Chủ Nhật, ngày 14/8 vừa qua cả nhà đi thăm anh Thức. Mùa này tại Nghệ An thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ lên tới 39-40 độ. Sáng Chủ Nhật gia đình dậy sớm để đi xe đò ra Trại giam số 6. Trời có mưa nhỏ nguyên buổi sáng nhưng vẫn nắng nóng và rất hầm do độ ẩm không khí cao.
Trong lúc đang đi bộ để rẽ vào phòng thăm gặp anh Thức mà mấy tháng nay chúng tôi vẫn gặp anh Thức ở đó thì có một công an đi xe đạp từ phía trong ra chặn chúng tôi lại và hỏi chúng tôi đi đâu mà đi đường này (do không biết chúng tôi đi thăm ai). Chúng tôi cũng bất ngờ và nói là đi thăm gặp thân nhân. Anh công an đi xe đạp này mới nói là sao lại đi đường này mà không đi vào bên kia (vừa nói anh ta vừa chỉ vào Nhà Thăm Gặp của trại giam). Ngay lúc đó, một anh công an khác chạy xe gắn máy từ phía sau chúng tôi chạy đến nói với anh công an đi xe đạp là “gia đình đi thăm Trần Huỳnh Duy Thức” và kêu chúng tôi tiếp tục đi vào. Anh công an đi xe đạp mới thôi và cho chúng tôi tiếp tục đi vào. Qua chuyện này, chúng tôi mới biết rằng Trại giam số 6 có sự phân bệt đối xử với anh Thức và gia đình chúng tôi: Phải thăm gặp ở một nơi riêng biệt, có vách kính ngăn cách, nói chuyện qua điện thoại, có ghi âm và có người giám sát, ghi chép nghiêm ngặt…
Anh Thức hỏi thăm sức khoẻ của Ba sau khi phải nhập viện vào Tháng 5 vừa rồi và nói: “Ba phải khoẻ thì trong này con mới khoẻ được.”
Sau một hồi hỏi thăm sức khoẻ và tình hình của mọi người trong nhà, anh Thức nhắc lại nội dung bức thư số 41A(*) mà ảnh đã viết và kêu gọi việc Thượng Tôn Pháp Luật và thực hiện Quyền Con Người. Trung Quốc, một quốc gia mà pháp luật không được tôn trọng, không lấy quyền con người làm căn bản, tuy rằng đã trở thành cường quốc nhưng sẽ không bền vững, đang bị mất dần uy trên thế giới và bị cô lập. Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để thực hiện thượng tôn pháp luật và lấy quyền con người làm căn bản để trở nên tốt đẹp nên hãy nắm lấy cơ hội này, không thể để trễ chuyến tàu.
Xin nói thêm là anh Thức có yêu cầu gia đình làm đơn tới giám thị Trại giam số 6 để yêu cầu ông ta trả lời lý do gì và cơ sở pháp lý nào mà Trại giam không cho anh Thức gửi các bức thư số 67, 68A, 69C về nhà (đây là các bức thư anh Thức viết về nguy cơ của Trung Quốc từ lúc chưa xảy ra vụ Formosa).
Khi đang nói về vấn đề trên thì anh Thức bị một cán bộ công an đang ngồi sát bên cạnh nhắc nhở rằng anh Thức không được nói đến những vấn đề đó, chỉ được hỏi thăm gia đình. Chúng tôi và anh Thức bức xúc phản ứng lại hành động này bởi lẽ không hề có điều luật nào cấm tù nhân khiếu nại, tố cáo sự sai trái, không đúng luật. Khi cán bộ đó không trả lời được câu hỏi đó từ anh Thức thì đành phải để anh tiếp tục bàn với gia đình.
Vào cuối buổi thăm gặp, khi chúng tôi hỏi anh Thức về tình hình của anh trong đó thì anh mới cho biết rằng bắt đầu từ đầu tuần (từ ngày 8/8) Trại giam bắt buộc anh Thức phải đi lao động, xếp giấy vàng mã, 8 tiếng một ngày. Anh Thức yêu cầu Trại giam phải có hợp đồng lao động hợp pháp với ảnh vì theo luật tất cả các hình thức lao động đều phải dựa trên tinh thần tự nguyện. Nhưng Trại giam đã không đáp ứng yêu cầu ký hợp đồng lao động, vì thế anh Thức đã từ chối đi lao động cưỡng bức. Và vì lý do đó, trong suốt 8 giờ lao động mỗi ngày Trại giam đã cúp điện phòng giam của ảnh. Anh Thức đã phải chịu cảnh trong phòng giam tăm tối không đèn, không quạt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Nghệ An nóng trên 41 độ C vào thời gian này. Anh Thức còn yêu cầu gia đình gửi mì gói vào để nếu trại giam giải quyết không thỏa đáng thì ảnh sẽ từ chối không nhận cơm tù.
Đây rõ ràng là sự ngược đãi có chủ đích đối với tù nhân Trần Huỳnh Duy Thức của Trại giam số 6 – Nghệ An. Gia đình chúng tôi bức xúc và lo lắng về tình trạng của anh Thức hiện nay. Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của các luật sư, những người am hiểu về luật pháp Việt Nam nghiên cứu, xem xét và giúp đỡ anh Thức trước sự ngược đãi vô nhân đạo của công an Trại giam số 6.
(*) Xem nội dung thư số 41A tại đây