Friday, 19 August 2016

KHÔNG LẬT LỌNG KHÔNG LÀ CỘNG SẢN!

Thưa quí thính giả, mục Quan Điểm hôm nay tạm gác lại một kỳ, để mời quí thính giả theo dõi bài bình luận nhân sự kiện Hà Nội quyết định hủy bỏ vào phút cuối buổi tưởng niệm 50 năm trận đánh Long Tân giữa quân đội Hoàng Gia Úc và Việt Cộng, mà hai nước đã thỏa thuận từ 18 tháng qua. Bài do Huỳnh Khánh Hòa biên soạn, do Song Thập trình bày.

Hơn 40 năm trước, cố tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên bố một câu bất hủ: “Đừng tin những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì cộng sản làm”. Mấy chục năm trôi qua, người dân Việt càng lúc càng thêm thấm thía câu nói “để đời” này của ông Thiệu. Lý do là nó lột tả chính xác được bản chất đích thực của người cộng sản là gian dối, xảo quyệt và lật lọng.

Điều đáng nói là cố tổng thống Thiệu đưa ra câu tuyên bố bất hủ nói trên trong bối cảnh diễn ra hội nghị Paris. Ông muốn cảnh cáo thế giới là phải đề phòng sự lật lọng của người cộng sản về các ký kết của họ với thế giới. Thế nhưng cay đắng thay, không bao nhiêu người, từ giới chính khách Âu châu cho đến giới trí thức VN, lưu ý đến lời cảnh báo đó. Hậu quả bi thảm là trong khi các chữ ký trong hiệp định Paris vẫn chưa kịp ráo mực thì cộng sản Bắc Việt huy động hàng chục sư đoàn vượt vĩ tuyến 17 để tiến đánh VNCH, dẫn đến ngày đen tối 30/4/1975 và làn sóng thuyền nhân VN gây chấn động dư luận thế giới.

Điều mỉa mai là các nước Tây phương đến ngày hôm nay cũng không nhớ đến quá khứ lật lọng đó của người cộng sản VN. Điển hình là chính phủ Úc vừa bị CSVN giáng cho một cú đá chí tử khi đột ngột hủy bỏ buổi lễ tưởng niệm 50 năm trận đánh Long Tân.
Long Tân là một cuộc giao chiến đẫm máu, trở thành huyền thoại trong quân sử Úc khi một đại đội Úc lọt ổ phục kích của một trung đoàn Việt Cộng vào chiều tối ngày 18 tháng 8 năm 1966 tại một khu rừng cao su thuộc địa phận xã Long Tân, tỉnh Bà Rịa, cách căn cứ Núi Đất của quân Úc trú đóng không đầy 10 cây số.

Lẽ ra với chênh lệch quá lớn về quân số và hỏa lực, đại đội Úc phải bị tiêu diệt sạch sẽ. Thế nhưng với truyền thống gan lì và thiện chiến, hơn 100 binh sĩ Úc đã dũng mãnh chiến đấu suốt đêm hôm đó, thậm chí là có lúc hết đạn, phải đánh cận chiến bằng lưỡi lê với Việt Cộng. Vào rạng sáng ngày 18/8, khi quân cứu viện ở Núi Đất kéo đến thì trung đoàn Việt Cộng vội vã rút lui, bỏ lại 245 thi hài bộ đội và du kích trên chiến trường, trong khi phía Úc có 18 binh sĩ tử trận và 25 binh sĩ bị thương.

Trận đánh nói trên trở thành một dấu ấn khó quên trong quân sử Úc, trở thành biểu tượng hào hùng của 60 ngàn quân nhân Úc tham chiến ở VN, dù thuộc dạng trưng binh hay tình nguyện nhập ngũ. Lý do là họ đã thừa kế truyền thống anh dũng của hàng trăm ngàn chiến binh Úc đã nằm xuống trên khắp các chiến trường đẫm máu của thế giới, từ trước thế chiến thứ nhất cho đến cuộc chiến Cao Ly.

Dường như không có quốc gia nào trên thế giới có được ngày quân lực đi kèm với một cái tên riêng như quân Úc và Tân Tây Lan. Đó là ngày ANZAC, lấy chữ tắt của quân đoàn “Australian and New Zealand Army Corporation”, tức binh sĩ hai thuộc địa mà mẫu quốc Anh thành lập để đổ bộ lên bán đảo Gallipoli vào ngày 25/4/1915 với nhiệm vụ thu hút hỏa lực liên quân Đức – Thổ Nhĩ Kỳ để quân đồng minh đổ bộ lên Âu châu. Hơn 16 ngàn binh sĩ Úc và Tân Tây Lan đã tử thương trong cuộc chiến bi thảm kéo dài suốt 6 tháng, nhưng sau đó ngày 25/4/1915 được Úc và Tân Tây Lan chọn làm ngày khai sinh quân lực của hai nước.

Vào năm ngoái, cả hai nước đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm thành lập quân đội. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất sốt sắng trong việc trợ giúp cho buổi lễ có tính cách thiêng liêng này tại Gallipoli, nơi có các nghĩa trang chôn cất cả quân Úc lẫn quân Thổ sau trận chiến đẫm máu nói trên. Các nghĩa trang này được Tổng thống Mustafa ra lệnh xây dựng. Tướng Mustafa chính là vị tổng chỉ huy quân đội Thổ đánh bại đạo quân ANZAC trong trận chiến đó, với câu tuyên bố xúc động lòng người: “Trước đây họ là kẻ thù của chúng ta, nhưng họ đã nằm xuống trên mảnh đất này thì trở thành huynh đệ của các quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ khi được chôn chung tại đây”. Kể từ đó, Gallipoli trở thành nơi hành hương của nhiều quân nhân Úc và Tân Tây Lan suốt một trăm năm qua và luôn được dân Thổ tiếp đón nồng nhiệt.

Thế nhưng sau bao thập niên ra rả hô hào xóa bỏ hận thù, nhà cầm quyền VN đã lật lọng vào giờ chót sau 18 tháng đàm phán với Úc về việc tổ chức buổi tưởng niệm 50 năm trận đánh Long Tân, mặc dù phía Úc đã chấp nhận mọi điều kiện mà Hà Nội đưa ra, trong đó có việc sẽ không mặc quân phục, đeo huân chương và thậm chí là không tấu quân nhạc trong buổi lễ ở tưọng đài Long Tân.

Là một người VN, dù đứng ở chiến tuyến nào trong cuộc chiến quốc – cộng trước đây, không ai là không thấy đau lòng trước con số người Việt thiệt mạng dưới tay quân đội Úc trong trận đánh Long Tân, Nhưng cho dù thua một trận đánh đó, người cộng sản vẫn chiếm được miền nam và thống trị suốt 50 năm qua thì tại sao phải có hành động lật lọng, gây tổn hại đến uy tín của chế độ trên trường quốc tế? Tại sao không học tấm gương của nước Thổ để củng cố mối quan hệ tốt đẹp hơn với nước Úc, một quốc gia đã trợ giúp rất nhiều cho VN suốt mấy thập niên qua mà không hề đòi hỏi VN phải đền đáp lại bất cứ điều gì? So với Trung Cộng thì giao dịch với Úc rõ ràng là có lợi hơn nhiều, điển hình như chiếc cầu treo Bắc Mỹ Thuận do nước Úc tài trợ và xây dựng.
Rất tiếc là những cái đầu đầy “bùn đất” ở Ba Đình không tiên liệu được hậu quả của việc lật lọng này. Trước sự phẫn nộ của dân chúng Úc, chắc chắn trong thời gian tới đây, nhiều ngân khoản viện trợ của Úc, kể cả các học bổng dành cho du học sinh VN, sẽ bị cắt giảm bởi cung cách hành xử “thiếu lịch sự và thiếu văn minh” của tập đoàn lãnh đạo VN.

Nhưng đây cũng là bài học cay đắng cho chính phủ Úc vì không nắm vững thông điệp quan trọng mà Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu muốn nhắn gửi từ hơn 40 năm trước.
Thông điệp đó là: “Không lật lọng không phải là cộng sản”!

Huỳnh Khánh Hòa
(18/8/2016 – Viết để chia xẻ sự phẫn nộ của dân chúng Úc trong ngày tưởng niệm 50 năm trận đánh Long Tân)