Trong thời gian gần đây, các ý kiến về vai trò của thực dân Pháp và sự phát triển của đạo Công giáo tại nước ta, vẫn còn đang tràn ngập trên các DĐ, cho nên tôi cũng xin được đóng góp mấy ý nhỏ dưới đây.
Rất mong sẽ được đón nhận ý kiến xây dựng của quí vị.
1- Định nghĩa Thực Dân:
Thực dân là những kẻ đi đánh chiếm đất nước của người khác để cai trị, để khai thác tài nguyên hay là để sát nhập vào lãnh thổ của mình.
2- Như vậy chúng ta có:
- Thực dân Pháp.
- Thực dân Anh.
- Thực dân Tây Ban Nha.
- Thực dân Tầu.
- Và Thực dân… Việt Nam.
3- Thực dân nào ác nhất:
- Thực dân Pháp: Xin coi bài đính kèm.
- Thực dân Anh: Sau thế chiến thứ hai, trước khi bắt buộc phải trả độc lập cho các thuộc địa, thực dân Anh thường tạo ra thêm các mâu thuẫn và bất hòa để sau khi người Anh bỏ đi, dân chúng của các thuộc địa đó sẽ ghen ghét thù hằn và chém giết lẫn nhau.
Thí dụ điển hình là tại bán đảo Ấn Độ. Khi trả độc lập cho vùng đất này vào năm 1947, trong hiệp ước “Mặc Má Hồng”, thực dân Anh đã chia lãnh thổ này làm ba nước, dân chúng ai theo tôn giáo nào thì di cư về vùng đã chia cho đạo của mình. Tích Lan cho các tín đồ Phật giáo. Ấn Độ cho người theo Ấn giáo..... Còn các tín đồ Hồi giáo thì phải di dân về Đông Hồi hoặc Tây Hồi. Đặc biệt và nghịch lý nhất là, tuy cùng thuộc lãnh thổ của một nước là Hồi quốc, nhưng hai vùng đất Đông Hồi và Tây Hồi này lại nằm tách biệt tại miền Đông và miền Tây của bán đảo Ấn Độ, cách xa nhau cả ngàn cây số. Thực dân Anh còn nham hiểm hơn nữa bằng cách không qui định rõ ràng chủ quyền của những vùng đất nhỏ như Casmir… Những âm mưu nham hiểm này đã khiến cho bang giao Ấn - Hồi luôn luôn căng thẳng cho đến tận ngày hôm nay.
- Thực dân Tầu: Tất cả các loại thực dân kể trên, dù nham hiểm và độc ác đến đâu thì cũng không đáng sợ bằng cái nước thực dân đế quốc khổng lồ đã từng đô hộ đất nước chúng ta trong một thời gian kéo dài tới cả ngàn năm và hiện nay vẫn chưa từ bỏ ý định thôn tính lãnh thổ, lãnh hải của ta. Thực dân Tây phương thì đã vĩnh viễn ra đi và sẽ không bao giờ còn trở lại nữa, nhưng cái tên thực dân khổng lồ phương Bắc này thì vẫn còn ngày đêm ôm mộng thôn tính nước ta.
Đã vậy, vì quá trình liên hệ trong phong trào Cộng Sản quốc tế, nhà cần quyền Việt Nam hiện nay vẫn còn rất nhiều ràng buộc và rất nhiều ân tình trong quá khứ với kẻ thù truyền kiếp này.
Hơn nữa, ngay cả trong lãnh vực tôn giáo, ý thức “Thoát Trung” cũng chưa được triệt để đề cao, các danh từ, chữ viết trong kinh sách và giáo lý, cho đến ngày hôm nay, hầu như vẫn chưa được Việt hóa, vẫn còn lệ thuộc qúa nhiều vào những gì đã có từ xa xưa.
- Thực dân Việt Nam:
“… Bấy giờ quan quân chém giết người bản xứ (Chiêm Thành) rất nhiều, máu chảy thành suối… (Sử Trần Trọng Kim, quyển I, trang 98).
…
- Thực dân Pháp:
Từ giữa Thế kỉ thứ 19, cách mạng kỹ nghệ bùng phát tại Âu châu. Các quốc gia tại châu lục này đã đua nhau đi đánh chiếm các nước nhược tiểu tại Á Châu, Phi châu, Trung Đông…làm thuộc địa.
Mục đích chính yếu của phong trào đánh chiếm thuộc địa này là để tìm kiếm nguyên liệu và thị trường tiêu thụ cho nền kỹ nghệ đang trên đà phát triển tại cá quốc gia thuộc châu lục này.
Hai nước thực dân Âu châu chú ý và muốn đánh chiếm nước ta nhiều nhất là nước Pháp và nước Tây Ban Nha.
Giữa thực dân Pháp và thực dân Tây Ban Nha thì Tây Ban Nha tệ hại và độc ác hơn thực dân Pháp gấp bội, nhất là về việc cưỡng ép người dân các nước bị trị phải trở lại đạo Công Giáo.
- Tây Ban Nha là một trong những quốc gia lạc hậu nhất Âu Châu, không phải chỉ lạc hậu về kinh tế, mà còn rất chậm tiến về sự tôn trọng các quyền con người và về các ý thức tự do dân chủ, đặc biệt là tự do tôn giáo. Những sự lạc hậu này, cùng với chế độ quân chủ độc tài chuyên chế, đã ngự trị tại quốc gia Tây Ban Nha này mãi cho tới giữa thế kỉ 20. Dĩ nhiên dân chúng tại các thuộc địa của Tây Ban Nha cũng phải chịu chung số phận như nhân dân tại mẫu quốc.
Đặc biệt, vì Công giáo là quốc giáo của Tây Ban Nha, nên các vua chúa và các quan chức của nước này đã công khai cưỡng bách tất cả dân chúng tại các thuộc địa của Tây Ban Nha phải gia nhập đạo Công giáo. Chúng ta đều đã biết rõ điều này nơi các thuộc địa cũ của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tại Trung Mỹ, Nam Mỹ và Philippines...
Tại các quốc gia này, dân chúng đều là 100% toàn tòng công giáo.
Trái lại, với cuộc cách mạng năm 1789, nước Pháp là một quốc gia dẫn đầu thế giới về quyền tự do dân chủ, về quyền bình đẳng, về quyền con người, kể cả về quyền tự do tôn giáo.
Nước Pháp, với các vị triết gia danh tiếng Voltaire, Montesquieu, JJ Rousseau, các nhà học giả nầy đã là ánh sáng soi đường không phải chỉ cho nhân dân VN, mà còn cho nhân dân toàn thế giới trong công việc xây dựng nền tự do dân chủ phân quyền pháp trị.
Ngay cả việc tách biệt và độc lập giữa tôn giáo và nhà nước cũng đã thường được tôn trọng và đề cao. Đấy là chưa nói tới những giai đọan mà các phần tử vô thần và phe cấp tiến cực đoan lên nắm chính quyền, họ đã công khai chống lại Giáo hội Công giáo, tàn sát các linh mục, triệt hạ và phá phách các thánh đường, kể cả Nhà thờ Đức Bà tại thủ đô Paris… một người nổi bật trong số các người đó là ông La Raveillere Lepaux…
Những tư tưởng tiến bộ cũng như cực đoan này của nước Pháp, không những đã chi phối rất nhiều tới chính sách đô hộ của chính quyền thực dân, mà còn có những ảnh hưởng vô cùng quan trọng tới việc truyền bá đạo Công giáo tại các thuộc địa của Pháp, kể cả tại nước Việt Nam thân yêu của chúng ta..
Thực dân Pháp đánh chiếm Việt Nam không phải nhằm mục đích truyền bá đạo Công Giáo, mà chỉ vì lý do kinh tế. Bằng chứng rất là đơn gỉan và hiển nhiên:
* Nếu cũng nhằm mục đích truyền giáo thì tại sao sau khi đánh chiếm được Việt Nam rồi, thực dân Pháp lại không tiếp tục dùng võ lực hay các biện pháp cứng rắn để ép buộc người dân Việt Nam theo đạo và biến VN thành toàn tòng Công Giáo như ở Philippines, như ở Trung và Nam Mỹ?
* Chính sách tự do phóng khoáng về tín ngưỡng này cũng đã được thực dân Pháp áp dụng tại tất cả các thuộc địa khác. Cho nên tại Lào và Cămphchia, sau khi thực dân Pháp ra đi, số tín đồ Phật giáo tại hai quốc gia này vẫn gần như là 100% giống như ngày xưa. Tại Algerie, Maroc… thì số tín đồ Hồi Giáo vẫn còn đông đảo y hệt như trước khi bị thực dân Pháp cai trị.
* Dĩ nhiên là tại Việt Nam chúng ta thì cũng y hệt như vậy, sau khi đánh chiếm được nước ta rồi, chính quyền thực dân Pháp cũng chỉ vận dụng mọi nỗ lực để lo khai thác và bóc lột về kinh tế mà thôi. Việc truyền giáo hoàn toàn do các giáo sĩ tự lo liệu lấy. Chính quyền thực dân không hề trực tiếp can thiệp hay trực tiếp yểm trợ cho việc truyền giáo. Do đó, dù đã được rao gỉang tại nước ta trong thời gian hơn 400 năm, dù với sự cố gắng vượt bực của biết bao thanh niên nam nữ đủ mọi quốc tịch như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý Đại Lợi… và người bản xứ, cho đến khi người Pháp rời khỏi nước ta, số người Công giáo tại VN vẫn chỉ ở con số sấp sỉ 5% dân số mà thôi!
Từ giữa thế kỉ 20, khi người Việt Nam tự đảm nhận lấy công việc truyền giáo, dù với hai vị quốc trưởng là tín đồ Công giáo, dù với sự tận tuỵ hy sinh của biết bao thanh niên nam nữ tu sĩ công giáo Việt nam và ngoại quốc, họ đã lăn lộn vào tận các hang cùng ngõ hẻm, lặn lội cả tới các vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh, tìm đến với những người nghèo đói, phong cùi, tàng tật… để truyền bá Phúc Âm…nhưng cho đến nay - theo nhiều học gỉa Phật giáo cho biết - thì vẫn còn hơn 80% người dân Việt Nam theo Phật giáo. (20% còn lại bao gồm cả tín đồ các tôn giáo khác như Tin Lành, Cao Đài, Phật Giáo Hoà Hảo, đảng viên Cộng Sản vô thần…thì số bách phân của tín đồ Công giáo hiện nay chắc cũng còn rất là nhỏ bé?).
Cũng xin mở một dấu ngoặc ở đây là, để được thực dân Tây Ban Nha nhừơng nhịn trong việc xâm lăng Việt Nam, thực dân Pháp sau này đã phải đồng ý dành cho giáo hội Tây Ban Nha được quyền giảng đạo tại khu vực tả ngạn sông Hồng như Thái Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên…, Nhưng dĩ nhiên các giáo sĩ Tây Ban Nha cũng chỉ được truyền giáo bằng cách khuyên dụ chứ không được phép cưỡng bách người Việt Nam theo đạo như tại các xứ thuộc địa khác của Tây Ban Nha.
* Cũng vì tinh thần cởi mở của cuộc cách mạng 1789, mà Thực dân Pháp không những đã không tiêu diệt các phong tục tập quán và nền văn hóa cổ truyền Việt Nam, mà còn rất kính trọng, đề cao và không hề bách hại hay cấm đoán các hình thức tín ngưỡng dân gian cũng như các tôn giáo cổ truyền tại nước ta như Đạo Thờ cúng Ông Bà, Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo…Kể cả hai tôn giáo mới được thành lập là Cao Đài và Phật Giáo Hoà Hảo, mặc dầu mọi người đều biết, một trong các mục tiêu ngắn hạn của hai tôn giáo này là đánh đuổi thực dân Pháp...
Tóm lại, giữa hai đế quốc thực dân xâm lược đã ráo riết cạnh tranh để dành quyền cai trị nước ta là Pháp và Tây Ban Nha, thì thực dân Pháp tương đối là một đế quốc có đường lối cai trị cởi mở, ít thâm độc và ít tàn bạo nhất, đặc biệt là trong lãnh vực truyền giáo.
Trong cái rủi thường có cái may.. Hay nói cách khác, nếu bắt buộc phải chọn giữa hai cái xấu, hãy chọn cái ít xấu hơn.
Như vậy, phải chăng việc Nguyễn Ánh giao Hoàng Tử Cảnh cho Giám Mục Bá Đa Lộc để cầu viện nước Pháp là một sự lựa chọn …sáng suốt. Một hành động sinh tử với Đạo Phật tại nước ta.
Nếu Nguyễn Ánh, thay vì móc nối với Bá Đa Lộc, lại giao Hoàng Tử Cảnh cho một giáo sĩ …Tây Ban Nha, thì Việt Nam đã trở thành thuộc địa của Tây Ban Nha và dân Việt Nam cũng đã toàn tòng 100% Công giáo giống như Philippines, và các quốc gia tại Trung và Nam Mỹ châu rồi.
Phải chăng các tín đồ Phật Giáo Việt Nam cũng nên nói lời cám ơn Lịch Sử và cám ơn … thực dân Pháp?
Phải chăng Phật Giáo Việt Nam cũng nên cám ơn Vua Gia Long, cám ơn Hoàng Tử Cảnh và cám ơn cả Giám Mục Bá Đa Lộc nữa.
Vũ linh Châu
Phát biểu và chịu trách nhiệm hoàn toàn với tư cách cá nhân, không liên quan tới bất cứ một tôn giáo, một nhóm hay một người nào khác.