Tuesday 16 August 2016

Bài học mới cho các nhà xuất bản Mặc Lâm, biên tập viên RFA

000_HKG2005050159165.jpg
Nhiếp ảnh gia chiến trường, ông Hubert Van Es (trái), nổi tiếng với bức ảnh người dân di tản bằng trực thăng từ nóc nhà chụp tại Sài Gòn cuối tháng 4/1975. Ảnh này chụp tại Viện bảo tàng chiến tranh TPHCM hôm 28/4/2005.
 AFP photo
















Hệ thống Xuất bản Việt Nam lại có thêm một bài học khá buồn khi bị cho rằng đã dựng đứng một tấm hình bôi bẩn hình ảnh người tỵ nạn trong biến cố 30 tháng Tư.
Photoshop một bức ảnh lịch sử
Câu chuyện đang lưu truyền trên mạng xã hội, gây chú ý cho nhiều người, nhiều giới vì nội dung của tấm ảnh khá nhạy cảm dễ gây cảm giác cho người xem là Nhà xuất bản Trẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp tay cho tác giả quyển sách ảnh truyền bá tấm ảnh này.
Trong cuốn “150 năm hình bóng Sài Gòn 1863-2013”, do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2015, tại trang 268 của cuốn sách đăng bức ảnh lịch sử nổi tiếng của phóng viên Hà Lan Hubert Van Es chụp cảnh tượng người di tản chen chúc nhau trên nóc nhà để leo lên chiếc máy bay trực thăng vào trưa ngày 29-4-1975 tại Sài Gòn, bức ảnh này được đánh số 514 với chú thích "Người di tản chen nhau trèo lên nóc một tòa nhà, trên đường Thống Nhất, để được trực thăng chở đi".

Trong việc này tác giả nhầm lẫn vì tôi nghĩ ông ấy làm nhiều như thế thì ở địa vị tôi thì tôi cũng có thể bị nhầm. Mình tìm hiểu trên mạng mà cứ tưởng là thật nên cứ đưa vào. Tôi nghĩ ông tác giả cũng đã nhận lỗi rồi.
- Dịch giả Phạm Nguyên Trường 
Ngay phía bên dưới của bức ảnh này là một bức khác có nguyên trạng của bức thứ nhất với tòa nhà và chiếc trực thăng giống như bức ảnh gốc phía trên, nhưng bức thứ  hai đánh số 515 có thêm hình ảnh của một người đàn ông đạp chiếc cầu thang dã chiến khiến cho rất nhiều người rơi xuống.
Bức ảnh số 514 của nhiếp ảnh gia người Hà Lan Hugh Van Es, đúng ra có dòng chú thích trong nguyên bản “Sài Gòn ngày 29 tháng Tư 1975. Một nhân viên CIA giúp những người di tản Việt Nam lên trực thăng của Air America từ nóc tòa nhà số 22 đường Gia Long, cách sứ quán Hoa Kỳ khi ấy nửa dặm”  – Nguồn ảnh: Hugh Van Es/ NBC NEWS.
Còn bức ảnh thứ hai có một người đạp chiếc thang chắc chắn không thể là của Hugh Van Es, vì trong cùng một phối cảnh khó có hai tình huống khác nhau cùng lúc vì nhiếp ảnh gia lúc ấy bị cuốn theo dòng người một cách hối hả, chưa nói là phải chạy đua với thần chết khi quân đội miền Bắc đã tràn vào tới quân trường Quang Trung và đang tiến vào Sài Gòn.
Bức ảnh thứ hai cũng là tác nhân khiến câu chuyện bùng lên sự phản ứng dữ dội và kéo dài trên mạng xã hội, nhất là vào ngày 11-8, trên Facebook của mình, họa sĩ thiết kế Trương Huyền Đức có nick name Duc.Truong Huyen khẳng định rằng bức ảnh đã được photoshop này là “tác phẩm” của anh.
Họa sĩ Trương Huyền Đức kể lại vào năm 2010 trong một cuộc họp nhóm giữa những người thiết kể trẻ trong đó chỉ có anh là người Việt còn các bạn khác đều là người Mỹ. Hôm ấy anh Đức thuyết trình phần lịch sử chiến tranh Việt Nam cho bạn bè trong nhóm, Đức đã lấy tấm ảnh của nhiếp ảnh gia người Hà Lan chụp, nội dung cho thấy một dòng người đang leo lên chiếc thang để lên chiếc trực thăng đón người di tản trên tầng chóp của toà nhà số 22 Gia Long tức 22 Lý Tự Trọng bây giờ. Dù theo kế hoạch thì di tản nhân lực CIA nhưng rất nhiều nhân viên đều nhường cho người thân và những người có làm việc với Mỹ đi trước.
Họa sĩ thiết kế Trương Huyền Đức cho biết trong khi nhìn bức ảnh, một người trong nhóm buộc miệng cho rằng nếu một tay lực sĩ nào đó đạp chiếc thang đang có hàng trăm người đeo vào thì sự thể ra sao nhỉ? Từ câu nói đó họa sĩ Trương Huyền Đức đã dùng phần mềm Photoshop chỉnh sửa bức ảnh trong đó có người đưa chân đạp chiếc thang và dòng người lộn nhào trong không trung với mục đích đùa vui và quên bẵng nó.
Không cần nhìn bức ảnh người nghe chuyện cũng biết sự kinh hoàng sẽ ra sao khi hàng trăm người rơi từ trên cao trong cuộc trốn chạy của mình.
Sự bất cẩn khó chấp nhận
000_ARP3893343.jpg-400.jpg
Các nhiếp ảnh gia báo chí nước ngoài tập trung tại sân bay Đà Nẵng hôm 21/4/1975. AFP photo
Sự bất cẩn của Nhà xuất bản Trẻ thật khó giải thích vì bức ảnh này rõ ràng khó thể là ảnh thật nhưng tại sao nó lại thoát qua mạng lưới kiểm duyệt dày dặc của Nhà xuất bản Trẻ?
Nhà báo Vũ Kim Hạnh, cho biết kinh nghiệm của bà với tư cách là một Tổng biên tập của báo Tuổi trẻ trước đây về vấn đề tư liệu mà một cơ quan báo chí hay xuất bản cần có, nhằm xác minh hình ảnh trước khi chấp thuận cho nó in ra. Nói với chúng tôi nhà báo Vũ Kim Hạnh chia sẻ:
Tờ báo nào nó cũng có kho tư liệu hết. Kho tư liệu chính thức của nó phải tập trung hình ảnh hay văn bản, tài liệu nào có ý nghĩa lịch sử. Tấm hình đó là tấm hình nên có trong kho tư liệu. Cái ảnh ngày 30 tháng Tư và nếu như người đọc người ta biết mà người ta đưa tấm ảnh lạ hơn cái mà mọi người thường thấy thì Nhà xuất bản nó nên đi tìm ở kho tư liệu, thí dụ như báo Tuổi Trẻ thì chắc chắn nó có và nó nên tham khảo cái đó chứ! Nhà xuất bản Trẻ nó đủ sức để làm một kho tư liệu như vậy. Còn thư viện Tổng hợp quốc gia thì thực ra tôi không biết việc thu xếp trong kho tư liệu của họ như thế nào.
Trong thời đại thông tin kỹ thuật số như hiện nay mạng lưới Internet toàn cầu cho phép con người có thể tìm kiếm thông tin chính xác chỉ sau vài phút tìm kiếm điều muốn biết trên mạng. Một bức ảnh bị tình nghi chỉnh sửa ngoài phương tiện sẵn có của nhiều phần mềm xác định tấm ảnh có bị chỉnh sửa hay không, người tìm sự thật còn có thể dùng Internet như một công cụ truy tìm nguồn của tấm ảnh.
Bây giờ công nghệ phát triển, những tài liệu trôi nổi trên mạng mà không có nguồn gốc thì mình phải đặt dấu hỏi.
- Bà Quách Thu Nguyệt
Bà Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc và cũng là Tổng biên tập của nhà xuất bản Trẻ trước đây cho biết sự chặt chẽ của hệ thống biên tập một cuốn sách trước khi chấp thuận cho nó được in, bà Nguyệt cho biết:
Thật ra quy trình biên tập cũng khá chặt chẽ, thế nhưng chuyện này cũng là sự cố kỹ thuật thôi tại vì sử dụng hình ảnh trên mạng thì nói chung là rất khó. Quy trình biên tập thì rất chặt chẽ tức là khi biên tập xong thì phải qua khâu duyệt của Trưởng ban biên tập, rồi Trưởng ban biên tập lại qua khâu duyệt của Phó giám đốc phụ trách nội dung và sau đó mới đến Tổng Biên tập và cuối cùng thì Giám đốc mới ký quyết định cho in. Nói chung quy trình đó khá chặt chẽ.
Hôm trước tôi mới dạy trong một lớp cho biên tập viên thì tôi cũng nói điều này: đó là lâu nay có những quy định trong kỹ năng biên tập mà nhiều khi đội ngũ biên tập không chú ý tới điều này: đó là chuyện dẫn nguồn, sử dụng nguồn đều phải ghi rõ nguồn gốc. Bây giờ công nghệ phát triển, những tài liệu trôi nổi trên mạng mà không có nguồn gốc thì mình phải đặt dấu hỏi.
Bên cạnh đó, số vốn kiến thức của một biên tập viên của nhà báo hay nhà xuất bản là rất cần thiết. Sự việc tấm ảnh về người di tản này có thể nói ai từng sống trong khung cảnh của ngày 30 tháng 4 đều khó mà quên được vì tấm ảnh đã quá nổi tiếng và được xem là buốt tim trong ngày lịch sử này. Việc cho qua tấm cảnh bị photoshop là đáng trách và nói theo bà Quách Thu Nguyệt chỉ có thể hiểu là cả tin, cả tin vào danh tiếng của một nhà nhiếp ảnh như ông Tam Thái.
Thực ra đây là cái sơ sót của chính tác giả và chủ quan của tác giả cũng như cái sơ sót và chủ quan của biên tập. Bản thân tác giả rất tự tin, anh Tam Thái là một nhà nhiếp ảnh nổi tiếng và phải ghi nhận tấm lòng của ảnh khi làm bộ sách này nhưng do ảnh hơi bị quá tự tin và chủ quan ở chính mình tức là đối với một bức ảnh quá quen thuộc của mốc giai đoạn lịch sử năm 1975, tấm ảnh quá độc đáo nhưng cái lỗi của anh Tam Thái ở đây là sau này ảnh thừa nhận được lấy từ Internet và ảnh lại tự thân, rất chủ quan, chú thích dưới bức ảnh đó. Còn biên tập viên lại rất chủ quan vì tin tường vào uy tín của tác giả mà không để ý tới nguồn gốc của hình ảnh.
Sự việc bị vỡ lở sau hơn một năm phát hành, cuốn sách nhận được sự tẩy chay thầm lặng của người hiểu chuyện và Nhà xuất bản Trẻ đã nhanh chóng yêu cầu ông Tam Thái giải thích về hành động lấy tấm ảnh đã bị chỉnh sửa bỏ vào chính cuốn sách của ông.
Hai lần sai
400.jpg
Bức ảnh đúng (trái) và bức ảnh bị chỉnh sửa (phải).
Theo một bài báo đăng trên tờ Tuồi Trẻ số mới nhất cho biết nhiếp ảnh gia Tam Thái tỏ ra rất buồn bã, ông thừa nhận đây là một tai nạn nghề nghiệp rất đáng tiếc của ông. Bức ảnh này do chính ông lấy về từ mạng Internet. Ông đã rất chủ quan vì tin đó là ảnh thật, khi xem qua các góc độ chụp và nhìn nội dung thể hiện trên đó trông rất phù hợp với bối cảnh miêu tả ở ảnh của Hubert van Es. Khi quyết định đưa vào sách, ông đặt hai bức ảnh này cạnh nhau để làm nên một câu chuyện liền mạch. Dòng chú thích dưới ảnh cũng được chính ông viết ra theo cảm nghĩ và từ một phần nội dung trong bài phỏng vấn Hubert Van Es khi ông này quay lại Sài Gòn do ông Tam Thái đọc được trên mạng”.
Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn so với chính bản thân tấm ảnh, bởi dòng chú thích của nhiếp ảnh gia Tam Thái bên dưới bức ảnh đã bị Photoshop, ông viết:
“Nhưng khi quá đầy, cái cầu thang dã chiến bị đạp văng ra... Năm 1990, phóng viên này có dịp trở lại Việt Nam, ông kể: Vẫn không thể nào quên giây phút ấy”.
Dòng chú thích cho thấy một sự nói dối trắng trợn và vô hình trung đã hướng câu chuyện bức ảnh chế sang một góc khác, rất tiêu cực và không ít người nhìn nó như một hành vi bóp méo sự thật một cách ngờ nghệch vì bức ảnh của Hubert van Es đã nổi tiếng khắp thế giới không thể có bức một thứ hai dựa vào nguyên bản để “thử thách” tâm lý người xem.
Tui nghĩ chuyện lấy cái hình không hài bằng chuyện viết thêm chú giải như thật để hợp thức hoá cái hình, Việt Nam mình cứ quen làm ẩu rồi hợp thức hoá cho tồn tại, thật đúng quy trình quá đi
- Họa sĩ Trương Huyền Đức
Họa sĩ Trương Huyền Đức, tác giả bức ảnh Photoshop này viết trên Facebook của mình như sau:
“Tui nghĩ chuyện lấy cái hình không hài bằng chuyện viết thêm chú giải như thật để hợp thức hoá cái hình, Việt Nam mình cứ quen làm ẩu rồi hợp thức hoá cho tồn tại, thật đúng quy trình quá đi”.
Và rồi tác giả bức ảnh châm biếm này chỉ biết than thở:
“Ai dè châm biếm lại thành ra tưởng thật thế này, mình nghĩ như vậy cũng phụ lòng những con người đã nỗ lực bảo vệ đồng minh của họ và cũng là đồng bào của chúng ta trong ngày loạn lạc ấy, có thể lúc đó họ không cùng tư tưởng hay chiến tuyến, nhưng họ đã cư xử đàng hoàng, đặt vào tay họ một tội ác không tồn tại, thật vô nghĩa.”
Dịch giả Phạm Nguyên Trường đang sống trong nước, đã chứng kiến rất nhiều chuyện lấy hình ảnh trên Facebook vô tội vạ, không trích nguồn đang là vấn nạn chung của hàng trăm ngàn người, ông cho biết nhiếp ảnh gia Tam Thái có lẽ chỉ nhầm lẫn và đáng để cộng đồng bỏ qua vì ông đã lên tiếng nhận lỗi rất chân thành. Dịch giả Phạm Nguyên Trường nói:
Ngày hôm qua tôi thấy ông tác giả nói trên TV thì tôi nghĩ có lẽ ông ấy không thận trọng chứ không phải cố tình ăn cắp vì bức ảnh không phải của ông ấy mà tác giả là người Mỹ. Theo tôi thì ông ấy thiếu phối kiểm chỉ thấy ảnh là đưa vào thôi. Tôi đọc thấy một số bạn trên Facebook phê phán một số người lấy ảnh hay lấy những cái khác mà không chịu dẫn nguồn chứng tỏ là hành động không hay. Tôi nghĩ rằng nếu không biết nguồn thì không nên dùng. Trong việc này tác giả nhầm lẫn vì tôi nghĩ ông ấy làm nhiều như thế thì ở địa vị tôi thì tôi cũng có thể bị nhầm như thế. Mình tìm hiểu trên mạng mà cứ tưởng là thật nên cứ đưa vào. Tôi nghĩ ông tác giả cũng đã nhận lỗi rồi.
Câu chuyện về tình trạng vô tình hay cố ý của rất nhiều tác giả trong nước cầm nhầm hình ảnh, tác phẩm của người khác cũng như lấy hình ảnh, âm thanh của người khác mà không trích nguồn đang được cộng đồng mổ xẻ cho thấy tuy Intertnet giúp cho con người nhanh chóng tiếp cận điều hay và quý giá trên khắp thế giới, nó cũng là con dao hai lưỡi nếu không biết những cạm bẫy giăng đầy trên đó, mà một trong những chiếc bẫy nhẹ nhàng nhất là quên không trích dẫn nguồn xuất phát của tác phẩm mà mình lấy xuống.