Saturday, 1 March 2014

Những Già Đô Mới - Tưởng Năng Tiến

“Văn mình vợ người” là chuyện đúng với tất cả mọi người, trừ Vũ Thư Hiên. Mỗi lần có dịp gặp ông, tôi đều nghe tác giả này hăng hái bàn về tác phẩm và nhân vật của … một nhà văn khác:
- Dứt khoát là phải làm một cuốn phim về cuộc đời của Già Đô thôi.
- Dạ vâng!
Tôi cứ “vâng, dạ” đều đều (và nhẹ hều) như vậy vì đã nghe ông lập đi lập lại câu nói trên dễ cũng đã hơn chục lần rồi. Già Đô là một nhân vật trong  Chuyện Kể Năm Hai Ngàn của Bùi Ngọc Tấn:
Già là một lính thợ Pháp quốc trong đại chiến thế giới thứ hai. Từ Pháp già đã tới Algérie, Maroc (cái lý lịch ấy thật tai vạ cho già). Già đã là thợ đốt lò dưới con tàu Commerce Maritimes thuộc hãng Đầu Ngựa. Hải Phòng – Marseille là hành trình những năm tuổi trẻ của già. Làm được hai năm già thôi việc. Chỉ vì già không chịu được những lời mắng nhiếc của chủ …
Già bỏ tàu lên thành phố Marseille. Vào quán rượu quen. Uống. Uống nhiều. Và không trở về tàu nữa. Lang thang ở Marseille cho đến đồng frăng cuối cùng, già tìm được việc làm trong một xưởng sửa chữa xe có động cơ. Từ xe gắn máy, các loại ô-tô tới xe nâng, cần cẩu. Tại đây già bị động viên vào một đơn vị cơ giới. Già sang Maroc, Algérie, vẫn làm nhiệm vụ sửa xe.
Đại chiến thế giới thứ hai kết thúc. Già trở về Marseille. Trở về xưởng cũ. Lấy vợ. Cô Jeannette bán hoa quả ở gần bến cảng lớn bổng lên khiến già ngỡ ngàng, xao xuyến. Hai vợ chồng vay vốn mở một tiệm rượu nhỏ. Khách là những người phu pooc-tê, những thuỷ thủ, những người thợ nhan nhản ở thành phố Marseille.
Rồi già biết quê nhà đã được độc lập. Niềm sung sướng lớn lao và nỗi nhớ quê hương, nỗi sầu biệt xứ bỗng cồn cào trong lòng không chịu nổi. Càng không chịu nổi khi biết tin hiệp nghị Genève đã ký kết. Một nửa đất nước được độc lập. Lại thêm thôi thúc vì chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo đất nước là người từng lâu năm ở Pháp, cũng từng là một mạch-lô.
Già về nước. Khi đó bà Jeannette đã sinh cho già một cô con gái xinh đẹp, có nước da trắng của bà, có mái tóc và đôi mắt đen của già Đô. Mặc bà vợ khóc can ngăn, già nhất định về nước. Rồi già sẽ sang đón bà về. Độc lập rồi, xây dựng sẽ rất nhanh. Đất nước sẽ phát triển rất nhanh. Dân tộc ta thông minh, cần cù, chiu khó lại được bao nước giúp đỡ. Đất nước đang cần những bàn tay như già...” (Bùi Ngọc Tấn. Chuyện Kể Năm 2000, tập II. CLB Tuổi Xanh, Westminster, CA: 2000).
Nói tóm lại, và nói một cách ví von: Già Đô là một Nguyễn Mạnh Tường của giới công nhân nhưng trung vận (cũng như hậu vận) đen đủi hơn nhiều. Tuy không chết rục trong tù nhưng Già Đô cũng sống không nổi trong lòng Cách Mạng, vẫn theo như lời của Bùi Ngọc Tấn:
Khoảng một tháng sau, già Đô trở lại nhà hắn. ở nhà hắn đi ra như thế nào, già trở lại cũng y như vậy. Một Vitali cô đơn, bị bọc, rách rưới, mang xách, nặng mùi. Có một điều khác: Tàn tạ hơn, mệt mỏi hơn, nhưng ẩn một tia hy vọng vì đã tìm ra lối thoát.
Già hỏi hắn: “Cụ có giấy bút không? “Và nhanh nhẹn đỡ lấy những thứ đó từ tay hắn. Già đeo kính.Cái kỉnh lão mắt tròn tròn cổ lỗ hồi đầu thế kỷ, một mắt lại vỡ rạn hẳn là quá nhẹ với già, nên già phải ngửa đầu ra phía sau mà nhìn vào tờ giấy. Già viết rất khó khăn. Bé Dương lại sán đến để chạm tay vào chòm râu rễ tre, cuồn cuộn của già, nhưng già khẽ khàng bảo nó:
- Đi chơi, để bác làm nhé.
Nó đi ra chỗ bố. Thì đành đứng đó nhìn chòm râu già vậy.
Bỗng già buông bút, nhìn hắn:
- Hay là cụ viết giúp tôi.
Hắn vui vẻ nhận lời. Già đọc:
- Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.
Kính gửi Sở Công an.
-, gượm đã. Hay là kính gửi Ban giám thị trại VQ nhỉ?
- Nhưng mà nội dung đơn là gì cơ?
- Tôi xin trở lại trong ấy.
Hắn choáng người, đặt bút xuống, nhìn già chăm chăm.
- Tôi suy nghĩ kỹ rồi, cụ ạ. Ở trong ấy tốt hơn.
Già chớp chớp mắt:
- Đời tôi là không gia đình. Ở đâu cũng vậy thôi.
Hắn hiểu. Cuộc sống trong tù đối với già dễ chịu hơn rất nhiều. Nhưng phải chết ở trong ấy. Già không sợ nữa sao?
Ở ngoài này tôi không chịu đựng nổi nữa rồi.
Hắn cảm thấy già có lý: Với già sống ở ngoài đời đáng sợ hơn chết ở trong tù nhiều lắm.
- Thế thì phải làm đơn gửi Sở Công an. Trại người ta không nhận đâu. Phải là từ Sở đưa lên. Trại đã xuất kho mình rồi, ai người ta nhập kho mình nữa.
- Ý tứ thế. Cụ viết giúp tôi.
Hắn viết. Già ngồi im lặng. Hắn bảo già:
- Cụ nghe tôi đọc lại nhé.
Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.
Đơn xin vào lại trại cải tạo…
Già nghe, gật gù… “Được. Được”. “Già ký vào đây”. Già ký. Ký xong vẻ mặt già bỗng thay đổi. Từ hy vọng chuyển sang lo lắng. Không biết người ta có nhận đơn không? Già bảo hắn, giọng bi quan:
- Làm đơn thì làm, chứ chưa chắc đã ăn thua gì đâu, cụ ạ.
Đó là lần cuối cùng già lại nhà hắn. Việc nộp đơn xin vào trại của già không được chấp nhận...
Sau đó:
“Già đi bới rác. Già lê la ở các cửa hàng mậu dịch, khách sạn. Dồn dịch những bát phở, vét đĩa, nhặt những mẫu bánh mì thừa… Rồi đến một ngày già không đi được nữa. Già thấy mình đang phiêu diêu…
Già chọn cho mình chỗ nằm để phiêu diêu: Một ngôi đình đổ nát và bị bỏ quên… Ngôi đình hoàn toàn hoang phế. Không một dấu vết thờ phượng. .. Thực là một chỗ nằm yên tĩnh lý tưởng để phiêu diêu. Chẳng ai quấy rầy già. Phiêu diêu là một cảm giác sung sướng lạ lùng. Chẳng nhớ được một điều gì, chỉ thấy mình đang tan đi và đang bay
Đó là mùa xuân năm 1975, cũng đang mùa mưa dầm, hắn đã ra tù được hai năm, đã được gặp ông Trần và quân tata sắp đánh Buôn Mê Thuột mở đầu công cuộc gii phóng toàn thể miền Nam, thu giang sơn về một mối.” (sđd224-226).
Lần cuối tôi có dịp nói chuyện với nhà văn Vũ Thư Hiên, cũng vào mùa xuân – đầu xuân năm 2013. Gần bốn mươi năm đã qua nhưng cái quyết định “dứt khoát là phải làm một cuốn phim về cuộc đời Già Đô” thì vẫn còn nằm trong … dự tính:
-  Dè sẻn lắm cũng phải có ngót nghét trăm triệu đô thì mới thực hiện một cuốn phim hoành tráng. Đã không làm thì thôi mà làm thì phải đâu ra đó mới được.
-  Dạ, vâng.
Tôi tán thành với ít nhiều dè dặt. Sự dè dặt mà tiếc thay tôi đã không có được trong những lúc trà dư tửu hậu (khi rượu vào lời ra) vào những năm về trước. Trước đó, tôi hào phóng và quả cảm hơn nhiều:
-  Hơn trăm triệu Mỹ Kim cũng không thành vấn đề. Hễ cứ trúng số, dù  mấy trăm chăng nữa, em cũng đưa anh tất.
-  Đám cưới của Già Đô với bà Jeanette, cũng như lúc gia đình chia tay tất nhiên phải quay ngay tại Marseille cơ. Dựng lại nguyên cảnh cái bến cảng này, hồi giữa thế kỷ trước, tốn kém lắm – hiểu chưa?
-  Dạ hiểu.
Tôi không thuộc loại người chậm hiểu hay bội hứa chỉ có điều đáng tiếc (khiến ai cũng phải phàn nàn) là tôi chả trúng số bao giờ. Cuốn phim Già Đô, vì thế, vẫn cứ còn phải nằm chờ nhưng thời gian thì đâu có chịu đợi ai. Ở Việt Nam đã xuất hiện những Già Đô mới, cũng rất đậm nét bi hài, và có “nguy cơ” làm mờ nhạt nhân vật Già Đô của Bùi Ngọc Tấn – theo như tường thuật của biên tập viên Mặc Lâm:
Bùi Hằng đã bị giam giữ sang ngày thứ 10, chưa được thả.
Bùi Hằng đã bị giam giữ sang ngày thứ 10, chưa được thả.
Vào thời khắc gần đón giao thừa năm Giáp Ngọ, công an bao vây nhà bà Bùi Thị Minh Hằng đe dọa chủ nhà không được chứa chấp hai người tù vừa được trả tự do là hai anh em Huỳnh Anh Tú và Huỳnh Minh Trí.”
Hai hôm sau, ký giả Trương Minh Đức cho biết thêm:
Hơn 20 công an đã ập vào nhà tôi (Trương Minh Đức) tại đường N3 khu phố 04 thị trấn Mỹ Phước 1, huyện Bến Cát Tỉnh Bình Dương kiểm tra hộ khẩu vào lúc 0 giờ 55 phút, rạng sáng ngày mồng 03 tết (02/01/2014) trong lúc kiểm tra có hai anh Huỳnh Anh Tú và Huỳnh anh Trí vừa ghé qua thăm gia đình tôi vào lúc 21 giờ, vì đêm quá tối nên hai anh đã nghĩ lại qua đêm.”
Nhửng mẩu tin trên dễ khiến độc giả của Chuyện Kể Năm 2000 thốt nhớ đến tình cảnh của Già Đô, khi mới ra tù, lúc đang sống chui rúc và lén lút tại căn nhà (20 mét vuông) của người bạn cùng tù Bùi Ngọc Tấn:
Khi hắn chợp được một lúc mà hắn tưởng như đã lâu lắm rồi, có tiếng đập cửa và tiếng gọi to như ra lệnh:
- Mở cửa nhé! Kiểm tra hộ khẩu đây.
Đó là điều hắn vẫn chờ đợi. Và hắn đã chuẩn bị sẵn câu trả lời. Hắn bật điện, mở cửa...
- Ai kia?
Cái nhìn hướng vào lùm chăn ở góc nhà, góc trong cùng cạnh chỗ thằng Hiệp.
Cái chăn lùng nhùng cọ quậy và một người ngồi nhỏm dậy. Già Đô râu dài, tóc xoã, dăn deo, sợ sệt, mắt nheo nheo vì chói ánh đèn.
Người ta nhìn vào hắn. Ngọc cũng đã ngồi dậy. Nàng cố chỉnh đốn y phục, vuốt tóc tai cho đỡ bù xù, bước ra:.
Dạ thưa các anh, đây là bạn nhà tôi ạ.
- Có đăng ký tạm trú không?
….
- Dạ, chưa ạ.
- Bác khách có giấy tờ gì không?
Già Đô hất hẳn chiếc chăn bông ra. Già tìm trong đống bùng nhùng chăn màn, áo, túi, lấy ra một tờ giấy. Đó là tờ lệnh tha... (sđd, trang  219-220).
Nhà nước hôm nay hung hãn hơn xưa thấy rõ. Tuy thế, chuyện săn lùng và đe doạ  người dân (xem chừng) không còn dễ dàng như trước nữa.
Bà Bùi Minh Hằng, và ông Trương Minh Đức – ngó bộ– đều không hiền lành như ông bà Bùi Ngọc Tấn ngày nào. Họ không ngại “ăn thua đủ” với lực lượng công an để bảo vệ hai người bạn tù vừa mới được tha: Huỳnh Anh Tú và Huỳnh Anh Trí.
Hai nhân vật này, rõ ràng, cũng không dễ “nuốt” như Già Đô xưa cũ. Thay vì làm đơn xin trở lại tù, ngày 13 tháng 2 năm 2014, họ đã cùng nhiều nhân vật khác (của Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị& Tôn Giáo Việt Nam) đứng tên dưới một Kháng Thư phản đối “việc Công An Đồng Tháp vi phạm pháp luật khi bắt giam người tùy tiện, vi phạm công ước chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam vừa tham gia ký kết.”
Bỉ nhất thời dã. Thử nhất thời dã. Hồi đó là một thời. Bây giờ là một thời (đã) khác. Cái thời mà Đảng và Nhà Nước có thể giết chết Già Đô, hay chôn sống Nguyễn Mạnh Tường bằng sổ gạo và tem phiếu – vĩnh viễn – đã qua rồi.
Thời của những Già Đô Mới hứa hẹn nhiều biến động hơn và, nếu làm thành phim, chắc chắn (sẽ ) hấp dẫn hơn
© Đàn Chim Việt