Thursday 31 May 2018

Biển Đông: Bành Trướng Vũ Lực Trên Không

Gần đây tin tức về tình hình an ninh của Biển Đông tưởng chừng như bị che khuất bởi tin về cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng Thống Hoa Kỳ, Donald Trump, và Kim Jong-Un của Bắc Hàn. Trong khi đó TC vẫn âm thầm xây dựng và trang bị quân sự trên các hòn đảo mà họ đang chiếm giữ trong khu vực quần đảo Hoàng Sa. Tuần qua, tình hình Biển Đông lại xôi động với tin TC đã đem máy bay ném bom có tầm hoạt động xa đến đảo Phú Lâm (Woody Island), đồng thời hai chiến hạm của Mỹ đã tiến gần, trong vòng 12 hải lý, đến vùng đảo này; đồng thời Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ, Jim Mattis, lên tiếng cảnh cáo TC về những việc gia tăng quân sự hóa các hòn đảo khiến tình hình Biển Đông ngày càng nghiêm trọng. Mời quý vị đọc bài tường thuật của Lâm Viên để biết rõ thêm về hiện tình an ninh ở Biển Đông và những quốc gia liên hệ trong vùng.


Trong khi tình hình thế giới đang bị quay cuồng bởi tin tức về cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng Thống Hoa Kỳ, Donald Trump, và nhà lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Jong-un, thì Trung Cộng (TC) vẫn âm thầm tăng cường trang bị quân sự cho những hòn đảo mà họ đã chiếm giữ trong quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.

Một điều nổi bật là ngày 18 tháng 5 năm 2018 vừa qua, tờ Trung Hoa Nhật Báo (China Daily) đăng một bài nói về Không Quân TC đã đáp vài chiếc máy bay ném bom loại H-6K xuống đảo Phú Lâm (Woody Island), một hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Chiếc H-6K là một trong những loại máy bay ném bom được biến cải từ loại máy bay ném bom Tu-16 của thời Liên Xô, có khả năng chuyên chở bom nguyên tử, với tầm hoạt động là 1,900 hải lý (2,186.5 dặm), vì thế có thể kiểm soát toàn vùng Biển Đông đến tận Philippines.

Cùng với các căn cứ quân sự được thiết lập trên các đảo Chữ Thập (Fiery Cross), Vành Khăn (Mischief Reef), và Xu Bi (Subi) thuộc quần đảo Trường Sa, TC đã mở rộng tầm hoạt động quân sự đến cả Singapore và Indonesia, và với các loại may bay mém bom tầm xa có thể tấn công các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở đảo Guam và ngay cả Australia (Úc châu).


Với các căn cứ quân sự và tầm hoạt động của KQ và hỏa tiễn chống chiến hạm được trang bị trên các hòn đảo nói trên, hôm 17 tháng 5 vừa qua, TC tuyên bố có toàn chủ quyền về tài nguyên ngầm dưới biển ở khu vực đường 9 đoạn, hay còn gọi là đường lưỡi bò, bao gồm hơn 90% vùng Biển Đông. Với sự tuyên bố chủ quyền này, TC bắt buộc các quốc gia muốn tìm kiếm hoặc khai thác dầu khí ở Biển Đông phải được giấy phép chấp thuận của TC. Lời tuyên bố này được đưa ra sau khi một hãng khoan dầu của Nga, Rosneft energy company, đã khởi sự khoan ở lô LD-3P khoảng 370 km về phía đông nam Việt Nam. Mặc dù công ty Rosneft hoạt động dưới sự cho phép của Việt Nam, thế nhưng Bộ Trưởng Ngoại Giao của TC, Lu Kang, kêu gọi công ty này hãy chấm dứt việc khoan dầu. Công ty Rosneft cho biết họ không đồng ý với TC về việc tuyên bố chủ quyền trong khu vực này, và cho biết thêm là họ hoạt động theo sự cho phép và kiểm soát của luật pháp Việt Nam. Giếng khoan dầu này nằm trong khu vực "Hoa Lan Đỏ - Red Orchid", và là một trong những dự án khoan dầu của Rosneft và các công ty khai thác dầu khí của Nga hiện hoạt động trong khu vực đang có tranh chấp chủ quyền này. Tháng Ba trước đó, TC đã gây áp lực khiến Việt Nam đã phải ngưng việc khoan dầu được ký kết với hãng Repsol của Tây Ban Nha (Spanish) trong khu vực "Hoàng Đế Đỏ - Red Emperor", thiệt hại lên đến trên 200 triệu đô la (USD).

Trong khi đó, Ấn Độ và Nam Dương (Indonesia) đang thảo luận về hoạt động song phương hầu vét sâu lòng biển để tạo một hải cảng ở Sabang, gần eo biển Malaccan, để thương thuyền và HQ của Ấn Độ có thể hoạt động ở vùng biển này. Hải Quân của Nam Dương và Ấn Độ đã có những cuộc thực tập quân sự chung trên biển từ năm 2017, việc xây dựng một hải cảng ở Sabang sẽ khiến việc hợp tác hàng hải giữa hai quốc gia này thuận lợi hơn. Hoạt động này phản ảnh việc tiếp tục bành trướng của HQ Ấn ở Đông Nam Á Châu, một phần của "Chiến lược miền Đông" của Ấn Độ, nhằm đối phó với việc gia tăng quân sự của TC trong vùng.

Tại Mã Lai (Malaysia), sự tái đắc cử của cựu Thủ Tướng  Mahathir Mohamad, người đã vắng mặt khỏi chính trường từ hơn 20 năm qua. Sự việc này gây chú ý cho nhiều nhà bình luận trên thế giới vì ông Mahathir là người chống lại chủ trương "Vành Đai và Con Đường - Belt and Road" của TC, và kêu gọi thảo luận lại những điều kiện thuộc những dự án quốc gia liên quan đến "Vành Đai và Con Đường" mà ông cho là "không công bằng" cho Mã Lai như đường xe lửa, khu kinh tế và hải cảng. Các quốc gia như Phi Luật Tân (Philippines) và Sri Lanka cũng đang phải đương đầu với những dự án "không công bằng" như Mã Lai. Việc thay đổi chính phủ của Mã Lai đã thay đổi hiện trạng của khu vực Biển Đông, và ông Mahathir cũng thúc đẩy vai trò của khối ASEAN để ngăn chặn việc TC tiếp tục xâm lấn và quân sự hóa vùng biển này.

Trong tuần lễ vừa qua, Khu Trục Hạm USS Higgins và Tuần Dương Hạm USS Antietam của HQ Hoa Kỳ đã thực hiện "tự do hải hành" tiến vào khu vực 12 hải lý của các đảo Cây (Tree), Linh Côn (Lincoln), Tri Tôn (Triton) và Phú Lâm (Woody) thuộc quần đảo Hoàng Sa, đồng thời Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, Jim Mattis, lên tiếng cảnh cáo TC về việc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông và nhất là việc đem phản lực cơ chiến đấu và máy bay ném bom đến các hòn đảo mà họ đang chiếm đóng.

Một số các nhà bình luận đã lên tiếng nhận xét về tình hình trên, như Bob Carr đã viết trên tờ Hoa Nam Nhật Báo (South China Morning Post) rằng khối "Tứ Cường - Quad" gồm Mỹ, Nhật, Ấn, và Úc đã không hoạt động như một khối mà lại chủ trương thảo luận song phương với TC. Đây là một sai lầm xưa cũ của khối "Tứ Cường" khiến khó có thể ngăn chặn được sự tiếp tục bành trướng của TC trong khu vực.

Trên tờ Inquirer, Frances Mangosing thảo luận về dự đoán của Richard Heydarian về việc tăng cường quân sự của TC trên các hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa như hỏa tiễn chống chiến hạm, phản lực cơ chiến đấu, máy bay ném bom tầm xa có thể đưa đến việc TC sẽ tuyên bố Khu Vực Nhận Diện Phòng Không - Air Defense Identification Zone (ADIZ) trên Biển Đông. Điều này sẽ làm tình hình an ninh trong khu vực càng trở nên căng thẳng.

J.C. Gotinga, thuộc cơ quan truyền thông quốc tế Al Jazeera, đã phê bình hành động của tổng thống Phi, ông Duterte, đã làm suy yếu chủ quyền lãnh thổ của Phi ở Biển Đông. Mặc dù trên thực tế Philippines đã đạt được sự hỗ trợ quốc tế đáng kể trong việc tranh chấp sau khi thắng kiện với TC trước tòa trọng tài quốc tế, Duterte tiếp tục khẳng định rằng ông không có lựa chọn nào ngoại trừ việc cúi đầu chấp nhận trước sự xâm lăng của TC.

Tệ hại hơn Philippines, các nhà lãnh đạo của Việt Nam không những cúi đầu khuất phục trước sự hăm dọa của TC, lại còn đàn áp dân chúng khi có những cuộc biểu tình chống lại sự xâm nhâm nhập đất liền, xả thải chất độc làm ô nhiễm sông và biển, và nhất là tiếp tục quân sự hóa và xâm lăng ở Biển Đông.


Lâm Viên
(tin tổng hợp)