Thượng viện Nga chuẩn thuận kế hoạch đưa quân vào Ukraine sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đề nghị.
Trước đó cả thượng viện và hạ viện Nga đã bàn thảo việc “bình ổn” tình hình tại bán đảo Crimea của Ukraine.
Tổng thống Putin trình đề nghị “liên quan tới tình hình hết sức phức tạp tại Ukraine và sự đe dọa tới tính mạng của những công dân Nga", Kremlin cho biết.Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nói Moscow đã điều khoảng thêm 6000 lính tới Crimea.
Ông đề nghị dùng lực lượng vũ trang Nga “cho tới khi tình hình chính trị tại Ukraine được bình thường”.
Một nguồn của Kremlin khi đó nói Moscow sẽ "không làm ngơ" yêu cầu của ông Sergiy Aksyonov.
Hiện đã có hoạt động quân sự được cho là lực lượng thân Nga, các tay súng đã vào tòa nhà quốc hội Crimea, đài truyền hình và các chốt viễn thông.
Nhân chứng nói nhìn thấy thiết giáp và lính Nga trong khu vực.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trước đó lên tiếng cảnh báo Moscow rằng bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào tại Ukraine cũng đều phải "trả giá".
"Bất kỳ sự xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nào cũng sẽ gây ra bất ổn sâu sắc, và điều này không phục vụ lợi ích của Ukraine, Nga hay châu Âu"
Barack Obama
Ông cũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước tin về việc Nga điều động quân đội trên bán đảo Crimea.
Thủ tướng tạm quyền của Ukraine Arseniy Yatsenyuk đã gọi việc Nga triển khai quân đội tại Crimea là hành động khiêu khích để dẫn đến một cuộc "xung đột vũ trang".
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc nói bất kỳ sự di chuyển nào của quân đội nước này tại Crimea cũng đều nằm trong khuôn khổ thỏa thuận được ký kết với Ukraine.
Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama tán dương chính phủ tạm quyền của Ukraine vì đã "kiềm chế".
"Bất kỳ sự xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nào cũng sẽ gây ra bất ổn sâu sắc, và điều này không phục vụ lợi ích của Ukraine, Nga hay châu Âu," ông nói.
"Điều này thể hiện một sự can thiệp nghiêm trọng vào những vấn đề mà lẽ ra phải được người dân Ukraine quyết định. Đây cũng sẽ là một sự vi phạm rõ ràng của Nga đối với nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cũng như với luật pháp quốc tế".
Ông nói thêm: "Chỉ vài ngày sau khi thế giới đến với Nga để tham dự Thế Vận hội, nước này lại khiến các quốc gia trên toàn cầu phải lên án mình."
"Hoa Kỳ sẽ đứng về phía cộng đồng quốc tế trong việc khẳng định rằng bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào Ukraine cũng đều phải trả giá."
Ông Obama không nói rõ Hoa Kỳ sẽ đáp trả như thế nào, tuy nhiên, phóng viên BBC tại Washington, Beth McLeod, nói Hoa Kỳ đang xem xét gây áp lực kinh tế bằng cách hoãn nâng cấp quan hệ thương mại với Moscow.
Washington cũng đang xem xét việc tẩy chay hội nghị thượng đỉnh G8 mà Nga sắp chủ trì vào tháng Sáu.
'Sáp nhập lãnh thổ'
Trong bài phát biểu trên truyền hình tối 28/2, Tổng thống tạm quyền của Ukraine, ông Oleksander Turchynov, nói Moscow đang muốn kích động chính phủ mới của Ukraine để thừa cơ sáp nhập Crimea.
Ông cũng đã kêu gọi Tổng thống Vladimir Putin "chấm dứt những hành động gây hấn và bắt đầu đàm phán".
Ông nói Nga đang có những biểu hiện giống như trước lúc gửi quân vào Georgia năm 2008, sau khi vùng Abkhazia và Nam Ossetia, nơi người gốc Nga chiếm đa số, đòi ly khai.
Nhiều tay súng trong đồng phục quân đội không rõ danh tính đã xuất hiện tại trụ sở Quốc hội Crimea, đài truyền hình chính phủ và các trạm viễn thông. Lực lượng này cũng đang tuần hành tại các sân bay ở Simferopol và Sevastopol, nơi đặt căn cứ của Hạm đội Hắc Hải.
Truyền thông Ukraine dẫn lời chính quyền địa phương nói 13 máy bay Nga mang theo số binh sỹ ước tính khoảng 2.000 người đã hạ cánh tại một sân bay quân sự gần Simferopol. Nguồn tin này vẫn chưa được kiểm chứng.
Vào ngày 28/2, các xe bọc thép và trực thăng của Nga cũng đã được nhìn thấy ở gần Simferopol và Sevastopol.
Các chuyến bay đến và đi từ Simferopol đều bị hủy. Các hãng hàng không nói không phận của khu vực này đã bị đóng.
Làm đúng khuôn khổ
Tuy nhiên, đại sứ của Nga tại Liên Hiệp Quốc, ông Vitaly Churkin, nói bất kỳ sự di chuyển nào của quân đội Nga tại Crimea cũng chỉ nằm trong giới hạn được quy định trong thỏa thuận với Ukraine về việc triển khai khí tài quân sự trên bán đảo này.
"Chúng tôi chỉ đang hành động trong khuôn khổ của thỏa thuận đó," ông nói.
Ông Churkin không nhắc đến bất cứ sự triển khai quân đội nào từ phía Nga.
Kremlin cho biết Tổng thống Putin đã đề cập đến "tầm quan trọng của việc đảm bảo không để cho bạo lực leo thang" trong cuộc nói chuyện qua điện thoại với các lãnh đạo phương Tây.
Tối thứ Sáu, cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych đã lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng kể từ khi bị truất quyền một tuần trước đó.
Trả lời họp báo bằng tiếng Nga, ông đã xin lỗi vì "không đủ sức giữ vững sự ổn định" tại Ukraine và gọi những người lật đổ mình là "lũ côn đồ".
Ông Yanukovych cũng nói ông sẽ "tiếp tục đấu tranh cho tương lai của Ukraine", nhưng sẽ chỉ trở về khi sự an toàn của bản thân được đảm bảo.
Ukraine đã yêu cầu Nga dẫn độ ông Yanukovych.
Ông Yanukovych bị truy nã với cáo buộc thảm sát hàng loạt, liên quan đến những vụ đụng độ bạo lực giữa cảnh sát và người biểu tình khiến 80 người thiệt mạng.
Khủng hoảng chính trị tại Ukraine bắt đầu bùng nổ hồi tháng 11, sau khi ông Yanukovych từ chối ký kết thỏa thuận liên hiệp và tự do thương mại với EU để giữ quan hệ với Nga.
Quyết định này đã khiến hàng nghìn người ủng hộ phương Tây xuống đường biểu tình, yêu cầu tổng thống phải từ chức và việc thắt chặt quan hệ với EU.
Kể từ khi ông Yanukovych bị truất quyền, căng thẳng tại Ukraine bắt đầu chuyển hướng sang bán đảo Crimea, nơi người gốc Nga chiếm đa số.