Cảm giác hụt hẫng đến khó tả vẫn thường chiếm ngự trong tôi mỗi khi nghe tin xấu về những người mà tôi từng yêu mến. Dù thời gian có trôi đi nhưng nỗi buồn mỗi khi nghĩ về họ vẫn bao vây tôi, nó còn kéo dài tưởng chừng như không vượt qua được. Nhưng cuộc sống vốn là vậy, ai rồi cũng có những ngày phải lìa xa những người thân yêu. Cũng chính vì hiểu được quy luật của tạo hóa nên cuối cùng cũng phải chấp nhận, dù cho trong lòng cứ mãi vấn vương. Thật khó để có thể diễn tả được cảm giác mất mát này, sự nghẹn ngào khi đột ngột biết anh Hồ Quốc Vũ đã ra đi. Trong ánh sáng nhạt nhòa của buổi chiều tắt nắng đó tôi thấy như đôi mắt anh đang nhìn mọi người mỉm cười. Cuộc đời của anh Vũ đã có nhiều chuyến đi, từ quê hương nhỏ bé đến những miền đất, những xứ sở khác nhau trên trái đất này. Trong đám bạn bè cũ hoặc người quen, chỉ còn gặp nhau qua những lời thăm hỏi, cố nén nỗi xót xa. Vì cuộc sống mưu sinh, vì số phận cuốn đi, xa nhau rồi lại xa nhau mãi. Ngày tháng cứ mịt mùng cho đến hôm nay, sự xót xa càng tăng gấp bội. Vẫn chưa hết nỗi bàng hoàng, tôi không muốn tin vào điều đang xảy ra. Anh Vũ, bây giờ anh đã đến một nơi thật bình yên. Nhưng làm sao có thể vui khi mất đi một người mà ta từng có rất nhiều kỷ niệm của tuổi thơ. Từ đây sẽ không còn được nghe anh cười nói hồn nhiên trong điện thoại mỗi lúc nhắc lại thuở thiếu thời, sẽ không được nghe lời chúc nồng ấm ấy giữa sáng đầu xuân như năm nào, sẽ không còn ai để gọi là Vũ nữa, Vũ ơi! Chỉ biết cầu mong cho Vũ giữ mãi nụ cười vương vấn như nắng mai, chỉ biết mong Vũ thật an lành trong giấc ngủ ngàn thu đó. Trong ảo ảnh của hoàng hôn, của đêm đen và trong tiếng kinh cầu, tôi mơ hồ như anh đang bay trên đôi cánh để đến với bầu trời. Lúc này mọi người chỉ có thể gọi anh trong hoài niệm. Ngày ấy chúng tôi cùng trong một nhóm du ca. Những du học sinh Việt Nam xa quê kết tình thân hữu và trải nỗi nhớ nhà nhớ quê qua tiếng đàn tiếng hát. Chúng tôi đi nhiều nơi để hát cho bạn bè người Việt Nam. Rồi lúc ngồi nghỉ ngơi trên sân cỏ của trường đại học nào đó, nói chuyện với nhau chúng tôi mới biết rằng Vũ và tôi đều cùng sống ở Di Linh vào thời tiểu học. Trên mảnh đất cao nguyên thượng nguồn của sông Đồng Nai đầy sương và cũng đầy nắng ấm, với hoa cà phê màu trắng xóa như mây chiều và dã quỳ vàng rực như ánh mặt trời, Vũ và tôi đã từng học chung ngôi trường có tên là Tiểu Học Kinh Di Linh. Vũ học trên tôi 2 lớp và là một học sinh ưu tú. Vũ học giỏi nên trong cái làng nhỏ bé này ai cũng đều biết. Cùng với tuổi thơ tươi đẹp mà trời đã ban cho, Vũ cũng không tránh được những sự nghịch ngợm rắn mắc như những đứa trẻ khác. Vũ thường hay giật rổ hoa mà tôi đã mất công hái cả buổi để sửa soạn rắc cho đẹp đường đi giống như hình ảnh trong những phim Ấn Độ chiếu trong chiếc hộp nhỏ trên chiếc xe đạp của ông hát bóng dạo mà tôi rất thích coi. Rồi Vũ cười khanh khách và nói: “ Con bé lai Nhật, con bé lai Phát Xít kia ơi, sao không lo học mà ham chơi vậy?” Lúc đó tôi thật là ghét Vũ. Dù thế, chúng tôi cũng vẫn mỗi ngày đi học trên cùng một con đường, cùng đứng chào cờ mỗi buổi sáng, cùng tinh nghịch sau giờ học. Những đứa trẻ ham chơi này không chịu về thẳng nhà mà lại chui vào vườn người ta hái những trái cà phê chín đỏ bỏ vào miệng nhai, hút hết chất ngọt rồi phun hạt ra đầy đường, hoặc đi bẻ những quả bơ ăn ngon lành. Có khi còn ném đá cho những trái ca cao rụng xuống để cạp lấy cạp để vì bụng đói. Chúng tôi mỗi ngày đều diễn đi diễn lại những trò nghịch ngợm phá phách, cùng cất tiếng cười vui như bắp rang nổ, cùng la hò vang tận trời xanh, sau đó khi mọi thứ bị đổ xuống là chúng tôi cùng ùa nhau chạy. Nhớ những lúc kéo lại nhà một cặp vợ chồng lớn tuổi ở hàng xóm xem họ rang cà phê, mục đích chính là để thở hít lấy mùi thơm ngất ngây của cà phê rang có pha bơ. Dù ưa nghịch đùa nhưng Vũ vẫn rất chăm học, cuối năm đều được lãnh thưởng trong khi tôi chỉ đứng nhìn... Nhưng cũng nhờ Vũ chê tôi ham chơi và viết chữ xấu mà tôi trở nên chăm chỉ hơn. Câu chuyện bắt đầu từ lần tôi bị gai cào trầy xước bàn tay, máu rướm ra làm tôi hoảng sợ. Với đầu óc non nớt, lúc ấy tôi chỉ nghĩ đến chuyện trốn vào chỗ khuất rồi khóc vì không dám đến lớp, khiến cô giáo và ba mẹ tôi nháo nhào đi tìm. Hôm đó cả trường đều biết chuyện. Khi nhìn cặp mắt sưng của tôi lúc đó, Vũ đã dỗ dành và khuyên tôi đừng mải mê hái hoa bắt bướm nữa. Lời khuyên đó khiến tôi ngoan hơn, từ một con bé suốt ngày chỉ hứng thú với những trò chơi vô bổ, tôi đã biết lo và chăm học hơn xưa. Mẹ tôi còn nhờ thầy Viễn về kèm học thêm vừa dạy tôi viết chữ cho đỡ cua bò. Từ ngày ấy, tôi đã xem Vũ như người anh ruột thịt của mình. Để rồi lên lớp nhì lớp nhứt tôi cũng được lãnh những phần thưởng to tướng đầy sách vở và tự điển chứ không còn đứng ngơ ngáo nhìn Vũ và người khác lãnh thưởng nữa như lúc học lớp ba nữa. Con đường học tập cứ năm tháng dần trôi như tuổi hồn nhiên gắn liền với bảng đen phấn trắng. Rồi cũng không biết tự bao giờ, chúng tôi từ giã tuổi thơ của những trang sách, tập vở, xa những bông hoa cà phê đẹp như sương phủ trắng xóa đường làng. Vũ rồi đến phiên tôi lần lượt rời xa vùng Di Linh để ra thành phố lớn học, tất cả đám trẻ thời ấy đều tâm niệm sẽ cố gắng học hành để sau này như những cánh chim thiên di rời tổ ấm tung cánh vào đời. Cũng không ngờ quả đất tuy lớn mà nhỏ, chúng tôi lại gặp nhau nơi xứ người sau một thời gian khá dài. Chúng tôi cùng cất tiếng ca, lúc trầm lúc bỗng, lúc như tiếng thì thầm của gió. Cũng có những lời hát gợi buồn: “ Thà như giọt mưa rớt trên tượng đá, rơi trên tượng đá, vỡ trên tượng đá ”. Giọt mưa ngày ấy giờ đã tan cùng những hạt mưa khác để chảy thành sông suối hay hòa cùng biển lớn hoặc đã hòa cùng mây gió. Vũ đã đi thật xa. Không hiểu ở nơi xa ấy Vũ có còn cất giọng ca trầm ấm như xưa? Chỉ biết rằng kiếp này chúng tôi không còn gặp anh nữa, chúng tôi khóc tiễn một người đã yên giấc ngàn thu. Tôi nhớ về anh với những kỷ niệm trong sáng đã đi qua một thời thơ ấu. Nếu ai cũng biết được sẽ có ngày xa nhau vĩnh viễn như vầy, những lúc còn bên nhau, là bạn bè, là anh em, sao không thể hết lòng với nhau hơn nữa. Tuổi trẻ của Vũ đầy những lý tưởng cho quê hương. Có thể anh đã thực hiện hoài bão của mình, có thể ước mơ còn dang dở đâu đó nhưng tôi tin rằng anh đã sống có ích, đã làm con người đúng nghĩa. Và hơn hết anh đã là niềm tin cho mọi người. Vũ ơi! Cuộc sống tha hương chưa hết những chông gai, anh lại là người ra đi quá sớm. Trong không gian này tôi lại nghe tiếng hát của anh năm xưa rồi tôi lại muốn khóc. Anh để lại cho gia đình, quê hương và bạn bè nhiều tiếc nuối. Nhưng dù ở đâu, dù ở chân trời nào, hãy tin rằng mọi người luôn yêu thương và kính trọng anh. Vũ ơi, bao giờ chúng tôi mới có thể quên được anh? Mỹnga. Texas 13/2/2014 |