Khi
Hiệp Định Genève ký kết chia hai đất nước ngang qua giòng sông Bến Hải ngày 20
tháng Bẩy năm 1954, lúc đó tôi mới lên chín bằng một nửa cái tuổi mười tám
nhưng không hiểu sao tôi vẫn nhớ mãi bài hát đó về Hà Nội, “Nỗi Lòng Người Đi”,
và về quê hương miền Bắc dấu yêu. Tuy còn nhỏ nhưng trong ký ức của tôi không
bao giờ phai mờ về những kỷ niệm thuở ấu thơ lúc còn ở Hà Nội, khi đến thăm bác
tôi ở Hải Dương và nhất là những năm tháng ở Hải Phòng – thành phố bừng lên rực
rỡ vào mùa Hè với những hàng cây cao vút hoa Phượng vĩ, và những năm tiểu học tại
ngôi trường dòng St. Joseph. Hải Phòng là nơi tôi đã sống những năm tháng đẹp
nhất của thời niên thiếu trước khi di cư vào Nam. Tôi sinh ra tại Nam Định,
thành phố lớn thứ ba sau Hà Nội và Hải Phòng nhưng không nhớ một chút gì về
thành phố nổi tiếng nhiều nhân tài cho đất nước này vì khi tôi mới sinh ra đời
là chạy loạn liên miên để tránh bom đạn và các cuộc chạm súng giữa Pháp, Nhật
và Việt Minh. Đó là khoảng thời gian loạn lạc chiến tranh khắp nơi và người dân
miền Bắc vẫn còn chịu nhiều tang thương khổ ải dù Thế Chiến Thứ Hai đã chấm dứt
từ lâu. Năm tôi sinh ra đời mang nhiều dấu vết thương tâm in hằn lên quê hương
miền Bắc – những đau thương không bao giờ có thể quên được, không thể nào xóa
nhòa vì hàng triệu người dân quê hiền lành chất phác đã chết thảm vì nạn đói do
quân phiệt Nhật Bản gây ra khi họ ra lệnh nhổ hết lúa để trồng đay cho kỹ nghệ
chiến tranh của họ tại Đông Dương. Thái Bình là một tỉnh vựa lúa của miền Bắc lại
là nơi nhiều nông dân thiệt mạng nhất vì nạn đói năm Ất Dậu. Từng làng từng xã
phải tuần tự bỏ vùng quê lên tỉnh để xin ăn và người chết vì kiệt sức vì thiếu
ăn nằm phơi thây trên khắp các tỉnh thuộc lưu vực sông Hồng. Mẹ tôi vẫn thường
kể lại những ngày tháng bi thương oan khiên đó – mỗi ngày mẹ phải nhìn những xe
bò kéo qua nhà chở đầy xác người chết đói nằm cong queo chất đống lên nhau đem
đi chôn vội vàng tại các khu đất trống vì nghĩa trang không còn chỗ. Nhiều người
sau thời gian dài từ quê lên tỉnh không có gì trong bụng vừa đến trước cửa nhà
xin ông xin bà một bát cơm thì ngã xuống đất chết một cách rất thương tâm. Nhờ
có cụ nội của tôi biết xem thiên văn nên cụ đã báo động cho họ hàng về một nạn
đói khó tránh khỏi nên mẹ tôi đã trữ gạo trong nhà. Nhờ đó mỗi ngày mẹ tôi và
chị giúp việc cầm những nắm cơm nhỏ đứng trước cửa nhà phân phát cho những người
qua đường, và đã cứu sống được hàng trăm người. Có một cô bé sau khi được mẹ
tôi cho ăn và tỉnh lại đã xin vào làm giúp việc cho gia đình không cần lương. Mẹ
tôi đã vui vẻ thâu nhận nhưng vẫn cho cô bé một số tiền mỗi tháng. Mẹ kể câu
chuyện cười ra nước mắt về cô bé tên Lành này. Vì khi Lành nấu ăn, vốn đã bị bỏ
đói quá lâu nên cô bé thường hay ăn vụng thức ăn, mẹ tôi thường bắt gặp nhưng
không la rầy gì. Mẹ tôi còn nói nó đói quá lâu tội nghiệp cứ cho nó ăn một thời
gian thì sẽ không còn ăn vụng nữa.
Ba
tôi là con trai trưởng và ông nội tôi là anh cả trong bốn anh em, kế ông nội
tôi là ông chú mà chúng tôi hồi bé quen gọi là ông Đốc vì ông mà một bác sỹ y
khoa được dân chúng yêu mến tại Yên Bái, nhất là ở những miền thượng du trong
suốt Thế Chiến Thứ Hai. Ông Đốc luôn giúp đỡ săn sóc mọi người bất kể thành phần
trong xã hội và bất kể ngày đêm hay mưa gió, lúc nào trên đầu giường ông cũng
máng sẵn chiếc áo blouse trắng và cái cặp đựng ống nghe và dụng cụ y tế của ông
để nếu có ai cần đến gõ cửa là ông đến khám bệnh ngay giúp họ. Đối với dân làng
và người nghèo, ông không bao giờ nhận tiền của họ và trong nhà ông không bao
giờ thiếu hoa quả trái cây và gà vịt – những sản phẩm của dân làng biếu ông để
tỏ lòng tri ân đối với người Lương Y như Từ Mẫu. Ông nội tôi theo Đông Y trong
khi ông chú lại là Tây Y nhưng hai anh em giống nhau một điểm là lòng thương
người và hay giúp đỡ người nghèo qua chữa bệnh miễn phí và chăm sóc họ như người
thân trong gia đình. Có phải vì thế mà sau bao nhiêu cuộc chiến thảm khốc giữa
Pháp-Nhật rồi Pháp-Việt Minh và sau này Quốc Gia và Cộng Sản mà đại gia đình
tôi hầu như được nguyên vẹn dù có trải qua bao phong ba bão táp trong số hàng vạn
gia đình khác từ Bắc vào Nam. Tôi đề cập nhiều đến ông Đốc vì có một câu chuyện
khi ông đang hành nghề bác sỹ tại Yên Bái làm cho tôi vừa kính phục ông lại vừa
băn khoăn. Ông được một sỹ quan Nhật tặng cho thanh kiếm tùy thân để trả ơn ông
cứu mạng. Đối với người lính Nhật, thanh kiếm đeo bên người tượng trưng cho danh
dự và niềm hãnh diện của họ, gắn liền với bản thân không bao giờ xa rời. Hôm đó
vào một ngày đầu thập niên bốn mươi trời đã chạng vạng tối, ông Đốc khi ra đóng
cửa phòng mạch thì nhìn thấy một sỹ quan Nhật bị thương rất nặng nằm sõng soài
trước hiên nhà. Sau một phút lưỡng lự và với lương tâm của người y sỹ, ông quyết
định cứu người sỹ quan đó. Khi bình phục viên sỹ quan đã tặng cho ông Đốc thanh
bảo kiếm của anh ta trước khi cúi đầu chào giã biệt. Sau này khi hỏi lại ba tôi
về hành động nhân đạo của ông Đốc, ba tôi trầm ngâm không nói gì.
Vào
những năm đầu của thập niên năm mươi, ba mẹ tôi đã thành công trên thương trường
và trở thành triệu phú tại Hải Phòng và căn biệt thự mà ba tôi xây trên đường Cầu
Đất là một trong những dinh thự lớn nhất tại thành phố cảng. Nhưng chẳng bao
lâu sau thì xẩy ra biến cố đau thương chia hai đất nước. Chính vì nuối tiếc cái
dinh thự nguy nga đó mà ba tôi nhất định không chịu di cư vào Nam. Tôi rất phục
mẹ vì mẹ tôi không những khôn ngoan mà còn đảm lược nên đã cứu được cả gia đình
mình nữa. Một mặt mẹ tôi gửi ngay trước bốn anh em trai lớn chúng tôi vào Nam theo
chuyến bay với các con của cô tôi từ Hà Nội vào Sàigòn. Một mặt mẹ tôi mời cô
tôi xuống Hải Phòng để thuyết phục ba tôi. Nhờ có cô tôi thuyết phục nên phút
chót ba mẹ tôi mới xuống được tầu há mồm LSD của Hải Quân Mỹ vừa kịp lúc để vào
Nam. Lúc nhìn tấm biểu ngữ giăng ngang của các thủy thủ Mỹ chỉ hướng lên tầu đến
thế giới tự do với hàng chữ “Passage To Freedom” (Con Đường Dẫn Đến Tự Do) người
miền Bắc mới ý thức được việc di cư là cần thiết và là vấn đề sống chết. Nếu ở
lại chắc chắn ba tôi đã bị đấu tố hay chết rục trong lao tù cộng sản, gia đình
sẽ bị đầy lên vùng kinh tế mới và chết dần mòn ở một xó rừng nào đó trên vùng
thượng du rồi. Những người dân ở miền quê và nhiều người ở ngay đô thị vì không
có phương tiện di chuyển hay lưỡng lự không chuẩn bị kịp nên đã bỏ lỡ cơ hội di
cư vào miền Nam để được hưởng một cuộc sống xứng đáng cho con người. Họ đã phải
ở lại trong một xã hội câm nín sau bức màn sắt. Bác Phán chị ruột của ba tôi ở
trong hoàn cảnh đó. Bác trai muốn đi nhưng bác gái chần chờ và muốn ở lại. Đến
khi ba tôi quyết định đi di cư vào phút chót thì gia đình bên bác Phán tôi vì ở
Hải Dương nên không thể chuẩn bị kịp nữa và phải ở lại, và chịu trăm cay nghìn
đắng với những con người cộng sản sắt máu không có con tim và nhân tính.
Từ
đó Việt Nam bị chia đôi với miền Bắc đắm chìm trong máu lửa của những màn đấu tố
giết chóc khủng bố; trong khi miền Nam, đất lành chim đậu, đang bắt đầu xây dựng
lên một thể chế Cộng Hòa vững mạnh và phồn thịnh, vươn vai ngang hàng với các
nước Á Châu. Trong khoảng thời gian 21 năm miền Nam phú cường và thanh bình thịnh
trị là khoảng thời gian kinh hoàng nhất cho dân miền Bắc dưới chế độ cộng sản
xã hội chủ nghĩa mà mãi sau này khi mất miền Nam tháng Tư 1975, người dân trong
Nam mới hay thì cũng đã muộn màng vì số phần đen tối của họ cũng sẽ không hơn
kém gì một miền Bắc đói nghèo và lạc hậu, trong một xã hội mới XHCN mà tính mạng
con người như cỏ rác. Tôn giáo và đạo đức, nền tảng gia đình cùng nhân phẩm con
người bị chà đạp và hủy hoại.
Nhìn
lại lịch sử của dân Việt, ít có dân tộc nào lại mang nhiều vết tích chiến tranh
tàn phá nặng nề cả về vật chất lẫn tinh thần như dân tộc Việt Nam. Sau tám mươi
năm thực dân Pháp cai trị nước ta với bao đau thương chồng chất vì chủ nghĩa thực
dân, lại đến bom đạn cày nát quê hương miền Bắc trong Thế Chiến Thứ Hai theo
chân đoàn quân phiệt Nhật Bản vào Đông Dương. Nhưng những đoàn quân lê dương của
Pháp và quân phiệt Nhật cũng không ở lại lâu trên đất nước Việt Nam mà sau đó một
chủ nghĩa tàn bạo nhất thế giới và vô nhân tính nhất đã du nhập vào miền Bắc và
gieo rắc đau thương gấp trăm lần thực dân Pháp và quân Nhật: Đó là chủ nghĩa cộng
sản với mưu đồ nhuộm đỏ và thống trị toàn cầu. Một triệu người dân miền Bắc bỏ
quê hương ra đi vào Nam năm 1954 những tưởng sẽ được hưởng sự an bình vĩnh cửu
trong miền Nam tự do thanh bình nhưng tất cả đã trở thành ảo vọng khi cộng sản
quốc tế đã thúc cộng sản Việt Nam xua quân qua vùng phi quân sự và dọc Trường
Sơn vào xâm lăng miền Nam. Sau 21 năm được sống trong thanh bình an lạc, vì Hoa
Kỳ thay đổi chính sách đối ngoại với đồng minh Nam Việt Nam, Miền Nam đã bị đồng
minh Hoa Kỳ bỏ rơi. Lịch sử nước Việt một lần nữa phải mang vành khăn tang trắng
khi miền Nam mất vào tay cộng sản Bắc Việt trong ngày Quốc Hận 30-4-1975. Người
dân miền Bắc di cư vào Nam năm 1954 một lần nữa lại mất quê hương và đất sống và
phải tìm đường vượt biển đi tìm tự do trên con đường lánh nạn cộng sản lần thứ
hai trong thế kỷ hai mươi. Cuộc Di Cư khổng lồ năm 1954 là cuộc di dân lớn nhất
từ Bắc vào Nam nhưng vẫn còn trong phạm vi một nước. Sau khi Sàigòn sụp đổ năm
1975, hàng triệu người lại tìm đường lánh nạn không phải từ Bắc vào Nam mà từ
miền Nam ra biển khơi lưu lạc đến bất cứ phương trời nào có tự do và dung nạp họ
bởi họ đã quá khiếp sợ và kinh hãi chủ nghĩa cộng sản vô thần và bạo tàn.
Sau
39 năm nhìn lại quê hương miền Nam (1975-2014), chúng ta không khỏi đau lòng buốt
giá trong tim khi bao nhiêu triệu người đã phải hy sinh và thiệt mạng vì cuộc
chiến do cộng sản Bắc Việt gây ra. Một cuộc chiến hoàn toàn vô ích và vô nghĩa,
chỉ có lợi cho đảng cộng sản của họ và cho cộng sản quốc tế mà thôi; vì sau Thế
Chiến Thứ Hai, tất cả các thuộc địa sẽ từ từ được thực dân trao trả lại chủ quyền
và nền tự chủ - không cần tốn một viên đạn. Quân đội Pháp cũng sẽ phải rút về
nước, Việt Nam sẽ được hưởng một nền độc lập tự do đúng nghĩa của nó. Nhưng cộng
sản quốc tế lo ngại khi đó chủ quyền sẽ lọt vào tay chính phủ Quốc Gia cho nên
họ đã sớm phát động phong trào kháng chiến chống Pháp ngụy tạo dưới tên Việt
Minh để cướp chính quyền, để nhuộm đỏ miền Bắc trong chiến lược bành trướng chủ
nghĩa cộng sản trong vùng Đông Nam Á của Nga Sô và Trung Cộng. Bất hạnh thay
cho đất nước Việt Nam bị tan hoang dưới sự thống trị của đảng cộng sản. Tan
hoang cả về tài nguyên vật chất lẫn các giá trị văn hóa đạo đức và nhân bản.
Sau
39 năm với bao nhiêu đau thương và đổ vỡ trên quê hương gây ra bởi sự cai trị rừng
rú tùy tiện và độc tài của đảng cộng sản Bắc Việt, chủ nghĩa cộng sản đang đi đến
bên bờ vực thẳm và đang tự hủy hoại, vì người dân đã vượt lên sự sợ hãi để can
trường đứng lên đòi lại quyền sống bất chấp tù đầy khủng bố, và vì người cộng sản
đã hết thời, không còn dùng những thủ thuật tuyên truyền để lừa dối được người
dân nữa. Ánh sáng đang bắt đầu rọi chiếu đến quê hương chúng ta và ba triệu người
đang sống tạm dung trên gần một trăm quốc gia trên thế giới đang chờ ngày tàn của
bạo chúa để họ sẽ cùng nhau trở về quê hương xây dựng lại tất cả từ đống tro
tàn.
Phạm Gia Đại