Thursday, 20 April 2017

Cộng Đồng Người Việt Tại Montreal & Ottawa Chuẩn Bị Đón Phim VIETNAMERICA Đúng Vào Dịp Kỷ Niệm 42 Năm Đất Nước Rơi Vào Tay Cộng Sản

·        Buổi Trình chiếu tại Montreal sẽ có sự tham dự của Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh
·        Phụ huynh hy vọng cuốn phim sẽ giúp giới trẻ hiểu, yêu thương và đồng hành với lý tưởng của cha ông
                                 *Bản tin của Hội VAHF

Người Việt Canada với những thành quả đáng hãnh diện
Theo cuộc kiểm tra nhân số năm 2011, tổng số người Việt sinh sống tại Canada khoảng trên 220,000 người, chiếm 0.6% dân số và Canada trở thành quốc gia đứng hàng thứ sáu sau Hoa Kỳ, Campuchia, Pháp, Úc, Đài Loan có đông đảo người Việt Nam đang sinh sống. Là một quốc gia không tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam, Canada hầu như đứng trung lập mặc dù đã từng được gọi là thiên đường bình an cho một số thanh niên Mỹ trốn quân dịch ẩn náu. Sự có mặt của những người này đã lôi cuốn được phong trào chống chiến tranh Việt Nam ồn ào và gây được ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. Tuy thế, Canada cũng đã giúp miền Nam Việt Nam qua các chương trình viện trợ y tế và kỹ thuật.
Khi cuộc chiến chấm dứt, trước sự bỏ trốn chế độ Cộng sản hàng loạt của người dân Việt Nam, Canada đã mở cửa đón nhận hàng trăm ngàn người tị nạn. Vì thế, dù có một số người Việt đến sinh sống tại Canada trước năm 1975, phần đông là các sinh viên du học, hầu hết người Canada gốc Việt có nguồn gốc là người Việt tị nạn Cộng sản. Tuy là một trong những cộng đồng tị nạn non trẻ nhưng cộng đồng người Canada gốc Việt đã có những thành công và đóng góp đáng để hãnh diện vào sự hưng thịnh của Canada trong mọi mặt: kinh doanh, khoa học, kỹ thuật, y tế, văn hóa, giáo dục, và chính trị như đã có Thượng Nghị sĩ Ngô Thanh Hải được bầu vào Thượng viện Canada và nhiều chức vụ dân cử khác là người Canada gốc Việt.

Rạp Theatre Outremont tọa lạc tại số 1248 ave Bernard Ouest Montreal ĐT: (514) 495-9944 là nơi phim VIETNAMERICA sẽ ra mắt đồng hương vào lúc 1pm ngày 29 tháng 4, 2017.
             Những thử thách mới
Vì hoàn cảnh lịch sử, học đường Canada không có những chương trình dạy sử về chiến tranh Việt Nam hay về lịch sử người Canada gốc Việt như tại Hoa Kỳ. Kiến thức về hai vấn đề này của người Canada gốc Việt hoàn toàn trông nhờ vào truyền thông, sách báo, phim ảnh, và nỗ lực của mỗi gia đình. Vì ảnh hưởng phong trào phản chiến từ Hoa Kỳ cũng như tại Canada, hầu hết các nguồn tài liệu này là những nguồn thông tin từ nhóm thiên tả, chống cuộc chiến tranh tự vệ của miền Nam Việt Nam nên đã không phản ánh trung thực về nguồn gốc lịch sử của người Canada gốc Việt.Hầu hết các bậc phụ huynh lại phải lo cho những nhu cầu cấp thiết của đời sống. Mặt khác vì nhu cầu hội nhập với đời sống nơi định cư, nên việc hướng dẫn con cái biết được lịch sử văn hóa Việt là điều rất khó khăn. Một số đông cha mẹ rất ưu tư về vấn đề này. Một số những tổ chức tôn giáo, hội đoàn cũng đã nỗ lực giúp đỡ các gia đình nhưng kết quả cũng chỉ đảm bảo được một phần trong việc dạy cho các em biết nói, đọc và viết tiếng Việt.
Trong khoảng một năm qua, vấn đề càng trở nên phức tạp khi một số du sinh đến từ Việt Nam thành lập Hiệp Hội Canada Việt Nam tại Toronto, Montreal và Ottawa, dưới sự bảo trợ của tòa đại sứ CSVN ở Ottawa, và để thi hành nghị quyết 36 và 27 của nhà cầm quyền CSVN. Mục đích của họ là để phá rối và chia rẽ các cộng đồng người Việt Quốc Gia trên toàn nước Canada, đầu độc và lôi kéo giới trẻ không hiểu nhiều về nguồn gốc tị nạn của gia đình mình. Họ còn mạo nhận trước người bản xứ họ là “đại diện cho hơn 220,000 người Việt tại Canada”
Trách nhiệm của gia đình của các bậc phụ huynh trong việc gìn giữ bản sắc dân tộc Việt và để các em hiểu về nguồn gốc tị nạn CS tại Canada đã khó khăn nay trở nên phức tạp hơn. Nhân dịp Hội Bảo Tồn Lịch Sử Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt, được viết tắt là VAHF đưa phim VIETNAMERICA đến để giới thiệu với các phụ huynh – đặc biệt là các phụ huynh trẻ đang ở lứa tuổi 40 50, bản thân họ cũng chưa biết nhiều về lịch sử Việt Nam, nay phải hướng dẫn con cái – phim VIETNAMERICA nói tiếng Anh, nói về cuộc chiến tranh tự vệ của miền Nam Việt Nam và hành trình tìm tự do đầy máu và nước mắt của trên 2 triệu người Việt nam sau khi Việt Nam hoàn toàn rơi vào tay CS – sẽ ra mắt đồng hương tại hai thành phố Montreal và Ottawa đúng vào dịp kỷ niệm 42 năm miền Nam mất vào tay Cộng sản. Nhân dịp này, chúng tôi đã thực hiện những cuộc phỏng vấn ngắn với đại diện một số đoàn thể, thân hào, nhân sĩ tại hai thành phố này để tìm hiểu những sinh hoạt và những ưu tư của họ trước những thử thách mới cũng như lý do họ ủng hộ phim VIETNAMERICA, cuốn phim gây nhiều tiếng vang trong gần 2 năm qua tại 15 Đại hội Điện Ảnh quốc tế và tại 15 thành phố tại Hoa Kỳ và Toronto, Canada. Đượ biết, Montreal và Ottawa sẽ là thành phố thứ 16 và 17 phim VIETNAMERICA đến trình chiếu. Xin mời bạn đọc theo dõi.

Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Montreal là một trong các nhà Bảo Trợ. Hình trái: Gian Cung Thánh của Ngôi Nhà thờ mới. Cộng đoàn mới dọn về đây năm 2015.
LM. Đinh Thanh Sơn (hàng 1, đứng giữa ) chụp hình kỷ niệm với Giáo dân trong ngày tiếp nhận ngôi thánh đường. (hình từ Bản tin của Cộng Đồng Công Giáo Montreal)
CĐ Người Việt QG Montreal khuyến khích các em tìm hiểu vì sao chúng ta phải bỏ quê hương
Ông Lê Hữu Châu-Tổng thư ký của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia vùng Montreal (CD(NVQG-Mtl)-Cộng đồng đã được thành lập từ năm 1975, bắt đầu từ khi có những đồng hương tới thành phố này định cư, với mục đích tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau và bảo tồn nền văn hóa VN-đã phát biểu:
“Nhận lời hổ trợ cho cuốn phim là sự mong muốn của Cộng Đồng để kêu gọi các bậc cha mẹ nên khuyến khích các con em mình đi coi và tìm hiểu hơn về lịch sử và lý do tại sao chúng ta phải bỏ quê hương mình.”
Và ông kêu gọi giới trẻ thuộc thế hện 11/2 và thế hệ thứ hai, thứ ba:
“Là người Việt Nam chúng ta phải yêu thương quê hương đất nước và đồng bào ta nơi quê nhà. Đồng bào ta nay đã biết bộ mặt thật của CSVN, họ hết sợ và sẵn sàng đứng lên đòi quyền sống, quyền tự do và quyền làm người…chúng ta cần phải hỗ trợ họ và cần cho người bản xứ ở đây hiểu biết hơn về tình hình ở VN trong một chế độ độc tài.”
Nhà Hỗ trợ Chùa Quan âm. Hình trái tiền đường của Chùa. Hình phải: Một màn múa nón của các em Phật Tử nhân Lễ Khánh Đản ( Hình từ Trang nhà của Chùa Quan Âm
Khi đề cập tới Hiệp Hội Canada Việt Nam, Ông Lê Hữu Châu cảnh báo:
“Hiện giờ chúng đã có tổ chức ở Toronto, Ottawa và Montreal… nhưng các hội viên của họ chưa được là bao nhiêu. Tuy nhiên chúng ta cũng cần đề phòng… Điều mà chúng tự cho là đại diện cho hơn 200 ngàn người Việt ở Canada là hoàn toàn sai và khoác lác. Chúng ta là người Việt Quốc Gia, không bao giờ chấp nhận Hiệp Hội Canada này …”
Hội Phụ Nữ Việt Nam: Đã bao nhiêu người vùi thây trên biển cả
 “ Chúng tôi nhận lời bảo trợ cho phim Vietnamrica vì thấy mình có bổn phận đóng góp 1 tay với các anh chi trong việc quảng bá cuốn phim này, mình phải cho người ngoại quốc nói chung và giới trẻ Vietnam nói riêng biết lý do tại sao chúng lại được sinh ra ở nước ngoài trong khi mình mang dòng máu Vietnam, bản thân tôi có 3 người con đều sinh ra tại Canada, lúc nào tôi cũng dạy cho chúng biết nguồn cội của mình, giải thích tại sao biết bao nhiêu người, năm 1975 đã phải bỏ hết sau lưng để đi lập nghiệp tại xứ lạ quê người, rồi những năm sau đó có biết bao nhiêu người vùi thây trên biển cả chỉ vì 2 chữ tự do”.
 
Hình trái: Ban Chấp Hành Hội Phụ Nữ Việt Nam Montreal, một trong số nhà bảo trợ,  chụp hình với ông Denis Coderre- Thị trưởngThành phố Montréal tại quầy hàng chợ Tết năm 2016. Hàng đầu từ trái Bà Thanh Tuyển (Chủ tịch), bà Đan Trinh (Ban Văn nghệ), Ông Thị Trưởng, bà Thy Uyên (thủ quỹ) và bà Giáng Tiên (Ban Văn Nghệ). Hình phải: Hội viên và thân hữu chụp chung trong ngày Lễ Hai Bà Trưng vào ngày 19 tháng 3, 2017 vừa qua.
Đó là lời phát biểu của Bà Thanh Tuyền, chủ tịch Hội Phụ nữ Việt nam, hội được thành lập từ năm 1983 tại Montréal bởi cố sáng lập viên Lê Thu Hà, với mục đích trợ giúp cho các phụ nữ mới đến Canada ổn định cuộc sống. Hội cũng chủ trương bảo tồn và phát huy nền văn hóa Việt Nam qua việc tổ chức Lễ Hai Bà Trưng Hàng năm, mở những lớp dạy Việt ngữ, và sát cánh với tổ chức Cộng đồng và các hội đoàn trong việc tranh đấu cho người Việt tại Canada cũng như yểm trợ cho cuộc tranh đấu cho tự do, dân chủ tại quê nhà.
Bà Thanh Tuyền còn cho biết: “ Là 1 chưởng khế và cố vấn pháp luật và với tư cách là hội trưởng hội phụ nữ Vietnam tại Montréal, tôi đã kêu gọi những đồng nghiệp và khách hàng của mình cùng các hội viên đi coi buổi chiếu phim Vietnamerica vào ngaỳ 29 tháng 4 và hội chúng tôi sẽ có mặt trước lúc chiếu phim để giúp chị Thái Hà, trưởng Ban tổ chức  và hội VAHF một tay.”
Ông Lê Văn Trang, chủ tịch Hội Cựu Quân Nhân Quân Lực VNCH Canada chia sẻ:
“Chủ trương và đường lối của Hội CQN là luôn luôn sát cánh với tất cả các hội đoàn bạn trong những công tác mang đến lợi ích cho Cộng Đồng cũng như nêu cao truyền thống hào hùng của dân tộc VN Việc tiếp tay với qui vị -trong việc Ra Mắt phim VIETNAMERICA- cũng nằm trong chủ trương và đưòng lối của thiểm hội mà thôi”
 
Nhà Bảo trợ Cộng Đồng Người Việt Tự Do Ottawa. Hình trên Ngày Diễn Hành Văn Hóa do Cộng Đồng Người Việt Tự Do tổ chức năm 2016.
Do đó, mặc dầu rất bận rộn với việc hợp tác với Tổ chức Cộng Đồng trong việc tổ chức buổi tưởng niệm 30 tháng 4 sắp tới, bản thân Hội còn đang chuẩn bị cho buổi nói chuyện của Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh vào lúc 6 giờ chiếu ngày 29 tháng 4, 2017, ông Lê Văn Trang và Hội CQN cũng đã vận động các hội viên và gia đình tham dự đông đủ.
Được biết, cũng trong dịp này Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh mặc dù rất bận với công vụ nhưng chị luôn quan tâm tới việc bảo tồn lịch sử và văn hóa Việt Nam, nhất là với giới trẻ nên chị đã cố gắng để góp mặt với buổi trình chiếu tại Montreal với tư cách khách danh dự và thuyết trình viên trong phần thảo luận sau khi chiếu phim. Đây là một dịp rất hiếm hoi mà Hội VAHF có thể mời được chị tham gia đặc biệt là sau khi TT Trump đắc cử, công việc của Bộ Nội An khiến chị còn bận hơn gấp bội.
Làm sao để các em hiểu, yêu thương và hòa mình vào công cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ?
Anh Huy Bùi, cư dân Canada, đang trong những năm cuối của tuổi 50 nhưng anh đã có một quá trình dài tranh đấu cho tự do dân chủ cho Việt Nam. Anh Huy từng bị tù khổ sai gần 10 năm trong nhà tù Cộng sản khi anh còn trong tuổi đôi mươi. Giờ đây, cũng như các phụ huynh khác, anh đang có những ưu tư cho người trẻ như con trai của anh; làm sao để người trẻ có thể hiểu lịch sử, thông cảm và yêu mến quê hương để có thể đồng thanh, đồng hành và tiếp nối thế hệ cha anh cho công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ? Anh giải bày:
“Tôi là người yêu quê hương Việt Nam và luôn tranh đấu cho tự do, dân chủ, công bằng xã hội. Thế hệ chúng tôi thật khác xa với thế hệ ngày nay, dù thật ra, chúng tôi cũng chưa hẳn đã già! Nói đến giới trẻ Việt Nam thì phải đề cập đến thế hệ nào? Theo tôi có hai thế hệ đáng nói tới để tiếp nối truyền thống hay chuyển tiếp giữa những thời đại văn hóa và xã hội khác nhau. Tôi tạm loại trừ hai thế hệ: Baby Boomers và X (Baby Bust). Hai thế hệ còn lại là thế hệ Y còn được gọi là The Millenials và thế hệ Z, còn được gọi là thế hệ Post Millenials. Thế hệ Y nhạy cảm cầu tiến, thẳng thắn và biết thông cảm với nỗi khó khăn và gian khổ của cha mẹ, đặc biệt là con đường tìm kiếm tự do và công bằng trong xã hội. Thế hệ này sẵn sàng nối tiếp và đóng góp cho lý tưởng tự do, dân chủ. Tuy nhiên họ chưa được tiếp cận đầy đủ với sự thật lịch sử và chứng nhân lịch sử của Việt Nam ta.
Thế hệ Z gồm những người như con trai tôi sinh sau năm 2000 lại là một vấn đề cần đắn đo cho việc giáo dục một cách chin chắn, thực tiễn hơn . Vì thế hệ Z thường muôn biết thế giới chung quanh nhiều hơn, nhanh hơn do kỹ thuật tân tiến ngày nay qua internet, Facebook, điện thoại thông minh…Họ cần nhiều tài liệu thật cụ thể và sống động như video clips, Facebook, tâm sự trao đổi, hoặc giả những bằng chứng sống đập vào tâm trí của các em như những câu chuyện kể truyền khẩu, hay những tâm sự của những người họ kính trọng và khâm phục. Để giới trẻ VN nói chung quan tâm và hiểu biết đến chiến tranh VN và lịch sử của người tị nạn rõ ràng là công việc của chúng ta đang làm trong những năm tháng qua, đặc biệt là giới truyền thông, văn nghệ, nghiên cứu về lịch sử,  điều rõ ràng là chúng ta chưa làm được đến nơi, đến chốn trong việc chứng minh và thuyết phục thế hệ trẻ Z của Việt Nam hòa mình và đấu tranh cùng với cha anh để tiếp nối lịch sử đấu tranh cho tự do và dân chủ…”
Cũng theo anh Huy Bùi thì có hai cách gia đình cũng có thể đóng góp vào việc giáo dục con em bằng cách dành thì giờ vào những bữa ăn tối nói chuyện với các con, kích thích sự tò mò của các em để tìm hiểu về lịch sử qua việc kể lại những câu truyện thật đã xảy ra cho gia đình. Cách thứ hai là giới thiệu cho các em những websites, những phim ảnh dù là tài liệu hay phim truyện có nội dung nhân bản, có liên hệ đến sự thật lịch sử được thế giới công nhận qua các giải thưởng quốc tế…Và anh Huy Bùi kêu gọi:
“Cá nhân tôi và gia đình tôi hoàn toàn ủng hộ, hỗ trợ và kêu gọi bằng hữu, thân quyến tham gia xem phim VIETNAMERICA, bộ phim có tất cả những điều kiện cần thiết như đã nêu trên. Mong rằng tương lai gần thôi chúng ta có thêm nhiều bộ phim gây chấn động về sự thật lịch sử để có thể triệu tập được sự đồng cảm của những người Việt Nam trong và ngoài nước và cả những người bạn phương Tây; những trái tim và khối óc biết tôn trọng lẽ phải và tự do cho nhân loại…” 
Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Vùng Montreal: Tiếng Việt, tiếng Pháp hay là “cà phê sữa” ?
Sinh hoạt với Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Vùng Montreal với Linh mục quản nhiệm Đinh Thanh Sơn nhiều chục năm qua, Dược sĩ trẻ Phạm Vũ Biền, một cựu thuyền nhân vượt biên năm 1979 đến Canada tị nạn vào năm 1984 lúc 14 tuổi, tâm sự:
“ Bà xã em, Nha sĩ Lê Đình Mai Trinh và em có 5 người con; cháu lớn nhất 13 tuổi và nhỏ nhất là 4 tuổi. Ngoài việc đi học trong tuần tại trường, ngày thứ bảy, 4 cháu lớn được gửi đến nhà thờ để sinh hoạt trong đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, học giáo lý và tiếng Việt trọn một ngày tại trường Việt ngữ Đắc Lộ. Các cháu may mắn có bà nội, bà ngoại chăm sóc nên còn nới được tiếng Việt. Nhà trường Canada thì không dạy một chút gì về chiến tranh Việt Nam. Canada lại là một nước không tẩy chay mà còn chấp nhận Cộng sản. Mỗi năm vào dịp Tết thì các đài Radio và truyền hình địa phương nói về chợ Tết Việt Nam khoảng 1 hay 2 phút. Nói chung nếu gia đình không nỗ lực thì việc gìn giữ lịch sử, văn hóa Việt cho người trẻ tại Canada rất khó khăn. Hầu hết giới trẻ Việt Nam tại Canada không nói hoặc nói rất ít tiếng Việt.
Không giống như thế hệ của chúng em đã từng trải qua những đau khổ. Gia đình em đi vượt biên bị bắt. Họ nhốt ba em- một sĩ quan trong Quân đội VNCH- một nơi, mẹ em và chúng em một nơi khác. Họ xích ông lại như tử tội. Chúng em thì bị bỏ đói. Những hình ảnh đó em không bao giờ quên và em muốn các con em hiểu được cái may mắn của các cháu được sống tại đất nước tự do đời sống vật chất, tinh thần  lúc nào cũng đầy đủ. Năm 2012 chúng em đưa các cháu về Việt Nam để các cháu biết về quê hương. Nhưng những điều chúng em muốn cho các cháu biết sự thật về xã hội CSVN thì rất khó; một phần ví các cháu còn nhỏ, phần khác vì chỉ về các thành phố, các cháu cũng không thấy được gì nhiều. Chúng em cũng đã mua rất nhiều sách vở và phim ảnh về chiến tranh Việt nam để cùng coi với các con như phim Vượt Sóng, Nuit Sans Lune,…Chúng em được nghe về phim VIETNAMERICA đã lâu và rất mong mỏi được xem cuốn phim này cùng với các con. Em cũng đã thưa chuyện với Cha quản nhiệm và Cha cũng đồng ý bảo trợ buổi chiếu phim và cho phép chúng em giới thiệu rộng rãi đến học sinh và phụ huynh để mọi người có thể đưa con cháu đến xem cho các cháu hiểu tận tường về nguồn gốc của mình về những hy sinh của cha ông. Vì đây chính là nỗi ưu tư không nhỏ của các bậc phụ huynh cũng như các vị lãnh đạo tinh thần của cộng đồng người Việt. Ngay như cả sinh hoạt trong nhà thờ. Cha Quản nhiệm và Hội đồng Mục vụ hầu như đang đứng trước ngã ba đường không biết nên chọn làm lễ bằng tiếng Pháp để giữ lại người trẻ hay làm lễ bắng Tiếng Việt để phục vụ người lớn tuổi và khuyến khích người trẻ học thêm tiếng Việt. Hay là một giải pháp trung hòa “cà phê sữa” nửa tiếng Việt, nửa tiếng Pháp thì có kết quả hơn? Vấn đề thật là nan giải.
Hội Nha Sĩ Việt Nam Vùng Montreal ADVC : “Cuốn phim phải là a must see”
Bác sĩ Nha sĩ Ngọc Nga Nguyễn, hội trưởng Hội Nha sĩ Việt Nam Montreal ADVC cho biết ADVC là một trong những hội có mặt lâu đời nhất tại Montreal, nhưng từ năm 2005, Hội được chuyển giao cho thế hệ Nha sĩ Việt Nam trẻ, với nhiệt huyết mới và cái nhìn rộng mở hơn nên khoảng trên 400 Nha sĩ hành nghề trong khu vực tham gia tích cực hơn, Ngoài việc tổ chức các cuộc hội thảo để thăng tiến nghề nghiệp, ADVC còn cấp phát học bổng cho sinh viên Đại học Nha Khoa tại Montreal và các trường khác cũng như tham gia các công tác xã hội, văn hóa khiến cho một số Nha sĩ người bản xứ cũng tham gia.Khi được biết phim VIETNAMERICA về Montreal Hội ADVC đã nhiệt tình nhận lời hỗ trợ và nhận 100 vé để giới thiệu tới các hội viên và gia đình.
Đối với Nha sĩ trẻ Diệu Trang còn có tên là Tiffany Lê là hiền thê của Bác sĩ Từ Khuê và là thành viên của Hội Nha sĩ Việt Nam ADVC thì, đã là người Việt, chúng ta không thay đổi được diện mạo, màu da thì dù chúng ta có ở nơi nào, chúng ta vẫn còn là gốc Việt nên việc hiểu biết về lịch sử và nguồn gốc của mình là điều không thể thiếu. Chị tâm sự:
“Em đến Canada năm 1983 lúc vừa 13 tuổi theo diện bảo lãnh. Ba em rời Việt Nam từ năm 1975 và được tàu Đan Mạch vớt về sống tại Đan Mạch. Hai anh trai lớn của em, người anh cả lớn hơn em 20 tuổi cũng là Bác sĩ đi vượt biên sau đó và đến Canada rồi bảo lãnh mẹ em và em. Khi còn ở lại Việt Nam, em và mẹ em bị rút hộ khẩu nên những năm đầu khó khăn lắm. Năm cuối em còn bị đuổi học vì là gia đình “Ngụy” có cha và anh bỏ nước theo “giặc” nên bị đối xử như kẻ thù. Đời sống lúc đó thật đen tối. Khi đến Canada, mang theo những ký ức đau buồn đó, nhà trường Canada không dạy em về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Chỉ có vài hàng sơ sái nói rằng đã có cuộc chiến tranh, không nói về lý do mà chỉ có con số của những tổn thất của các bên tham gia cuộc chiến nên em phải đi tìm hiểu ở bên ngoài. May thay em tìm ra Thư viện  Bibliotheque Mile-End ( bây giờ đổi tên lại là Bibliothèque Mordecai-Richler), tọa lạc tại số 5434 Park Ave, Montreal, QC H2V 4G7. Nơi đây, theo em được biết từng có ông quản thủ thư viện là người Việt Nam. Thư viện  có lưu trữ rất nhiều sách báo tài liệu đủ loại từ biên khảo, truyện, tiểu thyết, sách giáo khoa đủ loại của miền Nam Việt Nam trước năm 1975 và họ còn mua cả sách báo phát hành và xuất bản từ Nam California sau năm 1975. Chính Thư viện này đã giúp em. Gia đình anh Từ Khuê xuất thân là thuyền nhân năm 1975 nên cả hai chúng em đều biết rõ về nguồn gốc của mình.
 
Nhà Bảo trợ Cộng Đồng Người Việt Tự Do Ottawa. Hình trên Ngày Diễn Hành Văn Hóa do Cộng Đồng Người Việt Tự Do tổ chức năm 2016.
Nhưng đến thời con của chúng em thì vấn đề lại khác hẳn, chúng em có 2 cháu trai, cháu lớn Từ Lê Vĩ Ân, 24 tuổi vừa tốt nghiệp Nha khoa vào năm ngoái và cháu nhỏ Từ Lê Vĩ Đức, 20 tuổi đang theo học năm thứ hai ngành Kinh doanh, dù hai cháu nói tiếng Việt giọng Huế rất chuẩn nhờ có bà ngoại chăm sóc và dạy bảo nhưng viết tiếng Việt thì thật là khó khăn. Tử Ân đã đến Houston làm việc và cũng đã ghi tên học lớp tiếng Việt tại đây với hy vọng trong tương lai có thể đọc và viết tiếng Việt để có thể giao dịch và tra cứu sách vở. Do đó, chúng em rất vui mừng khi nghe phim VIETNAMERICA đến Montreal, vì phim ảnh, internet ảnh hưởng giới trẻ tốt nhất và nhanh nhất. Cuốn phim lại nói tiếng Anh thì thật là đáng quý và hiếm hoi để giới trẻ có thể hiểu trực tiếp. Em nghĩ rằng tất cả mọi người nên xem và khuyến khích con em mình đi xem. Cuốn phim là “a must see” cho tất cả mọi người. Chúng em đã mua vé cho cả gia đình nội ngoại và kêu gọi bạn bè cùng đi xem. Xin cám ơn Hội VAHF đã khổ công làm cuốn phim và còn đem đến tận Montreal cho gia đình chúng em và đồng hương tại đây”.
Sự hỗ trợ của Cộng Đồng Người Việt Ottawa
Qua sự giới thiệu của anh Tony Nguyễn thuộc VOICE Canada và còn là đại diện cho đài truyền hình SBTN tại Ottawa, ông Lê Phan Lương, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Canada tại Ottawa mặc dù đang bận rộn với việc tổ chức buổi Tưởng Niệm Quốc hận 30 tháng 4 và Lễ Thượng cờ vàng 3 sọc đỏ trước tiền đình Quốc Hội Canada vào ngày 1 tháng 5, 2017, dự trù có trên 500 đồng hương từ nhiều thành phố về tham dự, nhưng ông và Ban Chấp Hành cũng đã giới thiệu buổi chiếu phim VIETNAMERICA tại Ottawa qua một bản Thông báo đăng một cách trang trọng trên website của Cộng đồng. Bản Thông báo kêu gọi:
“Cộng Đồng Người Việt Ottawa rất hâm mộ sự kiên trì làm việc của chị Nancy Bùi và chị Thái Hà cùng toàn thể các nhà kỹ thuật phim ảnh của hội VAHF. Quý vị đã đóng góp một món quà quý giá cho con tàu lịch sử của hơn hai triệu thuyền nhân. Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Ottawa thay mặt chị Nancy Bùi và chị Thái Hà, kính mời quý vị và gia đình đến xem cuốn phim tài liệu Vietnamerica, trước để biết công trình đáng kể của hội VAHF và sau con cháu chúng ta hiểu được thế hệ cha ông đã trải qua bao gian nan trên bước đường đi tìm tự do. Mong rằng quý vị sẽ hưởng ứng đông đảo”.
Xin giới thiệu trang website của Cộng Đồng Người Việt Ottawa tới độc giả để kính tường:https://www.facebook.com/CDNVO/?ref=aymt_homepage_panel
Sự Bảo Trợ của Cộng Đồng Người Việt Tự Do Tại Ottawa
Cộng Đồng Người Việt Tự Do Tại Ottawa là một trong những nhà bảo trợ cho việc trình chiếu phim VIETNAMERICA tại hai thành phố Montreal và Ottawa. Cộng Đồng đã bảo trợ tiền thuê mướn rạp, chi phí in ấn. Chị Hà Quyên Chủ tịch của Cộng Đồng cũng đang bận rộn với những công tác của việc tổ chức Buổi tưởng niệm 30 tháng 4, 2017 và nhiều công tác khác, nhưng chị cũng đã bỏ nhiều thời gian trong việc thuê mướn rạp, vận động đồng hương đi xem phim. Trả lời cho cuộc phỏng ngắn, chị cho biết:
“Ottawa, thành phố đứng vào hàng thứ tư và cũng là thủ đô của Canada. Với dân số khoảng trên 935,000 người trong đó có khoảng 9,000 người Việt cư ngụ. Cộng đồng người Việt tỵ nạn đã được hình thành 1977 và phát triển mạnh từ sau những bước chân tìm tự do của thuyền nhân VN vào năm1979.  Các hội đoàn đã ra đời từ đó. Hiện tại Ottawa có 3 Chùa Phật giáo, 2 nhà thờ Tin lành, 1 nhà Thờ Công giáo. Ottawa có hai trường Đại học và mỗi trường đều có hôi sinh viên Việt Nam riêng:  HSVVN tại Đại học Ottawa và HSVVN tại đại học Carleton…Hội Người Việt Cao Niên Ottawa (HNVCN) được thành lập năm 1983 để nốí kết và tạo sinh hoạt cho các vị cao niên tại đây.Hiện Ottawa có hai tổ chức Cộng Đồng: Cộng Đồng Người Việt tại Ottawa thành lập năm 2009 và Cộng Đồng Người Việt Tự Do được thành lập năm 2015. Tổ Chức Văn Hoá Việt ra đời khoảng 1980 nhằm duy trì và phát huy văn hoá Việt đã phối hợp với các Sở giaó dục tại thành phố để thành lập trường Việt ngữ Nguyễn Du vào năm 1980. Hiện tại cộng đồng đã có 5 trường Việt ngữ sinh hoạt vào mỗi thứ Bảy hàng tuần với sự tài trợ của Sở Giaó dục thành phố”.
Được hỏi lý do khiến Cộng Đồng Người Việt Tự Do nhận bảo trợ cho Buổi chiếu phim VIETNAMERICA, chị Hà Quyên cho biết:
“Đây là một bộ phim tài liệu chất chứa nỗi lòng của các bậc cha anh muốn gửi gấm đến thế hệ trẻ để các em có thể thấy rõ sự thật của cuộc chiến bảo vệ nền dân chủ tự do của miền Nam VN trước đây, hiểu đuợc những gian nguy mà các bậc sinh thành phải trải qua để hy vọng có được tương lai tốt đẹp cho con cháu, từ đó các em sẽ trân quý hơn, thông cảm hơn cho bậc cha ông trước những thay đổi để hội nhập với xã hội mới.  Tình cảm gia đình, tương quan với cộng đồng nguồn cội cũng có thể nảy sinh dễ dàng hơn sau khi các em xem bộ phim này”
Ông Lê Duy Cấn, một cựu sinh viên du học đến Canada từ trước năm 1975 và có nhiều sinh hoạt và đóng góp cho sự hình thành và phát triển cộng đồng người Việt tại Canada. Ông cho biết nỗi quan tâm nhất của ông hiện tại là hiểm họa mất nước vào tay Trung Cộng. Tuy nhiên sự thiếu sách vở, tài liệu về chiến tranh Việt Nam và lịch sử người tị nạn tại Canada khiến con em chúng ta phần đông không hiểu biết gì về vấn đề này là có thật. Nhận thấy phim VIETNAMERICA có thể bổ khuyết trong vấn đề này nên ông đang kêu gọi các thân hữu đi xem và khuyến khích con cái đi xem.
Sự hỗ trợ nhiệt tình của chùa Quan Âm
Qua sự giới thiệu của Thượng Tọa Thích Tâm Hòa thuộc Trung Tâm Phật giáo Pháp Vân tại Toronto, người đã nhiệt tình ủng hộ phim VIETNAMERICA khi phim được trình chiếu vào tháng 12 năm ngoái tại Toronto, Thượng Tọa Thích Trường Phước và các Tăng Ni Sư tại chúa  Quan Âm trong hơn một tháng qua đã giới thiệu phim VIETNAMERICA tới Phật Tử tại đây. Thượng Tọa Trụ Trì và quý Tăng Ni Sư cũng đã nhận lời là khách danh dự của buổi chiếu phim.
Về truyền thông thì liên tiếp trong mấy tuần vừa qua, Thời Báo Canada ấn bản tại Montreal và Ottawa đã đăng những thông tin về hai buổi chiếu phim để độc giả có thể tìm hiểu và hưởng ứng. Nhiều Hội đoàn khác cũng đã bằng cách này hay cách khác như Gia Dình Mũ Đỏ tại Canada đang vận động ráo riết tới hội viên và đồng hương, và những người trẻ đang nhiệt tâm báo tin qua emails, facebook tới tấp tới bạn bè, người thân. Khi bài báo này lên khuôn thì chỉ còn khoảng hai tuần nữa là tới ngày trình chiếu, Ban tổ chức đang bận rộn lo việc tổ chức cho buổi Lễ Khai mạc và vận động để vé được bán hết trước khi trình chiếu. Rất mong đồng hương liên lạc với Ban Tổ Chức và các địa điểm bán vé để mua vé trước khi vé hết vì tại mỗi thành phố phim chỉ chiếu một suất duy nhất.
Tại Montreal phim sẽ được trình chiếu ngày 29 tháng 4, 2017 tại rạp Theatre Outremont số 1248 ave Bernard Ouest Montreal ĐT: (514) 495-9944 vào lúc 1pm. Giá vé $20/1vé, có bán tại Diễm Mi (514) 279-2466, Giáng Tiên (514) 274 6226, Saigon Video (514) 733-4320. Mọi chi tiết xin liên lạc với Thái Hà (707) 529-1868
Tại Ottawa vào ngày 30 tháng 4, 2017 tại rạp Mayfair Theatre số 1074 Bank St Ottawa, ON, Canada K1S 3X3. ĐT: (613) 730-3403 vào lúc 3pm. Giá vé $20/1 vé, có bán tại Chợ Sài Gòn. Mọi chi tiết xin liên lạc với Hà Quyên  (613) 853-3395, Tony Nguyễn: (613) 355-5338, hoặc Thái Hà (707) 529-1868
Bản tin của Hội VAHF
(04/2017)