Wednesday 18 November 2015

Khủng bố dù ở đâu, nhân danh lý do gì, cũng bị nhân loại lên án - Song Chi.

Khủng bố ở nước người
Mấy ngày nay, báo chí truyền thông thế giới tràn ngập tin tức về vụ tấn công khủng bố liên hoàn xảy ra ở Paris vào tối Thứ Sáu ngày 13 vừa qua. Có tất cả 6 dịa điểm khác nhau bị tấn công: phòng hòa nhạc Bataclan, sân vận động Stade de France, các nhà hàng, quán bar, café. Con số tử vong được công bố cho đến nay là 129 người chết, hơn 350 người bị thương. Đây được xem là vụ tấn công tồi tệ nhất ở Pháp kể từ sau Thế chiến thứ Hai và là vụ khủng bố đẫm máu nhất ở châu Âu sau vụ đánh bom xe lửa Madrid năm 2004, với 191 người chết và hơn 2.000 người khác bị thương.
Chỉ riêng trong năm nay nước Pháp đã hứng chịu ít nhất 6 vụ khủng bố, dưới những hình thức khác nhau từ bắn súng, đâm, chặt đầu, đánh bom tự sát, trong đó nổi bật là vụ tấn công nổ súng hàng loạt tại tòa soạn tờ tạp chí châm biếm Charlie Hebdo vào tháng Một ở Paris, giết chết 12 nhà báo, họa sĩ, biên tập, nhân viên của tòa soạn và làm bị thương 11 người khác. Và bây giờ là đánh bom tự sát và xả súng hàng loạt.
Paris, thủ đô xinh đẹp của nước Pháp, thành phố của văn hóa nghệ thuật, thời trang, ẩm thực, thành phố của tình yêu và sự lãng mạn, nguồn cảm hứng của biết bao thi nhân, văn sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ…qua bao nhiêu thời đại, lần này đã bị thương nặng.
Tổ chức Islamic State of Iraq and Syria (ISIS), hay đơn giản chỉ là Islamic State (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm, tuyên bố lý do là để trả thù sự tham gia tích cực của Pháp bên cạnh Hoa Kỳ trong những cuộc không kích gần đây ở Syria.
Thời đại thông tin, một sự kiện gì xảy ra ở đâu là ngay lập tức cả thế giới biết ngay. Người ta cũng chứng kiến sự đoàn kết, chia sẻ của thế giới trước nỗi đau của nước Pháp.
Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron, thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng Thư ký Liên hiệp Quốc Ban Ki Moon, Giáo hoàng Francis…lập tức lên tiếng. Nhiều tòa nhà cao hoặc những công trình nổi bật, là biểu tượng ở nhiều quốc gia đã thắp sáng ba màu xanh, trắng đỏ-màu cờ Pháp đề bày tỏ sự đoàn kết và chia sẻ với nước Pháp và nhân dân Pháp. Từ Trung tâm thương mại thế giới World Trade Center ở New York-nơi từng xảy ra vụ khủng bố 11.9.2001 rúng động toàn cầu của Mỹ, tượng đài “The Angel de la Independencia” ở Mexico, tòa tháp CN (CN Tower) ở Toronto, nhà hát Opera hình con sò ở Sydney, bánh xe đu quay khổng lồ London Eye, cầu tháp (Tower Bridge) và sân vận động ở London…
Tại New York, London, Berlin, Auckland, Moscow, Sydney, Rio de Janeiro…mọi người tổ chức những cuộc tuần hành hoặc đơn giản chỉ là tập hợp cùng nhau thức trắng đêm trong im lặng hoặc cùng hát quốc ca Pháp và những bản nhạc Pháp…
Trên mạng xã hội tin tức cũng đi nhanh không kém, kèm theo đó là những phản ứng, quan điểm, cảm xúc, sự chia sẻ của từng cá nhân…Nhiều người đã nhanh chóng thay cover photo bằng những dòng chữ “Pray for Paris”, “Je suis Paris”, biểu tượng hòa bình có hình tháp Eiffel hay màu cờ Pháp… Người Việt cũng không là ngoại lệ.
Bởi, không một người có hiểu biết, có lương tri nào có thể chấp nhận hoặc tán thành những cuộc tấn công khủng bố giết hại dân thường, cho dù nhân danh niềm tin vào tôn giáo, lý tưởng, chủ nghĩa hay điều gì khác, cho dù xảy ra ở bất cứ đâu, với dân tộc nào.
Khủng bố ở nước mình
Từ sự kiện khủng bố xảy ra ở Paris nhiều người Việt nhớ và nhắc lại những hình ảnh cũng đẫm máu, tang thương không kém qua những cuộc khủng bố mà Việt Cộng đã tiến hành ở miền Nam VN trước đây. Chẳng hạn như vụ đánh bom tại rạp hát Kinh Đô năm 1964, tại khách sạn Caravelle Sài Gòn năm 1964, tại nhà hàng nổi Mỹ Cảnh trên sông Sài Gòn năm 1965, vụ pháo kích vào trường tiểu học Cai Lậy, Tiền Giang năm 1974 v.v… Chưa kể vô số những vụ đặt mìn, ném bom, pháo kích…từ các mục tiêu quân sự như trại lính, kho tàng, tàu chở trang thiết bị quân sự, cho tới các mục tiêu dân sự như nhà hát, khách sạn, cầu cống, đường xe lửa, trường học, sân vận động… xảy ra như cơm bữa ở miền Nam lúc bấy giờ, từ thành thị cho tới nông thôn.
Không chỉ khủng bố, Việt Cộng còn tổ chức một số vụ ám sát cá nhân các chính khách Mỹ và SG, trong đó nổi bật là vụ ám sát hụt Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert McNamara của Nguyễn Văn Trỗi năm 1964, vụ ám sát Giáo sư Nguyễn Văn Bông là Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh, người chuẩn bị lên làm Thủ tướng của chính quyền VNCH vào năm 1971, hay vụ ám sát ký giả Từ Chung của tờ Chính Luận năm 1965… Nhắc lại là vì cho đến giờ phút này, nhà cầm quyền VN từ sách giáo khoa cho đến báo chí, truyền thông vẫn tiếp tục ca ngợi những việc làm đó như những chiến công anh hùng; trong khi cũng chính họ, ngày nay lên án những hành động tương tự của các nhóm Hồi giáo cực đoan nhắm vào các nước phương Tây và Hoa Kỳ. Đó là chưa nói đến một khía cạnh tàn nhẫn hơn, các nhóm Hồi giáo thường tấn công giết hại người dân nước khác, còn họ trước đây, là giết chính đồng bào mình.
Thời đó thông tin chưa đi nhanh, lan rộng như bây giờ, nếu có, chắc chắn thế giới cũng sẽ lên án. Không thể viện lý do hoàn cảnh chiến tranh thì phải khác, hoặc chiến tranh thì bên nào cũng tàn ác, Mỹ cũng thả bom B52 xuống miền Bắc đó thôi v.v…Hoặc những lập luận rằng nhắc lại để làm gì, không nên khơi lại hận thù…Có nghĩa là người dân miền Nam nhắc lại những nỗi đau trong cuộc chiến thì không nên, nhưng còn nhà nước này năm nào cũng ra rả nhắc đi nhắc lại những chiến công đánh Mỹ ngụy, năm nào cũng tổ chức ăn mừng chiến thắng nhân dịp này dịp kia thì nên?
Trong giới hạn của một bài viết, không thể đi sâu tranh luận hay giải thích từ việc tại sao Mỹ phải nhảy vào VN, tại sao có những cuộc thả bom miền Bắc, sự thật về những vụ tấn công vào đô thị và nông thôn Miền Nam trong chiến tranh Việt Nam… Thế giới bây giờ có internet, tràn ngập thông tin, tư liệu, cả hồi ký của người trong cuộc, sách nghiên cứu về chiến tranh VN đầy dẫy, không chỉ do người VN tự viết mà do người nước ngoài viết dưới những góc nhìn đa chiều khác nhau. Chúng ta nên đọc, tìm hiểu và tự rút ra kết luận, đừng để cho đầu óc mình bị nhồi sọ một chiều mãi. Chỉ nói vắt tắt một điều, những hành động đánh bom, gài mìn vào những khu dân sự có đông dân cư, những vụ ám sát cá nhân các chính khách hay kể cả pháo kích bừa bãi vào làng quê… là khủng bố, dù khi đó được nhân danh lòng yêu nước.
Trong một status đăng trên facebook về vụ đánh bom ờ nhà hàng Mỹ Cảnh năm xưa, facebooker Mạnh Kim kết luận:
“Câu chuyện ở đây được nhắc không phải để gieo hận thù, không phải để bới móc nỗi đau quá khứ của một dân tộc đảo điên với nội chiến và phân chia ranh giới không chỉ ý thức hệ mà cả lòng người. Nhắc lại để thấy sự khác biệt giữa chiến tranh với khủng bố, giữa việc người lính hai bên cầm súng bắn nhau trên trận tuyến khác với việc giết thường dân ở một địa điểm không là chiến trường, giữa việc hể hả với thành tích giết người với nỗi đau tột cùng của những nạn nhân thường dân, giữa sự mưu cầu yên bình với sự thỏa mãn mục đích chính trị “gây tiếng vang”. Nhắc lại, lần này, để thấy cần phải gọi tên cho chính xác một hành vi và cần phải xem đó như là một sự phi nhân không bao giờ nên được kể lại với thái độ “chiến thắng” không đúng mực.” (facebook Manh Kim)
Khủng bố ở Little Saigon?
Một sự kiện khác gần đây cũng khiến cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là cộng đồng ở Mỹ, cho tới khá nhiều người Việt trong nước chú ý đến, là việc trong chương trình Frontline của hệ thống truyền hình PBS tối thứ Ba 3.11.2015 đã chiếu phim phóng sự “Terror in Little Saigon”, được thực hiện bởi một nhóm ký giả của tổ chức ProPublica, với hai nhân vật có vai trò chính là đạo diễn Richard Rowley và phóng viên Adam Clay Thompson. Bộ phim lật lại vụ ám sát 6 nhà báo Mỹ gốc Việt trong những năm 80 của thế kỷ XX. Dù không nói rõ nhưng những người làm phim có ý ám chỉ Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, tổ chức tiền thân của đảng Việt Tân bây giờ, đứng đằng sau tất cả những vụ ám sát này.
Người của đảng Việt Tân đã lên tiếng bác bỏ và cho biết sẽ tiến hành những động thái cần thiết để phản đối những người thực hiện bộ phim.
Về chuyện này, thiết nghĩ, Mỹ là một xứ sở tự do, dân chủ, thượng tôn pháp luật, nếu đảng Việt Tân tin chắc Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam trước đây không dính líu gì đến những vụ việc này, họ hoàn toàn có thể kiện tổ chức ProPublica, đài truyền hình PBS và những người làm phim ra tòa và nếu thắng kiện, là một dịp để cho đảng Việt Tân rửa được những tiếng xấu oan, sự nghi ngờ trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài và cả với người Việt trong nước.
Trong khi đó trên trang Change.org cũng đã có lời kêu gọi mọi người ủng hộ và ký tên vào lá thư yêu cầu Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và FBI mở lại hồ sơ các ký giả người Mỹ gốc Việt bị sát hại để nỗ lực làm sáng tỏ vụ việc sau hơn 30 năm, tìm ra thủ phạm cho dù là ai, để đem lại công lý dù muộn màng cho những người đã chết và thân nhân của họ, cũng như đem lại cho người Việt đang sống trên đất Mỹ hay sống ở bất cứ nơi nào, niềm tin vào công lý ở một quốc gia luôn đề cao những giá trị dân chủ, sự thật và công bằng cho tất cả mọi người.
Như đã nói, khủng bố dù nhân danh bất cứ lý do gì, dưới bất cứ hình thức nào, cũng đều không thể chấp nhận, nhất là trong thời đại văn minh ngày nay. Và riêng với VN, một dân tộc đã từng phải chịu đựng chiến tranh, khủng bố triền miên và vẫn đang tiếp tục chịu đựng sự khủng bố dưới mọi hình thức từ công khai đến tinh vi, giấu mặt của nhà cầm quyền để kìm giữ người dân trong sự sợ hãi, hèn nhát và vô cảm, dân tộc đó càng phải lên án mọi hành vi khủng bố với dân tộc khác và với chính dân tộc mình.