Wednesday 4 June 2014

Bệnh Sởi: Trẻ Em Việt Nam Có Còn Được Chủng Ngừa Hay Không ?? - Trần Mộng Lâm

Dr. Joanne Liu

Sự tiết lộ mới dây của BS Joanne Liu làm những chuyên gia về Y Khoa phòng ngừa giật mình e ngại.
Trước hết, xin giới thiệu Bà Bác Sĩ Joanne Liu.

Chức vụ hiện thời của bà là Chủ Tịch Quốc Tế của tổ chức Médecins sans frontieres hay Hội Bác Sĩ Không Biên Giới, một tổ chức thiện nguyện có ngân sách lên đến một tỷ Euros một năm, hoàn toàn do tư nhân đóng góp. Médecins sans frontieres có tới 30,000 nhân viên phục vụ. Mỗi khi trên thế giới có một biến cố nào cần đến sự săn sóc về Y Tế, thì Médecins sans frontieres đều có mặt một cách nhanh chóng. Bởi lý do đó, những người hoạt động trong tổ chức này thường không quản gian nguy, có thể mất mạng như chơi, để dến những hang cùng, ngõ hẻm, lên núi, xuống biển, ra xa mạc, tại Á Châu, Phi Châu, hay Nam Mỹ…

Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi Joanne Liu là Indiana Jones phụ nữ.

Joanne Liu sanh tại tỉnh Québec, Canada. Bà là người con của một gia đình Trung Hoa, di dân sang Canada. Cha mẹ của bà, như đa số các người di dân Á Châu khác, là chủ một nhà hàng bán đồ ăn Trung Hoa. Ngay từ khi mới 12, 13 tuổi, Joanne đã bị lôi cuốn bởi tác phẩm « Et la paix dans le monde docteur» trong đó nói về hoạt động cứu nguy của các bác sĩ không biên giới tại A Phú Hãn, trong thời gian nước này bị Nga chiếm đóng.

Ngay khi còn đi học, Joanne đã sang tận Mali để làm thiện nguyện với tổ chức Canadian Crossroads International. Tốt nghiệp Y Khoa Bác Sĩ của Đại Học Mc Gill, bà đi thực tập tại nhà thương Nhi Khoa Ste Justine chuyên về nhi đồng tại Montréal và trở thành bác sĩ Nhi Khoa. Bà còn tu nghiệp thêm về Nhi Khoa khẩn cấp tại bệnh viện Bellevue Hospital centre của New York University School of medecine.

Năm 1996, bà bắt đầu gia nhập hội BS Không biên giới, viết tắt là MSF. Trong tổ chức này, bà đã từng có mặt tại các trại tỵ nạn Phi Châu. Năm 2004, bà làm việc tại Ấn Độ khi nước này bị thiên tai động đất. Bà cũng đã đi Haiti, Somali, Kenya, Palestine, Trung Phi, Sudan… Bà là người đã đề ra chương trình trợ giúp về y khoa cho các nạn nhân của bạo hành tình dục tại Congo…

Trong đại hội của MSF họp vào tháng sáu năm 2013, bà được bầu vào chức Chủ Tịch quốc tế của tổ chức này, là chức vụ cao nhất.

Bà xứng đáng là một niềm kiêu hãnh cho Á Châu.

Hiện nay, trên lý thuyết, bà làm việc tại văn phòng nằm tại Genève, nhưng bà di chuyển thường xuyên đến các điểm nóng trên Thế Giới, như tại Congo, khi 4 nhân viên của MSF bị bắt cóc để thương thuyết sự trả tự do cho các người này. Mới đây, bà sang Miến Điện khi có các dịch VIH, sốt rét.

Bà cũng sang Cambogge, Lào và Việt Nam trong dịch Sởi.

Mối quan tâm của bà là làm sao cho bệnh này không lan sang Ấn Độ.

Chúng ta hẳn không ai không biết là Viết Nam vừa qua đã có một dịch sởi, làm thiệt mạng nhiều trẻ em. Trên internet, người ta xúc động khi nhìn hình ảnh một người cha, ôm chặt đứa con trong tay, khóc lóc và kêu gào thảm thiết: Xin hãy cứu con tôi. Không hiểu hiện nay đứa bé đó có còn sống hay không. Người ta cũng bất nhẫn trước những lời tuyên bố vô duyên, vô trách nhiệm của bà Bộ Trưởng Y Tế Việt Nam. Nhiều người yêu cầu bà từ chức, nhưng bà vẫn làm thinh.


Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, thực hiện bởi ký giả Marie Claude Lortie của báo Lapresse, đăng trong số báo ra ngày 2 tháng 6 2014, khi dược hỏi về bệnh sởi, bác sĩ Joanne Liu có những lời tuyên bố như sau:

Việc bệnh sởi lan tràn là dấu hiệu đầu tiên của sự yếu kém, thiếu sót của hạ tầng cơ sở về Y Tế của một quốc gia. Điều này chứng tỏ là họ không chủng ngừa cho trẻ em. Trẻ em không có được sự săn sóc về Y Tế căn bản tối thiểu.

Nguyên văn bài báo tiếng Pháp như sau: La rougeole ? Oui, la rougeole. C’est l’un des premiers symptoms de la défaillance de l’infrastructure médicale d’une société, note-t-elle (DR LIU). Le signe qu’on ne vaccine plus. Que les enfants n’ont pas accès aux soins les plus basiques en santé publique.
BS Liu kết luận bằng một câu nghe não nuột với người ký giả: Si tu savais combien d’enfants j’ai perdu à cause de la rougeole !!!

Phải hiểu là những bệnh nhân của bà đã chết rất nhiều vì bệnh sởi, và các em đó lẽ ra còn được sống. Các em chết, chỉ vì  ở những nước có dịch sởi, trong đó có Việt Nam, tình trạng  trở về thời kỳ trước khi người ta phát minh ra thuốc chủng ngừa với Louis Pasteur.

Khi không thi hành đúng cách việc chủng ngừa, Bộ Y Tế VN làm phương hại cho trẻ em của nước họ, nhưng đồng thời cũng làm cho trẻ em ở các quốc gia lân cận nguy khốn, và từ đó ảnh hưởng đến toàn thế giới. Thế giới hiện nay được thu hẹp lại, do những phương tiện di chuyển càng ngày càng tối tân.
Không hiểu tại Việt Nam, việc chủng ngừa  các trẻ sơ sinh được tiến hành ra sao ?? Có phải tất cả các trẻ em đã được tiêm chủng theo những lịch trình mà OMS đã đề ra ??  Việc bảo quản các thuốc chủng có được theo dõi, kiểm soát đúng tiêu chuẩn hay không ?? Tại sao không có một cuộc điều tra sâu rộng ?? Các nạn nhân có quyền kiện nhà nước  Việt Nam như tại Bắc Mỹ này họ kiện chính phủ của họ  hay không, nếu như bộ Y Tế VN khiếm khuyết trong nhiệm vụ lo cho sức khỏe người dân VN ??

Việc này hoàn toàn không lời giải đáp vì không có một dữ kiện nào được công bố và kiểm chứng, nhưng có lẽ khi tôi nêu lên câu hỏi này, sẽ có người cười vào sự ngây thơ của tôi khi đòi hỏi những việc có thể nói là hái sao trên trời, trong một xã hội thối nát như Việt Nam ngày nay. Không lẽ mạng sống của các trẻ em Việt Nam thua mạng sống một con chó, khi ta nhìn xem tại các phòng mạch thú y, người ta đem các con chó đi chích ngừa đúng hẹn.

Dầu sao chăng nữa, lời nói của Joanne Liu đúng là một lời buộc tội mà bà bộ trưởng bộ Y Tế Việt Nam phải trả lời. Bà ta không thể tiếp tục lẩn tránh với các lời tuyên bố ngớ ngẩn như vì  bệnh nặng quá, nên trẻ em chết nhiều.