Hơn 60 triệu người dân nước Pháp vẫn chưa thoát khỏi cơn bàng hoàng sau vụ khủng bố vừa qua. Người Việt tại Pháp tỏ tình liên đới với quốc gia mình cư ngụ bằng một buổi tưởng niệm tại nhà hát Bataclan, nơi có số tử vong cao nhất của loạt khủng bộ vừa qua.
Nhà hát Bataclan không còn là một nơi địa điểm để vui chơi, giải trí, mà tại nơi đó, bây giờ là hàng ngàn ngọn nến lập loè, hàng ngàn bó hoa với những lời nhắn gửi cho kẻ ra đi cũng như người ở lại. Có thể nói, cả thế giới đã tụ họp về đây để cùng chia sẻ với nước Pháp nỗi đau vô cùng.
«Tôi là một người Việt đã sống bên Pháp lâu rồi, cũng đã vào quốc tịch Pháp nên thành ra vì bổn phận và trách nhiệm cura một người công dân Pháp gốc Việt thì mình cũng có trách nhiệm, thứ nhất là chia buồn đến với những nạn nhân và gia đình, thứ hai nữa mình cũng là người Việt Nam thì trong quá khứ mình cũng đã trải qua những cuộc đau buồn như vậy. Cái thời 60-70 của mình cũng đã từng xảy ra những chuyện như vậy. Chính vì vậy tôi tới đây để cùng chia sẻ với tất cả đồng bào Việt Nam ở đây."
Lời kêu gọi chỉ mới phổ biến một cách vội vã. Lại vào một ngày đi làm đầu tuần. Số người tham dự chỉ khoảng 20 người, tuy vậy đó cũng là một con số đáng khích lệ vì đa số cư ngụ tại vùng ngoại ô Paris. Anh Định, nhà cách Paris khoảng 30 cây số, anh và gia đình đều có mặt, anh nhận xét :
"Mặc dù lời kêu gọi mới tối hôm qua thôi mà hôm nay thấy rất là đông những người Việt Nam sống chung quanh Paris và vùng phụ cận thì tôi cũng rất là mừng là mình thể hiện được tinh thần liên đới đối với những nạn nhân và gia đình của họ."
Là người gửi lời kêu gọi tham gia buổi tưởng niệm, anh Sơn Hà cho biết lý do anh có ý tưởng này :
«Thì cũng giống như những người Pháp thôi, mình thấy có những sự bất công đó thì mình cũng giống như những người Pháp, thứ nhất là mình đến hỗ trợ cho người Pháp, dân tộc Pháp, nước Pháp. Nước Pháp đã cưu mang những người Việt Nam, nên đó chỉ là một sự liên đới với nhau mà thôi.»
Loạt khủng bố vừa qua đã lấy đi ít nhất 129 linh hồn vô tội, họ là những luật sư, kiến trúc sư, là cha, mẹ của những đứa bé, là người con gái mới nhận lời cầu hôn của bạn trai, là cô sinh viên ghé uống ly cafe trước khi về nhà, là nhóm bạn học đi nghe nhạc cuối tuần. Cái chết đến với họ ở lúc không ngờ nhất. Nhà hát Bataclan tối nay lặng lẽ nhìn hàng người ngồi thẫn thờ trước những hình ảnh của bạn bè, người thân được đặt xuống bên cạnh những bó hoa, những ngọn nến toả sáng suốt một khoảng đại lộ Voltaire. Chị Vân cũng đến đây để cùng chia sẻ nỗi buồn:
«Tại vì em muốn cùng với cộng đồng người Việt Nam để cùng chia sẻ với những đau đớn, những người đã tử vong trong cuộc khủng bố này và cùng chia sẻ sự đau thương với gia đình của các nạn nhân.»
Nỗi buồn này không chỉ riêng của người Pháp mà là của tất cả mọi người không phân biệt nguồn gốc, chủng tộc. Cũng có mặt trong đêm tưởng niệm, chị Oanh, cư ngụ ở ngoại ô Paris nói :
«Đây là nỗi đau thương không riêng gì nước Pháp mà tất cả mọi người chúng tôi đến đây để chia sẻ cũng những nạn nhân và những gia đình có con em bị chết trong cuộc khủng bố này. Mình không có ai (chết) và bạn bè cũng không có người nào (chết) nhưng mình cũng thông cảm, con em mình mà nó bị như vậy mình cũng đau thương lắm nên mình cũng thông cảm chung cho tất cả mọi người.»
Trên đại lộ Voltaire, từ nhà hát Bataclan để quảng trường République, cứ một đoạn đường, người ta nhìn thấy mọi người tụ họp chung quanh những ngọn nến, những bó hoa. Bên cạnh đó có những khẩu hiệu như «chúng tôi không sợ, chúng tôi chỉ muốn hoà bình..v.v.. » có những bức thư dài đặt bên cạnh những bức hình của nạn nhân, có những tiếng khóc nức nở, có những tiếng sụt sùi che giấu, những vòng tay ôm nhau, nắm chặt lấy nhau như chia sẻ, như an ủi nhau. Anh Nam cũng đến từ khá xa để tham dự chia sẻ cảm tưởng:
«Tôi nghĩ rằng là anh chị em có mặt ngày hôm nay nó đậm đà ý nghĩ là không những mình nhớ đến quốc gia đã cưu mang mình mà còn nghĩ đến những nạn nhân mà trong tất cả các chế độ mà sự độc tài đảng trị nào cũng đều sinh sản ra những loại người tàn bạo đó. Chúng tôi không biết họ là người hay là gì nhưng mà sự tàn bạo đó vượt ra ngoài sự tưởng tượng của con người. Riêng người Việt Nam của chúng ta thấm và động lòng hơn những người khác ở tại địa phương này, đó là lý do mà anh chị em chúng tôi tự động đến đây hiệp đồng với người Pháp để tưởng nhớ đến thảm trạng mà chính con người đã gây ra cho con người.»
Không chỉ có người Pháp mà nhiều, rất nhiều sắc dân khác nhau đến để chia sẻ nỗi đau với nước Pháp. Xen vào dòng người đông đảo nhưng lặng lẽ đó, nhóm người Việt cùng cất lên lời cầu nguyện Chúa ban phước lành cho những nạn nhân, và cùng cất tiếng tụng kinh để đưa 89 linh hồn về cõi vĩnh hằng. Với chị Mai, đó cũng là một cách giữ gìn bản sắc dân tộc, chị nói:
«Hội nhập hoàn toàn với xứ sở tiếp cư nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng, tức là vẫn nói tiếng Việt và cầu nguyện bằng tiếng Việt.»
Cạnh một gốc cây trước nhà hát Bataclan, ai đó đã vẽ một bức tranh phỏng theo Picasso để tượng trưng cho sự đổ vỡ, một người cầm phấn vẽ xuống đất chữ Paris lồng trong hình trái tim, một người Algerie vẽ lá cờ nước họ bên cạnh lá cờ Pháp, một nhóm trẻ nắm tay nhau hát bài quốc ca Pháp….v.v….mỗi người thể hiện tình liên đới của mình theo cách riêng của họ, rất riêng và cũng rất chung. Hiện diện, chỉ là sự hiện diện cũng đã hơn bao nhiêu lời chia sẻ. Đặc biệt trong nhóm người Việt đêm nay có khá nhiều người trẻ đi theo Cha, Mẹ tham dự buổi tưởng niệm. Một cô gái tên Ngọc Thảo nói:
«Cảm động…..bởi vì điều này làm tôi xúc động. Tôi cũng là người Việt Nam, chúng ta phải cùng tập hợp lại để tưởng niệm những người đã chết.»
Đêm khủng bố ở Bataclan là đêm mà ban nhạc rock Des Eagles of Death Metal nên có rất nhiều thanh niên, sinh viên trẻ đến nghe nhạc. Cô gái trẻ Diễm Hương, theo mẹ đến đây cho biết, nếu mà cô có mặt hôm đó cùng các bạn thì giờ này có lẽ cô cũng là một nạn nhân, cô nói:
«Hôm nay con đi với cộng đoàn Việt Nam vì con không bị mất ai trong gia đình con. Con thấy người ta buồn nên con cũng buồn vì nếu mà ngày đó con ngồi trong quán ăn đó thì có lẽ con cũng bị (là nạn nhân) vậy thôi !»
Từ nhà hát Bataclan, nhóm người Việt đi dọc theo đại lộ Voltaire đến quảng trường Republique, ở một góc đường, họ dừng lại giữa một nhóm khác đang thắp nến và đặt vòng hoa, tại đây, họ đã để lại một tờ giấy ghi bằng tiếng Việt: Chúng tôi là Paris với hình linh mục Nguyễn Văn Lý.
Qua hành động khủng bố này, anh Jean Pierre liên tưởng đến nạn nhân của cuộc thảm sát Mậu Thân hơn 40 năm về trước, anh nói:
«Tôi đến đây để tưởng niệm những người đã chết cũng như nghĩ tới thảm sát Mậu Thân. Thảm cảnh mà người Việt đã bị Cộng sản Việt Nam giết trong những năm còn chính sử VNCH.»
Cúi đầu ngậm ngùi cho những nạn nhân, nhưng ngẩng cao đầu trước khủng bố. Mọi người đều bảo nhau không nên sợ hãi. Anh Bá Linh nói:
«Nhắc nhở nhau : mọi người cùng phải can đảm lên. Cái thiện phải thắng cái ác. Không được sợ hãi những cái ác ôn.»
Sau mỗi mất mát, ngoài niềm đau, nó còn là một động lực để mọi người cùng đoàn kết lại, đứng lên trước mọi hành động man rợ của kẻ khủng bố. Anh Nam nói:
«Tôi nghĩ sự có mặt của mình cũng nói lên rằng là chúng ta không bao giờ để cho bạo lực, không bao giờ để cho khủng bố làm cho chúng ta cùng bước, mà ngược lại nó phải là một sức mạnh để mà thúc đẩy anh chị em chúng ta ngồi lại gần nhau để chống lại bạo lực đó. Tôi nghĩ rằng đây là ý nghĩa rất lớn là chúng ta không sợ. Như chúng ta thấy, trước các chỗ tưởng niệm người ta để những hàng chữ : «không sợ, và không bao giờ nên sợ trước bạo lực.»
Ba ngày quốc tang đã qua, đời sống Paris gần như đã trở lại bình thường, xe vẫn tiếp nối nhau trên đường, các sinh hoạt đã trở lại nhịp sống thường lệ của nó, và ngày mai cũng lại là một ngày làm việc như mọi ngày, mọi người chia tay ra về khoảng 8.30 tối, quảng trường République vẫn còn rất đông người trong ánh điện rực sáng. Nước Pháp cũng sẽ lại đứng dậy sau mỗi lần mất mát.