Monday, 18 December 2017

Đoản Ký Thú Mê Đọc Sách - Lương Phúc Thọ



Đoản Ký
Thú Mê Đọc Sách
Lương Phúc Thọ

Ngay từ hồi còn học lớp Nhì, lớp Nhất, tại trường Tiểu Học Phan Đình Phùng, tôi đã trở thành con “mọt sách”. Sự đam mê đọc sách này có lẽ là một phương cách để thay thế cái cảm giác của một mái ấm gia đình mà tôi không có được từ lúc tuổi còn thơ.
Ba tôi vì là một sĩ quan trong quân đội VNCH nên thuyên chuyển thường xuyên khắp bốn miền chiến thuật, chỉ có mẹ tôi và các em tôi, tuổi còn nhỏ, là có thể theo Ba tôi lang bạt kỳ hồ, nay đây mai đó.
Còn tôi, vì sự liên tục của việc học hành, đành phải ở trọ nhà của hai bà cô tại xóm Bàn Cờ. Các cô tôi, có được sạp vải tại chợ Bàn Cờ, sáng tinh sương đã rời nhà ra chợ cho tới khi trời tối mịt mới dọn hàng về. Vì vậy coi như tôi, ngoài giờ đi học, chỉ sống thui thủi, tự lo chăm sóc lấy mình.
Sự sống cô đơn ngay từ hồi còn nhỏ đó, tới bây giờ tôi biết rằng đã ảnh hưởng sâu đậm rất nhiều vào đời sống tinh thần của mình. Vì có rất nhiều lúc tôi đã tủi thân khóc thầm khi thấy cảnh các bạn học tíu ta tíu tít, tung tăng bên cạnh bố mẹ, khi được đón về trong lúc tan trường. Hay có những lúc quên mang áo mưa, trời mùa thu sâm sẩm tối, mưa phùn giá rét, đứng trú mưa dưới mái hiên một nhà bên đường, nhìn qua cửa sổ, thấy khung cảnh đoàn tụ, ấm cúng của một gia đình, đã làm tôi nước mắt chảy dòng, cầu mong cho mưa chóng tạnh để đi về, dù biết rằng về nhà cũng lại chỉ có một thân, một mình.
Do đó có thể để trốn chạy những phút cô đơn, bù vào những thiếu hụt của tinh thần, tôi đã bắt đầu đam mê đọc sách.
Mỗi khi có được một quyển sách hay là tôi mê miết đọc cho tới hết, thức khuya đến một hai giờ đêm là thường. Tôi còn nhớ có lần trốn học, chui vào tiệm bóng bàn trên đường Phan Đình Phùng đọc sách, bà Cô đi ngang bắt gặp lôi cổ về nhà, la cho một mách.
Dạo đó các sách, truyện Việt Nam xuất bản không có được bao nhiêu. do đó tôi đọc tất cả mọi thể loại từ truyện nhi đồng, Tự Lực Văn Đoàn, tiểu thuyết tình cảm lãng mạn, trinh thám, kiếm hiệp kỳ tình... hằm bà lằng xính xái, miễn là có sách để đọc là tốt rồi.
Ở giai đoạn đó đa số mọi người còn nghèo, phần tôi còn bé không có nhiều tiền, nên chỉ biết thuê sách về đọc mà thôi. Gần nơi tôi ở, có hai tiệm cho thuê sách thì tôi mướn hầu như không còn cuốn nào, cứ vài ngày lại ghé tiệm một lần hỏi xem có cuốn sách nào mới về hay không? Chủ tiệm biết ý, mỗi khi có sách mới là để dành cho tôi mướn trước.
Hằng ngày sau khi làm bài, học bài, ăn cơm tối xong là tôi tà tà thả bộ trên các dọc đường Phan Đình Phùng, Cao Thắng, Phạm Ngũ Lão.. la cà tại các sạp bán sách cũ trải trên lề đường để tìm mua những cuốn sách mà mình chưa được đọc, đa số là đi về tay không, đói bụng ghé vào một trong các xe bán bò viên tại gần góc đường Nguyễn Thiện Thuật, Phan đình Phùng ăn một bát trước khi về đi ngủ.
Cho tới khi lên Trung Học thì tôi như bắt được vàng với phong trào dịch truyện của những nhà văn nổi tiếng của Trung Hoa như Kim Dung, Quỳnh Dao, Ngoạ Long Sinh cùng với các tiểu thuyết phóng tác, từ các tác phẩm Châu Âu, của Hoàng Hải Thủy, Người Thứ Tám.. rồi tới các tác phẩm của nhà văn Duyên Anh, Hồ Biểu Chánh, Lê Tất Điều, Trần Đức Lai... tha hồ mà đọc.
***
Tiện đây tôi xin kể lại một sự kiện lịch sử liên quan tới sách vở và việc bức tử VNCH của chính phủ Hoa Kỷ hồi đó.
Sau khi tốt nghiệp Trung Học CVA, trước tiên tôi ghi danh học tại Đại Học Khoa Học, theo không nổi, cắt các mẫu vật cho kính hiển vi thì miếng nào miếng ấy dầy cộm như các lát salami, thực tập mổ ếch thì cắt đứt hết các sợi gân, ống tiêu hoá... do đó quay sang học Luật cho hợp với sự vụng về của tay chân.
Học Luật thì có thể không cần tới trường (đi cua) chỉ cần mượn chép lại các ghi chép của bạn bè siêng tới lớp, và mua sách của Trường về tự học lấy, do đó ngay từ năm đầu tôi đã đi làm quanh năm cho Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Nam (TTNCVN) của Giáo sư Nguyễn Khoa Phồn Anh, chỉ xin nghỉ một tháng hè để sửa soạn cho kỳ thi cuối năm.
Công việc của chúng tôi (phỏng vấn viên) lúc bấy giờ là đi tham khảo (interview),  trưng cầu ý kiến (polls)  của dân chúng về đời sống, quan điểm của họ về các vấn đề thời sự, bầu cử dựa trên những câu hỏi (Questionnaire) do Trung Tâm soạn sẵn.  
Chúng tôi chia ra từng nhóm nhỏ, khoảng trên chục người, đi khắp mọi nơi từ miền Nam ra tới miền Trung, kể cả các làng mạc hẻo lánh, để đi phỏng vấn dân chúng địa phương. Hàng tháng chỉ ghé về nhà hai, ba ngày thăm gia đình, giặt giũ quần áo mà thôi.
Vì đường xá giao thông mất an ninh, hầu hết chúng tôi di chuyển bằng máy bay. Nếu tới các địa phương có phi trường lớn Trung Tâm được cung cấp nguyên một chiếc DC4 (52 chỗ ngồicủa hãng Air America cho nhóm chúng tôi chưa tới 30 người, hoặc Pilatus PC-6 Porter 10  chỗ ngồi cho các nơi có phi trương nhỏ, đôi khi không có sẵn máy bay dân sự thì chúng tôi đi bằng tàu bay há mồm Fairchild C-123 Provider của quân đội Mỹ . Tới những làng mạc hẻo lánh thì dùng trực thăng "Huey", 11 giờ đáp xuống, chia nhau phỏng vấn dân làng, đã được chính quyền địa phương cho tụ tập sẵn tại sân trụ sở Ấp, Làng, 4 giờ chiều trực thăng bốc về tỉnh ly ngủ đêm.
Việc di chuyển bằng máy bay này cũng có nhiều lúc hồi hộp, thót tim. Thí dụ như những lần bay máy bay nhỏ qua những vùng gió lớn, máy bay chao qua, đảo lại như chạy xe gắn máy trên con đường mấp mô, đầy ổ gà. Cũng có lần máy bay đang bay êm lành bỗng đột ngột chao đi, hỏi phi công phụ “What happen?” thì được trả lời “VC shot at us”. Còn đi tàu bay há mồm tiếng động cơ inh ỏi nhức đầu, đã vậy phi hành đoàn lại không chịu khép “cửa hậu”, vừa bay vừa ngó xuống khoảng không phía dưới run người chỉ mong sao cho máy bay mau sớm đáp xuống phi trường.

Douglas DC-4 – Hình Minh Hoạ

Pilatus PC-6 Porter – Hình Minh Hoạ

​Fairchild C-123 Provider – Hình Minh Hoạ

Bên trong C-123 Provider ngó xuống – Hìng Minh Hoạ

​Trực Thăng “Huey” – Hình Minh Hoạ
Hầu hết các toán viên của TTNCVN là sinh viên Luật  Khoa, Văn Khoa và Kiến Trúc. Đám bên Văn Khoa, Kiến Trúc rất là văn nghệ văn gừng, đàn hay hát giỏi. Theo quy định của Trung Tâm, vì lý do an ninh trong thời chiến, chúng tôi chỉ đi phỏng vấn tới 4 giờ chiều. Về nơi trú ngụ, sau khi kéo nhau đi ăn tối tại các quán ăn ngoài chợ, nhóm sinh viên Văn Khoa, Kiến Trúc bắt đầu sinh hoạt văn nghệ, lấy đàn Guitar ra gẩy phừng phừng, đơn ca, song ca hoặc xúm nhau lại rống lên những bài Du Ca rất là náo động.
***
Vào khoảng thời gian đầu năm 1974 đột nhiên Trung Tâm ngừng mọi công tác đi phỏng vấn và chúng tôi chỉ phải làm việc tại văn phòng và trong thành phố Sài Gòn mà thôi.
Gần một năm trời, công việc của chúng tôi hàng ngày là chia nhau đi khắp các nhà xuất bản, các tiệm bán sách, ngay cả những tiệm cho thuê sách tại các ngõ hẻm, để lấy tất cả danh sách những sách, báo, tài liệu... tiếng Việt và về Trung Tâm phân loại, lập bản thống kê.
Lúc ấy chúng tôi không được cho biết mục đích của việc thu thập này. Sau đó mới vỡ lẽ là chính phủ Hoa Kỳ đã biết trước việc Việt Cộng sẽ thôn tính lãnh thổ của VNCH và chúng sẽ thiêu huỷ tất cả các sách vở, tài liệu mà chúng cho là “Văn Hoá Đồi Truỵ”. Do đó dựa theo danh sách do chúng tôi thu thập, đóng góp một phần nhỏ cho chính phủ Hoa kỳ sưu tầm, lưu trữ tất cả các sách vở trước ngày 30/4/1975, duy trì nền Văn Hóa của VNCH.
Thêm một bằng chứng cho thấy chính phủ Hoa Kỳ hồi đó đã từ lâu toan tính bỏ rơi Miền Nam VNCH.
Lương Phúc Thọ
Mùa Giáng Sinh 2017