Saturday 1 March 2014

Mai này chúng ta cùng về Việt Nam - Lê Thiệp

Cách đây 40 năm, bắt nguồn từ ý tưởng của những người Do Thái mất nước “Sang năm sẽ về Jerusalem”, những anh em trong Tổ Chức Người Việt Tự Do ở Nhật thường hay kết thúc lá thư gửi cho nhau bằng câu chào Mai này chúng ta cùng về Việt Nam”. Thời đó, câu này biểu hiện cho một sự mong muốn là “chúng ta sẽ trở về Việt Nam khi không còn bóng dáng chế độ”, tuy nhiên ngày tháng trôi qua, vật đổi sao dời, ý nghĩa của câu chào đã đổi: cũng là về nhưng với đủ mọi lý do, về để thăm bố mẹ già, về để trùng tu lại mộ tổ tiên, về để “xây dựng đất nước, về để tìm đất sống, giống như một số ca sĩ ngoài này đã không còn đủ job nơi hải ngoại, hay cùng đi về để giúp thực hiện những công tác dân sinh mà lẽ ra nhà nước phải làm trong khi vẫn áp đặt một hệ thống độc tài đảng trị trên đất nước. Có rất nhiều lời giải thích tùy theo từng hoàn cảnh. Ông Lê Thiệp cũng đưa ra một số cách nhìn lúc ông còn vương vấn nợ trần. Xin mời quý độc giả theo dõi câu chuyện.
Vũ Đăng Khuê

Mai này chúng ta cùng về Việt Nam
Lê Thiệp       

            Người đàn bà sắp hàng trước chúng tôi kéo vali khá to với địa chỉ viết bằng bút đen lớn, bên ngoài dán băng keo trong, chắc để khỏi thất lạc.  Địa chỉ đâu đó ở quận Bình Thạnh.  Trông bà ta đầy tự tin, im lặng.

           
Mùa hè và hơn nữa đúng vào lúc có giải Túc Cầu Thế Giới, chuyến bay của Hàng Không Nhật Bản JAL đông nghịt người chờ ghi tên lấy thẻ lên tàu.  Trong cái đám rồng rắn lỉnh khỉnh va li đó, xen lẫn tiếng Nhật, tiếng Mỹ, nghe loáng thoáng tiếng Việt gọi nhau í ới.

            Khi đến phi trường Narita, vì không có hành lý gửi, chúng tôi đi thẳng ra phía hải quan.  Trong khi chờ, tôi bỗng thấy người đàn bà trung niên có địa chỉ quận Bình Thạnh sắp hàng ngay phía sau.  Ngạc nhiên tôi hỏi:

Bà đi Việt Nam?

Bà ta gật đầu hỏi lai:

-  Hai ông cũng đi Việt Nam?

Tôi nói:

-  Không, chúng tôi đi Đông Kinh.  Bà đi Việt Nam thì phải chuyển tàu bay.  Đây là lối đi ra, không quay trở lại được.  Bà phải đi về phía chuyển tàu ở phía sau.

Bà tái mặt phân bua:

-  Tôi theo hai ông vì tưởng các ông cũng về Việt Nam.

Và, bà tất tưởi đi về phía có mũi tên chỉ chữ Transfer.  Nhìn người thiếu phụ cắm củi rảo bước bỗng nhớ đến những bức thư của hai chục năm về trước viết từ Nhật gửi cho, lúc nào cũng có lời chào kết thư:  Mai Này Chúng Ta Cùng Về Việt Nam.

            Ra đi là mất lối quay về.

            Đó là lời ca một bản nhạc khá thịnh hành của người Việt vào những năm đầu sau biến cố 30-4-75.  Khi làn sóng tị nạn, boat people vẫn cứ ào ào đổ ra biển, có lẽ không người Việt tị nạn nào mơ tưởng đến ngày về Việt Nam.  Phía chính quyền Cộng Sản Hà Nội thì nhìn đám Việt kiều bằng con mắt đầy thù hận, là những kẻ phản quốc, là lũ chạy theo đế quốc.  Mặt khác, cái đám Việt kiều phản quốc này lại là cái phao để chế độ cầm hơi.  Những kiện hàng gửi qua Air France được tính từ năm ký, mười ký đã phần nào bơm vào nền kinh tế lụn bại một chút hơi thở và quan trọng hơn là tạo một nút xả về tâm lý.  Khi một phần dân số sống được nhờ viện trợ từ thân nhân, sự chống đối chính quyền giảm xuống.  Việt kiều vô hình chung trở thành đồng minh, trở thành chiến hữu của chế độ.  Dù mất lối quay về nhưng tình ruột thịt vẫn còn đó và những gói quà cứ miệt mài tuôn chảy về Việt Nam.

            Một giai thoại vẫn được nhắc tới là khi ông thi sĩ nổi tiếng về bài khóc Stalin - Tố Hữu – lên nắm kinh tế của chế độ, ông đã nhìn những gói quà từ ngoại quốc gửi về bằng con mắt rất “chế độ.”  Cái lý luận của thi sĩ là nếu cứ để chúng nó thả giàn gửi quà gửi tiền về cho bà con chúng nó thế chả hóa ra tạo nên giai cấp mới à?  Chúng nó đem quần jean, vải, thuốc tây, đô la, đồng Franc ra bán chợ đen làm giàu trong khi cán bộ đảng viên thì nghèo mạt rệp là điều không thể chấp nhận được.  Ông Tố Hữu bèn ra lệnh mỗi hộ chỉ được lãnh một năm hai lần quà, mỗi lần hình như là không quá 15 ký.  Cái quyết định đầy tính sáng tạo này khiến cho nguồn viện trợ không bồi hoàn giảm sút thấy rõ và những món hàng như vải, thuốc tây vốn đã khan hiếm bỗng tăng vọt giá.  Nền kinh tế của chế độ rung rinh và may quá Bộ Chính Trị đã kịp thời sửa sai cho phép bọn chúng gửi quà về không hạn chế.  Từ từ, không chỉ là những món quà dăm ba ký, chế độ mở rộng lòng nhân ái cho phép gửi ngoại tệ về.  Tiền nước ngoài dù là Đô-la, Franc, tiền Yen, Bảng Anh, Đức Mã…đều được phép không kỳ thị.  Ở các nơi tập trung người Việt trên thế giới các cửa hàng chuyên lo gửi quà qua Air France tàn lụi dần và ngoảnh đi ngoảnh lại là các cơ quan chuyên gửi tiền xuất hiện.  Đô la phát theo đô-la.  Franc phát theo Franc.  Sáng gửi chiều nhận, giá phải chăng, mại dô mại dô.  Tiện lợi, nhanh chóng, đỡ cồng kềnh, và ngoại tệ đổ vào cho chế độ có phần lấn hơn cả những món vay của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế hay của World Bank.  Không phải điều đình, không chịu sức ép của bọn tư bản, lại không phải bồi hoàn, nền kinh tế chế độ bỗng có mòi khởi sắc.

            Trong cái diễn trình viện trợ không bồi hoàn này, nhà nước đã nhìn ra và bắt đầu cho phép Việt kiều về thăm quê hương.  Đó là những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi làn sóng tị nạn đã chấm dứt và bắt đầu kỷ nguyên ra đi có trật tự ODP.  Ra đi là mất lối quay về.  Đó là chuyện đi di tản, di vượt biên nhưng khi ra đi có trật tự thì cũng có quyền trở về có trật tự chứ!  Mới đầu là dè dặt, là lời ong tiếng ve nhưng người Việt Nam hình như rất dễ quên.  Chuyện về Việt Nam nay hình như là chuyện bình thường.  Hè đến nếu không đi tour Âu Châu, đi xuống Caribean thì về Việt Nam chứ sao.  Về Việt Nam mọi sự rẻ rúng hơn nhiều mà lại được gặp lại người thân sau bao năm xa cách, muốn gì nữa đây?

            Khi được hỏi sao chưa về Việt Nam, câu trả lời thật khó.  Ông cứ nói thế nào chứ bây giờ họ cởi mở lắm rồi.  Đến những người nổi tiếng như nhạc sĩ Phạm Duy, họ cũng cho phép về.  Ông nói thế nào chứ sĩ quan cấp tướng, các ông nghị sĩ dân biểu ngày xưa về có sao đâu mà ông ngại.  Ơ, thế ông xấu hổ với ai?  Bộ ông là thủ phạm vụ mất miền Nam à?  Ông ơi, mấy người cán bộ, đảng viên bây giờ họ chửi Cộng Sản còn hơn ông nữa.  Cộng Sản cộng xiếc mẹ gì, ông cứ ôm đô la về là được hoan nghênh nhiệt liệt…

            Và người ta lũ lượt về Việt Nam vào các dịp hè, dịp Tết.  Mới đầu còn có những người chống chế kiểu “tôi về vì còn bà mẹ” hoặc “về nhìn lại Hà Nội rồi có chết cũng cam” nhưng nay thì chẳng cần biện minh gì ráo, đi về hay chẳng về đi, ai bận tâm nữa đâu.

            Sau đợt khai thác từng thùng quà, đến đợt mõi đô la qua việc chuyển tiền (chuyện này vẫn tiếp tục vì có nhiều người bận chưa về được, hoặc nhất định không về) nay nhà nước đã nhìn vấn đề thực tiễn, coi cái đám Việt kiều là khúc ruột nối liền của chế độ.  Chỉ có điều Việt kiều là khúc ruột trên, bao nhiêu đồ ăn vào đưa xuống hết khúc ruột dưới vậy thôi.

            Về hay không là quyết định riêng của mỗi cá nhân.  Hơn mười năm về trước có vài đoàn thể đấu tranh đã vận động chống đối việc gửi quà gửi tiền nhưng không thành công.  Sau đó là chuyện đi về.  Mỗi người có những lý do chính đáng hoặc chẳng cần lý do gì để về.  Về chơi không được à? 
Một ông về được Công An mời làm việc.  Ông ta cũng rét nhưng thét rồi cũng quen.  Ông ta bảo họ mời thì mình lên, họ hỏi thì mình trả lời, miễn là đừng chống lại chế độ là được.  Có những ông bảo về Việt Nam, em út rẻ hơn, rẻ đến độ không ngờ mà lại được nói tiếng Việt thì hơi đâu mà đi Mễ, đi Đại Hàn.  Bước xa hơn nữa là những người về Việt Nam làm ăn.  Có điều lạ là dù rất nhiều trường hợp mất cả chì lẫn chài, tiền mất tật mang nhưng quân ta vẫn nhất định không chịu tỉnh, vẫn ôm tiền về đầu tư.  Có những người đầu tư vì lời dỗ ngon dỗ ngọt, vì những món lợi nhuận nhanh chóng, nhưng có những người về quê đầu tư với những ý tưởng cao đẹp như chỉ có cách đó mới thay đổi được Việt Nam.

            Cũng về khác với cùng về.  Khi người đàn bà suýt nữa lạc ở phi trường Narita hỏi chúng tôi cũng về Việt Nam, hẳn rõ bà ta thấy chẳng qua tình cờ mà có thể chúng tôi cùng đi một đường với bà.  Cái câu chào của hai mươi năm về trước là cùng về, biểu lộ một sự đồng tình nhất trí.

            Cái ước vọng mai chúng ta cùng về Việt Nam nay có thể đổi  lại tí chăng?

            Bây giờ chúng ta cũng về Việt Nam.


Lê Thiệp