Thursday, 27 February 2014

Trường hợp Lý Chánh Trung - Nguyễn Văn Lục

Trường hợp Lý Chánh Trung [1]

Lý Chánh Trung, Tố Hữu, Lê Quang Vịnh, Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Đình Thi. Ảnh: internet
Lý Chánh Trung, Tố Hữu, Lê Quang Vịnh, Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Đình Thi. Ảnh: internet
Trong một bài biên khảo  nhan đề: 20 năm giới trí thức miền Nam, tôi đã có dịp đề cập đến trường hợp Lý Chánh Trung.. như một biểu tượng của trí thức thiên tả miền Nam trước 1975. Nhưng nay ông vào tuổi xế chiều mà thời gian còn lại cho ông không còn bao nhiêu nữa. Vinh danh và quyền lực của đảng cộng sản dành cho ông như chức tước cũng đã đến lúc trắng tay.
Cuộc sống của ông hiện nay lúc cuối đời xem ra thanh bạch, đạm bạc mà nhiều phần là túng thiếu.
Còn nhớ vào những năm tháng ấy, sau 1975- quyền lực trong tay cũng có- vậy mà Lý Chánh Trung cảm động và khoe một cách hãnh diện là vừa có học trò cho một bao gạo.
Bao gạo ấy đượm tình nghĩa thầy trò của người miền Nam, nhưng nó tố cáo một cách gián tiếp chế độ bất nhân ấy.
Cái còn lại như chứng tích duy nhất của nền Đệ Nhất Cộng Hòa để lại cho ông là căn nhà của ông ở làng đại học Thủ Đức, số 17 đường công lý, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, Sài gòn. Chính nơi đây con cái ông lớn lên, được nuôi dưỡng ăn học và nay là cái mái che mưa nắng cho ông lúc tuổi xế chiều[1]
Sự đãi ngộ ấy có thể ông không bao giờ muốn nhìn nhận, có thể ông chỉ coi như một điều đương nhiên là như thế..
Nay được biết ông lại bị  bệnh lãng trí nặng, đi lang thang quên cả lối về nhà. Chắc nhiều bạn bè thương cảm và buồn cho ông.
Buồn thì đúng rồi.
Nhưng với tôi, tôi nghĩ nó lại là cơ may, là nguồn hạnh phúc cho riêng ông.
Nếu ông còn trí nhớ, còn biết vui buồn, còn biết phân biệt thị phi nhìn thấy cảnh đất nước như ngày hôm nay- như trường hợp luật sư Lê Hiếu Đằng- thì có khi  đến chết ông cũng không nhắm mắt được.
Lý Chánh Trung hơn ai hết là một giáo sư triết hiểu sự mất trí nhớ đôi khi lại là là con đường giải thoát cho riêng ông.
Mới đây nhất, cậu con trai út Lý Trung Dũng, sinh năm 1970, phóng viên báo Tuổi Trẻ trước đây bị xe ô tô cán, sau nhiều năm chữa trị đã qua đời ngày 22 tháng11-2013.
Cuộc sống vắn vỏi ấy kết thúc một cuộc đời-kết thúc cả cuộc đời tuổi trẻ đến phi lý- phải chăng Lý Trung Dũng như một con chiên làm vật hiến tế thay cho bố?
Tin chắc là ông buồn vô kể. Như một phần đời của ông không còn nữa. Tôi còn nhớ, đến thăm ông, tiếng kêu của Dũng ở trong nhà vọng ra ngoài phòng khách, ông làm như thản nhiên tiếp tục nói chuyện.
Khi buổi chiều ra về, lòng tôi chùng xuống một nỗi buồn. Trên tay cầm cuốn: Một thời bom đạn, một thời Hòa Bình[2]
Lý Chánh Trung trước 1975, khi viết thường luôn luôn kết án chế độ tư bản bóc lột, đã làm tha hóa con người. Theo ông,con người bị vong thân trở thành những công cụ. Đó là hình ảnh  của những con sen, thằng ở, cô vũ nữ, anh bồi, anh tài xế.. những người lao động là nạn nhận nằm trong mối tương quan :ông chủ- thằng ở.
Hoàn cảnh ấy so với người trí thức miền Nam trở thành công cụ cho chế độ cộng sản thì có khác gì? Nghĩ tới hoàn cảnh người trí thức miền Nam, miền Bắc- hoàn cảnh của một Lý Chánh Trung hiện nay thì  cũng chỉ là một công cụ của chế độ? Nói huỵch tẹt là một thứ nô lệ tệ hơn nô lệ. Bảo sao thì phải nói vậy.
Có bao giờ Lý Chánh Trung nghĩ rằng chính ông hiện đang vong thân, tự đánh mất phẩm tính, nhân cách con người, trở thành những con vẹt biết nói?
Vì thế, tôi thiết nghĩ cần có một bài viết đầy đủ về ông- như một nhân chứng sáng giá nhất cũng như bi kịch nhất- của một trí thức miền Nam đã  tự vong thân cho cộng sản và nếu không nói bây giờ thì còn có dịp nào để nói?
Một lần nữa, tôi muốn đi lại hành trình trí thức cũng như những hoạt động thời VNCH và thời sau 1975 của ông.
Đó là hai thời kỳ, hai chặng đường của một người trí thức tiêu biểu của miền Nam.
Hai thời kỳ ấy, ông đã diễn dịch và phân định bằng hai biểu tượng là:  Một Thời đạn bom. Một thời Hòa Bình.[3]
Một thời đạn bom được hiểu là một thời oan trái do bom đạn Mỹ gây ra. Và một thời Hòa Bình, thời sau 1975 mà dân chúng được hưởng tự do, an bình, hạnh phúc, ấm no.
Thật là mỉa mai quá. Thời bom đạn vì ai nên nỗi. Và thời Hòa Bình, hạnh phúc nơi mô? Hòa bình kiển nào, cho ai sau 1975?
Sự phân hai thời kỳ của Lý Chánh Trung đã giản dị hóa đến cùng cực thực tế đau buồn của cả hai thời kỳ. Nó chỉ còn là những tuyên truyền đầy cảm tính.
Cuộc chiến được tô vẽ như  một bên thật giầu, thật lớn, thật mạnh, một bên thật nghèo, thật nhỏ, thật yếu. Một bên thả bom, một bên hứng bom. Một bên đi giầy, một bên chân không, một bên mập lù, một bên ốm nhách. Một bên cỡi máy bay, một bên chạy bộ…Và cứ thế, trong năm năm trời, không bên nào thắng bên nào..
Và ông có một giấc mơ được huyễn hoặc:
Trên đỉnh núi Sọ, trơ vơ một cây thập giá. Trên cây Thập giá, có một người bị đóng đinh đang hấp hối.. Chung quanh người bị đóng đinh vần vũ một bầy kên lông trắng, lông vàng với những cái cánh bao la che kín mặt trời..
Tôi đến dưới chân Thập giá, ngước mắt nhìn lên.
Người bị đóng đinh là dân tộc tôi[4]
Đọc những dòng trên, tôi có cảm tưởng  Lý Chánh Trung chả thua gì một Tố Hữu ngoài Bắc.
Tôi không nói oan cho ông đâu. Những Lê Hiếu Đằng, những ông Hồ Ngọc Nhuận, những Lý Quý Chung cũng đã từng là những con vẹt biết nói tiếng người như thế cả. Trách ai bây giờ?
Lý Quý Chung trong một dịp trả lời phỏng vấn của Alain Ruscio nhận xét :
‘ Như phần đông những người bạn tôi ở đây, tôi đã sống nghiệm trải hai chế độ báo chí..Trước đây chúng tôi đã là những người thợ bửa củi, còn bây giờ, chúng tôi là những người thợ mộc. Thái độ đã hoàn toàn khác. Bây giờ chúng tôi lao mình vào việc xây dựng. Bây giờ tôi cảm thấy mình có ích cho xã hội hơn cho Việt Nasm, cho dân tộc tôi, liên hệ gắn bó với dân tộc, trách nhiệm hơn’.[5]
Hãy cứ hỏi 700 tờ báo hiện nay ở VN họ là thợ bửa củi hay họ là thợ mộc?
Chính vì làm báo kiểu thợ mộc Lý Quý Chung mà khi giáo sư Trần Văn Giàu đến thăm  tòa báo Tin Sáng lần đâu tiên đã đưa ra lời nhận xét khen mà mỉa mai như sau :
‘ Các anh làm báo cộng sản Như… Cộng sản
Lần sau ông đến khen nhiều hơn :
Các anh làm báo cộng sản Hơn.. cộng sản.[6].
Lời khen này nếu hiểu ra thì quả thực Trần Văn Giàu quá hiểu cộng sản cũng như quá  hiểu những kẻ nịnh cộng sản.
Có nghĩa là các anh nịnh giỏi quá.
Vì thế, Hồ Ngọc Nhuận khi viết cuốn Hồi Ký Đời, đã ghi chú thêm : Chuyện về những người tù của tôiNhững người tù ở đây là ai? Là Nguyễn Ngọc Lan, là Lý Chánh Trung, là Lê Hiếu Đằng, là Ngô Công Đức, là Dương Văn Ba, là Nguyễn Hữu Hiệp mặc dầu họ chưa đi tù một ngày nào trong chế độ mới.
Nói chung, đọc hết các sách của Lý Chánh Trung  như Tìm Về Dân tộc, Tôn Giáo và Dân Tộc, Những Ngày Buồn Nôn. Tôi chỉ thấy những lời nguyền rủa và xưng tụng.
Nó thiếu vắng một nụ cười .
Để cho việc vẽ lại chân dung và diện mạo cũng như hành trình nhận thức hay hành trạng cuộc đời Lý Chánh Trung được đầy đủ, xin chia bài viết làm hai phần:
- Lý Chánh Trung trước 1975- Thời đạn bom
- Lý Chánh Trung sau 1975- Thời Hòa Bình
1.- Cuộc đời Hoạt động của ông trước 1975
Lý Chánh Trung và những người trí thức công giáo
Ông đã tự vẽ chân dung của mình là khi từ Bỉ về nước, ông đã về quê ở Vĩnh Bình và dạy cho một trường học là cơ sở của Cách mạng. Một thời gian ngắn sau ông lên Sài Gòn..Năm 1955, ông từ bỏ Vĩnh Bình- quê ông- và gia nhập vào trong nhóm trí thức công giáo Pax Romana với các quý ông như  bs Nguyễn Văn Ái, lm Nguyễn Bình An( qua đời rất sớm vì bệnh cancer) bs Nguyễn Văn Thơ, luật sư Nguyễn Văn Huyền, các giáo sư Phạm Thị Tự, Phó Bá Long, Trần Long, các chuyên viên như Lâm Võ Hoàng, Anh Tôn Trang, Võ Long Triều, Đoản Thanh Liêm vv
Nhóm này đã tổ chức’ Tuần lễ Hội Học công giáo ‘ và và cho ra ‘ Tủ sách Đạo và Đời »
Đây là giai đoạn hiền lành và trong sáng nhất của một người trí thức như ông. Nó tiêu biểu cho giới trí thức công giáo thành thị mà phần đông du học ở ngoại quốc về.
Sau đó do sáng kiến phần lớn của Nguyễn Đình Đầu để thể hiện tinh thần Công đồng Vatican 2, ông cùng với Nguyễn Văn Trung Nguyễn Đình Đầu, Anh Tôn Trang chủ trương tờ tuần báo Sống Đạo. Trụ sở tờ báo là mượn văn phòng xã hội của linh mục Parrel, trên đường Nguyễn Du, cạnh nhà thờ Đức Bà.
Tổ chức tờ báo có hai bộ phận. Bộ phận viết bài chủ lực là Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung, Nguyễn Đình Đầu, Anh Tôn Trang., Bộ phận phát hành do các anh em trong phong trào Thanh Sinh Công, do anh Phong trách nhiệm đi các giáo xứ. Anh Phong đã ra đi rất sớm khi còn trẻ . Thật đáng tiếc một con người hoạt động xông xáo, lúc nào cũng vui vẻ nhanh nhẹn. Tinh thần của anh Phong  là phục vụ-. phục vụ cho xã hội, cho con người- và cũng là vâng theo Chúa của anh.
Sau đây, xin trích dẫn vài bài báo của Lý Chánh Trung đã được đăng trên Sống Đạo vào các tháng 7,8,9 năm 1962 như :
  • Thân Phận tôi đòi
  • Ông chủ xe hơi và cô thư ký-
  • Hai giới thanh niên
  • Những gót chân non
Các bài viết của Lý Chánh Trung trong thời kỳ này đã có những ám ảnh mà chủ yếu đặt nặng vấn đề Công Bằng Xã hội- một đề tải quen thuộc và được ông khai thác nhiều lần-. Nó  phản ánh một phần các tư tưởng xã hội của chủ nghĩa Mác Xít trong đó có các vấn đề Cần Lao, vấn đề Vong Thân, vấn đề  Bạo động tranh đấu giai câp, vấn đề Bóc lột giữa chủ và thợ  ..vv..
Những ý tưởng then chốt về công bằng xã hội sẽ là những bước mở đường cho Lý Chánh Trung một ngày không xa đến thực sự với cộng sản.
Nói như thế chỉ là hoàn cảnh đặc biệt dành cho Lý Chánh Trung thôi.. Những sinh viên nào ngồi trên ghế nhà trường đã bước qua cổng trường của Platon thì không có gì xa lạ với những chủ đề xã hội trên
Tôi còn nhớ, lúc bấy giờ Báo Sống Đạo bán rất chạy, gây được tiếng vang lớn. Ai cũng hăng say tin tưởng từ anh em viết bài chủ lực, đến các sinh viên và đến anh em phụ trách phát báo.. Phản ứng của độc giả thì nhiều- đủ loai khen chê tức giận cũng có, đôi khi cấm bán báo nữa.-
Phần Lý Chánh Trung được đề nghị làm chủ bút. Nhưng ông thừa biết, bọn trí thức Bắc Kỳ công giáo làm hết mọi chuyện:-Từ sáng kiến cũng do họ- tổ chức do họ- phương tiện vật chất do họ tự liệu- viết cũng do họ. Nhưng họ vẫn đẩy ông ra làm người đứng đầu.. Sau này cũng thế khi làm các tờ Hành Trình, ông vẫn giữ vai trò chủ bút. Nguyễn Văn Trung vai chủ nhiệm. Việc thì người khác làm, danh xưng thì ông nhận.[7]
Và nhóm trí thức này  cũng đã tổ chức được một tuần lễ Hội học xã hội dưới nhan đề: Lương tâm công giáo và công bằng xã hội vào năm 1963, do nhóm Trí thức công giáo Sài gòn. Điều hành và tổ chức cũng do tụi công giáo Bắc Kỳ làm hết. Nhưng bài thuyết trình khai mạc cũng dành cái vinh dự đó cho ông..Với sự góp mặt của Lý Chánh Trung, Trần Văn Toàn, Trần Long, Anh Tôn Trang, Võ Long Triều, Mai Văn Lễ, Lm Nguyễn Bình An, Nguyễn Văn Trung.
Lý Chánh Trung với bài tham luận khai mạc: Sự phát triển của ý niệm Công Bằng trong lịch sử. Nguyễn Văn Trung là người kết thúc tuần lễ hội thảo với:Trách nhiệm hiện tại của người công giáo. [8]
Xin lưu ý là trong tuần lễ Hội thảo này, ban tổ chức đã chỉ mời giới chưc lãnh đạo tôn giáo như TGM Nguyễn Văn Bình, cả Khâm sứ tòa Thánh.. Nhưng đã không mời đại diện chính quyền như ông Trần Kim Tuyến hay Ngô Đình Nhu..
Điều đó muốn nói lên tính cách độc lập của buổi Hội thảo. Và họ củng thừa biết rằng, dù có mời, ông Ngô Đình Nhu cũng không đi dự vì ông không muốn dính dáng vào sinh hoạt của tôn giáo…
______________________________
[1] Làng Đại Học Thủ Đức được thành lập là do một dự án của ông Ngô Đình Nhu muốn đưa một số phân khoa Đại học lên Thủ Đức như một thứ Campus của Tây Phương. Nhưng chỉ mới xây dựng bước đầu làng Đại Học cho các giáo sư thì ông bị thảm sát năm 1963. Chương trình tốt đẹp ấy giống như nhiều chương trình xã Hội khác bị bỏ dở. Khu đất làng Đại Học là do đất mua lại của nông dân với giá rẻ. Các giáo sư được  cho  vay một số tiền rồi được tùy ý xây cất theo ý thích của mỗi người.
[2]  Lý Chánh Trung, Một thời đạn bom, Một thời Hòa Bình. Nxb Đồng Nai. Đây là cuốn sách được xuất bản sau 1975 được chính quyền cộng sản cho xuất bản cùng với cuốn Hồi Ký của Lý Quý Chung. Các cuốn  Hồi Ký khác của Dương Văn Ba và Hồ Ngọc Nhuận bị cấm xuất bản. Nhưng Hồ Ngọc Nhuận vẫn cho in chui, dưới dạng photocopy. Tôi có được một ấn bản này.
[3] Nội dung cuốn sách chắc được xào nấu kỹ càng chỉ có hai mặt : Chê và khen.. Chê miền Nam trước 1975 và khen chế độ XHCN sau 1975 với nhiều phần sai sự thật, lấp liêm, bất công nếu không nói là xuyên tạc.
[4]  Lý Chánh Trung, Những ngày buồn nôn, bài : Bầy kên kên và cây thập giá, trang 160
[5] Alain Ruscio, Vivre au Viet Nam, trang 177
[6] Hồ Ngọc Nhuận, Hồi Ký Đời, bản thảo, trang 73
[7] Tở Hành Trình, tuy chỉ xuất bản được mười số, Nhưng lại gây tiếng vang nhiều nhất. Một bản tin của A.F.P, ngày 12-11-1965 đã đưa tin như sau : Son dernier reproduit un article de revue littéraire mensuelle ‘Itinéraire’ qui semble etr le porte-parole des milieux univertsitaires et intellectuels. (Số ra cuối cùng của tờ báo(chỉ tờ sinh viên Huế) đã in lại một bài bài báo Hành Trình, một tờ báo được coi như phát ngôn viên cho giới Đại Học và trí thức)
[8] Trích Tuần Lễ Hội Học 1963. Nhóm Trí thức công giáo sài Gòn. Lương Tâm Công Giáo và Công Bằng Xã Hội, dưới sự bảo trợ của Tổng Giám Mục giáo khu Sài Giòn,  nxb Nam Sơn

Trường hợp Lý Chánh Trung [2]


Giữa ông Diệm, ông Hồ, Lý Chánh Trung chọn ai? 
Một chọn lựa chính trị?

Ông đặc biệt ác cảm với ông Diệm ngay từ lần đầu gặp gỡ khi còn là sinh viên ở Bỉ. Ông kể lại có gặp ông Diệm một lần khi ông nảy đến thăm sinh viên. Ông tỏ ra thất vọng vì ông Diệm  thân Mỹ và không am hiểu hết về các vấn đề xã hội.
Trong một bài viết, ông còn tỏ ra bất công và miệt thị ông Diệm một cách nặng nề. Mặc dầu khi về Việt Nam, ông cũng đã được trọng dụng hơn ai hết trong guồng máy giáo dục miền Nam. Ông cũng như ông anh ruột Lý Chánh Đức trở thành nhữngcông chức cao cấp trong ngành giáo dục với vị trí giám đốc và Tổng Thư ký bộ giáo dục, rồi giáo sư đại học, có nhà ở khu làng đại học Thủ Đức và đây là những nhận xét đầy miệt thị của ông trước cái chết của ông Diệm:
Nhưng từ đó mà cho rằng chế độ ông Diệm là một thời đại hoàng kim và chỉ cần bắt chước ông Diệm là có thể giải quyết những vấn đề đất nước, như một số tay chân bộ hạ của ông đang tuyên bố rùm beng thì thật là lố bịch và vô liêm sỉ.
Những người đang hò hét khóc lóc chung quanh cái tên ông Diệm như một bầy quạ trên một xác chết..
Và nếu họ không còn chút tự trọng, xin họ dầu sao cũng thương dùm ông Diệm. Tội nghiệp ông! Tôi ứa nước mắt mà viết câu này, xin họ hiểu cho.[15]
Nhưng đối với ông Hồ Chí Minh thì ông tỏ ra cung kính hết mực như trong một bài viết của ông nhan đề:Nói chuyện với người đã khuất, nhân dịp Hồ Chí Minh qua đời.[16] 
Cho nên tôi không tiếc mà cũng không trách cụ Hồ đã lựa chọn con đường cộng sản. Tôi chỉ khâm phục Cụ đã trung thành tuyệt đối với sự lựa chọn của mình. Tôi không thể đi theo con đường của Cụ, nhưng tôi có thể noi gương Cụ để đi tận cùng con đường của tôi, con đường mà tôi đã lựa chọn trước lương tâm tôi, như Cụ đã làm 50 năm trước. 50 năm trước, với sự thành công của Cách Mạng tháng 10, với nhân cách và tài năng vô song của Lê Nin, với cái bầu khí huynh đệ, chí tình, hăng say và tin tưởng trong một đệ tam Quốc tế vừa thành lập với một điểm tựa vững chắc, chủ nghĩa cộng sản đã hiện ra tước mắt Cụ như là con đường duy nhất để giải phóng/ dân tộc và giải phóng con người
Những đoạn văn viết như thế này, nếu có dịp đọc lại thấy ngượng- ngượng cho cả người viết lẫn người đọc-.
Ông viết như thế mà nhiều người không thù oán ông và chính thể của nền Đệ Nhị Công Hòa cũng để ông yên. Ông vẫn được làm đổng lý văn phòng Bộ giáo dục. Đi làm vẫn có tài xế đưa đón.
Ông ăn thóc nhà Chu mà chửi nhà Chu. Hoặc ông rập khuôn cái tinh thần : Nắng được lúc nào thì cứ nắng như trong một bài viết của cụ Phan Khôi chăng?
Nhưng người cộng sản đọc thì đánh giá ông là người cộng sản không có thẻ đảng. Một lời khen hay một lời cảnh cáo?
Thế nhưng, trong cả hai chế độ Đệ Nhất và Đệ Nhị miền Nam, ông đều tạo cho mình một chỗ đứng cao và không phe phái nào oán ghét cả. Và từ chỗ đó, ông là người người miền Nam duy nhất có thể thỏa hiệp, đồng hành với nhiều phía ở ngoài chính quyền. Từ cấp tiến tới khuynh tả rồi cuối cùng tới cộng sản, từ công giáo tới Phật giáo, từ phe cánh miền Nam tới thành phần lực lượng thứ ba thiên tả.
Chỗ nào có chống đối là có ông.
Lý Chánh Trung- nhà trí thức thiên tả- Hoạt động Cánh tả.
"Những Ngày Buồn Nôn" của tác giả Lý Chánh Trung
“Những Ngày Buồn Nôn” của tác giả Lý Chánh Trung
Sau 1963, tình thế xã hội, chính trị,quân sự có nhiều dấu hiệu xấu đi. Tình thế mỗi ngày mỗi bi quan tỏ ra lúng túng, rối loạn, không đường lối, thiếu cả chính nghĩa đến tính hợp pháp.
Sự bất tài càng rõ nét nơi các nhà lãnh đạo miền Nam. Họ thay đổi chính phủ như cơm bửa tạo ra một tình thế bất ổn chính trị.
Nghĩ là có một khoảng trống chính trị về quyền lực nên một năm thay đổi ba bốn chính quyền.
Tâm trạng giới trẻ và giới trí thức rơi vào tinh trạng chán nản và mất tin tưởng hay trăn trở muốn đi tìm một giải pháp cứu nguy miền Nam.
Khuynh tả với thành phần thứ ba xuất hiện như một giải pháp của không giải pháp.
Kể từ đây, gió đổi chiều. Lý Chánh Trung nổi bật lên như một người trí thức tiêu biểu nhất!!! Trí thức khuynh tả đã ra đời trong hoàn cảnh này và thuộc nhiều dạng, nhiều thành phần, nhiều mức độ.
  • Có loại như Thích Nhất Hạnh, Trí Quang,  Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Trương Bá Cần, Phan Khắc Từ, Huỳnh Công Minh, Thiện Cẩm. Hầu hết thuộc giới tu sĩ công giáo hay Phật giáo. Cái lợi điểm của những vị này là bộ áo nhà tu- mầu nâu hay mầu đen không đáng kể- mặc bộ áo nhà tu như một thứ lá chắn chính trị không ai dám đụng tới họ. Phần lớn chỉ sau 1975, họ mới ló dạng và cho biết họ là ai.
  • Có loại trí thức tham gia tích cực như Ngô Bá Thành, Ngô Công Đức, Lý Quý Chung, Trần Ngọc Liễng, Hồ Ngọc Nhuận, Vũ Hạnh, Lý Chánh Trung, Nguyễn Trọng Văn, Lữ Phương, Nguyễn Hữu Hiệp, Trần Hữu Lục, Châu Tâm luân, Ngô Kha, Thế  Nguyên ..Họ được coi là trí thức thiên tả và sau tự nhận là trí thức thuộc lực lượng thứ ba (Troisième force) rồi lần lượt ngả theo cộng sản và chịu sự chỉ huy của cộng sản.
Ở miền Trung có Lê Khắc Quyến, Tôn Thất Hanh, Lê Tuyên, Mai Văn Lễ, Cao Huy Thuần, Ngô Kha, Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường mà mức độ ngả theo cộng sản cũng khác nhau. Có theo đậm, có theo một cách chừng mực, nửa chân trong chân ngoài.
Loại đông nhất chiếm đa số chỉ lên tiếng phản kháng- trí thức thiên tả- mà không hẳn ngả theo cộng sản.
Có thể gọi chung là trí thức sa lông chỉ nói mà không dám làm, chỉ viết mà không thực sự dấn thân nhập cuộc. Họ là những trí thức, giáo sư, nhà văn, có cả sĩ quan  trong quân đội VNCH. Đứng đầu là Nguyễn Văn Trung rồi kéo theo Trần Bích Lan tức Nguyên sa, Nguyễn Khắc Ngữ, Diễm Châu, Trịnh Viết Đức, Nguyễn Đông Ngạc, Thảo Trường, Nguyễn Tử Lộc, Đỗ Long Vân, Thái Lãng, Thế Uyên. Và nhiều tên tuổi khác viết cho Đất nước, Hành Trình như Nguyễn Quốc Thái, Du Tử Lê, Bùi Khải Nguyên,Trần Văn Toàn. Huỳnh Kim Khánh, Bùi Tiến, Sầm Thương, Thế Phong. Nguyễn Tử Lộc, Nguyễn Tử Quý, Ngô Thế Vinh, Trần Tuấn Nhậm, Võ Hồng Ngự, Nguyễn Quốc Thái, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Ngọc Lan, Cao Thanh Tùng, Chu Vương Miện, Hương Khê, Thái Lãng, Luân Hoán, Trịnh Viết Đức
Mặc dầu viết cho Hành Trình, Đất Nước hay Trình Bảy, mặc dầu bầy tỏ thái độ băn khoăn có thể bất mãn, họ vẫn có tư thế độc lập.
Nhóm Hành Trình không phải đơn độc. Bên cạnh đó còn có nhiểu nhóm khác như Lực Lượng Tranh Thủ Cách Mạng, Phong trào Dân Tộc Tự Quyết, Ủy Ban Vận động Hòa Bình, Phong trào Bảo vệ Hòa Bình, Hạnh Phúc dân tộc và cuối cùng là Lực Lượng Hòa Giải Dân Tộc.
Những phong trào này- dù chỉ là những tên gọi khác nhau- có dấu hiệu cho người ta ngờ vực là con bài của cộng sản như trường hợp Thích Quảng Liên.
Bên cạnh đó còn có những phong trào văn nghệ phản kháng, trở về nguồn như Phong trào Du Ca, Tâm Ca, Da vàng ca.. Những phong trào văn nghệ  này thực chất có thể chỉ là những khát vọng Tuổi trẻ và không có những vận động chính trị hay sự xâm nhập của cộng sản.. Và vì thế, nó được nhiều giới trẻ hưởng ứng tham gia.
Cho nên việc phân định ranh giới rõ rệt các nhóm trí thức khuynh tả không phải là một điều dễ dàng gì.
Nhưng nhìn chung, nhóm Hành Trình được coi là nhóm khuynh tả tiêu biểu ..Đa số những người trong nhóm đã ở tuổi trưởng thành, có sự nghiệp vững vàng và họ tham gia với tính cách tự nguyện.
Sợi dây nối kết họ lại với nhau chỉ vì họ có một số quan điểm khá tương đồng có thể gói trọn trong một số ý tưởng nòng cốt sau đây :
-  Chống mọi hình thức can thiệp của Mỹ  vào miền Nam. Điều mà có thể thời chính ông Diệm, ông Nhu cũng chủ trương như thế.
-  Chống lại cuộc chiến tranh đang diễn ra mà theo họ, đó chỉ là một thứ chiến tranh ủy nhiệm.
-  Gián tiếp chống lại chính quyền miền Nam mà theo họ chỉ là tay sai bản xứ do Mỹ chỉ đạo.
-  Cổ võ cho một quan điểm Cách Mạng Xã Hội không cộng sản được gọi là đường lối thứ ba.
Phải nhìn nhận rằng đa số thành viên chính của tờ Hành Trình đểu là người công giáo, nhưng với chủ điểm và đường lối của họ đã tách rời khỏi đường lối chung của Hội đồng Giám Mục Việt Nam cũng như giáo dân Việt Nam.
Nhất là nó đi ngược với đa số người công giáo nói chung. Trên căn bản, những người công giáo đa số thầm lặng này vẫn khẳng định vị thế đối kháng đến một mất một còn với cộng sản..
Nội dung các bài viết nhất là nhóm Đất Nước, Hành Trình thường bầy tỏ nỗi băn khoăn, trăn trở về thời cuộc, về hiện tình đất nước và muốn tìm ra những giải pháp và hướng đi cho mình.. Đó là các bài viết mang tựa đề như: Cùng nhau cảm thức về một nỗi buồn nhược tiểu, Cách mạng của người nghèo,, Độc tài hay dân chủ, Tìm một hướng đi cụ thể cho cuộc cách mạng Việt Nam, Cách mạng và dân chủ,
Nhưng chỉ đến đây là điểm chung, điểm dừng lại, điểm rẽ ngoặc giữa Lý Chánh Trung và Nguyễn Văn Trung..
Họ khác nhau vì thái độ chọn lựa dấn thân, hành động hay không hành động.
Lý Chánh Trung cũng như Nguyễn Văn Trung và có thể nhiều người khác như giáo sư Châu Tâm Luân, Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, luật sư Trần Ngọc Liễng đều nhận được những bức thư lấy danh nghĩa sinh viên học trò. Trong đó, đại diện cộng sản tìm cách thúc dục đặt vấn đề tranh đấu, dấn thân cụ thể thay vì chỉ sống trong môi trường đại học viết bài.
Người thảo ra những bức thư ấy có thể là Trần Bạch Đằng, Phạm Chánh Trực hay Năm Nghị. Sau đó được giao những sinh viên như Trần Thị Lan tiếp xúc các vị trên..
Nhiều người trong số đó đã bị mắc bãy và chính họ – như trường hợp Lý Chánh Trung đã thú nhận..
Lý Chánh Trung viết:
Chính anh em sinh viên đã kéo tôi ra khỏi tình trạng bất động ấy bằng lời mời gọi của họ. Sự dũng cảm ấy đập vào tim óc mọi người và bắt mọi người phải suy nghĩ..
Nhất là trong bài viết: Nói chuyện với người học trò, ông ghi lại như sau:
Theo con nghĩ, cần phải có một hành động cụ thể, kịp thời, không trí thức và hữu hiệu. Hành động cụ thể, kẻ cạn suy xét mới không ngộ nhận hành vi của thầy là một phản ứng nhát thời của lương tâm trí thức, hay một sự hiện diện tượng trưng, coi cho được với lịch sử..
Thầy chỉ suy tư về những nỗi đau khổ, những niềm tuyệt vọng của kẻ khác, mà thầy chưa nằm trong những nỗi đau khổ, những niềm tuyệt vọng đó. Thế đứng của thầy là ở ngoài, ở trên.
Thầy cũng đã suy tư về một cuộc cách mạng theo phương cách nào đó cho một lý tưởng công bằng xã hội mà em biết rằng thầy chỉ đứng ngoải cuộc cách mạng lý tưởng đó thôi..[17]
Đây là những lời lẽ khích động, đánh đòn tâm não, đánh vào tự ái của người trí thức.. Lý Chánh Trung đã bị  kích động và làm theo sự kích động ấy sau nhiều trăn trở..
Và cũng kể từ đây có một Lý Chánh Trung đã lột xác, đã dấn thân, nhập cuộc.
Và cũng kể từ đây chia ngã rẽ với những người như Nguyễn Văn Truug. Một bên rời bỏ tháp ngà suy tưởng, một bên tiếp tục con đường suy tư- nhưng ngại dấn thân, ngại nhập cuộc..
Và dần dần kể từ năm 1968, Lý Chánh Trung đã có thể tự coi mình là người của Đảng- đã tiếp xúc với người của Mặt trận- đã được đưa lên vùng mật khu- đã nhận chỉ thị, đã viết theo đường lối của Mặt trận..
Thay vì được điều động vào mật khu, Lý Chánh Trung được khuyến cáo ở lại thành phố, quấy phá bằng ngòi bút, có mặt trong các cuộc biểu tình, xuống đường của giới sinh viên..
Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu thời bấy giờ cùng lúc phải đối đầu với hai mặt trận.
Ngoài Sài gòn, cuộc chiến được giải quyết bằng bom đạn, bằng những trận mưa pháo ban đêm vọng về thành phố ngủ không yên giấc vì những tiếng ì ầm. Binh lính ngày đêm phải đối đâu trực diện với cái chết từng ngày, từng giờ.
Trong thành phố là một trận chiến bằng hàng rào kẽm gai, bằng lưu đạn cay và những biểu ngữ, hô hào đủ kiểu..
Và Lý Chánh Trung đứng bên ngoài cổ võ:
Khóc đi con, khóc cho quê hương của con đã rách nát như áo ăn mày, cho những cánh đồng loang lổ vỉ bom đan, xơ xác vì thuốc khai quang, cho những thành phố tanh ôi mùi tinh trùng Mỹ, cứt đái Mỹ, rác rến Mỹ, đô la Mỹ..
Khóc đi con, khóc cho các anh các chị con đang bị giam cầm, đánh đập mà không ai biết vì tội gì, và sắp được đưa ra xử trước một tòa án mà không ai tin”.[18]
Có nhiều cách móc nối.  Và cộng sản đã móc nối được nhiều người, trên dưới cả trăm người.
Tôi không biết ai đã móc nối Lý Chánh Trung mà cứ như những điều ông trình bày thì có thể là học trò. Trường họp Nguyễn Trọng Văn cũng vậy. Riêng Nguyễn Văn Trung thì có ông Thanh Nghị (chồng bà Tâm Vấn) rủ Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Đỉnh Đầu, Nguyễn Ngọc Lan vào khu.
Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Đình Đầu từ chối tham gia vào sinh hoạt chính trị. Chỉ có Nguyễn Ngọc Lan nhận lời và đã vào khu.. Những việc móc nối này, theo tôi, ngành mật vụ biết hết, nhưng để yên, chỉ theo dõi..
Năm 1968- Tết Mậu Thân là thời điểm quyết dịnh dứt khoát ai theo, ai không theo cộng sản. Có một lằn ranh rõ rệt, lộ mặt và nhiều khi không còn dấu diếm nữa
Như Lý Chánh Trung tự thú nhận:
Trong những năm đó, nhất là từ sau tết Mạu Thân, tôi đã tham gia hầu hết các phong trào đấu tranh công khai tại thành phố.[19]
Ông xác định rõ hơn:
Nhưng tôi cũng phải vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, và nếu không có sự mời mọc, lôi kéo của những người trẻ tuổi, thì rất có thể tôi đã không tham gia đến mức độ ấy. [20]
Nhưng những cái chung đó không đủ để nối kết họ làm một.. khi tình thế chuyển biến.. Nguyễn Văn Trung dừng lại ở bình diện nhận thức, phân tích, tra hỏi, bới tìm, chứng minh bằng lý luận. Lý Chánh Trung viết ít chú ý đến mặt lý luận với nhiều độ cảm tính, viết bằng cả tâm tình, khơi dậy, đánh động và nhất là nhập cuộc, tham gia gia vào các cuộc biểu tình, xuống đường.. và ở cuối đường gia nhập tổ chức cộng sản..[21]
Rồi đến 1975 thì kết quả một người bị đi tù, một người được trọng vọng, cất nhắc..Nhưng số phận sau cùng dành cho họ ra sao. Đó mới là điều quan trọng.
Sắc thái chung của những trí thức thiên tả
Đó là một sinh hoạt đứng bên lề trái, đứng để phê phán, đứng để chống lại cái chính thống. Đó là thái độ bất mãn thường trực với cái đang có, cái trật tự hiện có còn dở dang, chưa hoàn chỉnh,-cái chính quyền hiện tại-. Chống  bất kể là ai, bất kể là đệ nhất hay đệ nhị cộng hòa, Chống là chống. Hay cũng chống, dở cũng chống, chống một phía.
Người cánh tả thường chỉ nhìn thấy những kẽ hở, những điều xấu, điều tiêu cực-quên đi những điều tốt đẹp- đứng về phía thiểu số hay đứng về phía kẻ bị coi là bị áp bức, người nghèo. Hoặc rộng lớn hơn họ đứng lên bênh vực các nước nghèo, nước bị trị, kém mở mang..
Sau này tạm đủ lớn mạnh, ông đã tự nhận mình là thuộc thành phần lực lượng thứ ba.(Troisième Force). Có nghĩa không phải là quốc gia chống Cộng mà cũng không hẳn là cộng sản. Nhiều chỗ trong những bài báo trên Hành Trình, Đất Nước, Nguyễn Văn Trung và Lý Chánh Trung gọi đó là một thứ Xã Hội chủ nghĩa không cộng sản..
Trong tình thế đất nước chúng ta, lồi hô hào xuông một chủ nghĩa xã hội không cộng sản là một ảo tưởng. Đó là một ước mơ và một đề nghị lơ lửng và còn tin rằng có thể hòa hợp,  hòa giải với cộng sản.
Chính Lý Chánh Trung sau này cũng phải nhìn nhận rằng:
‘ Lực lượng hay Thành phần thứ ba chỉ là một khát vọng hơn là một thực lực thực tế. Tổ chức vỏn vẹn có vài trăm người. Nhóm người đó mở ra mọi phía và đón nhận nhiều ảnh hưởng. Vì thế họ không có một ý thức hệ chính xác nào”.[22]
Chính vì mấy chữ này mà ông bị Nguyễn Trọng Văn viết tham luận tố giác ông và Nguyễn Văn Trung sau 1975. Nguyễn Trọng Văn đóng vai một kẻ đấu tố- một phiên bản của những cuộc đấu tố trong cải cách ruộng đất. Hay là phiên bản của vụ Nhân Văn Giai Phẩm?
Hiện tượng tố giác này, sau 20 năm sống ở miền Nam, tôi chưa hề bao giờ thấy xẩy ra. Tại sao Nguyễn Trọng Văn vốn cũng là một trí thức miền Nam có hạng,  trở thành một tên chỉ điểm, đi tố giác đàn anh. Kẻ đi tố cáo đã tự làm mất bản thân mình trở thành tên đao phủ như Tố Hữu?
Trước những lời tố cáo như thế, Lý Chánh Trung giữ thái độ im lặng.
Trước 1975, ông nghênh ngang ngậm tẩu, đầy phong cách trí thức, đầy tự tin, tham dự các cuộc mít tinh biểu tỉnh như một thứ lãnh tụ sinh viên.
Sau 1975, ông  học làm thinh.
Và để gỡ tội với chế độ, ông đã điều chỉnh cách nhìn, quay 180 độ, đổi giọng. và đây mới là điều đáng trách, đây mới là điều tủi hổ cho trí thức miền Nam.
Thà chạy mẹ ra nước ngoài cho yên. Thà buông súng đầu hàng
Hay thà ngồi trong trại Cải Tạo nó bảo trắng thì mình bảo trắng, nó bảo đen thì mình bảo đen..
Ở đây có ai bắt ông chịu nhục phải viết như thế!!
Trong một bài phỏng vấn của nhà báo Alain Ruscio, ông nói:
Đã từ lâu, tôi vẫn mơ một cuộc cách mạng khoan hòa,  đúng mực và khoan nhượng… Chủ nghĩa xã hội Việt Nam đã đáp đúng nguyện vọng của tôi.. Chúng tôi đã làm mọi cách để xã hội mới được hình thành với ít đau đớn bao nhiêu hay bấy nhiêu… Ảnh hưởng của Hồ Chí Minh về điều này là một yếu tố quyết định.[23]
Ở chỗ bạn bè, chỗ những người quốc gia, ông lý luận rất khéo léo  để che đậy, rất thuyết phục.
Tôi chỉ đồng hành với họ (cộng sản), nhưng không là đồng chí.
Một lối nói ngụy biện chỉ những tay biện luận triết học có tay nghề mới nói được như thế.  
Bởi vì cũng trong một bài trả lời phỏng vấn Alain Ruscio, ông được coi là dại diện cho thành phần thứ ba, ông lại nói khác. Ông cho rằng:
Người ta không thể nào là người yêu nước, yêu hòa bình, hòa hợp dân tộc mà lại đồng thời có thể chống lại cộng sản.[24]
Ở đây lại là một lối ngụy biện cao đồng hóa tình tự yêu nước và yêu Đảng vào làm một.
Điều này rõ ràng ông học được- không phải từ trường đại học Louvain- mà từ trường Đảng, trường dạy ngụy biện gian dối có đẳng cấp nhất mà tôi thường được nghe từ những nhà trí thức đủ loại ở Hà Nội.
Tôi có thể bỏ qua cho ông tất cả những gì ông đã làm, đã nói trước 1975-. Nhưng thật là khó cho tôi không thể dung nhượng được những điều ông nói và làm sau 1975..
Nói cho cùng, cả Lý Chánh Trung, cả Nguyễn Trọng Văn tiêu biểu cho một bi kịch của trí thức miền Nam sau 1975.
Có lẽ lời nhận đinh của Nguyễn Văn Trung đáng nhẽ trước tiên phải được dành ưu tiên cho Lý Chánh Trung- người bạn đồng hành của ông- mới phải:
Tham gia cách mạng là tham gia vào quá trình tự tiêu diệt chính mình.
Ông chọn một thế đứng chênh vênh như thế ở miền Nam trước 1975 cũng có phần nào hiểu được, nhưng nhiều phần đó chỉ là một ảo tưởng, lãng mạn chính trị. Nhiều phần là không thực tế. Nếu không nói là ngây thơ, khờ khạo vì không hiểu được thực tại chính trị.
Ngay từ thời sinh viên khi còn học triết học ở Louvain vào thập niên 1950 cùng với nhiều sinh viên khác như Trần Văn Toàn, Lê Tôn Nghiêm vv, ông đã ngả theo  khuynh hướng triết học Mác Xít, chống Pháp.
Sự ngả theo như thế hầu như là một cái mốt của giới trí thức trẻ.
Phảỉ tả phái mới được.
Tả khuynh mới được coi là có đầu óc, trí thức. Nó chẳng khác gì cánh trí thức tả của  Pháp như A. Camus, Simone de Beauvoir, J.P. Sartre, André Gide hay các nhà báo như  Bernard B. Fall,  J. Lacouture, Stanley Karnow, Alain Ruscio, David Halberstam, Oriana Fallaci  vv..
Và nếu nói theo khoa học bây giờ, người ta tìm thấy trong đầu con người có những loại Genes đặc biệt như Gène de Dieu, có tên khoa học là VMT, gène về đồng tính vv . Người có gène tôn giáo này có những khuynh hướng thần tính, siêu nhiên khó mà cắt nghĩa được.  Cái Gène tôn giáo  xác định cái căn cước, cái thần linh ngự trị trong cuộc sống của một người.?.[25]
Nếu đã có những gènes về tôn giáo và đồng tính thì cũng có thể có những loại Gènes về chống đối, bất mãn và xung đột..Nếu thực sự  cũng có những gènes như vậy thì có thể lý giải được nhiều điều về cá tính con người cũng như cách hành xử  của những người tả phái.
Họ có cái gene bất mãn nên luôn ở thế đối đầu, chống đối.
Phải chăng Lý Chánh Trung về phạm vi tâm sinh lý có một não trạng bất mãn thường trực  và điều đó làm nên cá tính, nhân cách của ông chăng?
Nhưng nói chung, trong số thành phần trí thức thiên tả ngả theo cộng sản thì theo tôi người tiêu biểu về mọi phương diện là Lý Chánh Trung…Tiêu biểu của ông có thể về mặt nhận thức, trí thức, về mặt dấn thân nhập cuộc, tiêu biểu cả về mặt thành thật hoặc không thành thật, tiêu biểu của việc đón chiều gió, tính cơ hội cũng có, khi nào cần phải lên tiếng và khi nào cần biết im lặng.
Có thể ông không phải là loại người quá khích, hung hăng sốc nổi. Trái lại điềm tĩnh và cân nhắc mỗi khi phát biểu, đôi khi dè dặt cẩn trọng, có tính toán, cân nhắc…
Vì ở thế đối lập, ông luôn tỏ ra thái độ từ bất mãn đến chống đối các chính thể từ Đệ Nhất sang  Đệ Nhị Cộng Hòa.
Ông luôn có việc để làm, để chống đối mà không bao giờ sợ thất nghiệp.
Vậy mà ông đã thất nghiệp sau 1975, vì không có gì để chống đối nữa.
Chống độc tài, chống kỳ thị tôn giáo, chống gia đình trị, chống cá nhân ông Diệm, chống chiến tranh, chống Mỹ Ngụy, chống tham nhũng, chống cá nhân ông Thiệu như tay sai Mỹ.
Nhưng đó là thứ chống một phía.
Không bao giờ dám nhìn nhận sự thật phía cộng sản đang làm gì ?
Chống chán rồi đòi.  Đòi tự do, tự do báo chí, đòi dân chủ, đòi thả tù nhân chính trị, đòi thả những sinh viên theo cộng cộng sản nằm vùng, ngay cả những đặc công cộng sản. đòi quyền cho phụ nữ..
Chống và đòi. Đó là hai công việc đi đôi với nhau của ông Lý Chánh Trung.
(Còn tiếp)
___________________________________________
[15] Lý Chánh Trung, Những ngày buồn nôn, trang 138
[16]  Lý Chánh Trung, Nói chuyện với người đã khuất, ngày 21-9-1969 tạp chí Đất  Nước, số 112, trang 15 chủ nhiệm Nguyễn Văn Trung, chủ bút Lý Chánh Trung, Tổng thư ký tòa soạn, Thế Nguyên, tòa soạn, 291 Lý Thái Tổ, Sài gòn
[17]  Lý Chánh Trung, Những ngày buồn nôn, Nói chuyện với người học trò, trang 80-81
[18]  Lý Chánh Trung, Những ngày buồn nôn, Khóc đi con, trãng
[19] Lý Chánh Trung, Trui rèn trong lửa đỏ, Làm và Tin, trang 239
[20] Lý Chánh Trung, Ibid, 239
[21]  Lý Chánh Trung, Trui rèn trong lửa đỏ,  Ibid, trang 240
[22] Alain Ruscio, Vivre au Viet Nam, trang 178
[23] Alain Ruscio, Ibid, , trang 182
[24] Alain Ruscio, Ibid,  trang 214  Ly Chanh Trung m’a expliqué : On ne pouvait être patriote, partisan de la paix, de la reconciliation nationale, et rester en même temps anticommuniste
[25] Dan Burstein et  Anne De Keijzen,  Les secrets, des Anges&Demons, trang 267

Trường hợp Lý Chánh Trung [3]


Ông Lý Chánh Trung và bà Lý Lan Phương, con ông Lý Chánh đức. Ảnh: tatrungtravinh.blogspot.com
Ông Lý Chánh Trung và bà Lý Lan Phương, con ông Lý Chánh đức. Ảnh: tatrungtravinh.blogspot.com

Lý Chánh Trung và nhóm Liên Trường [26]
Nhóm Liên Trường còn được gọi là nhóm Phục Hưng miền Nam. Rất có thể là do những người đứng ra khởi đầu như các ông Nguyễn Văn Lộc, Huỳnh Văn Đạo, Lý Quý Phát. Vả sau đó được sự hỗ trợ của các ông Phan Khắc Sửu, nhất là cụ Trần Văn Hương. Theo giáo sư Lưu Trung Khảo thì do gợi ý của tướng Mai Hữu Xuân với tướng Trần Văn Đôn như một điều chỉnh lại tình trạng lép vế của người miền Nam so với người Bắc.
Sự phục hưng miền Nam thật ra chỉ là đòi quyền lợi, đòi chia ghế, đòi chức vụ mà đăc biệt xảy ra dưới thời cụ Trần Văn Huong- đặc biệt trong ngành giáo dục.
Các trí thức trẻ trong nhóm Liên Trường coi cụ Trần Văn Hương như một mẫu người miền Nam trong sạch, đạo đức, không tỳ vết chính trị.
Họ đã ủng hộ cụ trong việc thành lập chính phủ và chỉ thực sự chán nản khi cụ Hương quyết định đứng chung liên danh với ông Nguyễn Văn Thiệu.
Vấn đề Liên Trường  mặt trái của nó là vấn đề Nam-Bắc.
Mà tiền sử của nó có thể từ thời Đàng Trong và Đàng Ngoài, thời Trinh-Nguyễn..kéo dài gần ba thế kỷ.
Nó bắt đầu từ sự khoanh vùng địa lý, sở hữu đất đai và bảo vệ sở hữu đó nên phải đụng đến binh đao. Nhưng để biện minh cho một thứ chính nghĩa thì người ta phải vận dụng đến vấn đề lịch sử, luân lý và ngay cả một số huyền thoại, vấn đề chính tà để biện minh cho những tham vọng của cả hai phía.
Nhà Nguyễn thống nhất ngôi vua chưa đầy 60 năm chưa đủ thời gian để xóa cào bằng những ranh giới phân biệt địa lý chính trị lịch sử giữa hai miền.
Khi ngưới Pháp chiếm Nam Kỳ, họ đã lợi dụng lá bài Nam- Bắc và chỉ 40 chục năm sau, 1940, họ đã đào tạo được những thành phần tay sai bản xứ có trình độ chuyên môn cho một loại trí thức Nam Kỳ tự trị..Thật sự thành phần này chẳng những kỳ thị Nam-Bắc, còn phân biệt giai cấp giàu- nghèo, giai cấp thống trị- bị trị như một thứ người ngoại quốc trên chính quê hương mình.
Khi người Pháp ra đi thì không có nghĩa là ảnh hưởng văn hóa Pháp không còn nữa. Nó tạo ra một tồn tích mà nay ta gọi là hiện tượng hậu thuộc địa.
Cái chết của Thủ tướng Thinh coi như một lời cảnh cáo cho những ai còn nuối tiếc nó..
Sau 1955, tưởng như vấn đề kỳ thị Nam- Bắc nay nó đã thuộc về lịch sử rồi.
Nhưng cuộc di cư 1955 một cách gián tiếp như một cú sốc về văn hóa, xã hội..Cú sốc ấy hiểu được và không tránh  khỏi được những đụng chạm phải có..
Ông Diệm có thể là người đã dẹp tan và giải mã được những đợt sóng ngầm ấy.
Sau 1963- một thời kỳ nhố nhăng, đầy xáo trộn đã tạo dịp cho những cơ muu chính trị nhó đầu lên.
Cái nhen nhúm ấy thật sự chỉ nhằm một thế đứng chính trị chẳng khác gi cái thế đứng dựa vào các tôn giáo lớn như Phật giáo-công giáo.
Người làm chính trị muốncó cái thế thì phải đi qua cổng nhà chùa hoặc cổng nhà thờ hoặc tính địa phương..
Nhiều dân biểu đắc cử vì dựa vào cái thế địa phương của mình.
Lý Chánh Trung có mặt trong nhóm Liên Trường và được giữ chức Đổng lý văn Phòng bộ giáo dục.. Công việc của ông là dọn dẹp một số chức vụ chỉ huy trong ngành giáo dục và Vụ Học Đường Mới. Việc làm này hết sức đáng trách như những việc sau đây:
  • Thuyên chuyển giáo sư Đàm Xuân Thiều (gốc Bắc) vốn là một nhà giáo gương mẫu, thanh liêm và đạo đức từ Giám Đốc Nha Trung Học đầy lên Ban Mê Thuột.
  • Ông  Đặng Trần Thường, cũng bị mất chức giám đốc Nha khảo thí cũng bị đầy lên cao nguyên
  • Giáo sư Trần Ngọc Ninh nói với tôi rằng chính ông là người đề ra  Chương trình Học Đường Mới, có tên là CPS nhằm đưa giới trẻ vào các sinh hoạt ngoài phạm vi nhà trường. Có khoảng 30 gíáo sư nằm trong chương trình này. Ông đang đi dự một Hội Nghị Quốc tế về Giáo dục do Unesco tổ chức tại Băng Cốc mà lần đầu tiên Nga tham dự. Khi về đến phi trường Tân Sơn Nhất- do áp lực của nhóm Liên Trường áp lực ông Nguyễn Cao Kỳ- buộc giáo sư Trần Ngọc Ninh phải từ chức. Họ đã thay thế Tổng trưởng giáo dục bằng một người khác là ông Nguyễn Văn Trường. Ông Trần Ngọc Ninh sau đó lẳng lặng rút lui. Và những người thay thế  là Nguyễn Văn Trường, Lý Chánh Trung đã xóa sạch toàn bộ các chương trình ấy.
  • Hiệu trưởng các trường trung học gốc Bắc như Hồ Ngọc Cẩn, Trần Lục bị thay thế thế bằng người miền Nam.. Trường hợp ông Lâm Phi Điểu- một người bạn tâm giao của ông Võ Long Triều được điều về làm Hiệu trưởng Hồ Ngọc Cẩn.. Chẳng may ông này bị tai biến mạch máu não phải ngồi xe lăn. Mặc dầu vậy, ông vẫn giữ chức Hiệu trưởng nên các giấy tờ công văn, tùy phái phải đến nhà ông để ông duyệt xét ký.
  • Một số hơn 20 giáo sư trung học nằm trong chương trình Học Đường Mới bị trả về nhiệm sở cũ..như các quý ông Lê Đình Điểu, Hà Tường Cát, Phạm Phú Minh, Đỗ Quý Toàn, Trần Đại Lộc, Phan Văn Phùng…
  • Chính tôi đã hỏi thẳng ông Lý Chánh Trung về việc thuyên chuyển này, nhưng ông chối quanh và không nhận trách nhiệm do chính tay ông ký Sự Vụ Lệnh thuyên chuyển
Nhìn lại việc này, tôi vẫn cảm thấy bực bội về thái độ và cách hành xử của giáo sư Lý Chánh Trung và bao nhiêu những cảm tình tốt dành cho ông từ những năm làm báo Sống Đạo tan ra mây khói..
Những việc tranh đấu, những điều ông viết trở thành những dấu hỏi về tính lương thiện trí thức có hay không?[27]
Từ đó nó cũng đặt câu hỏi phải chăng ông là người có tính xu thời, thứ chủ nghĩa cơ hội, gió chiều nào ngả theo chiều đó.Tôi thật sự không dám dấn sâu hơn những suy nghĩ của mình về vấn đề này..
Cũng may là bác sĩ Nguyễn Văn Thơ, một người cũng miền Nam- một tổng trưởng liêm chính- sau đó thay thế ông Nguyển Văn Trường đã không đồng ý các việc giáng chức,  bổ nhiệm có tính cách trừng phạt ấy.
Lý Chánh Trung với các sinh viên tranh đấu theo cộng sản
Việc từ bỏ tháp ngà của một giáo sư đại học văn khoa cũng như một công chức cấp cao của ngành giáo dục và quyết định dấn thân sát cánh với nhóm sinh viên tranh đấu thân cộng sản là một bước ngoặt trong cuộc đời sinh hoạt chính trị của ông.. Những băn khoăn, thắc mắc của tôi là tại sao ông chọn lựa thái độ dấn thân ấy? Tôi đã thăm dò nơi một hai người bạn thân của ông..Nhưng kết quả không là bao nhiêu..
Tôi cũng không bằng lòng với những bài viết như thú nhận tại sao ông đã nhập cuộc và theo cộng sản vì lý tưởng cộng sản un đúc từ thời sinh viên, vì nghĩ rằng nó có tính cách trang điểm cho những việc làm của ông sau này.trước Đảng..Bài viết của ông nhan đề: Làm Và Tin viết như một thứ Trả Bài làm tôi nghi ngờ tính lương thiện trí thức ở trong đó, bởi vì nó được nhắc nhở đến ngay từ hồi còn sinh viên mà Lý Chánh Trung đã có niềm xác tín như thế với Đảng cộng sản
Ông đã viết như sau:
Lúc còn bên Pháp trong những năm 1950, tôi đã nghĩ rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ thắng trên toàn thế giới như nó đã thắng tại nước Nga, tại các nước Đông Âu và tại Trung Quốc, như nó đã thắng tại Việt Nam, không những vì đó là hướng đi của lịch sử mà còn vì đảng cộng sản là một tổ chức hữu hiệu nhất đã xuất hiện trong lịch sử từ trước đến nay. Riêng tại Việt Nam, hiệu năng ấy còn tăng lên gấp bội vì ở đây, Đảng cộng sản đã lãnh đạo từ đầu cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc và đã thu hút được sự ủng hộ của mọi tầng lớp và mọi giới đồng bào.
Tuy không phải là người cộng sản, tôi thành thật mong muốn sự thắng lợi của chủ nghỉa cộng sản trên thế giới và tại Việt Nam, vì tôi chon rằng chỉ chủ nghĩa cộng sản mới tạo dựng được cái xã hội thật sự tự do, bình đẳng và huynh đệ mà tôi hằng mơ ước. Những tin tưởng hoàn toàn nơi thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản như tin một sự thật khoa học, bất kể những điều kiện khách quan có thể biến đổi ra sao, thì thú thật là tôi chưa tin nổi[28]
Tôi đi tìm một lối giải thích khác và tôi nghỉ là nó chính xác hơn..
Ông đã chạy theo những đám thanh niên thiên tả mà một số là cộng sản nằm vùng. Đặc biệt nhất là sinh viên Y khoa Huỳnh Tấn Mẫm.
Đối với tôi thì sinh viên này trước 1975 là thứ phá hoại- một thứ phá làng phá xóm do cộng sản giật giây.
Giá trị của anh ta  là ở chỗ ấy.. Sau 1975, không dùng được vào việc gì cùng lắm dùng làm cảnh..
Từ đó đến nay, gần 40 năm, anh sinh viên nay mang thân phận dư thừa. Không có chỗ đứng.
Có dịp đọc lại hết những hoạt động của Thành Đoàn TNCS của thành phố Hồ Chí Minh mới chính thức được thành lập năm 1966, tôi thấy hết được bối cảnh chính trị miền Nam trong những năm tháng cuối cùng..
Chúng ta biết rằng có một cuộc chiến tranh trực diện, cuộc chiến tranh ở ngoài Sài gòn bằng bom đạn, bằng trực thăng, bằng đại bác 105 ly, bằng đô la để đổi lấy những xác chết- và cũng có một cuộc chiến bằng súng cối, bằng hầm chông, bằng ám sát, thủ tiêu và cuối cùng bằng xe tăng đại pháo với những xác người bị phơi thây bên bờ kinh, bờ rạch.
Nhưng có một cuộc chiến tranh thứ hai ngay giữa lòng Sài Gòn bằng biểu tình, tuyệt thực, xuống đường, bằng hô hào đả đảo, bằng lựu đạn cay và nước mắt và bằng những hàng rào kẽm gai
Cuộc chiến cân não này ít ai nói tới vì không thể đếm những xác người.
Nó cũng không có biên giơi rõ rệt, trộn lẫn Ta và Địch, vì Địch cũng có thể là ta.
Cuộc chiến trên đường phố ở Sài Gòn diễn ra ở hai mặt:
-  Mặt nổi là những cuộc biểu dương lưc lượng của giới sinh viên học sinh như biểu tình, xuống đường, đòi cái này, cái kia, ngay cả việc đòi thả những cán bộ cộng sản như Vũ Hạnh, sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm, Dương Văn Đầy. Lý Chánh Trung đã có mặt trong nhữ cuộc biểu dương này và ông đã viết như sau trong Một thời đạn bom, một thời Hòa Binh:
‘ Tôi đã đến đây tham dự buổi tuyệt thực của 20 giáo chức Đại, Trung  và Tiểu học tại tỏa Viện trưởng Viện Đại Học Sài Gòn, để yêu cầu nhà cầm quyền trả lại tự do cho các sinh viên, trong đó có anh Huỳnh Tấn Mẫm đã bị giam giữ trái phép đúng một tháng qua và đang tuyệt thực, tuyệt ẩm trong khám Chí Hòa. Trong lúc mấy anh em hát, tôi cảm động không dám nhìn lên, chỉ nhìn xuống..[29]
Thế nào là trái phép? Bắt giam một anh cộng sản nằm vùng là trái phép? Đã không ai đặt ra câu hỏi này cả..Và sau 1975, Đã bao nhiều người đã vào tù một cách oan khuất, đã có lần nào, Lý Chánh Trung dám lên tiếng một lần’?
-  Mặt thứ hai của cuộc chiến tranh đang diễn ra tại thành phố Sài Gòn là công tác được chỉ huy của các đồng chí như Nguễn Văn Linh, Trần Bạch Đằng, Phạm Phương Thảo với vô số tên tuổi như Nguyễn Đông Thức,Hồ Dũng, Anh Ngọc, Lê Văn Nuôi, Hàng Chức Nguyên, Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư. Phạm Chánh Trực.
Và với nhiều bí danh như Tám Lượng, Hai Nghị, Út Thu, Mười Hương, Ba Hoàng, Tư Kiên, Mười Hải, Mười Dũng,, Ba Liễu, Tư Thanhvv.. Đã có hằng trăm tên như thế.
Công việc của họ là ám sát các nhân vật có uy tín của miền Nam như giáo sư Nguyễn Văn Bông, ký giả Từ Chung, báo Chính Luận, chủ bút Chu Tử, hai giáo sư Y khoa là giáo sư Lê Minh Trí, giáo sư Trần Anh và sinh viên Lê khắc Sinh Nhật..
Những công tác của các tổ ám sát này sau được phép kể lại công khai trên báo chí như một thứ giải trí hay một thứ thành tích giết người đang được tự hào.
Sau nữa là việc  đốt xe Mỹ xảy ra ở nhiều nơi..
Để hỗ trợ cho việc đốt xe Mỹ này, tờ Tin Sáng của nhóm Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Lý Chánh Trung đưa ra một bản tin như sau :
‘ Phong trảo đốt xe Mỹ càng ngày càng vang dội vả được mở rộng, thu hút được nhiều tần lớp nhân dân tham gia. Ở Thủ Đức, vào lúc 10 giờ sáng ngày 10 tháng19 năm 1971,đồng bào đã tự động phóng hỏa đốt  một xe Đại Hàn. Hành động này, đồng bào Thủ Đức nói là hỗ trợ cho chiến dịch đốt xe Mỹ của Ủy Ban đòi Quyền sống đồng bào tổ chức nhằm trả thù cho đồng bào Bình Thạnh và các tỉnh miền Trung bị lính Đại Hàn giở trò man rợ’.[30]
Cũng tờ Tin Sáng số ra ngày 21 tháng 10 nam8n 1971 với hàng tít lớn :
‘ Từ tờ mờ sáng 20-10, sinh viên học sinh mở cuộc săn đốt xe Mỹ trong khu vực tam giác sắt Trần Quốc Toản- Cao Thắng-Kiều Công Hai…
Việc đốt xe Mỹ này là do những tổ trinh sát thi hành. Tờ báo Tin Sang đã tuyên truyền bịp bợm đổ cho đồng bào một cách vô tội vạ.
Ngày nay, họ còn tỏ ra hãnh diện và công khai hóa những vụ ám sát này như một thứ thành tích đáng được biểu dương..
Một tờ báo như Tin Sáng thế mà không ai nghĩ đến việc đóng cửa và bỏ tù bọn họ.
Với hai mặt trận như thế mà chúng ta đành thua người cộng sản.
____________________________________
[26] Nguyễn Văn Lục, Nhìn lại vấn đề kỳ thị Nam-Bắc, dcvonline.net
[27] Hồi ký Võ Long Triều, trang 329
[28] Lý Chánh Trung,  Trui rèn trong lửa đỏ, trang 229
[29]  Lý Chánh Trung, Một thời đạn bom, một thời Hòa Bình. Tr.62
[30] Trui rèn trong lửa đỏ, trang 122-123

Trường hợp Lý Chánh Trung [4]


Linh mục Nguyễn Huy Lịch
Tôi muốn thêm về vụ linh mục này.
Ảnh: tatrungtravinh.blogspots.com
Ảnh: tatrungtravinh.blogspots.com
Gốc gác gia đình cha Lịch thuộc loại trí thức cấp tiến, thiên tả ở Hà Nội. Bố là luật sư , chống Pháp nên ngả theo phía bên kia. Sau khi cha Lịch thi đỗ tú tài có ngỏ ý xin đi tu và đã bị ông bố tức giận bợp tai vì muốn cha học làm luật sư. Rồi cuối cùng cũng chiều theo con. Cha Lịch sau đó sang Pháp du học.
Năm 1954, bố mẹ cha chọn ở lại Hà Nội cùng với một người em gái tên Khanh.
Năm 1955, thay vì về Hà Nội với gia đình, cha chọn vào miền Nam. Về làm Tuyên úy sinh viên công giáo Câu Lạc Bộ Phục Hưng, số 43 Nguyễn Thông. Nói đến cha Lịch, một số đông sinh viên công giào cũng như không công giáo đều có một thái độ trân trọng, kính mến cha vì tinh thần cởi mở và hòa hợp- không phân biệt tôn giáo- xu hướng chính trị. Danh sách khỏang 500 sinh viên đã từng ở đây xin kể một vài người :
“Nguyễn Đức Quý, Hoàng Ngọc Tuệ, Bùi Thế Cần, Ngô Khắc Tỉnh, Đoàn Thanh Liêm, Bửu Sao, Trần Ngọc Báu, Tô Lai Chánh, Đặng Tiến, Cao Huy Thuần, Vĩnh Linh, Pham Đăng Long Cơ, Đỗ Phan Hạnh( Chủ tịch Hội cựu hoc sinh Chu Văn An)[33]
Nói chung, người ta nhận ra phong cách trí thức nơi cách diễn đạt- dù bằng những ngôn từ dễ hiểu- pha chút khôi hài tế nhị sự tôn trọng cá nhân cũng như sự tôn trọng ý kiến khác biệt, tạo được bầu khí ôn hòa chấp nhận người khác.
Phong cách đạo đức hẳn cũng có.
Tuy nhiên có thể cha thiếu một phong cách chính trị nào đó. Tôi rất không vui khi nhìn hình ảnh lm Nguyễn Huy Lịch đang leo cái thang để lên trần nhà để xem chỗ lm bề trên Trần Đình Thủ-một cụ già 80 tuổi đang ẩn nấp ở trên đó.
Cái hình ảnh ấy không đẹp tý nào cả. Nó tố cáo một sự hăng say quá mẫn của một linh mục.
Vai trò linh mục không ở chỗ ấy. Cũng chẳng phải vai trò như đứng về phía kẻ cầm quyền đi bắt một kẻ gian vốn là đồng đạo, vốn là người anh em của mình.
Hình ảnh linh mục Nguyễn Huy Lịch leo thang lên chỗ trú ẩn của cha Trần Đình Thủ mà nhiều người không mấy quan tâm, Nhưng nó lại bộc lộ rõ cái bản chất, cái hoạt cảnh trơ trẽn của đám linh mục trí thức tiến bộ thời ấy.
Nó cho người ta thấy rằng có một sự thỏa hiệp đồng lõa giữa những thành phần thiểu số tiến bộ trong công giáo với chính quyền cộng sản..
Trong khi đa số giáo dân, đa số linh mục tu sĩ sống thấm lặng, chịu đựng, giữ phẩm cách và không hùa theo đám giáo sĩ và trí thức tiến bộ mà cái hèn, cái thiển cận, cái óc cơ hội xu thời, cái theo đuôi kẻ mạnh, kẻ chiến thắng mà trước đây nhiều người vẫn coi là kẻ thù nguy hiểm nhất.
Họ trở cờ và họ muối mặt hãnh diện về sự trở cờ ấy.
Nói nặng thì họ là những kẻ phản bội. Thời xưa, chỉ có một Juda. Nay thì có khá nhiều. Juda Lý Chánh Trung, Juda Trương Bá Cầnnvv.. đếm không xuể..
Họ không khác gì những người đánh trống và thổi kèn cho chế độ mới.
Chúng ta cùng nhau đọc lại mấy tin tức thời ấy :
Tờ Sài Gòn Giả Phóng, số 117 đưa tin :
Đã phá vỡ một ổ phản cách mạng, đội lốt tôn giáo
Tờ Tin sáng của nhóm Ngô Công Đức- Hồ Ngọc Nhuận Lý Chánh Trung, số 161 thì kết án mạnh bạo hơn đã đưa tin:
Những bằng cớ  tịch thu được của bọn phản cách mạng chứng tỏ bọn họ muốn phá bỏ những thành quả của nhân dân ta trong suốt 100 nay.
Để tỏ ra khách quan, chính quyền mới đã mời ba người đại diện Thiên Chúa giáo trong vụ vây bắt này là các ông : Huỳnh Hữu Đặng, Nguyễn Đình Đầu và lm Nguyễn Huy Lịch đến chứng kiến vụ vây bắt những người đang cố thủ trong nhà thờ.
Một lần nữa linh mục Nguyễn Huy Lịch và đám Tin Sáng với Ngô Công Đức Lý Chành Trung trở thành những kẻ tay sai, đồng lõa..
Riêng vụ án Vinh Sơn thì người ở ngoài giáo hội lại đề cập tới nhiều..
Mới đây nhất, Huy Đức trong Bên Thắng Cuộc có nhắc tóm tăt đến vụ Vinh Sơn như sau :
“Đêm 12 rạng sáng 13-2-1976, lực lượng an ninh thành phố bắt đầu tấn công nhà thờ Vinh Sơn, thu giữ các thiết bị phát thanh và in tiền giả. Hai linh mục cố thủ trong nhà thờ đã dùng súng và lựu đạn chống trả quyết liệt, bắn chết Nguyễn Văn Ràng, một cán bộ an ninh. Mãi tới gần sáng, lực lượng bao vây mới khống chế được nhà thờ, hai linh mục Nguyễn Hữu Nghị và Nguyễn Quang Minh cùng ba người khác bị bắt».
Huy Đức chỉ căn cứ vào tài liệu của chính quyền cộng sản, sự thực sự việc xảy ra như thế nào?
Những người bị bắt trong vụ Vinh Sơn  như hai vị linh mục, nhất là Nguyễn Xuân Hùng tự Ali- Hùng  bị giam chung với cánh nhà văn cũng bị giam tù thời đó.
Vì thế, có đến ba bài ký ức viết về anh lính Ali-Hùng như bà Nhã Ca. Nhất là bài viết của Nguyễn Thụy Long : Ký ức về tiếng hát người tử tù. . Và Duyên Anh, trong Nhà Tù, chương 18.
Xin ghi lại một trích đoạn của nhà văn Nguyễn Thụy Long, người chứng kiến những giờ phút chót của người tù tử tội Ali Hùng :
Những câu chuyện vặt trong phòng giam bỗng im bặt, khi tiếng nói thật lớn thật to ở phòng giam tử tội cuối hành lang cất lên :
Chào tất cả các anh em bạn tù, chúng tôi ba người mang án tử hình, sẽ bị xử bắn vào sáng sớm ngày mai, chúng tôi có lời chào vĩnh biệt tất cả các anh em bạn tù, chúng tôi ba người mang án tử hình, sẽ bị xử bắn vào sáng sớm ngày mai, chúng tôi có lời chào vĩnh biệt tất cả các anh em còn ở lại. Tôi là Nguyễn Xuân Hùng, tự Ali Hùng, hai người bạn tôi, một là linh mục, một là chiến sĩ. Tôi là một người Việt Nam lai da đen, xứ Phi Châu Sénégalais, mẹ tôi là người Việt Nam, vậy tôi xin nhận nơi này làm quê hương, vì mẹ Việt Nam của tôi đã nuôi tôi khôn lớn và thành người. Trong phòng giam của tôi, vị linh mục đang quỳ dâng mình cho Chúa, người bạn chiến sĩ thì đang huấn nhục. Tôi có giọng khỏe, xin được hát thân tặng lại tất cả những anh em còn ở lại. Những bài hát thấm đượm tình quê hương của Phạm Duy mà tôi rất ngưỡng mộ.. : Chúng tôi đã mất Sài Gòn thật rồi..[34]
Chúng tôi lưu ý đến vụ án này là vì theo một nhân chứng rất quan trong là ông Trần Kim Định, bị án tù chung thân viết lại cho biêt:
Trên xe về trại, Ali Hùng nói với tôi:
« Em thật không ngờ ông cha Lịch lại nhẫn tâm làm chứng gian cho em. Từ việc bắn chết tên Rạng đến việc dùng loa phát thanh đề do Dũng làm..» Tòa án đã cố tìm chứng cớ để cho đủ bản án tử hình» ( Trần Kim Định, Hồi ký của Trung tá Trần Kim Định).
Phần tôi thì tin vào lời trối trăng của Ali Hùng. Linh mục thì không còn nữa
Phải chăng  Lý Chánh Trung hoặc Nguyễn Đình Đầu có thể viết lại chuyện này?
(Tôi cũng mong nếu Trung Tá Trần Kim Định có đọc phần này thì xin cho tôi được có cơ hội đọc cuốn Hồi ký của ông).
Bộ trưởng Quốc Phòng Lê Đức Anh và con trai Lý Chánh Trung Lý Tiến Dũng: Nói láo
Nhắc đến các con ông, tôi nhớ là trong một lúc vui miệng, ông kể câu chuyện có lần ông Lê Đức Anh đến thăm một đon vị quân đội có nói gì đó đụng chạm đến cá nhân Lý Chánh Trung. Không ngờ con trai Lý Chánh Trung cũng có mặt bữa đó-. Lý Tiến Dũng, một đại úy mới về từ chiến trường Cam Pu Chia đã có mặt..
Muốn hiểu đầu đuôi thì cần phải nhắc lại, khi còn làm đại biệu Quốc Hội, Lý Chánh Trung có đề nghị phải cho báo chí tư nhân hoạt động..
Lời đề nghị đó đi quá xa và làm Nguyễn Văn Linh nổi giận. Bà Ngô Bá Thành- một thành viên của mặt trận củng hùa theo phê phán Lý Chánh Trung dữ dội..
Tiếp theo, Lý Chánh Trung nguyên là Phó chủ tịch Hội Trí thức yêu nước nên có đồng ý để cho tổ chức một buổi nói chuyện cho nhà văn Dương Thu Hương nói về cuốn tiểu thuyết đang gây tranh cãi hồi đó nhan đề : Những Thiên đường mù..
Rõ ràng là một cuốn sách chống Đảng .
Từ đó, Lý Chánh Trung không được Mặt trận Tổ Quốc đề cử vào danh sách đại biểu Quốc Hội nữa.
Dư luận còn cho rằng, lợi dụng tình hình ở Đông Âu sụp đổ, một số thành phần thuộc lực lượng thứ ba  trước đây nay đang có mưu đồ diễn tiến Hòa Bình..
Lê Đức Anh lợi dụng dịp nảy đưa ra trường họp Lý Chánh Trung để mọi cấp cảnh giác.
Nhưng chẳng may có mặt con trai của ông ngồi đó. Nó tức khí đứng lên, đập bàn hét lớn:
« Nói láo», rồi vội dời khỏi Hội trường,. Sau này, anh ra khỏi quân đội và làm Tổng Biên Tập tờ Đại Đoàn kết.
Nó tức khí vì có kẻ đụng chạm đến bố nói- bất kể kẻ đó là ai-, nó buột miệng đứng lên chỉ thẳng mặt Lê Đức Anh: nói láo.
Câu chuyện rồi cũng xong, được Lê Đức Anh bỏ qua.
Giả dụ nếu không phải là con trai Lý Chánh Trung thì số phận viên đại úy quèn này sẽ ra sao?
Kể xong câu chuyện, Lý Chánh Trung cười một cách rất con người-một Lý Chánh Trung là Lý Chánh Trung
- Tôi cũng cười nói : Như thế là nó giống bố nó..Tôi cảm nhận và bắt gặp lại cái cười nửa miệng  hơn 40 năm về trước của một trí thức miền Nam- với cá tính miền Nam- với phong cách trí thứ áo vét, măng tô- với cái miệng ngậm ống  tẩu- đôi chút cao ngạo cùng nhau dạo buổi tối trên một con dốc của Viện Đại Học Đà Lạt.
Tôi ngậm ngùi đã có một thời, cuộc sống của người miền Nam có thể sống an bình hạnh phúc như thế.
Con người trí thức xưa ấy và con người ngày hôm nay ngồi trước măt tôi, hình như không phải một người.
Sau vài giây phút thoải mái, Lý Chánh Trung trở lại con người thay vì khoác măng tô mang từ Bỉ về, ông khoác lại chiếc áo Mác Xít và nói :
Này nói chơi thôi nhé, đừng kể cho ai  nghe và về bên ấy nhớ đừng viết gì cả
Lý Chánh Trung bỏ đạo Chúa theo Mác
Điều đáng trách nhất nơi ông- mà điều gì  khác cũng có thể xí xóa được- là khi cộng sản vào một thời gian, trước mặt nhiều người, ông tuyên bố công khai kể từ nay, ông bỏ đạo công giáo..Việc công khai hóa ấy ông muốn chứng tỏ cho mọi người biết mà không cần dấu diếm..
Việc công bố này làm bỉ mặt nhiều người..Có ai bắt ông phải làm một điều như vậy?
Và được biết, chỉ đến khi con trai ông bị nạn. Ông than thở, cầu cứu khắp nơi và cuối cùng chẳng còn biết trông cậy vào ai, ông mới hồi tâm trở lại.
Tuy nhiên, theo tôi được biết thì hiện nay kể như cả gia đình ông đều ra khỏi công giáo..
Khi con trai ông qua đời,  không thấy đả động gì đến các nghi thức công giáo cả?
Thôi thì cũng đành.
Sau 1975, ông đã sống khuôn mình vào môi trường CNXH vốn không dễ gì. Bởi vì, con người Xã Hội chủ nghĩa, ngoài sức khỏe thể xác và tinh thần còn có một thứ sức khỏe không thiếu được:  Đó là Sức khỏe chính trị.
Mất cái sức khỏe này thì mất tất cả nên ai cũng phải lo giữ gìn.
Cho nên, người ta không lấy làm lạ gì khi cấp lãnh đạo Đảng vào thăm thành phố Saigòn năm 1975 đã chỉ đưa ra một nhận xét duy nhất cho một người- một nhận xét xem ra quá khổ về LCT: Lý Chánh Trung là một người cộng sản không có thẻ đảng..Lời khen này có thể là một lời khen thật- vì ông được đề nghị cho vô Quốc Hội mà cũng có thể hàm ý anh vừa vừa thôi nhé, đủ dose rồi..như một lời đe dọa bóng gió.
Lời nói bóng gió ấy chắc có kẻ sợ giữ mình.
Tôi đã không được biết phản ứng và câu trả lời của Lý Chánh Trung ra sao.
Chắc là im lặng.
_________________________________
[33] Nguyễn Văn Trung, Nhận Định X, 1994-1998
[34] Nguyễn Thụy Long, Ký ức về tiếng hát người tử tù, đăng lại trên Khởi Hành, số 104, trang 24, tháng 9-2005

Trường hợp Lý Chánh Trung [5]

Nguyễn Văn Trung- Lý Chánh Trung đối đấu với 
Lữ Phương và Nguyễn Trọng Văn
Thư của Lý Chánh Trung viết ngày 7/4/1988. Ảnh: Dân Trí
Thư của Lý Chánh Trung viết ngày 7/4/1988. Ảnh: Dân Trí
Cho đến bây giờ, khi nhắc lại vụ phê bình của Lữ Phương và Nguyễn Trọng Văn(có thêm một người nữa là ông Nguyễn Văn Bảy) về hai người đàn anh của họ là Nguyễn Văn Trung- Lý Chánh Trung, tôi không còn mang nỗi bực tức nữa như trước đây. Mà hiểu răng, điều đó nó phải xảy ra như thế trong một xã hội cộng sản, trong đó nghười ta nghi ngờ nhau, tố cáo nhau, triệt hạ nhau. Và nếu trong tay có quyền thế họ có thể hạ bệ, cách chức và cả thanh trừng nữa..
Lữ Phương, Nguyễn Trọng Văn đã làm theo đúng sách vở- và nhiều phần làm theo lệnh Đảng hoặc làm để lấy điểm..
Cho nên, tôi sẽ không đề cập đến vấn đề nội dung phê bình đúng sai.. Những nạn nhân như ông Lý Chánh Trung thì nay không còn biết gì nữa. Nguyễn Văn Trung thì từ lâu đã gác mọi chuyện và để ngoài tai cả mười năm nay.. rồi
Phần Lữ Phương thì cũng đã thấm đòn, thất vọng ngay từ sau 1975 đã không được trọng dụng và ở thế ngồi chơi xơi nước. Sau đó xoay ra ngồi nghiên cứu phê bình chủ nghĩa Mác Xít-mà  tự nó chủ nghĩa này đã lỗi thời- nên cũng chẳng ai quan tâm và chẳng gây đuợc tiếng vang gì.
Nguyễn Trọng Văn thì giọng phê bình như đao búa, gần như mạt sát nẩy lửa. Đó cũng là cái tài của anh ta. Chẳng bao lâu sau, lấy điểm cũng không xong, anh ta bị Đảng cấm cầm bút.. Sau đó thì anh ta bị tai biến mạch máu não, phải ngồi xe lăn. Và qua đời cách đây được hơn một năm.
Cuộc đời Nguyễn Trọng Văn có cái may là cả hai đời vợ đều tốt nết. Người vợ đầu tôi thấy chị ấy thật là hiền thục. Ít nói, hỏi gì chị chỉ cười nhẹ. Người vợ thứ hai nhanh nhẹn, xinh xắn, hết lòng chăm sóc lo cho NTV từng miếng cơm..
Còn ngoài ra, con người Nguyễn Trọng Văn, ngay từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường đại học, tôi đã nhận ra tính bá đạo dựa trên những suy luận biện chứng. Trong một bữa ăn tụ họp anh em bạn bè cũ cùng học sau 1975 khi tôi có dịp về thăm VN. Một người bạn đã chỉ thẳng mặt Nguyễn Trọng Văn tố cáo Văn đã làm chỉ điểm hại bạn bè.. Những chuyện nghi ngờ như thế, khó kiểm chứng, khó biết thật là đúng hay sai như chuyện làm ăng ten trong các trại cải tạo. Tôi đã đứng lên can thiệp và yêu cầu anh bạn ngồi xuống để bữa ăn họp mặt được trọn vẹn.
Phần Nguyễn Trọng Văn ngồi im lặng, không phản ứng gì trong suốt bữa ăn..
Cảnh đó, nghĩ lại nay cũng thấy tội nghiệp. Bạn bè nghi kỵ, trở thành thù địch. Đàn em tố cáo, hại đàn anh..Những điều như thế chỉ có thể xảy ra trong Xã Hội cộng sản.
Tôi còn nhớ, khi Nguyễn Trong Văn ra tòa xin ly dị với bà vợ người Tàu lai, làm nghề châm cứu.. Nguyễn Trọng Văn đã tố cáo vợ trước tòa đại loại như sau: Đây là một người đàn bà bất xứng, phản bội lại tổ quốc vì  đã vươt biển. Vậy thưa quý tòa, người đàn bà này có còn xứng đáng có quyền để nuôi giữ đưa con trai của tôi Không?
Quan tòa nghe vậy thí đành quyết định trao đứa con trai cho Nguyễn Trọng Văn.. Nghe chuyện này, anh em bạn bè đều ngao ngán..
Riêng Nguyễn Ngọc Lan (linh mục hoàn tục)- một cây viết phê bình sắc sảo và khá thâm độc cũng phải lắc đầu:
Thật chịu thầy thôi.
Hai bài tham luận của Lữ Phương và Nguyễn Trọng Văn cùng một chủ đề.
  • Bài của Nguyễn Văn Bảy nhan đề: Phê Bình quan điểm Cách Mạng Xã Hội không cộng sản của hai ông Nguyễn Văn Trung trong Nhận Định !V, Nam Sơn, tháng 5- 1966 và của Lý Chánh Trung, trong Cách mạng và Đạo Đức, Nam Sơn, thang1-1966
  • Bài của Lữ Phương nhan đề » Vài ý kiến về các xu hướng gọi là ‘Cách mạng Xã Hội không cộng sản“, ở miền Nam trước đây
- Bài của Nguyễn Trọng Văn nhan đề: Chủ nghĩa Xã hội không cộng sản tại miền Nam Việt Nam- Nội dung và ảnh hưởng-. (tham luận của Nguyễn Trọng Văn, tại Đại học Tổng Hợp, cơ sở hai, TP Hồ Chí Minh)
Hiện tượng tố giác này, sau 20 năm sống ở miền Nam, tôi chưa hề bao giờ thấy xẩy ra. Tại sao, Nguyễn Trọng Văn vốn cũng là một trí thức miền Nam có hạng,  trở thành một tên chỉ điểm, đi tố giác đàn anh. Kẻ đi tố cáo đã tự làm mất bản thân mình trở thành tên đao phủ như Tố Hữu?
Trước những lời tố cáo như thế, Lý Chánh Trung thay vì ngậm tẩu, im lặng và để làm đẹp lòng chế độ mới, ông đã điều chỉnh, đổi giọng như sau trong một bài phỏng vấn của nhà báo Alain Ruscio, ông nói:
Đã từ lâu, tôi vẫn mơ một cuộc cách mạng khoan hòa,  đúng mực và khoan nhượng… Chủ nghĩa xã hội Việt Nam đã đáp đúng nguyện vọng của tôi.. Chúng tôi đã làm mọi cách để xã hội mới được hình thành với ít đau đớn bao nhiêu hay bấy nhiêu… Ảnh hưởng của Hồ Chí Minh về điều này là một yếu tố quyết định.
Ở chỗ bạn bè, chỗ những người quốc gia, ông lý luận rất khéo léo  để che đậy, rất thuyết phục.
Tôi chỉ đồng hành với họ (cộng sản), nhưng không là đồng chí.
Một lối nói ngụy biện chỉ những tay biện luận triết học có tay nghề mới  nói được như thế.
Bởi vì cũng trong một bài trả lời phỏng vấn Alain Ruscio, ông được coi là dại diện cho thành phần thứ ba, ông lại nói khác. Ông cho rằng:
Người ta không thể nào là người yêu nước, yêu hòa bình, hòa hợp dân tộc mà lại đồng thời có thể chống lại cộng sản.
Ở đây lại là một lối ngụy biện cao đồng hóa tình tự yêu nước và yêu Đảng vào  làm một.
Nói cho cùng, cả Lý Chánh Trung, cả Nguyễn Trọng Văn, Lữ Phương tiêu biểu cho một bi kịch của trí thức miền Nam sau 1975.
Lý Chánh Trung ra Hà Nội
Chiếm xong Sàigòn chưa được bao lâu thì chính quyền cộng sản chuẩn bị đưa một số những vị tiêu biểu có công với Cách Mạng được ra Bắc để mừng Quốc Khánh 2-9. Đã hẳn sự tuyển chọn là có cân nhắc và những người nằm trong danh sách được mời thì cảm thấy đây là một vinh dự hiếm có mà không khỏi hãnh diện lắm.
Những khuôn mặt tranh đấu quen thuộc của miền Nam trước 1975 nay có dịp ra gặp gỡ các cấp lãnh đạo miền Bắc trong tinh thân trên dưới một nhà.
Trong số họ, người ta thấy có các vị tu sĩ mà tên tuổi quen thuộc như Hòa Thượng Thích Trí Thủ, linh mục Chân Tín, lm Nguyễn Huy Lịch, hòa thượng Thích Hiển Pháp, hòa thượng Thích Minh Nguyệt, giáo sư Nguyễn Ngọc Lan, Ni sư Huỳnh Liên,  nữ nghệ sĩ Kim Cương, nhà văn Vũ Hạnh, giáo sư Lý Chánh Trung, bà Ngô Bá Thành, luật sư Trần Ngọc Liễng, ông Nguyễn Văn Hạnh, ông Hồ Ngọc Nhuận, ông Lê Hiếu Đằng,
Không có Thích Trí Quang đâu nhé!!Nên ghi nhận sự thiếu vắng có ý nghĩa này
Tôi nhớ không lầm thì có cả linh mục Chân Tín nữa. Ông là Ủy viên Ủy Ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đồng thời còn là Phó Chủ tịch Mặt Trận Thành Phố..một thời gian..
Chắc hẳn chức tước với ông chả là cái gì- chỉ là bánh vẽ- sau chuyến đi này, về Sài Gòn ít lâu, ông bị tước sạch vì tờ báo Đứng Dạy.. với bài của Nguyễn Ngọc Lan với bài nhan đề: Hà Nội tôi thế đó.
Hà Nội tôi thế đó là thế nào? Các anh định chửi xỏ xiên Hà Nội chúng tôi đây. Ra lệnh dẹp Đứng Dậy.
Gặp người quen, ông nói to: Tôi được giải phóng rồi..Chẳng bao lâu sau, ông được đi »nghỉ mát »ở Cần Giờ.
Nhắc lại thôi thì tiệc lớn, tiệc nhỏ.. tình nghĩa ôm hôn thắm thiết. Riêng ông Lê Hiếu Đằng thì đã có một bài văn tả đầy đủ với những cái hôn thắm thiết, những bàn tay siết chặt tưởng như không muốn rời ra.. Tất cả tạo nên một bầu không khí thắm đượm tình tình nghĩa đồng bào, đồng chí.
Tôi được biết sau chuyến đi thì mọi người đều phải có một bài báo cáo về chuyến đi khi trở về Sài gòn..một lần ở rạp Rex cũ do Ủy Ban Mặt Trận Dân Tộc Giải phóng khu Saigòn Gia Định tổ chức và một buổi nữa ở Đại Học.
Theo Lý Chánh Trung kể cho tôi nghe thì phái đoàn trong Nam ra đi đến đâu cũng được dân chúng túa ra đón tiếp nồng hậu. Ông được đi tham quan xã Như Quỳnh, cách Hà Nội 20 cây số, trên đường đi Hải Phòng, thuộc tỉnh Hưng Yên cũ. Ở đây, ông bị một chị trong Hợp Tác Xã hỏi đột ngột hỏt: Có phải ông là giáo sư Lý Chánh Trung không?
  • Thưa phải
  • Thế thì hân hạnh được gặp giáo sư vì tôi đã có đọc bài của giáo sư viết trước đây..
  •  Lý Chánh Trung chắc là phải ngỡ ngàng thôi.
Khi về lại Hà Nội, cũng một lần cả đoàn đang đi thì có một thanh niên chạy vội lại hỏi to:
  • Trong đoàn ai là giáo sư Lý Chánh Trung cho tôi gặp mặt.
  • Lý Chánh Trung lại tách ra khỏi đoàn trả lời: Tôi đây, tôi là Lý Chánh Trung đây.
  • Thưa giáo sư tôi kính phục giáo sư vì trước đây có được đọc bài của giáo sư..
Ông nhận xét, ngoài Bắc, dù có chiến tranh, nhưng trình độ văn hóa miền Bắc kể là cao hơn miền Nam nhiều lắm. Một người dân thường mà cũng có thể đọc bài viết của Lý Chánh Trung từ trong Nam gửi ra.
Nghe chuyện này của Lý Chánh Trung, tôi chỉ cười.
Vậy mà tôi được biết có lần Võ Văn Kiệt nhận xét cán bộ của ta biết đọc biết viết đã là may. Mấy ngưỡi đã có cơ hội đọc: Thép đã thôi tôi thế đấy,, Rừng thẳm tuyết dày..
Lý Chánh Trung hãnh diện là phải, vì thế cộng sản mới thắng được đế quốc Mỹ.
Lý Chánh Trung và về một môn học mà thầy không muốn dạy và trò không muốn học.
Tôi đang ở Munich tại nhà một người bạn vào năm 1988 thì được cho biết là có một bài báo đang gây sôi nổi lắm ở Việt Nam của Lý Chánh Trung. Bài báo được đăng trên tờ Tuổi Trẻ chủ nhật, 13-11- 1988.
Thú thật đây là bài báo gây sảng khoái, thích thú nhất trong số cả trăm bài khác của ông Lý Chánh Trung mà tôi đã đọc.
Phải như thế mới là Lý Chánh Trung.
Ông viết thật xuất phát từ tim gan, viết  gọn ngắn, rất thẳng thừng. Dù ngắn gọn cũng là ấp ủ một hoài bão muốn xóa bỏ môn học chết tiệt đó.
Hơn ai hết, một người thấm nhuần tư tưởng văn học, triết học từ phương Tây làm sao chịu thấu những đinh đề cứng nhắc của triết học Mác Xít?
Một nền giáo dục xứng đáng, nhân bản đôi khi chỉ cần là biết trở về nguồn, trở về nguồn cõi đích thực mà cha ông bao đời đã để lại.
Người ta đã biến một lý thuyết xã hội thành phương châm, thánh một thứ luân lý chính trị làm kiểu mẫu đạo đức cho giáo dục Việt Nam, cho con người Việt Nam cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Giáo dục Việt Nam ngày nay nó hỏng từ đó, đục ruỗng từ đó..
Tưởng rằng sau đó nó sẽ được thay đổi!!
Cái môn học ấy mà Lý Chánh Trung cho rằng nó làm khổ thầy giáo, làm khổ học trò từ bao nhiêu năm rồi! Không muốn dậy mà cứ phải dậy, không muốn học mà cứ phải học. Học như  vẹt-  Nay mới có một người dám nói lên sự thật.
Bài báo gây chấn động, gây thích thú cho mọi người..
Ông Đoàn Thanh Liêm có kể lại rằng, có một nhân sĩ sau khi đọc xong bài này đã nhờ ông Liêm gửi tặng ông Lý Chánh Trung một món tiền.
Phần tôi nghĩ rằng  câu nói của Lý Chánh Trung sẽ mãi mãi được người đời ghi nhớ chẳng khác gì câu nói của ông Nguyễn Văn Thiệu.
Buồn thay vào ngày 22-12-2004, Bộ giáo dục đào tạo đã đưa ra hai phương án cho các trường đại học áp dụng kỳ thi tốt nghiệp phải có môn học Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh