LTG: Bài viết này phổ biến lần đầu tiên vào ngày 27.4.1996 trên diễn đàn soc.culture.vietnamese, được gọi tắt là SCV, vào một thời điểm mà hệ thống Internet còn chưa trở thành một phương tiện truyền thông đại chúng. Mười hai năm sau, tôi đã dự định “nhuận sắc” bài viết cho “phải phép,” chữ dùng của Thường Quán cho “political correctness,” nhân dịp tạp chí damàu thực hiện số báo nhỏ nhằm kỷ niện lần thứ 33 biến cố lịch sử ngày 30 tháng tư năm 1975. Sau khi đọc lại, tuy nhiên, tôi quyết định giữ ở dạng nguyên thủy những điều đã viết ra mười hai năm trước về một cảm giác đã có hai mươi mốt năm trước đó.
Trong quá trình sống của một người, đặc biệt của những người thuộc giới sáng tác, những bội phản, dũng cảm hay hèn nhát, nhất định đã được thực hiện bằng cách này hay cách khác trong hoàn cảnh này hay hoàn cảnh khác vì lý do này hay lý do khác, một cách cần thiết. “Phải phép” hoặc “phù hợp cho tình thế mới” cũng là điều cần thiết. Nhưng không đủ cần thiết để phản bội một cảm giác. Ít nhất ở lần này.
PN
PN
Lúc đó vào khoảng 12 giờ trưa. Trước đó khoảng hai tiếng đồng hồ, Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng quân “Cách Mạng.” Khi tôi ra đến ngã ba tiếp giáp với đường Võ Di Nguy (Phú Nhuận) thì quang cảnh hỗn loạn càng lúc càng tăng. Lính tráng thuộc đủ mọi binh chủng chạy ngược chạy xuôi, súng ống, áo quần vất bừa bãi đầy đường. Lại thêm đám thương binh từ Tổng Y Viện Cộng Hòa gần đó, kẻ cụt chân, người mù mắt dắt díu nhau trên lòng đường càng làm cho cuộc tháo chạy thêm phần bi thảm.
Trong cái khung cảnh kinh hoàng và đau xót ấy, bỗng dưng tôi nhìn thấy họ!
Họ gồm bảy người, đứng sắp hàng rất đều nhau trên lề đường Võ Di Nguy, quãng gần cổng hậu của bộ Tổng Tham Mưu đến cổng xe lửa số 10. Cả bảy người đều mặc quân phục nghiêm chỉnh, súng M16 trên tay phải, bá súng tựa vào hông, tay trái đưa chéo sau lưng theo tư thế nghỉ. Những chiếc “bê rê” xanh lá cây trên đầu họ lấp lánh chiếc huy hiệu nhỏ bằng kim khí sáng loáng có hình con cọp bay ngang qua chiếc dù mở rộng. Những người lính Biệt Cách Dù thuộc Liên Đoàn 81!
Ý nghĩ đầu tiên đến với tôi lúc đó, dưới dạng một câu hỏi, là “Tại sao họ còn đứng đây làm gì?” Tất nhiên là tôi không dám hỏi họ câu hỏi đó. Không có ai dám hỏi họ câu hỏi đó! Mọi người, kể cả những thương binh chống nạng lê lết trước mặt họ, đều cúi gầm mặt xuống trong khi đi ngang qua hàng lính đang đứng gác một cách nghiêm chỉnh này. Cả tôi, trong bộ đồ dân sự, cũng vậy. Tôi đã giải ngũ trước đó một năm, nếu không thì lúc này tôi cũng đang vội vã cởi bỏ bộ quân phục và cũng đang cúi đầu lầm lủi đi qua trước mặt họ, hướng về một nơi chốn “an toàn” nào đó. Tôi nhớ mình đã cố tình chậm lại khi đi ngang qua những chiến sĩ Biệt Cách Dù, len lén nhìn lên khuôn mặt của họ. Tất cả đều còn rất trẻ, người lớn nhất chưa đến ba mươi, và người trẻ nhất vào khoảng hai mươi là cùng. Lúc bấy giờ, anh còn trẻ hơn tôi vài ba tuổi.
Đó là người lính thứ bảy trong hàng, người cuối cùng mà tôi phải đi ngang qua. Mấy giây để qua khỏi anh dài cả ngàn năm, và mấy bước sau khi qua khỏi anh dài cả ngàn dặm!
Tôi quay đầu lại nhìn anh để bắt gặp ánh mắt anh cũng đang hướng về tôi. Rồi anh quay lại, nhìn thẳng về phía trước, và tôi cũng quay đi, tiếp tục cuộc hành trình.
Tôi sẽ không có dịp thấy lại anh và các đồng đội của anh, nhưng ánh mắt buồn bã của anh đã ở lại với tôi cho đến mãi bây giờ.
Vào một ngày định mệnh hai mươi mốt năm về trước, hàng trăm ngàn người lính đã trở thành anh hùng. Họ thuộc về đạo quân chiến thắng. Những người anh hùng của Quân Đội Nhân Dân tràn vào Sài Gòn từ bốn phương tám hướng, bàng hoàng với cái chiến thắng vĩ đại mà trước đó không lâu chỉ là một giấc mơ, và ngơ ngác, lạc lõng trong chính cái thành phố mà bây giờ họ đã là chủ nhân ông. Trong hàng ngũ của Quân Đội Nhân Dân còn nhiều anh hùng. Những người này không có mặt trong buổi khải hoàn. Họ đã ngã xuống ở một chiến trường, một góc núi, hay một chân đèo nào đó. Những người trẻ tuổi, có lẽ cũng trẻ như người lính Biệt Kích Dù đứng ở cuối hàng quân trong một buổi sáng hỗn loạn trên đường Võ Di Nguy, lớn lên trong một thôn xóm nào đó trên đất Bắc, lên đường tòng quân với ước mơ giải phóng miền Nam đói khổ điêu tàn dưới ách ngoại xâm. Và tôi cho rằng họ đã ngã xuống như một anh hùng trong chính cái ý nghĩ này vào những giây phút cuối cùng của họ trên con “Đường Đi Không Đến.” Và may mắn cho họ vì đã không có dịp mất đi bản sắc anh hùng. Bởi vì sẽ còn lại bao nhiêu người trong đạo quân chiến thắng năm xưa tiếp tục xứng đáng với danh hiệu “anh hùng?” Có bao nhiêu người đã vì miếng cơm manh áo hay chút quyền lợi nhỏ nhoi đã trở thành đốn mạt? Anh hùng đốn mạt?
Cũng vào ngày hôm đó, hàng trăm ngàn người lính khác thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã cúi đầu trước số phận, cũng bàng hoàng, cũng ngơ ngác trong cái thành phố mà trước đó không lâu đã thuộc về họ. Lẽ tất nhiên, không có anh hùng trong đoàn quân chiến bại. Điều này không được cho phép! Chỉ có những người bất khuất. Như những người lính Biệt Cách Dù lẻ loi trên một góc đường Sài Gòn vào buổi trưa một ngày tháng Tư hai mươi mốt năm về trước. Như người thiếu phụ quấn lá cờ vàng, đeo giây biểu chương đi tìm xác chồng trên một cánh đồng ở Hóc Môn vài ngày sau đó. Và như những điều chỉ được thì thầm cho nhau nghe sau cánh cửa đóng kín trong những năm tháng kế tiếp dưới ách thống trị của những người chủ mới. Những điều sẽ không bao giờ tìm thấy trong sách sử…
Bài viết này không mang một hậu ý gì đáng kể. Chỉ là một cách tự nhắc lại cho chính mình những điều đã kinh qua trong một ngày định mệnh hơn hai thập kỷ trước, ở đó, một ánh mắt đã được gởi đi và được mang theo cho đến bây giờ, và có lẽ cho đến nhiều năm sau nữa. Cái ánh mắt buồn bã và bao dung của một người lính còn rất trẻ gởi đến tôi trong một sát na chông chênh giữa cuộc tử sinh vẫn còn rất sinh động như mới hôm qua.
Trong khi những bất hạnh, những đau thương, những oán hờn tưởng chừng không thể nào quên nay đã nhạt phai cùng với tháng ngày.
Phùng Nguyễn
Phùng Nguyễn