Monday 18 December 2017

Mùa Thu Ở Storm King Art Center - New York

New York vẫn được biết đến như một thành phố không bao giờ ngủ, thế nhưng New York cũng là nơi có nhiều thắng cảnh, địa danh nổi tiếng thế giới thu hút hàng chục triệu du khách mỗi năm. Một trong những địa danh nổi tiếng và rất đặc biệt là Strom King Art Center, cách thành phố khoảng 60 dặm về hướng bắc. Mùa thu ở nơi đây là một khung cảnh thần tiên của rừng cây muôn màu xen lẫn với những tác phẩm điêu khắc và kiến trúc nghệ thuật khiến du khách tưởng chừng như đang lạc chốn thiên thai. Mời quý vị xem bút ký của Mỹ Hương với tràn ngập hình ảnh của mùa thu, cùng thưởng thức nghệ thuật của con người hoà nhịp với thiên nhiên để cảm thấy lòng mình an nhiên, thoát tục.


Tháng 10 năm 2014 chúng tôi dự tính sẽ tham dự vào một chuyến du lịch đi ngắm lá vàng mùa Thu ở Canada và Đông Bắc Hoa Kỳ trong 7 ngày do một công ty du lịch ở California tổ chức. Hành trình bắt đầu từ ngày 24 tháng 10 ở Buffalo, New York đi xem thác Niagara ở cả hai bên Hoa Kỳ và Canada. Sau đó sẽ đến các thành phố như Toronto, Kingston, Ottawa, Montreal, Quebec của Canada. Ngày 28 sẽ trở lại Mỹ để đến thành phố Boston, tiểu bang Massachuset. Ngày 29 sẽ đến Manhattan, ở thành phố New York và chuyến du lịch sẽ kết thúc vào ngày 30 tháng 10 sau khi viếng thăm tượng Nữ Thần Tự Do ở Liberty Island.

Bà chị tôi có cô con gái đang làm việc và sinh sống ở Manhattan, do đó nhân cơ hội này chúng tôi và anh chị sẽ đến thăm gia đình cháu và sẽ được dịp "sống như dân địa phương" ở New York City trước và sau khi cùng đoàn du lịch đi Canada.

Theo như chương trình đã được dự trù thì chúng tôi sẽ khởi hành ngày thứ sáu 17 tháng 10, chuyến bay sẽ cất cánh lúc 9 giờ 40 sáng tại phi trường Long Beach, California và sẽ đáp xuống phi trường JFK (John F Kenedy), New York vào lúc 5 giờ 57 chiều. Như vậy là chúng tôi sẽ có một tuần ở Manhattan để "khám phá" thành phố New York, đến xem những địa danh nổi tiếng thế giới như Time Square, Broadway Theater District, Grand Central Terminal, Rockefeller Center ở Midtown Manhattan. Thêm vào đó là Central Park ở Upper Manhattan và Wall Street ở Lower Manhattan. Ngoài ra chúng tôi sẽ tha hồ được ngắm những tòa nhà chọc trời (skyscrapers) điển hình như Empire State Building, hay Chrysler Building.

Chuyến bay từ California đến New York chỉ mất hơn 5 tiếng nhưng vì cách nhau ba múi giờ nên khi máy bay đáp xuống phi trường JFK thì thành phố New York đã lên đèn, được ngắm nhìn cảnh vật lấp lánh với hàng vạn ánh đèn cứ từ từ hiện ra khi máy bay xuống thấp dần thì thật là thú vị. Sau khi  lấy hành lý, chúng tôi được một ông tài xế người Việt chuyên đưa đón khách ở phi trường do cô cháu giới thiệu đến đón để chở về nhà của cháu. Theo như cô cháu kể thì cô may mắn được bạn giới thiệu dịch vụ đưa đón này của ông ta, giá cả cũng vừa phải, không quá đắt như đi xe taxi, hay nhiêu khê với hành lý lủng củng như khi đi xe điện ngầm (subway) nếu muốn tiết kiệm.

California đã nổi tiếng với nạn kẹt xe, vậy mà chẳng thấm vào đâu nếu đem so sánh với Manhattan, New York. Từ phi trường JFK đến nhà cô cháu ở Midtown Manhattan chỉ có khoảng 15 dặm mà xe đi cả tiếng đồng hồ vẫn chưa đến. Càng gần đến Manhattan thì lại càng kẹt xe nhiều hơn, có những lúc xe kẹt cứng cả năm, mười phút, không nhúc nhích gì cả. Đã thế lại luôn luôn có những kẻ chỉ muốn luồn lách để có thể qua mặt người khác, mặc dù hành động như thế chắc cũng chỉ có thể đến sớm hơn người khác một vài phút!

Đang ngồi suy nghĩ vẩn vơ thì tôi bị giựt mình vì có cảm giác là xe mình bị một xe khác đụng vào. Thì ra đúng là như vậy, lúc đó xe minivan chở chúng tôi đang ngừng vì đằng trước kẹt cứng, chẳng may có một xe chở hàng loại trung bình ở phía bên phải lại cố tình lách vào giữa hai xe để qua mặt xe đằng trước. Tài xế xe đó không ước lượng được là khoảng cách giữa hai xe quá nhỏ và xe chở hàng của ông ta thì quá lớn để có thể làm như thế. Kết quả là xe chở hàng đó đụng vào cả hai xe, bên trái là xe minivan chở chúng tôi và bên phải là một xe sedan nhỏ. Tôi nghĩ thầm, bây giờ mà lại phải ngồi chờ cảnh sát đến làm biên bản thì không biết là chờ đến bao giờ, vì nhìn chung quanh chỉ thấy toàn là xe, không có một chỗ nào để xe cảnh sát có thể chen vào. Sau khi chờ thêm 15 phút, bà chị tôi đề nghị trả tiền cho ông tài xế xe minivan đang chở chúng tôi và nhờ ông ta đón giùm cho chúng tôi một xe taxi để chúng tôi có thể tiếp tục đi đến nhà cô cháu.

Khoảng hơn 8 giờ tối chúng tôi mới đến nhà hai cháu, các cháu đã chuẩn bị sẳn chả giò và bún riêu. Cô cháu tôi khéo quá, hôm đó tuy vẫn phải làm việc ở nhà nhưng cháu cũng đã cố gắng xếp đặt thời giờ để nấu nướng. Trong khi ăn, cô cháu còn cho biết là sáng mai thứ bẩy, hai cháu sẽ mướn xe để chở chúng tôi đi chơi và chụp hình ở Storm King Art Center, cách nhà cháu khoảng 60 dặm, lái xe mất khoảng tiếng rưỡi. Các cháu cũng chưa có dịp đến đó, chỉ nghe nói là cảnh mùa Thu lá vàng ở đó rất đẹp. Cô cháu tôi cũng khuyên chúng tôi nên đi ngủ sớm để làm quen với giờ của New York ( trước California 3 giờ), vì ngày mai sẽ phải thức dậy lúc 6 giờ sáng để sửa soạn đi sớm. Trải qua một ngày dài như những cánh chim bay từ California đến New York, lại thêm đêm hôm trước mất ngủ vì cứ luẩn quẩn để chuẩn bị cho chuyến đi khá dài, vì vậy bây giờ tôi cũng cảm thấy đã sẳn sàng để đi ngủ sớm. Và thế là chúng tôi chẳng bị khó khăn gì về giờ giấc khác biệt cả.

Sáng hôm sau chúng tôi thức giấc trước khi đồng hồ báo thức, trước cả ông mặt trời nữa cơ. Bước ra "ban-công" (balcony) nhìn xem cảnh vật chung quanh như thế nào vì hôm qua lúc đến nhà thì trời đã tối mịt. Ngoài trời vẫn chưa sáng hẳn vì ông mặt trời cũng mới vừa thức dậy. Tôi vẫn thích ngắm cảnh mặt trời lặn những khi lênh đênh trên biển. Cảnh mặt trời mọc thì thường hiếm thấy hơn, chắc là phải có duyên thì mới thấy. Lấy máy ảnh ra chụp vội vài tấm, vào trong nhà đưa cho bà chị xem, cô cháu chạy lại xem rồi cười và nói, cô H. mới đến nhà mà đã chụp được hình mặt trời mọc, còn T. ở đây mấy năm rồi mà T. đâu có biết...


Mặt trời mọc khoảng 6 giờ sáng, nhìn từ balcony về phía East River
Khi chuẩn bị ăn sáng, nhìn quanh phòng chẳng thấy D. là chồng của cháu T. đâu cả. Hỏi thăm thì được cô cháu cho biết là D. đã dậy sớm để đi mướn xe và sẽ lái xe về đón chúng tôi đi đến Storm King Art Center. Cháu D. đã rời nhà lúc 6 giờ sáng để đi xe điện ngầm ra văn phòng cho mướn xe ở gần phi trường JFK. Ở Manhattan, muốn làm chủ một chiếc xe không phải là chuyện dễ, vấn đề khó khăn là chỗ đậu xe thường rất hiếm và quá đắt. Thường ngày các cháu đi làm thì chỉ đi bộ hay đi xe điện ngầm, vì vậy mà cũng chẳng cần phải có xe hơi. Chỉ khi nào có ai đến thăm hay muốn đi chơi xa thì mới phải mướn xe mà thôi. Không như ở California, đi đâu cũng phải cần xe hơi tại vì phương tiện di chuyển công cộng như xe bus mất quá nhiều thì giờ, lâu ngày thành thói quen, chẳng mấy ai muốn đi bộ nữa dù nhiều khi chỉ cách xa một vài con đường.

Trên đường đi đến Storm King Art Center, cảnh vật hai bên đường thật đẹp và bình lặng, khác hẳn với cảnh nhộn nhịp ở thành phố Manhattan, New York. Khi đi về hướng Bắc, lá vàng, lá đỏ bắt đầu xuất hiện trên cành nhiều hơn lá xanh. Có lẽ vì khí hậu lạnh làm cho lá cây đổi màu thật đẹp và rực rỡ, và đó có thể là lý do tại sao những cây Maples được trồng ở California không thể nào so sánh được với những cây cùng giống ở vùng Đông Bắc nước Mỹ.


Khi cháu D. ngừng xe trên một ngọn đồi để chúng tôi chụp một vài tấm hình của thung lũng Hudson ở bên dưới, thì thật là bất ngờ, chúng tôi nhận ra ngay đó là khu vực của trường West Point (United States Millitary Academy) của Hoa Kỳ. Thật là thú vị vì tôi vẫn thường được nhà tôi kể cho nghe về Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam ở Đà Lạt, và nhất là đã được xem rất nhiều hình ảnh về ngôi trường của anh, nơi đã đào tạo ra những chàng trai tình nguyện dâng hiến cuộc đời của mình để bảo vệ cho Quốc Gia, Dân Tộc. Chắc hẳn những chàng An Pha Đỏ năm xưa cũng sẽ nhận ra ngay, vì kiến trúc tổng quát của hai quân trường rất giống nhau, để rồi sẽ ngậm ngùi tưởng nhớ đến ngôi trường cũ cùng những tháng ngày yêu dấu xa xưa khi mái tóc vẫn còn xanh.

Cảnh mùa Thu giống như trong truyện thần tiên với lá xanh, đỏ, vàng, chỉ thiếu màu tím tím...
Chúng tôi đến Storm King Art Center vào khoảng 9 giờ sáng, vừa đến cổng là cả một rừng Thu đã hiện ra trước mắt. Từ trước đến giờ tôi chỉ biết đến mùa Thu lá vàng qua hình ảnh, âm nhạc, hay thơ văn. Lần đầu tiên được nhìn tận mắt cảnh một khu rừng vào Thu tôi mới thật sự cảm nhận được những cảnh đẹp của mùa Thu như thế nào, và cảm thông với những tâm hồn nghệ sĩ đã muốn chia xẻ những cảm xúc về mùa Thu của họ với mọi người.

Con đường ngập lá vàng...
Những chiếc lá màu hồng nhìn giống như những cánh hoa tô điểm thêm màu sắc cho mùa Thu
Trung tâm Nghệ thuật Storm King đã chào đón mọi người đến từ khắp nơi trên thế giới trong suốt hơn 50 năm. Được khách yêu thích nghệ thuật biết đến như là một trong những công viên triển lãm những tác phẩm nghệ thuật ngoài trời ( sculpture park) hàng đầu thế giới. Nằm ở phía Bắc thành phố New York, chỉ mất hơn một giờ lái xe từ Manhattan, những ngọn đồi, những cánh rừng, những đồng cỏ và hoa dại thiên nhiên đã là những khung cảnh tuyệt vời để triển lãm các bộ sưu tập của hơn 100 tác phẩm nghệ thuật được tạo ra bởi một số các nghệ sĩ đương thời.


Tác phẩm Adonai, 1970–71 của Alexander Liberman, (refabricated 2000) Adonai là một trong vài tác phẩm nghệ thuật của Liberman được tạo ra bằng cách sử dụng bồn chứa khí (gas storage tanks) dài 6 feet
Những bàn ghế nằm chờ khách nhàn du nghỉ chân
Thêm một tác phẩm nghệ thuật nữa
Một buổi sáng êm đềm,  đôi vợ chồng trẻ dạo chơi trong rừng Thu
Liễu rũ bên bờ hồ, vài chú vịt đang nhởn nhơ bơi lội trong hồ
Mặt nước hồ Thu phẳng lặng như gương
Thêm vài tác phẩm tác phẩm nghệ thuật nữa
Hồ Thu ngập lá vàng...
Những cánh đồng cỏ cũng đổi màu thật đẹp
Lá xanh đang bắt đầu đổi màu qua hồng, rồi cam, rồi đỏ, và sau cùng sẽ thành lá vàng trước khi rơi rụng

Tác phẩm Long Island Budda của Zhang Huan, 2010 - 2011
Đây là một trong bốn tác phẩm điêu khắc quy mô được đúc bằng đồng để tưởng nhớ đến các tác phẩm điêu khắc tượng Phật đã bị phá hủy ở Tây Tạng (Tibet) vào thập niên 1960 và 1970 trong cách mạng văn hóa của Trung cộng. Những tác phẩm điêu khắc này được Zhang Huan sáng tạo lại, phỏng theo các mảnh điêu khắc như bàn chân, chân, tay, và đầu của đức Phật đã được ông ta tìm thấy ở Tibet.

Nhìn lá vàng rơi lại chạnh nghĩ đến mùa Thu của cuộc đời...
Tác phẩm Three Legged Buddha, 2007
Tác phẩm điêu khắc bằng đồng và bằng thép với chiều cao 28 feet và nặng hơn 12 tấn. Nó đại diện cho nửa dưới của một hình dạng ba chân, một chân nằm trên một đầu người cao 8 feet. Zhang dự định sẽ đốt nhang bên trong tác phẩm điêu khắc này, mùi nhang sẽ bay ra ngoài qua lỗ mũi và mắt. Đây là tác phẩm điêu khắc duy nhất mà Zhang đã tạo ra có những lỗ trống để mùi nhang có thể thoát ra.

Mong cho trời đừng có gió để lá vàng, lá đỏ không sớm lìa cành...
Tác phẩm Gone Beyond, 2008, tượng trưng cho bàn tay của đức Phật
Nhìn những tác phẩm này thấy ngộ ngộ, nhưng không biết có ý nghĩa gì?
Tác phẩm Head From Buddha Foot, 2006, tượng trưng cho chân của đức Phật

Storm King Art Center, một công viên triển lãm những tác phẩm nghệ thuật ngoài trời được thành lập vào năm 1960, với khung cảnh thiên nhiên thật đẹp trong diện tích 500 mẫu (acres) ở vùng thung lũng tên là Hudson Valley, đẹp nhất là vào mùa Thu, rất xứng đáng được chúng ta dành trọn một ngày để thưởng thức và chiêm ngưỡng những công trình sáng tạo của Tạo Hóa cũng như của con người.


Mỹ Hương