Wednesday, 28 March 2018

Giang Thanh (1914 - 1991) Người vợ thứ tư của Mao Trạch Đông - Phạm Văn Tuấn


Giang Thanh (Jiang Qing, 19/3/1914 – 14/5/1991) là người vợ thứ tư của Chủ Tịch Mao Trạch Đông (Mao Zedong), là một diễn viên sân khấu, một nhân vật chính trị hàng đầu trong Cuộc Cách Mạng Văn Hóa (1966-1976).

Trên sâu khấu, Giang Thanh lấy biệt danh là Lam Bình (Lan Ping) và còn có nhiều tên khác. Giang Thanh kết hôn với Mao tại Diên An (Yan’an) vào tháng 11 năm 1938, rồi vào Ngày Tuyên Bố Độc Lập của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc vào năm 1949, Giang Thanh trở thành Đệ Nhất Phu Nhân.

Mọi người biết đến Giang Thanh vì bà ta đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa (the Cultural Revolution) và lập nên một nhóm chính trị gia khuynh tả được gọi là Nhóm Tứ Nhân Bang hay Bè Lũ Bốn Tên (the Gang of Four).


Trong thập niên 1940, Giang Thanh là thư ký riêng của Mao và đứng đầu Phân Bộ Phim Ảnh của Cơ Quan Tuyên Truyền của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (the Communist Party’s Propaganda Department). Vào các giai đoạn đầu của cuộc Cách Mạng Văn Hóa, Giang Thanh đã là một nhân vật biệt phái của Mao, rồi vào năm 1966, Giang Thanh được cử làm Phó thủ lãnh đoàn Cách Mạng Văn Hóa Trung Ương (the Central Cultural Revolution Group).

Vào cao điểm của cuộc Cách Mạng Văn Hóa, Giang Thanh đã có ảnh hưởng rất lớn trong các công tác ngoại giao, trong các phạm vi văn hóa và nghệ thuật, đã tạo nên các bích chương tuyên truyền như hình ảnh các người lao động giương cao ngọn cờ của cuộc Cách Mạng Vô Sản.

Giang Thanh đã cộng tác với Lâm Bưu (Lin Biao) để phát triển ý thức hệ cộng sản của Mao cũng như trong các công tác tôn sùng cá nhân Mao. Vào năm 1969, Giang Thanh được dành cho một chỗ trong Bộ Chính Trị (the Politburo).

Khi Mao qua đời, Nhóm Tứ Nhân Bang đã kiểm soát được nhiều cơ sở chính trị, gồm cả Bộ Thông Tin và Bộ Tuyên Truyền, vì được Mao Chủ Tịch hậu thuẫn, Giang Thanh đã thường hay xung khắc với các nhà lãnh đạo khác của Trung Cộng.

Mao Trạch Đông qua đời vào năm 1976, sự việc này đã ảnh hưởng rất nhiều đến vai trò chính trị của Giang Thanh. Vào tháng 10 năm 1976, Giang Thanh bị nhóm Hoa Quốc Phong (Hua Guofeng) bắt giữ rồi bị kết án là thuộc “nhóm Lâm Bưu và nhóm Phản Cách Mạng” (the Lin Biao and Jiang Qing Counter-Revolutionary Cliques), nhóm phản cách mạng này đã gây ra các cảnh tàn phá do cuộc Cách Mạng Văn Hóa.

Đầu tiên Giang Thanh bị kết án tử hình rồi vào năm 1983, bản án này được chuyển thành án tù chung thân. Sau khi được thả ra để điều trị bệnh hoạn, Giang Thanh đã tự sát vào ngày 14 tháng 5 năm 1991.

1/ Cuộc đời lúc ban đầu.

Giang Thanh sinh tại Chư Thành, tỉnh Sơn Đông (Shandong) vào ngày 19/3/1914. Tên khai sinh là Lý Thục Mông (Li Shumeng), là người con duy nhất của ông Lý Đức Văn (Li Dewen), một người thợ mộc và bà vợ lẽ.

Cha của Giang Thanh có một tiệm đóng tủ và làm đồ gỗ. Sau khi cha mẹ của Giang Thanh bất hòa, bà mẹ đã đi làm đầy tớ cho người khác và có nguồn tin nói rằng bà ta đã đi làm điếm rồi ly dị với người chồng.

Khi theo học trường tiểu học, Giang Thanh lấy tên là Lý Vân Hạc (Li Yunhe), có nghĩa là con hạc trong mây (crane in the clouds). Do thuộc về gia cấp thấp hèn và là đứa con không chính thức, Giang Thanh đã bị các bạn học khinh rẻ rồi cùng với bà mẹ, Giang Thanh dọn nhà về nhà của bà ngoại khi bắt đầu theo bậc trung học.

Vào năm 1926, người cha qua đời khi Giang Thanh được 12 tuổi, bà mẹ dọn về tỉnh Thiên Tân (Tianjin) tại nơi này, Giang Thanh đã là một công nhân ít tuổi làm việc trong một xưởng thuốc lá trong nhiều tháng trường.

Hai năm sau, Giang Thanh và bà mẹ dời về Tế Nam (Jinan) rồi qua mùa hè, Giang Thanh theo học trường kịch nghệ. Do có tài năng, Giang Thanh được tuyển chọn vào nhóm kịch của thành phố Bắc Kinh. Tới tháng 5 năm 1931, Giang Thanh trở về Tế Nam (jinan) rồi kết hôn với một người con trai giàu có của một thương gia, tên là Bùi Minh Luân (Pei Minglun). Cuộc hôn nhân này không có hạnh phúc nên cả hai người đã sớm ly dị nhau vào tháng 7 năm 1931.

2/ Theo nghề sân khấu.

Từ tháng 7 năm 1931 tới tháng 4 năm 1933, Giang Thanh theo học tại trường Đại Học Thanh Đảo (Qingdao University) tại tỉnh Thanh Đảo. Tại nơi này, Giang Thanh đã gặp Dự Kỳ Vi (Yu Qiwei), một sinh viên vật lý lớn hơn Giang Thanh 3 tuổi và là một đảng viên của ban Tuyên Truyền Đảng Cộng Sản (the Communist Party Propaganda Department). Vào năm 1932, hai người này đã yêu nhau và đã sinh sống với nhau. Giang Thanh vì vậy đã tham gia vào Mặt Trận Văn Hóa Cộng Sản (the Communist Cultural Front), đây là nhóm nghệ sĩ, nhà văn và các diễn viên.

Qua tháng 2 năm 1933, Giang Thanh tuyên thệ gia nhập Đảng Cộng Sản Trung Quốc cùng với người chồng Dự Kỳ Vi ở bên cạnh, và được chỉ định thuộc về lớp đảng viên trẻ tuổi. Cũng vào năm này, Dự Kỳ Vi bị bắt và Giang Thanh bị gia đình bên chồng xa lánh, nên đã trở về với gia đình bà mẹ tại Tế Nam (Jinan). Nhờ các bạn bè giúp đỡ, Giang Thanh được giới thiệu theo học trường Đại Học Thượng Hải (Shanghai University) vào mùa hè, tại nơi này Giang Thanh đã học được một ít về văn chương. Tới tháng 10 năm đó, Giang Thanh lại gia nhập Đoàn Thanh Niên Cộng Sản (the Communist Youth League) đồng thời cũng tham gia vào nhóm kịch nghệ.

Tới tháng 9 năm 1934, Giang Thanh bị bắt và bị nhốt tù vì các hoạt động chính trị tại Thượng Hải nhưng sau ba tháng, đã được thả ra. Sau đó, Giang Thanh đã đi tới Bắc Kinh và đoàn tụ lại với Dự Kỳ Vi, người chồng này cũng mới được tha ra khỏi tù. Vào tháng 3 năm 1935, Giang Thanh quay về Thượng Hải và trở thành một diễn viên nhà nghề, lấy biệt danh là Lam Bình (Lan Ping). Giang Thanh đã xuất hiện trong nhiều cuốn phim và vở kịch như Thần Tự Do (God of Liberty), Cảnh vật của Thành Phố (The Scenery of City), Máu trên Núi Sói (Blood on Wolf Mountain) và Ông Già Vương (Old Mr. Wang). Trong vở kịch “Căn Nhà của Búp Bê” (A Doll’s House) của Ibsen, Giang Thanh đã đóng vai Nora.

Với nghề nghiệp đã vững vàng, Giang Thanh quen thân với ông đạo diễn Đường Nạp (Tang Na) nên đã xuất hiện trong các phim “Các cảnh vật của đời sống thành thị” (Scenes of City Life), và “Bức Tượng Tự Do” (The Statue of Liberty). Giang Thanh và ông Đường Nạp đã kết hôn với nhau tại Hàng Châu (Hangzhou) vào tháng 3 năm 1936, nhưng ông chồng này đã sớm khám phá ra rằng Giang Thanh vẫn còn liên lạc với Dự Kỳ Vi. Nhiều người đã biết tới tai tiếng này nên ông Đường Nạp đã hai lần dự tính tự tử rồi cuối cùng, họ đã ly dị với nhau.

Vào năm 1937, Giang Thanh tham gia Công Ty Phim Liên Hoa (The Lianhua Film Company), đã diễn xuất trong phim “Giông Bão Lớn” (Big Thunderstorm). Người ta cho rằng Giang Thanh đã có tình cảm với nhà đạo diễn Trang Minh (Zhang Min) nhưng Giang Thanh đã phủ nhận việc này trong phần tự thuật.

Tới năm 1967 và cũng là khởi đầu của cuộc Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản (the Great Proletarian Culture Revolution), Giang Thanh tuyên bố rằng mình đã thực hiện được 8 vở kịch là các kiểu mẫu mới của nền văn chương và nghệ thuật vô sản, trong số này có “Vở Ca Vũ Nhạc Kịch Cách Mạng” (Revolution operas) dùng để ca ngợi Mao Trạch Đông, Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân và các tranh đấu cách mạng.

Sau này, khi qua thăm Trung Quốc vào tháng 2 năm 1972, Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon đã coi vở ca kịch “Cách Biệt Đỏ của Phụ Nữ” (Red Detachment of Women) của Giang Thanh và ông Nixon đã phải khen ngợi phần kịch nghệ.

3/ Tới Diên An và kết hôn với Mao Trạch Đông.

Sau biến cố Cầu Marco Polo (the Marco Polo Bridge Incident) vào tháng 7 năm 1937, quân đội Nhật Bản đã xâm chiếm Thượng Hải và đã tàn phá phần lớn kỹ nghệ điện ảnh của thành phố này, vì vậy Giang Thanh đã phải bỏ chạy, đầu tiên tới Tây An (Xi’an) rồi tới bộ chỉ huy kháng chiến tại Diên An (Yan’an) để tham gia cách mạng và chiến tranh chống quân xâm lăng Nhật Bản. Vào tháng 11 năm 1937, Giang Thanh theo học Viện Mác Xít Lênin-nít (the Maxist Leninist Institute) rồi tới ngày 10 tháng 4 năm 1938, Hàn Lâm Viện Nghệ Thuật Lỗ Tấn (the Lu Xun Academy of Arts) được thành lập tại Diên An, nên Giang Thanh trở thành một huấn luyện viên trong phân khoa kịch nghệ, chuyên dạy và đóng các vở kịch và ca kịch (operas).

Không lâu sau khi tới Diên An, Giang Thanh đã kết thân được với Mao Trạch Đông. Thời đó, Mao đã 45 tuổi, gần gấp đôi tuổi của Giang Thanh và hiện có vợ là Hà Tử Trân (He Zizhen), một đồng chí cộng sản đã cùng Mao bỏ chạy trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh (the Long March), đồng thời đã có với Mao 5 người con.

Sau đó Mao đã dàn xếp với các lãnh tụ cao cấp khác của Đảng Cộng Sản Trung Hoa để Mao được phép ly dị và cưới Giang Thanh với điều kiện Giang Thanh phải ở bên ngoài các hoạt động chính trị trong 30 năm. Giang Thanh đã tuân thủ điều kiện này nhưng 30 năm sau, vào lúc khởi đầu của cuộc Cách Mạng Văn Hóa, Giang Thanh đã trở nên tích cực trong vai trò chính trị.

Ngày 28/11/1938, Mao và Giang Thanh đã kết hôn với nhau theo một nghi lễ nhỏ sau khi được Ủy Ban Trung Ương Đảng chấp thuận. Bởi vì Mao chưa chấm dứt hoàn toàn cảnh hôn phối với người vợ cũ, cho nên Giang Thanh đã phải cam kết sẽ không xuất hiện bên cạnh Mao trước công chúng. Giang Thanh và Mao có một đứa con gái chung, tên là Lý Na (Li Na) sinh vào năm 1940.

4/ Giang Thanh nắm quyền lực.

Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (the People’s Republic of China) được thành lập vào năm 1949 và Giang Thanh trở thành Đệ Nhất Phu Nhân, đồng thời bà ta cũng là Giám Đốc Phim Ảnh trong Bộ Tuyên Truyền Trung Ương (the Central Propaganda Department), và cũng là hội viên của Bộ Văn Hóa (the Ministry of Culture) trông coi Ủy Ban Kỹ Nghệ Phim Ảnh.

Sau thời kỳ “Bước Đại Nhẩy Vọt” (the Great Leap Forward, 1958-61), Mao bị Ủy Ban Trung Ương Đảng chỉ trích nên đã quay về nhờ Giang Thanh và một số người khác ủng hộ mình để tấn công các kẻ thù. Sau khi Mao viết một tập sách mỏng chỉ trích rằng hãy còn loại kịch nghệ cổ truyền mang tính chất phong kiến và tư sản thì Giang Thanh đã mượn cớ này để thanh trừng mọi thứ văn chương và thông tin, ngoại trừ các thứ tuyên truyền chính trị. Kết quả là mọi sáng tạo văn học bị đàn áp và các tài liệu cách mạng bị chỉ đạo nghiêm ngặt.

5/ Cuộc Cách Mạng Văn Hóa.

Vào năm 1966, Giang Thanh được Mao chỉ định làm Phó Tổng Giám Đốc của Nhóm Cách Mạng Văn Hóa Trung Ương (the Central Cultural Revolution Group), vì vậy Giang Thanh đã xuất hiện trước dân chúng như là một nhân vật chính trí có hạng vào mùa hè năm đó.

Qua tháng 4 năm 1969, Giang Thanh được bổ nhiệm vào Bộ Chính Trị (the Politburo) nên từ đó, bà ta đã cùng với một số nhân vật chính trị khác thành lập ra một nhóm gọi là Tứ Nhân Bang hay Bè Lũ Bốn Tên (the Gang of Four), gồm có Trương Xuân Kiều (Zhang Chungqiao), Diêu Văn Nguyên (Yao Wenyuan) và Vương Hồng Văn (Wang Hongwen). Từ đây, Giang Thanh trở nên môt trong các nhân vật có thế lực nhất trong các năm cuối đời của Mao.

Trong giai đoạn Cách Mạng Văn Hóa, Mao đã khích động các sinh viên và các công nhân trẻ trong đoàn Vệ Binh Đỏ (the Red Guards) phải tấn công các kẻ trong Đảng Cộng Sản bị Mao gán cho là những kẻ xét lại (the revisionists). Mao nói rằng cuộc Cách Mạng Trung Hoa đang bị nguy khốn và họ phải làm mọi cách để chấm dứt sự xuất hiện của giai cấp ưu đãi trong xã hội Trung Hoa, và Mao cũng nói rằng điều này đang xẩy ra tại Liên Xô dưới quyền chỉ huy của Khrushchev.

Vào thời gian này, Giang Thanh đã giữ một vai trò chính trị tích cực trong phong trào tố khổ, bà ta còn được Nhóm Tứ Nhân Bang ủng hộ, tuy nhiên mặc dù là một nhân vật quyền uy trong Nhóm Cách Mạng Văn Hóa Trung Ương, Giang Thanh thường hay đứng sang bên cạnh.

Trận bão tố đầu tiên của Cuộc Cách Mạng Văn Hóa chấm dứt khi Lưu Thiếu Kỳ bị bắt buộc phải từ chức khỏi mọi quyền hành vào ngày 13/10/1968. Lâm Bưu (Lin Biao) trở nên người kế vị của Mao Chủ Tịch, rồi Chủ Tịch Mao đã ủng hộ nhóm Tứ Nhân Bang, cả 4 người của nhóm này đã nắm giữ các chức vụ quan trọng trong Bộ Chính Trị sau Đại Hội Đảng lần thứ 10 (the Tenth Party Congress) tổ chức vào năm 1973.

Giang Thanh cũng điều khiển các vở ca vũ nhạc kịch (operas) và các vở vũ ba-lê (ballets) với nội dung cộng sản và cách mạng, có chủ trương làm thay đổi nền văn hóa của Trung Hoa. Bà ta cũng kiểm soát các loại nghệ thuật Trung Hoa, đặc biệt là làm biến đổi loại ca vũ nhạc kịch của thành phố Bắc Kinh và phát triển một loại nghệ thuật mới gọi là “Tám Vở Kịch Mẫu” (the Eight model plays) trong đó có hai loại nhân vật: loại người tốt là các nông dân, các công nhân, các binh lính cách mạng, trong khi loại người xấu là các chủ đất và các tên phản cách mạng. Giới phê bình nghệ thuật cho rằng Giang Thanh đã thay đổi hầu như tất cả các tác phẩm nghệ thuật trước kia bằng các công trình mang tính cách mạng Mao-ít. Sau khi Bè Lũ Bốn Tên bị loại trừ vào cuối thập niên 1970, các loại kịch nghệ và văn chương cổ điển Trung Hoa được phép hoạt động trở lại.

Đầu tiên Giang Thanh cộng tác với nhân vật thứ hai là Lâm Bưu (Lin Biao) nhưng sau khi Lâm Bưu chết vào năm 1971, bà ta quay lại chỉ trích công khai ông này trong chiến dịch “Chê Lâm, chê Khổng” (Criticize Lin, criticize Confucius).

Vào giữa thập niên 1970, Giang Thanh cũng hướng chiến dịch chỉ trích, chống lại ông Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping), vào lúc này, dư luận dân chúng rất bất mãn, họ đã chê trách Giang Thanh dễ dàng hơn là phê bình Mao Trạch Đông.

Tới năm 1973, Mao và Giang Thanh đã ly thân với nhau, điều này đã không được tường thuật vì lý do cá nhân, nhưng Giang Thanh vẫn lợi dụng danh nghĩa Mao để lường gạt các người khác.

Các thú vui của Giang Thanh là nhiếp ảnh, chơi bài và coi các phim cổ điển Hollywood, đặc biệt là các phim có nữ tài tử điện ảnh Greta Garbo, bởi vì đây là một trong các nữ tài tử mà bà ta ưa thích nhất.

Khi Tổng Thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos và bà vợ Imelda viếng thăm Trung Hoa vào năm 1974, người ta kể lại rằng Giang Thanh đã cực kỳ ghen tức bởi vì bà Imelda đã diện các y phục lộng lẫy, với bộ tóc chải kiểu cách và trang điểm diễm lệ.

Giang Thanh mắc bệnh hoang tưởng rất nặng (hypochondriasis) và bệnh thần kinh. Bà ta cần phải uống mỗi ngày 2 lần thuốc an thần (sedatives) và cần tới 3 viên thuốc ngủ mới ngủ nổi. Các nhân viên phục vụ cho bà ta được lệnh phải đuổi tất cả các con chim và bắt hết các con ve sầu tại lâu đài nơi bà ta cư ngụ. Giang Thanh đã ra lệnh cho các người hầu giảm bớt tiếng động bằng cách không đi giầy và tránh làm cho quần áo khỏi kêu xột xoạt. Bà ta cũng bận tâm về thay đổi nhiệt độ, nhiệt kế trong nhà phải đặt ở 21.5 độ C vào mùa đông và 26 độ C vào mùa hè.

6/ Hành hạ các kẻ thù chính trị. 

Giang Thanh đã lợi dụng cuộc Cách Mạng Văn Hóa để trả thù các kẻ thù cá nhân của bà ta, kể cả những người đã coi thường bà ta khi làm nghề diễn viên trong thập niên 1930. Bà ta đã xúi giục các người trẻ cấp tiến là các Vệ Binh Đỏ (the Red Guards) để làm nhục các lãnh tụ chính trị thâm niên và các nhân viên chính quyền, gồm cả ông Lưu Thiếu Kỳ (Liu Shaoqi), thời đó là Chủ Tịch Nước, và ông Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping), Phó Thủ Tướng. Trong khối Vệ Binh Đỏ này, họ cũng chia rẽ làm hai phe phái, phe theo Giang Thanh và phe theo Mao, nhưng phần lớn các Vệ Binh Đỏ đã không thích Giang Thanh.

Giang Thanh cũng không ưa thích ông Chu Ân Lai. Vào năm 1968, bà ta đã dùng bọn Vệ Binh Đỏ hành hạ và giết chết người con trai nuôi của ông Chu Ân Lai, tên là Tôn Dương (Sun Yang) và người con gái nuôi tên là Tôn Vĩ Thủy (Sun Weishi). Tôn Dương bị giết dưới hầm của Đại Học Nhân Dân (Renmin University). Sau nhiều tháng bị hành hạ, Tôn Vĩ Thủy đã chết trong một nhà tù bí mật do Giang Thanh chỉ thị, rồi bà ta ra lệnh thiêu thân xác của cô này ra tro khiến cho sau này không thể giảo nghiệm thi thể và gia đình nạn nhân không thể xin được tro di hài.

Vào năm 1973 và 1974, Giang Thanh đã điều khiển phong trào “Chỉ trích Lâm Bưu, chỉ trích Khổng Tử” nhắm vào Thủ Tướng Chu Ân Lai bởi vì ông này bị coi là một đối thủ chính trị của bà ta.

Qua năm 1975, Giang Thanh khởi đầu phong trào “Chỉ trích Tống Giang”, đây cũng là một cách phê phán ông Chu Ân Lai. Sau khi cựu Thủ Tướng Chu Ân Lai qua đời vào năm 1976, Giang Thanh bắt đầu phong trào “Năm Không” (Five Nos) để làm nản lòng và ngăn cấm dân chúng thương tiếc ông Chu Ân Lai.

7/ Mao Trạch Đông qua đời.

Vào ngày 5 tháng 9 năm 1976, Mao bị bệnh tim (heart attack), lần này nặng hơn lần ngã bệnh 2 năm về trước. Sau khi được Hoa Quốc Phong thông báo cho biết tin tức này, Giang Thanh trở về sau chuyến đi tới miền quê, rồi bà ta tới bệnh viện số 202 là nơi Mao đang điều trị.

Vào buổi chiều ngày mồng 7, bệnh tình của Mao trở nên xấu đi rất nhiều, Mao mới nằm ngủ và cần phải nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng nhưng Giang Thanh đòi hỏi phải chà xát vào lưng và sườn của Mao rồi bà ta rắc một thứ bột phấn trắng lên cơ thể của Mao. Nhóm y sĩ điều trị đã phản đối cách làm này, họ lấy lý do rằng các bột phấn có hại cho lá phổi của Mao nhưng Giang Thanh đã ra lệnh cho các y tá trực phải làm theo lời dặn của bà ta.

Sáng hôm sau mồng 8, Giang Thanh vào phòng bệnh để thăm Mao, lần này bà ta bắt các bác sĩ phải đổi cách nằm của Mao. Bác Sĩ trưởng nhóm điều trị là Lý Chí Tuy (Li Zhisui) đã phản đối cách nằm này và cắt nghĩa rằng Mao chỉ thở được do nằm qua bên trái, nhưng Giang Thanh đã ra lệnh cho Bác Sĩ Lý phải làm theo lời dặn của bà ta. Kết quả là Mao ngừng thở và bộ mặt trở nên xanh rờn. Giang Thanh bèn bỏ phòng bệnh, ra đi, trong khi nhóm Bác Sĩ điều trị cho Mao thở bằng máy thở và cấp cứu hô hấp.

Cuối cùng, Mao đã sống lại và Hoa Quốc Phong bảo Giang Thanh không được can thiệp vào công việc chuyên môn của các bác sĩ. Tuy nhiên, hầu như mọi cơ phận của Mao đã bị suy nhược, Mao bị mê man vào ngày hôm đó và do không muốn để Mao kéo dài sự đau đớn, Giang Thanh và vài nhân vật cao cấp của chính quyền Trung Quốc đã quyết định tháo gỡ phần tiếp tục hô hấp của Mao.

Mao Trạch Đông qua đời lúc 10 phút quá nửa đêm ngày 9 tháng 9 năm 1976. Người kế nghiệp được chọn lựa của Mao là ông Hoa Quốc Phong, ông này trở nên Chủ Tịch của Ủy Ban Tang Chế. Ông Hoa này được coi là người đứng giữa hai phe: nhóm chủ trương thị trường tự do (the free marketeers) và nhóm đảng viên cuồng tín (the party orthodox).

Theo lệnh của Giang Thanh và Trương Xuân Kiều, bộ máy Đảng đã viết bài Ai Điếu, đề cao các thành quả của Mao Trạch Đông đồng thời cũng để công nhận quyền lực của Giang Thanh.

Sau khi Mao qua đời, hệ thống thông tin ở dưới quyền kiểm soát của Bè Lũ Bốn Tên. Các báo chí tiếp tục chê trách ông Đặng Tiểu Bình bởi vì Giang Thanh không e ngại ông Hoa Quốc Phong mà e sợ ông Đặng Tiểu Bình. Theo một số tài liệu được phổ biến vào thập niên 1980 thì Giang Thanh đã âm mưu tự lập mình làm Chủ Tịch Mới của Đảng Cộng Sản Trung Hoa (New Chairman of the Communist Party).

8/ Cuộc đảo chính năm 1976.

Sau khi Mao qua đời, Giang Thanh đã tỏ ra không lắm đau buồn. Người ta không biết chắc ai là người kiểm soát chính của Đảng Cộng Sản Trung Quốc trong thời gian chuyển tiếp này bởi vì ông Hoa Quốc Phong được chỉ định là người thừa kế của Mao, nhưng ông Hoa chỉ có danh nghĩa là Chủ Tịch điều hành của Đảng (acting chairman) và cũng là Thủ Tướng. Ông Hoa Quốc Phong đã không có ảnh hưởng tới các quyền lực nòng cốt. Có nguồn tin nói rằng trước khi qua đời, Mao đã dặn ông Hoa Quốc Phong phải tham vấn Giang Thanh nếu gặp các vấn đề nào đó.

Trong khi đó Giang Thanh tin tưởng rằng bà ta là một trong các nhân vật cao cấp nhất, có nghĩa là bà ta sẽ nắm quyền hành. Ngoài ra, bà ta còn tin tưởng rằng với tư cách là người vợ góa của Mao, bà ta sẽ khó bị loại trừ khỏi quyền lực. Giang Thanh tiếp tục dùng danh nghĩa của Mao trong mọi quyết định chính thức của bà ta và bà ta hành động như là nhân vật số một.

Tham vọng chính trị của Giang Thanh và sự thiếu kính trọng đối với phần lớn các nhà cách mạng lão thành bên trong Ủy Ban Trung Ương Đảng là một điều tai hại. Sự ủng hộ của bà ta trong Ủy Ban Trung Ương Đảng giảm đi trong khi sự ủng hộ của quần chúng thì được coi là bi thảm.

Ông Diệp Kiếm Anh (Ye Jianying), một viên tướng có uy tín, đã gặp riêng ông Hoa Quốc Phong và ông Vương Đông Hưng (Wang Dongxing), chỉ huy trưởng của tổ chức Mật Vụ, được gọi là Biệt Đoàn 8341 (the 8341 Special Regiment), họ đã quyết định rằng Giang Thanh và bè lũ phải bị loại trừ bằng sức mạnh để phục hồi sự ổn định cho đất nước.

Vào buổi sáng ngày 6 tháng 10 năm 1976, Giang Thanh tới nơi cư ngụ trước kia của Mao Trạch Đông tại Trung Nam Hải (Zhongnanhai), tập hợp các người phụ tá của mình và của Mao tại buổi học: “Học Tập thành tích của Mao” (Study Mao’s Work). Theo nhà nhiếp ảnh Đỗ Tú Tiên (Du Xiuxian) của Giang Thanh thì bà ta đã biết trước có một số người trong Ủy Ban Trung Ương Đảng đang âm mưu chống đối bà ta.

Sau buổi họp, Giang Thanh dẫn đoàn tùy tùng tới Công Viên Kinh Hán (Jinghan Park) để hái táo. Buổi chiều hôm đó, Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn (Wang Hongwen) và Diêu Văn Nguyên (Yao Wenyuan) đã bị bắt giữ và bị giam tại tầng dưới của Trung Nam Hải. Theo Trương Diêu Từ (Zhang Yaoci), người thực hiên cuộc bắt giữ, Giang Thanh đã không nói nhiều khi bị còng tay. Có người còn kể lại rằng một người hầu của bà ta đã tát vào mặt bà ta khi bà ta bị dẫn đi.

Trong cuộc đảo chính không đổ máu này, Bè Lũ Bốn Tên bị kết tội là đã dự tính chiếm chính quyền bằng cách tổ chức các cuộc đảo chính quân sự tại Thượng Hải và Bắc Kinh, họ mắc tội lật đổ chính quyền, có các hành động phản cách mạng và phản bội.

Sau khi bị bắt giữ, Giang Thanh bị gửi tới nhà tù Tần Thành (Qincheng Prison) và bị câu lưu trong 5 năm. Sự sụp đổ của Bè Lũ Bốn Tên đã được khắp nơi trên đất nước Trung Hoa vui mừng cả về phần dân chúng lẫn phần chính quyền. Rất ít người có cảm tình với Giang Thanh, và Bè Lũ Bốn Tên đã trở nên một loại dê tế thần, hướng sự phẫn nộ của dân chúng vào cuộc Cách Mạng Văn Hóa, thay vì phản đối Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

9/ Xét xử Giang Thanh.

Vào năm 1980, các cuộc xét xử Bè Lũ Bốn Tên bắt đầu. Các phiên tòa được chiếu truyền hình trên toàn quốc. Bằng cách trình chiếu cảnh Giang Thanh bị xét xử, ông Đặng Tiểu Bình đã cho người dân thấy rằng một thời đại mới đã bắt đầu.

Trước khi vụ xử án bắt đầu, các lời buộc tội gồm 20,000 chữ đã được in ra thành sách, các bị cáo bị khởi tố vì các tội ác cực kỳ tàn nhẫn trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Bản án đã nói rõ có 727,420 người bị hành hạ trong giai đoạn này, 34,274 người bị giết chết mặc dù lời kết án không nói rõ các tội ác như thế nào. Trong số các nạn nhân chính có ông Lưu Thiếu Kỳ (Liu Shaoqi),cựu Chủ Tịch Nước, chính bà vợ của ông này là Vương Quang Mỹ (Wang Guangmei) đã bị giam cầm trong 12 năm trường và bà Vương này đã tới Tòa Án để tham dự như một người quan sát.

Bản cáo trạng mô tả 2 âm mưu để chiếm chính quyền của Bè Lũ phản cách mạng “Giang Thanh - Lâm Bưu” (the Jiang Qing – Lin Biao Counter-revolutionary Clique) nhưng Giang Thanh đã không bị tố cáo là cùng âm mưu với Lâm Bưu. Các lời buộc tội Giang Thanh tập trung vào sự hành hạ có hệ thống của bà ta đối với các nghệ sĩ sáng tạo trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Ngoài ra, bà ta còn bị tố cáo đã thuê mướn 40 người tại Thượng Hải cải trang làm Hồng Vệ Binh để lục soát, cướp bóc các căn nhà của các nhà văn và các diễn viên. Mục đích chính của các vụ lục soát này là để tìm kiếm và phá hủy các bức thư, các tấm ảnh hay các tài liệu liên quan tới thời kỳ ban đầu của Giang Thanh tại Thượng Hải, bởi vì đây là các thứ mà bà ta muốn giữ bí mật.

Mặc dù các lời tố cáo nghiêm trọng, Giang Thanh đã tỏ ra không hối hận. Bà ta không nhận tội khiến cho các báo chí Trung Quốc cho rằng bà ta đã có các thái độ xấu xa. Bà ta tự bào chữa rằng bà ta đã hành động do Mao chấp thuận. Giang Thanh đã mô tả rằng mình chỉ biết nghe lệnh của Mao và nói trước Tòa rằng: “Tôi đã là con chó của Mao Chủ Tịch, tôi cắn bất cứ ai ông ta bảo tôi cắn” (I was Chairman Mao’s dog. I bit whomever he asked me to bite). Hồ sơ chính thức của vụ án này không được công bố.

10/ Giang Thanh qua đời.

Giang Thanh đã bị kết án tử hình nhưng vào năm 1981, bà ta được hoãn thi hành bản án trong 2 năm. Tới năm 1983, bản án tử hình của bà ta được đổi thành án tù chung thân. Trong thời gian này, Giang Thanh đã nhiều lần xin được thăm viếng xác ướp của Mao Trạch Đông nhưng các đơn xin đều bị bác. Khi có các cuộc biểu tình phản đối tại Công Trường Thiên An Môn (Tiananmen Square), bà ta cho rằng các sinh viên theo tư tưởng cấp tiến nhiều hơn là theo tư tưởng Mao-ít, bởi vì ông Đặng Tiểu Bình đã để cho các tư tưởng Tây Phương du nhập vào Trung Quốc.

Trong thời gian ở tù, Giang Thanh đã được chẩn đoán là bị ung thư cuống họng (throat cancer) nhưng bà ta từ chối việc giải phẫu. Sau đó, bà ta được thả ra vì lý do sức khỏe vào năm 1991. Tại bệnh viện, Giang Thanh dùng tên gọi là Lý Nhuận Thanh (Li Runqing). Giang Thanh đã tự treo cổ trong phòng của bệnh viện vào ngày 14 tháng 5 năm 1991, ở tuổi 77. Trong tờ giấy ghi chú trước khi tự tử, Giang Thanh đã viết rằng: “Ngày nay, cuộc Cách Mạng đã bị sai lạc bởi bè lũ xét lại của Đặng Tiểu Bình, Bành Chân (Peng Zhen) và Dương Thượng Côn (Yan Shangkun). Chủ Tịch Mao đã tiêu diệt Lưu Thiếu Kỳ mà không tiêu diệt Đặng, kết quả của sự bỏ sót này là một lũ quỷ đã được thả vào người dân Trung Quốc và quốc gia. Chủ Tịch Mao, các sinh viên và các nhà tranh đấu sẽ gặp Người”.

Ngày tự tử của Giang Thanh đã tới sớm hơn 2 ngày, trước ngày kỷ niệm thứ 25 của cuộc Cách Mạng Văn Hóa.

Giang Thanh ước muốn rằng hài cốt của bà ta được chôn cất tại tỉnh nhà là Sơn Đông (Shandong) nhưng cơ quan hữu trách đã e ngại nắm mộ của bà ta có thể bị bôi bẩn, nên họ đã quyết định rằng hài cốt của Giang Thanh được chôn cất trong một nghĩa trang tại Bắc Kinh.

Giang Thanh được chôn cất trong Nghĩa Trang Phúc Điền (Futian Cemetery) trên ngọn đồi phía tây của thành phố Bắc Kinh. Ngôi mộ của bà ta được đánh dấu bằng một tảng đá trắng lớn với hàng chữ khắc như sau: “Mộ của Bà Mẹ, Lý Vân Hạc” (Li Yunhe) (1914 – 1991).


Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia. Org., Britannica Encyclopedia, The New Emperors by Harrison E. Salisbury, Little, Brown & Co., Boston 1992. The Gate of Heavenly Peace by Jonathan D. Spence, The Viking Press, NY 1981.

https://www.britannica.com/biography/Jiang-Qing
https://en.wikipedia.org/wiki/Jiang_Qing
http://www.newworldencyclopedia.org/entry/Jiang_Qing