Năm 2049, chỉ hơn ba thập niên nữa, giấc mộng bá chủ của Trung Quốc có thể được hoàn thành, theo một trong những chuyên gia kinh nghiệm hàng đầu về Trung Quốc tại Hoa Kỳ, tiến sĩ Michael Pillsbury [1]. Là người từng làm việc trực tiếp với tầng lãnh đạo cao nhất trong chính quyền của Hoa Kỳ và Trung Quốc trên bốn thập niên qua, từ Richard Nixon, Henry Kissinger vào cuối thập niên 1960 đầu thập niên 1970 mở đường cho chính sách bình thường hoá quan hệ với Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai của Trung Quốc, cho đến các giới lãnh đạo chính trị, ngoại giao và quân sự của cả hai bên mãi gần đây, ông Pillsbury đã tiết lộ nhiều bí mật quốc gia mà có lẽ chưa có cuốn sách tiền lệ nào như thế.
Cuộc chạy đua 100 năm.
Trong “Cuộc chạy đua Marathon 100 năm, các chiến lược bí mật của Trung Quốc để thay thế Hoa Kỳ trong vai trò siêu cường quốc toàn cầu”, ông Pillsbury đã trình bày chi tiết các mưu kế của Bắc Kinh trong việc chủ động bật đèn xanh để sẵn sàng bắt tay với Hoa Kỳ hầu chống lại Liên Bang Sô Viết thời đó. Pillsbury là người nắm giữa các vai trò then chốt của chính phủ Hoa Kỳ, khởi đầu trong chức vụ tình báo tại Liên Hiệp Quốc đối với Liên Sô, và sau đó cho cả FBI và CIA, lại rành rõi tiếng Hán với sự hiểu biết sâu sắc của các ý nghĩa thâm sâu và bí ẩn trong ngôn ngữ ngoại giao, và nghiên cứu tỉ mỉ các cuốn Tôn Tử Binh Pháp, Tam Quốc Chí và các tài liệu mật quốc gia hàng đầu bằng tiếng Hán mà ông đã thu thập được trên bốn thập niên qua.
Không cần và không nên chờ đến ba thập niên nữa, tức kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng Sản Trung Quốc năm 2049, để đánh giá về những gì ông Pillsbury trình bày trong tác phẩm này. Nhìn vào những gì Trung Quốc đã và đang làm trong những thập niên qua và trong thời gian tới thì nỗi lo âu cho một tương lai bất định đang ngày càng gia tăng.
Sau khi thay thế Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình đã yêu cầu Hoa Kỳ trợ giúp Trung Quốc phát triển khả năng khoa học kỹ thuật của họ vì họ Đặng biết rõ sức mạnh của quốc gia tuỳ thuộc vào mặt này [2]. Theo Pillsbury thì sau chuyến viếng thăm của họ Đặng tại Hoa Kỳ năm 1979, Trung Quốc gửi 50 sinh viên đầu tiên sang Hoa Kỳ du học, và trong vòng năm năm về sau, Trung Quốc đã gửi 19 ngàn sinh viên sang Hoa Kỳ chủ yếu học các ngành kỹ sư, khoa học vật lý và khoa học y tế, và con số sinh viên du học về sau càng gia tăng. Carter ký Sắc lệnh Tổng thống 43, năm 1978 chuyển nhượng các phát triển khoa học và kỹ thuật cho Trung Quốc trong lĩnh vực giáo dục, năng lượng, nông nghiệp, không gian, địa khoa học, thương mại, và y tế công cộng.
Ronald Reagan ký quyết định NSDD 11 năm cho phép Ngũ Giác Đài kỹ thuật tối tân về tên lửa, không gian, hải quân, bộ binh để chuyển hoá Quân đội Giải phóng Nhân dân thành lực lượng chiến đấu tầm vóc quốc tế. Tóm lại, Hoa Kỳ đã góp phần lớn lao trong việc tạo nên sức mạnh của Trung Quốc như đang thấy hiện nay.
Nhờ khoa học kỹ thuật làm nền tảng cho sự hiện đại hoá và phát triển kinh tế của đất nước, Trung Quốc đã tiếp tục đầu tư không ngừng cho khoa học kỹ thuật vì họ thấy rõ nó là vũ khí lợi hại hàng đầu của quốc gia. Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ càng cho cuộc Cách mạng Công nghiệp Bốn, đặc biệt để nắm phần chủ động và ưu thế về mặt tự động hoá (automation) và trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence, AI).
Ngoài Hoa Kỳ là nước dẫn đầu về AI hiện nay, lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc không hề dấu tham vọng đi đầu trong mặt trận này vào năm 2030 [3]. Tuy Hoa Kỳ hiện chiếm giữ số chuyên gia AI cao nhất thế giới, số lượng nghiên cứu tại Trung Quốc đang dần bắt kịp Hoa Kỳ. Trong khi ngân sách cho Nền tảng Khoa học Quốc gia của Hoa Kỳ bị cắt giảm 10 phần trăm xuống còn 175 triệu đô la thì ngân sách dự chi của Trung Quốc vào năm 2030 cho AI là 100 tỷ đô la. Sự chênh lệch về ngân sách đầu tư cho nền khoa học kỹ thuật quốc gia như thế hiển nhiên sẽ dẫn đến kết quả khác nhau vào năm 2030.
Trung Quốc còn chuẩn bị chu đáo về mọi mặt cho sự trổi dậy của mình, từ kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hoá, giáo dục cho đến quân sự, trong và ngoài lãnh thổ Trung Quốc, trên đất liền, trên biển, trên không gian, xuyên lục địa, cả địa cực và trên không gian xa như mặt trăng. Họ không chỉ học khoa học kỹ thuật của Hoa Kỳ mà còn là kẻ ăn cắp sở hữu trí tuệ hàng đầu [4], và nghiên cứu mọi đường đi nước bước làm sao Hoa Kỳ trở thành siêu cường quốc từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay.
Ngoài sự phô trương sức mạnh hải quân Trung Quốc qua việc đưa quân sĩ và vũ khí tới các quần đảo nhân tạo tại Biển Đông mà họ đã bồi đắp tại Hoàng Sa và Trường Sa gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh việc xây dựng các căn cứ hải quân ở vùng biển Ấn Độ Dương. Những nỗ lực này nằm trong dự án tham vọng thế kỷ Vành đai và Con đường (BRI) của họ. Djibouti là căn cứ hải quân đầu tiên, căn cứ thứ hai có thể nằm gần Gwadar, phía Tây Pakistan, và cách đó 60 cây số về phía tây là căn cứ quân sự khác có tên Jiwani [5]. Nhiều địa thế chiến lược khác cũng được cân nhắc, như Hambantota thuộc Nam Sri Lanka hay các đảo Maldives thuộc Nam Ấn Độ v.v…
Cảng Kyaukpyu tại Rakhine State thuộc Miến Điện cũng đang nằm trong tầm tay của Trung Quốc để biến thành căn cứ quân sự [6]. Nhưng Trung Quốc sẽ cần nhiều căn cứ hải quân và không quân xuyên vùng Ấn Độ Dương để xây dựng một mạng lưới tạo cho họ nhiều lựa chọn hơn và lợi thế chiến lược để có thể làm bá chủ.
Trong vòng chỉ hơn mười năm, từ một quốc gia đóng vai trò không đáng kể, Trung Quốc đã trở thành một quốc gia thành viên có hạng của cực (Nam Cực và Bắc Cực). Gọi chung là polar states, là những nước có sức mạnh về quân sự, kinh tế và khoa học [7]. Trung Quốc đã có đội ngũ nghiên cứu, đủ máy móc dụng cụ và đã xây dựng một số căn cứ tại các cực này. Họ sẽ tiếp tục khai dụng ba địa bàn chiến lược mới là các vùng cực Nam và Bắc này, các vùng biển sâu và không gian ngoài vũ trụ để tìm tài nguyên mới để thực hiện giấc mộng của họ. Đưa robot lên phía bên kia của mặt trăng dự tính thực hiện cuối năm nay là nằm trong chủ trương đó của Trung Quốc để từng bước mở rộng “lãnh thổ” [8].
Thế cờ vây.
Theo Pillsbury, một trong những chiến lược vĩ mô của Trung Quốc là thế trận ngang – dọc (horizontal – vertical), được áp dụng cho tình huống khi cần phải bao vây đối thủ/kẻ thù bằng cách xây dựng thế liên minh, cùng lúc đó phá vỡ thế liên minh của đối thủ/kẻ thù để không bị bao vây. Sử dụng mọi chiến lược và biện pháp trí trá nhất, bất ngờ nhất, để đạt cho được mục tiêu, là cách thức của phe diều hâu Trung Quốc hiện nay. Thế cờ wei qi, tên tiếng Anh là “go” game, tiếng Việt là cờ vây, thể hiện suy nghĩ này của họ.
Trung Quốc là sư tổ của cờ vây, họ đã chế ra nó và chơi nó trên hai ngàn rưỡi năm nay. Ngày nay họ chơi nó ở kỹ thuật còn nhuần nhuyễn hơn nữa: dương đông, kích tây; tằm ăn dâu (mà chữ tiếng Anh có nghĩa tương đồng là salami slicing strategy). Thế cờ của họ ngày nay tinh vi đến độ họ đi cờ rồi, đối thủ cũng không biết họ đã đi, và đã giăng bẫy bao vây khắp nơi ra sao. Sáu năm về trước, thế giới bán tin bán nghi hành động lấn lướt của Trung Quốc tại Biển Đông bởi trước đó họ luôn miệng lưỡi cho rằng họ trổi dậy ôn hoà [9]. Nhưng từng bước tằm ăn dâu, từng bước đi trong thế cờ vây, nhẹ nhàng nhưng vô cùng cẩn trọng, đối thủ bị bao vây, và gạo đã “gần” thành cơm trong vấn đề Biển Đông. Nhìn lại, các cơ quan tình báo hàng đầu của Hoa Kỳ chắc cũng không ngờ được mình đã lầm, như Pillsbury đã chính thức công nhận.
Chưa hết. Trong khi thế giới tập trung mọi mắt vào sự dàn trận công khai của họ trên Biển Đông trong những ngày qua thì Trung Quốc lại kích tây: sửa soạn mọi điều kiện cần thiết để xiết chặt hầu bao của các quốc gia trung và hạ nguồn sông Mekong, trong đó có 60 triệu người sống nhờ vào nó. Sông Mekong giúp sản xuất 40 phần trăm vựa lúa của Việt Nam, và là nguồn cung cấp ẩm thực và chất đạm cần thiết cho bao triệu người dân Việt [10]. Thế nhưng trong vòng 50 năm tới, các nền kinh tế của hạ nguồn sông Mekong sẽ bị thâm thụt 7.3 tỷ đô la, trong đó Việt Nam và Cam Bốt sẽ chịu thiệt thòi nhất.
Theo Elliot Brennan thì điều khiển được lượng nước chảy dọc sông Mekong có nghĩa là kiểm soát được thực phẩm của hàng triệu người đang dựa vào mạch sống mà nó mang lại. Trong 11 dự án đập nước điện hiện nay có hơn một nửa có bàn tay Trung Quốc nhúng vào, với dung lượng dự trù hơn 15000 MW. Các đập nước này có thể lưu trữ 23 tỷ khối nước, chiếm 27 phần trăm lượng nước chảy của sông này giữa Trung Quốc và Thái Lan. Trung Quốc có ưu thế của thượng nguồn sông Mekong, lại sử dụng tối đa lợi thế đó bất kể các quốc gia trung hay hạ nguồn ra sao. Họ xem như thế cờ Dominoes. Khi muốn, họ có thể xả nước ở một hay vài đập mà không cần thông báo trước. Các kênh đập ở dưới khi biết phải tìm cách xả nước cấp bách qua các ngã đập tràn, mặc dầu làm như thế sẽ ảnh hưởng đến nguồn điện lực, nhưng không có cách nào khác. Cách xả nước như thế có nguy cơ gây lụt lội dưới hạ nguồn hoặc làm hư hại các thành đập. Điều này đã xảy ra và các đập của Trung Quốc ít hoặc không hề báo động cho các đập phía dưới, như tại Lào.
Thêm vào đó, dự án có tên “gieo mây” (cloud seeding) của Trung Quốc tại Tianhe dự trù tăng lượng thu hoạch nước mưa lên 10 tỷ khối nước, chiếm 7 phần trăm số lượng tiêu dùng cho dân số Trung Quốc. Lượng nước này có thể được tiếp liệu vào sông Mekong và các nhánh sông khác tại Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ sử dụng để trừng phạt, chế tài hay cảnh cáo các nước hạ nguồn khi cần. Hoạ vô đơn chí: 70 phần trăm các sông và rạch của Trung Quốc bị ô nhiễm môi trường trầm trọng, cho nên các nước hạ nguồn sẽ lãnh đủ.
Bằng cách phá đảo nhỏ, gềnh và đá trong và dọc bờ sông, Trung Quốc đã làm rộng các nhánh sông để thuyền bè của họ đi lại dễ dàng. Họ đã biến sông Mekong thành một ác mộng chiến lược. Ủy ban Sông Mekong, thành lập năm 1995 để giải quyết các tranh chấp này, nhưng thái độ của Trung Quốc là câu giờ, hống hách, trịch thượng, “cách của tôi, còn không xin miễn”. Họ tự lập ra một cơ quan mới có tên Hợp tác Lancang Mekong, và sử dụng củ cà rốt vào tháng Ba năm 2016 bằng cách xả nước cho các quốc gia hạ nguồn đang bị hạn hán. Lấy tên là hợp tác, nhưng Brennan cho rằng nó là tiền đề để giải quyết tranh chấp, không phải hợp tác.
Sức mạnh của chính nghĩa.
Quyền lực, khi được dùng cho việc chính nghĩa, sẽ mang lại những ảnh hưởng tích cực vào mọi mặt xã hội; ngược lại, khi có quá nhiều quyền lực trong tay, lại lọt vào bàn tay của những kẻ độc tài, xảo trá, thì mức tai hại của nó vô cùng khủng khiếp.
Biển của Việt Nam đang bị bao vây như thế, sông thì có nguy cơ bị điều khiển như nắm yết hầu, trong khi sản xuất của Việt Nam có thể sẽ không cạnh tranh nỗi với hàng hoá Trung Quốc trong một hai thập niên tới nếu Việt Nam không chuẩn bị kỹ càng, trong khi đó Trung Quốc đã chuẩn bị tối hảo cho cuộc Cách mạng Công nghệ Bốn này.
Người Việt và nước Việt sẽ ra sao trong hai đến ba thập niên tới?
Đến lúc đó Trung Quốc thật ra không cần xâm chiếm Việt Nam nữa. Họ đã nắm gần như mọi yết hầu của dân tộc. Cuộc thực dân đế quốc kỳ này sẽ không giống như những lần trước. Trung Quốc muốn xây dựng một trật tự thế giới mới có lợi cho họ, thay thế trật tự thế giới tự do mà Hoa Kỳ lãnh đạo hiện nay. Một khi họ đã đủ mạnh về quân sự, kinh tế, khoa học kỹ thuật, và nhất là chính trị, các nước láng giềng dù có độc lập và chủ quyền trên giấy tờ thì cũng không có tự chủ tự quyết trên thực tế. Họ phải kính trọng và nghe theo Trung Quốc cho một số chính sách nào đó, chẳng hạn. Có thể các lãnh đạo quốc gia phải được sự chấp thuận của Bắc Kinh, hay phải nghe theo chỉ thị của Bắc Kinh, như mô hình Hồng Kông hiện nay, chẳng hạn. Theo tôi, đây là một hình thức đô hộ kiểu mới của đế quốc trong thế kỷ 21 nếu tiếp tục cái đà hiện nay.
Trước áp lực từ xã hội trong những ngày qua, ông Nguyễn Xuân Phúc đã nhượng bộ rằng chính phủ đã lắng nghe ý kiến của người dân và sẽ xét lại thời hạn cho thuê của luật Đặc Khu (cho ba địa điểm Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc) cho thích hợp hơn, không còn 99 năm như dự trù nữa, trên báo Tuổi Trẻ. Không cần đến 99 năm, 50 năm hay 30 năm thôi cũng đủ để thay đổi mọi vấn đề. Chưa biết người sẽ mướn các đặc khu này là ai (mặc dầu dân chúng đều tỏ vẻ biết rõ) và sẽ sử dụng nó như thế nào, có đưa đến sự huỷ hoại môi trường như Formosa không, hay những hiểm hoạ khác mà nhà nước Việt Nam hiện nay chưa rõ hay rõ nhưng chưa phổ biến thông tin này cho người dân. Tuy nhiên các kẻ hở của bộ luật này, do cố tình hay ngây thơ, sẽ đưa đến những hậu quả vô cùng to lớn và khôn lường. Dù gì đi nữa, đây rõ ràng là sự tính toán của một số phe cánh quyền lợi với nhau mà người dân không hề biết cho đến khi quốc hội Việt Nam sắp thông qua....
Nếu là Trung Quốc và một số phe nhóm quyền lợi Việt Nam đứng đằng sau các dự án và luật đặc khu này thì rõ ràng nó nằm trong thế cờ vây của họ. Có được ba đặc khu này, nó có thể giúp cho nước cờ vây của Trung Quốc đạt được mục tiêu bá chủ của họ dễ dàng và nhanh chóng hơn, vì nó đều có một số vị thế chiến lược quan trọng. Nhưng nếu không có ba đặc khu này, giấc mộng bá quyền của Trung Quốc vẫn không thay đổi. Việt Nam vẫn bị Trung Quốc bọc ép từ thế cờ Dominoes của sông Mekong bên hướng tây và Hoàng Sa Trường Sa của Biển Đông ở hướng đông, cũng như các căn cứ quân sự họ đang xây dựng trên Ấn Độ Dương.
Số phận của dân tộc Việt Nam như cá nằm trên thớt, nhưng họ vẫn dửng dưng. Kể cũng lạ. Có thể người ta đã quen với kẻ lạ!
Nói như thế không có nghĩa là vô vọng. Chúng ta còn hy vọng nếu đồng lòng. Tuy nhiên Việt Nam chỉ còn 10 đến 20 năm để xây dựng sức mạnh dân tộc hầu vượt qua được cơn quốc nạn nguy biến này. Nếu không chuẩn bị bây giờ thì e rằng mọi sự sẽ trễ. Nhà nước Việt Nam đã làm gì bấy lâu nay, đã suy tính đường đi nước bước của Trung Quốc như thế nào, và đã có chiến lược nào để chuẩn bị đối phó trong trận thế này? Trong mọi tình huống, người dân là sức mạnh là sức sống của dân tộc, nhưng nhà nước Việt Nam đã có những động thái nào trong việc trang bị cho dân và cùng với dân tìm ra những biện pháp thích hợp ngăn chặng thế cờ vây này, thay vì cứ tiếp tục coi dân như cỏ rác và đàn áp những người có lòng với đất nước dân tộc!
Đây là cơ hội sống còn để tìm giải pháp khó khăn nhưng cần thiết cho quốc gia. Việt Nam cần phải cải tổ toàn diện. Việt Nam không thiếu nhân tài, không thiếu lòng yêu nước, nhưng thiếu lãnh đạo sáng suốt, trong sạch và có tầm nhìn. Lãnh đạo sáng suốt phải bắt đầu bằng tinh thần biết lắng nghe. Bước đầu tiên và quan trọng nhất là chấp nhận các tiếng nói khác biệt để tìm ra lẽ phải. Không ai được độc quyền về lẽ phải. Cùng nhau, những trái tim và khối óc Việt Nam, như các thế hệ cha ông của chúng ta đã từng làm trong hai ngàn năm qua, sẽ tìm ra phương cách xây dựng lại sức mạnh dân tộc để ngăn cản hiểm hoạ và các bước tiến thâm độc của phương Bắc.
Phạm Phú Khải