Thursday, 20 April 2017

Việt Cộng tiến thoái quay ngang dọc đều gặp kẽm gai

Theo tôi, những nhân vật "đinh" viết bài cho bauxite VN nói lên tờ báo này tuy mang danh là lề trái nhưng thực chất rất trung thành với đảng CSVN, một loại Lý Trần Quán thà chết với chúa Trịnh sai hơn là sống với người dân đúng. "Thà làm quỉ cộng sản chứ không làm dân tự do"

Liên tiếp trong vài ngày qua, bauxite VN tìm đủ mọi cách "hiến kế" cho nhà cầm quyền Hà Nội (tức đảng CSVN) về cách giải quyết vụ Đồng Tâm một cách êm thắm.

Tuy nhiên Vũng Áng, Đồng Tâm là hai lòng chảo Điện Biên Phủ của nhà cầm quyền Hà Nội mà họ lập ra cho chính họ (họ thay vai thực dân Pháp). 

Lùi thì nguy, vì đây là cái gương cho mọi nơi khác, và lấy đâu ra tiền nuôi đảng và cán bộ. Tiến cũng nguy, vì dân kiệt cùng rồi. Xoay ngang cũng nguy vì phe tả khuynh đập. Xoay trái cũng nguy vì phe hữu khuynh đục. Làm sao mà có đối thoại với một đảng chưa từng tôn trọng đối thoại, với tỷ số 100% lừa và tranh thắng, trong mọi trường hợp.

Cứ "anh Chung nên đọc", "chị Ngân nên nghe"... trong khi ai cũng biết Cộng Sản mà bỏ trung ương tập quyền, bỏ kinh tế quốc doanh, bỏ điều 4 hiến pháp của họ là chết cửa tử. Tìm cách diễn biến hòa bình nơi người cộng sản các nước Á Châu là hòa đàm với Tào Tháo, mua bán với Đổng Trác, khóc lóc với Khổng Minh. Và như vậy chui trong tháp ngà ảo giác, xa cách với người dân, tìm mọi cách xán lại với nhà cầm quyền để khuyên bảo, kiến nghị, khoái làm thày các viên lãnh đạo Việt Cộng. Rất ảo tưởng, nhưng đó là họ, những "trí thức Hoist" của thời Việt Cộng tàn tạ, một thái độ rất "khôn ngoan" nhưng đầy tai hại cho sự thật và công trình tranh đấu cho người dân. Việt Nam dưới thời cộng sản không có chỗ cho giới khuynh tả Marxist như ở Mỹ, Âu Châu. Đó cũng là lý do mà tờ báo mạng "anh ba xam" phải tự đóng cửa, dù có nhiều triệu người xem. Vì rất vô ích.

Đinh Thế Dũng



Ngẫm nghĩ “Đối thoại ở thôn Hoành”

Nhà báo Bảo Hà
"Nếu hôm ấy, tôi đi thẳng về Hà Nội sau khi được thả ra, tôi sẽ vĩnh viễn chỉ nhìn thấy một nửa bức tranh. Và đó là nửa tối ám, đầy những ánh mắt long lên vì giận dữ, đầy cảm xúc tiêu cực. Nhưng tôi đã quay lại, và chủ động đối thoại, để may mắn được nhìn thấy sự hồn hậu và nỗi khát khao được bày tỏ trong chính những gương mặt ấy.
Khoảng cách giữa một con người đầy hằn học cầm gậy gỗ, với một con người chất phác của nông thôn, dường như chỉ là một cuộc trò chuyện cầu thị. Nhiều người trong số họ chỉ có nhu cầu được lắng nghe.
Một cuộc đối thoại thực sự công khai đang được chờ đợi".
Trên báo chí chính thống rất hiếm có được một bài viết như thế này, anh Chung nên đọc.
Vẫn còn 1 phóng viên!
Theo bài này “Việt Nam có 845 cơ quan báo chí, gần 18 nghìn nhà báo” – VnEconomy - mà mấy ngày qua tôi khao khát tìm 1 bài viết, 1 tấm hình của PV đến tận nơi viết về “Vụ Mỹ Đức”, vẫn biệt tăm. May quá, đây rồi, vẫn còn 1 PV của VnExpress – PV BẢO HÀ! Dù bài báo chỉ dám phản ánh một vài nét về trạng thái tâm lý bi, phẫn của người dân, chứ chưa nói nguyên nhân vì đâu nên nỗi. Nhưng ta tự cảm nhận, suy ra, sẽ hiểu nhiều điều. Cảm ơn Bảo Hà! Cảm ơn Chị rất nhiều!
Bài báo chân thực, sâu sắc và xúc động này chỉ có thể ra đời ở VNExpress, nơi có ông TBT tích cực xây dựng cộng đồng sống thiền trong xã hội đầy tham làm độc ác hôm nay. Cám ơn tác giả bài báo và Tòa soạn đã chọn con đường hẹp gai góc đi vào sự thật, lòng người chứ không như những bài báo chọn đại lộ thênh thang trong những cuộc duyệt binh lập trường kẻ cướp. Những kẻ viết bài trên báo kết tội nhân dân theo góc nhìn quan liêu hời hợt của đám quyền lực thực dụng để bảo vệ các nhóm lợi ích tàn bạo là những kẻ công khai chống lại những nạn nhân của chế độ TB chui, cướp đất, cướp quyền sống của người dân lương thiện.
Bằng trái tim nhạy cảm của một phụ nữ vẫn gắn bó sâu nặng với gốc gác xuất thân của mình – “Tôi chợt nhận ra, họ cũng là người nông dân giống như bố mẹ mình, ẩn sau những câu nói ác khẩu là sự hiền lành, đôn hậu, và thậm chí là yếu đuối” – nữ phóng viên Bảo Hà, cả trong vô thức cũng như trong hữu thức, chỉ muốn gửi đi một thông điệp quan trọng: Hãy đối thoại cùng dân.
Nếu hôm ấy, tôi đi thẳng về Hà Nội sau khi được thả ra, tôi sẽ vĩnh viễn chỉ nhìn thấy một nửa bức tranh. Và đó là nửa tối ám, đầy những ánh mắt long lên vì giận dữ, đầy cảm xúc tiêu cực. Nhưng tôi đã quay lại, và chủ động đối thoại, để may mắn được nhìn thấy sự hồn hậu và nỗi khát khao được bày tỏ trong chính những gương mặt ấy.
Khoảng cách giữa một con người đầy hằn học cầm gậy gỗ, với một con người chất phác của nông thôn, dường như chỉ là một cuộc trò chuyện cầu thị. Nhiều người trong số họ chỉ có nhu cầu được lắng nghe.
Một cuộc đối thoại thực sự công khai đang được chờ đợi”.
Hoàn toàn chính xác. Nếu không chịu đối thoại vì nghĩ rằng mình là bề trên, “dân chi phụ mẫu”, là người đang nắm trọn mọi quyền hành trong tay, làm việc này sẽ đánh mất hết chút uy thế bề ngoài đang có, để rồi vẫn giữ cái thói trịch thượng ngu xuẩn và ác độc vốn tích tụ thành cố tật từ bao nhiêu năm nay – cái thói vừa ăn cướp vừa la làng – thì coi như Đồng Tâm sẽ là một dấu mốc có ý nghĩa quyết định, từ đây đứt đi vĩnh viễn những sợi dây mỏng manh còn sót lại trong mối quan hệ đã trở nên quá lỏng lẻo, hình thức, giữa thể chế và Nhân dân; mặt khác nó cũng chuyển sang một bước mới, nhanh chóng hơn rất nhiều, chặng đường chuyển giao quyền lực vốn là xu thế hiển nhiên không tài nào tránh khỏi, của lịch sử đương đại Việt Nam.
Bauxite Việt Nam

Đối thoại ở thôn Hoành

Bảo Hà
3 tiếng mất liên lạc với Tòa soạn khi về Mỹ Đức khiến nhiều người lo lắng, chuyện gì đã xảy ra với tôi.
Cho tới sáng 16/4, mọi cánh cửa thông tin về xã Mỹ Đức chỉ le lói một vài tia yếu ớt. Câu chuyện mà ai cũng có thể truyền tai nhau là chiều 15/4, một đoàn cảnh sát gồm cả cơ động, công an, cán bộ huyện đã xảy ra xô xát với hàng ngàn người dân, sau hoạt động bắt người theo quyết định khởi tố đã có từ trước đó hơn một tháng. Hàng chục cảnh sát, công an, cán bộ huyện đã bị dân giữ lại tại nhà văn hoá thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
Tôi và một phóng viên nam lên đường tới Mỹ Đức với một sự thôi thúc phải tìm ra câu chuyện gì thực sự đang diễn ra.
Gần đến nơi, thấy từng nhóm người cả cảnh sát, cả người mặc thường phục đứng lố nhố khắp trên con đường vào xã tôi đã run. Tôi chỉ là một phụ nữ, tôi còn có con nhỏ. Tôi dừng lại một quán trà ven đường lân la đến nửa ngày. Nhưng qua giờ trưa, tôi thấy mình không thể chịu nổi nữa. Tôi tự hỏi: Vì sao đã đến tận nơi này rồi lại ngồi đây để trở về ngờ vực? Tôi có linh cảm có một câu chuyện chẳng lành đằng sau những video chỉ thấy gào thét, chỉ thấy những hừng hực căm phẫn từ đám đông bắt bớ kia? Và tôi đã không kìm được bước chân của mình đến cổng làng, sau khi để lại toàn bộ giấy tờ, tư trang cho người đồng nghiệp ở vòng ngoài, chỉ mang theo 2 thứ: ghi âm và điện thoại.
Nhưng khi vừa kịp thấy đám đông đứng đầu đường dẫn vào thôn Hoành, vừa thoáng qua những thân gỗ to lù lù chắn ngang đường làng, tôi đã bị nhiều bàn tay lôi lại. Tôi giật bắn người: hàng chục đôi mắt phụ nữ lọt ra từ khuôn mặt bịt kín khẩu trang đang đổ dồn về mình. Những người đàn ông chạy ào tới túm áo tôi.
Những câu hỏi như thét lên: “Mày là ai? Từ đâu đến? Đến đây làm gì?”. Tôi không biết mở lời từ đâu, bởi không thể gào to như họ. Tôi run rẩy.
Mất một hai phút để tự trấn tĩnh, tôi nói mình là phóng viên. Nhưng dân làng nói tôi phải có thẻ ngành. Toàn bộ giấy tờ tôi đã để bên ngoài vì không thể đoán trước thái độ của những người dân ở đây với nhà báo như thế nào. Không xuất trình được giấy tờ, tôi bị một người đàn ông và một phụ nữ áp giải bằng xe máy vào sâu bên trong.
Họ chở tôi vào làng, len lỏi qua những chướng ngại vật đã dựng lên. Dọc hai bên đường, từng tốp người già, trẻ, lớn bé đứng ngồi nhấp nhô. Khi nhìn thấy người lạ mặt, họ bật dậy và lại tiếp tục những câu hỏi như gào lên: “Nó là ai? Sao lại vào đây?”.
Người làng chở tôi đến trước một khu nhà văn hóa thôn Hoành: Nơi đang giữ hàng chục người thực thi công vụ. Chúng tôi dừng lại trước cánh cổng sắt đóng chặt nhiều lớp khóa. Trong khoảng sân lớn, có vài chục người: đàn ông trung niên, thanh niên, phụ nữ... Người ngồi, người nằm ngủ, bên cạnh đều có sẵn gậy nhỏ.
Thấy tôi, người dân bật dậy, đổ dồn những ánh nhìn cảnh giác cùng tức giận. Có một người đàn bà mặt giận dữ nói nhất định phải khám người tôi. Những người đàn ông bình tĩnh cũng không khuyên nổi bà. Bà dẫn tôi vào một căn phòng nhỏ, bắt cởi quần áo. Tôi run lên. Đời tôi chưa từng nghĩ có một lúc mình sẽ nhận sự xúc phạm lớn đến vậy.
Thấy chiếc khuy quần, người đàn bà cũng nghi ngờ đó là một thiết bị ghi âm, ghi hình nguỵ trang nào đó. Người đàn bà vừa khám vừa hét lên những câu chuyện không đầu không cuối. Hóa ra bà là người thân của một trong 4 người Đồng Tâm vừa bị bắt giữ. Mọi sự tức giận, sợ hãi trong tôi bỗng tan biến. Trên gương mặt khắc khổ, giận dữ của người đàn bà hiện lên sự hoang mang, sợ hãi. Tôi hợp tác để bà khám bất kỳ gì bà muốn và hỏi chuyện. Bà ứa nước mắt kể rằng đời mình chưa bao giờ phải chứng kiến cảnh bắt người như hôm qua. Người phụ nữ ấy không chịu đựng nổi.
Tôi chợt nhận ra, họ cũng là người nông dân giống như bố mẹ mình, ẩn sau những câu nói ác khẩu là sự hiền lành, đôn hậu, và thậm chí là yếu đuối. Tôi bình tĩnh trò chuyện cùng bà.
Nhưng cuộc nói chuyện liên tục bị ngắt quãng. Những người xung quanh chen vào, tiếp tục đòi khám người lần nữa, bắt tôi mở khóa điện thoại để lục soát, cáo buộc tôi là “người được cài vào thôn”. Nhưng bà gạt họ đi, và cứ thế kể. Người ta mắng bà: “Cô có biết đây là ai không mà cô kể?”. Bà mặc kệ.
Người phụ nữ ấy có một khát khao được nói, và những gì bà cần, là một sự lắng nghe.
Sau một hồi, những người xung quanh không để bà nói tiếp nữa. Họ quyết định đuổi tôi ra khỏi xã, tịch thu ghi âm và điện thoại. “Nếu các bác không nói với cháu, thì vĩnh viễn không có ai biết chuyện gì đã xảy ra ở đây” - tôi cố gắng thuyết phục. Có một lúc, tôi thậm chí đã nghĩ đến việc sẽ ở lại đây đêm nay: họ sẽ giam tôi, nhưng như thế cũng không sao, tôi sẽ biết được thêm nhiều điều. Tôi không còn thấy sợ người dân nữa. Chỉ có một vấn đề, là họ không đồng ý để tôi gọi một cuộc điện thoại về nhà cho gia đình yên tâm.
Rồi một ai đó để ngỏ khả năng, rằng nếu tôi là phóng viên đàng hoàng của một cơ quan báo chí tử tế, thôn Hoành sẽ chào đón tôi quay lại. Vài thanh niên áp giải tôi ra ngoài thôn. Tôi lấy giấy tờ và xin quay lại.
Lại đi qua những đoạn đường đầy ắp người, nhưng chào đón tôi lúc này là những ánh mắt đã dịu lại. Thấy tôi quay lại, hết phụ nữ, lại đến đàn ông đều muốn kể chuyện. Có người vì xúc động mà nói đứt quãng không thành câu. Họ đã chấp nhận nói chuyện điện thoại với Tòa soạn và cam kết: đảm bảo an toàn tuyệt đối để tôi trở về.
Câu chuyện tôi lắng nghe sau đó không như những gì bên ngoài đang run sợ. Họ khẳng định không tưới xăng lên người cảnh sát. Họ còn cử riêng một gia đình hàng ngày nấu cơm cho các cán bộ ăn, dẫn cán bộ đi vệ sinh, tắm rửa.
Họ còn muốn kể câu chuyện nhiều hơn như thế với tôi, nhưng trời sắp tối, họ muốn đưa tôi ra về để được an toàn. Tôi hiểu vẫn còn có những người cực đoan không thấy thoải mái với một người lạ trong thôn vào lúc này.
Tôi đã bắt đầu hành trình trong thôn Hoành bằng sự sợ hãi đến cứng người, nhưng ra về với tâm trạng bình yên. Đưa tôi ra khỏi thôn, những người đàn ông, phụ nữ bỏ gậy xuống, rời đi những ánh mắt giận dữ, họ lại trở về với sự đôn hậu của những người dân quê. Sau những đống sỏi đá ngổn ngang đổ xuống làm chướng ngại vật là những biểu ngữ: "Không chống chính quyền".
Nếu hôm ấy, tôi đi thẳng về Hà Nội sau khi được thả ra, tôi sẽ vĩnh viễn chỉ nhìn thấy một nửa bức tranh. Và đó là nửa tối ám, đầy những ánh mắt long lên vì giận dữ, đầy cảm xúc tiêu cực. Nhưng tôi đã quay lại, và chủ động đối thoại, để may mắn được nhìn thấy sự hồn hậu và nỗi khát khao được bày tỏ trong chính những gương mặt ấy.
Khoảng cách giữa một con người đầy hằn học cầm gậy gỗ, với một con người chất phác của nông thôn, dường như chỉ là một cuộc trò chuyện cầu thị. Nhiều người trong số họ chỉ có nhu cầu được lắng nghe.
Một cuộc đối thoại thực sự công khai đang được chờ đợi.
B.H.

20/04/2017

Tuổi trẻ
Xét về nghiệp vụ báo chí, báo Tuổi trẻ là nhất. Tiếc thay phóng sự có một không hai này vừa đưa lên vài chục phút đã bị hạ xuống. Nhà báo Lê Đức Dục báo Tuổi trẻ cho biết: “Không dễ để vào được điểm nóng Đồng Tâm, nhưng hôm nay người dân ở đó đã đồng ý cho phóng viên của Tuổi Trẻ vào làng mà không phải là pv một tờ báo nào khác, điều đó chứng tỏ chắc chắn họ có chút tin cậy dành cho tờ báo! Nỗ lực để có những thông tin gửi đến bạn đọc của nhóm PV trong ngày hôm nay chỉ tồn tại được 30 phút trên báo Tuoitreonline và sau đó là "tứ bất tử", trong khi đó một trang tin ất ơ có thể lấy nguyên xi nội dung và hình ảnh để ghi là của mình!”
Tui phục hồi phóng sự này rất vất vả, nhằm chống lại những nhà báo ngồi phòng lạnh chôm chỉa bài và ảnh của phóng viên báo Tuổi trẻ.

Sau nhiều nỗ lực, phóng viên Tuổi trẻ đã được người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đồng ý cho vào thôn, nơi người dân đang giữ 20 cán bộ công an.

Những con đường vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm đều có vật chắn, còn người dân thì đặc biệt cảnh giác với người lạ. Anh chụp chiều 19.4. Ảnh: Xuân Long

Xã Đồng Tâm những ngày này đang trở thành tâm điểm quan tâm của người dân cả nước sau khi xảy ra vụ việc liên quan tới đất đai, việc 4 người dân bị công an bắt giữ do có dấu hiệu vi phạm pháp luật, việc 38 cán bộ huyện, cán bộ, chiến sĩ công an Hà Nội bị người dân giữ.

Những ngả đường dẫn vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm bị cản trở bởi đất đá, cây que và nhiều vật dụng. Một số lán trại được dựng lên tại các ngã ba, ngã tư trong thôn, người dân ở đây cũng cảnh giác và áp dụng các biện pháp kiểm soát không cho người lạ mặt ra vào.

Hai thanh niên được cử đi xe máy ra đường quốc lộ 429 đón chúng tôi.

Xe máy chở chúng tôi vượt qua một đống đá to được đổ kín ngay đầu làng. Cách đó khoảng 300m, có một cụ già và 3 người phụ nữ ngồi trong đền Quán Thá. Những người này cho biết, suốt 5 ngày nay họ bỏ công, bỏ việc lên đền thắp hương để cầu cho mọi chuyện sớm kết thúc, cầu cho cuộc sống sớm ổn định trở lại, người dân được bình an.

Trong những con ngõ nhỏ của thôn Hoành, những vật cản giữa lòng đường cũng được tạo ra để hạn chế đường đi – Ảnh: Xuân Long.

Trò chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ, cụ Bùi Văn Nhạc, 80 tuổi, bộc bạch: “Dân chúng tôi không bao giờ muốn có những chuyện như thế này. Cuộc sống của người dân mấy hôm nay cũng đảo lộn. Người dân nghỉ làm, nghỉ sản xuất”.

Vào sâu trong thôn, cũng có những đoạn đường không có vật chắn, xe chạy qua lại bình thường – Ảnh: Xuân Long

“Bây giờ chúng tôi chỉ mong lãnh đạo thành phố, cơ quan chức năng về đây tổ chức đối thoại, nghe chúng tôi trình bày nguồn gốc đất đai, những căn cứ mà chúng tôi đằng đẵng khiếu nại nhiều năm nay chưa được trả lời thoả đáng. Không người dân nào mong muốn sự bất ổn này xảy ra cả”, một người phụ nữ ngoài 50 tuổi nói.

Theo những người dân tiếp chúng tôi tại đình Quán Thá (xã Đồng Tâm) trưa 19-4, câu chuyện đất đai ở thôn Hoành và xã Đồng Tâm đã dai dẳng 5 năm nay, qua nhiều cấp. Số tài liệu mà bà con tập hợp để đeo đuổi sự việc này cũng nặng chừng 3,5kg.

Người dân dựng băng rôn tại khu cánh đồng Đồng Sênh, Đồng Tâm, Mỹ Đức – Ảnh: Nam Trần

Nói về việc giữ các cán bộ, chiến sĩ công an, một phụ nữ tự giới thiệu là vợ ông Lê Đình Ba, phó trưởng thôn Hoành, xã Đồng Tâm, cho biết: “Chúng tôi chỉ giữ họ lại chứ không phải bắt, để mong các cấp lãnh đạo xuống gặp, lắng nghe và đối thoại với chúng tôi. Tôi vẫn thổi cơm bằng gạo nhà tôi, còn rau thì của nhà hàng xóm, thịt thì của một nhà chuyên đi chợ trong xóm, chúng tôi luân phiên nhau nấu cơm”.

Người phụ nữ xưng là vợ của ông Lê Đình Ba, phó trưởng thôn Hoành – Ảnh: N.V.Hải

Cụ Nguyễn Thị Chùa (82 tuổi, người trông coi đình Quán Thá) cho biết: “Bà con chúng tôi bảo nhau để các cháu (những cán bộ chiến sĩ đang bị giữ – PV) xảy ra chuyện gì không may là chúng tôi có tội với gia đình, với bố mẹ các cháu”.

Một phụ nữ trong thôn phủ nhận toàn bộ những thông tin công an bị đối xử không tử tế.

Chị cho biết sau khi người dân đã thả những người đầu tiên, số 20 công an còn lại hiện vẫn đang ở nhà văn hóa thôn Hoành.

Chúng tôi đặt vấn đề muốn tận mắt chứng kiến điều kiện ăn ở của những người đang bị giữ nhưng những người trò chuyện với chúng tôi đều nói không nên vào đó lúc này.

“Để vào đó phải qua một chốt khác nữa, người dân trong đó rất cảnh giác nên việc vào đó là chưa được, tuy nhiên, tất cả đang được đối xử rất tốt”, một người dân nói.

Một phụ nữ tự nhận là người đưa đồ ăn hàng ngày cho những người bị giữ ở nhà văn hoá cho biết: “Tất cả những yêu cầu của những người đang ở nhà văn hóa đều được đáp ứng”.

“Mỗi ngày, người dân trong thôn chi hơn một triệu đồng/bữa ăn cho những người đang ở nhà văn hoá. Chúng tôi tổ chức nấu cơm, phục vụ ngày ba bữa, sáng, trưa, chiều. Có sáng ăn xôi, có sáng ăn bánh mỳ ba tê. Hôm nắng chúng tôi mua kem, tức là ứng xử rất tử tế”, chị này cho hay.

Người phụ nữ này cũng cho biết sau mấy hôm bị giữ ở nhà văn hoá thôn Hoành, hôm nay, 19-4, người dân trong thôn đã mua quần áo cho những người bị giữ thay.

“Có người muốn hút thuốc lá chúng tôi cũng mua thuốc lá”, chị nói.

Về sức khoẻ của những người bị giữ, người phụ nữ tự nhận phục vụ chuyện hậu cần cho biết tất cả mọi người đều khoẻ.

“Có người kêu đau một chút thì người dân trong thôn cũng đã mời bác sĩ của trạm y tế xã đến khám và khám sức khoẻ cho tất cả mọi người. Hiện sức khoẻ của mọi người đều tốt”, người phụ nữ này cho biết.

XUÂN LONG – THÂN HOÀNG – N.V.HÀ