Thursday, 20 April 2017

VẲNG BÊN TAI TIẾNG HÁT “CỜ BAY” - anchu

Người xe ôm có guơng mặt khắc khổ, nói giọng đặt sệt Quảng Trị hỏi tôi:
– O muốn ra bờ sông có việc hay đi đổi gió?
Tôi khoát tay thoải mái:
– Chơi cho biết thôi, không có gì đâu.
Anh ta lừng chừng:
– Vậy o đừng ra chỗ cầu, nắng lắm, chợ búa ồn ào. Tui đưa o qua chỗ ni, người ta thả hoa đăng mỗi kỳ nớ.
Xe chạy rà rà dọc bờ sông, thấp thoáng mấy mái nhà đồ sộ, bóng dáng cổ kính dù quang cảnh vẫn còn hỗn độn chứng tỏ chưa làm được bao lâu. Tôi hỏi:
– Mấy cái nhà này để làm gì vậy anh?
Trả lời giọng buồn buồn:
– Nhà nước cất để mỗi khi có dịp, thả hoa, thả đèn cúng vong mấy chú mấy bác nằm xuống nơi tê.
Tôi cười tủm tỉm:
– Chớ không phải Nhà nước mình gọi mấy cái chuyện này là mê tín dị đoan à? Sao lại cất hẳn một khu đồ sộ như vầy để cúng tế vong?
Tiếng trả lời nhẹ như tiếng thở dài:
– Biết làm răng o? Chết nhiều như ri, không cúng vong cũng không được mô.
Tôi lặng lẽ đi theo, trèo lên mấy bậc tam cấp nhìn xuống. Khu hoa đăng (theo cách gọi của anh xe ôm) này được xây cất thành 3 ngôi nhà lớn, cái chính giữa cao hơn 2 bên. Thật ra đó là dạng nhà xây theo kiểu thủy tạ, mái ngói uốn cong và trống bốn bề. Xung quanh là những bậc thềm cao thấp, đặc biệt là dẫn xuống tận dưới nước vài bậc. Một vài bạn trẻ đang ngồi hóng mát (hay suy tư ?), không khí yên lặng và man mác buồn. Gió thổi lồng lộng, nước sông trong vắt, bầu trời Quảng Trị hôm nay nghe bảo mát hôm mấy ngày trước, giòng sông Thạch Hãn êm đềm chảy và mây trắng đẹp như thơ lơ lững trôi trên bầu trời xanh ngát.
Tôi bồi hồi nhìn xuống giòng sông, mường tượng nơi đây nhiều năm về trước: “Máu nhuộm đỏ giòng sông Thạch Hãn”. Nơi đây, đã ngã xuống, và mang đi bao nhiêu con người. Chứng tích của chiến tranh vẫn còn, sự đau đớn mất mát bao nhiêu năm qua vẫn trói buộc mảnh đất nghèo nàn này. Nơi đây người ta đã hủy diệt, đã giết chóc, đã nhắm mắt tàn sát nhau vì những điều hết sức vô lý. Để có được sự thống nhất, bức tường Berlin đổ xuống là mọi việc êm xuôi. Trong khi đó, một nước nghèo nàn lạc hậu như Việt Nam, muốn thống nhất, với sự đẩy lưng của các anh già cường quốc, đã tàn sát nhau không thương tiếc, để máu đổ tràn sông, xác người tràn đồng, để ngày nay người dân Quảng Trị bảo nhau mảnh đất này muôn năm không ngóc đầu dậy được vì anh linh không tiêu tán nỗi.
Tôi hỏi:
– Anh ở Quảng Trị lâu chưa?
Người xe ôm trầm ngâm:
– Nhỏ tới lớn.
Tôi lại hỏi:
– Vậy thì năm nào chết nhiều nhất.
Trả lời không đắn đo:
– Năm 72. Mùa hè đỏ lửa. Năm nớ chết cả 2 bên, cả dân chúng đất ni. Chết tràn lan từ cầu Bến Hải cho tới gần Huế. Nhưng nhiều nhứt là từ sông ni cho tới Đại Lộ Kinh Hoàng. Người ta phải đem máy xúc để ủi thây người.
Tôi thở nhẹ:
– Tôi có nghe. Nhưng không tưởng tượng nỗi.
Đôi mắt già nhìn ra xa xăm:
– Ai đã chứng kiến rồi muôn đời không quên được. Chiến tranh thật là khủng khiếp. 81 ngày kinh hoàng o à.
Tôi đăm chiêu:
– Người dân chết nhiều nhất phải không anh?
Lắc đầu:
– Cả bộ đội, cả lính Cộng Hoà đều chết nhiều như nhau, không phân biệt nỗi.
Cậu trai trẻ nãy giờ ngồi nghe, chợt có ý kiến, giọng rặc chất Nghệ An:
– Nỏ phải bộ đội chết vì chiến đấu. Chẳng là lúc nớ trời hành, đang chiến thắng thì lũ lụt kéo đến. Bộ đội toàn người trong rú ra, biết chi mô. Nên đang ở trong đồn thì lụt tới, trở tay không kịp, lại vừa mệt mõi, đói khát nên bị lũ cuốn ra sông.
Người xe ôm cười mũi, tôi hỏi:
– Sao cháu biết?
Cậu trai hùng hồn:
– Răng o khôn đọc lịch sử? Cái ni sách mô khôn nói?
Tôi cũng bắt chước cười. Chẳng hiểu cuốn sách nào lại đảo lộn thời tiết năm đó vậy không biết. Người lớn tuổi ai lại không thuộc câu mùa hè đỏ lửa, kiếm đâu ra lũ lụt năm 1972?
Anh xe ôm chở tôi vòng qua hướng khác, đi ngang tháp chuông cổ thành tôi bảo anh chạy chậm để tôi bấm máy ảnh. Anh nói:
– Ở đây có chi o? Tui chở o vô Cổ thành tha hồ chụp.
Cách đây 5 năm tôi đã từng đi ngang cổ thành và chụp ảnh ở phía ngoài. Lúc đó, chưa tu sửa như bây giờ, còn ngổn ngang những bức tường cũ nát. Bây giờ người ta xây cất lại, phía ngoài được bao bọc bằng một hồ lớn, tường thành cũng được làm mới phía trước.
Một đoàn du khách tham quan vào trước tôi, người xe ôm loay hoay kiếm chỗ gởi xe. Tự nhiên tôi có cảm giác lạnh cả người dù trời đang nắng. Tôi bảo:
– Anh vào cùng tôi. Tự nhiên tôi thấy sợ. Chắc vía tôi nhẹ.
Lúc đó đoàn du khách đã đến một đài cao thắp hương. Người xe ôm đi cùng chỉ tôi về hướng đoàn du lịch bảo:
– Mình đi cùng với họ o hỉ? Có thuyết minh.
Tôi lắc đầu:
– Không. Tôi ghét ồn ào. Mình đi vòng quanh đây trước.
Bên trong cổ thành chia thành nhiều khu, ở giữa là đài tưởng niệm, người ta đến đó dâng hương, hoá vàng và nghe thuyết minh về sự anh dũng của công cuộc giải phóng cổ thành. Tôi lặng lẽ đi về nhà bảo tàng, ở cái đất này, đâu cũng là chết chóc, đâu cũng là anh linh, đâu cũng là người nằm xuống, hồn oan anh lính cộng hoà nắm tay anh bộ đội, dắt dìu người phụ nữ ôm con thơ. Cái đất này máu đẫm từng ngọn cỏ, nước hoà với máu tưới lên trùng trùng điệp điệp, thấm xuống đất và cuối cùng ra biển. Tôi vẫn không hết cảm giác lạnh người, dù trời nắng chang chang và mồ hôi tôi nhỏ giọt.
Nhà bảo tàng không có điện, vào trong , tôi đi vòng quanh, nhìn ngắm những vũ khí được trưng bày, ngắm những vật giết người mà bây giờ ưu ái được cất trong tủ kính. Từ viên đạn cho đến các loại súng, và cả vỏ bom. Những cái làm rạng danh quê hương Quảng Trị tan nát vì chiến tranh. Những tài vật cướp đi sinh mạng muôn con người và mang lại nước mắt chia ly, sự nhức nhối mấy mươi năm không xoá nhoà nỗi. Bảo tàng vắng lặng, chỉ những bức ảnh trên tường và súng đạn trưng bày vẫy gọi tôi. Mỗi một mình tôi lang thang trong kho vũ khí giết người đó. Mình tôi xiêu vẹo trong hình ảnh thây người chồng chất, trong sự liên tưởng đến 38 năm trước đây máu ngập ngụa nơi này và khói bom mù mịt, trong nước mắt và cõi u linh hỗn mang mờ tỏ. Bên tai tôi văng vẳng tiếng khóc than, tiếng đạn bom và cả tiếng trở mình.
Tôi lên lầu, trái tim mong manh hở van suýt ngưng đập vì bất ngờ khi trong góc tối có mấy bóng người tay chân băng bó chỉa súng vào mình. Vịn một tay vào tường, tôi cố gắng điều hoà hơi thở và nhận ra rằng đó là những tượng hình bộ đội to bằng người thật dựng một hàng kẻ đứng người ngồi. Cảm giác lạnh toát vẫn không buông tha tôi, nhất là trong tình huống một mình một cõi thế này. Tôi đi về phía trái do sự hấp dẫn bỡi lá cờ vàng 3 sọc nằm trong tủ kính. Ở đó, tôi thấy không chỉ lá cờ Cộng Hoà, còn có cả cờ Pháp và đặc biệt là 5 thẻ căn cước được xếp ngay ngắn. Tôi đọc:
1. Nguyễn Văn Dực – sinh ngày 24/6/1938 – nơi sinh Bình Đại – Kiến Hoà,
Cha Nguyễn Văn Mười . Mẹ Lê Thị Trưởng.
2. Hoàng Lãnh – sinh ngày 7/2/1933 – nơi sinh Lộc Đại – Quảng Bình
Cha Hoàng Soát . Mẹ Nguyễn Thị Khinh.
3. Trần Trọng Ân – sinh ngày 2/3/1952 – nơi sinh Triệu Phong – Quảng Trị
Cha Trần Dân . Mẹ Lê Thị Hoa
4. Trần Văn Lực – sinh ngày 27/4/1935 – nơi sinh Hải Lăng – Quảng Trị.
Cha Trần Văn . Mẹ Lê Thị Giá.
5. Văn Khắc Ngô sinh 14/6/1944 nơi sinh Quảng Điền – Thừa Thiên Huế
Cha Văn Bé. Mẹ Phạm Thị Chín
Tôi chảy nước mắt thành giòng. Những người này, đã nằm xuống đây. Còn sót lại một tấm giấy chứng minh họ đã từng có trên cõi đời. Cha mẹ, vợ con, anh em biết có còn nhớ đến họ chăng, còn sống hay đã cùng ra đi trong những ngày máu lửa đó. Tầng dưới có tiếng ồn ào của đoàn du lịch, tôi đứng ở cầu thang nghe thuyết minh về những chiến tích của bộ đội trong trận chiến. Tôi khẽ khàng chùi nước mắt, bước ra ngoài. Đến chiếc ghế đá bên hông nhà bảo tàng, tôi bật khóc. Tôi thương cho những người lính VNCH đã ngã xuống mảnh đất này. Cùng đồng thời về một cõi âm, những người thắng trận được tôn vinh, được cúng bái, được thờ phụng. Mỗi ngày từng đoàn khách đến tham quan mang hương, mang hoa đến ngợi ca những anh hùng bất tử. Những người lính VNCH cũng ngã xuống vì quê hương của họ, nhưng cuối cùng còn được mấy ai nhớ đến. Biết rằng khi về tro bụi ai cũng như ai, nhưng làm sao khỏi tủi thân khi thấy quanh mình người ta được cúng bái, cầu siêu, hoá vàng. Còn lại những người bại trận thui thủi vong linh cô độc.
Tôi thật lòng, không hề gian dối. Ngay khi cả bây giờ, ngồi đây, gõ lại những giòng này, nước mắt tôi vẫn chảy ràn rụa thương cho hồn oan tử sĩ, thương cho những vong linh cô đơn, bạc hạnh. Tôi mong rằng có khi nào, có ai đó đồng cảm với tôi, một hôm nào cầu siêu, thắp hương cho những người bại trận, để vong linh không còn lạnh lẽo.
Tôi vòng ra phía sau, cái lô cốt xấu xí cũ kỹ hoang tàn, sừng sững như một ngôi mộ khổng lồ, mà tôi biết chắc rằng nơi đây đã chứng kiến hàng ngàn người nằm xuống. Anh xe ôm móc trong túi ra gói thuốc, thái độ tôn kính chân thành đốt cắm vào các góc trong ngoài lô cốt. Tôi khóc không che đậy, khóc tức tưởi như oan ức gì lắm. Tôi sụp xuống lạy rất thành kính các vong linh tử sĩ VNCH. Tôi biết các anh bộ đội không trách tôi. Các anh đã có quá nhiều sự trọng vọng, sự tôn vinh, sự ngưỡng mộ rồi. Các anh giành giật dòm ngó làm chi một chút chân tình của những người bạc mệnh. Và tôi nhìn lên trời cao, trong áng mây xanh ngát một màu, bên tai tôi bỗng văng vẳng câu hát cờ bay: cờ bay, cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu vừa chiếm lại đêm qua bằng máu ……
Vâng, bằng máu, và bằng cả thân xác nữa, các anh đã nằm xuống nơi này. Những tiểu đoàn Dù, tiểu đoàn Thủy quân lục chiến, và cả những nghĩa quân, địa phương quân, đã ra đi và không bao giờ trở lại. Rồi 2 năm sau đó, mãi cho tới bây giờ, các anh đã thui thủi ngắm nhìn hào quang người khác. Hồn oan các anh ai đã được siêu thoát rồi, ai chưa? Năm xưa đức Từ Cung đã đến đây lập đàn cầu siêu cho hồn oan tử sĩ, cầu siêu cho mọi oan hồn trong cuộc chiến này. Ba mươi lăm năm dâu bể trôi qua, còn hồn oan nào phảng phất lại đây, còn anh linh nào chưa theo gió theo mây, lẩn quẩn lại nơi nằm xuống. Xin chứng giám lòng thành cho tôi, xin phù hộ cho những người còn lại, xin xui khiến con cháu tìm được vết tích người thân, xin thúc giục người sống nhớ đến người đã chết. Một chút lòng thành của tôi, không hương, không vàng, không lễ vật, Xin kính đến các anh tấm chân tình của thế hệ sau, tưởng nhớ và mang ơn người nằm xuống.
Tôi ra về. Trời Quảng Trị vẫn trong xanh, nắng vẫn vàng ngọn cỏ cổ thành và câu hát cờ bay vẫn thôi thúc trong đầu: cờ bay, cờ bay muôn đời ta về với non sông..
Anchu