Thursday, 31 May 2018

Chuyện một người làm thơ vỡ mộng -Trần Vàng Sao - Nguyễn Mạnh Trinh.

Một Bài Học Đắt Giá Cho Những Tên Theo Cộng Sản!

alt

Nhà thơ Trần Vàng Sao vừa từ trần ngày 9 tháng 5 năm 2018. Ông là tác giả của những bài thơ nổi tiếng như Bài Thơ Của Một Người Yêu Nước Mình, Tau Chửi, Người Đàn Ông 43 Tuổi Nói Về Mình,… và cũng là người viết hồi ký “Tôi Bị Bắt” vạch trần một sự thực của đời sống xã hội chủ nghĩa mà mọi người dân đều bị theo dõi và kiểm sốt như người tù nhân phải ép mình trong khuôn khổ mà Đảng Cộng Sản ấn định. Khi ông còn sinh tiền sống khổ sở bị cô lập mọi người xa lánh nhưng khi chết thì lại được phong thánh ca ngợi hết mình của dàn truyền thông lề phải. Họ muốn tạo ra một con người yêu nước khác với nhà thơ Trần Vàng Sao của lúc bị buộc tội phản động kẻ thù của chế độ…
Có một người làm thơ, đã viết những giòng chữ này tại ngay miền Bắc của Xã Hội Chủ Nghĩa và đã bị tịch thu vào ngày 26 tháng 1 năm 1972 tại K65 thị xã Sơn Tây:
“… Tôi tên hề mất trí
nói lời công an theo dõi
và làm thơ bị bắt…
thôi rồi
này tên tuổi của tôi
mầy bị đọc to lý lịch giữa đám đông
hắn là một thằng hề giả đò để chửi rủa mọi người
tôi cứ đứng đầu đường
cha mẹ ơi
cơm không có mà ăn nữa là
tôi bị nguyền rủa kẻ độc
xúi giục mọi người đừng thờ cúng kẻ khác hơn mình
rồi đọc thơ cười la giữa chỗ đông người
một hai người cho tôi ăn cơm
tôi cúi đầu cảm ơn
và nhảy múa làm trò coi chơi
những người đứng chung quanh chảy nước mắt…”
Người làm thơ ấy sinh quán tại Huế, tên là Nguyễn Ðính, vào rừng gia nhập hàng ngũ Cộng Sản năm 1965 và được ra Bắc an dưỡng năm 1970. Nhà thơ ấy cũng lấy bút danh thật Cộng Sản, thật độc đáo: Trần Vàng Sao. Một người trước những “hiện thực xã hội chủ nghĩa” đã cám cảnh và nhận thức được con đường lầm lẫn của mình và chân thực viết những trang nhật ký và những bài thơ để thành những nguyên nhân gây nên những bất hạnh, những đầy ải kéo dài suốt cả cuộc đời.
Cùng vào thời điểm với những cuốn “Nhật Ký Ðặng Thùy Trâm”, “Mãi mãi tuổi hai mươi” của Nguyễn Văn Thạc, “Nhật ký tài hoa ra trận” của Hoàng Thượng Lân… Trần Vàng Sao phổ biến nhật ký “Tôi Bị Bắt” ghi lại những ngày tháng bị đầy ải, trù úm của mình “nhớ lại những năm tháng tôi bị bắt rồi được thả ra và sống như tù”. Phải nói, là sống hơn tù nữa vì chẳng thà ở trong hoàn cảnh gông xiềng còn hơn là bị những đầy ải cố ý tạo ra một cách thật tàn nhẫn khoa học của cả một hệ thống độc tài toàn trị.
Năm 1993, nhà xuất bản Tân Thư xuất bản tập thơ “Bài thơ của một người yêu nước mình” phát hành tại hải ngoại. Có nhiều người thắc mắc tại sao lại in thơ của một “thằng Việt Cộng” như vậy. Nhưng khi phổ biến những hồi ức của một người tù không bị giam vào ngục, Trần Vàng Sao đã biểu lộ chân thực một vóc dáng riêng của mình trong một thời đại mà lòng ái quốc được dùng làm chiêu bài để mê hoặc cả một thế hệ đi vào chém giết để phục vụ cho những nhu cầu quyền lực của một nhóm người.
Một người cùng cảnh ngộ với Trần Vàng Sao, Lữ Phương cũng thấm thía với thân phận bị lừa gạt đã viết những lời giới thiệu cho tập hồi ký như sau:
“Tài liệu mà tôi gởi tới độc giả sau đây là một tập hồi ký, dày 134 trang A4 đánh máy vi tính chữ nhỏ xuất hiện dưới hình thức samizdat được photocopy (thứ văn chương chuyền tay khá phong phú ở Việt nam sau những năm “đổi mới”) cách đây có hơn 10 năm. Tác giả của nó là Trần Vàng Sao (tên thật là Nguyễn Ðính), một người làm thơ ở miền Nam, nhưng vào những năm 60 của thế kỷ trước, đã cùng với nhiều bạn bè đồng lứa đứng lên chống lại chế độ chính trị của miền Nam lúc đó bằng cách “đi lên núi” để cuối cùng, sau khi thoát khỏi bom đạn Mỹ, anh đã vướng vào một tai họa cực kỳ tệ hại.
Cuốn hồi ký này kể lại cái tai họa đó khi từ chiến khu, anh được đưa ra miền Bắc trị bệnh: ở nơi đây sau một thời gian quan sát, anh đã ghi lại những suy nghĩ của mình về cái gọi là “hậu phương xã hội chủ nghĩa “đó bằng nhật ký và chính vì những suy nghĩ ghi thành chữ viết này anh bị các đồng chí của mình truy bức, nguyền rủa, phỉ nhổ, cô lập đến chỗ như anh cho biết anh không còn được coi là con người mà đã thành “một con vật, một con chó”. Trong rừng, tôi đã nghe biết một số trường hợp những trang nhật ký bị tố cáo, nhưng chưa thấy cótrừơng hợp sự tố cáo lại dẫn đến một cuộc hành hạ, trừng trị độc địa như trường hợp của Trần Vàng Sao.
Những ai đã đọc Ðặng Thùy Trâm cùng những bàn tán về nhật ký của chị, khi đọc xong hồi ký của Trần Vàng Sao, sẽ thấy rất khó mà coi các tài liệu chiến tranh này là những “bản chứng nghiệm chân thực của lịch sử” như có một tác giả nào đã cho là vậy. Tuy cùng “chung một chiến hào”, thuộc cùng một thế hệ những người đi vào chiến tranh (Trần Vàng Sao cũng sinh năm 1942 như Ðặng Thùy Trâm) nhưng những giá trị mà Ðặng Thùy Trâm tin tưởng một cách “chân thực” để sống và để chết thì đối với Trần Vàng Sao lại chỉ là những điều huyễn hoặc đơn thuần. Không thể nói là không chân thực nỗi thất vọng của một trí thức như anh, một người đã đi qua máu lửa để tìm đường chợt thấy trước mắt mình hiện ra một khoảng hư vô mù mịt…”
Trần Vàng Sao kể lại cuộc bị đấu tố của mình:
“… Tôi uống nước và ngó ra ngoài cửa sổ. Trời khô và lạnh. Không khí bắt đầu căng thẳng. Trên mặt của họ đã lộ vẻ căm tức. Họ không còn bất động nữa. Tiếng giày dép kéo trên sàn nhà, tiếng áo quần xát trên ghế, chân ghế đụng chân bàn. Bọn họ xoay người, nghiêng ngửa, đổi thế ngồi, chống tay lên cằm, cắn môi, cắn ngón tay, đẩy gương sát vào mắt, đẩy tách nước ra xa, bẻ ngón tay.
 Ông tên Lai, chắc ông ta là trưởng đoàn của đoàn người tra khảo tôi, nói:
 “Tôi biết hiện nay anh đang nghĩ gì về chúng tôi. Tôi biết những gì đang chứa trong đầu óc của anh. Tôi nói thẳng anh là một tên phản động, chống Ðảng. Anh căm thù chúng tôi, căm thù Chủ Nghĩa Xã Hội, căm thù chế độ này. Anh đang âm mưu lật đổ chế độ này. Có phải chính anh đã kêu gọi biểu tình, viết báo chữ to lật đổ chế độ này hay không? Anh sợ? Anh chối à? Nói đi, nói đi, có phải không?
Ông ta chồm người ra trước dằn giọng:
“Ðây, đây này, anh đòi bắn, đòi treo cổ tất cả bọn chúng nó, đã đến lúc phải biểu tình, viết báo chữ to tố cáo tội ác của chúng nó”.
 Ông ta dừng lại, bỏ kính cuống bàn nghe cái cạch:
“Có phải anh đã viết trong nhật ký như thế không?”
“Tôi không nhớ”.
“Anh viết mà anh lại không nhớ à?”
“Làm sao tôi nhớ hết những gì tôi viết”.
Cái ông trẻ dưới bốn mươi tuổi đứng dậy xoay người ra phía sau lấy cái cặp da để đứng dưới sàn nhà. Cái cặp đã mở sẵn. Ông ta xây lưng về phía tôi rồi rút ra một tờ giấy đưa ra trước mặt tôi:
“Cái gì đây? Có phải chữ của anh không?”
“Phải”.
Ðó là bức ảnh chụp một trang nhật ký của tôi, khổ bằng tờ giấy kẻ ngang. Ðến lúc này tôi mới biết là toàn bộ nhật ký của tôi đã bị chụp ảnh trong thời gian tôi về bệnh viện E2 để kiểm tra sức khỏe là một sự xếp đặt của Ban Thống Nhất Trung Ương, Cục đón tiếp cán bộ B và Cục 78.
Ông Lai nói: “Anh hết chối chưa”.
Mọi người ở đây đều đã biết trước sự việc sẽ diễn tiến ra sao rồi. Tối hôm qua họ đã họp với nhau bàn kế hoạch:
“Tại sao anh lại đòi bắn, đòi treo cổ? Bắn ai, treo cổ ai? Nói đi”.
Tôi nói: “Tôi đòi bắn tất cả những kẻ nào, người nào đã ăn đường, sữa, tã lót của trẻ con, ăn hòm, vải liệm của người chết, những kẻ đã đẩy con dân vào chiến trường còn con cháu họ thì qua Liên Xô, Bulgari, Hungari,…”
“Anh đòi bắn cả Trung Ương Ðảng kia mà”.
“Nếu trong Trung Ương Ðảng, trong chính phủ có người nào đã ăn như thế, theo tôi, đều đem bắn được hết!”
“Anh lại còn kêu gọi biểu tình?”
“Tôi đâu có kêu gọi ai. Tôi nói là đã đến lúc phải làm như thế”.
“Vì sao lại viết báo chữ to?”
 “Viết báo chữ to để mọi người cùng biết”.
“Mọi người là ai?”
“Nhân dân”.
“Nhân dân, hừ”, một ông chỉ vào mặt tôi:“nhân dân, anh làm gì có nhân dân. Nhân dân theo Ðảng làm cách mạng, đổ xương, đổ máu để có được như ngày hôm nay. Nhân dân của anh là nhân dân kiểu Mỹ Ngụy, Anh là kẻ thù của nhân dân thì có!…”
Bài thơ mà nhiều người biết đến là bài thơ “Tau Chửi” mà Trần Vàng Sao viết ngày 29 tháng 6 năm 1997. Ở tâm cảm của một người bị chèn ép, muốn nói mà bị bịt miệng, muốn nghĩ mà phải e dè lúc nào cũng trong tâm trạng lo sợ suốt cả đời, thơ có phải là một cần thiết để giải tỏa những u uất? Hơn thế nữa, thơ Tau Chửi không phải là những ngôn ngữ “đá cá lăn dưa” mà như “văn chương chửi’ đã có từ thuở xưa của bài chửi mất gà đã từ lâu truyền tụng. Chửi có ca có kệ, chửi có lớp có lang để làm bật ra những khuôn mặt “có quyền có thế” của một chế độ phi nhân một tai họa cho đất nước. Bản thân nhà thơ đã bị bao nhiêu dập vùi cay đắng thì thi ca ông cũng biểu hiện những vết thương buốt thịt những đau xót thế thời của một sự thực được gọi là xã hội chủ nghĩa:
 “Tau Chửi.
Tau tức quá rồi
Tau chịu khơng nổi
Tau nghen cuống họng
Tau lộn ruột lộn gan
…Tau đầu tắt mặt tối
Đổ mồ hơi sơi nước mắt
Vẫn đồng không trự nõ có
Suốt cả đời khố chuối Trần Minh
Kêu trời không thấu
Tau phi câm miệng hến
Không được nói
Không được la hét
Nghĩ có tức không
Tau chửi
Tau phải chưởi
Tau chưởi bây
Tau chưởi thẳng vào mặt bây
Không bóng khơng gió
Không chó không mèo
…Tau chưởi cho tiền đời dĩ lai bây mất nòi mất giống
Hết nối dõi tông đường
Tau chưởi cho mồ mả bây sập nắp
Tau chưởi cho bây có chết chưa liệm ruồi bu kiến đậu
Tam giáo đạo sư bây
… bây là rắn
 Rắn
Tồn là rắn
Như cú dịm nhà bệnh
Đêm bây mò
Ngày bây rình
Dưới giường
Trên bàn thờ
Trong xó bếp
Bỏ tên bỏ họ cha mẹ sinh ra
Bây mang bí danh
Anh hùng dũng cảm vĩ đại kiên cường
Lúc bây thật lúc bây giả
Khi bây ẩn lúc bây hiện
Lúc người lúc ma
…hỡi cơ hồn các đảng
Hỡi âm binh bộ hạ
Hỡi những kẻ khuất mặt đi mây về gió
Trong am trong miếu giữa chợ giữa đường
Đầu sông cuối bãi
Móc họng bóp cổ móc mắt bọn chúng nó
 Cho bọn chúng nó chết tiệt hết cho rồi
Bây giết người như thế
Bây phải chết như thế
Ác lai thì ác báo
Tau chưởi ngày chưởi đêm
Mới bét con mắt ra tau chưởi
Chập choạng chạng vạng tau chưởi
Nửa đêm gà gáy tau chưởi
Giữa trưa đứng bóng tau chưởi
Bây có là thiềm thừ mười tám con mắt tau cũng chưởi
 Mười hai nhánh họ bây
 Cao tằng cố tổ bây
Tiên sư cha bây
Tau chưởi cho bây ăn nửa chừng mẻ chai mẻ chén
Xương cá xương thịt mắc ngang cuống họng
Tau chưởi cho nửa đêm oan hồn yêu tinh ma quỷ
Mình mẩy đầy máu hiện hình vây quanh bây đòi trả đầu trả chân
Trả tay trả hịm trả vải liệm
Tau chưởi cho cha mẹ bây có chết cũng mồ xiêu mả lạc
Đọa xuống ba tầng địa ngục bị bỏ vào vạc dầu
Tau chưởi cho cha mẹ bây có còn sống cũng điêu tàn
Đui què câm điếc làm cơ hồn sống lang thang đầu đường xó chợ
Bốc đất mà ăn xé quần áo mà nhai cho bây có nhìn ra
Cũng phải tránh xa
Tau chưởi cho con cái bây đứa mới đi đứa đã lớn
Sa chân sẩy tay đui què sứt mẻ nửa đòi nửa đoạn
Chết không được mà sống cũng không được
Tau chưởi cho dứt nọc dòng giống của bây cho bây chết sạch hết
Không bà không con
Không phúng không điếu
Không tưởng không niệm không mồ không mả
Tuyệt tự vơ dư
Tau chưởi cho bây chết hết
chết sạch hết
không còn một con
không còn một thằng
không còn một mống chết tiệt hết
hết đời bây…
Trong bài thơ “A Di Đà Phật”, Trần Vàng Sao viết:
“Bây giờ đến phiên tôi
tôi nghe đọc tên
tôi đứng dậy
(ở đây không có bàn
không có ghế
tất cả đều đứng
tất cả đều mặc áo đen
và đeo mặt nạ đỏ
và mang bí danh giấu kín trong hồ sơ mật
không có bàn thờ
không có bát hương
chỉ có ảnh vẽ mặt người to treo trước mặt
không ghi tên họ)
bản án đã được học thuộc lòng
một người cầm tờ giấy trắng không chữ đọc to
im
im hết
không nghe gì cả
tất cả hãy nghe đây
tất cả hãy dong tay lên và đầu hàng
tất cả
không kể già
không kể trẻ
tất cả
không kể đàn ông
không kể đàn bà
mới sinh ba ngày
vừa đi chập chững
chưa đầy tuổi tôi
không kể
miễn là
dong tay lên
dong tay lên
nghe rõ chưa
hãy đầu hàng không được quỳ
tất cả phải đứng thẳng dong tay lên nếu không
sẽ chết
chết hết…”
Như gợi nhớ đến phần đối thoại ngày nào của phim “Chúng Tôi Muốn Sống”, “Ðất Lành”,.. bài thơ này của Trần Vàng Sao có nhịp điệu của những bước chân man dại của những người bị lôi cuốn vào một cuộc khích động căm thù. Những chữ ngắn ngủi, cụt lủn nhưng mở ra nhiều cảm giác để người đọc có thể tưởng tượng ra được những sự kiện tuy vô nhân, dã man nhưng lại xảy ra bình thường tự nhiên trong một xã hội đã quen như thế.
“Bài thơ của một người yêu nước mình” rất buồn và rất nhiều người đã chết có mặt trong tâp thơ ấy. Từ “một ngàn một vạn muôn vàn ức triệu người chết/ hôm qua/hôm nay/mai mốt nữa/Timi Shoara Budapest Praha Berlin Bucarest/ Sofia Siberie Thiên An Môn /súng máy súng trường dao găm lựu đạn/ xe tăng thiết giáp/ thuốc độc thuốc mê/chết đứt đầu chết mất xác …” đến văn bia của những“Nguyễn Hán. Ba mươi chín tuổi. Tự đâm mình bằng cái chai nước cam đập bể. Có người nói vì điên. Trước khi chết có nói thời buổi này. Cứt cũng không có mà ăn. Nguyễn thị Lùn. 34 tuổi. Lê văn E.13 tuổi. Lê thị Muốn 10 tuổi. Lê văn Thuộc 6 tuổi. Lê thị Lý 2 tuổi. Uống thuốc tự tử. Ở trong bếp. Bên cạnh có mấy củ khoai hà còn nóng... Ðể trong cái rá không có vành
Trong giấy để lại có viết: “Cực quá sống không nổi, mẹ con tôi phải chết…những người chết có mặt trong thơ như là những nhân chứng cho một thời đại phá sản mọi mặt từ đạo đức đến xã hội. Cái bánh vẽ lòng ái quốc vẫn chỉ là cái bánh vẽ. Hạnh phúc, ấm no, tiến bộ,…và hàng trăm danh từ tốt đẹp khác chỉ có trong tưởng tượng, không thực”.
Ngô Minh, một người làm thơ và cũng là bạn với Trần Vàng Sao đã viết về bạn mình:
“Trần Vàng Sao là người thẳng thắn, trực cảm mạnh, thơ anh nhiều tầng nghĩa, nhưng lại là những hình ảnh thường ngày trong đời sống gia đình, bè bạn. Ðó là một thứ thơ không dễ viết càng không dễ hay!
Những chuyện buồn đau ngậm ngùi trong cuộc sống hàng ngày anh đếu đưa vào thơ, như là một sự xẻ chia an ủi… thế là hồi đó nhà thơ bị báo đài tỉnh nhà “đánh” vì cho rằng bài thơ không có “lập trường” rõ ràng… trước đó, năm 1970 anh được đưa ra chữa bệnh và an dưỡng ở miền Bắc.Trong thời gian chữa bệnh anh có một cuốn sổ ghi nhật ký và những bài thơ mới viết của mình. Ai dè có người đọc được liền lấy cắp cuốn sổ và báo cáo với cấp trên... Thế là người “yêu nước mình” bị kiểm điểm và đau nhất là mất luôn mấy chục bài thơ tâm huyết ở cuốn sổ đó. Năm 1975, Trần Vàng Sao là một trong những người đầu tiên đăng ký về xây dựng quê hương, nhưng sau đó lại bị gạt ra khỏi danh sách. Sốt ruột quá anh tự tìm về Huế, nhưng không được nhận công tác vì không có giấy chuyển, mãi sau mới được bố trí về làm liên lạc ở xã…”
Bị đầy đọa, bị coi như không phải là con người, những trang nhật ký của một người tù nhưng không bị giam trong ngục có phải là bằng chứng cho thấy sự vỡ mộng của một người trí thức đã tin tưởng vào những lý tưởng không thực. Dẫu sao tôi vẫn không đồng ý với nhận xét của ông Lữ Phương, đây là một người bị kẹt giữa hai lằn đạn. Chỉ có một phía là kết án và đầy đọa người thi sĩ “yêu nước mình” thôi. Ðó là phía Cộng sản. Còn bên những người yêu tự do, luôn luôn hỗ trợ những người can đảm, dám nói lên sự thật, dù phải chịu nhiều hậu quả khốn đốn cho bản thân và gia đình. …

Nguyễn Mạnh Trinh.