Dạo này mưa rả rích khiến người ta ngày thường đã lười biếng nay càng thêm oải, lười suy nghĩ lười làm việc lười xem tin tức, thậm chí đôi lúc lười cả thở. Sài Gòn vẫn chen chúc, con người vẫn phải đấu tranh nhích từng chút một, để chiếm lấy cuộc sống cũng như để giành cho mình một chỗ ngồi chờ chết. Tôi cũng vậy. Nhưng đôi khi cố quá thành quá cố. Ngay bây giờ, tôi chỉ muốn nhìn và nghe chứ không còn nhu cầu nói và phản bác; thấy một vài bộ phận trên cơ thể bắt đầu thừa thãi dầu chưa đến tuổi, nhất là vào khoảng thời gian này, hằng năm.
Ngồi trên cái đi-văng gỗ có tuổi già hơn tuổi hai người gộp lại, tay bó gối, tay cầm ly rượu vang đúng kiểu “nông dân mới”, vừa nhìn mưa qua cửa sổ vừa nghe bạn kể về chuyến du lịch xuyên Châu Âu vừa rồi. Những công trình huyền thoại, những ga xe lửa toàn băng ghế trống, những con đường trống trải chỗ đậu xe, những quảng trường rộng lớn, những quán nhậu quốc tế mà bốn người chung bàn đến từ bốn nước khác nhau, những cô điếm đẹp, những thành phố xa hoa, những khu ổ chuột cũng xa hoa, những con hẻm vắng có những quán cafe vắng cùng những con người im lặng. Châu Âu qua lời kể của bạn là một nơi rất yên tỉnh, sạch sẽ, ngăn nắp và lạnh.
Bạn bảo đi xuyên suốt bao nhiêu nước rồi quành về Sài Gòn bỗng thấy sợ. Người sao mà đông quá, bon chen quá, dễ quạu quá. Bạn bảo bạn nhớ Mỹ, nhớ mảnh vườn nho nhỏ trồng đầy rau Việt Nam, nhớ những hôm nằm nhớ đồ ăn Việt Nam da diết, nhớ những câu chuyện về Sài Gòn qua những email của tôi, nhớ những hôm tôi say xỉn nói nhảm nói bậy. Bạn nói rất nhiều, câu được câu không, đến khi xỉn quắc ra về, không biết lên taxi bạn còn nói nổi không. Có lẽ do vừa đi toàn chỗ thưa người nhất ở Châu Âu rồi trở về mảnh đất ngày càng bị quá tải này nên bạn bị sốc thôi! Tôi tự trấn an.
Nói là bạn nhưng tuổi tụi tôi cách nhau rất xa, nói kiểu mấy ông bà già là tuổi bạn có thể đẻ được vài đứa như tôi. Trước khi rời khỏi Việt Nam bạn đã ở Sài Gòn qua hai chế độ, suốt đoạn đường tuổi trẻ và hết trẻ, nên chắc chắn tình cảm của tôi với Sài Gòn không thể so sánh với bạn được. Bạn yêu Sài Gòn không phải bằng tình yêu cố chấp và bồng bột như tôi. Bạn yêu Sài Gòn bằng sự thấu hiểu, bằng những kỷ niệm xưa cũ, và nỗi nuối tiếc thời quá vãng. Vẻ đẹp của ký ức là đậm đặc nhất vì nó gắn với cuộc đời mỗi người, không thể vay mượn. Nên tôi có thể hiểu ánh mắt buồn, cái giọng trầm xuống mỗi khi bạn nghe rằng Sài Gòn bây giờ đang dần trở nên “hết xài” được, không còn là một “Hòn Ngọc Viễn Ðông” nữa rồi. Tôi tin nếu là bạn, tôi cũng tự hào về những nét riêng đó và cũng rất phẫn nộ với sự thụt lùi của Sài Gòn.
Vô số ngôi nhà bị buộc mở cửa đón dân “tị nạn 1975” tràn vào, “chính chủ” thì bị dụ, bị dọa hoặc đuổi khỏi nơi họ sống. Sau mấy chục năm, số người “tị nạn” vẫn chưa ngừng lại. Sài Gòn thì luôn đông, dân chúng đổ về không giới hạn, từ hơn 3 triệu người năm 1975 giờ đã hơn 10 triệu người, rồi cũng có thể là 20, 30 triệu người trong thời gian tới khi khắp các miền Bắc, Trung, Tây gặp đủ loại thảm họa làm dân chúng tìm vào kiếm sống. Chưa kể dân Trung Quốc tràn vô Việt Nam ngày càng nhiều, đang dần coi Ðà Nẵng, Nha Trang, Ðà Lạt là nhà của họ. Có khi tôi tự hỏi, đến khi nào Sài Gòn không thể chứa nổi thêm bất kỳ ai nữa? Sài Gòn có chịu nổi không khi ngày càng gầy guộc héo mòn vì đã và đang phải nuôi và gánh nợ của cả gần trăm triệu người trong cả nước; không những vậy, nó còn bị phá hủy từng ngày. Những người “tị nạn” khi xưa trở thành chủ của những nơi xa hoa lộng lẫy nhất Sài Gòn. Phần lớn dân Sài Gòn cũ bỏ đi nước ngoài, mớ người còn sót lại là không thể đi, không muốn đi, không thèm đi hoặc đi rồi về. Về vài năm cũng lại bỏ đi hoặc chuyển tỉnh khác sống. Nhưng Sài Gòn đã trót là nơi tôi sanh ra, lớn lên và có thể cũng sẽ là nơi tôi chết đi. Nơi đã chứa tất cả mọi khoảnh khắc cần lưu giữ nhất của những năm tháng cuộc đời tôi với bạn bè, người thân, kẻ lạ…
Phần lớn những người từ những tỉnh khác, đều được dặn dò trước khi tới Sài Gòn rằng “Lên đó cẩn thận nghen, ở trển ghê lắm.” Vô số phim Việt Nam diễn cảnh các cô gái, chàng trai nghèo dưới quê lên Sài Gòn bị lừa làm gái hoặc thành người xấu. Sau một đoạn đời lặn ngụp trong tội ác và lột xác, thì họ một là chết, hai là đi tù xong rồi về quê sống. Hứa không lên Sài Gòn nữa. Ðôi khi tôi nghĩ tác giả mấy bộ phim đó sao ghét Sài Gòn của tôi quá vậy? Họ biến Sài Gòn như cái bãi tha ma tồi tệ, nơi bắn giết chà đạp nhau mà vượt lên, tị nạnh ghét ghen để tồn tại. Sau khi thỏa mãn cơn ganh ghét, thì họ bỏ chút muối hột với gạo vô cái dĩa, rải khắp tứ phương gọi là “từ thiện”. À, ở Việt Nam bây giờ, nghề “làm từ thiện” cũng là nghề ăn nên làm ra nhất.
Người Sài Gòn không muốn rời Sài Gòn trừ khi bị hoàn cảnh ép buộc, hoặc phải ra đi vì tương lai của người thân và gia đình. Vậy mà, giờ những người trẻ thường nghe khuyên nhủ như vầy: “Kiếm đường đi nước ngoài càng sớm càng tốt, rồi ở lại bên đó, giàu nghèo gì cũng cứ ở bên đó, đừng có về đây nữa!”
Sau năm 1975, hàng triệu người Việt tị nạn, di tản ra nước ngoài, bây giờ mỗi năm có hàng trăm ngàn người di cư. Ðông nhất là đi Mỹ.
Tôi có nhiều người thân thiết đã đi khỏi Việt Nam. Mỗi lần có ai đó về, đều hỏi tôi: “Sao chưa đi?”
Thuở bé, tôi vùi đầu vô việc kiếm cơm từ rất sớm. Thời đó không có in-tẹc-nét, không có mạng xã hội, nên mê nhất là mỗi khi lượm hay mượn được quyển truyện viết về những xứ sở khác, những khung cảnh, con người xa lạ và kỳ thú. Ngẩn ngơ nghĩ đến khung trời ôn đới mùa đông, làng mạc phố xá phủ tuyết trắng xóa, hay những ngọn núi to và xanh, thơm mùi cỏ dại vùng nhiệt đới. Những lúc ấy, tôi tha thiết ước mong ba má tôi sống lại, thực hiện lời hứa rằng sẽ mang tôi đi du lịch khắp nơi trên tấm bản đồ thế giới. Mỗi nơi đi qua chúng tôi sẽ chụp một tấm hình để dán lên đó, để sau này làm… triển lãm ảnh lạ, vì thời đó – thời kinh tế mới – đối với người Việt thì chuyện đi khắp thế giới là điều viển vông, hơn thế nữa: chuyện… khùng.
Rồi tôi cũng có những chuyến đi, chưa khắp thế giới nhưng cũng kha khá so với suy nghĩ của ba má lúc ngồi nghe tôi chỉ trỏ trên bản đồ những nơi sẽ đến. Càng đi xa tôi càng thấy Sài Gòn, thấy Việt Nam của mình bé lại, và nhận ra mình chỉ là một chấm đen bé tí trong bức tranh nhiều màu sắc. Quê hương không hề mênh mông, tươi đẹp, hùng vĩ, màu mỡ như tôi tưởng. Dân tộc không hề giỏi giang, tài ba, anh hùng trong mắt thế giới như tôi đã học. Có khi tôi nói mình đến từ Việt Nam thì nhiều người liền đổi thái độ. Nếu đủ thân thì họ nói thẳng “đất nước của bạn là một nơi bất ổn!”, hoặc tệ hơn: “tuy mày là người Việt Nam nhưng mà tốt!” Những lúc ấy tôi chỉ cười buồn cho qua. Có những thứ ở đâu cũng có, nhưng khi về Sài Gòn nó lại trở nên khác lạ, và buồn cười. Như mấy hôm nay bọn trẻ con cắm đầu vô săn PoKéMon rồi bị giật mất điện thoại ngồi khóc hu hu mà không ai ngó, chẳng hạn.
Sau mỗi chuyến đi tôi học được một mớ kiến thức, kinh nghiệm sống, đa phần đều không thể áp dụng ở Việt Nam, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ đi khỏi đây, ít nhất là trong lúc này. Tôi sợ cảm giác như người bạn già của mình đang trải qua. Ðêm đêm, nằm co ro ở đâu đó mà nhớ Sài Gòn. Thèm kho quẹt quết rau luộc, thèm xoài sống héo chấm mắm đường, thèm ngồi cà phê cóc, thèm chửi thề khi buồn miệng, thèm nhiều thứ lắm.
Thật ra, khi bất cứ ai hỏi có nên ở lại Việt Nam không, tôi đều dứt khoát trả lời KHÔNG. Nhưng việc ra đi chỉ thật sự tốt cho những người trẻ cần tương lai cho mình, hay những người có con cái, chúng cần một môi trường tốt hơn.
Còn mình, thì tôi vái cả nón, xin tiếp tục tắm ao ta vậy. Vì chỉ sợ chân ướt chân ráo qua bển vài ngày lại vào tù vì tội sàm sỡ, hay công xúc tu sỉ. Bởi, nghe đồn, trai Tây chỗ nào cũng đẹp!
Dạo một vòng Sài Gòn 2016