhận sự kiện lịch sử này đồng thời chi dùng 2,5 triệu đô-la để tổ chức các cuộc triển lãm sự thật lịch sử. Đến năm 2008, Thủ tướng Stephen Harper thiết lập Quỹ giáo dục để quần chúng biết đến và tưởng nhớ những người gốc Ukraine đã bị giam cầm oan ức trong thời thế chiến thứ nhất. Tương tự, những sai lầm khác trong lịch sử Canada như việc bắt giữ người gốc Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai, việc đánh thuế đầu người và phân biệt đối xử với di dân Trung Hoa, cũng như chính sách buộc trẻ em bản xứ vào hệ thống trường nội trú, đã được chính phủ Canada giải quyết bằng những lời xin lỗi chính thức và bằng sự tài trợ để phần nào đền bù cho những mất mát trong quá khứ(18).
Bia và tượng
Bia và tượng “Why?” / “Pourquoi?” / “Chomu?”, của John Boxtel ở chân của tại giam “Castle mountain internment camp”, trong Công viên Quốc gia Banff, Alberta. Ảnh”  Radtek67 – Own work. Licensed under Public Domain via Wikimedia Commons –http://commons.wikimedia.org/wiki/File:Castle_mountain_internment_camp.jpg#mediaviewer/File:Castle_mountain_internment_camp.jpg
Nhiều người muốn quên ngày 30 tháng 4, 1975, ngày bắt đầu của thảm họa thuyền nhân, của người tị nạn cộng sản; họ cũng muốn quên nạn nhân cuộc Cải cách ruộng đất 1953-55, muốn quên cuộc di cư 1954-55, muốn quên hàng ngàn người bị thảm sát ở Huế vào dịp Tết Mậu Thân, 1968, v.v. Nhưng, một điều chắc chắn là lịch sử sẽ không quên.
5. Gây hận thù, bất lợi cho quan hệ hai nước
Hai điểm sau cùng của lá thư ngỏ cho rằng Dự luật “Ngày hành trình tìm tự do” là “sản phẩm của một nhóm nhỏ người Canada, chủ yếu là gốc Việt, vẫn còn nuôi lòng thù oán đối với Việt Nam” sẽ “gây hận thù”, “gây chia rẽ lớn hơn” trong cộng đồng người Canada gốc Việt và không đóng góp gì cho sự hợp tác chiến lược Canada – Việt Nam”.
Thứ nhất, tôi tin rằng dự luật S-219 hôm nay hay khi thành một Đạo luật của Canada sẽ chẳng mảy may ảnh hưởng gì đến cái gọi là “sự hợp tác chiến lược” của Việt Nam với quốc gia này trừ khi chính phủ nước CHXHCN Việt Nam lập tức triệu hồi Đại sứ và vĩnh viễn đóng của Sứ quán ở Ottawa. Và đây là điều khó có thể xảy ra. Quan hệ hai nước sẽ tiếp tục như đã và đang có.
Thứ hai, cụm từ “nhóm nhỏ người Canada, chủ yếu là gốc Việt, vẫn còn nuôi lòng thù oán đối với Việt Nam”  là một thí dụ khác của lối ngụy biện thấp kém, chỉ trích cá nhân, đồng thời cũng là một sự đánh tráo khái niệm không lương thiện. Câu văn trên cùng loại như những câu  “yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa” hay “Yêu nước ở Hồ Chí Minh là gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn liền chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản”(17); nếu dùng chữ thời thượng mà nói thì chúng“không có cửa”. Có đi khắp cùng thế giới không ai có thể tìm được một người “nuôi lòng thù oán Việt Nam”. Người ta có thể thù oán một người, một nhóm người, một chế độ, một chính phủ – tất cả những thực thể đó chỉ hiện hữu nhất thời trong khi đất nước Việt Nam là một thực tế muôn đời.
Đánh tráo “đất nước” với “chế độ” là thái độ rất không lương thiện.
6. Một vài điểm về hình thức của lá thư ngỏ
  • Tác giả và nhóm chủ trương đã cố gắng trưng bày tính đại diện cho người Canada và người Canada gốc Việt bằng 22 chữ ký; trong đó, gần 1/3 là di dân gốc Việt trước 1975, 2/3 còn lại là một nhỏ số dân Canada, thuyền nhân và di dân sau 1975.
  • Bản tiếng Việt của lá thư đăng trên mạng gõ bằng Unicode tổ hợp do đó có vấn đề khi hiển thị ở các duyệt trình phổ thông hiện nay (Chrome, Firefox, IE,… trừ Safari trên iOS)
  • Lá thư ngỏ được công bố ở trang nhà của “Vietnam-Canada Association” có địa chỉ ở 1351 Dufferin Street, Toronto, M6H 4C7, Canada. Thực ra đây cũng là địa chỉ của “Canada-Vietnam Trade Council”(19) với ba thành viên Hội đồng Quản trị mà hai người đã ký vào lá thư ngỏ. Bà Nguyễn Đài Trang của “Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam”, trong một bức thư gửi cho Ủy ban nhân quyền của Thượng viện đã viết, “Dự luật này …. có tác động tiêu cực mạnh mẽ hơn nữa là gây chia rẽ thêm một cộng đồng đã bị khủng bố và rạn nứt”(2). Tuy nhiên, bà không cho biết kẻ khủng bố cộng đồng người Canada gốc Việt là ai.
    Thực ra bà Nguyễn Đài Trang hay Julie Nguyen hoặc Nguyễn Hoàng Đài Trang còn là tác giả(20) hai cuốn “Ho Chi Minh – The soul and talent of a great patriot”và “Hồ Chí Minh – Tâm và tài của một nhà yêu nước”, xuất bản để kỷ niệm ngày sinh thứ 120 của Hồ Chí Minh, 19/5/2010. Người hiệu đính bản tiếng Anh, Elizabeth McIninch(21), là thành viên HĐQT thứ hai của “Canada-Vietnam Trade Council” cũng là chữ ký số 12 trong lá thư ngỏ. Cuốn sách thứ ba cùng tác giả,“Hồ Chí Minh: Nhân văn và phát triển” ra mắt này 27 tháng 9, 2013 tại Toronto(22).
    Trụ sở... Nguồn: Google Map
    Trụ sở Vietnam-Canada Association, Vietnam-Canada Trade Council, Vietnam-Canada Chamber Of Commerce, và Canada Education Support …tại 1351 Dufferin Street, Toronto, M6H 4C7, Canada. Nguồn: Google Maps
  • Địa chỉ 1351 Dufferin Street, Toronto, M6H 4C7 Canada trước đây là trụ sở của “Hội Doanh Nghiệp Việt Nam-Canada” (Vietnam-Canada Chamber Of Commerce) tiền thân của “Canada-Vietnam Trade Council” và cũng là cơ sở “Canada Education Support” (CES, Trung Tâm Hỗ Trợ Du Học Canada) mà giám đốc là bà Nguyễn Đài Trang.
  • Thông tin không thống nhất và thiếu chính xác về 22 chữ ký trong 3 bản Anh, Pháp và Việt ngữ.
    • Số 7, Bà Lê Thị Hoa được ghi là người “giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Montréal” trong bản tiếng Việt nhưng ở bản Anh và Pháp ngữ thì bà Hoa lại là“a professor and researcher at the Université de Montréal since 2010”  “un professeur et chercheur à cette dernière depuis 2010”. Thực ra thì tính đến mùa Thu 2014 thì bà Hoa đã là giảng viên (lecturer/chargée de cours) trong 5 khóa cho sinh viên khoa Sư phạm tại đại học Montreal từ mùa Thu 2011(23). Hiện nay trong sổ nhân sự của đại học Montreal thì bà Hoa là giảng viên/chargée de cours của faculté de l’éducation permanente – dạy tiếng Pháp như sinh ngữ thứ hai cho người không biết tiếng Pháp.Tuy nhiên trang chính thức của phân khoa l’éducation permanente(24) không liệt kê tên và trưng ảnh của bà Hoa với những giảng viên khác. Từ giảng viên/lecturer/chargé de cours đến giáo sư/professor/professeur là một quãng đường làm nghiên cứu khá dài.
      Nguồn: Thư ngỏ gửi Ngài Chủ Tịch Hạ Viện Andrew Scheer - KHÔNG ĐỒNG Ý VỚI DỰ LUẬT S-219
      Nguồn: Sổ nhân sự Đại học Montreal
    • Số 9 và số 17 – Tên họ của hai chữ ký này trong bản tiếng Anh và Pháp là “Mr. Thu Viet Mai/M. Thu Viet Mai” và “Mr. Tinh Van Quach/M. Tinh Van Quach” nhưng ở bản tiếng Việt thì lại là “9. ThS. Mai Thu Việt” và “17. ThS. Quách Văn Tĩnh”. Chỉ có một cách giải thích hợp lý cho sự bất nhất này là hai ông ThS. họ Mai và họ Quách đã nhờ người khác “ký” hộ mình nên đã ghi sai tên thật so với giấy khai sinh; giả thiết khác cho là hai ông muốn làm ngọa hổ tàng long để phản đối dự luật S-219 hoàn toàn không khả tín.9thungo
      17thungo
      Nguồn: Thư ngỏ gửi Ngài Chủ Tịch Hạ Viện Andrew Scheer – KHÔNG ĐỒNG Ý VỚI DỰ LUẬT S-219
    • Số 20 của bà Thái Thị Thanh Mai bản tiếng pháp ghi “professeure-associée” là không đúng chức vụ hiện tại; vì không quen thuộc với từ ngữ dùng cho giới hàn lâm tiếng Pháp nên người dịch đã dịch từ nhóm chữ “Asociate professor” trong tiếng anh. Bà Mai hiện là một professeure agrégée (Phó giáo sư) tại trường HEC Montreal.
Kết luận
Lá thư ngỏ phản đối, không đồng ý với dự luật S-219 cho một số người đọc có cảm tưởng đây là tác phẩm của một người cộng sản (“This letter was written by a communist.” – J. Iwanic.)
Tóm lại lá thư ngỏ phản đối Dự luật “Ngày Hành trình tìm Tự do” đầy những ngụy biện cấp thấp, thay đổi tiền đề, đả kích cá nhân, đánh tráo khái niệm, quy nạp sai vì những luận cứ loanh quanh bao biện cho chính phủ và chế độ hiện nay ở Việt Nam. Cả hai, chính phủ và chế độ hiện tại của nước CHXHCN Việt Nam không phải là mục tiêu của Dự luật S-219.
Mặt khác để tưởng niệm hơn 100 triệu nạn nhân cộng sản trên khắp thế giới, chính phủ Canada đã góp phần với tổ chức “Tribute for Liberty” xây dựng một tượng đài uy nghi tại thủ đô Ottawa, ngay cạnh Tối cao Pháp viện.
Mẫu đài Tưởng niệm Nạn nhân Chủ nghĩa Cộng sản tại Ottawa. Nguồn: www.tributetoliberty.ca
Mẫu đài Tưởng niệm Nạn nhân Chủ nghĩa Cộng sản tại Ottawa. Nguồn: www.tributetoliberty.ca
Ở thế kỷ 21, thời đại của thông tin, tại những xã hội tự do, dân chủ người ta không hề sợ sự thật mà còn rất trân trọng lịch sử.
Về phần mình, tôi luôn trân quý những kỷ niệm với người đi tìm tự do vì đã may mắn được góp tay trong những ngày đầu đi tiếp đón, hướng dẫn người tị nạn cộng sản ở Queen’s hotel (Montreal), ở High School of Commerce, ở hội trường đại học, ở văn phòng tìm việc, ở lớp dạy tiếng Anh (Ottawa), đến những ngày công tác với Ủy ban Cứu Người Vượt Biển (Montreal) và giai đoạn làm việc với Tổ chức SOS Việt Phi (Toronto) để giúp đưa người tị nạn cuối cùng ở Phi Luật Tân đến bến bờ tự do tại Canada trong quãng thời gian từ 1975 đến 2005.
30 tháng 4 rồi sẽ là một mốc lịch sử của Canada đánh dấu ngày người tị nạn Việt Nam đi tìm tự do, được Canada nồng hậu đón nhận, để rồi đã trờ thành và gầy dựng những nhân tố tích cực góp phần xây dựng một đất nước Canada mến yêu, khai phóng, nhân bản – ngày càng cường thịnh vì những gía trị muôn đời là tự do, dân chủ, pháp trị, nhân quyền.
Viết cho người tị nạn cộng sản và để tưởng nhớ hàng trăm ngàn linh hồn người Việt Nam đã bỏ mình trên đường tìm đến Tự do (1975-1996)
Montréal, 14 tháng 2, 2015
© 2015 DCVOnline

(1) DCVOnline, “Một dư luật ở Thượng viện Canada làm căng thẳng ngoại giao với Việt Nam”, Dec. 6, 2014.
(2) DCVOnline, Thượng viện Canada đã thông qua Dự luật “Hành trình tìm Tự do”, Dec. 11, 2014
(3) Jason Kenney, MP, “Petition: the Journey to Freedom Day Act (Bill S-219)/ Pétition : Le projet de Loi sur la Journée du Parcours vers la liberté (projet de loi S-219)”, December 9, 2014
(4) DCVOnline, “Chung quanh Dự luật “Hành trình tìm Tự do” tại Canada”, Jan. 17, 2015
(5) Canada-Vietnam Association, “Open Letter to Speaker Andrew Scheer and all Mps”, Feb. 1, 2015. [Phần tiếng Việt gõ bằng unicode tổ hợp (gây vấn đề hiển thị với những duyệt trình phổ thông như Chrome, Firefox và IE)]
(6) 41st PARLIAMENT, 2nd SESSION, EDITED HANSARD • NUMBER 170. Thursday, February 5, 2015, House of Commons Debates, Private Members’ Business, Journey to Freedom Day Act.
(7) David McInnes, “Testifying Before Parliamentary Committees”. Canadian Parliamentary Review, 2015-01-29
(8) Parliament of Canada, “Fact sheet: Participating in a Senate Committee study giving oral and/or written evidence”. 2012
(9) Parliament of Canada , “Guide for Witness Appearing Before House of Commons Committees”. Hay xem bản PDF tại đây.
(10) Data for Weeka, June 3, 1955, Folder 14, “Reports – Weeka, 1955 (Administratively Controled), Ronald B. Frankum, Jr.,“Operation Passage to Freedom, The United Staes Navy in Vietnam, 1954-1955”, Texas Tech University Press, 2007 dẫn lại ở trang 205.
Tham khảo thêm “The Pentagon Papers”, Gravel Edition, Vol. I, Boston: Beacon Press, 1971; Trần Thị Liên, Vấn đề Công giáo miền bắc Việt Nam qua tư liệu lưu trữ Ba Lan (1954-1956), Groupe d’Etude sur le Vietnam Contemporain – IEP Paris; Ðặng Phương-Nghi, “Về số người công giáo di cư từ Bắc vào Nam sau hiệp định Genève”, Sites de Vietnamologie. Truy cập tháng Mười 2008.
(11) Governement of Canada, Canada: A History of Refuge.
(12) Huy Đức, “Bên Thắng Cuộc – Giải phóng”, OSINBOOK 2012, Chương Vi: Vượt Biên. Xem thêm: Trần Giao Thủy, “Người Hoa tại Việt Nam và tương quan Hoa–Việt (III)”, DCVOnline, 30/4/2014.
Tờ New York Times ngày 18 tháng Tám, 1979 đăng lời tuyên bố của Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch cho rằng đa số dân tị nạn là người Sài Gòn và đã hợp tác với quân đội Mỹ. “Họ là những người đầu cơ, lười biếng, không muốn lao động để kiếm sống. Họ có mặc cảm tội lỗi,” Thạch nói, “và họ phải kể những chuyện kinh hoàng để nói được với các ông họ không phải là người tị nạn kinh tế mà là những người tị nạn chính trị.””
(13) Lloyd Dương, “Boat People: Imprints on History”, Optimal World Publisher, 2000, p.13
(14) Marcus, Dara. “The Hai Hong incident: One boat’s effect on Canada’s policy towards Indochinese refugees.” Đã đăng trên Tạp chí ‘Bout de papier’ (Vol. 28-1, Professional Association of Foreign Service Officers (Hiệp hội chuyên nghiệp của Cán bộ ngoại giao) xuất bản tháng 5 năm 2014.
(15) Bob Bull, “Some refugees are not wanted”, Journal Quebec, Bureau Montreal. The Ottawa Journal, May 30, 1975 | Page 25
(16) Trên đường Peel giữa St. Jacques West và St. Antoine West, đã bị phá hủy từ 1988.
(17) TS. Nguyễn Quốc Phẩm, “Từ chủ nghĩa yêu nước Việt Nam truyền thống đến Tư tưởng Hồ Chí Minh”. Học viện Chính trị Quốc gia (Tạp chí Khoa học chính trị, số 5/2001)
(18) Dawn Walton, “Controversy dogs exhibit on First World War internment”, The Globe and Mail, Jun. 10 2013.
(19) Canada-Vietnam Trade Council, Contact Us
(20) Trà Mi, “Chào mừng ngày ông Hồ chết”  “Nguyễn Hoàng Đài Trang và sách vinh danh HCM”, DCVOnline, 2-3 Tháng 9, 2010. Trang Phi Vũ đăng lại ở đây
(21) Mộc Lan DCVOnline, “Làm người lớn cần nói thật”, DCVOnline, 2012 Trang Chuyện nước non đăng lại ở đây.
(22) Trí Đức, “Ra mắt cuốn sách thứ hai viết về Bác Hồ tại Canada”. Đại đòan kết, Cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
(23) Université de Montréal, “Liste de pointage pour affichage – DIDACTIQUE(L0200U)”, page 77, 2014/10/16
(24) Université de Montreal, Faculté de l’éducation permanente – La faculté d’évoluer, Chargés De Cours – Leur savoir-faire rayonne.