Mọi động vật có xương sống đều có bộ xương để định hình thân thể, lại cần có các khớp và các cơ để chuyển động linh hoạt theo sự điều khiển của hệ thần kinh. Con người cũng vậy. Nhưng ngoài quy luật chung ấy, trong sinh hoạt xã hội tôi nghiệm thấy ở con người có ba loại khớp mang thông điệp nhân cách, chuyển động theo tiếng gọi Nhân cách, bởi thế xin phép các nhà giải phẫu nhân-thể học cho tôi gọi tên chúng theo cách riêng của mình.
Đó là:
- các KHỚP CÚI ở cổ cho phép ngẩng hay cúi đầu,
- các KHỚP KHOM suốt xống lưng cho phép đứng thẳng hay khom lưng
- và KHỚP QUỲ ở đầu gối cho phép đứng thẳng hay quỳ gối.
Ở đời phàm cái gì quý hiếm thì được mong đợi nên ta thường quý sự ngẩng đầu, thẳng lưng, thẳng gối, còn ngược lại là sự cúi đầu, quỳ gối, khom lưng thì bị xem như “đồ bỏ”. Nhưng xin thưa ngay rằng nghĩ một chiều như vậy là nhầm to đấy, nhân cách vận hành các khớp theo cả hai chiều!
Ấy là chuyện thời nay, còn chuyện các cụ thời xưa, chẳng phải Cao Bá Quát, một con người yêu tự do dám chống cả vua, thề cả đời không luồn cúi, mà trước vẻ đẹp thanh khiết đã phải “cúi đầu/dê thủ bái mai hoa” đó ư? Quỳ gối xin lỗi dân, cúi đầu cung kính vẻ đẹp thì động tác quỳ, động tác cúi ấy mới đẹp làm sao?
Nhưng cúi đầu không đúng chỗ, cúi đầu trước ngoại bang thì lưu tiếng xấu muôn đời! Khổ nỗi là khi nhân cách đã yếu thì cúi đầu đã xấu mà vênh vang tự hào cũng chẳng đẹp gì hơn, dù đó là nhân cách cá nhân hay do tổ chức trói buộc. Chẳng hạn đã theo một tà giáo sai lầm, một lý thuyết đại bại trước trào lưu văn minh, bị nhân loại đưa ra bãi rác, khiến cho cả một dân tộc bị ly tán, cái tốt bị thui chột để cái xấu lên ngôi, …, nhưng chẳng những không hề có một lời xin lỗi đáng mến như cảnh sát Ukraina, mà trái lại cứ bắt cả dân tộc phải đặt những đồ phế thải ấy lên bàn thờ tụng niệm, cứ trụ cứng trên hai chân quyền và lợi, mà dũng cảm vươn ngực, nghển đầu, một mực tự xưng là vô địch muôn năm, là bách chiến bách thắng thì thật lạ. Chỉ có khái niệm “kiêu ngạo Cộng sản” như Mác-Lê đã tự phê mới diễn tả hết được sự kiêu ngạo vô lối này.
Sự ngẩng đầu chính đáng, ngẩng đầu kiêu hãnh thì lịch sử ta không thiếu. Chỉ cần lấy ví dụ về sự cứng cỏi trong giới nữ lưu, mà so với nam giới thì các mẹ, các chị là giới “chân yếu tay mềm”. Hãy kể một Triệu Thị Trinh, muốn vẫy vùng như cá kình quẫy sóng Biển Đông chứ không chịu cúi đầu làm tỳ thiếp người ta, nay có chị Bùi Thị Minh Hằng dám đương đầu với hàng đoàn kiêu binh hiểm ác có thể bắt và bỏ tù bất cứ ai chống lại, có bà Trần Thị Hài, người dám vươn tay chỉ đường chống những “bạn vàng” khổng lồ của Đảng, người đã coi 9 tháng tù như một giấc ngủ trưa (và còn rất nhiều những cái đầu không biết cúi khác nữa), thật là những ví dụ về sự ngẩng đầu đáng khâm phục.
Như vậy đấy, ngẩng đầu hay cúi đầu, thẳng gối hay quỳ gối, có trường hợp là đáng trọng, có trường hợp là đáng khinh, tùy theo phản xạ của nhân cách trước những tình huống cụ thể, nên xin mạn phép đặt tên chung những cái khớp xương này là “khớp của nhân cách”.
Nếu tình huống đáng ngẩng đầu hay phải ngẩng đầu mà con người lại phát sinh phản xạ cúi, hoặc tình huống đáng cúi đầu ân hận mà lại nhâng nhâng ngẩng đầu thì đó là hội chứng “nhân cách lộn ngược” vậy.
V.Q.U. (1-3-2014)