Sunday, 9 March 2014

VOA: Chăm sóc con kiểu Kangaroo cứu được nhiều trẻ sinh non

 07.03.2014
Vòng tay ấm áp của mẹ thực sự có thể cứu sống một đứa trẻ. Đó là lời khẳng định của “phương pháp chăm sóc con kiểu Kangaroo”. Phương pháp này được sử dụng khi một em bé sinh non hoặc thiếu cân được ghì sát vào thân của người mẹ, da liền da, để được giữ ấm. Ý tưởng này mặc dù không còn mới nhưng động tác đơn giản đó đã và đang cứu sống hàng ngàn trẻ sơ sinh trên khắp thế giới. Lời khẳng định này đã được chứng minh qua các cuộc nghiên cứu mà kết quả được đăng trên Tạp chí Dịch tễ học Quốc tế.  Người dẫn đầu cuộc nghiên cứu là bà Joy Lawn, một nhà nghiên cứu chuyên về trẻ sơ sinh. Kết quả cho thấy đây là một biện pháp can thiệp rất hiệu quả trong việc giảm tử xuất nơi trẻ sơ sinh ở châu Á.
Chăm sóc con kiểu Kangaroo
Vào hồi đầu những năm 1980, hai bác sĩ nhi ở Bogota Colombia đã gây nhiều chú ý trên thế giới với phương pháp mới trong việc chăm trẻ sơ sinh sinh non. Phương pháp được đặt tên là Chăm con kiểu Kangaroo bởi lẽ phương pháp này giống với hình thức chăm con ở loài thú có túi Kangaroo. Người mẹ sẽ ghì sát đứa con theo vị trí đứng thẳng, áp vào ngực trần trong một thời gian dài. Nhà nghiên cứu Joy Lawn giải thích thêm về phương pháp này:
 
"Phương pháp Chăm con Kangaroo là khi một em bé sinh non ra đời, rất dễ bị tổn thương, đặc biệt là với nhiệt độ, dễ bị nhiễm trùng, và gặp khó khăn trong việc bú mẹ. Em bé sẽ được cột vào phía trước của người mẹ và ở vị trí này, em bé sẽ được giữ ấm và có thể bú mẹ, nhờ đó, em bé sẽ mau chóng tăng cân. Một trong những điều thú vị khác mà chúng tôi phát hiện ra là phương pháp này còn có thể giảm rủi ro bị nhiễm trùng. Như vây, thay vì bị tách khỏi mẹ, bé sẽ lây những vết nhiễm trùng trên da người mẹ, nhưng đây thực ra lại là một sự lây nhiễm tốt, có thể bảo vệ bé khỏi những con sâu bọ mà bé có thể bị nhiễm khi ở trong bệnh viện. Không những vậy, phương pháp này còn tốt cho sự phát triển trí não của bé."
 
Phương pháp Chăm con kiểu Kangaroo ra đời trong hoàn cảnh bệnh viện San Juan de Dios ở Bogota, một bệnh viện phụ sản lớn ở Colombia, bị quá tải trong khi nhân lực thiếu và không có đủ nguồn tài trợ. Trong khu vực chăm sóc trẻ đặc biệt, một vài trẻ thậm chí còn bị đặt chung trong một lồng kính. Tỉ lệ nhiễm trùng cũng như tỉ lệ bị bỏ rơi hay tử vong tăng cao vùn vụt. Để cải thiện tình trạng tệ hại đó, hai bác sĩ Edgar Rey và Hector Martinez đã phát triển chương trình Chăm con Kangaroo vào năm 1979 và khởi động chương trình cho những em bé sinh non xuất viện ngay khi những em bé này trở nên cứng cáp, thậm chí cho dù chúng vẫn còn rất nhỏ. Hai bác sĩ khuyên những người mẹ hãy liên tục giữ con ở vị thế áp sát vào ngực và cho con bú thường xuyên.
 
Mặc dù được chính thức khởi động năm 1979, nhiều người cho rằng đây là một biện pháp chăm con rất tự nhiên và dường như giới y học đã từng lãng quên nó. Nhà nghiên cứu Lawn đồng ý với quan điểm này:
 
"Điều đó hoàn toàn đúng. Những gì chúng ta thấy là việc chăm sóc trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non, thường dựa nhiều vào máy móc, bệnh viện, và những em bé bị cách ly với mẹ. Nhưng thực ra đây là một phương pháp khoa học thận trọng, có lẽ một phần do tuyệt vọng mà các bác sĩ đã yêu cầu những bà mẹ ghì sát con ở trước ngực để giữ ấm."
 
Trong bản báo cáo của hai bác sĩ Rey và Martinez về tỉ lệ tử vong của 539 trẻ sinh non trong khoảng 1979 và 1981 được chăm sóc tại nhà theo phương pháp Kangaroo, 72 phần trăm những em bé nhỏ nhất, nặng trong khoảng 501-1,000 grams, là sống sót, so với con số 0 phần trăm những trẻ được chăm sóc tại bệnh viện theo phương pháp truyền thống. Trong khi đó, 90 phần trăm những em bé nặng trong khoảng 1,001-1,500 grams đã sống sót so với tỉ lệ 27 phần trăm ở bệnh viện. Số lượng những em bé bị bỏ rơi cũng giảm 2/3. 
 
Những kết quả này chưa bao giờ được công bố trong một tạp chí y học và có đôi chút bị thổi phồng bởi lẽ hai bác sĩ đã không bao gồm số những trẻ đã chết trong một vài ngày đầu sau khi vừa ra đời. Tuy nhiên, ý tưởng dùng hơi ấm từ làn da của mẹ có thể cứu sống con đã đủ hấp dẫn để xuất hiện trên các mặt báo khắp thế giới. Tổ chức UNICEF cũng tán thành phương pháp này. 
 
Trẻ sơ sinh ở Sidon, LibangTrẻ sơ sinh ở Sidon, Libang
Riêng tại châu Á, nơi tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao nhất thế giới, phương pháp Chăm con kiểu Kangaroo cũng có tác động nhất định: 
 
"Ở một số nơi tại châu Á, đặc biệt là ở Nam Á, gần một phần ba trẻ sơ sinh nặng chưa đầy 2.5 kg. Những đứa trẻ này là những trẻ có tỉ lệ rủi ro tử vong, khuyết tật, và các khó khăn khác cao nhất khi còn nhỏ. Đã có lúc mọi người nghĩ rằng chúng ta không thể làm gì để cứu những đứa trẻ này. Phương pháp Kangaroo có thể được coi là một bước lội ngược dòng và cũng không phải là vì nghèo mà các gia đình mới thực hiện phương pháp đó. Thực ra, điều rất thú vị là những nước đang chuyển qua chăm sóc con dùng cả phương pháp Kangaroo nhanh nhất lại là các quốc gia giàu có nhất. Nhưng nói chung đây là một điều mà mỗi đứa trẻ và mỗi bà mẹ trên khắp thế giới đều có khả năng thực hiện. Nó có thể thay đổi sự sống còn của những đứa trẻ. Riêng tại Ấn Độ, 900,000 đứa trẻ chết mỗi năm và nguyên nhân phổ biến nhất là sinh non hoặc quá nhỏ so với kích cỡ bình thường, hoặc là cả hai. Với những đứa trẻ này, có rất nhiều bé đã có thể được cứu bằng phương pháp kangaroo và biện pháp nuôi nấng đi kèm."
 
Việc thực hiện phương pháp Chăm con Kangaroo không chỉ có ý nghĩa cứu sống một đứa trẻ mà theo nhà nghiên cứu Lawn, một đứa trẻ sinh non, đặc biệt là những bé gái, nếu không được chăm sóc cẩn thận, đầy đủ thì những bé gái này cho dù sống sót nhưng khi lớn lên, sẽ có nhiều khả năng sinh non và sinh con thiếu cân. Bà nói: 
 
"Một điều khác biệt ở châu Á đó là ở Nam Á, có rất nhiều trẻ sơ sinh nhẹ cân hơn mức được trông đợi rất nhiều và điều này không phải là do chế độ dinh dưỡng của sản phụ mà vấn đề là có rất nhiều bé gái vốn đã có dáng người nhỏ, không được ăn uống đầy đủ, khi lớn lên sẽ thấp hơn chiều cao bình thường, và khả năng để những bé gái đó có con cao lớn bình thường sẽ giảm. Ở một số hoàn cảnh, có thể các bé trai được ưu tiên chăm sóc. Những bé trai có thể được cho ăn nhiều hơn những bé gái, và có thể khi bị ốm, những bé gái không được đưa tới bệnh viện. Vì thế mà chiều cao, cân nặng của một người lớn cũng như gen cũng phụ thuộc nhiều vào những gì đã xảy ra trong một vài năm đầu đời."
 
Theo nhà nghiên cứu về trẻ sơ sinh Joy Lawn, phương pháp Chăm con kiểu Kangaroo không những có thể cứu sống được nhiều trẻ sinh non mà còn có thể giúp những trẻ được sinh ra nhỏ bé hơn bình thường qua cách cải thiện chế độ chăm sóc. Nhưng bà cũng nói rằng, những đứa trẻ nhỏ bé sẽ tiếp tục ra đời, nếu chúng ta không quan tâm tới những thế hệ kế tiếp và chế độ dinh dưỡng cho các bé gái.