Saturday 9 March 2019

Điểm tin Thế giới 9/3: Đại sứ Trung Quốc chỉ trích kế hoạch Biển Đông của bộ trưởng Anh

Mục Điểm tin Thế giới thứ Bảy ngày 9/3 xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Đài Loan đề nghị Bắc Kinh thay đổi chính sách Tây Tạng
Hội đồng các vấn đề đại lục của Đài Loan (MAC) đã gửi tới Bắc Kinh thông điệp đề nghị giới chức Trung Quốc suy nghĩ về hành động của họ và thay đổi chính sách đối với Tây Tạng trước ngày kỷ niệm Cuộc nổi dậy của người dân ở vùng đất này chống lại chính quyền Trung Quốc vào năm 1959, theo Taiwan News.
Chủ nhật (10/3) là ngày đánh dấu 60 năm kể từ khi người dân Tây Tạng nổi dậy chống lại chính quyền Trung Quốc, những người nắm quyền kiểm soát quê hương họ từ năm 1950.
MAC yêu cầu Bắc Kinh thực hiện các chính sách bảo vệ quyền con người và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân Tây Tạng, để tránh lặp lại những gì đã diễn ra trong lịch sử.

Người Tây Tạng lưu vong trong một cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc. (Ảnh: CNA)
Bất chấp tin đồn phóng tên lửa, Kim tuyên bố cần tập trung vào kinh tế
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chọn phát triển kinh tế là nhiệm vụ cấp bách của đất nước, truyền thông Bình Nhưỡng thông tin hôm thứ Bảy, trong bối cảnh có suy đoán rằng Bắc Hàn có thể sẽ phóng tên lửa sau khi không đạt được thỏa thuận hạt nhân tại Thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội, theo Yonhap.
Trong một lá thư gửi tới một hội nghị quốc gia về vấn đề tuyên giáo được tổ chức ở Bình Nhưỡng vào đầu tuần này, ông Kim nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung tất cả nỗ lực vào việc xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, hãng tin nhà nước Triều Tiên KCNA cho hay.
Ông Kim cũng kêu gọi các quan chức đảng thúc đẩy việc giáo dục tư tưởng cho công dân để đảm bảo “một bước tiến lớn sẽ được thực hiện trong công cuộc xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa”, KCNA cho biết thêm.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un yêu cầu tập trung vào việc xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. (Ảnh: Times)
LHQ: Số người Venezuela xin tị nạn đang tăng
Ngày càng có nhiều người Venezuela xin tịn nạn ở nước ngoài, năm 2018 ghi nhận gần 250.000 người từ quốc gia dầu mỏ ở Nam Mỹ xin tị nạn, gấp đôi so với năm trước, cơ quan người tị nạn của Liên Hợp Quốc cho biết thông tin hôm thứ Sáu (7/3). Dự báo sẽ có tới 5,3 triệu người rời khỏi Venezuela tính đến cuối năm 2019, Independent cho biết thông tin từ LHQ.
Tính từ năm 2014 tới nay đã có 414.570 người Venezuela xin tị nạn ở nước ngoài, theo thống kê của UNHCR. Trong đó có gần 60%, tương đương 248.669 người Venezuela, nộp đơn tị nạn trong năm 2018, on số này trong năm 2017 là 110.825 đơn.
“Do tình hình ở Venezuela, số lượng đơn xin tị nạn của công dân Venezuela trên toàn thế giới đã tăng theo cấp số nhân”, UNHCR thông báo.
Người dân Venezuela đang hướng tới cầu quốc tế Simon Bolivar ở San Antonio del Tachira, Venezuela, giáp đường biên giới với Colombia, ngày 21/2/2019. (Ảnh: AP)
Ấn Độ nói Pakistan có ‘nhiều điều phải giấu’ nhà báo
Tiếp tục leo thang căng thẳng, Ấn Độ hôm thứ Bảy nói rằng Pakistan có “rất nhiều điều phải giấu” vì thế mới tìm cách ngăn chặn các nhà báo tiếp cận địa điểm mà họ cáo buộc rằng đã bị máy bay Ấn Độ tấn công, theo Reuters.
Hôm thứ Năm, các quan chức an ninh Pakistan đã nói rằng vì “những lo ngại an ninh” nên không cho phép một nhóm các nhà báo của Reuters chèo lên một ngọn đồi ở phía Bắc của nước này, nơi có những tòa nhà mà họ nói là đã bị máy bay Ấn Độ tấn công tuần trước.
“Thực tế Pakistan hiện tại đã từ chối các nhà báo tới thăm khu vực đó, điều này có nghĩa là họ có nhiều điều phải che giấu”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar nói với các phóng viên.
Một người lính Pakistan đứng bên cạnh một hố bom được cho là do máy bay của Ấn Độ tấn công vào ngày 26/2. (Ảnh: REUTERS / Akhtar Soomro)
Quan chức Trung Quốc: Mỹ-Trung đang gấp rút thảo luận để đi tới thỏa thuận
Trung Quốc và Hoa Kỳ đang làm việc cả ngày lẫn đêm nhằm đạt được thỏa thuận thương mại phù hợp với lợi ích của cả hai bên và hi vọng của thế giới, một quan chức cấp cao của Trung Quốc nói hôm thứ Bảy (9/3), theo Reuters.
Trong một cuộc họp báo hôm thứ Bảy, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen nói rằng ông rất lạc quan về các cuộc đàm phán với Washington. Ở chiều ngược lại, cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump, Larry Kudlow, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Bloomberg cũng cho hay ông chia sẻ sự lạc quan của Tổng thống Trump về tiến trình đàm phán thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Nhưng cũng nói rằng phía Mỹ không muốn có “thỏa thuận nhanh chóng chỉ để có được sự phản ứng tích cực trong ngắn hạn của thị trường chứng khoán”.
Ông Kudlow cũng đưa ra nhận định rằng, mặc dù lạc quan xong Tổng thống Trump sẽ vẫn để ngỏ khả năng không ký thỏa thuận nếu Bắc Kinh không giải quyết dứt điểm được một số yêu cầu “cơ bản” của Mỹ như chấm dứt việc trộm cắp thương mại, tấn công mạng hay ép buộc chuyển giao công nghệ.
Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen phát biểu trong cuộc họp báo của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 9/3/2019. (Ảnh: REUTERS/Jason Lee)
Đại sứ Trung Quốc lớn tiếng chỉ trích kế hoạch Biển Đông của bộ trưởng Anh
Đại sứ Trung Quốc tại Vương quốc Anh, Liu Xiaoming, đã gay gắt phản đối kế hoạch của Bộ trưởng quốc phòng Gavin Williamson về việc tăng cường sự hiện diện của quân đội Anh ở khu vực Thái Bình Dương, cáo buộc ông Williamson có âm mưu sử dụng “ngoại giao pháo hạm” và nuôi ý định “hồi sinh Chiến tranh Lạnh”, theo Express.
Ông Liu cảnh báo rằng kế hoạch đưa tàu sân bay mới của Vương quốc Anh tới Biển Đông “có nguy cơ làm gián đoạn mối quan hệ Trung-Anh”.
Không đề cập trực tiếp tới tên ông Williamson, ông Liu nói “một chính trị gia Anh đã thổi phồng về mối đe dọa của Trung Quốc”. Nhưng dễ dàng thấy được phát biểu của ông Liu nhắm vào ông Williamson, vì Đại sứ Trung Quốc đưa ra tuyên bố ngay sau khi Bộ trưởng quốc phòng Anh thông báo sẽ cho tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới Thái Bình Dương làm nhiệm vụ.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh và Đại sứ Trung Quốc. (Ảnh: Getty)
Đại Kỷ Nguyên News