Saturday 5 January 2019

Phiếm luận về heo - Trần Quán Niệm


H01.png
 
Một loài vật đầy mâu thuẫn
 
Trong suốt chiều dài của lịch sử, điạ vị của loài heo thăng trầm cũng lắm. Có xã hội thờ phượng heo như một linh vật của Thượng Đế.Có xã hội coi heo là một loài vât dơ bẩn, đáng khinh bỉ.
Trong cái mâu thuẫn dó, văn hóa Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ. Theo quan niệm của dân  gian, thì heo vừa  bần tiện lại vừa cao quý. Chê ai ở dơ, thiên hạ sẵn sàng rủa xả “đồ dơ như heo”, “nhà cửa bẩn như cái chuồng lợn”, nhưng trong nghi lễ quan, hôn, tang, tế, heo lại được coi là một lễ vật đáng quý, dâng lên Trời, đất, thần linh. 

Trong lễ Tam Sanh, trâu, heo, dê, thì nó không thể thiếu, đứng hàng thứ hai. Khấn vái, cầu nguyện đỉều gì quan trọng phẩm vật to tát nhất phải là con heo quay mà người Việt hứa hẹn hậu tạ thần linh. Đám hỏi, đám cưới, ăn đầy tháng cũng cần heo quay. Mai mối vợ chồng, bà mai được kiếng cái đầu heo (thủ lợn). Chốn đình trung, thủ lợn về tay ông tiên chỉ. Đánh nhau vỡ đầu sứt trán cũng vì tranh giành chỗ ngồi chốn đình làng để được hưởng chia phần ”đầu gà, má lợn”

 
Xã hội Âu, Mỹ cũng vậy, heo vừa bị ghét, lại vừa được yêu.Ví ai là heo là bạn gặp rắc rối ngay. vì heo tượng trưng cho con vật thô bỉ , tham lam, lười biếng, dâm dục. Tuy thế vẫn có người mê heo và heo được nuôi làm cảnh trong nhà như chó, mèo, được chủ bế bồng, ôm ấp, hôn hít, như một cục cưng. Với những vị yêu heo, bạn mà chê heo là họ sẽ quyết liệt bênh vực loài “ủn ỉn” này tới cùng, chứng tỏ cho bạn thấy là nó rất thông minh (hơn cả chó), dễ thương nhất, mũm mĩm nhất. Họ còn kê khai cả một loạt những ông bà tai to mặt lớn đã từng nuôi heo làm cảnh như Sir Walter Scott, Tổng thống Abaham Lincohn, Thượng nghị sĩ Mark Hatfield… Dĩ nhiên tên tuổi của các nhà quý phái kia xa lạ với chúng ta, ngoại trừ tống thống Lincohn, nhưng như thế cũng đủ chứng tỏ ở Mỹ, những người nuôi heo không thiếu, nhưng sở dĩ heo kiểng không phổ thông như chó, mèo.vì kích thước của nó lớn quá cỡ thợ mộc. Nếu không bị ngả thịt lúc còn niên thiếu, heo Mỹ thọ 18 năm, nặng từ 800 pounds (360 ký) đến 1,800 pounds (860 ký). Khủng khiếp chưa.

Bụt chùa nhà không thiêng
H02.png

Thế nên khi thấy chú heo Việt Nam thì họ mê ngay. Họ gọi là “heo tí hon” (miniature pig) vì nó chỉ sấp xỉ 100 pound. Lần đầu tiên, 18 con heo tí hon được nhập vào Canada khoảng giữa thập niên 80. Thế là cả châu Mỹ lên cơn sốt. Thủa đó cầu nhiều, cung ít, giá cả bốc lên mây xanh. Một chị heo nái có giá $20,000 USD, người đấu giá tranh nhau giành giựt. Heo con chưa đẻ đã có người đặt cọc. Danh sách chờ (waiting list) dài xọc. Chi tiền cả cọc mới bế được chú heo con về. Cả nhà chờ đón linh đình. Tin loan nhanh quanh hàng xóm, tấp nập người kéo tới xin coi. Mặt mày chủ nhân vừa nghiêm trang, vừa cảm động, vừa hãnh diện với láng giềng, láng tỏi. Rồi heo từ Tầu, Anh, Sweden và Đức đổ vào Mỹ, vừa chính thức vừa lậu, nhưng heo VN có giá cao hơn hết. Thế mới là lạ.

Đọc trên báo chí, tôi vẫn bán tin, bán nghi. Có lý nào con heo đen thui, ưa sủi đất và vầy bùn, ăn tạp, ở dơ một cây lại nổi tiếng như vậy và trở thành con vật nuôi làm cảnh trong nhà. Bộ những người này muốn biến căn phòng khách trải thảm trắng muốt thơm tho thành cái chuồng heo hay sao? Làm cách nào mà một con vật xấu xí, đen thui như chú mọi quắt queo kia lại bỗng nhiên trở thành cao sang, quý phái như thế?

Quyết tìm hiểu sự thật, tôi mầy mò kiếm địa chỉ của một trại heo trong tiểu bang, bỏ mấy tiếng lái xe đến tận nơi. Tôi giật mình, thay vì một nông trại như tôi đinh ninh, ai ngờ là một căn nhà tuyệt đẹp, trong một khu dân cư sang trọng. Tôi check địa chỉ một lần nữa rồi ngần ngại bấm chuông. Ông bà chủ dáng dấp lịch lãm, đón tiếp chúng tôi. rồi hãnh diện hướng dẫn ra thăm chuồng, thiết kế tân kỳ, sạch như lau, không mùi hôi hám. Một đàn heo con dễ thương đang quây quần bú sữa mẹ. Chị nái xề, nằm dài thoải mái, mắt ti hí nhìn chúng tôi đầy vẻ tự tin và thông minh. Bà chủ bế một con heo khoang đen trắng, đưa cho bà vợ tôi ôm nhưng nàng “kín đáo” và “tế nhị” (sau một  cái nguýt mắt rất nhanh, mà có lẽ chỉ có tôi thấy), nhường đặc ân đó cho tôi. Nàng đã cằn nhằn suốt cuộc hành trình, vì tôi đã đầu têu ra chuyến đi này, thay vì chở nàng đi shopping hay lùng kiếm các gara sale để nàng mua đồ rẻ. Ông chủ lấy sổ ra, kể đến gia phả mấy đời của chú heo con, chính gốc Việt Nam và trại ông thuộc Hiệp Hội Nuôi Heo Tí Hon Rặt Giống. Sau khi cẩn thận hỏi tôi thưộc sắc dân nào, mà tôi đã chuẩn bị trước, nối dối là người Nhật, ông cho hay ông vốn là một võ quan cao cấp trong binh đội Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam, nay về hưu, nuôi heo một cách tài tử, hơn là với mục đích thương mại. Người VN mình có quan niệm coi thường mấy anh lái heo, nhưng nếu gặp vị “lái heo” lịch duyệt, trí thức này, thì chắc phải thay đổi thái độ thôi. Sau khi cho biết lứa heo này đã có người mua đặt cọc từ lâu, nếu chúng tôi muốn thì phải ghi danh sách chờ đến lứa sau, và đặt nửa tiền làm tin, hên ra thì trong vòng vài tháng sẽ có heo. Chúng tôi được mời vào phòng khách. Và con heo cưng “tài tử” của bà chủ được gọi ra làm vài màn biểu diễn sơ sơ. Nó từ trong phòng riêng đủng đỉnh bước ra, cổ đeo nơ đỏ, đỏm dáng, nhưng quả thật chính là chú heo mọi tôi thấy ở quê hương. Nó tới trước mặt từng người, nhẹ nhàng “bái gối” (kiểu chào khẽ quỳ một chân xuống trước cung thánh trong nhà thờ VN) sau đó theo hiệu lệnh của bà chủ, nó đi, đứng, nằm, ngồi một cách thông minh. Rồi các màn biểu diễn lên cấp dần dần, nào nhẩy qua sào ngang, nào đứng thăng bằng trên chiếc thùng gỗ nhỏ lăn tròn, nào ngậm tờ báo từ ngoài cửa mang vào cho chủ. Sau khi được chủ thưởng mấy hột lạc, nó lại bái gối chào chúng tôi, duyên dáng không thua gì bà hoàng Grace Kelly (Monaco), trước khi trở vào phòng riêng. Bà chủ mời chúng tôi thăm phòng ngủ của nó. Nó nằm thoải mái trên một ổ nhỏ hình trái tim, lót sa tanh hồng (còn đẹp hơn phòng con gái rượu của nhà tôi nữa) Ở một góc phòng là cái khung vuông đóng bằng gỗ tốt , rải rác vài món đồ chơi, đó là sân chơi của nó. Tôi rụt rè hỏi, nó tiêu tiểu ra sao. Bà chủ hãnh diện nói, nó biết vào cầu tiêu, trong đó có một hợp gỗ lót dăm bào dành riêng cho nhu cầu của nó.

Trên đường về, nhà tôi tỏ vẻ ngạc nhiên hết sức. Tôi cũng vậy, tôi nói đùa: “Hay mình mua một con về nuôi chơi”. Người đẹp của tôi dẫy nẩy một cách dễ thương nhưng quyết liệt “No way”  Khổng Tử phán tuổi bốn mươi, năm mươi là tuổi thông thái, khắp trời đất, chuyện gì cũng biết (tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh” ấy thế mà chuyện con heo bụng ỏng (pot belly) thì tôi lại mù tịt.

Hoá ra con heo Việt Nam tầm thường mình nuôi ở sân sau, chờ ngày làm thịt, lại thông minh một cách lạ như vậy, mà bao nhiêu thế kỷ qua, người Việt không khám phá ra. Thật là Bụt chùa nhà không thiêng. Nhân loại nói chung, người Việt nói riêng vốn có tính vọng ngoại, cái gì của người cũng trầm trồ, cho là hay, là đẹp. Còn nhớ khi Mỹ nhập cảng vào VN giống heo Yorkshir, lưng thẳng, lông trắng, da dẻ hồng hào, trông như cậu Tây con, dân VN ca ngợi hết sức. Đứng cạnh con heo mọi VN đen thui, bụng ỏng, như công sánh với quạ. Ấy thế mà con heo tốt mã kia lại ngu các cụ ạ, chỉ biết ăn với ngủ, chờ ngày bị ngả thit. trong khi anh heo Việt xấu xí lại chiếm địa vị tôn quý trong lòng dân Mỹ.

Lan man từ chuyện heo nghĩ đến chuyện người. Còn nhớ  trước 75, dân sang trọng, uống bia Mỹ nhập cảng Budweiser, chứ ai thèm uống bia 33, bia lớn (chỉ giới bình dân , xich lô, xe kéo uống thôi). Lúc đó, nước Mỹ xa vời như trong mộng. Tỵ nạn sang đất Mỹ, tôi tin tưởng đã đến “nước thiên đàng.”, mỗi lần ăn trưa với bạn cùng sở, tôi gọi Budweiser, loại bia đã từng ao ước, trong khi bọn nó chơi Heineken, hoặc những loại bia lạ hoắc, cầu kỳ khác. Khi quen thân hơn, chúng nó thắc mắc, tôi trả lời tỉnh bơ.”Ngày trước tao chỉ mơ Budweiser , nay được uống thả giàn, còn đòi hỏi gi nữa”. Bọn nó cười khả ố ”mày uống ba cái đồ nội hóa ấy làm gì, dân sành điệu phải uống bia ngoại”. Thế là thiên đường tôi tưởng đã tìm thấy lùi xa khỏi tầm tay với. Nếu tôi sang đến xứ của Heneiken thì không biết thiên đàng lại di chuyển về đâu?

Truyện con heo, trò con heo 
H03.png

Heo thuộc họ hàng những con vật chân có 2 móng như nai, lạc đà, hươu cao cổ, mển, dê, cừu và trâu, bò, chỉ khá là phần lớn những con vật này thuộc loài nhai lại, nhưng heo thì không. Và điều đặc biệt đáng ngạc nhiên là heo không ở bẩn. Nó mang tiếng oan vì người ta nhốt nó trong chuồng chật hẹp, nên nó phải ăn ngủ, tiêu tiểu bừa bãi mà thôi. Nếu được ở chuồng rộng thì heo lấy rơm lót ổ một nơi, phóng uế một nơi riêng biệt. Tuy nhiên nó có thói quen khó bỏ là thích lăn lộn trong vũng bùn, nhất là những ngày nóng nực, vừa cho mát  vừa với lý do khi sống ngoài thiên nhiên, ruồi muỗi quấy rầy, nên heo dầm mình trong bùn để tránh ruồi muỗi và giết ký sinh trùng bám trên da. Mũi heo rất thính nên heo dùng mũi ủi đất tìm mầm non hay rễ, củ để ăn.

Lợi dụng khả năng này, nông dân Âu Châu dùng heo để đánh hơi tìm ra một loại nấm quý rất ngon (truffles) mọc ngầm dưới đất. Đôi khi heo được huấn luyện để đánh hơi thay thế chó săn. Trng đệ nhất thế chiến, heo được dùng để dò mìn bẫy chôn sâu dưới đất. Heo lại còn xuất hiện trong các gánh xiệc Âu, Mỹ biểu diễn nhiều trò lạ lùng.
Nhưng dù có bênh vực thế nào đi nữa thì heo vẫn bị mang tiếng xấu về địa hạt ái tình. Thật không oan, vì đến mùa động tình thì heo thật là quá xá. Nó chạy rần rật trong chuồng, kêu rống lên, đôi khi chuồng thấp, nó còn phóng ra đi tìm đực cho bằng được. Chẳng thế mà người ta thường nói “sổng con heo lòng” hay “ dở trò con heo” hoặc “phim con heo” (1) và gọi những ông già sồn sồn ưa “thả dê” là “đồ heo nọc”
 
Cũng vì thế mà ở VN nhà ai nuôi heo để bán làm thịt, phải gọi thợ đến thiến hết bầy heo thì heo mới ăn no chóng lớn, không dở trò dậm dật khi đến tuổi trưởng thành. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh anh thợ thiến heo trong vùng tôi ở, một vùng nửa tỉnh nửa quê. Anh này người mảnh khảnh, mang vẻ phong lưu tài tử kiểu đồng quê, tóc búi, mặc áo bà ba lụa chải chuốt, thường tụ họp bạn bè, đàn ca vọng cổ thâu đêm. Trưa trật, trưa trờ,  mới tà tà dạo ra đường hành nghề. Đồ nghề vỏn vẹn là một con dao nhỏ, bọc trong túi và cuộn chỉ. Trước khi khởi hành, anh ta bứt một chiếc lá tre, đặt trong miệng, thế mà thật tài, anh ta thổi ra tiếng lanh lảnh như tiếng  sáo.

Đi thung dung trong xóm, vui đâu thì ngừng lại nói ba điều bốn chuyện, rồi lại đi tiếp, nhà ai có heo cần thiến, khi nghe tiếng sáo, sai con nít kêu vào. Chủ nhà bắt từng chú heo choai choai ra khỏi chuồng đè xuống đất. Bàn tay anh ta dịu nhểu, thành thạo dùng con dao sắc lẻm, rạch một đường ngắn ngang hông heo, rồi móc ra một vật đo đỏ, nhỏ như cái cúc áo, gọi là “hoa khế”. Anh ta cắt, vứt đi, ấn ruột heo vào như cũ, rồi thoăn thoắt khâu vài đường chỉ ngay chỗ cắt. Thế là xong. Lợn được thả vào chuồng, con khác được bắt ra. Tôi thấy trước khi hành nghề anh ta chỉ rửa tay qua loa bằng nước lạnh, chẳng cần alcohol để sát trùng, thế mà chẳng con nào bị chết vì nhiễm độc  Chúng chỉ biếng ăn cỡ 1 hay 2 ngày là đâu lại vào đó, vục đầu vào máng, ăn cám như điên, mập tròn, chờ ngày bị ngả thịt. Hàng xóm nói anh ta mát tay, nên anh ta luôn có mối làm. Lúc đó tôi còn bé, nên không biết anh nhận được bao nhiêu tiền công, chỉ thấy lúc nào anh ta cũng lè phè nhậu đế và ca vọng cỏ.

Tuy thế so với anh dẫn heo nọc đi cho thuê gây giống, thì anh sau này lại còn nhàn hơn một bực.. Con heo đực nặng cả tạ, cái bìu chần dần, đi lặc lè chạm chạp, chủ tớ chẳng ai vội vàng, thong dong như người đi dạo mát. Mà có vội vàng cũng không được, cụ heo già đâu có thích đi nhanh. Nhà ai có heo nái muốn lấy giống thì gọi vào. Heo làm chuyện heo, chủ thâu tiền, khỏe re. Về sau này, xóm tôi có đường trải nhựa, heo được đứng thảnh thơi trên tấm gỗ dầy, có 4 bánh xe, chủ ì ạch kéo. Cụ heo mở mắt ti hí ngắm phong cảnh hàng phố rộn ràng buôn bán. Đôi khi anh ta còn có đứa con đi theo phụ kéo. Chắc để cụ heo khỏi đi bộ, lỏng đầu gối, kém năng xuất. (2)
 
Heo cụt đuôi, cụt tai, cụt chân

H04.png

Cách đây năm, bảy thập niên, nghề chăn nuôi ở Mỹ cũng giống ở xứ VN ta. Heo nuôi vài ba chục con tại nông trại, chạy cà nhỏng cùng bò, dê, gà, vịt. Hình ảnh điển hình về đời sống thong dong, khoảnh khoát chốn nông trại được đưa vào sách vở giáo dục tuổi vỡ lòng qua hình ảnh căn trại mầu đỏ đậm trên nền cỏ xanh, chung quanh là những cây táo nở hoa trắng xóa. Bò thảnh thơi gặm cỏ. Đồng cỏ xanh điểm lấm tấm hoa vàng. Heo, gà chạy giỡn, rượt đuổi nhau tự do. Thanh niên điều khiển ngựa kéo cầy. Thiếu nữ mặc váy xoè, đội mũ vải, hái hoa, ca hát. 
Nhưng rồi đời sống cơ giới hoá, kỹ  nghệ hóa nông thôn. Trang trại nhỏ, phá sản, chết dần. Chăn nuôi trở thành đại kỹ nghệ , là một nhà máy sản xuất thịt, nông phẩm cho giới tiêu thụ mà chủ nhân là giới tài phiệt tại thành phố. Gà, heo, bò v.v. được tâp trung vào các trại chăn nuôi khổng lồ, số lượng lên hàng trăm ngàn con. Chúng bị nhốt trong chuồng chật hẹp, ăn thực phẩm trộn sẵn hóa chất cho ít bệnh, mau béo. Súc vật không có đời sống thiên nhiên, chúng không phải là một sinh vật nữa mà là một sản phẩm, đuợc tính toán với số thực phẩm vừa đủ, trong một thời gian ấn định và một diện tích sinh sống tối thiểu phải tạo số lượng thịt tối đa. Chỗ ở chật hẹp làm heo, gà trở nên hung tợn, cắn giết nhau. Gà mổ nhau tới chết . Heo cắn đuôi hoặc tai đồng loại, ăn dần vào phần thân thể của nạn nhân, khiến chúng bị chết trong đau đớn, thê thảm. Do dó giờ đây, gà bị cắt mỏ , cắt mào (3). Heo bị cắt đuôi, cắt tai (súc vật chúng ta ăn không có đời sống vui  tươi khoẻ mạnh, không ít thì nhiều sẽ đem bệnh tật đến cho người tiêu thụ. (Nhưng đó là chuyện để dành viết trong bài tới).
Heo Mỹ bị cắt tai chỉ vì sự tiện lợi của chủ chứ không mang một thông điệp xỏ xiên như phong tục của xứ An Nam ta. Sau đám cưới, họ nhà trai phải đem gà , heo đến nhà gái làm lễ nhị hỷ. Cô dâu còn trinh trắng thì không sao, nhưng nếu trái lại thì nhà trai gửi “thông điệp bất mãn” cho nhà gái và chòm xóm bằng cách cắt cụt tai chú heo quay dùng làm phẩm vật lễ. Phong tục này ngày nay không còn được duy trì nữa. Tại sao? Phải chăng dân Việt càng văn minh, càng dễ tính. Không phải đâu các cụ ạ. Với phong trào tự do luyến ái bây giờ, có một cụ rất thâm, giải thích rất đểu là :”Nếu còn, trong nhiều đám cưới, heo quay không những bị cụt tai, mà còn cụt đuôi và có thể cụt cả bốn chân nữa. hì hì”
 
Mr. Trư Bát Giới và Miss. Piggy

H05.png


Tác giả Ngô Thừa Ân, thuộc đời nhà Nguyên bên Trung Hoa, đã dựng nên tác phẩm vĩ đại Tây Du Ký, diễn tả cuộc hành trình cam go gian khổ của thầy Tam Tạng Đường Huyền Trang (thầy họ Trần nhưng được vua nhà Đường phong làm ngự đệ (em vua), nên đuợc mang họ vua) từ Trung Quốc sang xứ Thiên Trúc (Ấn Độ) thỉnh kinh Phật. Truyện được huyền thoại hóa để thêm phần hấp dẫn trong dân gian, chẳng thế mà độc giả khắp cõi Á châu trong đó có VN say mê như điếu đổ. Trong chuyến hành trình thực sự, chỉ có thầy Huyền Trang một mình một ngựa, muôn dặm đường trường, nhưng trong truyện có 3 đệ tử theo hầu, kẻ gánh hành lý, kẻ dắt ngựa, người đánh dẹp yêu quái cản đường. Hồi nhỏ tôi trốn học, thi trượt Tú Tài mấy bận vì mê đọc truyện kiếm hiệp, truyện Tây Du, thích thú vì tính cách phiêu lưu, gay cấn của cốt truyện, say mê thế giới thần tiên, có tiên đồng, ngọc nữ, có Phật tổ, có Ngọc Hoàng, khâm phục tài phép thần thông của Tề Thiên Đại Thánh, cười Trư Bát Giới tham ăn, ưa gái. Sau này đọc lời phê bình, chia chẻ của các vị thức giả, mới hay 4 nhân vật trong truyện , mỗi người đều tượng trưng cho tính tình của con người. Đường tăng thánh thiện đôi khi lẩm cẩm, giận hờn vặt, Tề Thiên, trí năng, ưa chạy nhảy, đúng là khỉ chuyền cành (tâm viên, ý mã), Bát Giới sống theo bản năng, ưa vật lạc thế gian, Sa Tăng thì trầm đều không rõ nét cho lắm. Trư Bát Giới gần với người đọc hơn, vì ai cũng thấy hình ảnh mình trong nhân vật này, ham ăn ngon, ngủ trễ, trốn việc, nói dối, làm biếng, thấy gái đẹp là mê tít thò lò.
 
Cách đây vài chục năm, khi tôi mới sang Mỹ tỵ nạn, trong đám hình nộm trình chiếu trên TV cho con nít xem, nếu tôi nhớ không nhầm thì đó là ban The Muppet của con ếch xanh có một nhân vật nữ, được khán giả thích thú hâm mộ, và trở nên một ngôi sao sáng. Đó là Miss Piggy. Chị heo này diện quần áo đẹp và nữ trang sang trọng, ỏn a, ỏn ẻn, điệu bộ một cây, khoe đùi, khoe mông, cười duyên, liếc xéo. Các bà các cô mê ngay vì ẩn hiện trong Miss Piggy là nhân dáng của họ.
Nhưng bây giờ, không thấy chiếu nàng Piggy nữa. Thời thế thay đổi, ngày nay (thế kỷ 21)các mợ không muốn bị ai chế nhạo họ. Nữ quyền lên cao, họ xông xáo hơn, nhẩy vào các ngành, nghề của nam giới. Được đàng chân lân đàng đầu, năm 2000+ nếu vô phúc đụng tới các vị nữ lưu, lạng quạng là thân bại danh liệt ngay. 
Thẩm phán Tối Cáo Pháp Viện Kavanaugh, tý nữa tiêu đời vì bị tố cáo 37 năm trước, lúc còn là học sinh,) ông đđè một em teenager (ai biết đúng hay sai). Hú vía. Điều trần truớc quốc hội mà ông này phải khóc ròng, thề sống, thề chết là “em oan” mới thoát nạn.
 
Trần Quán Niệm
 
(1)   Loài heo đang mạnh mẽ phản đối loài người, làm phim tầm bậy mà gọi thể loại này là “phim con heo”, vừa nhục mạ loài heo, vừa gây nhầm lẫn chết người, vì lỡ có em học sinh ngây thơ nào đó muốn học ngành  Nông, Lâm ,Súc, cần tìm hiểu về việc  chăn nuôi heo, mượn phim này về nghiên cứu thì phải giật bắn người, “chết cửa tứ”. Phải đổi lại là “phim con người” mới đúng
(2)   “Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ”, họ có còn tồn tại ở làng quê VN không
(3)   Họ còn nghiên cứu cấy giống gà không lông. Họ lý luận trong thiên nhiên gà cần lông để che chở khỏi thời tiết lạnh, nay chuồng có không khí được điều hòa, cần gì lông, mất công nhổ khi làm thịt, tốn tiền.