Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian
Thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội,
Cách đây không lâu nhà báo Bùi Tín, cựu Phó tổng biên tập báo Nhân dân, đã cho công luận biết một chi tiết thú vị về Tướng Võ Nguyên Giáp. Một lần khi đàm đạo thân tình với Tướng Giáp trong một kì nghỉ ở Nga Xô, nhà báo Bùi Tín đã gặng hỏi Tướng Giáp về việc tại sao không thấy Tướng Giáp phát biểu gì về vụ "Xét lại, chống Đảng", trong khi có rất nhiều người là đồng đội, đồng chí của Tướng Giáp bị trù dập, bị bỏ tù và bị chết một cách oan nghiệt trong vụ đó. Tướng Giáp im lặng một hồi lâu rồi nói:
"Mình mà lên tiếng thì cũng bị nạn như các cậu ấy".
Cũng cách đây không lâu, ông Nguyễn Minh Cần, người từng giữ cương vị Uỷ viên Thường vụ Thành uỷ Hà Nội, kiêm phó chủ tịch Uỷ ban Hành chính thành phố Hà Nội ngay sau năm 1954, cũng tiết lộ một chi tiết liên quan tới Hồ Chí Minh, người mà Tướng Giáp luôn gọi là "người thầy". Ông Nguyễn Minh Cần kể rằng trước khi họp Hội nghị trung ương 9 khóa III vào năm 1963, Hồ Chí Minh đã hứa với một số người sẽ ủng hộ quan điểm không dùng bạo lực để thống nhất đất nước và không ngả theo Trung Cộng. Nhưng khi hội nghị diễn ra đến lúc biểu quyết, Hồ Chí Minh đã im lặng, ngoảnh mặt để mặc cho những người không muốn chiến tranh với miền Nam trở thành thiểu số rồi bị thất thế trước quyết nghị của Hội nghị 09 khóa III quyết dùng vũ lực tấn chiếm miền Nam của đảng cộng sản.
Thưa quí vị, quí bạn, những thông tin có tính nhân chứng vừa nói có giá trị giúp chúng ta biết cụ thể hơn về nhân cách, về trách nhiệm cá nhân đối với Tổ quốc của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Nhưng nếu không có những nhân chứng, những thông tin đó chúng ta vẫn có thể xác định được nhân cách, tầm nhìn, trách nhiệm của họ đối với Tổ quốc thông qua việc xem xét các hành động, thái độ của họ trong các sự kiện lịch sử liên đới.
Ví dụ, trong những thảm họa do đảng cộng sản Việt Nam gây ra cho nhân dân Việt Nam như "cải cách ruộng đất", "nhân văn-giai phẩm", "xét lại, chống Đảng" hay quyết nghị dùng vũ lực lật đổ chính thể Việt Nam Cộng Hòa để "thống nhất đất nước", các tư liệu lịch sử đều cho thấy cả Hồ Chí Minh lẫn Võ Nguyên Giáp là những người đang nắm giữ những chức vụ quan trọng trong Bộ chính trị của đảng cộng sản Việt Nam, nhưng cả hai hoặc là những người quyết định tán thành hoặc chỉ tỏ thái độ im lặng.
Vì thế, không cần căn cứ vào nhân chứng, chỉ cần căn cứ vào sự kiện lịch sử chúng ta cũng phải đi tới kết luận: Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp là những người đã đóng vai trò quyết định trong các thảm họa đó, hoặc Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp không đồng tình nhưng đã chọn cách im lặng dung túng cho tội ác.
Như vậy, dù sự thật đúng theo giả thuyết nào chăng nữa thì cả Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp không thể tránh được trách nhiệm đối với những tội ác đã nói. Sự khác nhau giữa hai trường hợp trách nhiệm giả thuyết đó chỉ ở việc: Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp là những kẻ chủ mưu hoặc Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp là những người đồng lõa, dung túng cho tội ác.
Vì vậy, giả sử có một phiên tòa mở ra để xét xử các thảm họa do chế độ cộng sản gây ra cho dân tộc Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975, chắc chắn Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp sẽ thuộc những bị cáo phải chịu trách nhiệm hàng đầu cho các thảm họa như thế. Ngoài ra, Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp còn phải chịu trách nhiệm đạo đức rất lớn đối với những đồng chí, đồng đội, ân nhân của họ - những người đã phải chết hoặc đã bị bách hại vì sự im lặng hoặc vì chính những quyết định của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp.
Thưa quí vị, quí bạn, ở một khía cạnh khác, chúng ta đều biết Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp là những người có học. Cả hai đều được sinh ra và lớn lên trong các gia đình gia giáo Hán học, sau đó cả hai còn được hấp thụ thêm nền giáo dục Tây học. Như thế, Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp là những người đã phải được học những nguyên tắc tối thiểu "nhân, nghĩa, lễ, trí, tín" của kẻ sĩ phương Đông và đã được học, được tiếp xúc với lý tưởng "tự do, bình đẳng, bác ái" của người trí thức phương Tây.
Thế nhưng như chúng ta đã thấy, Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp khi có địa vị cao và quyền lực lớn ở trong tay đã chọn cách sống ngược hẳn với những luân lý cao thượng vừa nói.
Thưa quí vị, quí bạn, đó cũng là một trong những lý do chính khiến cho đảng cộng sản Việt Nam liên tục đầu tư nhiều công sức và tiền bạc cho cái gọi là vận động toàn quân, toàn dân "học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và ca ngợi Võ Nguyên Giáp là một vị tướng vĩ đại, đức độ của dân tộc. Đảng cộng sản Việt Nam vận động mọi người học theo tấm gương của hai nhân vật này tức là họ muốn người dân và các đảng viên cộng sản trở nên hèn nhược, khuất phục và dung túng cho cái Ác nằm ngay trong đảng cộng sản Việt Nam.
Như vậy chừng nào đảng cộng sản Việt Nam còn tồn tại, chừng nào hình tượng Hồ, Giáp còn được tôn thờ, ngày đó các đảng viên cộng sản và người dân Việt Nam còn bị ru ngủ, còn bị khuyến dụ sống một cuộc đời ích kỷ, vô đạo.
Dian và Tiến Văn kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại.
Tiến Văn