Wednesday, 28 March 2018

ẢI NAM QUAN THEO ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ (1882)

12928274_846868318758581_5909529951003936644_n

Theo Ðại Nam Nhất Thống Chí (1882) đoạn nói về Ải Nam Quan:

Ải Nam Quan cách tỉnh thành (Lạng Sơn) 31 dặm về phía bắc, thuộc châu Văn Uyên, phía bắc giáp châu Bằng Tường tỉnh Quảng Tây nước Thanh, tức là chỗ mà người Thanh gọi Trấn Nam Quan.

Cửa nầy dựng từ năm Gia Tĩnh nhà Minh, đến năm Ung Chính thứ 3 (1725) nhà Thanh, án sát tỉnh Quảng Tây là Cam Nhữ Lai tu bổ lại có tên nữa là “Ðại Nam Quan”.


– Phía đông là một dải núi đất.

– Phía tây là một dải núi đá, đều dựa theo chân núi xây gạch làm tường, gồm 119 trượng, cửa quan đặt ở quãng giữa có biển đề “Trấn Nam Quan”, dựng từ năm Ung Chính thứ 6 (1728) triều Thanh, có một cửa, có khóa, chỉ khi nào có công việc của sứ bộ mới mở. Bên trên cửa có trùng đài, biển đề 4 chữ “Trung ngoại nhất gia”, dựng từ năm Tân Sửu (1781) đời Càn Long nhà Thanh.

– Phía bắc cửa có “Chiêu đức đài”, đằng sau đài có “Ðình tham đường” (nhà giữ ngựa) của nước Thanh.

– Phía nam có “Ngưỡng đức đài” của nước ta, bên tả bên hữu, có hai dãy hành lang, mỗi khi sứ bộ đến cửa quan thì dùng chỗ nầy làm nơi tạm nghỉ.

Năm 1774, Ðốc trấn Lạng-Sơn là Nguyễn Trọng Ðang cho tu sửa, xây lại Ải Nam Quan bằng gạch. Về việc sửa sang đài Ngưỡng Ðức, văn bia của Nguyễn Trọng Ðang ghi khắc có đoạn như sau:

“… Ðài “Ngưỡng-Ðức” không biết dựng từ năm nào ; hình như mới có từ khoảng niên hiệu Gia-Tĩnh nhà Minh, ngang với niên-hiệu Nguyên-Hòa, đời vua Lê Trang Tông ở nước ta. Ðài không có quán, hai bên tả hữu lợp bằng cỏ ; sửa chữa qua loa, vẫn theo như cũ. Nhà Lê ta trung hưng, đời thứ 14, vua ta kỷ-nguyên thứ 41, là năm Canh tý, ngang với năm thứ 44 niên hiệu Càn-Long nhà Thanh ; Ðang tôi làm chức Ðốc-trấn (Lạng-Sơn), trải qua 5 năm là năm Giáp-thìn ; sửa chữa lại, xây dựng bằng gạch ngói, đài mới có vẻ hoành tráng …”.

Theo “Ðịa-dư Các Tỉnh Bắc-Kỳ” của Ngô Vi-Liễn, Phạm Văn-Thư và Ðỗ Ðình-Nghiêm (Nhà in Lê Văn-Tân xuất-bản, Hà-Nội, 1926):

“Cửa Nam-Quan ở ngay biên-giới Trung-quốc và Việt-Nam. Kể từ Hà-Nội lên đến tỉnh-lỵ Lạng-Sơn là 150 km ; đến cây-số 152 là chợ Kỳ-Lừa ; đến cây-số 158 là Tam-Lung ; đến cây-số 162 là Ðồng-Ðăng ; đến cây-số 167 là cửa Nam-Quan đi sang Long-Châu bên Tàu. Như vậy từ Ðồng-Ðăng lên cửa Nam-Quan có 5 km ; từ Kỳ-Lừa lên Nam-Quan mất 15 km (về phía tây-nam chợ Kỳ-Lừa có động Tam-Thanh, trước động Tam-Thanh có núi Vọng Phu hay tượng nàng Tô-Thị là những danh thắng của tỉnh Lạng-Sơn) và từ tỉnh-lỵ Lạng-Sơn lên Nam-Quan là 17 km”.

Theo “Ði thăm Ðất Nước” của Hoàng Ðạo-Thúy (Nhà Xuất-bản Văn-hóa, Hà-Nội, 1976): “Ðồng-Ðăng cách biên-giới Trung-quốc 4 km. Nơi đây có Hữu-Nghị Quan của Trung-quốc”

Quyển “Phương Ðình Dư địa chí” của Nguyễn Văn Siêu (bản dịch của Ngô Mạnh-Nghinh, nhà sách Tự-Do xuất-bản ở Saigon năm 1960) thì ghi:

“Cửa hay ải Nam-Quan, đời Hậu-Lê trở về trước gọi là cửa Pha-Lũy (hay Pha-Dữ), ở về phía bắc châu Văn-Uyên, trấn Lạng-Sơn. Từ châu Bằng-Tường (tỉnh Quảng-Tây) bên Trung-quốc muốn vào nước An-Nam phải qua cửa quan này”.

TÔI ĐI TỪ ẢI NAM QUAN
BS Thượng Quân Lê Văn Sắc

Tổ tiên chúng ta đi từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mâu mất “vài ngàn năm lẻ”, còn tôi đi từ Miền Bắc, di cư vào Nam đến được Bạc Liêu, rồi Cà Mâu phải mất từ 1954 tới năm 1978, khi tôi bỏ Khu Y Khoa Cộng Đồng Đại Học Y Khoa Saigon về Miền Tây “đoàn tụ” với Ma Maison (My House), tức là phải mất 24 năm. Tôi thường nói với nhà tôi (My House, Ma Maison) rằng đúng là có duyên tiền định, vì nhà tôi thường hát câu “người dưng khác họ, tối ở không về”, tôi xuống Bạc Liêu và tối ở không về, xuống làm tại Bệnh Viện Cà Mâu, chiều Thứ Bảy, hết giờ khám bệnh, tôi lại nhờ mấy ông tài xế, lơ xe như Năm Khoánh, Hai Sung… cho quá giang về Bạc Liêu “thăm nhà”, có lần ghé nhà ông cậu nhà tôi (ông Tám Hưng) ở Xóm Lung, Bạc Liêu, lội nước vì đúng mùa nước lớn, vào nhà, thấy ông cậu có chiếc tầu đóng dở, tôi bèn bảo với nhà tôi, ông cậu tính vượt biên, bả không tin, bảo “không có đâu”, tôi bảo “chắc chắn”, rồi hỏi ông cậu, ông cậu xác nhận, và tôi về Saigon xin tiền bà chị góp phần chút đỉnh với ông cậu.... Thế là chương trình vượt biên bắt đầu...
Vì có chuyện bất ngờ, tôi lại đi trước, tính “nếu thoát, thì chỗ của ông cậu dành cho tôi sẽ chuyển cho em tôi, BS Lê Văn Thu hay em út của ông anh rể chú Lê Văn Hải”. Ngày 28-2-1979, tôi dẫn 2 cháu lớn Ngân, Dũng, con bà chị cả, đi vượt biên đến Pulau Bidong, Mã Lai, cùng tầu số VT273 với cha Lê Ngọc Triêu (hiện ở Philadelphia) và 2 tháng sau, em tôi BS Lê Văn Thu dẫn vợ con và 2 cháu kế con bà chị (Hà, Hùng) cũng sang Pulau Bidong. Vì tôi đến trước 2 tháng, tôi gộp hai cháu Hà Hùng đi cùng với tôi (5 người). Sang Mỹ năm 1979, thoạt tiên đến San Jose, ở tạm nhà cháu Hiến (nay là Thầy Sáu John Vũ, nhà thờ ElizabethMilpitas) rồi bà chị họ, bà Lê Quang Anh, mẹ cháu Connie Kim, Túp Lều Lý Tưởng, gọi điện thoại, bảo tôi lên thăm chị. Lên Seattle, anh rể Lê Quang Anh bèn rủ tôi ở lại, “để anh chị giúp đỡ cậu dễ hơn”… Từ Seattle tôi bắt đầu lên USCC (Cơ Quan Xã Hội Công Giáo Hoa Kỳ=United States Catholic Charity) xin mở hồ sơ bảo lãnh cho cha mẹ, hướng dẫn cháu Lê Thị Kim Ngân bảo lãnh cho bà nội, bố mẹ, 4 em còn ở Việt Nam)… Rồi tôi cũng nhờ Hội Hồng Thập Tự thuộc Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc tìm kiếm nhà tôi, một chiều cuối tháng 8 năm 1980, em tôi gọi điện thoại báo “Chị Hồng Anh đã đến Mỹ, ở San Jose”, cho số điện thoại, thế là tôi đã kiếm được “nửa mình thất lạc”, đúng lúc đó thì Hội Hồng Thập Tự gọi báo “đã tìm kiếm khắp các trại tỵ nạn mà không thấy”, tôi bèn cám ơn họ và vui vẻ báo cho họ biết rằng tôi đã kiếm thấy rồi. Họ cũng vui vẻ reo lên chúc mừng... Như vậy, là nàng đâu còn ở trại tỵ nạn nữa nên họ kiếm không thấy là phải. Thế là, đúng như dự tính, ông cậu đã dùng tầu tự đóng lấy, đưa được cả gia đình, vợ 7 con, và 3 chị em “nhà tôi” đến Indonesia, sau tôi hơn 2 tháng. Vì nàng đến Indonesia mà tôi thì “dạt vào” Pulau idong (pulau=cù lao, gốc chữ Việt) nên tôi đi tìm nàng ngày đêm tại Pulau Bidong chẳng thấy.
Rồi tôi xuôi Nam, quyết định trở lại San Jose nắng ấm (chứ không nắng chói) với nửa mình “thất lạc nay lại tìm thấy” (trích Kinh Thánh Công Giáo).
Đấy là chặng đường dài “tôi đi từ Ải Nam Quan tới Bạc Liêu” để tìm kiếm nửa mình thất lạc... và khi tôi đang viết những dòng này thì chúng tôi có 4 con, 2 trai 2 gái; năm 2015, gả con gái lớn (thứ 3) và ngày hôm kia, thứ bẩy 17-12-2016, gả con gái út (thứ tư), còn 2 con trai hỏi bao giờ lấy vợ thì chúng chỉ cười cười. Việc tổ chức đám cưới thật nhiều việc, bận rộn, nên hôm nay nhà tôi nhắc viết bài cho Đặc San Hội Ái Hữu Bạc Liêu nên mới có lời thanh minh, thanh nga ở trên.
Có nhiều bạn “Bắc Kỳ” Chu Văn An, Nguyễn Trãi, khi gặp nhà tôi thường hỏi: “Chị làm thế nào nắm đầu được cái tên Bắc Kỳ này vậy?” Còn các bạn cùng học với Nàng thì hỏi tôi “Làm cách nào mà ông túm tóc được em bé ngoan của tụi tôi vậy?” Bị hỏi như vậy thì cả nhà tôi và tôi đều cười cười chứ chẳng biết trả lời sao, chỉ đổ tội cho ông Trời “số trời”.
Nhà tôi có cá tính vui vẻ, hòa hợp được với mọi người nên gia đình êm thắm, họ hàng lên Bắc, xuống Nam đều ghé nhà tôi và gửi lời chứng đi khắp nơi, về đến Việt Nam, từ Nam ra Bắc nên có nhiều anh em họ ghé nhà xem hư thực và cũng vì tính dễ hòa đồng nên bạn bè rất đông, nếu mà có tiền để gọi “long distance” thì chắc bill điện thoại sẽ dài lê thê; may thay, vì “khó khăn” nên bill điện thoại ngắn thôi và chúng tôi còn thời giờ tâm sự, bàn chuyện gia đình, cưới gả hai con gái... nhưng có một điều tôi phải cám ơn Chúa là nhà tôi ngày nhỏ học trường đạo một thời gian nên sau này, nàng tự ý (thay mẹ tôi) bắt tôi đi nhà thờ đàng hoàng và bị ông Cậu chê là Đạo Xu Hướng... Riêng tôi thì đứng ngoài nghe chuyện xong bảo nhà tôi: Mình có cá tính giống hệt ông cậu, nhất là ở cái tinh xu hướng mà ông cậu mới đây chê mình là xu hướng”. Đúng là cậu nào cháu đó, nhưng phải thú thật là tôi thương ông cậu lắm, có chuyện gì là tôi chạy xuống giúp ông cậu, không nề hà mà cũng không sợ bị ông cậu la, cứ bắt tay lo, giúp... dù chẳng được bao nhiêu.
Còn chuyện có phải tổ tiên mình đi từ Ải Nam Quan như nhạc sĩ Phạm Duy viết không thì lịch sử ghi lại khác hẳn. Giống Bách Việt xuất thân từ vùng Đồng Bằng Sông Dương Tử mà Tầu gọi là Trường Giang (Sông Dài). Chắc chắn sông Trường Giang hay Dương Tử Giang có tên gọi riêng của nòi giống Bách Việt chúng ta, nhưng chúng ta bị xâm chiếm bởi giống Hán (Chin, từ đó có tên China, Chinese), bị cai trị, bị cấm xử dụng ngôn ngữ khác, tức tiếng Mẹ Đẻ của dân bị trị, bắt buộc phải dùng tiếng Hán (Chinese) nên các tiếng của nỏi Bách Việt như Quảng Đông, Tiều Châu, Phúc Kiến, tiếng Việt của Việt Vương Câu Tiễn chỉ còn là tiếng địa phương, không phải tiếng hành chánh, quan thoại (quan thoại là tiếng nói (và viết) của quan lại, vua quan). Đài Loan là vùng thuộc Phúc Kiến nên người dân cũng nói tiếng Phúc Kiến. Riêng Đảo Hải Nam, dân nói tiếng Hẹ và rất nhiều tiếng Việt và gốc là của Việt Nam nhưng bị Tầu chiếm mất nên Tầu có cái “đuôi móc” Hải Nam móc vào Vịnh Bắc Việt khiến Tầu bây giờ cứ claim thềm lục địa “cả Vịnh Bắc Việt” và Hoàng Sa, Trường Sa của người Việt Nam là của họ. Dĩ nhiên, tiếng nói còn bị ép buộc thì văn hóa cũng bị áp chế và bị chìm lắng trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, người Bách Việt vẫn nói tiếng thổ nhưỡng của mình như Tiều Châu, Quảng Đông, Phúc Kiến, Việt cổ. Người Tiều gọi chị là chế, gọi cậu là cửu, mợ là kiểm, chú là chệt, bác trai là tùa pề, bác gái là tùa úm… chứ không gọi là thúc, bá như tiếng Hán… Tóm lại, tiếng Bách Việt khác hẳn tiếng Hán, nhưng bao nhiêu đời bị Hán Trị, mình đã quen dùng tiếng Hán nên nhiều chữ là Hán phiên âm theo giọng Việt. Theo sử gia Trần Trọng Kim, người thông thạo chữ Hán và chữ Quốc Ngữ, trong Việt Nam Sử Lược, thì người các vùng Nam Hoa như Việt cổ, Tiều Châu, Quảng Đông, Phúc Kiến (Tây Việt, Đông Việt, Mân Việt, Lạc Việt…) vẫn nhận là người Bách Việt và Bác Sỹ Trần Đại Sỹ, từng đến tận quê quán tổ tiên ở Nam Hoa, nghiên cứu, truy tìm nguồn gốc giòng dõi nhà mình, xác nhận đã được đọc nhiều tài liệu (gia phả hay tài liệu văn hóa cổ) của tổ tiên xác nhận giòng dõi Bách Việt của mình. Vừa rồi, trên internet và báo chí có đăng một bài rất dài của một người Việt về thăm quê hương tại Nam Hoa đã tìm được nguồn gốc tổ tiên và tham dự những lễ nghi tập quán Cổ Việt thờ cúng tổ tiên… Cho nên đối với văn hóa ngoại lai (gốc Hán) người Bách Việt vẫn chỉ dùng ngoài công cộng, còn trong gia đình, nghi thức vẫn là tục lệ cổ xưa của Bách Việt (Quảng Đông, Tiều Châu, Phúc Kiến, Hẹ…). Và như vậy, những người gốc Bách Việt như Tiều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông… phải nói là “…Đi từ Dương Tử Giang qua nhiều ngàn năm”… mới đúng, chứ không phải chỉ đi từ Ải Nam Quan. Nhân tiện cũng xin minh xác rõ là Ải Nam Quan không phải người Việt Nam ta xây mà là do triều đình Mãn Thanh xây, Nam Quan có nghĩa là Nhìn Về Phía Nam (quan là nhìn, là canh -gác-, quan sát là nhìn ngắm kỹ càng), còn nếu người Việt mà xây thì sẽ gọi là Bắc Quan, hay Ải Bắc (ở phía Bắc Việt Nam). Tầu có Nhạn Môn Quan là Ải Bắc của Tầu, nhìn về hướng Bắc, mà hàng năm đến mùa lạnh thì chim én bay từ phương Bắc qua Ải Bắc về phương Nam, đến mùa xuân ấm áp thì chim én bay ngược qua Ải Bắc về Phương Bắc (Mãn Châu, Mông Cổ, Khương, Nhung) nên người ta còn gọi Ải Bắc là Nhạn Môn Quan (cửa Chim Nhạn bay qua). Biên giới phía bắc nước Tầu có sông Áp Lục (có 3 khúc) ở biên giới giữa Nga-Tầu và Tầu-Korea (Triều Tiên=Nam Bắc Hàn) nên có 3 tên khác nhau tùy theo cách gọi của Nga, Tầu hay Triều Tiên). Có lần tôi viết về Sông Áp Lục, có một ông học giả “nửa mùa” Nguyễn Mỹ Hào cãi và mắng tôi dốt, cho là không đúng, cho là tôi không biết về Sông Áp Lục…. Ông Nguyễn Mỹ Hào này người gốc xã Mỹ Hào, tỉnh Hải Dương, Bắc Di Cư như tôi). Bản đồ về sông Áp Lục dễ dàng tìm thấy trên Internet… Chuyện Sông Áp Lục có 3 khúc với 3, 4 tên khác nhau thì cũng giống như sông Mekong vậy. Khởi nguyên từ Tây Tạng, qua Tầu thì có tên Tầu, qua Miên thì có tên Miên và qua Việt Nam thì có tên Cửu Long vậy.
Như trên đã viết, hình như có duyên tiền định, định mệnh ông trời đã cột, nên khi từ Bắc Di Cư vào Nam, thi vào Trung Học Nguyễn Trãi, học nhờ trường tiểu học Lê Văn Duyệt, 94 Phan Đình Phùng, Dakao, Saigon, GS Âm Nhạc là nhạc sĩ Chung Quân (hình bên cạnh hay attachement), một tu xuất Công Giáo, tác giả bài Làng Tôi, được giải thưởng sáng tác âm nhạc từ ngoài Bắc, rất đẹp trai, môi son, nho nhã… dậy bài đầu tiên là bài Làng Tôi, bài thứ hai là Đẹp Bạc Liêu, bài thứ ba là Dòng An Giang, ngoại trừ bài Làng Tôi, chung cho mọi miền, 2 bài Đẹp Bạc Liêu và Dòng An Giang là 2 bài dân ca Miền Nam Lục Tỉnh, khiến tôi rất ngạc nhiên. Tác giả 2 bài này là Anh Việt Thu mà Chung Quân Nguyễn Đức Tiến là Bắc Kỳ như tôi mà lại dậy 2 bài đầu tiên về Miền Nam khiến tôi càng ngạc nhiên hơn. Từ đó, tôi nhớ mãi, và mỗi khi có dịp là nghêu ngao: “Về Bạc Liêu đất quê mình thân yêu, trên dòng sông vắng ánh trăng soi dập dìu…” và Dòng An Giang sông xanh nước biếc, dòng An Giang cây xanh bóng mát…” và tâm hồn tôi đã dính chặt vào Miền Đất Miền Nam và mỗi lần có dịp người ta hát 2 bản nhạc này, tôi đều “nhào dô” tham gia “hát ké” nên có người thắc mắc “móc lò” ông Bắc Kỳ mà sao hát nhạc quê tui? “Hát nhạc quê hương Miền Nam thì còn nhẹ lắm, chứ dính với gái Bạc Liêu thì còn nặng hơn nhiều ông ơi!”, tôi trả lời.
Sang Mỹ năm 1979, về San Jose, rồi lang thang lên Seattle 2 năm, năm 1981 xuống San Jose “kiếm nửa hồn thất lạc”, từ đó dính chặt vào vùng đất Thung Lũng Điện Tử (sau Quốc Nam gọi là Thung Lũng Hoa Vàng vì vào mùa đông xuân, hoa cải vàng nở rực rỡ khắp vùng), nhưng nay thì các vùng hoa vàng đã thu hẹp vì người ta xây cất nhà cửa và các khu thương mại khắp chốn… và Quốc Nam thì lang thang…giang hồ vô định đâu đó.
Năm 1987, Hội Ái Hữu Bạc Liêu thành lập, theo dõi báo chí, tôi nhắc nhà tôi đến tham dự, nhà tôi ngại ngần, còn tôi thì khuyến khích tham gia… và sau này, cả 4 con tôi Hà, Hồ, Anna, Angelic đều tích cực sinh hoạt với Hội, không những vậy, các em nhà tôi, vợ chồng, con cháu hầu như không vắng một buổi sinh hoạt nào, hè, xuân… Tiếng trống và đoàn lân Far East Dragon Lion Dance (Đoàn Lân Rồng Viễn Đông) ít khi vắng mặt trong các sinh hoạt của Hội.
Năm nay, Đặc San Xuân Đinh Dậu Bạc Liêu 2017 lại được ra mắt bà con đồng hương, bà con ta lại được dịp “ôn cố tri tân”, nhận họ, nhận hàng, nhận bạn, nhận bè để thắt chặt tình đồng hương thân yêu…và tôi viết bài này, “Tôi Đi Từ Ải Nam Quan về Bạc Liêu mất 24 năm”…
Xin kính chúc tất cả bà con mãi mãi thắt chặt tình đồng hương và khang an, thịnh vượng trong năm mới.

BS Thượng Quân Lê Văn Sắc