RSF nói báo chí chính thống ở Việt Nam bị cấm thảo luận nhiều chủ đề
Reporters Sans Frontiers (RSF), Tổ chức Phóng viên Không biên giới xếp Trung cộng ở vị trí 177 và Việt Nam 176 trong bảng World Press Freedom Index 2019, đánh giá tình trạng tự do báo chí toàn cầu.
RSF, có trụ sở ở Paris, Pháp trong bảng xếp hạng 180 nước trên thế giới về tự do báo chí đã đặt Việt Nam và Trung cộng ở vị trí gần cuối.
RSF cho rằng tình trạng đó xảy ra ở hai nước châu Á là vì "tập trung quyền lực vào tay hai chủ tịch nước, Tập Cận Bình ở Trung cộng và Nguyễn Phú Trọng ở Việt Nam".
"Ở hai nước này, tầng lớp cầm quyền trấn áp mọi thảo luận trong truyền thông do nhà nước kiểm soát, đồng thời truy bức không ngừng nghỉ những nhà báo công dân (citizen-journalists) dám nêu quan điểm bất đồng."
Nhưng Việt Nam có vẻ còn kém Trung cộng về việc bắt giữ nhà báo chuyên và không chuyên.
"Chừng 30 nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp bị cầm giữ ở Việt Nam, còn con số gần đông gấp đôi bị giam giữ tại Trung cộng."
RSF cũng coi Trung cộng là nước hiện đang có mô hình phản dân chủ kiểu Orwellian (theo dõi toàn dân ngày đêm, như George Orwell, nhà văn Anh tưởng tượng ra trong cuốn 1984) bằng công nghệ giám sát hiện đại.
Nước láng giềng của Việt Nam là Lào cũng bị tụt hạng, xuống thứ 171, vì ngăn nhà báo vào đưa tin về vụ vỡ đập tháng 7/2018.
Bắc Triều Tiên nằm ở vị trí 179, tăng lên một bậc nhờ việc mở ra dù chỉ là hình thức, qua hội nghị thượng đỉnh Kim Jong-un - Trump.
Như thế, Bắc Triều Tiên "tiến bộ" hơn Turksmenistan, nước Trung Á ở vị trí 180, đáy của bảng xếp hạng tự do báo chí 2019.
Tình hình chung cho tự do báo chí toàn cầu được RSF cho là không khả quan.
Ngoài kiểm duyệt, chặn mạng còn có nạn tự kiểm duyệt, đe dọa, áp bức nhà báo.
Ngay cả Hoa Kỳ cũng bị tụt ba bậc, xuống thứ 48, và vào nhóm 'báo động màu cam' nơi tự do báo chí bị cho là 'có vấn đề'.
Đoàn VN trả lời câu hỏi tại phiên họp ở Geneva 12/03 về nhân quyền
Nga tụt một bậc, xuống thứ 149, Ba Lan tụt một bậc, xuống thứ 59, và Pháp cũng bị tụt một bậc, xuống thứ 32, chủ yếu vì nhà báo bị tấn công khi đưa tin biểu tình Áo Vàng.
Khác biệt quan điểm
Tuy Việt Nam không công nhận báo chí tư nhân nhưng cũng luôn khẳng định nước này có tự do báo chí, và bác bỏ các quan điểm phê phán.
"Việt Nam thừa nhận quyền tự do báo chí đã được quy định trong Tuyên ngôn, Công ước (quốc tế); đồng thời, căn cứ vào thực tiễn đất nước đã cụ thể hóa thành những quy định trong hệ thống luật pháp để mọi tổ chức và công dân thực hiện."
"...luật pháp quốc tế cũng như pháp luật các quốc gia đều thừa nhận quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của mọi tổ chức, cá nhân, nhưng cũng khẳng định, đó không phải là quyền "tự do tuyệt đối".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao VN, bà Lê Thị Thu Hằng nói hồi tháng 3/2019: "Những quyền tự do cơ bản của công dân Việt Nam được quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, được tôn trọng và bảo đảm trên thực tế."
"Khi thực hiện quyền này, con người phải chịu những hạn chế nhất định nhằm bảo vệ lợi ích chung của xã hội, nhà nước, của người dân," theo bài 'Tự do báo chí là tự do thực hành chân lý và tuân thủ pháp luật' trên tạp chí Quốc phòng Toàn dân hồi 2018.
Tháng 3/2019, báo cáo nhân quyền hàng năm của Bộ ngoại giao Mỹ nói chính phủ Việt Nam "hạn chế tự do học thuật và các sự kiện văn hóa".
Đáp lại chỉ trích này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao VN, bà Lê Thị Thu Hằng nói;
"Những quyền tự do cơ bản của công dân Việt Nam được quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, được tôn trọng và bảo đảm trên thực tế."