Hoàng đế Quang Trung mất sớm năm 39 tuổi trong bao niềm tiếc nuối khi giấc mộng đưa Đại Việt trở thành cường quốc hàng hải đành dang dở. Hơn 47 năm sau, nước Nam thời Nguyễn trước hiểm hoạ ngoại xâm đã xuất hiện một vị hào kiệt vô cùng giống với Quang Trung Hoàng đế về tài năng thống lĩnh và tầm nhìn đối với hải quân. Vị hào kiệt đó chính là Bùi Viện – Đô đốc hàng hải thương mại của tuần dương quân hiện đại duy nhất thời phong kiến trong lịch sử Việt Nam.
Phần 1: “Chí tang bồng hồ thỉ dạ nào khuây, phải hăm hở ra tài kinh tế”
Thành Ninh Bình với 1.700 binh lính hạ vũ khí đầu hàng một toán quân Pháp chỉ có bảy người. Muốn thoát khỏi cảnh đô hộ, chỉ còn cách duy tân và tự lực tự cường. Đây cũng là thời điểm mà quân đội quốc gia cần một người tài năng như Bùi Viện.
Hoàng đế Quang Trung từng được xem là chúa tể của tất cả hải tặc Đông Nam Á, là vua của hải tặc. Phát kiến sử dụng hải tặc làm nòng cốt trong lực lượng hải quân của ông không những tạo ra một hạm đội lừng lẫy trong khu vực, lập nên những chiến công lớn mà còn làm cho an ninh hải lộ của nước ta không bị ảnh hưởng bởi nạn cướp biển. Quang Trung mất sớm năm 39 tuổi trong bao niềm tiếc nuối khi giấc mộng đưa Đại Việt trở thành cường quốc hàng hải đành dang dở.
Vị hào kiệt đó chính là Bùi Viện, đô đốc hàng hải thương mại của tuần dương quân hiện đại duy nhất thời phong kiến trong sử Việt Nam.
Bùi Viện (1839 – 1878) hiệu Mạnh Dực, quê ở làng Trình Phố, tổng An Bồi, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định (nay là Trình Trung, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho nhưng lại không có duyên khoa cử. Năm 1864 ông đỗ Tú tài, năm 1868 đỗ Cử nhân. Nhưng sau đó hai lần thi Hội năm 1868 và 1869 ông đều hỏng thi. Có lẽ ông Trời không muốn ông đỗ đại khoa làm quan to mà muốn an bài để ông làm những việc phi thường chăng?
Hải quân Đại Nam, thời huy hoàng nay còn đâu?
Để thống nhất quốc gia, nhà Nguyễn phải ưu tiên xây dựng thủy binh hùng mạnh để giành chiến thắng trong cuộc đối đầu với quân Tây Sơn, một lực lượng hải quân có thể coi là tinh nhuệ nhất Đông Nam Á đương thời.
Nguyễn Ánh, giống như Nguyễn Huệ, cũng là một trong những vị hoàng đế hiếm hoi vô cùng tinh thông thủy chiến và nghệ thuật đóng tàu. Ông đã trực tiếp chỉ huy xây dựng hạm đội nhỏ bé của mình trở thành một lực lượng đáng sợ ở Đông Nam Châu Á và giành chiến thắng chung cuộc. Kết quả là trong vỏn vẹn 10 năm, Nguyễn Ánh đã thành lập một hạm đội với số thuyền hùng hậu lên tới 100 chiến hạm, 800 pháo hạm và 500 bán pháo hạm. Trong đó đáng kể nhất là chiếc Long Phi được trang bị đến 32 khẩu đại bác, Phụng Phi và Bằng Phi có 26 khẩu với sức chứa trên 300 người mỗi thuyền. Điều đáng nói là các chiến hạm và vũ khí này hiện đại tương đương với các đế quốc châu Âu thời đó và tất cả đều được đóng bởi chính người lính thợ Đại Nam.
Đây là một lực lượng đủ sức thống trị đường biển và đánh bại bất kỳ đối thủ nào cùng thời. Đã có rất nhiều ghi chép về giai đoạn này trong các tư liệu nước ngoài:
“Liệu cũng trong vòng 10 năm ác liệt như thế, các thần dân rất năng nổ của vua Louis XVI (chỉ Chính phủ Pháp) có thể xây dựng được đội quân hùng hậu như vậy không?”
(Trích “Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792-1793)”, J.Barrow)
“Các xưởng đóng chiến thuyền trong xứ và các quân cảng được Ngài xếp đặt chỉnh tề, đồ sộ; người ngoại quốc đến xem phải động lòng kính phục, nếu cả châu Âu được trông thấy thì cả châu Âu cũng phải khen ngợi.
Một bên bài trí la liệt những súng trường, súng thần công, đại bác đủ hạng, những dã pháo, những xe chở súng, những viên đạn lớn nhỏ đủ cỡ… Phần nhiều so sánh với các kiểu súng đạn tốt nhất ở Tây phương, bất quá chỉ thua kém về vẻ đẹp mà thôi”.
(Le Labrousse, một người Pháp viết trong bức thư đề ngày 1/5/1800 gửi cho giám đốc trường Tu nghiệp của Hội Truyền giáo ngoại quốc ở Paris).
Hạm đội hùng mạnh kia của quân Nguyễn lẽ ra đã có thể được duy trì để chiếm ưu thế trên mặt biển vào thời đó (thế kỷ 19) và bảo vệ quyền lợi quốc gia khi mà các quốc gia Tây Âu đang bành trướng hải quân ra khắp thế giới. Thế nhưng, các vua nhà Nguyễn, sau vài cuộc phản loạn, lại trở nên e sợ chính quân đội và các tướng lĩnh của mình, họ thu hết quyền bính và hạn chế đầu tư vào quân đội. Hải quân càng thê thảm hơn khi hoàng gia xác định rằng lục địa mới là mối quan tâm hàng đầu. Họ bị bỏ bê và hầu như không có đầu tư nào đáng kể. Chưa kể chính sách bế quan tỏa cảng từ sau thời Gia Long lại càng khiến cho trình độ quân sự nhà Nguyễn trở nên lạc hậu trong khu vực. Đội ngũ chiến thuyền khét tiếng Đông Nam Á ngày nào giờ đã trở nên vô cùng nhỏ yếu và mỏng manh.
Binh lính bạc nhược ít huấn luyện:
“Các hạng lính trong nước (tổng) cộng ước (độ) hơn 119.000; trừ số thiếu ước (độ) 31.700 còn ước (độ) hơn 80.800; ở kinh các thứ lính (tổng) cộng ước (độ) 21.790 nhưng trừ lính hạ ban và các khoản khác, còn số đương ban là 9540; các tỉnh thì tỉnh lớn có ước (độ) 4 – 5000; tỉnh nhỏ cũng có số nghìn hoặc mấy trăm. Nhưng mà quân lính ấy ít tập luyện, bắn là thuật cần thiết mà mỗi năm chỉ tập một lần thôi, cho nên lâm sự thì rối lên, có khi vừa thấy quân địch đã sợ”.
Thủy quân lạc hậu thô sơ:
“Về thủy binh, đời Tự Đức có độ 7500 người cho toàn quốc, bao gồm 6, 7 chiếc tàu hơi (sau hòa ước Giáp Tuất (1874) được Pháp tặng thêm 5 chiếc tàu nhỏ), khoảng 50 thuyền lớn, nhiều chiếc bọc đồng. Tuy nhiên “thủy quân cũng như các viên quản suất, đều là tay ngang, không biện được sóng gió, không biết thuật đi bể”.
(Phan Khoang – trích lời tâu của Phạm Phú Thứ 1874)
Với tình trạng binh bị như thế, người Pháp dễ dàng chiếm lấy nước Nam là điều hiển nhiên. Năm 1873, chỉ trong vòng ba tuần, toàn bộ bốn tỉnh miền đồng bằng sông Hồng gồm Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định với 2 triệu dân cư và một số thành lũy đã rơi vào tay đội quân Pháp chỉ chừng 180 người, chỉ huy bởi viên đại úy hải quân chưa tới 35 tuổi là Francis Garnier. Có thể kể đến trường hợp thành Ninh Bình với 1.700 binh lính hạ vũ khí đầu hàng một toán quân Pháp chỉ có bảy người. Muốn thoát khỏi cảnh đô hộ, chỉ còn cách duy tân và tự lực tự cường. Đây cũng là thời điểm mà quân đội quốc gia cần một người tài năng như Bùi Viện.
“Chí tang bồng hồ thỉ dạ nào khuây, phải hăm hở ra tài kinh tế”
Đường công danh có vẻ không dành cho Bùi Viện, mãi đến năm 29 tuổi ông mới đỗ cử nhân. Ngay sau khi đỗ, ông liền rời quê nhà vào Huế để thi Hội. Tiếc thay, hai lần thi Hội năm 1868 và 1869 ông Cử họ Bùi đều bị trượt! Nhưng vốn tính tình phóng khoáng, có chí khí tài năng nên việc thi đỗ hay không đối với ông dường như không quan trọng mấy. Ông tận dụng thời gian ở kinh đô để làm quen với giới quan lại, đặc biệt là những người có cùng chí hướng và quan niệm cải cách như ông. Thời điểm đó, ông quen biết Lê Tuấn, quan Tham tri bộ Lễ, người rất mến chuộng tài năng của ông.
Cơ hội đến khi năm 1871, Lê Tuấn vâng mệnh vua ra Bắc phối hợp với quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc dẹp loạn quân Cờ Vàng của Hoàng Sùng Anh. Lê Tuấn do không thông hiểu miền Bắc nên mời Bùi Viện theo làm cố vấn. Lần trợ giúp này khá thành công nên triều đình cũng bắt đầu biết đến Bùi Viện.
Vừa xong việc với Lê Tuấn, ông lại xắn tay áo trợ giúp cho Doãn Khuê, Doanh điền sứ Nam Định làm việc khai hoang, lấn biển. Doãn Khuê (1813-1878) là một vị quan văn mà lại có tài thao lược, từng giữ các chức Đốc học các tỉnh Nam Định và Sơn Tây kiêm Doanh điền sứ, Hải phòng sứ các tỉnh duyên hải Bắc Kỳ. Ông là một trong số ít các vị quan có tư tưởng cải cách tiến bộ dưới thời vua Tự Đức, không cam chịu ký hòa ước hàng Pháp.
Có câu: “Anh hùng sở kiến lược đồng”, vì thế mà Doãn Khuê nhìn thấy tài năng của Bùi Viện, một người trẻ tuổi nhưng có “tài kinh bang tế thế”. Ông quyết định mời Bùi Viện ra giúp việc cho mình trong nha Doanh điền sứ. Công việc của nha này không chỉ là khai hoang, mà còn tạo cơ sở địa phương để xây dựng lực lượng dân binh, dùng cho kháng chiến chống Pháp sau này.
Tại đây, Bùi Viện được giao trọng trách vừa đánh dẹp hải tặc, vừa xây dựng kiến thiết bến Ninh Hải thành thương cảng (Ninh Hải là tiền thân của cảng Hải Phòng sau này).
Nhờ công lao khai khẩn của Doãn Khuê mà vùng Nam Định xây dựng được một cơ sở vững chắc, tạo lập được một đạo quân khá tinh nhuệ. Năm 1873, chính đạo quân này dưới sự lãnh đạo của Doãn Khuê và Nguyễn Mậu Kiến đã giao tranh ác liệt với quân Pháp của Francis Garnier, chiếm được đồn Chân Định, bắn cháy một tàu chiến Pháp và đánh bại quân Pháp một trận lớn ở làng Ngô Xá. Trong điều kiện hạn chế, cách biệt về trang bị cũng như trình độ của lực lượng dân quân mà làm nên những chiến công trên quả thật là điều kỳ diệu.
Những năm công cán tại các vùng này, việc tham gia dẹp loạn và công việc ở doanh điền sứ đã đem đến cho Bùi Viện những kinh nghiệm và tầm nhìn giúp ông sau này lập nên Tuần Dương Quân, lực lượng hải quân chuyên nghiệp đầu tiên của nước Nam
Phần 2: “Muốn vượt bể Đông theo cánh gió, muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi”
Từ Hương Cảng, ông phải đi qua Yokohama (Nhật Bản) rồi sau đó mới theo tàu đi thẳng đến San Francisco, hết một năm mới đặt chân lên đất Mỹ. Đối với một nhà Nho không biết tiếng Anh, chỉ biết tiếng Trung, chưa hề làm chính thức một vị trí đối ngoại nào mà lại dám đi đặt quan hệ ngoại giao với một cường quốc phương Tây thì quả là một việc phi thường, trong lịch sử Việt Nam chắc chỉ có Bùi Viện mới dám.
Từ một biến cố nhục nhã:
“Tháng 4 năm 1873, vua Tự Đức được các quan hộ giá ra chơi cửa Thuận An. Trong khi vua đang ngự lãm thì có 9 chiếc tàu buồm vận tải của nha kinh lược Bắc Kỳ chở tiền tài và quân lính vào Huế. Đột nhiên từ ngoài khơi hai chiếc tàu ô tiến đến chĩa súng bắn sang, ta thua chạy, hai chiếc tàu bị giặc cướp mất. Các võ quan ta bắn thần công ra nhưng không trúng được phát nào, bọn giặc bắn giết chán chê rồi lại giong thuyền chạy mất. Bùi Viện đã làm một bài thơ kể rõ việc này, đồng thời chế nhạo sự hèn yếu của thủy binh nước ta. Biến cố đó ít nhiều khiến cho vua ta nhận chân được sự hủ bại của triều đình và có lẽ vì thế đã chuẩn y đề nghị của Bùi Viện xin được xuất dương xem xét tình hình và tìm cách cầu viện”.
(Nguyễn Duy Chính – Bùi Viện và cuộc cải cách hải quân)
Từ những năm 1873 cho đến khi vua Tự Đức buộc phải ký Hiệp ước Giáp Tuất (15/03/1874), có thể nói là quân đội Đại Nam đã hoàn tất quá trình hủ bại của mình. Ngay cả việc đánh Pháp ở miền Bắc cũng phần lớn nhờ vào quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc. Triều đình phải nhượng bộ nhiều yêu sách của thực dân Pháp và nguy cơ mất cả nước đã rất rõ ràng, nên chủ trương tìm kiếm những đối trọng khác ở nước ngoài để chấn hưng đất nước và cứu vãn họa xâm lăng. Với tài năng và tư duy cải cách của mình, Bùi Viện trở thành ứng viên hàng đầu cho việc xuất ngoại cầu viện. Tuy nhiên, sự dè dặt của triều đình Huế và quan chức nhỏ của Bùi Viện chỉ đủ để đưa ông đến Hương Cảng (Hong Kong) thăm dò người Anh (vì họ là đối thủ của người Pháp).
Nhưng khi đến Trung Hoa, Bùi Viện nhận ra người Anh và người Pháp cũng đều là thực dân như nhau, cầu viện họ chẳng khác nào “đuổi hổ cửa trước, rước sói cửa sau”. Thiên triều Trung Hoa thì đang trong cảnh kiệt quệ, lo cho thân mình chẳng xong thì càng không phải nói đến.
Trong thời gian lưu lại Hương Cảng, ông gặp được nhà đại diện truyền giáo (commissioner) Hoa Kỳ tại Quảng Đông vì vào thời gian này có nhiều phái bộ truyền giáo của Mỹ tới đây giảng đạo, tranh giành ảnh hưởng với các phái bộ Thiên Chúa giáo La Mã. Người Mỹ lúc này đóng vai trò trung gian buôn bán giữa người Anh và người Trung Hoa. Qua tìm hiểu, ông biết nước Mỹ là một cường quốc phát triển từ một thuộc địa và có tầm ảnh hưởng đang lên. Ông quyết định lên đường sang Mỹ cầu viện.
Chuyến đi này là do ông quyết đoán mà “tiền trảm hậu tấu”, đi mà không hỏi trước sự cho phép của triều đình. Tương truyền, ông phải làm giả mũ áo giấy tờ của quan viên tam phẩm để có thể đi đến Mỹ và gặp được Tổng thống.
Từ Hương Cảng, ông phải đi qua Yokohama (Nhật Bản) rồi sau đó mới theo tàu đi thẳng đến San Francisco, hết một năm mới đặt chân lên đất Mỹ. Đối với một nhà Nho không biết tiếng Anh, chỉ biết tiếng Trung, chưa hề làm chính thức một vị trí đối ngoại nào mà lại dám đi đặt quan hệ ngoại giao với một cường quốc phương Tây thì quả là một việc phi thường, trong lịch sử Việt Nam chắc chỉ có Bùi Viện mới dám.
Ông cảm khái ghi lại việc này qua những vần thơ sau:
“Tháng chín Hoành Tân (Yokohama) nhấp chén chơi,Trời Nam ngoảnh lại dạ khôn nguôi.Ba đào hứng mới tan hồn mộng,Đất nước tình xưa tít dặm khơi.
Lầu các coi chừng nay đổi mới,Bồng hồ riêng thú đã bao đời.Vui vầy ngại nỗi khi chia rẽ,Thuyền đó bao giờ lại thả bơi”.
(Phan Trần Chúc dịch)
Nhờ sự vận động của người bạn, nhà truyền giáo Mỹ ở Hương Cảng, Bùi Viện đã được Tổng thống Ulysses Simpson Grant (1822 – 1885) thân tiếp một cách nồng hậu. Tổng thống Mỹ hứa sẽ giúp đỡ, vì nhận thấy tham vọng của người Pháp ở Á Đông quá rõ ràng và quan hệ ngoại giao Pháp – Mỹ đang ở thế đối lập. Tuy nhiên, cuộc viếng thăm của Bùi Viện không chính thức vì không có quốc thư (do ông tự ý quyết đoán đi Mỹ chưa thông qua triều đình), vì thế mà Hoa Kỳ không thể tuyên bố ủng hộ được.
Bùi Viện đã quay lại Mỹ lần thứ hai vào khoảng năm 1874 với đầy đủ quốc thư và viếng thăm chính thức, nhưng lúc này quan hệ ngoại giao Pháp – Mỹ đã nồng ấm nên ông đành thất bại quay về. Vừa về đến nhà lại phải thụ tang mẹ vừa mất. Cảm cho tấm lòng trung quân và sự cống hiến vô tư của ông, vua Tự Đức đã ban khen như sau:
“Trẫm với người tuy chưa có ân nghĩa gì cả mà đã coi việc nước như việc nhà không quản xa xôi, lo lắng. Quỷ thần tất cũng biết vậy”.
Tuần Dương Quân – hạm đội hải quân bảo tiêu chuyên nghiệp độc nhất của nước Nam
Sau thất bại ngoại giao với Hoa Kỳ, Bùi Viện nhận ra các cường quốc Âu Mỹ đều có một điểm chung là có nền mậu dịch biển phát đạt và lực lượng hải quân cực kỳ hùng mạnh. Một phần sức mạnh quân sự đó là dùng để xâm chiếm tài nguyên nước khác và quan trọng hơn là bảo vệ sự an toàn cho con đường thương mại biển trước các toán hải tặc vốn cũng phát triển như nấm sau mưa theo sự sôi động của các hải lộ quốc tế.
Ông nhận ra con đường tự cường của Đại Nam không thể thiếu một lực lượng tương tự, đủ mạnh để khống chế vững chắc hải lộ trên lãnh thổ, đảm bảo an toàn cho giao thương quốc tế. Một khi thương mại phát triển mạnh mẽ, quốc gia sẽ có đủ chi phí để phát triển sức mạnh quân sự nhằm bảo vệ độc lập của chính mình. Tư duy này vô cùng giống với tư duy của Nhật Bản cùng thời Minh Trị Duy Tân (1866 – 1869), đã tạo nên một cường quốc duy nhất ở Châu Á có thể sánh vai với các nước phương Tây thời cuối thế kỷ 19.
Trong suốt lịch sử quân sự Đại Việt, các binh chủng thủy quân lừng danh hầu như chỉ dùng trong chiến tranh vệ quốc hay tấn công hậu phương của quân địch và hoàn toàn sống bằng ngân sách quốc phòng triều đình. Chưa từng có ai nghĩ đến việc tổ chức một hạm đội hải quân có thể tự nuôi sống chính mình và phát triển một cách chính quy hiện đại. Bùi Viện là người đầu tiên nghĩ ra và tổ chức thành công một lực lượng như thế.
Cơ hội đến khi ông được triều đình phong làm Thương chính Tham biện kiêm Tuần tải nha Chánh quản đốc, một chức quan tương tự như Đô đốc hải quân kiêm quản lý hàng hải và thương mại ngày nay. Ông đã lập ra Tuần Dương Quân.
Nhiệm vụ của Tuần Dương Quân được miêu tả như sau:
“Đội hải quân này sẽ đi tuần khắp miền duyên hải nước ta, đồng thời họ phải làm cả ba việc: vận tải lương tiền của nhà nước, hộ vệ cho các nhà buôn và trừ diệt những giặc biển hiện đang hoành hành ở biển Đông Hải”.(Trích bản điều trần của Bùi Viện đệ lên vua Tự Đức)
Về cơ cấu, lực lượng này có thành phần tổ chức như sau:
1. Thanh Đoàn: là toán quân chuyên trị hải tặc Tàu Ô. Thành phần chủ yếu là hải khấu quy phục. Họ gồm toàn người Tàu và do tướng hải khấu Tàu chỉ huy. Họ từng là giặc Tàu Ô nên sẽ biết cách đối phó tốt nhất với hải tặc.
2. Thủy Dũng: là hải đoàn gồm toàn người Việt và do tướng Việt chỉ huy. Thành phần là thủy quân và dân chài được tuyển mộ.
Ngoài hai đoàn này, Bùi Viện còn lập thêm một lực lượng hải quân gồm 200 chiến thuyền đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của ông.
Sau hòa ước Nhâm Tuất (1862) và Giáp Tuất (1874) với Pháp, triều đình Huế hầu như đã kiệt quệ với các khoản bồi thường chiến phí. Trông mong vào triều đình chu cấp cho Tuần Dương Quân là điều bất khả khi. Với tầm nhìn quốc tế và trí tuệ siêu phàm của mình, Bùi Viện đã xây dựng thành công Tuần Dương Quân theo con đường tự lập tự cường, tự trang bị.
Theo như cơ cấu và nhiệm vụ ở trên, đoàn quân của ông có thể duy trì và phát triển từ nhiều nguồn thu gồm: chi phí của hải quân, tiền đóng góp mãi lộ của nhà buôn và tiền công vận tải lương tiền cho triều đình. Trong đó, sự đóng góp của các nhà buôn sẽ tăng lũy tiến theo sự phát triển thương mại cũng như tận dụng các cảng biển quân sự để phát triển kinh tế.
Bùi Viện còn thể hiện tài năng quân sự của mình bằng một chương trình cải tổ sâu rộng dành cho Tuần Dương Quân, biến họ thành một hạm đội tinh nhuệ trong thời gian ngắn.
Phần 3: Tận nhân lực tri thiên mệnh, đừng đem thành bại luận anh hùng
Chỉ cần làm được điều này, không những chúng ta không bị đô hộ mà còn có thể giải quyết tất cả những tranh chấp trên biển Đông một cách triệt để từ thời xa xưa. Sẽ không thể có chuyện “tàu lạ” hay “giàn khoan nước ngoài” diễu võ giương oai như bấy lâu nay.
Tuần Dương Quân do Bùi Viện thành lập “đi tuần khắp miền duyên hải nước ta, đồng thời họ phải làm cả ba việc: vận tải lương tiền của nhà nước, hộ vệ cho các nhà buôn và trừ diệt những giặc biển hiện đang hoành hành ở biển Đông Hải” (Trích bản điều trần của Bùi Viện đệ lên vua Tự Đức). Để biến Tuần Dương Quân thành một hạm đội tinh nhuệ trong thời gian ngắn, Bùi Viện đã áp dụng những cải tổ sâu rộng như:
Tăng tính cơ động và thành lập chuỗi căn cứ và hậu cần
Trong tờ biểu tâu lên vua Tự Đức, Bùi Viện viết về cách chống giặc bể hiện tại:
“Việc trị an ở ngoài bể, gần đây nước ta tin cậy vào công cuộc hải phòng của một nước ngoài. Nhưng chống chọi với hàng muôn ngàn chiếc thuyền của giặc Tàu Ô, chúng ta chỉ có vài chiếc tàu thủy, vừa chậm chạp vừa nặng nề. Giữ được chỗ nọ thì hỏng chỗ kia, vài con voi địch với một đàn hổ, thế dù mạnh đến đâu cũng không thể che chở cho xiết được. Và những tàu thủy lòng sâu bảy, tám thước mà thuyền giặc thì lòng chỉ ba, bốn thước là cùng. Nếu gặp tàu thủy đi tuần thì giặc đã có một cách đối phó rất giản dị và có hiệu lực vô cùng là chúng tránh thuyền vào những chỗ bể nông, tàu không sao đến được mà bắn cũng không tới”.
Và sự vô tác dụng của các đội quan phòng do nhà nước đặt ra:
“Thực ra từ khi đặt ra đến giờ, những đội quan phòng ở các đồn duyên hà không có ích gì cho nhà nước cả. Vì chức trách của họ là phải phòng ngừa giặc bể, mà giặc bể thì chỉ hoành hành ở ngoài khơi. Dù họ có biết đích là ngoài bể có giặc nữa cũng chỉ đến dương mắt mà nhìn, chứ không có cách gì xoay trở”.
Tính cơ động là đặc điểm phải có của tuần dương quân, vì chống hải tặc là phải chiếm ưu thế ngay trên mặt biển. Một hạm đội hải quân phải có trang bị tốt cùng năng lực phản ứng nhanh, tinh thông thủy chiến mới có thể giành chiến thắng trước hải tặc. Tuần Dương Quân của Bùi Viện là sự kết hợp giữa dân chài người Việt (70%), hải tặc chiêu hồi người Hoa (30%) nên rất tinh thông thủy chiến. Họ còn có địa bàn hoạt động toàn quốc, thống nhất chỉ huy và phối hợp cùng địa phương tiếp ứng, tiến lui công thủ đều nhanh nhạy hiệu quả. Khi cần họ lại có khả năng tập trung lực lượng để hành quân những trận lớn đối phó với giặc mà không để bị rơi vào thế thụ động như trước.
Bùi Viện còn tận dụng các đồn quân địa phương ven biển, cải tiến và chia thành hai loại căn cứ tiếp liệu: các đồn lớn ở hải cảng là căn cứ của đội Tuần Dương, các đồn nhỏ ở những nơi hiểm yếu là nơi quan sát, liên lạc và hỗ trợ.
Chính sách tuyển mộ và thành phần binh lính
Khác với chính sách ngụ binh ư nông bao nhiêu đời nay, Bùi Viện có lẽ là người đầu tiên thực thi chế độ quân nhân chuyên nghiệp có phần giống như cách tổ chức quân đội hiện đại phương Tây. Trước đây, triều đình bắt lính vẫn chỉ cốt tuyển cho đủ số, phân bổ cho mỗi làng nên người được chọn thường là dân quê nghèo khổ, bị bắt đi chẳng khác gì đi đày. Điều này làm cho tố chất binh lính kém cỏi mà tinh thần lại càng không có.
Chính sách tuyển quân của Bùi Viện có thể tóm tắt như sau:
- Thành phần tuyển mộ: chỉ tuyển lính trong các làng chài là những người có kinh nghiệm đi biển, quen với sóng gió. Ngoài ra, chiêu mộ thêm bọn giặc bể cộng tác với triều đình.
- Tiêu chí tuyển dụng: Quan trọng về phẩm chất và tinh thần binh lính, không trọng về số lượng. Quân Thủy Dũng phải hội đủ yếu tố “trí dũng, đức hạnh, bơi lội giỏi, thuộc đường bể, biết trước những lúc có thể xảy ra mưa gió, thông các phép tính”. Binh lính mới tuyển phân thành thượng hạng, trung hạng và hạ hạng và phải hoàn toàn là những người tình nguyện chứ không phải bị cưỡng bách và được trả lương. Binh lính cũng phải có lý lịch tốt, được thân thuộc và lý dịch bảo đảm.
- Quyền lợi: Quân lương chế độ đầy đủ và chu đáo, được thưởng lương tiền và cả chức quan khi lập quân công.
- Thưởng cho tuyển mộ: Nhằm đảm bảo binh lính là người tố chất tốt nên Bùi Viện còn đưa ra cả chính sách thưởng cho những ai tìm được nhiều người tham gia như sau:
- 5 đến 10 thủy binh: phong đội trưởng
- 10 thủy binh trở lên: phong tòng cửu phẩm
- 20 thủy binh trở lên: phong chánh cửu phẩm
- 30 thủy binh: phong tòng bát phẩm
- 40 thủy binh: phong chánh bát phẩm
- 50 thủy binh: phong tòng thất phẩm
- 60 thủy binh: phong chánh thất phẩm
- 70 thủy binh: phong tòng lục phẩm
- 80 thủy binh: phong chánh lục phẩm
- 90 thủy binh: phong tòng ngũ phẩm
- 100 thủy binh: phong chánh ngũ phẩm
- 200 thủy binh: phong tòng tứ phẩm
- 300 thủy binh: phong chánh tứ phẩm
Kỷ luật quân sự và lương bổng tử tuất
Vì “Kỷ luật là sức mạnh của quân đội” nên Bùi Viện đã tạo ra một bộ kỷ luật thép áp dụng cho đoàn quân của mình. Tuy là quan văn nhưng ông thừa hiểu một đoàn quân gồm cả dân chài và hải tặc nếu không có kỷ luật thì sẽ không thể dùng được, phải dùng lợi dẫn dụ cùng với quân uy mà chấn nhiếp. Quân luật của ông quy định trách nhiệm liên đới giữa binh sĩ và người chiêu mộ, vừa chịu tội, vừa phải bồi thường công quỹ.
Điều thú vị nhất của quân luật Bùi công là những quy định có nguồn gốc từ hải tặc cũng được đưa vào. Thật ra, ý tưởng này không mới mà đã được “vua hải tặc” Nguyễn Huệ áp dụng trước đây để quản hạm đội cướp biển hỗn hợp của mình.
Luật của Bùi công chủ yếu áp dụng những quy luật có sẵn của hải khấu. Nó mang dáng dấp những quy định kiểu giang hồ nghĩa sĩ vì hải khấu ở biển Đông thường là hội viên của một số bang hội, giáo phái (ví dụ như Thiên Địa Hội hay hải tặc nhà Trịnh Thành Công Đài Loan dưới thời Quang Trung). Họ sống theo những tiêu chuẩn nghĩa khí riêng của tổ chức, rất tàn nhẫn với kẻ phản bội hay không hết lòng.
Khi đưa những luật này vào thực thi, ta có cảm giác rằng chủ tướng Bùi Viện đã từng phải lăn lóc sống cùng hải tặc một thời gian dài, nghiên cứu khá sâu rộng về những tổ chức này và nắm vững được những quy luật của họ nên mới làm được như thế. Có lẽ, Bùi Viện trong lúc công tác ở Doanh điền sứ nhận nhiệm vụ đánh dẹp hải tặc ở Ninh Hải đã thực hiện nghiên cứu này chăng? Kết quả là ông đã đưa ra những biện pháp tưởng thưởng và trừng phạt khác thường, hiệu quả hơn cách làm của các tướng quân truyền thống.
Bùi Viện qua luật của mình kêu gọi tính anh hùng hảo hán, lòng trọng lợi cùng kỷ luật nghiêm minh, nhờ đó đám giặc bể với những tay giang hồ cộm cán nhận thức ông là một thủ lĩnh kiệt hiệt gần gũi với họ hơn là một văn quan thư sinh. Trong cách trị quân, ông lại hết lòng với anh em, chia vui sẻ buồn, đụng trận xông ra trước, áp dụng triệt để đạo làm tướng mà cổ nhân thường đề cao. Ông chú ý đến những tiểu tiết quan trọng, ví dụ như “Quân Luật” của ông cũng viết bằng văn vần để cho anh em tướng sĩ dễ hiểu nhất về những quyền lợi của mình khi chiến đấu:
“Giáp tàu giặc, tàu nào tới trước,
Kẻ cắm cờ người lấy hương lô.
Tiền công lệ đã trọng thù,
Đồng đoan giai bạn cũng cho hoa hồng.
Còn hóa hạng công đồng định thưởng,
Trước nhất tàu được thưởng năm thành.
Còn thừa chia cả đoàn binh,
Mấy thành châm chước phân minh cũng đều”.
Kẻ cắm cờ người lấy hương lô.
Tiền công lệ đã trọng thù,
Đồng đoan giai bạn cũng cho hoa hồng.
Còn hóa hạng công đồng định thưởng,
Trước nhất tàu được thưởng năm thành.
Còn thừa chia cả đoàn binh,
Mấy thành châm chước phân minh cũng đều”.
Ngoài việc tưởng thưởng và phong quan, ông còn quan tâm đến cả chế độ tử tuất cho chiến sĩ trận vong, hỗ trợ gia đình người mất để người chinh chiến an tâm công tác. Vì thế, tinh thần chiến đấu của Tuần Dương Quân rất cao. Cái hay ở đây là sự quan tâm của ông lại thể hiện rất mộc mạc qua văn chương và vô cùng thực tế khi áp dụng. Ta có thể thấy điều này qua bài văn điếu hai người chiến sĩ trận vong của ông:
“Người sống ở đời,
Tiếng thơm là trọng.
Chết mà phải nghĩa,
Chết cũng như sống.
Than ôi hai anh,
Vô tình đạn lửa.
Bắn vào nhâu nhâu,
Há vì ham tước,
Há vì ham lộc.
Tấm thân ngàn vàng,
Bỏ đi một chốc.
Vì chưng trọng nghĩa,
Nên coi rẻ thân”.
Tiếng thơm là trọng.
Chết mà phải nghĩa,
Chết cũng như sống.
Than ôi hai anh,
Vô tình đạn lửa.
Bắn vào nhâu nhâu,
Há vì ham tước,
Há vì ham lộc.
Tấm thân ngàn vàng,
Bỏ đi một chốc.
Vì chưng trọng nghĩa,
Nên coi rẻ thân”.
Các quốc gia Đông Á phong kiến như Đại Nam thời đó chưa có trường huấn luyện tướng soái chuyên dành cho văn quan chuyển sang nghiệp võ mà mà chỉ bổ nhiệm theo nhận xét riêng của vua quan. Bùi Viện có thể thành công trong vai trò lãnh đạo và xây dựng hạm đội hải quân chỉ bằng cách tự học tự làm thì quả là một tài năng hiếm có! Nếu nói riêng về mặt tổ chức hải quân, chắc cũng không kém Nguyễn Huệ quá nhiều.
Tận nhân lực tri thiên mệnh, đừng đem thành bại luận anh hùng
Tuần Dương Quân non trẻ của Bùi Viện tuy chỉ thành lập thời gian ngắn, nhưng với cơ chế quản lý linh hoạt, chiêu mộ hiện đại hiệu quả và các chính sách trị quân hợp lý đã có những thành quả rất tốt.
“Tháng tư năm 1878, quân ta giao chiến với giặc Tàu Ô ở Hà Tĩnh, dùng hỏa công đốt tàu địch khiến chúng phải chạy trốn, tịch thu một chiến thuyền cùng lương thực đạn dược và bắt được 18 tên cướp. Đến tháng 5 cùng năm, quân ta lại giao tranh với địch ở Thanh Hóa trong khi hải phỉ đang cướp một tàu buôn. Quân ta truy kích địch đến tận đảo Hải Nam (Trung Hoa), tịch thu một chiến thuyền và đạn dược, khí giới. Nhờ hai chiến công đó, dân chúng cảm thấy tự tin hơn nên các thương cảng trở nên sầm uất, tàu thuyền ra vào buôn bán ngày một nhiều. Một thời gian sau, các chi điếm cũng được mở tại Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam. Trên bộ, Bùi Viện cho xây lại những pháo đài, bố trí súng đại bác để canh phòng mặt biển”.
(Bùi Viện và cuộc cải cách hải quân – Nguyễn Duy Chính)
Dù ông đã tận lực, Tuần Dương Quân cũng đã cố gắng hết sức, nhưng ai biết mệnh Trời khó lường. Có lẽ Thiên mệnh không muốn người dân Nam phú cường, mà phải chịu cái nhục mất nước trăm năm.
Ngày mồng 1 tháng 11 năm Tự Đức thứ 31 (1878), ông đột ngột từ trần khi mới vừa 39 tuổi, có lẽ là cái tuổi nghiệt ngã của các thiên tài hải quân Đại Việt (Quang Trung và Bùi Viện). Cái chết của ông cũng có nhiều điểm còn mờ ám vì thật bất ngờ và không có dấu hiệu gì báo trước. Có người cho rằng cách làm mạnh mẽ của ông ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người, làm nhiều người lo lắng. Thử đặt mình vào vị trí của ông vua hơn tứ tuần, sức khỏe bạc nhược suy nghĩ về một con người dũng mãnh, táo tợn như Bùi Viện? Chưa kể người này lại có tài trị được cả bọn giặc khách, tính tình lại ngông nghênh, trong tay còn chỉ huy một đội thủy binh hùng hậu đóng ngay cạnh kinh thành, thì làm sao mà yên tâm cho được! Cứ cho rằng cái chết của ông chỉ là một sự ngẫu nhiên, thì việc chương trình cải cách của ông ngay sau đó bị gạt sang một bên, không được tiếp nối quả thật rất đáng ngờ.
“Cả ngày mồng một ông vẫn mạnh mẽ như thường nhưng đến chập tối thì ông kêu đau nhức khắp mình mẩy. Đến nửa đêm, Bùi Viện chết”.
(Trần Chúc Phan, Bùi Viện với Chính phủ Mỹ: Lịch sử ngoại giao triều Tự Đức)
Tạm kết:
Năm 1972, nhà khí tượng học và chuyên gia về lý thuyết hỗn loạn Edward Norton Lorenz đã giới thiệu trước Hiệp hội phát triển khoa học Hoa Kỳ một bài nói chuyện có tựa đề : “Tính dự đoán được: Liệu con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra cơn lốc ở Texas?”. Theo đó, một cái đập cánh của con bướm nhỏ bé có thể gây ra sự thay đổi (dù rất nhỏ) trong điều kiện gốc của hệ vật lý, dẫn đến những thay đổi lớn về thời tiết như cơn lốc tại một địa điểm cách nơi con bướm đập cánh hàng vạn km. Nói cách khác, những thay đổi nhỏ bé có thể dẫn đến những kết quả vĩ đại.
Trong lịch sử cũng không hiếm những con người bình thường và nhỏ bé lại có thể làm nên kỳ tích. Bùi Viện chính là một người như thế. Ông chỉ là một nhân vật không nổi bật lắm trong lịch sử Việt Nam, ngay cả sử nhà Nguyễn cũng chỉ ghi rất vắn tắt về ông. Ngày nay, tên của ông là tên một con “phố Tây” rất nổi tiếng ở Sài Gòn. Nhưng cũng chỉ có thế, rất ít người biết về ông và sự nghiệp của ông. Có lẽ vì ông không phải Tiến sĩ, cũng chẳng phải Tam Khôi và càng không phải là đại thần phụ chính nên sử quan không lưu tâm chăng?
Ấy vậy mà một con người nhỏ bé của nước Nam như thế, một viên quan nhỏ và trẻ tuổi như thế chỉ cần được cho thêm một ít cơ hội và ít nhiều thời gian thì có lẽ thế giới đã có thay đổi không nhỏ theo như “hiệu ứng cánh bướm” vậy.
Thật vậy, thế kỷ 16 đến thế kỷ 19 được mệnh danh là “Thời kỳ giong buồm” vĩ đại (The Great Age of Sail). Các quốc gia châu Âu phát triển mạnh về hàng hải và hải quân tranh nhau giành thế thống trị biển cả. Đây là một thời đại vô cùng sôi động và bùng nổ về sự cạnh tranh giữa các quốc gia nằm trên hải lộ quốc tế; tất cả các nước có hải quân hùng mạnh và thương mại phát triển đều trở nên giàu mạnh nhanh chóng vì quá trình tích lũy tư bản và thực dân. Đó chính là chìa khóa của việc canh tân hiệu quả, của phú quốc cường binh.
Việc Đại Việt có một hạm đội hải quân hùng mạnh, kiểm soát hoàn toàn biển Đông và tuyến hải lộ quốc tế nhộn nhịp nhất thế giới đi qua nó là nhân tố chính của đại kế giúp dân tộc cất cánh trong suốt 400 năm từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 20. Chỉ cần làm được điều này, không những chúng ta không bị đô hộ mà còn có thể giải quyết tất cả những tranh chấp trên biển Đông một cách triệt để từ thời xa xưa. Chúng ta cũng có thể khẳng định ưu thế chủ quyền tuyệt đối không thể tranh cãi trên vùng biển huyết mạch này. Vì từ thời Tây Sơn mãi cho đến nhà Nguyễn về sau, lực lượng hải quân Đại Nam vẫn là mạnh nhất khu vực, được công nhận bởi hầu như tất cả quốc gia kể cả Trung Hoa. Sẽ không thể có chuyện “tàu lạ” hay “giàn khoan nước ngoài” diễu võ giương oai như bấy lâu nay.
Dù nước ta may mắn trải qua thế kỷ 16 đến 18 không bị nạn ngoại xâm hay nạn hải tặc nhờ vào lực lượng hải quân khá mạnh của các Sứ quân, nhưng sang đến thời Nguyễn thống nhất thì chính hoàng đế với lòng nghi kỵ khi trải qua nhiều cuộc phiến loạn trong nước đã tự mình chặt bỏ cánh tay quan trọng nhất của mình, cánh tay duy nhất có thể phá tan xiềng xích u ám nô lệ trăm năm của dân tộc: hải quân. Điều này khiến cho quốc gia dù có nhân tài như Bùi Viện, Vũ Duy Thanh (Bảng nhãn Vũ Duy Thanh – người đề xuất nghiên cứu chế tạo tàu ngầm) cũng chỉ có thể làm hết phận sự rồi đành trách số Trời mà thôi.
Xem việc xưa mà ngẫm đời nay, quốc phú cường binh thực chất là trông cậy vào phẩm chất của chính dân tộc, tư chất của lãnh đạo; còn những thứ như vũ khí hay công nghệ nếu thiếu con người thì đều sẽ thành vô dụng cả.
Tĩnh Thuỷ