Sunday 22 March 2015

Khi Trung Quốc trong nỗi sợ tan rã

Duoi mai vom

Điều gì là thứ đáng sợ nhất với các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong quá khứ cũng như ở thời điểm hiện tại? Không phải là những mối đe dọa đến từ bên ngoài khi mà những đe dọa kiểu đó chỉ khiến cho người Trung Quốc đoàn kết với nhau hơn, câu trả lời là sự bất đồng và sự chia rẽ nội bộ. Cũng vì thế, thách thức lớn nhất với Trung Quốc ở thời điểm hiện tại không phải là Mỹ hay một cường quốc nào khác, mà là chính bản thân nó, dưới mái vòm Trung Quốc.


Càng ngày các nhà phân tích trên thế giới càng nhận ra rằng, bản thân Trung Quốc đang phải tự mình đối mặt với thách thức lớn nhất, và xuất phát từ trong chính nội bộ nước này. Cũng giống như nguyên nhân chủ đạo dẫn đến những sự sụp đổ của các triều đại phong kiến Trung Hoa trong quá khứ hầu hết đều đến từ những cuộc nổi loạn của các thế lực ở các địa phương hay của người nông dân dưới gánh nặng của những áp bức. Điều đang khiến chính phủ Trung Quốc lo lắng nhất ở thời điểm hiện tại là sự phân rẽ và những bất mãn đang ngày càng tràn lan trong xã hội Trung Quốc, khi mà các vấn đề an sinh xã hội đang trở nên bức bách hơn bao giờ hết. 
Nạn ô nhiễm môi trường, tình trạng thất nghiệp tăng, chênh lệch giàu nghèo và phân hóa trong xã hội mới đang là những thách thức lớn nhất mà Bắc Kinh phải đối mặt ở thời điểm hiện tại, khi nó làm tăng sự bất mãn và chống đối từ phía người dân trong khi sự ủng hộ và tín nhiệm đối với chính phủ và nhà nước thì ngày càng giảm dần.
Đó là lý do tại sao Trung Quốc đang là một trong những nước có hệ thống giám sát và kiểm soát xã hội quy mô và đồ sộ nhất trên thế giới vào thời điểm hiện tại, dù nó đã là nền kinh tế thứ hai thế giới với một nền kinh tế và xã hội khá năng động và cởi mở.  Thế giới đã nói nhiều và lưu truyền nhiều giai thoại về hệ thống tường lửa khổng lồ của Trung Quốc được ví với một Vạn lý trường thành thứ hai. Facebook hay các mạng xã hội hàng đầu thế giới cũng bị kiểm soát chặt ở Trung Quốc và được thay thế bằng các mạng xã hội made in China, nơi mà mỗi tài khoản mạng xã hội cá nhân đều nằm dưới sự quản lý chặt chẽ.
Bộ phim “Dưới mái vòm” của Chai Jing, một phóng viên truyền hình nổi tiếng vì thế đang thực sự là một biểu tượng cho những vấn đề mà chính phủ và xã hội Trung Quốc đang phải đối mặt. Đồng thời cũng là biểu tượng cho cách xử lý đặc trưng của Bắc Kinh trong vấn đề này. Bộ phim tài liệu đã phơi bày một cách không thể chính xác hơn tình trạng ô nhiễm môi trường kinh khủng của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại dưới tác động của sự phát triển chóng mặt trong ba mươi năm qua của kinh tế nước này.
Nó nhanh chóng trở thành một hiện tượng trên mạng ở Trung Quốc khi có tới 200 triệu lượt xem chỉ trong một tuần sau khi đăng tải. Bộ phim gây tiếng vang đến mức các quan chức của bộ môi trường và các phương tiện truyền thông ca ngợi nó như một nỗ lực cần thiết để cảnh tỉnh nhà chức trách về vấn đề ô nhiễm ở nước này. Những người dân đang phải chịu đựng nạn ô nhiễm kinh khủng ở Trung Quốc thì kỳ vọng sự lan tỏa và sức ảnh hưởng của bộ phim sẽ làm thay đổi thái độ của chính phủ về vấn đề cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường.
Nhưng, tất cả đã nhầm. Việc bộ phim nhanh chóng lan truyền trên mạng Internet với một tốc độ khủng khiếp lại đang làm dấy lên một sự lo ngại từ phía chính phủ Trung Quốc. Chỉ hơn một tuần sau khi đăng tải trên mạng, bộ phim “Dưới mái vòm” nhanh chóng bị các cơ quan an ninh mạng Trung Quốc tháo gỡ khỏi mọi trang mạng của nước này. Một cách thức xử lý thường thấy đối với các thông tin được nhà chức trách nước này coi là gây ảnh hưởng xấu đến chính phủ và xã hội. 
Khi mà nạn ô nhiễm môi trường đã trở thành điều dễ gặp ở bất cứ thành phố lớn nào của Trung Quốc, thì bộ phim “Dưới mái vòm” có thể trở thành nguyên nhân chủ đạo dẫn đến một sự phản ứng quy mô lớn từ phía người dân trên cả nước, và Bắc Kinh cảm thấy cần phải ngăn chặn điều này, dù mục đích ban đầu của bộ phim chỉ là một lời cảnh báo về nạn ô nhiễm môi trường – một điều mà chính phủ Trung Quốc không hề ngăn cấm.
Giới phân tích và các chuyên gia trên thế giới sẽ rất nhanh chóng nhận ra một sự thực qua bộ phim “Dưới mái vòm” này, đó là những hậu quả của việc tăng trưởng chóng mặt trong ba thập kỷ theo kiểu bất chấp hậu quả của Trung Quốc đang ngày càng trở nên vượt ra khỏi sức tưởng tượng của thế giới và của chính các nhà lãnh đạo Trung Quốc. 
Nạn ô nhiễm môi trường trầm trọng, sự phân hóa trong xã hội do sự chênh lệch giàu nghèo và nạn tham nhũng là những con dao sắc đang ngày càng khoét sâu vào những vết rạn nứt của xã hội Trung Quốc, và đe dọa gây ra những sự đổ vỡ từ chính bên trong nền kinh tế thứ hai thế giới, và điều đó thì đang khiến Bắc Kinh lo ngại hơn là áp lực đến từ bên ngoài. Vì có một thực tế đã xuyên suốt trong hàng ngàn năm lịch sử của Trung Quốc, đó là đất nước này dễ bị sụp đổ từ bên trong hơn là do áp lực bên ngoài.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)


Chai Jing's review Under the Dome – Investigating China’s Smog 柴静雾霾调查:穹顶之下 (full translation)


Xem bộ phim "Dưới cái vòm" của Chai Jing tố cáo ô nhiểm vừa bị nhà cầm quyền Trung Quốc gỡ xuống. Có tới 200 triệu lượt xem chỉ trong một tuần sau khi đăng tải. Phim phụ đề tiếng Pháp