Saturday, 9 March 2019

Người cộng sản và khái niệm thương thuyết















Luật sư Đào Tăng Dực (Danlambao) - Tại Hà Nội, các ngày 27 và 28 tháng 2 vừa qua, và kể cả nhiều tuần hoặc tháng trước đó, cả thế giới đều mong chờ thành quả của cuộc hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ Tịch Triều Tiên Kim Jong-un.

Đây là Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhì giữa 2 nguyên thủ quốc gia. Hội nghị thứ nhất diễn ra tại Singapore vào ngày 12 tháng 6 năm 2018, đưa đến một công bố chung ký kết giữa 2 bên, nội dung tóm lược như sau:

1. Hoa Kỳ (HK) và Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên (CHNDTT) sẽ hợp tác xây dựng quan hệ hầu nhân dân 2 nước xây dựng hòa bình và thịnh vượng

2. Hai bên sẽ hợp sức xây dựng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

3. CHNDTT tái xác định Tuyên Ngôn Bàn Môn Điếm ngày 27 tháng 4, 2018 và sẽ xúc tiến nhằm mục tiêu phi nguyên tử hóa toàn diện Bán Đảo Triều Tiên 

4. HK và CHNDTT sẽ xúc tiến tìm lại hài cốt của tù binh chiến tranh và chiến binh mất tích kể cả hồi cố quốc những cá nhân được nhận diện.

Ngoài ra TT Donald Trump cũng bảo đảm an toàn (security guarantees) cho Triều Tiên và Ngoại Trưởng Pompeo sẽ tiếp tục thương thuyết với giới thẩm quyền của Triều Tiên sau đó.

Tuy nhiên, sau đó vì phía CHNDTT không có những hành động cụ thể chứng minh thiện chí phi nguyên tử hóa nên các cấm vận của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục và hội nghị thượng đỉnh này coi như không còn thực chất.

Như chúng ta đều biết, cuộc chiến ý thức hệ Nam-Bắc tại bán đảo Triều Tiên từ năm 1950 đến năm 1953 chưa bao giờ chấm dứt chính thức bằng một hiệp ước. Chỉ có một cuộc ngưng bắn (armistice) giữa 2 bên ký kết vào ngày 27 tháng 7 năm 1953.

Miền Bắc dưới sự ủng hộ của khối cộng sản quốc tế bao gồm Liên Xô và Trung Cộng và miền Nam dưới sự ủng hộ của thế giới tự do và Hoa Kỳ. Đảng Lao Động (Tức Cộng Sản) Triều Tiên, với sự ủng hộ của Trung Quốc đã tràn xuống và xâm lấn toàn bộ bán đảo Triều Tiên. Miền Nam, dưới sự yểm trợ của quân đội Hoa Kỳ đã phản công và chiếm lại phần lớn. Sau đó 2 bên đã ngưng chiến và phân chia lãnh thổ lấy vĩ tuyến 38 làm căn bản.

Với sự sụp đổ của Khối Cộng Sản Liên Xô và Đông Âu, sự cải tổ và tư bản hóa kinh tế tại Trung Quốc, cùng với sự canh tân phát triển Hàn Quốc thì chế độ cộng sản tại Triều Tiên cảm nhận sự sinh tồn của chính thể bị đe dọa nặng nề.

Từ đó, đảng Lao Động Triều Tiên, dưới sự lãnh đạo toàn trị và cha truyền con nối dòng họ Kim chủ trương phát triển vũ khí nguyên tử như một công cụ bảo vệ sự sinh tồn của chế độ.

Cho đến bây giờ, kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có khoản 20 đến 60 đầu đạn nguyên tử và tầm hoạt động của các hỏa tiễn bao gồm Nam Hàn, Bắc Kinh và có thể Nhật Bản, nhưng chưa có khả năng xâm phạm lãnh thổ Hoa Kỳ.

Để trừng phạt Triều Tiên Hoa Kỳ đã ban hành lệnh cấm vận khắt khe về kinh tế. Tuy nhiên Trung Cộng và Nga Sô tiếp tục ủng hộ Triều Tiên.

Trong cuộc hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội ngày 27 và 28 tháng 2, 2019, trên nguyên tắc, Triều Tiên muốn Hoa Kỳ gỡ bỏ lệnh cấm vận và Hoa Kỳ thì muốn Triều Tiên hủy bỏ các kho vũ khí hạt nhân, như là bước đầu phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, hội nghị thượng đỉnh này cũng thất bại và có thể nói rằng, thất bại còn nhanh chóng hơn hội nghị thượng đỉnh trước đó tại Singapore vào ngày 12 tháng 6 năm 1018.

Thật vậy, lần này không có họp báo chung hay ký kết bất cứ một văn bản nào. Tổng Thống Hoa Kỳ thì tuyên bố quyết định hủy bỏ đàm phán vì CHNDTT đòi hỏi rút lại tất cả mọi cấm vận như là điều kiện tiên quyết để đóng cửa trung tâm nguyên tử chính tại Yongbyon. Sau đó, ngoại trưởng Triều Tiên lại họp báo bác bỏ lập luận của Hoa Kỳ và cho biết họ chỉ đòi hỏi rút tại từng phần các cấm vận mà thôi. 

Tại sao Hoa Kỳ liên tục thất bại khi thương thuyết với Triều Tiên?

Lý do đơn giản là vì đảng Lao Động Triều Tiên là một đảng CS trong truyền thống Đệ Tam Quốc Tế như CSVN, CSTQ hoặc CSLX. Trong tâm thức của họ, không hề có khái niệm thương thuyết, hầu đi đến một thỏa hiệp chung sống hòa bình.

Đối với người CS, khi họ thắng thế thì sẽ thừa thắng xông lên, tận diệt đối thủ và xây dựng bá quyền tuyệt đối.

Khi tương quan quyền lực giữa họ và đối thủ còn quân bình thì họ giả vờ thương thuyết bề mặt nhưng bên trong thì xâm nhập và lũng đoạn đối thủ, chờ cơ hội tiêu diệt.

Khi họ yếu thế thì họ sử dụng thương thuyết như một chiến thuật ngắn hạn hầu tập chú vào mục tiêu duy nhất là bảo vệ sự tồn tại của đảng như cứu cánh và hy sinh mọi phương tiện khác. Phương tiện họ sử dụng bao gồm nhân mạng người dân, lãnh hải, lãnh địa và kể cả tổ quốc nữa. Thà mất nước chứ không thể mất đảng là câu châm ngôn của những người cộng sản chân chính, từ thủy tổ của họ là Lê Nin, cho đến Stalin, Mao Trạch Đông, Tập Cận Bình, Kim Nhật Thành, Kim Jong-un, Hồ Chí Minh hoặc Nguyễn Phú Trọng ngày hôm nay.

Chính vì thế, một khi người CS ngồi xuống thương thuyết là lúc họ yếu thế nhất và không còn sự lựa chọn nào khác để sống còn. Đó chính là cơ hội tốt nhất để các lực lượng dân chủ tiến lên, hủy diệt họ dễ dàng, trừ hậu họa, thay vì thương thuyết để họ có cơ hội sống còn.

Hiện giờ, đảng CS Triều Tiên đang rơi vào thoái trào. Tuy họ bám víu vào vũ khí nguyên tử vì đó là điểm tựa duy nhất để bảo đảm sự tồn tại của chế độ nhưng họ phải đối diện với những trở lực khách quan:

1. Một nền kinh tế suy thoái nghiêm trọng có thể dẫn đến dân chúng nổi loạn lật đổ chính quyền

2. Một Nam Hàn dân chủ, trù phú và quân lực hùng mạnh đồn trú tại miền Nam và sẽ can thiệp nhanh chóng hỗ trợ một cuộc nổi dậy của nhân dân như trên.

3. Một CSTQ tuy bề mặt là anh em xã hội chủ nghĩa nhưng trong thực chất luôn e dè đàn em bướng bỉnh và nguy hiểm này. Kho vũ khí hạt nhận của Triều Tiên không có Hoa Ký trong tầm nhắm, nhưng chắc chắn Bắc Kinh hoàn toàn có khả năng trở thành mục tiêu.

4. Thêm vào đó, sự hiện diện của vũ khí hạt nhân tại Triều Tiên là động lực quan trọng nhất để Hoa Kỳ thiết bị vũ khí nguyên tử tại Bán Đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Tệ hơn nữa, chính Nam Hàn và Nhật Bản sẽ đủ biện minh phát triển vũ khí hạt nhân và trở thành cơn ác mộng cho CSTQ.

5. Chính vì các lý do trên, trong bản chất Triều Tiên ý thức sâu sắc rằng CSTQ hoàn toàn không phải là một đồng minh đáng tin cậy. 

6. Một sự can thiệp chớp nhoáng bằng quân sự của Hoa Kỳ, hủy bỏ toàn diện kho vũ khí nguyên tử của Triều Tiên và lật đổ luôn chế độ như đã xảy ra tại Iraq dưới thời TT George W Bush vẫn có thể xảy ra, nhất là trong trường hợp TT Donald Trump cần sự ủng hộ của dân chúng trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2020.

Vì các lý do nêu trên, đảng Lao Động Triều Tiên sẽ giữ liên lạc hầu duy trì ảo tưởng thương thuyết với Hoa Kỳ trong tương lai, với mục tiêu tránh chiến tranh và duy trì chế độ. Tuy nhiên Hoa Kỳ sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu phi nguyên tử hóa bán đảo Triều Tiên khi thương thuyết với CS Triều Tiên.