Friday 9 November 2018

CÁC LÃNH ĐẠO DỰ KIẾN HẠ VIỆN MỸ ĐỀU RẤT CỨNG RẮN VỚI NHÂN QUYỀN, TRUNG QUỐC VÀ BIỂN ĐÔNG

Trước khi vào nội dung chính tôi muốn nói với mọi người vài lời về cách thông tin của tôi, về kinh nghiệm viết báo của tôi để những ai còn nghi ngờ thì hiểu thêm tôi làm như thế nào.

Thưa mọi người, tôi làm báo từ năm 1994, thời gian làm báo chuyên nghiệp kéo dài hơn 10 năm ở các tờ báo lớn. Sau đó tôi viết cộng tác cho nhiều tờ báo khác. Như vậy đến nay cũng ngót nghét gần 25 năm kinh nghiệm chắt lọc tìm kiếm thông tin, trình bày một vấn đề thời sự như thế nào.


Với tôi, điều quan trọng trong truyền thông thời sự là giữa một rừng thông tin, người viết biết chọn ra cái nào là cốt lõi, nền tảng để đưa lên thành thông điệp chính của bài viết, để độc giả nhìn thấy những cây to định hướng trong một khu rừng rậm rạp vô phương hướng chứ không phải là có cái nào đưa ra hết cái đó. Vì thế khi mọi người buồn rầu vì Cộng Hòa mất hạ viện, tôi viết bài về sức mạnh của Trump khiến nhiều người ngạc nhiên bảo sao Cộng Hòa thua mà viết như là thắng. Đúng là Cộng Hòa thua vì để mất hạ viện nhưng tôi không chủ trương thông tin về bề nổi sự kiện ấy, chẳng hạn về số ghế bên nào nắm giữ được bao nhiêu, Cộng Hòa để mất những bang nào… nói chung là tôi không thông tin trên mặt sự kiện mà đi vào hồn cốt của sự kiện.

Cũng như vấn đề khi Dân Chủ nắm hạ viện Mỹ, tôi không nói Dân Chủ nắm hạ viện một cách chung chung mà phải nói khi họ nắm hạ viện, điều gì sẽ xảy ra và nó ảnh hưởng đến cái mà chúng ta quan tâm như thế nào. Nước Mỹ có trăm ngàn vấn đề cần quan tâm nhưng đó là với công dân Mỹ, còn với chung ta có lẽ chỉ quan tâm có vài trong số đó thôi phải không" .

Chẳng hạn chúng ta quan tâm vấn đề nhân quyền, vấn đề xung đột Mỹ - Trung, vấn đề Biển Đông... Và may mắn cho chúng ta, những điều chúng ta quan tâm cũng là những điều mà các lãnh đạo dự kiến Hạ viện Mỹ quan tâm. Thí dụ ứng viên cho ghế Chủ tịch Hạ viện là Nancy Pelosi, hay ứng viên ghế Chủ tịch Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương là Brad Sherman hoặc Joaquin Castro đều là những gương mặt chủ trương cứng rắn hơn về nhân quyền, luôn gắn nhân quyền với thương mại, cứng rắn với Trung Quốc, với Biển Đông.

Đó chính là điều tôi muốn thông tin đến mọi người.

Vào hồi tháng 3, bà Nancy Pelosi khi đó đang là lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện đã hùng hồn phát biểu, rằng “Hoa Kỳ phải có các hành động chiến lược, thông minh và mạnh mẽ nhằm chống lại các chính sách thương mại hoàn toàn không công bằng của Trung Quốc”. Có tin là bà Nancy nay còn mạnh mẽ với Trung quốc hơn nữa.

Hẳn chúng ta còn nhớ vào hồi bà Hilary tranh cử, Trung quốc rất lo bà ấy thắng cử vì Dân Chủ luôn cứng rắn với Trung quốc. Nên khi ông Trump thắng cử, Trung quốc thở phào nhẹ nhõm.

Có một thông tin rất thú vị nữa. Là Dân Chủ vừa ủng hộ ông Trump nặng tay với Trung quốc vừa ngăn cản không cho ông Trump nện các đồng minh lâu đời của Mỹ. Chúng ta biết ông Trump lâu nay "chơi tuốt" bất kể ai, điều này khiến Mỹ đánh mất đồng minh trong cuộc chiến với Trung quốc, thì nay Dân Chủ sẽ chế ngư ông Trump vấn đề này. Như vậy việc làm này của Dân Chủ cũng khiến chúng ta vỗ tay hoan hô chứ?

Và có tin rằng hiện Trung quốc lo lắng hơn khi lưỡng đảng Mỹ nắm quốc hội Mỹ thay vì chỉ Cộng Hòa như trước.

Vậy chúng ta có nên buồn khi Cộng Hòa mất hạ viện không nhỉ?


Trần Đình Thu