Wednesday, 2 April 2014

Lối làm ăn thiếu văn hóa và vô liêm sỷ ở Việt Nam - Thích Trí Như

Khi tôi về VN vào cuối năm 2011, mục đích chính không phải chỉ để thăm quê hương hay tìm một sự an dưỡng gì ở đó. Sự thật chính là vì tình thương đối với một đồng loại có gốc gác chủng tộc với mình. Nói trắng ra là để làm từ thiện cứu giúp đồng bào cùng khổ bất hạnh.

Sau gần bốn mươi năm xa quê hương đất nước, tôi rất ngạc nhiên và không khỏi bồi hồi khi nhìn thấy những cảnh tượng trên đường từ phi trường Nội Bài Hà Nội về nhà ông Anh ở Cầu giấy Hà Nội. Tôi tưởng đất nước tôi đã thay đổi bộ mặt ít nhất cũng được như Thái Lan hay Singapore. Nhưng tôi không ngờ tình trạng đường xá từ Nội Bài vào Hà nội nó dơ bẫn bụi bậm và ồn ào phứt tạp, Nhất là còn quá nhiều ngôi nhà lợp tôn. Nó chỉ khác một điều là nhiều công trình cao ốc đang xây dựng nhưng chưa đi vào trật tự cho lắm. Tôi biết đất nước mình còn nghèo..

Việc quan trọng không phải là không thấy sự mở mang đẹp đẻ rộng lớn nhà cửa, đường phố, mà chính là lòng người đã thay đổi quá nhiều.

Tôi còn nhớ rất rõ khi biến cố năm 1975 xảy ra thì một số thanh niên nam nữ vì hoàn cảnh gia đình đã sống bằng cách chạy chọt mua bán để mưu sanh. Từ đó đã sanh ra nạn mánh mun, lường gạt. Nhưng chỉ một ít thôi là do ở hoàn cảnh đất nước mới thống nhất trong buổi giao thời.

Không ngờ 40 năm sau “cái giao thời” đó càng ngày càng phát triển kinh khủng. Khi tôi về lại đất nước, tâm hồn vẫn còn y hệt cái nét thật thà dễ tin người ngày xưa. Tôi nghĩ xã hội chủ nghĩa chắc cũng giáo dục con người theo nền tảng của năm xưa và có thể tốt hơn. Nhưng tôi đã lầm lớn. 40 năm đủ cho một thế hệ trưởng thành.

Một đứa bé, nếu sanh năm 1975, giờ đây đã trở thành một thanh niên 40 tuổi cứng cáp và đầy sự khôn ngoan dầy dặn. Một cái kiểu khôn ngoan vô đạo đức mà chính tôi không bao giờ ngờ. Tuy nhiên tôi cũng không quan tâm mấy chuyện đó nhiều. Cái mà tôi muốn nói là cái lối làm ăn thiếu văn hóa và cách kiếm tiền vô liêm sỷ của những thanh niên lứa tuổi từ 25 đến 50. Dĩ nhiên tôi không thể quơ đũa cả nắm.

Trong số những trào lưu thanh niên sống theo kiểu làm ăn kém văn hóa thì cũng có những con người rất đạo đức và đầy những điểm tốt đáng ca ngợi. Tôi chỉ kể sơ một vài trường hợp tiêu biểu để chúng ta có thể đánh giá một xã hội sẽ đi đến chỗ giẫy chết nếu không có biện pháp sửa đổi trong các lãnh vực làm ăn kiếm tiền của người VN.

Khi tôi xây dựng Thôn Trang A Di Đà tại Long Thành, vì không có kinh nghiệm nên tôi thuê một công ty xây dựng tại Sài Gòn (dấu tên). Vị giám đốc rất trẻ, khoảng 25 tuổi, đến gặp tôi và trình bầy kế hoạch xây dựng. Y nói sẽ lãnh công trình thi công là 1 Tỷ 7 trăm triệu. Vật liệu tôi cung ứng làm đến đâu, tính tiền đến đó. Ban đầu, tôi đánh giá y sẽ làm việc theo kiểu các công trình xây dựng ở nước ngoài.

Công việc làm được khoảng 4 tháng tôi mới phát giác ra đó là công ty dõm. Sau khi lãnh công trình, tên “giám đốc” mới bán lại cho một người khác làm với giá 1 tỷ 200 triệu. Hắn ngồi không đớp 500 triệu tỉnh bơ.

Sau đó, tôi tuyên bố không nhận cho hắn làm nữa và chuyển sang một người khác. Tên nầy nhận phần còn lại với giá 350 triệu. Tuy nhiên chỉ làm chưa được phân nữa, đã ôm 300 triệu bỏ trốn mất tiêu.

Lúc đó, tôi không có mặt ở VN. Mọi việc đều giao cho một thằng cháu “trời đẻ” coi ngó giùm. Không ngờ hắn ăn rơ với chủ thầu báo cáo công việc làm gần xong nên tôi đã trả 300 triệu. Đến khi về VN, tôi mới vỡ lẽ công trình chưa được phân nửa của phần còn lại.

Tôi lại mướn thầu thứ ba. Tên nầy hứa chấp nhận giá 200 triệu, sẽ hoàn thành 100% căn nhà. Nhưng sự thật khi xong việc, tôi đã chi hơn 1 tỷ.

Trong quá trình làm việc, có một vài vấn đề sai thiết kế, tên thầu nầy tìm một nhà thầu khác, hứa sẽ đứng ra bảo lãnh để khỏi bị đập phá. Trường hợp nầy, tôi phải chi thêm 200 triệu mới xong. Tin người, tôi đưa hai trăm triệu để hắn chạy chọt. Nhưng thật tế là “chạy luôn” chứ không phải “chạy chọt”.

Tên giám đốc lưu manh nầy cũng có tiền án nên cuối cùng quả báo là phải bán hết nhà cửa lo lót mới khỏi ở tù. Đó là chuyện của hắn. Riêng tôi thì chả muốn nói làm gì, chỉ biết lắc đầu thôi. 200 triệu VN chỉ đáng giá khoảng 6 ngàn tiền Anh, nhưng có thể là cả một gia tài của người VN. Một công ty họ đã dùng số tiền nầy để bán rẻ danh dự làm ăn. Cả bốn ông Nội gọi là “giám đốc Công Ty” toàn thứ Dõm thuộc loại “Trời đánh”. Hèn nào mà đọc báo hàng ngày, thấy toàn là Giám đốc ra tòa vì tội lường gạt.

Riêng về phần nhân công làm việc, tôi lại càng nhứt cái đầu. 100 người làm việc thì có lẻ 90 tên mắc bệnh ăn cắp vặt. Hình như họ làm việc để kiếm tiền, kiếm chát cái gì, chứ không phải làm việc vì nghĩa vụ thuê mướn. Nên hở cái gì là họ lượm cái đó.

Làm việc thì không có một cơ sở nào đỡ đầu chịu trách nhiệm bảo hiểm. Chủ thầu thích ai, gọi người đó, không ưa ai thì cho nghỉ việc. Đây chính là cái bế tắc xã hội nguyên nhân của tất cả tệ nạn cướp của giết người.

Là người sống ở nước ngoài nhiều năm, tôi rất lấy làm lạ tại sao người VN có thể chịu đựng được lối làm việc để sống theo kiểu “ngoài lề xã hội” như thế. Ở nước ngoài từ Mỹ, Canada đến Anh Quốc hay Âu Châu, người lao động đâu có bị coi thường và nhận làm việc một cách vô trật tự như thế. Bất cứ công nhân xây dựng nào cũng có công đoàn bảo vệ lương của họ khi bị thất nghiệp bất ngờ là phải hưởng 60% và họ được hưởng maximum 1 năm. Nếu sau một năm, họ không tìm được việc có thể chuyển qua lãnh lương trợ cấp xã hội cũng với giá đó.

Trong giới buôn bán làm ăn thì cũng có nhiều cái rất buồn cười. Có một anh chàng bán đồ xây cất. Tôi đặt làm một bồn tắm có gắn hệ thống nước nóng. Anh chàng ra giá và làm xong theo thỏa thuận. Tuy nhiên anh quên không gắn thêm cho tôi những phụ tùng cho một nhà tắm.

Tôi vô ý đưa tiền hết cho anh và không nghỉ rằng anh chàng không trở lại làm tiếp phần dang dở. Tuy nhiên, khi lấy hết tiền, anh chàng không bao giờ trở lại nữa.

Lối làm ăn nầy không có hậu và rất mất phước đức. Nhưng tôi cảm thấy hầu hết giới làm ăn đều sống cái kiểu đó. Có nghĩa là được tiền cho mình thôi, còn đối phương mặc kệ. Cho nên người ở VN bảo nhau đừng bao giờ đưa tiền hết. Đưa tiền hết là nó đi luôn. Ở VN là như thế. Tôi chưa hề thấy những hiện tượng như nói trên xảy ra ở nước ngoài. Vì vậy tôi kết luận người VN không có tinh thần tự trọng và vô đạo đức rất nhiều. Làm ăn kiểu nầy cứ kéo dài thì xã hội không bao giờ tiến bộ được vì lòng người quá bất tín.

Cần phải hy sinh một thế hệ để cải tạo lại nếu không dân tộc VN sẽ sớm chết đói vì do cái nhân làm ăn chụp dựt thì cái quả nghèo khổ sẽ nắm trong tay. Tôi thật thích thú cái tinh thần của người Nhật. Họ rất dũng cảm và không có cái tệ như người VN. Ta chỉ nhìn xem hiện tượng năm 1945 khi người Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống nước Nhật khiến họ đầu hàng vô điều kiện. Nước Nhật lúc đó tan hoang hết. Người ta không ngờ chỉ không đầy 30 năm sau họ phục hồi hết tất cả. Đường xá, cầu cống và nhà cửa. Họ đặc biệt trở thành một cường Quốc trên thế giới.

VN mình đã 40 năm rồi chưa được gì hết. Đi đâu cũng thấy nói quy hoạch, quy hoạch, quy hoạch. Nhà cửa đường xá có mở rộng, nhưng không hoàn tất. Quan chức tham ô nhũng loạn bị ra tòa kết tội chung thân hay tử hình loạn xà ngầu.

Tôi cũng rất ngạc nhiên 100% dân chúng đều mang khẩu trang kỳ lạ khi ra đường. Con gái có người che kín mặt mũi trông như quái vật thời tiền sử. Thế mà họ chịu được mới lạ. Ở nước ngoài, đàn bà che kín mặt ra đường là một sự xúc phạm lớn đối với người khác. Họ cho là bất lịch sư. Nhưng cái bất lịch sự của các cô gái ở VN được bào chữa là do đường nhiều bụi quá và nhất là nắng quá.

Đúng thật! VN là một xứ sở đặc biệt có bụi bậm nhiều nhất thế giới. Bụi nầy nếu hít vào phổi rất dễ bị ung thư. VN nổi tiếng nhiều vi trùng do người dân khạc nhổ, phóng uế bừa bải. Tìm khắp VN chắc khó kiếm cầu tiêu công cộng. Các cô gái VN muốn giữ gìn khuôn mặt cho trắng đẹp bằng cách che kín nó từ đỉnh đầu xuống tới cổ bằng ba hay bốn mảnh vải khẩu trang, còn trang điểm thêm găng tay dài. Tôi hơi ngạc nhiên là việc dùng khẩu trang chỉ mới xảy ra vào khoảng ba thập niên sau nầy thôi. Như vậy chắc là các cô gái VN đang bị ai làm phù phép gì đây? Trước năm 1975, mang khẩu trang ra đường thì bị cho là chạm giây. Chỉ có mấy bà Điên mới mang mặt nạ kỳ cục ra đường.

Sài Gòn năm xưa đâu bao giờ thấy cảnh con gái chạy xe Hon Da mang mặt nạ bao giờ trời? Vì vậy khi nhìn con gái với khuôn mặt trần xinh đẹp, đàn ông nghệ sỹ thấy mới hứng chí làm thơ tặng nàng.
“Áo nàng vàng, anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh, anh mến lá sân trường.”
(Thơ Nguyên Sa)
Ngày nay, nếu ra đường nhìn các cô gái bịt mặt, bọn đàn ông văn nghệ sẽ nói rằng:
“Anh nhìn em, ngỡ ngàng không dám hỏi.
Lỡ quen rồi, anh biết nói sao đây?
Mặt của em che kín hết trời xuân.
Nhìn thấy gớm, y như bà đồng bóng.”
Những cái tệ ở VN có lẽ là do đời sống kinh tế chi phối. Chuyện khắc phục phải đợi thời gian. Tuy nhiên, nếu con người tự giác ngộ, có thể tự sửa đổi ngay lập tức. Vì đó là những cái nó làm hao tổn phước đức của mình ghê lắm. Dù cho sống lương lẹo, kiếm được nhiều tiền, nhưng phước đức không có thì tiền đó nó sẽ vô túi người khác. Nếu làm ăn chân chánh và có đạo đức thì phước đức tăng trưởng rất nhiều. Tuy rằng kiếm ít tiền hơn nhưng vì sống đạo đức nên tiền bạc từ các nơi sẽ quy tụ về túi của mình hưởng bao giờ cho hết?

Vì vậy mình nên sửa đổi lại cách làm ăn. Chỉ nên tạo phúc đức và biết hy sinh. Hình như người ở VN đa số không tin đạo lý nầy. Tài bảo là của thiên địa hễ ai có phước đức, nó tự tìm đến. Đừng nói có tài sẽ kiếm được nhiều tiền. Rất nhiều người tài ba ghê lắm lần lược rũ nhau vào nhà đá nghỉ mát.

Nhưng vô phúc, vô lương tâm mà đòi giữ nhiều tiền thì đó là chuyện lạ. Hãy nhìn mấy tên ăn cướp, trộm tiền của người có bao giờ tồn tại, không bị tù đầy, cũng bị giết chết. Vì lẽ dễ hiểu sống làm nghề ăn cướp, ăn trộm bất lương thì làm gì có phúc giữ tiền, giữ mạng..

Thích Trí Như