Sáng nay tôi dậy sớm hơn thường lệ. Có thể vì hơi sương đêm đã luồn qua khe cửa sổ làm căn phòng ngủ mát lạnh. Cũng có thể vì các chú chim non đang hót líu lo trên cành báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Nhìn các con chim bay nhẩy từ cành này qua nhánh kia, thật dễ thương và thật hồn nhiên, tôi chợt nghĩ không biết sao khi còn nhỏ, bố tôi mua cho khẩu carabin, loại súng bắn chim, và chúng tôi có thể nhắm bắn vào bầy chim sẻ hồn nhiên đang mổ những hạt gạo trên sân nhà. Điều an ủi bây giờ nghĩ lại thật lạ lùng, vì hồi đó dù tuổi niên thiếu nhưng tôi đã bắn trúng cái lon sữa bò cách xa mấy chục thước, nhưng khi nhắm vào đàn chim sẻ thì các viên đạn chì đó chỉ trúng sân xi măng của cái sân thượng, và sau khi bay tứ tán, đàn sẻ lại sà xuống, và vẫn tung tăng mổ những hạt gạo trắng nõn.
Tôi thức sớm sáng nay có thể vì hôm nay là ngày nghĩa trang thay hoa mới trên các ngôi mộ. Nghĩa trang đó trước kia với tôi hầu như xa lạ, năm thì mười họa tôi mới đến, nhưng chỉ tới để tham dự các funeral chia buồn với bạn bè thân hữu vì người thân của họ vừa mới ra đi, xong rồi về. Tôi chưa hề bước chân vào khu vực nghĩa trang ấy, dù biết nó nằm ngay góc khuất bên trái. Thời gian gần đây, con đường vào nghĩa trang trở nên quen thuộc, tôi đến đó mỗi tuần, ngay sau ngày mà họ cắt cỏ và thu lượm hết hoa cũ. Tôi đến đó mỗi tuần bởi vì mẹ tôi, người mẹ mà chúng tôi kính yêu, nằm yên nghỉ ở đó bên cạnh hàng dừa xanh phủ đầy bóng mát, và gần ngay bên nhà thủy tạ. Tôi cũng hay đến đó để hưởng những giây phút yên tĩnh của một vùng không gian tĩnh mịch, và tìm sự bình an cho tâm hồn, tạm lánh xa những ồn ào náo nhiệt của Quận Cam, nơi người Việt cư ngụ đông nhất trên thế giới ở hải ngoại.
Con hẻm bên hông nhà mùa này lá thu vàng bay lả tả theo gió và rơi rụng đầy mặt đường, một mầu vàng úa đỏ, như nhắc tôi rằng một mùa Thu nữa đã về với nắng ấm Cali. Thời gian qua mau quá, những năm tháng sống ở hải ngoại đã vượt cả thời gian hơn hai thập niên tôi lớn lên và trưởng thành tại Sài Gòn, nhưng sao tôi thấy ở đây tháng ngày hình như bị rút ngắn lại, và thời gian ở Sài Gòn sao thật lâu, y như cả quãng đời của mình đã sống hết ở đó.
Âm thanh của bánh xe lăn trên những chiếc lá khô làm tôi nhớ đến những vần thơ bất hủ, bài Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư, vẫn được truyền tụng từ những năm tiền chiến đến nay:
“Em không nghe rừng thu.
Lá thu kêu xào xạc.
Con nai vàng ngơ ngác.
Đạp trên lá vàng khô?”
Năm nay Thu lại về, nhưng mỗi độ Thu về là lòng tôi lại ray rứt, vì năm ngoái trước độ Thu về là thời gian mẹ tôi ra đi, yên bình trong giấc ngủ. Người mẹ suốt đời tận tụy vì chồng con đã làm xong bổn phận của mình. Trải qua bao thời chinh chiến bom đạn tàn phá, hết thực dân Pháp đến quân phiệt Nhật, rồi Việt Minh dầy xéo quê hương, nhưng đại gia đình tôi đều đứng vững qua phong ba bão táp, nhờ mẹ. Ba tôi mất khi còn rất trẻ và trước khi mất đã cầm tay mẹ tôi nói: “Nếu tôi không lấy được mợ, không biết gia đình mình sẽ ra sao”.
Không những mẹ tôi làm tròn bổn phận bảo vệ nuôi dưỡng đàn con sau khi ba tôi mất, mà mẹ còn can trường chống lại lũ giặc từ miền Bắc vào tiếp thu miền Nam, ngày Sài gòn thất thủ. Trong khi ba người con đang ở trong trại tập trung của cộng sản, ở nhà mẹ tôi bị bọn cộng nô vô thần tại địa phương khủng bố đe dọa để cướp nhà và tịch biên gia sản. Mẹ đã hiên ngang bình thản đứng lên đối mặt với chúng, và may mắn nhờ một anh trước kia giúp việc báo tin kịp thời nên các súc vải và các tiền bạc vòng vàng còn lại mẹ đã chuyển được hết ra khỏi nhà, trước khi bọn chúng vào lùng sục. Sau một thời gian khủng bố không thành công, chúng đã không còn quấy phá nữa để quay ra kiếm chác nơi khác. Nhờ vậy mẹ đã giữ lại được căn nhà, tài sản, và gia đình các em tôi thoát khỏi cảnh đầy ải nơi vùng kinh tế mới
Nhớ mẹ, nên mỗi tuần tôi đều ra mộ. Mùa này, hoa Glaieul nở rộ nên tôi lái xe vào khu chợ Ralphs và chọn mua một bó hoa tươi đỏ thắm vì khi mẹ còn sống rất thích mầu này. Tôi đến nghĩa trang khi nắng ban mai chưa ló dạng và cây cỏ như còn đọng hơi sương trong không gian tĩnh lặng. Thấp thoáng suốt con đường hai hàng dừa chỉ mình tôi đứng đó ôm bó hoa bên mộ mẹ. Tôi lấy nước rửa sạch tấm bia đã bụi phủ đầy sau một tuần, và cắt các nhánh hoa cắm vào chiếc lọ đồng trên mộ, và đứng đó không biết bao lâu, đầu óc như lạc đi nơi nào. Không biết bao lâu sau, tiếng động bên cạnh đưa tôi về thực tại.
Nắng đã lên những tia nắng nhạt mùa Thu lấp lánh chiếu xuyên qua những lá dừa. Một thanh niên trạc ngoài ba mươi đang lúi húi rửa tấm bia và cắm bó hoa Cúc vàng vào chiếc lư đồng. Tôi đã đến nghĩa trang này nhiều lần và chưa bao giờ thấy cậu, đa số là các bà mẹ, bà chị, hay những phái nam lớn tuổi. Tò mò hỏi thăm, tôi mới biết cậu người Thái Lan, và bạn cậu thời trung học chính là cháu của người nằm xuống ở đây. Bạn cậu đang theo học sau đại học ở miền Đông, và nhờ cậu thỉnh thoảng mua hoa đến viếng dùm ông ngoại, vì ngày xưa chính nhờ ông ngoại khuyến khích mà bạn cậu đã từ một con người thất chí trở thành con người hữu dụng và thành tài.
Nhìn cậu thanh niên người Thái, tôi chợt nhớ cháu trai của tôi, con cô em gái, bây giờ trở thành bác sỹ cũng chỉ vì thương bà ngoại - mẹ tôi, lúc bà ngoại đã luống tuổi và nhuốm bệnh. Lòng thương ngoại của cháu đã làm cho vị giáo sư phỏng vấn xúc động và chấp nhận đơn xin học bác sỹ của cháu vào trường y khoa của tiểu bang Missouri. Nhiều lần cháu về thăm gia đình, cháu nói với mẹ cháu rằng, điều ân hận nhất trong cuộc đời của cháu là cháu đã học ở một trường y khoa quá xa, không được ở bên cạnh bà ngoại những giây phút cuối. Tôi rất thương cảm cho cháu vì biết suốt cuộc đời của cháu từ lúc sinh ra ở Việt Nam và lớn lên ở bên Mỹ, cho đến khi cháu phải xa nhà đến trường y ở Missouri, bà ngoại lúc nào cũng ở bên cháu. Điều đau buồn là khi cháu tốt nghiệp bác sỹ về thăm gia đình, ngày mà bà ngoại trông chờ nhất, chính là ngày mà bà ngoại đã lẫn. Cháu mặc chiếc áo ra trường đứng trước mặt bà mà ngoại nào biết gì đâu, hai mắt vẫn nhìn như vào cõi xa xăm. Vẫn biết sinh ly tử biệt là niềm đau khôn nguôi của con người trong cõi nhân sinh, nhưng sao nhiều người vẫn không biết quý trọng cha mẹ, ông bà mình khi còn sinh thời, để khi mất đi mới thấy hối tiếc thì đã muộn.
Nhìn xa xa, khu nghĩa trang đã có nhiều người đang cắm những bó hoa tươi trên mộ phần người thân. Họ như cái bóng lặng lẽ đến rồi lặng lẽ đi. Có người đến hàng tuần, nhưng cũng có người vài tuần mới đến một lần, tỉa những cành hoa để cắm trên mộ, lặng lẽ chẳng nói lời nào. Họ lặng lẽ đến, có người từ sáng sớm, có người lúc ban chiều, và lại lặng lẽ đi. Khi ánh dương đã phai nhạt dưới hàng cây, và khi bóng chiều dần phủ xuống một mầu tối xẫm, nghĩa trang lại buồn hiu hắt và quạnh quẽ.