Sunday, 9 March 2014

BÀ GIÀ ĐI CHỢ CẦU ĐÔNG - Hoàng Xuân Hiên

Hồi này, người làng tôi hễ cứ gặp cụ Mười là lại đùa cụ bằng câu ca dao trào phúng: “Bà già đi chợ cầu Đông. Bói xem quẻ bói lấy chồng lợi chăng…”. Sở dĩ có chuyện như vậy, là vì cụ Mười đã ngót nghét tám mươi tuổi nhưng mỗi lần ở đám cưới, hay ngày rằm, mồng một ra chùa lễ Phật, cụ Mười lại bảo với mọi người: “Bây giờ có ông nào lấy tôi là tôi lấy ngay. Hoài của, cái ngày ông ấy nhà tôi mất, có mấy người goá vợ đến “đặt vấn đề rổ rá cạp lại” mà tôi cứ từ chối, vì thương các con mồ côi cha sớm. Biết cơ sự như thế này thì tôi lấy quách đi có phải là sướng cái thân”. Mọi người đàm tiếu: Có lẽ cụ Mười “lẩm cẩm” mới có ý nghĩ đó. Nhưng nào ai là người có thể thật sự hiểu được nỗi lòng của cụ Mười lúc này. Đằng sau những câu nói “khôi hài” ấy là một tiếng thở dài não ruột của người lúc tuổi già xế bóng, sống trong nỗi cô đơn.
Cụ Mười goá chồng từ lúc ngoài bốn mươi, sinh cho gia đình chồng tám người con, “nếp tẻ” đủ cả. Nhưng thực tế, cụ chỉ được ở cạnh chồng chưa đầy một tháng. Sinh thời cụ ông cứ mải miết đi buôn bè, buôn chuyến xuôi ngược để kiếm sống. Cho đến khi đổ bệnh sốt rét, thân tàn ma dại, bạn bè cùng cánh đi buôn đưa cụ về gặp mặt vợ con lần cuối rồi mất. Từ đấy, cụ Mười lúc nào cũng đầu tắt mặt tối, lo miếng cơm, manh áo cho các con, chẳng còn thời gian đâu mà nghĩ chuyện cho riêng mình. Nhiều đận tháng ba ngày tám, một thân một mình cụ Mười phải “đâm đụt” khắp rừng nọ, bới kia để kiếm gạo nấu cháo cho con. Lại có những mùa lũ lụt triền miên, quần áo cụ chẳng lúc nào khô bùn đất, vì phải mò cua, bắt ốc, dãi nắng, dầm mưa từ sớm tinh mơ đến lúc “nhọ mặt người”, các con cụ mới sống thoát khỏi đoạn đói kém. Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, thấm thoát đã gần bốn mươi năm trôi qua, các con cụ giờ đã phương trưởng cả. Con gái thì đi lấy chồng xa, lại phải gánh vác việc nhà chồng, hàng năm bảy năm chẳng về thăm mẹ được lấy một lần. Con trai, đứa thì đi làm công nhân ở mãi tận Thái Nguyên, đứa nghe vợ bạc đãi với mẹ. Thành ra, bây giờ, cụ Mười có tiếng là con cháu đông mà vẫn phải sống trong cảnh “cơm niêu, nước lọ”. Tuổi già sức yếu, những hôm trái nắng trở trời, người đau ê ẩm, không có được đứa con, đứa cháu nào ở bên mình để nhờ lấy cho ngụm nước, xoa bóp chân tay. Đêm khuya “gió máy” nhỡ bị cảm thì không biết kêu ai. Có những đêm mưa gió, sấm chớp ùng oàng, nỗi cô đơn, xen lẫn lo sợ khiến cụ Mười thảng thốt. Cả đêm, cụ Mười không dám chợp mắt. Những lúc đó, cụ nhớ tới cụ ông, cụ thầm mong ước giá như bây giờ, cụ ông còn sống dù có bán thân bất toại, nằm liệt giường cụ cũng cam lòng và vui vẻ chăm sóc cụ ông. Như vậy, cụ còn thấy ấm áp hơn gấp ngàn vạn lần cảnh một mình thui thủi vào ra như thế này. Nhiều đêm cụ nằm khóc hờ cụ ông, trách “ông xanh” kia sao nỡ bắt cụ phải sống cảnh goá bụa này. Trước nỗi lo sợ triền miên trong những đêm dài đằng đẵng, trong ngày giỗ cụ ông, cụ Mười mếu máo khóc nói với các con: “Mẹ già rồi, đêm hôm ở một mình, mẹ sợ lắm. Các con cho mẹ ở cùng với. Các con không phải lo cái ăn cho mẹ đâu. Mẹ vẫn còn khỏe để kiếm ăn được, ở thế này, mẹ buồn lắm”. Nhưng các con của cụ đứa thì lấy lý do nhà chật chội. Đứa thì bảo: “Vợ chồng con có mỗi đứa con trai, mẹ già rồi mà lại mọc thêm răng thế. Người ta bảo như vậy thì lấy hết phúc lộc của con cháu. Mẹ về ở với chúng con nhỡ cháu có mệnh hệ gì thì mang tiếng mẹ mà khổ cả chúng con”. Cuối cùng thì cụ Mười vẫn sống thui thủi một mình. Những người biết hoàn cảnh của cụ Mười đều ái ngại cho cụ. Họ thở dài bảo: Chẳng nên cười cái nguyện vọng “khôi hài” của cụ. Hoàn cảnh của cụ như thế ắt cụ phải có những suy nghĩ như vậy. Đúng là một mẹ có thể nuôi được mười con, nhưng mười con chắc gì đã nuôi được một mẹ. Lũ con của cụ Mười thật đáng trách. Chúng chỉ nghĩ đến mình mà quên đi người mẹ đã vất vả, hy sinh cả một đời nuôi chúng nên người.

Những cụ già còng lưng vất vả mưu sinh

Dù đã bước sang cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng rất nhiều cụ già vì hoàn cảnh khó khăn vẫn phải còng lưng mưu sinh với đủ thứ nghề nặng nhọc, kiếm những đồng tiền ít ỏi, trang trải cuộc sống lúc cuối đời.

Lẽ ra ở vào tuổi của các cụ, khi sức khỏe đã yếu, lưng còng, mắt mờ, cơ thể gầy ốm thì các cụ phải được nghỉ ngơi, vui vẻ bên con cháu. Vậy nhưng, do nhiều hoàn cảnh khác nhau mà hàng ngày các cụ phải mưu sinh bằng đủ thứ các công việc nặng nhọc từ buôn bán, cuốc đất, mót mủ cao su… đến đeo gùi đi hàng chục km để nhặt cả chục kg phân bò về phơi bán kiếm những đồng tiền ít ỏi để trang trải cuộc sống hàng ngày.


Hàng ngày, cụ bà này phải đeo gùi rau đầy ắp đi khắp phố núi để bán rau.

Đã bước sang tuổi 78, lưng còng, mắt mờ nhưng hàng ngày cụ bà H’jer (ở xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, Gia Lai) vẫn phải đeo chiếc gùi trên lưng đi hàng chục km khắp nơi để nhặt từng bãi phân bò bỏ vào gùi mang về phơi. Bà H’jer cho biết, chồng bà đã mất từ lâu và bà đang sống chung với người con trai. Do hoàn cảnh khó khăn nên hàng ngày bà phải đi nhặt phân bò về phơi khô rồi bán lấy tiền mua gạo.

“Khoảng 10 ngày đi nhặt thì mình bán được 100 nghìn tiền phân đã phơi khô. Tiền này mình để mua gạo và mắm muối” - bà H’jer cho biết thêm.


Còn cụ già người J'rai này thì phải lang thang đi khắp các bãi cỏ để nhặt phân bò về phơi khô để bán kiếm tiền mua gạo.

Hình ảnh những cụ già lưng còng, tóc bạc phải gùi hàng chục kg trên lưng phải mưu sinh bằng đủ thứ nghề như bán rau, nhặt ve chai, nhặt phân bò… vẫn luôn xuất hiện khắp các huyện, thị ở Gia Lai khiến người chứng kiến không khỏi chạnh lòng, xót xa.