Saturday 9 March 2019

NỮ TRUNG HỌC GIA LONG" NGÔI TRƯỜNG THÂN YÊU CỦA TÔI - Phượng Vũ

truong-gialong-1.jpg

“Tôi xa quê hương, bao năm tháng qua.
Nhưng trong trái tim không bao giờ xa….

Dù đã rời xa quê hương mấy mươi năm nhưng mỗi lần về thăm Saigon, tôi vẫn muốn trở về thăm lại ngôi trường xưa, ngôi trường bề thế và cổ kính, dù chỉ là chạy xe một vòng quanh trường để thăm lại “đường xưa lối cũ” của một thời yêu dấu! “Nữ Trung Học Gia Long”, cái tên thân thương đó như là một góc kỷ niệm riêng trong tim, nơi tôi đã gắn bó suốt 7 năm trung học với biết bao nhiêu là kỷ niệm, có những kỷ niệm dễ thương, và cũng có những kỷ niệm nghịch ngợm, tinh quái mà người ta thường nói “…thứ 3 học trò”. Biết bao nhiêu là buồn vui của một thời “hoa bướm học trò” ngày xưa, để xao xuyến nhớ về tuổi học trò ngây thơ của mình.

Kỷ niệm yêu thương cho tôi ngày ấy,
Biết đâu tìm lại, biết đâu mà tìm.” (
TH)

Tôi nhớ lại khi chuẩn bị thi vào đệ thất Gia Long, ba tôi đã dặn dò rất kỹ lưỡng:


– Con phải ráng thi đậu vô đệ thất Gia Long vì đó là ngôi trường nữ trung học danh tiếng nhất và đẹp nhất Saigon. Đó là niềm mong ước lớn nhất của ba…
Sau đó ba tôi chở tôi đi thăm trường cho “biết mặt”! Ngôi trường đẹp, uy nghi nằm ở một vị trí yên tĩnh, nhiều cây xanh bóng mát bao quanh bởi bốn con đường Phan Thanh Giản, Bà Huyện Thanh Quan, Ngô Thời Nhiệm, Đoàn Thị Điểm. Truờng tọa lạc trên một diện tích khá rộng, được bao bọc bởi một hàng rào kiên cố, phía trong là sân cỏ với những vườn hoa tươi thắm và nhiều cây bông sứ trắng đẹp cao nhã, thanh tao. Ngôi trường mang nét đẹp cổ kính với tường vôi vàng, hai tầng lầu oai nghiêm được che phủ bởi mái ngói đỏ tươi. Tòa nhà ở giữa cao hơn hẳn với chiếc tháp đồng hồ cổ điển, phía dưới là hàng chữ mạ vàng nổi bật trên nền đá cẩm thạch trắng: Trường Nữ Trung Học GIA LONG.

Vẻ dáng đẹp uy nghi “hấp dẫn” bên ngoài của trường bắt đầu “quyến rũ” lòng tôi nên tôi cảm thấy nể phục ngôi trường và thầm nghĩ:” Ưóc gì mình được vô học trường này thì oai biết mấy” Ba tôi đã khéo léo chuyển mong ước của mình sang cho tôi, nhưng nghe tỷ lệ trúng tuyển 1/10, tôi cũng hơi ngán (gần 10,000 thí sinh chỉ lấy vào khoảng 900). Dù sao tôi vẫn cố gắng học để ba vui lòng! Chẳng mấy chốc ngày thi tuyển đã đến, tôi tự tin bước vào phòng thi. Kỳ thi tuyển gồm hai môn Văn và Toán. Cuối buổi thi ba chờ đón ngoài cổng trường, thấy tôi ra sớm vội hỏi:

– Làm bài được không con ? Sao con ra sớm chi vậy?


– Con làm bài xong rồi, dò lại kỹ rồi nên nộp bài. Toán thì dễ, nhưng bài Luận thì con không biết, con chỉ viết theo con những gì con cảm nghĩ…


Thời gian chờ đợi kết quả là thời gian dài nhất, tôi thì “tỉnh bơ”, nhưng ba tôi hồi hộp hơn tôi! Buổi chiều có kết quả ba chở tôi đi nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng để khấn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, rồi ghé trường xem kết quả! Tới nơi thấy người ta bu đông vòng trong, vòng ngoài trước các tấm bảng dán danh sách học sinh thi đậu. Tôi nói ba giữ xe, để tôi chen vô xem kết quả, thấy nhiều chị chạy ra vui mừng la lớn “Đậu rồi, đậu rồi!”, nhưng cũng có nhiều người mặt méo xẹo vì “không thấy tên” làm tôi cũng hồi hộp lây! Tôi chen vào đọc hết tên trong các danh sách dán ở các bảng, từ bảng này qua tới bảng kia, rồi banh mắt đọc đi đọc lại từng bảng lần nữa, mà vẫn không thấy tên mình. Tôi tiu nghỉu buồn xo, nên cứ đứng tần ngần! Một phụ huynh thấy vậy hỏi thăm:


– Con làm bài được không?


Tôi gật đầu, mà lòng bối rối lo âu, sợ nhất là làm ba buồn!


– Con đã dò tấm bảng nhỏ có mắt cáo treo trên tường kia chưa? Đó là danh sách 100 học sinh đậu điểm cao, có học bổng đó!


Tôi như người sắp chết đuối vớ được phao, mừng quá cám ơn rối rít, rồi chạy bay đến tấm bảng nhỏ treo trên tường, phải nghểnh chân lên để mà dò. Tôi hồi họp dò từ dưới lên trên đến hạng thứ 50 rồi mà vẫn chưa thấy tên mình đâu, ngực tôi bắt đầu đánh lô tô liên tục. Dò lên, dò lên mãi tới hạng 17 thì thấy tên tôi. Mừng quá tôi rú lên: “Ba ơi ! con đậu rồi!” Dò lại lần nữa số ký danh và tên cho chắc chắn, rồi tôi chạy ào ra chỗ ba tôi đứng giữ xe để báo tin. Ba tôi mừng quá giao tôi giữ xe để ba chạy vô coi. Sau đó ba tôi thăm dò tin tức và ra kể cho tôi nghe:

– Con ơi! Người ta nói đậu từ hạng 1-30 sẽ được học bổng toàn phần, từ 31- 100 được học bổng bán phần. Như vậy là con được học bổng toàn phần rồi! Phải tạ ơn Chúa và Đức Mẹ mới được! Con nhớ tiếp tục học giỏi để giữ phần học bổng này cho tới khi ra trường nghen!


Tôi vui vẻ gật đầu:

– Dạ, con biết rồi!


Tôi không ngờ có vụ thi đậu được đi học miễn phí mà lại còn được tiền học bổng! Số tiền cũng khá lớn vào thời đó. Sau này, má tôi rất vui khi thấy con gái đi học đã khỏi đóng tiền học phí mà còn có tiền học bổng mang về đưa má mỗi năm hai kỳ dài dài trong suốt 7 năm trung học.


Năm đệ thất là năm đầu tiên lên trung học nên tôi có rất nhiều bỡ ngỡ: Nào là đi học phải mặc áo dài trắng (mỗi lần nhảy dây hay chơi lò cò lại phải cột hai vạt áo dài lại với nhau cho khỏi vướng), rồi phải đi học xa nhà (hồi tiểu học chỉ đi bộ vì gần nhà), rồi học nhiều cô giáo khác nhau (hồi tiểu học chỉ học với một cô thôi), rồi học nhiều môn “lạ hoắc”: Hội họa, âm nhạc, thể dục, nữ công…


Ngay cả hai môn quen thuộc hồi tiểu học là Toán và Việt Văn, lên đây học cũng thấy nội dung hoàn toàn xa lạ! Cô Như Tuyết dạy toán, với giọng Bắc rất dễ thương, cắt nghĩa cho chúng tôi hiểu về chứng minh hình học là gì? Phải học thuộc các định lý để chứng minh.., tôi nghe tới đâu hiểu tới đó, nhưng tới chừng tóm lại thì tôi thấy “rối mù”! Sao mà rắc rối, lộn xộn quá! Hồi hộp nhất là đến kỳ thi lục cá nguyệt, làm bài thi chứng minh hình học xong, hỏi thăm nhau, không đứa nào biết mình làm bài trúng hay trật. Tôi cứ “lý luận” theo kiểu tôi hiểu, rồi đúng sai thì cứ phó mặc cho trời là xong!


Hôm trả bài thi, cô Như Tuyết lại trả từ điểm thấp lên cao, làm cả lớp hồi hộp muốn đứng tim. Tôi với nhỏ T ngồi cạnh, thấy xấp bài trên tay cô vơi quá nửa mà chưa thấy tên mình, thì nháy mắt nhau mừng rỡ! Hai đứa nắm tay nhau mà tay đứa nào cũng lạnh ngắt! Tới hạng 5 thì nhỏ T được gọi lên lấy bài, nó mừng quá! Ủa, sao cô trả hết xấp bài thi trên tay mà vẫn không thấy gọi tên tôi! Tôi lo sợ : “Hay là cô làm mất bài thi của mình rồi ?” Cô nghiêm trang nhìn xuống lớp, rồi gọi tên tôi lên bảng để sửa bài thi cho các bạn!


Tôi líu ríu đi lên mà vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra? Đến khi cô đưa bài thi cho tôi, bảo tôi chép lên bảng để các bạn sửa bài. Lúc đó nhìn vào bài thi tôi mới biết mình hạng nhất! Ôi Chúa ơi! thật là quá bất ngờ. Sau khi chép bài lên bảng xong, trong khi các bạn sửa bài, cô nhờ tôi xuống phòng giáo sư rót cho cô ly nước trà. 


Vừa đi tôi vừa “gặm nhấm” niềm vui “hạng nhất”của mình vì từ nãy tới giờ tôi bối rối làm mọi việc theo phản xạ mà thôi! Trong đời tôi chắc có lẽ chưa bao giờ tôi “hầu rót nước” cho ai mà lòng hân hoan đến vậy! Phải chi có ba ở đây thì ba sẽ vui biết chừng nào!

Từ đó cô NTuyết hay để ý quan tâm tới tôi! Một lần vào giờ cô, cả lớp phải xuống phòng y tế để chích ngừa lao (mà cô y tá hay nói là chích vi trùng Kock ), cô đi theo lớp. Khi chích xong tôi ra ngồi băng đá gần cô, cô xích lại bên cạnh cầm tay tôi lên, ân cần hỏi:

– Mỗi bữa em ăn mấy bát cơm mà sao gầy quá vậy?


– Dạ hai !


– Em phải ăn mỗi bữa ba, bốn bát thì mới mập lên và mau lớn chứ!


Tôi cúi đầu lí nhí dạ nhỏ. Không hiểu sao hồi đó tôi lại nhỏ con và ốm dữ vậy, chẳng bù cho bây giờ mỗi bữa, tôi ăn có một chén cơm thôi mà cân cứ muốn nhích lên!

Nói tới vụ “lý luận” theo toán học, tôi nhớ mãi tai nạn tôi bị xe ngựa đụng, cũng vì cái “lý luận con nít” thiếu hiểu biết của mình, báo hại tôi một phen “hồn bay, phách lạc” khi bị nằm dưới gầm xe ngựa. 

Số là sau khi thi đậu vô Gia Long, vì xa nhà nên mỗi ngày ba chở tôi đi học. Được vài tuần tôi quen đường thấy cũng dễ nên nằng nặc đòi tự đạp xe đi học một mình. Nài nỉ hoài nên ba cũng chịu, dặn tôi đạp xe cẩn thận, kẻo bị tai nạn, tôi gật đầu hứa đàng hoàng. Tôi đạp xe đi học một mình được 2 tuần, mọi chuyện an toàn, thường tôi đạp rất chậm, hễ có chuyện gì là tôi “thắng bằng chân” nghĩa là phóng xuống đất lết lết cho xe chậm lại rồi ngưng vì tôi chưa quen sử dụng thắng tay. 

Một lần trên đường đi học về, tôi đạp xe gần tới bùng binh ngã 7, thì thấy từ xa phía bên trái có 1 chiếc xe do 2 con ngựa kéo cũng đang hướng về phía bùng binh. Tôi định phóng xuống “thắng bằng chân”, nhưng nhìn lại thấy có mấy chị nữ sinh lớp lớn đạp phía trái cạnh tôi vẫn đi phom phom. 

Tôi tự lý luận “sao mấy chị cứ đi như thường mà mình thì sợ? Nếu xe ngựa có đụng thì sẽ đụng mấy chị trước, rồi mới tới mình, mắc mớ chi mà lo xa“. Vậy là tôi mạnh dạn đạp phom phom theo, ai dè khi xe ngựa trờ tới, mấy chị thắng cái rọt, xe dừng lại, còn tôi lúc đó mới hoảng hồn phóng xuống thắng bằng chân, nhưng không kịp nữa rồi. 

Tôi chỉ nghe cái “rầm”, cả nguời tôi và cái xe đạp đã nằm gọn trong gầm xe ngựa. Sau đó mọi nguời bu lại lôi tôi ra, rồi gọi cảnh sát tới làm “ăng kết”, tôi nghe tới “cảnh sát” sợ bị bắt bỏ tù, nên khóc lóc năn nỉ đừng gọi, rồi nhìn lại cái xe đạp thấy cong queo “chết rồi, về thế nào cũng bị ba rầy!”. 

Đủ thứ nỗi hoảng sợ làm tôi quên hết nỗi đau vì bị trầy tay, chân, khi cảnh sát đến hỏi cung coi xe nào đi hướng nào tới…mọi người chung quanh chứng kiến trả lời dùm. Tui ngồi yên một chỗ thút thít khóc, rồi tự “xỉ vả” mình: “lý luận hay quá, cuối cùng trớt quớt, ai biết “tưởng vậy mà không phải vậy”, nên bây giờ mới ra nông nỗi này!” 

Sau đó cảnh sát cho đem xe ngựa và xe đạp của tôi về ty cảnh sát Q 3, rồi đưa cho tôi tờ giấy dặn ngày mai kêu ba lên ty cảnh sát làm việc. Một anh học Petrus Ký đi ngang tình nguyện chở tôi về nhà dùm, vì cũng gần tới nhà rồi. Dọc đường tui hoang mang lo lắng hỏi tùm lum:

– Anh ơi, về nhà ba biết bị xe ngựa đụng, em có bị rầy không?

– Bé đừng lo, ba không có rầy đâu!

Tui mừng quá, nhưng cũng chưa vững tin nên ngô ngê hỏi tiếp: “Sao anh biết ba không rầy?”

– Biết chứ, vì bé đâu có lỗi, hồi nảy cảnh sát nói ông xe ngựa từ hướng bên trái, nên phải nhường xe em, vì xe em bên phải nên ưu tiên hơn.

Tui chẳng hiểu tí xíu gì về luật ưu tiên trong giao thông, nhưng chỉ biết “ba không rầy” là tốt rồi, nhưng cũng phải ráng vớt vát: “Thiệt hông anh? Vậy lát nữa về nhà anh nhớ vô nói dùm ba em một tiếng nha!”

Anh gật đầu vui vẻ: “Ừ! bé đừng lo để anh nói dùm cho!”. Câu trả lời của anh làm tui an tâm, tự nhủ thầm “Chúa ơi, sao con gặp được người tốt quá! Mai mốt lớn lên con cũng phải tốt với người khác như vậy mới được!” 

Từ kinh nghiệm này, sau lớn lên tôi mới rút ra được bài học: “Những lời an ủi, nâng đỡ tinh thần khi một ai đó đang bị hoang mang đau khổ, có một giá trị thật lớn lao vô cùng“. Anh đã giữ lời, khi về đến nhà, tôi sợ đứng ngoài cửa không dám vô. Anh vô nói chuyện thế nào mà lát sau ba ra dắt tôi vô ân cần hỏi: “con bị đau chỗ nào? thay đồ dơ đi tắm, rồi ra ba xức thuốc cho”, làm tôi rất cảm động. 

Tôi rất biết ơn sự tử tế của người anh Petrus Ký, mặc dù tôi không hế biết tên anh, nhưng sự tử tế của anh vẫn còn ghi dấu ấn mãi trong lòng tôi. Sau này tôi hay tử tế với người khác coi như một cách trả ơn tấm lòng tử tế của người anh Petrus Ký năm xưa và trả ơn Đời đã cho tôi gặp người tốt lúc hoạn nạn.

Trong các môn học tôi thích học nhất là môn Việt Văn, vì tôi vốn thích văn chương từ nhỏ. Cô Hoàng Ngọc Thanh Dung phụ trách môn này, cô giảng bài giọng bắc, có chỗ tôi nghe chưa quen, nhưng cũng ráng nghe. Mà sao nó cũng hoàn toàn khác với hồi học tiểu học: làm luận văn thì tả con chó, hay con mèo nhà em hoặc tả ông em, bà em Cái này dễ ẹc, tôi về nhà quan sát thấy sao tả vậy. Còn bây giờ lại làm văn Nghị luận, rồi Giảng văn thì lại tìm chủ đề và ý nghĩa bài văn, rồi trả lời câu hỏi tùm lum. 

Tôi thấy sao mà rối rắm quá, đến khi làm bài thi, nhỏ T ngồi cạnh cứ hỏi tôi “Trả lời sao bây giờ?” Tôi cũng bí quá, phải chi có “đối tượng” trước mắt để quan sát rồi trả lời thì đỡ biết bao! – “Thôi cứ moi trong đầu ra, nghĩ sao nói vậy đi!”. Làm bài thi xong đem nộp mà cũng không biết mình làm bài được hay không? 

Do đó tới ngày trả bài thi, tụi tôi run gần chết. Mấy cô trả bài thi lại cứ trả từ dưới lên, thấy xấp bài thi trên tay cô vơi gần hết mà chưa thấy tên mình, làm tim tụi tôi cứ nhảy mambo. Tới chừng còn 2 bài cuối cùng cô công bố “đồng hạng nhất”, làm tui với nhỏ T mừng quá rú lên. Mấy đứa bạn chung quanh bèn la “mấy nhỏ này xấu bụng, giỏi mà không chịu chỉ dùm“.- “Thiệt mà, tụi tui làm đại “nghĩ sao nói vậy người ơi!”chắc là “thánh nhân đãi kẻ khù khờ”, chứ văn chương làm sao mà chỉ?”

Tâm hồn tôi có khuynh hướng yêu nhạc nên tôi thích học giờ Âm Nhạc do cô Như Mai phụ trách. Cô có mái tóc dài, đôi mắt đẹp và làn da trắng bóc trông thật “yểu điệu thục nữ”. Cô dạy cả lớp hát bài “Thu Vàng” của nhạc sĩ Cung Tiến. Bài hát đầu đời quá hay và thật lãng mạn nên đã gây ấn tượng mạnh mẽ nơi tâm hồn tôi, đến nỗi bây giờ gần nửa thế kỷ trôi qua tôi vẫn còn mê và thuộc bài hát ấy. Thỉnh thoảng buồn buồn đi lang thang tôi lại ngân nga:

Chiều hôm qua lang thang trên đường…
Chiều hôm nay trời nhiều mây vươngCó mùa Thu về bao nhiêu là hương…“

Hát mà có cảm tưởng mùa thu đang lãng đãng đâu đây, một cảm giác thật ngọt ngào êm đềm!

Có lẽ hòa đồng với cảm xúc lâng lâng đó, giờ ra chơi lớp tôi ( dãy phía bên Bà Huyện Thanh Quan) phát hiện ra bên kia đường chùa Xá Lợi, người ta đang quay phim có tài tử La thoại Tân và nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng. Vậy là 2 cửa sổ lớp bị tụi tôi chen nhau thiếu điều sút nút áo dài luôn, leo bu kín mít để được dịp ngắm tài tử đẹp trai và minh tinh đẹp gái. Đúng là con nít mê coi quá, tới chừng chuông reo vô học còn chưa biết, bị bà giám thị đi ngang bắt đóng cửa sổ lại rồi ngồi xuống nghe giảng “moral” một hồi.

Bên cạnh đó môn Hội Họa, học cũng rất thích, cô Hiếu Hạnh dạy tụi tôi vẽ đường rầy xe lửa, với 2 đường thẳng song song, có lẽ gặp nhau xa tít ở chân trời. Cô dạy tụi tôi tô màu bằng bút chì đen, rồi tô đánh bóng ( cái này lần đầu tiên tôi được học, nên thấy lạ và thích ghê!) . Hoàn thành xong “tác phẩm” hội họa của mình mà tự thấy thích quá, nên cứ cầm lên ngắm mãi mà không thấy chán! Sau này cô còn dạy cách pha màu nước để có màu đúng ý mình thích, môn này có nhiều sáng tạo nên học rất vui

Ngoài ra môn thể dục mới thiệt hoàn toàn “mới tinh”. Hôm nào có giờ thể dục, tụi tôi phải đem theo quần phùn màu xanh dương đậm, áo trắng tay phùn ngắn, để thay đồ trước khi ra sân tập thể dục. Cô Phương phụ trách môn này rất khó, thay đồ chậm ra sân trễ là bị cô la, nên mấy lần sau, tới giờ thể dục là tụi tôi lo đóng cửa lớp cho lẹ, rồi mạnh đứa nào, đứa nấy tuột quần áo ào ào, rồi lấy đồ thể dục mặc vô rào rào. Nhóm tụi tôi con nít làm 5′ là xong, mấy chị lớn điệu đàng ra trễ, có khi bị cô phạt chạy một vòng sân, mà sân thể dục của trường lại rất rộng.Nói tới đây tôi mới nhớ ở góc sân thể dục của trường có cây Phượng lâu đời rất to, tàn cây che phủ cả một góc sân, nở đầy hoa Phượng đỏ rất đẹp, mỗi khi hè về hoa đỏ rực cả một góc trường tha hồ cho các bạn làm thơ hay hát ngân nga:

“Lòng xao xuyến mỗi khi hoa phượng rơi…
Nơi kỷ niệm êm ái
Và thuở ấy biết bao nhiêu buồn vui
Gói trọn trong tuổi đời”


Giờ thể dục cô cho tập leo dây, cái dây thừng vừa to, vừa sù sì. Nhìn là thấy ngán, nhưng sợ cô cũng phải ráng leo, có khi leo nửa chừng, thấy cao sợ quá tuột tay rớt xuống đất, may ở phía dưới là bãi cát mịn, chứ không thôi gảy giò, ngó lại thì thấy đùi bị cà vô dây thừng trầy rướm máu, cả bàn tay cũng vậy luôn. 

Đúng là môn học “trầy da, rướm máu”, nhưng leo riết quen, rồi leo giỏi hồi nào không hay! Mấy năm sau này mấy cô Thể dục dạy các lớp tham gia “Đồng Diễn Thể Dục” với những vòng tròn “Hula hoop”, rồi biến tấu xếp hình xếp chữ rất đẹp, nhất là khi nhìn ở trên cao. 

Chúng tôi mặc đồng phục thể thao trắng đi biểu diễn ở sân vận động Cộng Hòa vào những dịp lễ lớn với các trường trung học khác ở Saigon Thời gian tập tành vừa lâu, vừa cực nhưng kết quả lúc nào cũng ngon lành: Gia Long lúc nào cũng thuộc loại nhất, nhì vì tụi tôi biểu diễn quá đẹp. 

Nhưng không phải chỉ có thể dục đồng diễn Gia Long mới giỏi đâu nha, thi văn nghệ, bích báo nhất là về kết quả học tập Nữ sinh Gia Long luôn ở những hạng đầu, vì nghe nói bà Hiệu trưởng chỉ nhận về trường những thầy cô xuất sắc nhất, thành thử học trò cũng xuất sắc luôn. 

Do đó đi đâu chúng tôi đều rất hãnh diện: “Tôi là Nữ sinh GIA LONG“.

Sau này trường còn xây thêm một thư viện mới có máy lạnh đàng hoàng với rất nhiều loại sách mới khác nhau để nữ sinh tha hồ xuống thư viện đọc, hoặc mượn về nhà đọc để mở mang kiến thức. Về rèn luyện thể lực, trường cho xây hồ bơi phía sân sau để ai thích học bơi lội có thể đến học và tập bơi. 

Ngoài ra trường còn có một “bệnh thất” do một cô y tá điều hành, lo phụ trách chích ngừa cho toàn trường. Bệnh thất có tủ thuốc và vài cái giường để nữ sinh lỡ bị bệnh có thể xuống đây nằm nghĩ ngơi, nhưng ai giả bộ bệnh để trốn học xuống đây nằm là bị cô y tá phát hiện liền. May quá suốt 7 năm theo học GL tôi chưa bao giờ phải xuống đây nằm lần nào, mặc dù hay bị bạn bè chê ốm nhách. Ốm đây là ốm tự nhiên nha, chứ không phải ốm như mấy cô nguời mẫu thời hiện đại (giống bộ xương cách trí) ăn xong rồi lo móc họng ói ra cho hết để được ốm đâu! ! 

Nói tới đây tôi lại nhớ tới sau này khi tôi dạy lóp 12, cuối năm các em viết lưu bút cho tôi : “Em sẽ nhớ mãi dáng cô gầy gầy…”, 10 năm sau tình cờ bạn tôi đọc được bèn phá ra cười: “Ráng mà nhớ “dáng xưa” đi em, vì bây giờ thì vĩnh viễn không bao giờ còn được thấy “dáng cô gầy gầy” nữa rồi“. Mà đúng vậy, hồi đó ốm, sao ăn bao nhiêu vẫn cứ ốm, còn bây giờ dù ăn ít tới đâu, cân vẫn cứ tự động bò lên?

Trong các giờ học, tôi sợ nhất là giờ nữ công. Sao tôi học môn gì cũng được hết, ngoại trừ môn này. Nhìn miếng vải thêu của mình so với miếng thêu của các bạn, tôi mắc cỡ quá chừng chừng! Nhìn 2 mặt phải, trái miếng thêu của tụi nó đẹp gần giống nhau, còn miếng thêu của tôi mặt phải coi cũng tạm được, còn mặt trái hổng hiểu sao mà rối nùi, xấu hoắc, nhìn chỉ muốn quăng vô thùng rác! 

Sao tụi nó thêu khéo và đẹp dữ vậy? Còn tui sao thiệt vụng về, dù tui đã cố gắng kiên nhẫn tháo ra thêu lại, nhưng vẫn không khá hơn bao nhiêu? Điểm thi môn này tôi gần “đội sổ”. Tui “rầu thúi ruột”, than thở còn bị bạn “chọc quê”: ” Bộ mày muốn trên đời có bao nhiêu cái giỏi, giành ôm hết sao?, phải chừa người khác nữa chứ! Bàn tay mày chỉ để viết văn thôi, còn thêu thùa phải để phần tụi tao. Biết hông nhỏ?”. Tui làm thinh, ngồi buồn mình ên muốn khóc, ngó mông ra cửa lớp, vì ý tui đâu phải vậy!

Cuối năm cầm học bạ trong tay, giữa một “rừng” những lời khen chỉ có lời phê mà tôi quan tâm hàng đầu và lo đọc đầu tiên là môn này. Hú hồn! cô chỉ phê “Có cố gắng nhiều” mà thiệt tình là tôi có cố gắng nhiều thiệt. 


Sau này lớn lên tôi mới rút ra được bài học: Đó là phải tập nhìn thấy mặt tích cực của người khác, thay vì chỉ lo nhìn ở mặt chưa tốt! Cám ơn cô đã nhìn thấy mặt tích cực của em : “Có cố gắng nhiều” dù em gần “đội sổ” môn cô! 

Tôi chỉ lo cô phê: “Kém quá” thì thiệt tình tôi không biết giải thích làm sao với ba khi đem học bạ về nhà. Nhưng không sao, lời phê tổng kết cuối năm học của cô hiệu trưởng ngắn gọn nhưng đầy đủ làm tôi an tâm khi đem về đưa ba: “Kết quả mỹ mãn cả học lẫn hạnh”. Ba đọc và hài lòng ra mặt, tôi biết tôi vừa tặng ba món quà mà ba thích nhất!

Cuối năm đó, ba chở tôi đi lãnh phần thưởng được phát ở trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon 
GL mượn địa điểm để phát thưởng cho long trọng)…., mà tôi cảm nhận ba còn vui hơn tôi. 


Sáng đó ba dậy sớm hớn hở chuẩn bị quần áo chỉnh tề cho cả hai cha con rồi hối tôi đi thật sớm. Ba đạp xe chở tôi đi trên con đường Nguyễn Du với hai “hàng cây lá xanh gần với nhau“, đâu đây trên những cành cây cao tiếng chim ríu rít hót chào mửng một ngày mới đầy niềm vui như lòng tôi đang rộn rã: “Hôm nay tôi đi lãnh thưởng“. Nhưng tôi biết có một người vui hơn tôi, đó là ba:

“Con nghiêng đầu nhìn ba: cười
Soi bóng mình trong mắt ba ấm áp
Thấy chính con bơi trong biển hồ mênh mang điệu hát
Bài hát chỉ mỗi hai từ : yêu ba …”

“Tìm đâu những ngày thơ ấu qua?
Tìm đâu những ngày xinh như mộng?”

Năm đệ thất là năm đầu tiên, nên tôi có nhiều kỷ niệm đặc biệt, mà ở đời cái gì “đầu tiên” cũng đều ghi ấn tượng sâu sắc, như mối tình đầu tiên, đứa con đầu tiên… Nếu tôi ngồi kể hết “kho kỷ niệm” của bảy năm học Gia Long thì chắc tới sang năm cũng chưa hết. Bây giờ tôi chỉ kể lại những vui buồn đặc biệt trong các năm học sau đó thôi!

Tôi nhớ lại năm đệ lục học giờ Toán với cô Kim Phụng, cô người Nam, dáng ốm, cao, cô giảng dạy rất nhiệt tình. Một lần cô vô lớp mở sổ điểm gọi mấy bạn lên trả bài, cô đặt câu hỏi nhưng không bạn nào trả lời được hết! Cô đóng sổ lại than thở rồi khóc vì học trò không chịu học, thấy cô khóc cả lớp sụt sùi khóc theo, đứa nào đôi mắt cũng đỏ hoe. Vậy là cô trò cùng nhau khóc cho tới hết giờ luôn. 

Rồi những giờ sinh vật với cô Nguyễn Thị Tiết, cô dạy rất tỉ mỉ, chỉ cho tụi tôi cách lấy ngàm, hàm của con tôm càng. Nhờ vậy mà sau này mỗi lần kho tôm càng, tôi biết cách lấy ngàm, hàm ra dễ dàng. 

Cô Thân Thị Tố Tâm dạy Việt Văn, người Huế, dáng quý phái hoàng tộc, giọng Huế của cô lúc đầu nghe rất khó hiểu, nhưng nghe quen rồi lại thấy “mê” mới lạ! Năm đệ ngũ mỗi buổi chiều bà Hiệu trưởng Huỳnh Hữu Hội đều đi ngang lớp để tới văn phòng làm việc, mỗi lần bà đi ngang tụi tôi ngồi trong lớp im re không dám nhúc nhích.


Năm đệ tứ là năm đặc biệt, vì chúng tôi được chuyển từ buổi chiều qua học buổi sáng, nâng cấp lên làm “mấy chị buổi sáng” nên mới có màn “hộp thư tâm tình” để liên lạc với các em học buổi chiều cùng ngồi một chỗ. Thư từ lén lút trong hộc bàn cũng vui lắm, ngày nào vô lớp cũng thọc tay vô hộc bàn mò xem có “thư tình” không? cũng hồi họp chờ mong “Sao không thấy hồi âm?” Năm đệ tứ là năm quan trọng vì là năm thi, cuối năm nếu không đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp là không được lên đệ tam, tương tự như vậy ở năm đệ nhị, không đậu tú tài một thì không được lên đệ nhất.

Năm đệ tứ lớp tôi học toán với thầy Trương văn Minh, thầy còn trẻ, độc thân mới ra trường nên bị tụi nó “quậy” quá chừng, khiến mặt thầy lúc nào cũng bị “dư hồng huyết cầu”! Giờ nào thầy vô lớp trễ, nhỏ M leo lên bục giảng nhái lại dáng “điệu” của thầy khi“đuổi ruồi” làm cả lớp cười rần rần, đến nỗi thầy tới trước cửa lớp mà không đứa nào biết. Có bạn còn rắn mắt hơn lấy “mắt mèo” bôi lên bàn, ghế làm thầy lỡ ngồi lên rồi, bị ngứa quá, mà phải cắn răng chịu không dám gãi vì sợ bị “quê”

Hào hứng nhất là thầy hay cho “làm toán chạy” nghĩa là chỉ có năm người đầu tiên lên nộp bài trước mới được chấm điểm. Vậy là tụi tôi lo làm toán “thần tốc”, rồi giành nhau chạy đua thiếu điều vấp té để bỏ bài lên bàn thầy trước. Tôi nhanh nhất nên gần như lúc nào cũng nộp được bài để chấm điểm.

Năm nay lớp tôi học Việt Văn với cô Huỳnh Hoa, cô người Nam, thùy mị, dịu dàng, đúng tiêu chuẩn phụ nữ hiền thục Việt Nam. Cô lúc nào cũng ân cần với học trò, lại là giáo sư hướng dẫn lớp nên tụi tôi rất thương cô, và cô cũng rất “cưng” tôi vì tôi giỏi môn Việt Văn của cô. 

Cuối năm nay có nhiều chia tay vì chia ban, đổi lớp… nên đứa nào cũng “o bế” cho mình một cuốn “Lưu Bút Ngày Xanh” nắn nót chép thơ, viết những lời tâm tình cho nhau, rồi đưa cho các thầy cô viết nữa, để mai sau ”đôi lúc nhớ nhau lưu bút còn để lại chuyện buồn vui.”

Trong những dòng lưu bút tâm tình đó, tôi nhớ mãi mấy câu thơ cô Diệp (dạy Lý) ghi xuống lưu bút của tôi cho tới tận bây giờ:

“Kỷ niệm không là gì, khi thời gian bôi xóa
Kỷ niệm là tất cả, khi lòng ta còn ghi”

Giòng đời “lên thác, xuống ghềnh” trôi qua, tôi càng thấy thấm thía với những ý nghĩa sâu sắc của câu thơ! Cám ơn cô Diệp nhiều lắm “lòng em vẫn còn ghi” những tình cảm“ưu ái” cô dành cho em vì em học xuất sắc môn cô. Cô ơi! bây giờ cô ở đâu?

Cuối năm đệ tứ mỗi học sinh cần có một quyết định quan trọng: chọn ban. Tôi phân vân không biết đi ban nào? Hỏi ý kiến bạn bè thì “năm đứa mười ý”, đôi khi các ý kiến lại trái ngược nhau làm tôi càng bối rối:

– Mày chọn ban B đi vì tao thấy mày thông minh, học xuất sắc môn toán

– Đừng đi ban B, học toán khô khan sẽ làm mặt bị nổi mụn tùm lum, “xí gái” lắm!

– Mày theo ban C đi, vì tao thấy mày rất giỏi văn chương!

– Học ban C tối ngày “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” để “tâm hồn treo ngược cành cây”, có nước chết đói sớm!

Nghe tụi nó dọa “chết đói sớm” tôi sợ quá, chạy sang ban A, chỉ đơn giản vì “theo bạn”, bởi trong lớp có nhiều bạn đi ban A. Nhưng sau này ngẫm lại tôi thấy “văn chương” cũng“hữu dụng” lắm, nghe nói các nhạc sĩ sáng tác mấy bản nhạc hay, bán bản quyền xong là có tiền mua xe hơi. Bản thân tôi nhờ “văn chương” mà cũng có tiền “rủng rỉnh” bỏ túi xài chơi cho vui.

Năm đệ tam “rảnh rỗi” và những năm sau đó, nhờ mấy đứa bạn đốc thúc, tôi bắt đầu đi vào khu vườn “văn chương” bằng những bước chân chim non rụt rè. Tôi khởi sự viết cho trang Búp Bê của nhà văn Duyên Anh, rồi viết “chuyện phiếm” hoặc phóng sự gửi nhật báo Chính Luận. Mỗi lần bài được đăng một kỳ là tôi được lãnh nhuận bút 800$, đăng hai kỳ là 1200$. 

Dần dần đối với tôi viết trở thành một sinh hoạt, một nhu cầu tinh thần, chứ không phải vì tiền, tuy có tiền vẫn vui hơn. Cuối năm tôi còn được tòa soạn mời họp mặt tất niên ở nhà hàng Văn Cảnh, được biết mặt những nhà văn, nhà báo kỳ cựu nổi tiếng…”cùng làm việc chung một tờ báo” vì là dân “nhí” nên tôi nghe thấy mình cũng oai ghê! Không phải như bây giờ thế kỷ 21 mà “ra đường đánh nhau lỗ đầu” còn chưa biết “cùng làm việc chung một tờ báo”!…

Vì nhờ có tiền nhuận bút nên tôi “hào phóng”lai rai “bao” bạn bè tha hồ ăn bò bía, chè đậu đỏ bánh lọt ngon nổi tiếng (bên hông trường, phía đường Bà Huyện Thanh Quan). Bây giờ nói tới món “Đậu đỏ bánh lọt nước dừa nổi tiếng” của Gia Long mà tôi vẫn còn thấy thèm! Nhớ lại lời hát của TCS, nghe sao mà thấm thía:

” Nhớ Sài gòn những chiều gặp gỡ
Nhớ món ăn quen nhớ ly chè thơm”

Sau này khi DTDao, bạn thân GL đi Canada, trước khi đi, bạn đến nhà tôi chơi từ biệt rồi rủ nhau đi ăn món gì đậm đà chất Việt, trước khi chia tay. Không ngờ mà trúng ý nhau, hai đứa quyết định trở lại chốn xưa ăn bò bía và chè đậu đỏ bánh lọt, bên hông trường GL để thưởng thức lại các món ăn đầy kỷ niệm thân thương của Gia Long để cùng nhớ về một thời thiên đường trong ký ức.

Rồi tiền “nhuận bút” xài chưa hết, thỉnh thoảng giúp người nghèo, rồi đi chợ Bến Thành mua áo dài tơ lụa Hồng Hoa (nhờ đó tôi có rất nhiều áo dài lụa đủ màu) mà mấy đứa bạn tôi thường bảo là để cho các anh chàng thích làm “cái đuôi” có dịp ngâm nga hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Nguyên Sa:

“Nắng Saigon anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa “Hồng Hoa”

Lũ bạn tôi giải thích chắc tại thi sĩ Nguyên Sa “mơ mộng” quá nên quên mất thực tế: Saigon thời bấy giờ chỉ có tơ lụa Hồng Hoa là nổi tiếng chứ làm gì có tơ lụa Hà Đông (một tỉnh thuộc miền Bắc). Nghe ra cũng có lý lắm! 

Nhân nhắc đến vụ những “cái đuôi”, tôi lại nhớ lũ bạn tôi “mách nước” rằng thì là khi nào mấy “cái đuôi” cứ bám theo mãi để lải nhải hát điệp khúc “làm quen” nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh: “Cho anh xin số nhà và cho anh biết tên đường…” thì phải nhớ nằm lòng địa chỉ của trường GL: “275 Phan Thanh Giản.Q 3” để mà cho, rồi “cắt đuôi” nhanh! 

Thế là từ đó tôi thuộc nằm lòng địa chỉ trường cho tới tận ngày nay! Trong khi bây giờ đến nhà bạn chơi hoài, nhưng ai hỏi địa chỉ thì tôi “ngớ” ra không trả lời được. 

Nhân nói tới vụ “cắt đuôi”, tôi nhớ một lần bị tổ trác: Lần đó đi đâu về trời cũng khá tối, tôi đang vừa đạp xe vừa hát thầm một bản tình ca, bỗng cảm thấy hình như “có đuôi“ theo sau, quay đầu lại nhìn thì đúng thiệt. Theo lời chỉ dẫn “cắt đuôi” của tụi bạn, tui đạp chậm để coi “cái đuôi có tiến lên “Cho anh xin số nhà …” thì tui sẵn sàng cho, vì đã thuộc nằm lòng rồi, nhưng hình như “cái đuôi” này có kinh nghiệm vụ đó rồi, nên tôi chạy chậm thì chậm theo, mà nhanh thì cũng nhanh theo, ”tò tò” quyết theo về tới nhà mới kẹt chứ! Tôi bí qua bèn đổi chiến thuật quẹo đại vô bất kỳ một con hẻm gần nhất, rồi đạp xe thật nhanh, thấy hẻm nào khác là quẹo liền, quẹo trái, phải “búa sua” tới một hồi mệt ngất ngư, mới dừng lại thì không thấy “cái đuôi” đâu nữa. 

Tôi thở phào nhẹ nhỏm, nhưng trời bắt đầu tối, hồi nảy lo quẹo tùm lum đâu để ý, nên bây giờ tôi mò hoài mà không tìm thấy đường ra để về nhà mới khổ chứ. Vậy là bị lạc trong xóm lao động nhỏ, đường hẻm chằng chịt tứ tung, trời lại tối mù tôi phải vừa đi, vừa hỏi thăm cả gần một tiếng mới tìm ra được đường về nhà, hú hồn suýt chút nữa bị ba la “sao về trễ quá”.

Bây giờ đã qua rồi cái thời nhờ “Văn chương” để được ăn bò bía, đậu đỏ bánh lọt và mua áo dài tơ lụa, nhưng “Văn chương” bây giờ lại giúp tôi gặp được những mối “kỳ duyên”rất đáng quý như chị N sẵn sàng làm mạnh thường quân để hổ trợ tôi trong những chuyến công tác từ thiện ở VN, như L đem tặng tôi những chậu hoa Lan tươi, hay R lấy giờ lunch từ sở chạy đến nhà để tặng tôi những đĩa nhạc mà tôi yêu thích, như H mỗi lần gặp lúc nào cũng ân cần chăm sóc tôi đủ mọi thứ, mỗi lần đi chợ, đi shopping thấy món gì ngon, áo nào đẹp là tự động mua, sắm cho tôi… để “thưởng công” tôi viết bài cho đọc. 

Ôi! thật cám ơn Đời, cám ơn cái “duyên văn chương” đã cho tôi gặp được những con người quá đỗi dễ thương! Chưa hết, nhờ “Văn chương” mà có người còn tâm sự với tôi ”những niềm riêng làm sao ai biết” nhờ vậy mà “kho hiểu biết” về cuộc sống của tôi trở nên phong phú hon. 

Tôi đã khám phá ra nhiều điều kỳ diệu của cuộc sống như mới đây một“độc giả” tình cờ mới quen đã email kể tôi nghe sau khi đọc bài tôi viết về Mẹ: "Mỗi sáng khi vào sở, trước khi bắt đầu làm việc anh đều gọi ĐT cho mẹ ở VN, mẹ con chỉ trao đổi nhau vài câu để biết mẹ vẫn bình an và hai mẹ con cùng nhau đọc một kinh ngắn cầu nguyện cho nhau. Rồi anh chúc mẹ ngủ ngon, mẹ chúc anh một ngày mới bình an”

Đó là công việc anh vẫn làm hằng ngày từ bao nhiêu năm nay! Lời tâm sự này của anh làm tôi quá đổi ngạc nhiên và cảm động, vì mối quan hệ “Mẹ – con trai” sao mà dễ thương chi lạ! Nó làm thay đổi nếp nghĩ lâu đời trong đầu tôi: “Đàn ông thì khô khan tình cảm…”. Bởi vậy mới biết dù trên đường đời ta đi, có khi thấy toàn những sỏi đá, bụi gai khô cằn… nhưng nếu để ý, có thể ta sẽ bắt gặp đâu đó, ở một góc khuất nào đó, một đóa hoa “tình người” xinh xắn vẫn nở ra tỏa cho đời một chút hương thơm dịu nhẹ êm đềm.


Cuối năm đệ tứ, trường tổ chức cho cấp lớp đi chơi Vũng Tàu. Đa số tụi tôi lần đầu tiên được xa nhà đi chơi với bạn nên đứa nào cũng nôn nao háo hức. Chúng tôi đi bằng xe Hiệu Đoàn của trường, đây là các xe dùng để đưa rước học sinh mỗi ngày, xe có in hàng chữ “Nữ Trung Học Gia Long” và in thêm hai huy hiệu Gia Long (hình hoa mai vàng) thật to hai bên hông xe. Hồi đó đi học tụi tôi mặc đồng phục áo dài trắng, và năm đầu còn gắn huy hiệu Gia Long, hình hoa mai vàng trên nền xanh dương lạt. Tôi yêu hoa mai vàng từ đó cho tới tận bây giờ, mỗi lần nhìn thấy hoa mai vàng tôi lại nhớ đến trường xưa. Mỗi lần đón Tết, tôi thường thích chưng hoa mai vàng, một biểu tượng của mùa Xuân nắng đẹp miền Nam!

Đoàn xe hơn chục chiếc, rời trường chở chúng tôi trực chỉ biển Vũng Tàu. Trên đường đi mỗi lần xe ngừng ở các giao lộ, nhiều người đi đường chỉ trỏ đoàn xe G.L. với vẻ“ngưỡng mộ”: Đó là đoàn xe của nữ sinh Gia Long, khiến niềm tự hào được là nữ sinh Gia Long của chúng tôi dâng cao chất ngất, tôi nhắc lại lời ba tôi nói: “Gia Long là trường nữ trung học đẹp nhất, danh tiếng nhất Saigon”, bạn tôi diễn dịch tiếp: “nhất Việt Nam Cộng Hòa luôn! vì Saigon là thủ đô VNCH”, rồi cả đám thích thú cười vang.

Đến Vũng Tàu, sau khi nghe các cô hướng dẫn dặn dò kỹ lưỡng, tụi tôi được tự do đi tắm biển, tha hồ vùng vẫy với biển cả mênh mông. Đa số tụi tôi thủ theo bộ đồng phục thể thao (quần phùng xanh dương đen, áo trắng ngắn tay, cổ lá sen) để mặc thay cho áo tắm, vì không quen mặc hở hang, hay vì bị rèn vô nề nếp kỷ luật lâu quá nên quen. (Sau này nhìn lại những tấm hình Duy Hy chụp ở bãi biển Vũng Tàu năm xưa với quần phùng, áo trắng tay ngắn trông thật “ngô nghê” nhà quê, nhưng dễ thương làm sao!). 

Ở trường mỗi ngày đều có các giám thị đứng ở lối vào chính của trường để kiểm soát, ai mặc áo dài không mặc áo lót, hay trang điểm son phấn là bị ghi tên, mời lên văn phòng làm việc. Chưa hết còn một hệ thống các cô giám thị cho từng cấp lớp, mỗi khi có giờ trống, các cô giám thị vào lớp đọc truyện “cổ học tinh hoa”, giáo dục đạo đức về “Nữ hạnh” rồi đề cao “Tiên học lễ, hậu học văn”, rồi những giờ Công dân giáo dục dạy “đi thưa, về trình”, ra đường phải giúp đỡ người hoạn nạn hay mang nặng, nhường chỗ cho người già trên xe bus, thấy xe tang phải ngừng lại bỏ nón ra chào người quá cố, đưa người mù qua đường…

Nói tới đây tôi nhớ lại kỳ đi Nhật thấy qua đường có tiếng chim hót, tôi lại tưởng để khung cảnh có vẻ thiên nhiên. Ai dè là để người mù nghe thấy có thể qua đường an toàn mà không cần nhờ người khác giúp. Qua đây mới thấy nền “công dân giáo dục” ở Nhật thấm nhuần cho trẻ từ lúc nhỏ đã thành nề nếp nên nhà riêng hay chung cư không hề bị viết chữ bôi bẩn trên tường, không có cảnh chen lấn ở những nơi công cộng. 

Ngoài đường phố gần như không thấy bóng dáng Cảnh sát vì ai cũng tự giác không thấy ai xả rác, xe đạp đậu đúng chỗ không cần khóa, các siêu thị để khách hàng kéo “carry-on” vào trong thoải mái. (Có lẽ vì vậy nên các cô tiếp viên VN Airline mới “chôm” đồ “đều đều” một cách dễ dàng), chẳng bù cho một chuyến tôi về thăm Huế, bạn bè rủ nhau đi siêu thị BIG C lớn lắm, lại ở gần hotel, thì cũng đi cho biết. 

Siêu thị Big C có nhiều tầng, mỗi tầng bán những mặt hàng khác nhau. Có cầu thang cuốn để phục vụ khách hàng di chuyển từ tầng này lên tầng khác, xem ra rất “văn minh” nhưng lại thiếu “văn hóa” vì lên tới lầu cao, ngay ở cửa có nhân viên chặn lại bắt đưa giỏ xách, máy ảnh… rồi họ cho tất cả vào một túi nylon to, quấn mấy tua ở miệng rồi bấm lại một dọc, xong trả lại. Chắc họ sợ mình“chôm đồ” bỏ vô giỏ! Vậy là đi siêu thị tay ôm cái bịch nylon to tướng trông thật “thanh lịch” hết ý. 

Đi một vòng thấy có vài món lạ mắt nên mua, ra quầy tính tiền. Tính xong họ cũng bỏ vô bịch ny lon rồi cũng bấm lại. Có thể gọi đây là văn hóa “túi nylon bấm” vì nhìn đâu cũng thấy mọi người cầm “túi nylon bấm” lớn, nhỏ…

Vậy là hai tay ôm hai bịch nylon, xuống tầng dưới tưởng là được đi vô thoải mái vì cùng một siêu thị, và mọi thứ đều đã bỏ bịch nylon bấm kỹ kèm hóa đơn. Nhưng không, họ yêu cầu làm lại thủ tục như người mới vào, như vậy là siêu thị có bảy tầng thì phải làm “thủ tục” đó bảy lần. Tới đây thì tôi xin “chào thua” không thể tiếp tục đi vào một nơi, mà họ cứ nghi mình là một “kẻ cắp”, khiến lòng tự trọng bị tổn thương nặng nề. Họ cư xử thiếu tôn trọng với khách hàng, coi khách hàng như một “kẻ gian” nên tự cho mình cái quyền“ngăn ngừa” rất thô bạo và xúc phạm. 

Ôi “Văn hóa cố đô của đất thần kinh thương nhớ” bây giờ là như thế này sao?? Văn hóa đâu chỉ là lo trùng tu lăng tẩm, đền đài, mà còn qua cách ứng xử trong đời thường nữa. Chúng ta sẽ giải thích với người ngoại quốc ra sao về văn hóa “túi nylon bấm” khi họ vào đây mua sắm? 

Vậy mà người VN hay thiệt, cứ thoải mái cho người ta chèn ép, muốn làm gì cũng được. Hay là vì ở dưới chế độ CS bị chèn ép,“nhân quyền” không hề được tôn trọng lâu rồi nên quen chăng? Mỉa mai hơn là trên tường đó đây còn dán khẩu hiệu “Khách hàng là Thượng Đế”, làm “Thượng Đế” kiểu này tôi xin “bye, bye” không bao giờ dám đặt chân tới nữa dù có “cho không, biếu không”. Tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng chưa có nơi nào có kiểu phục vụ khách hàng “lịch sự” tới cỡ này!…

Trở lại với trường GL, các nữ sinh đều được chăm sóc giáo dục rất kỹ về mọi mặt, nếu lỡ sai sót một chút là bị “uốn nắn” liền nên con gái GL lúc nào cũng hiền lành, thật thà, đơn sơ, đoan trang, nết na, đức hạnh. (hi! hi! lại mèo khen mèo dài đuôi!) 

Ngày xưa cả hệ thống giáo dục nhà trường và gia đình đều phối hợp giáo dục học sinh từ lúc nhỏ. Còn bây giờ hệ thống giáo dục VN “trồng người” chỉ lo đến “tính đảng” và tuyên truyền chính trị, ngoài ra mặt đạo đức thì thả lỏng cho bản năng xấu phát triển nên không ngạc nhiên gì khi thấy tình trạng đạo đức của học sinh VN xuống cấp trầm trọng dẫn tới tình trạng “dân trí” VN cũng xuống theo! 

Có lẽ vì vậy mới có văn hóa kiểu “túi nylon bấm”như trên! Người xưa thường nói “thượng bất chính hạ tắc loạn”, nghĩa là người trên ở không liêm chính (liêm chính làm sao được khi tham nhũng từ trên đỉnh cao xuống dưới) thì người dưới tất phải loạn. Loạn ở đây là loạn về đạo đức, về nhân cách, về ứng xử... Chẳng lẽ 40 năm xây dựng thiên đường XHCN là đây chăng?

Ngoài ra có một năm mà hãng nước ngọt Coca Cola của Mỹ, bắt đầu nhập vào VN nên họ mở chiến dịch quảng cáo rộng rãi. Cả tháng trời, hằng ngày giờ ra chơi, họ chở vô trường hằng mấy xe tải Coca Cola cho tụi tôi tha hồ uống thoải mái. Có nhiều nhân viên đứng sẵn với cái khui trên tay, sẵn sàng khui, muốn uống bao nhiêu chai cũng được. Lúc đầu nhiều bạn còn ham, uống một chai rồi lấy thêm một chai để dành lát uống tiếp, sau thấy họ khui tưng bừng thoải mái, nên chẳng cần để dành làm gì, muốn uống lúc nào cũng có. Những chai uống còn dư đổ xuống rãnh hai bên đường chảy lênh láng. Đúng là xài sang kiểu Mỹ! Hồi đó thấy Coca Cola là thèm muốn uống cho đã, bây giờ thì gần như đa số tụi tôi không ai còn dám đụng đến, dù là khi ăn tiệc.


Nói đến kỷ niệm những năm học Gia Long mà không nhắc tới tiệm chụp hình Duy Hy là một thiếu sót lớn. Năm nào ông Duy Hy cũng vô trường chụp hình chung cho từng lớp với các thầy cô, rồi chụp hình riêng cho từng nhóm cho cá nhân. Tóm lại tất cả các sinh hoạt của Gia Long đều được ghi hình lại bởi bàn tay chuyên nghiệp của ông Duy Hy. Những bạn nào học Gia Long thời kỳ này chắc chắn đều còn giữ những tấm hình kỷ niệm Gia Long do Duy Hy chụp. Tiệm hình Duy Hy ở đường Đinh Công Tráng Tân Định đã trở thành một địa chỉ quen thuộc mà tụi tôi thường tìm đến sau những buổi tan trường để tìm những hình ảnh đẹp sau những lần sinh hoạt của Gia Long.

Năm đệ tam là năm học xả hơi, vừa học vừa chơi, tụi tôi tham gia sinh hoạt cắm trại ở vườn Tao Đàn với các trường bạn. Tụi tôi mặc đồng phục áo thun trắng với huy hiệu Gia Long trước ngực, rồi tham gia thi cắm lều, trang trí lều, thi nấu ăn, thi cắm hoa, thi văn nghệ, thi lái xe đạp chậm, rồi thêm tiết mục tấu hài: “Quảng cáo thuốc dán hai con bìm bịp” do hai chị GL lớp trên phụ trách làm tôi nhớ hoài, vì nghe tới đâu cười bò lăn tới đó, cười đến “pể pụng”, ướt quần thì thôi! 

Buổi tối có lửa trại để cùng hát quanh lửa hồng, rồi xúm nhau đàn hát chơi hết mình theo kiểu: “chịu chơi, chơi tới cùng, giăng mùng chơi tới sáng”. Khi ban tổ chức phát giải thuởng, GL đạt được rất nhiều giải. Sao con gái Gia Long đã ngoan mà cái gì cũng giỏi hết: Học giỏi (tỷ lệ thi đậu các kỳ thi cao nhất VNCH, số học sinh đạt điểm thi Tối ưu, Ưu, Bình, Bình thứ rất nhiều), Văn nghệ ca múa, kịch đều giỏi (chắc nhờ mấy cô trong ban văn nghệ giỏi) rồi lại hát hay (có những giọng ca nổi tiếng như Hoàng Oanh, Quỳnh Dao, Tuyết Vân, Bích Vân, Họa Mi… người ta hay nói“xướng ca vô loại” nhưng các ca sĩ xuất thân từ GL đều sống rất đàng hoàng!). 

Bên cạnh đó tấu hài cũng giỏi, thi “thể dục đồng diễn” cũng giỏi, không biết có phải “mèo khen mèo dài đuôi” không? nhưng nhìn kỹ lại, thì thấy “đuôi mèo” GL dài thiệt! Chưa hết, Gia Long lại còn nhiều “người đẹp” nữa! Đã học giỏi mà lại còn đẹp nữa mới tuyệt chứ! Hồi mới lên học buổi sáng, giờ ra chơi nào tụi tôi cũng rủ nhau chạy đi kiếm ngắm người đẹp ở các lớp trên. Có khi rủ nhau ra ngắm người đẹp ở đường “Catinat”, con đường nhựa chạy giữa sân trường với hai hàng cây cao bóng mát, lúc nào cũng tấp nập các “tiểu thư”với tà áo dài trắng bay trong gió, tóc thề chấm lửng ngang vai. Có thể nói đây là con đường đẹp nhất, lãng mạn nhất, nhiều người đẹp nhất Saigon, nằm giữa sân trường Gia Long, mà bất cứ chàng trai nào cũng mơ ước được một lần đứng cạnh con đường này để thả hồn: “Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư”

Vì thế mỗi mùa Tết, bán báo Xuân, nghe nói các trường Nam (Petrus Ký, Chu văn An, Hồ ngọc Cẩn, Võ trường Toản… mấy chàng giành nhau để được đi bán báo Xuân ở Gia Long!)

Năm lên đệ nhị, trường đón nhận những cô giáo trẻ “mới toanh” như cô Kim Phượng dạy Công Dân, cô Thảo dạy Địa rồi lại thêm thầy Hoàng Huyên dạy Toán, trẻ, to con, đẹp trai, nghe nói có lớp, tới giờ học của thầy đã mang đặt trên bàn bình sữa và cái yếm ý nói thầy còn “măng” quá. Tất cả góp phần tạo nên một luồng gió mới, trẻ trung thổi vào ngôi trường cổ kính lâu đời.

Năm lên đệ nhất chúng tôi học Lý với thầy Phó Đức Minh, thầy là giáo sư ĐH Khoa Học, nhưng được trường mời thỉnh giảng môn Lý cho lớp chúng tôi. Thầy tuy có gia đình và hai con, nhưng nom thầy hiền lành và có phần “ngây thơ”

Mỗi lần thầy giảng bài xong, khi cho lớp làm bài tập, thầy hay xuống đứng ở bàn đầu gần cửa lớp nói chuyện với nhóm tụi tôi. Lâu dần quen, tụi tôi bèn nghĩ cách phá thầy, một hôm theo thói quen giảng xong, thầy xuống đứng ở bàn đầu, tụi tôi nháy nhau rồi cùng ôm bụng nhăn nhó, thấy vậy thầy bèn hỏi thăm “Sao thế?”- “Thầy ơi, tụi em đói bụng quá, nên bị đau bao tử rồi!” – “Vậy à!, cũng sắp tới giờ tan học rồi, về nhà ăn cơm!” – “Không được đâu thầy ơi, nhà xa lắm, đạp xe về là sẽ bị xỉu dọc đuờng”. Nghe vậy, lòng thầy chợt “từ bi bất ngờ” bèn móc túi quần sau moi tiền trong bóp ra đưa cho tụi tôi: “Lấy tiền này, tí nữa tan học ra nhớ mua gì ăn rồi hãy về nhé!” Tụi tôi mừng quá: ”Dạ, cám ơn thầy nhiều lắm!” Rồi bấm bụng nhau mà nín cười, vì màn kịch bất thần không tập dợt mà diễn ra quá hay! 

Tôi ngó bộ mặt“ngây thơ” của thầy mà thấy tội nghiệp vì bị học trò “bắt địa”. Chuông tan học vừa reo, là tụi tôi “ba chân, bốn cẳng” phóng ra xe đậu đỏ bánh lọt, bò bía ăn một bụng no trừ cơm trưa, mà vẫn chưa hết tiền thầy cho, tụi nó hẹn ngày mai ăn tiếp. Tôi hơi áy náy hỏi:“Tụi mình làm vậy có tội không?” – “Tội gì, tội lội xuống sông hết tội, thầy làm giáo sư ĐH, đi xe hơi, nhiều tiền lắm! mày đừng “lo bò trắng răng” Nhỏ T còn đế vô: ”Biết đâu tụi mình đang cho thầy niềm vui vì nghĩ mình đã “cứu đói” mấy đứa nữ sinh tội nghiệp”. Tôi đành lắc đầu chào thua cái lũ nghịch ngợm “quỷ sứ” trong đó mình cũng có tham gia rồi tự nhủ thầm “Thôi kệ! sắp chấm dứt đời nữ sinh rồi, nên “quậy” một chút cũng không sao! mà mình cũng có đói bụng thiệt chứ bộ! Hơn nữa lòng thầy “từ bi bất ngờ” nên tự động cho, chứ tụi tui đâu có hề xin đâu?“

Gần cuối năm đệ nhất, chúng tôi lo tập trung học hành thi cử, không còn “con nít” nữa để vô tư rong chơi, đùa giỡn hoài, nào là lo thi tú tài hai cuối năm, lo chọn ngành nghề cho tương lai, chọn đại học để thi vô. Bên cạnh đó, chiến tranh mỗi ngày một lan rộng trên khắp quê hương làm chúng tôi bỡ ngỡ, phân tâm. Chúng tôi bắt đầu có những nỗi buồn không tên, những suy tư lờ mờ về thân phận “nhược tiểu” của quê hương trong chiến tranh ý thức hệ. Những bài thơ suy tư về đất nước được chuyền tay nhau đọc như bài thơ“Bài ca học trò” làm chúng tôi càng ray rứt, băn khoăn về tình hình đất nước:

“Kính thưa thầy đây bài chính tả của con
Bài chính tả viết về nước Mỹ
Con viết hai lần sai chữ “America”
Con viết hai lần sai chữ “communist”
Con viết hai lần sai chữ “liberty”


Bài thơ khiến chúng tôi bắt đầu trăn trở về thân phận quê hương. Tuổi thanh xuân chúng tôi đã thấp thoáng tiếng đạn bom đâu đây, chúng tôi tìm nghe và yêu thích nhạc Trịnh Công Sơn với giọng hát Khánh Ly trong các ca khúc da vàng:

“Đại bác đêm đêm dội về thành phố
Người phu quét đường dừng chổi lắng nghe”

Những ngày cuối năm học một vài bạn bắt đầu ngân nga bài hát “Nỗi Buồn Hoa Phượng”, nghe sao mà buồn thấm thía, vì chúng tôi đâu còn có thể hẹn gặp lại nhau sau ba tháng hè như những năm trước:

“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…
Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi
Phút gần gũi nhau mất rồi
Tạ từ là hết người ơi!”
 (T.S)

Trước khi rời trường chúng tôi quyến luyến chia tay với thầy cô, những người đã bỏ công sức dạy dỗ, giúp chúng tôi trưởng thành trong nền giáo dục tự do của miền Nam, chắp cánh cho chúng tôi bay vào tương lai tươi sáng. Nếu đời người là “quán trọ”, xin cám ơn đời đã cho tôi bảy năm “tuổi ngây thơ, trong trắng” được “trọ” dưới mái trường Gia Long thân yêu!

Sau này vào những năm cuối Đại Học Sư Phạm, tôi luôn chọn trường Gia Long để về thực tập. Trở về để được nhìn lại khuôn viên trường ngày trước, nhớ lại từng băng ghế đá ngồi tâm tình với bạn, “Nhớ bạn bè chào nhau quen tiếng”, giờ mỗi đứa một nơi. Về để nhìn lại con đường Catinat Gia Long với cây điệp vàng ở góc sân trường luôn phủ đầy hoa vàng để cảm thấy nhớ hoài hình ảnh thân yêu:

“Có mặt đường vàng hoa như gấm
Có không gian màu áo bay lên”

Khi về, đi qua đường Tú Xương tôi lại nhớ hình ảnh: Những buổi trưa tan trường về, đường Tú Xương tràn ngập những tà áo dài trắng, những chiếc nón lá cùng với những chiếc xe đạp, Velo Solex. Xe chạy hàng ba, hàng tư kín gần hết mặt đường, vừa đạp xe, vừa líu lo nói cười như chim hót. Do đó con đường Tú Xương cũng trở thành rất thân thương đối với tôi trong một thời gian dài vì sau đó khi lên đại học tôi vẫn tiếp tục sinh hoạt, qua lại trên con đường này với nhà thờ Mai Khôi cùng giàn hoa ti gôn đỏ ở đầu phố Tú Xương. 

Tháng 7/ 75 tôi có quyết định về dạy trường Gia Long mừng quá vì được về dạy ở trường xưa. Nhưng chợt nhớ lại mới bị “trắng tay” trên đường di tản về Saigon, nên tôi không có phương tiện nào đến trường mỗi ngày, ngoại trừ đi bộ. Do đó đành phải từ chối và nhận về SNA, vì ở gần nhà.

Sau này khi ở hải ngoại, một lần bất chợt tôi nghe được giọng hát Khánh Ly với bài “Một mai khi trở lại” của nhạc sĩ Nam Lộc:

“Một mai anh về qua trường Gia Long
Thấy nón vành nghiêng nhớ dáng em hiền…
Mai đây anh về qua đường Tú xương…”
  
Lòng tôi bỗng chùng xuống và rung động, cám ơn nhạc sĩ Nam Lộc, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã giúp tôi tìm lại được những hình ảnh đẹp của những kỷ niệm xưa một thời yêu dấu, với “Saigon mưa rồi chợt nắng”, với trường Gia Long cùng những con đường thân quen dạo chơi với bạn bè. Với những “phố xưa quen biết tên bàn chân” với những tà áo dài trắng cùng vành nón lá thân thương. Để mãi mãi Saigon và ngôi trường Gia Long thân yêu luôn ở một góc trong trái tim tôi rồi lòng băn khoăn tự hỏi “Tìm đâu, biết tìm đâu?, tìm đâu, biết tìm đâu?“:

“… những khung trời hoa bướm…
Với nắng tơ vàng êm
Yêu sao ngày thơ ấu
Đất nước chưa thay màu
Những tấm lòng thương nhau
Cười nghiêng nghiêng tà áo”
 (NH)

*Viết nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Nữ Trung Học Gia Long

Phượng Vũ