Những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, giới yêu nhạc tại Sàigòn đã được nghe 3 ca khúc bất hủ của nhạc sĩ Trường Sa: Xin Còn Gọi Tên Nhau, Rồi Mai Tôi Đưa Em, và Mùa Thu Trong Mưa qua tiếng hát của nữ ca sĩ Lệ Thu. Chỉ với 3 bản tình ca này, vườn hoa âm nhạc Việt Nam đã có thêm một bông Hồng tuyệt đẹp.
Cá nhân tôi, khi nghe 3 ca khúc này đã yêu ngay cái nét nhạc dịu dàng, bình lặng như dòng suối nhỏ lượn quanh khu vườn yên tĩnh, rồi bất chợt trổi lên như cơn bão nổi, như con sóng thần ngập tràn dấu đau thương. Tôi cũng yêu nữa những lời ca sâu lắng, man mác buồn, chau chuốt nhưng không kiểu cách, không làm dáng. Cả 3 bài đều mang chung một nhịp điệu Slow buồn. Hồn nhạc lãng đãng, mênh mang diễn tả những cuộc tình lỡ làng, có lẽ xuất phát từ chuyện tình cảm mất mát của người nhạc sĩ tài hoa này. Hãy lắng nghe tiếng hát Lệ Thu vút cao khi diễn tả những dòng âm thanh trầm bổng kỳ diệu để thấy kỹ thuật viết nhạc và lời ca của anh đã có thể lôi cuốn, đưa đẩy, dẫn dắt người nghe vào những cơn mưa êm đềm, hay vào những cơn hồng thủy, chấn động, nát tan con tim:
Tình trong cơn ngủ mê
Rồi phai trên hàng mi
Chợt khi mình nhớ về
Mộng thành mây bay đi
Còn gì trên đôi tay
Nên thầm hờn dỗi mình
Cho tình càng thêm say…
(Xin Còn Gọi Tên Nhau)
Rồi phai trên hàng mi
Chợt khi mình nhớ về
Mộng thành mây bay đi
Còn gì trên đôi tay
Nên thầm hờn dỗi mình
Cho tình càng thêm say…
(Xin Còn Gọi Tên Nhau)
Chiều xưa em qua đây
Ru hồn nắng ngủ say
Lời yêu trót đong đầy
Đón em thu mây bay
Tiễn em xuân chưa phai
Xót ngày vàng còn gì
Đành đoạn rồi những lần chiều hẹn ước…
(Rồi Mai Tôi Đưa Em)
Ru hồn nắng ngủ say
Lời yêu trót đong đầy
Đón em thu mây bay
Tiễn em xuân chưa phai
Xót ngày vàng còn gì
Đành đoạn rồi những lần chiều hẹn ước…
(Rồi Mai Tôi Đưa Em)
Rồi thật tình cờ chúng tôi có dịp quen biết nhau, và lại có những tháng ngày làm việc chung trong một chương trình nhạc trên đài phát thanh Quân Đội, để tôi nhận biết thêm một điều, Trường Sa, tác giả những bài tình ca đã làm rung động bao tâm hồn của tuổi trẻ thập niên 60-70, còn là một sĩ quan cấp tá của Hải Quân quân lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn đang tiếp tục hành quân, chiến đấu ngoài mặt trận.
Sau 3 ca khúc này, Trường Sa tiếp tục gửi đến người nghe Một Mai Em Đi, Tàn Tạ, Ru Em Một Đời, Như Hoa Rồi Tàn… Rất nhiều ca sĩ hàng đầu của nền tân nhạc Việt Nam lúc đó đã hát những sáng tác của anh, nhưng theo tôi, nữ ca sĩ Lệ Thu đã đưa những tình khúc cũng như tên tuổi của anh đến tuyệt đỉnh danh vọng. Có thể nói Lệ Thu đã chuyên trở được trọn vẹn những tình cảm, tâm tư nhạc sĩ Trường Sa gửi gấm qua những tác phẩm của anh.
Tháng 4 năm 75 chúng tôi mất liên lạc… cho đến một dịp tình cờ ở hải ngoại khi xem cuốn video Thúy Nga 44, tôi đã gặp lại anh qua một sáng tác anh viết sau này: Mùa Xuân Sao Chưa Về Hỡi Em, và sau đó Những Mùa Thu Qua Trên Cuộc Tình Tôi trên sân khấu Asia. Năm 2003 Trung tâm Thúy Nga Paris đã thực hiện cuốn dvd Thúy Nga 70 để vinh danh, cũng như tri ân những đóng góp của anh cùng hai nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương và Lê Dinh vào nền tân nhạc Việt Nam. Vẫn dáng dấp quen thuộc, vẫn gương mặt hiền lành, tiếng nói điềm đạm. Và cho dù cuộc đời đã trải qua bao thăng trầm, đổi thay, những sáng tác sau này của anh như Mùa Xuân Sao Chưa Về Hỡi Em, Những Mùa Thu Qua Trên Cuộc Tình Tôi, Bài Tình Ca Cho Kỷ Niệm, Xin Yêu Nhau Dù Ngày Mai Nữa…vẫn tràn đầy xúc cảm, nét nhạc vẫn dịu dàng, êm ái, lời ca vẫn trau chuốt, mượt mà như thuở nào.
Mùa xuân sao chưa về hỡi em
Xua mây tan cho những ngày nắng êm
Lũ chim non gửi gấm khúc tự tình
Gọi xuân cho xanh mầu mắt em
Và mơ ước thắm thiết mãi lên, cho ta nói yêu em…
(Mùa Xuân Sao Chưa Về Hỡi Em)
Xua mây tan cho những ngày nắng êm
Lũ chim non gửi gấm khúc tự tình
Gọi xuân cho xanh mầu mắt em
Và mơ ước thắm thiết mãi lên, cho ta nói yêu em…
(Mùa Xuân Sao Chưa Về Hỡi Em)
Thôi còn đâu nữa Sài Gòn qua bao tháng ngày chung đôi
Nỗi buồn phong kín những mùa thu qua trên cuộc tình tôi
Theo ngàn mây mãi lang thang trôi vào tận cuối trời
Tới bên em Sài Gòn lắng đọng một thời yêu xưa vang bóng…
(Những Mùa Thu Qua Trên Cuộc Tình Tôi)
Nỗi buồn phong kín những mùa thu qua trên cuộc tình tôi
Theo ngàn mây mãi lang thang trôi vào tận cuối trời
Tới bên em Sài Gòn lắng đọng một thời yêu xưa vang bóng…
(Những Mùa Thu Qua Trên Cuộc Tình Tôi)
Một trong những nguyện vọng của anh là có thể gom góp tất cả những ca khúc anh đã sáng tác từ hơn 40 năm nay để in trong một tập nhac. Hôm nay trong niềm qúi mến đối với người nhạc sĩ một đời viết tình ca, và đã đóng góp rất nhiều cho nền tân nhạc của chúng ta, tôi xin được hân hạnh giới thiệu cùng các bạn tập nhạc qúi giá này.
NGÔ THỤY MIÊN
---------------------------------------------------------------------------------
Nhạc Sĩ Trường Sa - Những Sáng Tác Chọn Lọc Hay Nhất:
https://www.youtube.com/watch?v=GHNvr3FRPKs
https://www.youtube.com/watch?v=GHNvr3FRPKs
Ba Ca Khúc Bất Hủ Của Nhạc Sĩ Trường Sa:
https://www.youtube.com/watch?v=49JnD7TExpk
https://www.youtube.com/watch?v=49JnD7TExpk
Mùa Thu Trong Mưa - Dòng Nhạc của Trường Sa - Biên soạn do NS. Phan Anh Dũng.
http://cothommagazine.com/index.php…
-----------------------------------------------------------------------------------
http://cothommagazine.com/index.php…
-----------------------------------------------------------------------------------
(Thy Nga, phóng viên đài RFA – 2008-12-07)
“Rồi mai tôi đưa em” Bằng Kiều đang hát, là một trong các bản tình ca làm rung động trái tim người nghe từ bốn mươi năm nay.
Qua cuộc đổi đời, tác giả tình khúc ấy là Trường Sa vẫn tiếp tục sáng tác. Thy Nga điện thoại sang Toronto, Canada nơi nhạc sĩ định cư từ 17 năm nay, hỏi chuyện về sinh hoạt của ông hiện nay, mời quý vị nghe tâm tình cùng với các nhạc bản cũ và mới của ông.
“Bài tình ca cho kỷ niệm” qua giọng hát Loan Châu …
Gia nhập Hải Quân
Trường Sa chào đời tại Ninh Bình. Thời niên thiếu ở chỗ này chỗ kia do hoàn cảnh cha là quân nhân: Vào Nha Trang năm 1954, đến năm 57 thì gia đình định cư tại Thủ Đức. Tới năm 62, không thể tiếp tục cuộc sống dân sự vì cường độ chiến tranh, ông gia nhập Hải Quân khoá 12. Sau khi tốt nghiệp, người sĩ quan trẻ này đã cùng với đồng đội trải qua nhiều hiểm nguy, nhưng ông nói là rất hãnh diện đã sống một phần đời đáng sống.
“Một lần xa bến” qua giọng hát Tâm Đoan …
Sau những cuộc hành quân mà cái chết luôn chực chờ, ông vẫn dành thời giờ cho niềm đam mê âm nhạc, viết các ca khúc thời chiến như “Một lần xa bến” quý vị vừa nghe, như “Hành trang giã từ”, “Chuyện người đan áo”, … Là Hạm Phó chiến hạm tuần dương Trường Sa nên để kỷ niệm, ông lấy tên Trường Sa làm bút hiệu.
Nhạc sĩ Trường Sa: “Thưa Chị Thy Nga, tôi đến với âm nhạc là do sở thích. Hồi còn trẻ, tôi tìm sách, tôi học về ký âm pháp. Sau đó, nghiên cứu bộ Traité Dubois gồm có những phần hòa âm thuận, hòa âm nghịch, ký âm đối điểm, tôi dựa vào những tài liệu đó, Tôi cũng gặp gỡ những bạn như Anh Việt Thu chẳng hạn, và chúng tôi thường thảo luận về hòa âm này kia.”
Sáng tác tình ca
Nhạc sĩ Từ Công Phụng là người khích lệ Trường Sa viết tình ca, và năm 1967 từ một cuộc tình đành đoạn, Trường Sa viết những nốt nhạc đầu tiên của bài “Rồi mai tôi đưa em” mà phải 2 năm sau, mới hoàn tất.
“Xin còn gọi tên nhau” là ca khúc tiếp theo, và cũng trong năm 1969, “Mùa Thu trong mưa” là nhạc bản mà do cảm hứng dâng tràn, ông viết chỉ trong vài tiếng đồng hồ.
“Mùa Thu trong mưa” với Lệ Thu, giọng hát trình bày nhạc bản này đầu tiên. Hầu hết những tình khúc của Trường Sa cũng thế, Lệ Thu là ca sĩ trình bày đầu tiên và hay nhất …
Ba nhạc bản đó được đưa ra liên tiếp, chẳng khác nào đợt sóng lãng mạn từng lớp ập đến với người nghe.
Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên nổi tiếng về tình ca, ghi lại là khi nghe ba bài ấy, ông đã “yêu ngay cái nét nhạc dịu dàng như dòng suối nhỏ lượn quanh khu vườn yên tĩnh, rồi bất chợt trổi lên như cơn bão nổi, ngập tràn đau thương”.
Vẫn theo nhận định của nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên thì “lời ca của Trường Sa sâu lắng, man mác buồn, chau chuốt nhưng không kiểu cách, không làm dáng”.
Sang thập niên 1970, Trường Sa tiếp tục viết nhạc mà nổi nhất là bài “Một mai em đi” viết vào năm 1973 khi đóng quân tại căn cứ Trà Cú trên sông Vàm Cỏ Đông.
Các nhạc bản khác ra đời tại Trà Cú là “”Ru em một đời”, “Sầu muộn sầu”, “Như hoa rồi tàn”. Riêng “Sầu biển” thì phổ biến rộng rãi trong hàng ngũ Hải Quân để gom tiền ủy lạo gia đình Trung tá Ngụy Văn Thà tử trận trong trận chiến Hoàng Sa năm 1974.
Thy Nga: Những ngày cuối tháng Tư 1975 thì anh khi đó ở đâu ạ?
Trường Sa: Khi đó, tôi là Chỉ huy trưởng cái đoàn hộ tống công-voa các thương thuyền của các nước đi tiếp tế cho chính quyền Lon Nol tại Campuchia. Ngày 29 thì tôi ở Vàm An Long trên sông Cửu Long. Khi mà tôi liên lạc với các cấp chỉ huy của tôi thì người ta đi hết rồi, thành ra đêm hôm đó, tôi dùng một chiếc tàu nhỏ trở về Saigon nhưng không vô được bên trong nữa. Và từ đó, tôi gặp chiến hạm từ Saigon đi ra, tôi lên chiến hạm, đi tới đảo Guam luôn. Khi lên tàu, tôi tìm khắp trên các chiến hạm đang di tản, không có gia đình tôi.
Thy Nga: Thế rồi suy nghĩ thế nào mà anh lại trở về bằng tàu Việt Nam Thương Tín?
Trường Sa: Không liên lạc được với gia đình, vợ con tôi ở Saigon. Tôi không bỏ rơi gia đình trong cảnh khó khăn như thế. Khi đến đảo Guam thì tôi xin Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc can thiệp cho tôi trở về Việt Nam. Hoàn cảnh nào, tôi cũng chấp nhận hết.
Thy Nga: Về Việt Nam thì chuyện gì xảy ra?
Trường Sa: Tàu Việt Nam Thương Tín trở về Việt Nam thì người ta đưa tàu ra Nha Trang, bắt tôi lên Ty Cảnh Sát cũ tại Nha Trang ở đó 2 tháng, rồi chuyển ra trại A 20 Phú Khánh. Một thời gian ngắn sau thì chuyển ra Bắc, trại Nghệ Tĩnh đến năm 1984.
Thy Nga: Như vậy là mất cả thảy 9 năm! Chỉ vì đã ra đi, rồi lại trở về.
Trường Sa: Vâng. Năm 86 thì tôi đi, bị bắt. Từ cửa biển vào Mỹ Tho, dọc đường tôi bị đánh dữ lắm. Họ giam tôi 45 ngày trong xà-lim tối, sau đó, họ cho ra lao động. 2 năm sau thì thả tôi về.
Đến tháng Tư 1989, tôi tiếp tục đi nữa.
Thy Nga: Lần này, chuyến vượt biển thành công, Trường Sa cùng 3 con đến Pulau Biđông, phải chờ 28 tháng, mới được Canada nhận vào.
Trên miền đất tự do, Trường Sa viết nhạc trở lại sau 15 năm gián đoạn. Và ngoài việc làm tại một công ty xe hơi, ông sinh hoạt thường xuyên trong hội Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa tại Canada, và sinh hoạt văn nghệ, như ông thuật lại:
“Thưa Chị, tôi vẫn tiếp tục sáng tác, gửi bài cho các trung tâm. Sinh hoạt về văn nghệ với các nhóm nghệ sĩ ở Montreal. Tôi đóng góp bài, có khi họ bắt, yêu cầu tôi hát nữa.”
Năm 1992, vợ cùng với đứa con gái lớn sang đoàn tụ.
Gia đình sum vầy được 4 năm thì vợ ông chẳng may bị tai nạn chết trong chuyến trở lại Việt Nam thăm thân nhân.
“Những mùa Thu qua trên cuộc tình tôi” là tâm sự của Trường Sa trong những năm dài sau đó …
Rồi thì do bạn giới thiệu, Trường Sa gặp gỡ một người trong tình cảnh tương tự. Ông cho đó là “niềm hạnh phúc cuối đời” cho mình.
Chắc hẳn, niềm hạnh phúc tìm thấy này đã đem lại sinh động để ông hoàn thành việc mà bao năm qua mãi lần khân, đó là gom tác phẩm của mình lại thành tuyển tập.
Tháng Bảy 2007, Trường Sa ra mắt tuyển tập nhạc gồm 26 tình khúc tức là khoảng phân nửa số nhạc bản của ông.
Trường Sa không còn điều chi để mơ ước hơn nữa. Những mùa Thu lẻ loi đã qua đi, người nhạc sĩ này hiện sống êm ả trong cảnh hưu trí và niềm hạnh phúc nhỏ bé của mình.
“Xin còn gọi tên nhau” …
Với ca khúc “Xin còn gọi tên nhau” Lệ Thu hát, Thy Nga xin kết thúc câu chuyện về nhạc sĩ Trường Sa … Hẹn tái ngộ quý thính giả trong chương trình kỳ tới.
Mời nghe: “Nhạc Sĩ Trường Sa và Các Tình Khúc” – Âm Nhạc Cuối Tuần do Thy Nga (RFA) thực hiện.