Thursday 13 February 2014

TẢN MẠN VỀ LOVE STORY, THE GRADUATE v.v.

(Gởi những người bạn của tôi ở Canterbury)
Tôi không phải là một văn sĩ. Càng không phải là một tiểu thuyết gia. Nên không bao giờ trong đời, tôi có thể mở đầu một quyển truyện với câu nhập đề tuyệt vời như sau :
“ What can you say about a 25-year-old girl who died ? That she was beautiful. And brilliant. That she loved Mozart and Bach. And the Beatles. And me.“.
Sở dĩ tôi bỗng nhớ lại câu văn trên vì trong tuần, đọc trên báo thấy có tin Erich Segal, tác giả tiểu thuyết nổi danh đầu thập niên 70′s “Love Story” vừa mới qua đời.
Love Story là tác phẩm đầu tay của Segal và ngay sau khi được tung ra thị trường đã trở thành một best seller. Sau này, sách được dịch ra trên 20 thứ tiếng và cũng sau này, tôi mới được biết Erich Segal lúc bấy giờ đang là một Giáo sư về Ngôn Ngữ Cổ Điển ở viện đại học Yale bên Hoa Kỳ.  Ông viết quyển Love Story như một hobby trong những giây phút rảnh rổi, không ngờ lại được đọc giả say mê đón nhận.

Sự tiếp nhận này lại càng nồng nàn hơn khi phim Love Story được trình chiếu với cặp tài tử Ryan O’Neal và Ali MacGraw. Tôi nhớ đã đi xem phim này ít nhứt cũng 4, 5 lần vì thứ nhứt, lúc đó tôi cũng chỉ mới ở lứa tuổi đôi mươi, tâm hồn có thể nói còn mang chút tính chất lãng mạn, xúc động vu vơ trước những chuyện tình thơ mộng, và thứ hai, thời đó chưa có băng video cassette (khoan nói tới DVD) để có thể xem đi xem lại ở nhà.
Erich Segal
Erich Segal (1937 -2010), tác giả  Love Story
Ngoài ra, hai nhân vật chính trong “Chuyện Tình” cũng là một cặp sinh viên nên những tâm trạng, những rung động, những cảm xúc, sao thấy thật gần gũi với tôi ở vào tuổi còn gắn bó với các giảng đường. Hình ảnh của Oliver Barrett IV, cậu công tử của một gia đình danh giá và Jenny Cavalleri, con gái một ông thợ may, gặp nhau rồi yêu nhau trong khung cảnh cổ kính nhưng thật lãng mạn của đại học Harvard làm đôi lúc tôi cũng mơ mộng một ngày nào đó, mình cũng sẽ va vào một “coup de foudre” kinh thiên động địa như thế. Với một người bạn gái lạc quan. Yêu đời. Thông minh. Lém lĩnh.
Miễn sao đừng gặp một kết cuộc bi thương như trong truyện. Hai mươi lăm tuổi, nàng còn quá trẻ để phải ra đi. Hồi đó, tôi chưa hiểu chữ leukemia có nghĩa là gì, phải đi tra tự điển.  Sau này, nghe nói ai mắc phải căn bệnh nan y trên, lòng lại thấy xót xa.
Nhưng nói đến quyển truyện Love Story, cuốn phim Love Story mà không nói đến bản nhạc Love Story là một thiếu sót vô cùng to lớn. Nhạc sĩ Francis Lai đã được trao thưởng giải Oscar với bản nhạc chủ đề “Where Do I Begin ? ” cho cuốn phim.
“ Where do I begin ? To tell a story of how great the love can be ….”, câu mở đầu cho những giai điệu lúc trầm, lúc bỗng, bềnh bồng như tâm trạng của anh chàng Oliver Barrett. Sau đó, bản nhạc cũng được chuyển sang Việt ngữ “Biết dùng lời rất khó. Để mà nói rõ. Ôi biết nói gì, cuộc tình quá khó ….”, Elvis Phương hát cũng “ngậm ngùi” lắm lắm !!!
Tháng 12 năm 1974, tôi có dịp ghé thăm đại học Harvard. Dỉ nhiên phải tìm ra đến sân chơi hockey để hình dung lại cảnh nàng Jenny đi ủng hộ chàng Oliver thi đấu cho đội tuyển của trường. Trời mùa Đông ở Massachusetts khá lạnh, nhớ hình ảnh của Jenny quấn khăn phu la, cổ võ cho Oliver rồi liên tưởng tới một nỗi nhớ thân thương của chính mình, lúc bấy giờ cũng đang cách xa vạn dặm !
Trước Love Story, vào cuối thập niên 60′s, có một quyển tiểu thuyết khác cũng gây sôi nổi không kém. The Graduate nói về một thanh niên tuy đã tốt nghiệp đại học nhưng có tâm trạng chán chường, vì không tìm thấy hướng đi trong cuộc sống. Chàng bị một phụ nữ trung tuần quyến rũ để sau đó, lại yêu say đắm con gái của bà này. Thời đó, một cốt truyện như vậy là cả một sự táo bạo và là đề tài cho đám sinh viên chúng tôi bàn tán say sưa sau những giờ miệt mài trong giảng đường hay trong thư viện. Có lẽ những người bạn đó của tôi bây giờ, tuy tản mác tứ phương trên thế giới, cũng vẫn chưa quên tấm poster có hình Dustin Hoffman đứng trước cặp giò khêu gợi của Anne Bancroft ? Nhờ cuốn phim cùng tên này mà Hoffman trở thành siêu sao trên vòm trời nghệ thuật thứ 7.
Và cũng như nói đến phim Love Story thì phải nhắc đến bản nhạc cùng tên của Francis Lai, khi nói đến phim The Graduate thì người ta không thể không đề cập đến bản nhạc The Sound of Silence của cặp bài trùng Simon và Garfunkel.
Hello my darkness my old friend. I’ve come to talk with you again …“. Trầm buồn. Ray rứt. Rã rời.
Đó là sở trường của Simon và Garfunkel, sau này được thể hiện  qua những bản nhạc pop bất hủ khác mà hai người hợp soạn, trong đó có lẽ nổi tiếng nhất là nhạc phẩm Bridge Over Troubled Water với các giòng điệu
When you are weary
When you’re down
When tears are in your eyes
I’ll dry them all .
I’m on your side
When times get rough
When friends just can’t be found
Like a bridge
Over troubled water
I’ll lay me down
.”
Có lẽ tản mạn cũng đã khá nhiều và sắp sửa lạc đề, xin hẹn một dịp khác.

Hưng Việt