Saturday 11 May 2019

Thương chiến Mỹ-Trung : trước giờ sự thật - Tú Anh

media

Từ trái sang phải: Đại diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer, bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin, phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và thống đốc Ngân hàng Trung Quốc Dịch Cương tại Bắc Kinh, ngày 29/03/2019.Nicolas Asfouri/Pool via REUTERS

Donald Trump làm mưa làm gió tại vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Tối hậu thư Iran. Châu Âu bước vào mùa bầu Nghị Viện Châu Âu, Macron lên võ đài. Bài trừ tệ nạn ấu dâm trong Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng đánh mạnh là những chủ đề chiếm các trang quan trọng.
Bắc Kinh: thà bị phạt hơn là đổi luật chơi
Với tựa « Donald Trump làm mưa làm gió trên thị trường chứng khoán », Les Echos cho biết trong vòng một tuần, hơn 1300 tỷ đôla bốc thành mây khói. Căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh, lệnh áp thuế đánh lên hàng Trung Quốc đã làm cho các sàn giao dịch Á - Âu chao đảo.
Câu hỏi đặt ra là vì sao căng thẳng leo thang? Chính quyền Trump thật sự muốn gì và vì sao chính quyền Trung Quốc từ chối?
Trên Libération, David Dollar, cựu chuyên gia kinh tế tài chính của chính phủ Mỹ, thẩm định tổng thống Donald Trump rất bực bội vì ông bị chỉ trích từ nhiều phía. Đã có 10 vòng đàm phán mà không đạt được thỏa thuận với Trung Quốc. Do vậy ông cần phải tỏ ra cứng rắn để trấn an cử tri Cộng Hoà. Nhưng Hoa Kỳ cũng có mối lo âu chính đáng, đó là sợ Trung Quốc không giữ lời hứa. Do vậy, chính quyền Trump mới nhiều lần cảnh cáo là sẽ không chấp nhận một thỏa thuận nếu không có các biện pháp kiểm soát Bắc Kinh có tôn trọng hay không.
Trên thực tế, nếu Trung Quốc muốn tỏ thiện chí thì chỉ cần thay đổi luật chơi giống như phần còn lại của thế giới, chấm dứt các chính sách bất bình đẳng như sau: tài trợ cho công ty quốc doanh cạnh tranh bất chính, bắt đối tác nước ngoài chuyển giao công nghệ và phát minh. Trong khuôn khổ « mậu dịch tự do », Hoa Kỳ cũng muốn Trung Quốc mở cửa thị trường đúng nghĩa. Do đó, Mỹ có lý do chỉ trích Trung Quốc không tôn trọng các nguyên tắc vận hành, phá hoại tính hợp pháp và hợp lý của hệ thống tự do thương mại toàn cầu. Hiện nay, hàng loạt lãnh vực kinh tế ở Hoa lục như xe hơi, viễn thông cấm cửa đầu tư nước ngoài. Chính ở điểm này mà Hoa Kỳ được châu Âu hoàn toàn ủng hộ.
Cũng theo chiều hướng phân tích này, Le Figaro cho biết thêm Trung Quốc nhất quyết bảo vệ lập trường, chống lại mọi cơ chế đi ngược lại mô hình tư bản Nhà nước. Bắc Kinh sẵn sàng nhập thêm hàng hóa Mỹ nhưng sẽ không chấp nhận ghi các nhượng bộ này thành luật, tạo ra tình trạng không thể đảo ngược. Rút kinh nghiệm trong quá khứ, Washington nghi ngờ Bắc Kinh hứa hão, một khi hết bị trừng phạt, thì sẽ tiếp tục chứng nào tật nấy. Bắc Kinh tự tin, dám đương cự lại áp lực của Donald Trump vì theo suy đoán của các chiến lược gia của chế độ, tương quan lực lượng đã khá thuận lợi: tăng trưởng phất lên nhờ Nhà nước can thiệp. Diễn đàn « Con đường tơ lụa » mới đây thu hút được nhiều nước tham gia, cho dù Washington chống kịch liệt, cho phép chủ tịch Tập Cận Bình tự tin hơn vào khả năng kết hợp một liên minh rộng lớn, không bị lẻ loi, trong trường hợp xảy ra chiến tranh thương mại với Washington. Do vậy, Le Figaro dự đoán, kể từ thứ Sáu, biện pháp áp thuế 200 tỷ đô la hàng Trung Quốc sẽ được thi hành.
Theo một chuyên gia ở Hồng Kông, thái độ cứng rắn của Donald Trump phản ảnh tâm trạng bất lực không thuyết phục được Bắc Kinh chuyển đổi chế độ kinh tế quốc doanh sang kinh tế thị trường.
Trung Quốc có phải là một đồng minh đáng tin cậy hay chỉ lo bảo vệ quyền lợi riêng ?
Sau khi tường thuật cuộc khẩu chiến giữa Teheran và Washington cũng như đòn mặc cả của Iran trên hồ sơ hạt nhân, Le Monde lưu ý tối hậu thư của Iran kỳ hạn cho các nước ký kết Hiệp Định 2015 có 60 ngày để thực thi lời hứa giúp Iran thóat cấm vận dầu hỏa và giao dịch ngân hàng. Tối hậu thư nhắm vào Liên Âu và Trung Quốc.. Trong khi Liên Hiệp Châu Âu nghiêng theo phía Mỹ dứt khoát bác bỏ tối hậu thư gây áp lực thì Trung Quốc làm gì ?
Trong bài « Trung Quốc, cha đỡ đầu của Teheran trốn mất», Le Mondecho biết, đây cũng là câu hỏi của báo chí Iran. Trong ba năm từ 2012 đến 2015, Bắc Kinh luôn mạnh mẽ ủng hộ Iran đương cự với áp lực của Mỹ nhưng từ từ thì biến đi dần. Trước hết là về dầu hỏa. Năm 2018, Trung Quốc đặt mua 580.000 thùng dầu thô mỗi ngày. Đầu tháng 05/2019, trong bối cảnh bị Mỹ trừng phạt thương mại, Trung Quốc không mua một lít dầu nào của Iran. Đầu tư dài hạn cũng ngưng lại. Trong các lĩnh vực khác cũng thế, từ tháng 10/2018, hầu hết các cơ sở thương mại Trung Quốc ở Teheran đều ngưng trả lời điện thoại vì sợ lãnh đòn của Hoa Kỳ. Thương mại cũng sụt giảm đáng kể: xuất khẩu Trung Quốc từ hơn 1 tỷ đôla năm 2018, trả bằng dầu thô, sụt xuống còn 396 triệu. Cùng lúc, các kênh chuyển ngân cũng khép lại. Ngân hàng Côn Luân của Nhà nước Trung Quốc ngày càng như vỏ ốc khô, không giúp gì được cho đồng minh Trung Đông. Trong hoàn cảnh này, Ngân Hàng Trung Ương của Iran chỉ thị cho các ngân hàng trong nước ngưng mua đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.