Cấn Thị Bích Ngọc
Đó là hình ảnh những người phụ nữ Việt-Nam đã bỏ nước ra đi sau ngày quốc hận 30 tháng 4 năm 1975. Họ đã đi khắp hoàn vũ để tìm đất sống. Họ đi đến những nơi có tự do, có nhân quyền. Dù sống xa quê hương, nhưng tâm tư của người phgụ nữ Việt-Nam luôn hương về quê Mẹ với nhiều ưu tư trăn trở. Quốc gia suy vong thất phu hữu trách, hay giặc đến nhà đàn bà phải đánh ; trước thảm cảnh hiện tại của đất nước, nhiều phụ nữ Việt Nam hải ngoại đã góp sức cùng nam giới tranh đấu cho Dân chủ Nhân quyền tại quê nhà. Qua những nhọc nhằn thời chiến chinh cùng những thử thách gian nan của buổi đầu hội nhập, chân dung người phụ nữ Việt Nam hải ngoại trở nên đa dạng và linh động hơn lúc nào hết. Trong hoàn cảnh nào, người phụ nữ Việt Nam hải ngoại cũng biểu lộ được những đức tính cần cù, can đảm, nhân hậu, họ đã luôn xứng đáng với danh xưng con cháu Hai Bà.
Sau ba mươi năm Sài gòn mất tên, tôi có ý muốn phác họa lại chân dung người phụ nữ Việt Nam hải ngoại như để thắp lại niềm tin về một tương lai tươi sáng hơn của dân tộc; để minh xác lại ý nguyện của tuyệt đại đa số người phụ nữ Việt Nam : lật đổ bạo quyền, tạo dựng Dân chủ, kiến tạo quê hương. Đồng thời tôi cũng muốn vạch trần những ý đồ xảo trá của nhà cầm quyền Cộng sản qua những chiêu bài mập mờ hoà hợp hoà giải. Ai cũng biết Cộng sản Việt Nam chỉ nuôi dưỡng tham vọng duy trì chế độ độc tài để cũng cố quyền lợi của mình.
Trần Văn Thủy, một đạo diễn Hà Nội được giao cho nhiệm vụ dọn lối cho con đường hòa hợp hòa giải đã viết một cuốn sách mỏngNếu Đi Hết Biển , trong đó ông ta đã phỏng vấn tám nhân vật. Trong các người được ông Thủy chiếu cố có bà Nguyễn thị Hoàng Bắc, một nhà văn thuộc thế hệ một trong những người di tản Cộng Sản. Bà Hoàng Bắc đã tỏ ý chê cười những sinh hoạt chống Cộng Sản của Người Việt Hải Ngoại (NVHN), và tỏ ra rất phấn khởi về một nước Việt Nam mới, cởi mở, tự do, sung túc, hiện đại hơn. (sic) ???
Đọc những lời phát biểu của bà tôi thấy xót xa cho đất nước Việt Nam. Không biết khi liều chết ra đi bà đã mang theo tâm huyết gì, nguyện vọng gì cho một đất nước, một dân tộc khốn khổ, vì không chịu được sự cai trị tàn ác của Cộng Sản nên bao triệu người phải lao vào cái chết để tìm tự do. Là người đã từng vượt biển Đông, thuộc thế hệ thứ hai hay thế hệ bắc cầu, dù không trải qua những truân chuyên khổ ải như những bà mẹ, những người chị Việt Nam trong những nổi trôi của đất nước, thế nhưng tôi vẫn nhớ những nguyên do thúc đẩy tôi đi…
Tôi vẫn nhớ những mẩu chuyện bi thương về thuyền nhân mà tôi đã nghe đã thấy trong những tháng ngày ở trại tỵ nạn, và nhiều năm sau đó. Đến bây giờ, ba mươi năm sau cuộc chiến tôi vẫn thấy những điêu tàn trên đất nước, những thảm kịch đau thương xảy đến cho những người cùng một nguồn gốc Lạc Việt với tôi. Bởi những lẽ đó tôi đã vô cùng bất mãn về những lời phát biểu của bà NTHB. Cũng vì thế tôi mạo muội viết bài này đưa ra một phác họa về những người phụ nữ Việt Nam hải ngoại, song song vào đó là những suy tư trăn trở của tôi, một người phụ nữ Việt Nam tỵ nạn cộng sản. Tôi muốn đưa lên một tiếng nói khác với bà Hoàng Bắc, một người di tản nhưng hình như đã chóng quên căn cước tỵ nạn của mình.
Người phụ nữ Việt Nam luôn là hình ảnh đẹp trong văn chương và sử học. Mặc dù chịu ảnh hưởng Khổng Mạnh với quan niệm trọng nam khinh nữ, người đàn bà trong xã hội Việt Nam giữ một vị trí quan trọng hơn nhiều phụ nữ Á Châu khác. Về mặt luật pháp, cuộc sống phụ nữ tương đối được tự do và quyền sống được xã hội bảo đảm thông qua các hình luật khá tiến bộ của Việt Nam, nhất là bộ luật Hồng Đức đời Lê Thánh Tông (1460-1497). Chiếu theo luật Hồng Đức, người phụ nữ được thừa kế và làm chủ điền sản, không phân biệt con trai hay con gái. Nếu nhà không có con trai, người con gái cũng có quyền giữ hương hỏa để lo việc cúng kỵ. Đây là một bước tiến của xã hội Việt Nam so với xã hội Trung Hoa cùng thời nhưng không phải là yếu tố chính để giải thích vai trò quan yếu của phụ nữ Việt Nam trong xã hội.
Chính sức chịu đựng, lòng hy sinh, can đảm trong một bối cảnh xã hội đặc biệt khó khăn đã tạo nên những hình tượng cao đẹp của phụ nữ Việt. Nền tảng luân lý Việt Nam đề cao tứ đức tam tòng tựa như khuôn vàng thước ngọc cho người phụ nữ Việt Nam. Trong nhiều trường hợp, cái khuôn khổ này đã tạo bao sự bất công cho phụ nữ Việt Nam ngày trước. Nhưng có lẽ cũng chính truyền thống này đã hun đúc nên cái bản chất và phẩm giá cao quý của người phụ nữ Việt Nam. Từ ngàn xưa, lịch sử đã chứng minh người đàn bà nước ta đã đóng góp rất nhiều trong công cuộc chống xâm lăng và xây dựng đất nước cũng như trong văn học, giáo dục. Một trong những người Việt Nam đầu tiên đứng lên khởi nghĩa chống ngoại xâm giành độc lập cho nước nhà là hai người phụ nữ: chị em bà Trưng (Thời Bắc Thuộc lần thứ nhất, đầu năm Canh Tý, 40 sau Tây Lịch). Theo sau đó là Bà Triệu một nữ nhi tuổi chỉ hai mươi nhưng đã có câu nói khí phách của một vị anh hùng :
...Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ta khỏi cơn đắm đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng làm tỳ thiếp cho người ta.
Ngoài ra, lịch sử Việt Nam đã có bao thế hệ nữ khác vì nước quên mình như Huyền Trân Công Chúa, Công chúa Ngọc Khoa, Ngọc Vạn, danh tướng Bùi Thị Xuân, Cô Giang, Cô Bắc…
Về phương diện văn chương, tài năng của các nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương vẫn gây niềm thán phục cho bao đời sau.
Trong dân gian, sự trung trinh, đảm đang của phụ nữ Việt Nam được thể hiện qua hai người đàn bà tiêu biểu cho thế hệ trước đó là cụ bà Trần Tế Xương và Phan Bội Châu. Thật ra đã có biết bao nhiêu phụ nữ vô danh cả đời tận tụy hy sinh cho chồng con. Nói tóm lại, trong một khuôn khổ xã hội gò bó của ngày xưa, sự tiến thân xã hội của người đàn bà không được cổ võ, nhưng người phụ nữ Việt Nam vẫn đã góp phần quan trọng cho sự tiến triển và thăng bằng của đất nước.
Trong hậu bán thế kỷ 20, do hoàn cảnh chiến tranh và xã hội, chân dung của người phụ nữ Việt Nam đã đổi mới rất nhiều. Đây là những thay đổi bắt buộc, diễn ra theo những thăng trầm của dân tộc. Trong suốt quá trình lịch sử, người đàn ông Việt Nam phải ra đi chiến đấu bảo vệ quê hương nên người đàn bà phải đảm nhận hết mọi công việc gia đình và xã hội đúng theo tinh thần hai câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm:
‘‘Nuôi mẹ chàng, thiếp khôn làm gái,
Dạy con thơ, thiếp phải làm trai’’
Dạy con thơ, thiếp phải làm trai’’
Sau tháng tư 1975, trong một bối cảnh xã hội nhiễu nhương, một hoàn cảnh kinh tế khánh tận, khi hàng trăm ngàn người đàn ông bị lùa vào các trại tù cải tạo, chức phận của người phụ nữ Việt càng trở nên trọng yếu. Hơn lúc nào hết, họ bị cuốn xoáy vào những thử thách cam go, gian khổ nhất do chế độ Cộng Sản tạo ra. Họ phải thay thế chồng bôn ba tìm kế sinh nhai nuôi sống gia đình, dạy dỗ con cái, phụng dưỡng cha mẹ già, đồng thời phải lặn lội thân cò nuôi chồng ở những trại tù xa xôi. Sau những năm tù đày, khi người chồng được thả về, họ lại cùng chồng hoặc một mình xoay sở tìm cách đưa gia đình đi vượt biên thoát khỏi địa ngục đỏ. Trong những hoàn cảnh gian nan ấy, người phụ nữ Việt Nam đã bộc lộ rõ đức tính cao quý của mình. Biết bao gia đình được tồn tại nhờ người vợ tháo vát, thủy chung. Cho đến nay, trong văn chương Việt Nam tại hải ngoại đã có biết bao tác phẩm thuật lại quãng đời cơ cực và tấm gương can đảm, trung kiên của người phụ nữ Việt Nam trong chế độ Cộng Sản.
Tháng tư 1975 khởi đầu cho một cuộc di tản vĩ đại và bi đát nhất trong lịch sử nhân loại. Hàng triệu người đã liều chết phó thác sinh mạng mình trên những con thuyền nhỏ nhoi, băng qua những phong ba bão táp tìm tự do, trong đó hàng trăm ngàn người đã bỏ mình trên biển cả. Vì lý do gì mà gần ba triệu người phải bỏ nước ra đi trong khi bản chất của người Việt Nam là gắn bó với gia tiên đất tổ. Họ đã phải đành lòng ra đi vì tại chính quê hương họ, nhân phẩm và quyền sống đã hoàn toàn bị tước đoạt. Trong cuộc hành trình tìm tự do này, bao thảm kịch đã xảy ra để lại một vết thương sâu đậm trong lòng mọi người, nhất là những nạn nhân trực tiếp. Đã có biết bao người phơi thây ngoài biển cả, chốn rừng sâu. Hàng ngàn thiếu nữ bị hãm hiếp và bị bắt đi mất tích. Bao cảnh vợ xa chồng, mẹ mất con, gia đình ly tán... Tất cả là một bản cáo trạng hùng hồn về tội ác Cộng sản trước thế giới. Và cũng trong bối cảnh này, Cộng Đồng người Việt hải ngoại được hình thành.
Vì là nạn nhân của chế độ Cộng Sản nên Cộng đồng NVHN có lập trường chống cộng khá rõ ràng, lá cờ vàng ba sọc đỏ biểu hiện ước muốn tự do dân chủ chống độc tài của Cộng đồng này. Trong cộng đồng người Việt, lực lượng phụ nữ khá đông đảo so với các nhóm di cư khác. Năm 1990, tại Hoa Kỳ tỉ lệ Nam Nữ là 113 người nam cho 100 người nữ. Người phụ nữ giữ một chỗ đứng quan trọng trong Cộng Đồng Người Việt với nhiều thay đổi trong hoàn cảnh mới. Qua những thử thách đau thương của những ngày tháng vượt biển, những tháng năm trong trại tỵ nạn và những thời gian đầu hội nhập tại xứ người, người phụ nữ Việt Nam tại hải ngoại đã phải thay đổi để thích nghi với những điều kiện sống mới. Có thể nói truyền thống luân lý và quá khứ gian khổ đã tôi luyện người phụ nữ Việt Nam thành những người có khả năng thích ứng cao. Thêm vào đó trào lưu nữ quyền ở xã hội Tây Phương đề cao quyền lợi người nữ, sự hội nhập của họ trong các quốc gia mới khá dễ dàng so với đàn ông. Tuy không chủ tâm nhưng họ đã biến đổi, địa vị họ được thăng tiến, họ đã tiến lần đến mức bình quyền với nam giới.
Trước tháng tư 1975, vị trí nhiều người đàn bà còn giới hạn trong khuôn khổ gia đình, họ là những nội tướng đảm đang, chu toàn việc tề gia nội trợ. Qua đến đất nước lưu cư, vì hoàn cảnh, rất nhiều người đã phải dấn thân ra ngoài xã hội hoặc để nuôi gia đình trong thời gian người chồng đi học lại, hoặc để cùng chồng đóng góp vào ngân quỹ gia đình. Con đường học vấn tại xứ người là yếu tố thăng tiến quan trọng nơi người phụ nữ Việt Nam. So với khi còn ở bên nhà, tỉ số phụ nữ hải ngoại đi học đông hơn, học đủ mọi ngành và thường đến nơi đến chốn. Đời sống ở xứ người cho họ nhiều sự chọn lựa, và họ ý thức được con đường tiến thân hữu hiệu nhất mở đầu bằng cách bước chân ra ngoài xã hội đi học, đi làm.
Cũng vì thế mà phụ nữ Việt Nam hải ngoại nói chung đạt được địa vị khả quan hơn ngày trước. Họ là những người đàn bà cặm cụi làm việc trong các hãng xưởng, họ là những nữ bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, y tá, kỹ sư, khoa học gia, giáo sư, nữ sinh… Chân dung người phụ nữ Việt Nam hải ngoại thật đa dạng. Nhưng một cách phổ quát, đa số phụ nữ lưu cư vẫn bảo tồn giá trị cổ truyền của nền văn hóa nước mẹ, họ lại biết dung hòa những tinh túy của văn hóa xứ người để tạo nên nét đặc thù của người Việt tại hải ngoại. Đó là những người đàn bà tự lập, nhiều người có sự nghiệp vững vàng trong xã hội nhưng luôn đặt giá trị quan yếu trên nền tảng gia đình, do đó chức năng đầu tiên của họ là phục vụ chồng con, quán xuyến gia đình. Từ những tiềm năng này chúng ta dễ dàng hình dung được vai trò quan trọng của người phụ nữ trong cộng đồng người Việt tỵ nạn trên mọi địa hạt.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã mở rộng vòng tay đón nhận những người tỵ nạn từ trận bão tháng tư 1975 vì lòng nhân đạo. Nhưng không bao nhiêu lâu sau đó đại đa số những người tỵ nạn này đã trở thành những công dân gương mẫu. Họ đi làm và đóng góp vào việc xây dựng đất nước thứ hai. Đây là những thành viên thông minh, chăm chỉ, tự trọng. Người phụ nữ Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả trong xã hội hội nhập, họ có mặt khắp nơi, trong nhiều lãnh vực. Báo chí tại Mỹ thường đăng những tấm gương thành công của những phụ nữ gốc Việt. Có người là phụ tá Thống Đốc, có người vừa đắc cử vào Hội Đồng Giáo Đục một học khu lớn ở miền Nam Cali, có người tốt nghiệp ưu hạng Trường Võ Bị Westpoint, có người là khoa học gia phát minh vũ khí mới cho quân lực Mỹ, có người đang là nữ chánh án Hoa Kỳ, nhiều người phụ nữ Việt Nam điều hành các cơ sở thương mại lớn trong những thành phố sầm uất của Hoa Kỳ… Nét phác họa trên đây về người phụ nữ Việt Nam hải ngoại thật khác với sự mô tả của ông Nguyễn Ngọc Hà trong nước, theo ông số người Việt di tản mắc bệnh tâm thần lên tới tỷ số 45% (Về Người Việt Nam Định Cư Ở Nước Ngoài, Nguyễn Ngọc Hà, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh,1990, trang 28).
Vai trò hệ trọng nhất của phụ nữ Việt Nam là việc dưỡng dục con cái, lớp người của ngày mai.. Nhiều phụ nữ thuộc thế hệ di dân thứ nhất, ra xứ người với sinh ngữ kém, hay tuổi tác cao, không điều kiện đi học, phải lam lũ cả ngày trong các hãng may để nuôi con ăn học. Đã có bao nhiêu người mẹ, mắt long lanh lệ dự lễ ra trường của con cái nay đã nên người, thấy sự hy sinh của mình đã đơm trái. Bằng những việc làm đơn giản, họ đã góp phần lớn lao trong việc đào tạo trí tuệ cho quốc gia định cư. Trong số 2,700,000 người tỵ nạn có đến hơn 300,000 chuyên viên kỹ thuật trên các nước tự do và con số này sẽ còn tăng triển trong tương lai. Đây cũng là một hình thức ghi ân, trả lễ của CĐNV tỵ nạn với quốc gia định cư. Song mối ưu tư lớn của người Việt hải ngoại là đào tạo được những thế hệ trẻ với tâm huyết dân tộc để góp phần kiến thiết quê mẹ. Trước hết là việc bảo tồn ngôn ngữ và phát huy ý niệm quê hương. Sự quan tâm này được thể hiện qua các nỗ lực mở mang những cơ sở dạy Việt ngữ, truyền bá văn hoá Việt mà nhiều phụ nữ đã tham gia. Trên bình diện này, người phụ nữ Việt Nam giữ một vai trò trọng yếu. Và đây cũng là một thử thách lớn cho họ.
Ngoài ra, người phụ nữ tỵ nạn cũng đã và đang góp phần trực tiếp trong việc xây dựng lại quê hương. Số tiền trên hai tỷ Mỹ kim mà người Việt gửi về nước hàng năm là một đóng góp đáng kể của phụ nữ, vừa đi làm cùng chồng vừa giỏi tính toán trong chi tiêu để dành dụm tiền gửi về quê nhà. Chính số ngoại tệ khổng lồ này đã bao năm qua đưa đất nước chúng ta ra khỏi cảnh khánh kiệt.
Trên lãnh vực văn học, sự đóng góp đông đảo của nữ giới đã tạo thêm sự phong phú cho dòng văn học lưu vong. Chúng ta ghi nhận sự tham dự của nhiều lớp tuổi đặc biệt là các nhà văn trẻ. Họ xuất hiện dưới những hình thức đa thể: Văn, thơ, khảo cứu, dịch thuật, tùy bút… Văn học phản ánh đời sống của một tập thể. Với người Việt tỵ nạn, nền văn học lưu vong biểu hiện sự quyết tâm bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam tại hải ngoại. Đó là tiếng nói dân tộc, là tình hoài hương, là nỗi khát khao tự do, nhân quyền cho nước nhà. Nền văn học lưu vong biểu hiện ý chí chống đối của những người di tản với chế độ độc tài trong nước và cũng là ngọn đuốc hâm nóng lòng ái quốc, ước muốn đoàn kết giữa những người Việt sống rải rác khắp nơi trên thế giới đúng như nhận định của Nguyễn Ngọc Hà, một tác giả Cộng Sản trong cuốn “Về người Việt Nam định cư nước ngoài’’ (1990): Trừ một số sáng tác rất lẻ tẻ, hầu như toàn bộ sáng tác văn học ở nước ngoài đều bị bao trùm phủ kín bởi không khí chống Cộng dày đặc vừa gay gắt, vừa thâm độc …(sách đã dẫn)
Sự hiện diện đông đảo của nữ giới trong văn học hải ngoại phải chăng đã biểu lộ hoài bão tranh đấu cho tự do dân chủ của người phụ nữ tỵ nạn?
Sau ba mươi năm dưới sự cai trị của nhà cầm quyền Cộng Sản, nước Việt Nam lại điêu linh hơn lúc nào hết. Những tệ đoan xã hội ngày càng tăng cao cùng nhịp với mức độ nghèo đói, thất học của người dân.Trước hoàn cảnh này, một số trí thức, kể cả những người sinh trưởng trong chế độ Cộng Sản đã ý thức được bản chất xấu xa của chế độ và đã lên tiếng đòi tự do nhân quyền.... Những người này đang bị Cộng Sản đàn áp. Trong bối cảnh này, vai trò của NVHN và nói riêng của người phụ nữ rất là thiết yếu. Chúng ta là hậu phương yểm trợ những nhà đấu tranh dân chủ tại nước nhà. Chúng ta có thể vận động dư luận quốc tế gây áp lực với nhà cầm quyền Cộng Sản. Từ bao năm qua, người nữ luôn hiện diện trong các sinh hoạt cộng đồng: tranh đấu cho nhân quyền, cứu trợ người tỵ nạn, vận động chống tuyên truyền cộng sản, đẩy mạnh chiến dịch dẹp cờ đỏ của cộng sản, dựng cờ vàng quốc gia…Nhiều khuôn mặt phụ nữ hải ngoại đã đặc biệt nổi bật trong suốt quá trình tranh đấu chống bạo quyền tại nước nhà.
Nói tóm lại, người phụ nữ VNHN ngày nay là một ưu thế trổi vượt về nhiều phương diện. Công cuộc gầy dựng lại quê hương sau bao đổ nát không thể nào thiếu bàn tay nữ giới.
Đất nước hiện tại vẫn đang oằn oại trong gọng kềm Cộng sản. Những thảm trạng xã hội luôn tiếp diễn trên quê hương dấu yêu. Niềm tự hào về bốn ngàn năm văn hiến đang có nguy cơ tan loãng trong tim của các thế hệ sanh sau, Việt Nam vào thiên niên kỷ mới đang trở về thời nguyên thủy sơ khai dưới sự thống trị của đảng Cộng Sản. Định mệnh dân tộc hay tội ác của nhà cầm quyền đương thời, đã đẩy hàng chục ngàn thiếu nữ, trẻ em Việt Nam vào cuộc hành trình oan trái nơi xứ người, nơi mà các nhụy xanh Việt Nam trở thành những món hàng giải trí rẻ tiền cho đàn ông tứ xứ. Trách nhiệm thuộc về ai khi trí tuệ, lý tưởng của tuổi trẻ quốc nội đang bị mai một giữa những nghèo đói, những băng hoại xã hội.
Đã bao năm rồi, đất nước không còn chiến tranh, nhưng sao vẫn nghẹn ngào trong niềm đau chậm tiến. Những người phụ nữ Việt Nam, nhất là những người thuộc thế hệ thứ hai của chúng tôi không qua sông với con thuyền quá khứ trĩu nặng hận thù. Nhưng chúng tôi có trí óc phán xét, nhìn lại lịch sử, đối diện hiện tại để phán đoán về tương lai. Chúng tôi không muốn để lại di sản cho thế hệ con em nỗi nhục làm người dân của một trong những nước lạc hậu nhất thế giới. Trong thâm tâm của tất cả những người Việt tỵ nạn còn ý hướng dân tộc đều ấp ủ nguyện vọng đóng góp một chút gì cho quê hương. Nhà cầm quyền Cộng Sản rất thấu hiểu điều này nên đang ra sức sử dụng những thủ đoạn gian trá dưới những danh xưng hòa hợp, hòa giải hầu có thể khai thác triệt để những tài lực của CĐNVHN.
Tìm hiểu lịch sử qua các kinh nghiệm Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm, Mùa Xuân Mậu Thân Huế… để nhận rõ bộ mặt bạo tàn của chế độ hiện tại hầu không đi vào vết xe cũ. Bởi vì hòa hợp với một chế độ độc tài đang trấn áp đồng bào quốc nội là có tội với quê cha đất tổ. Tự do, dân chủ chỉ đến với quê hương khi guồng máy cai trị CS bị giải thể. Ngay danh từ hòa hợp, hòa giải cũng đã là lọc lừa, vì đây không phải là nhu cầu của những người dân Việt trong và ngoài nước bởi đã không bao giờ có sự xung đột giữa họ, trái lại đã bao năm qua người Việt hải ngoại là hậu thuẫn đắc lực của đồng bào quốc nội trong công cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ và nhân quyền cho quê hương. Nhà cầm quyền Cộng sản cũng chẳng bao giờ có thiện ý ngồi đối thoại với người dân để tìm một hướng đi lên cho đất nước. Chúng chỉ tham lam thèm muốn triệt dụng nguồn tài nguyên, hiện kim và chất xám, của NVHN. Những mưu đồ của Cộng sản Việt Nam chỉ mê hoặc được một thiểu số nhẹ dạ, hoặc những kẻ vô tri vì tý cặn bã danh lợi đã nhắm mắt trước những thống khổ của dân tộc, cam lòng làm tay sai cho bạo quyền.
Ba mươi năm sau cơn hồng thủy tháng tư, những người thuộc thế hệ thứ hai của chúng tôi đã trưởng thành nơi xứ người. Xa quê hương đã lâu, có những chuyện xưa đã bị phai mờ trong trí nhớ. Nhưng hình ảnh ngôi trường cổ kính ngày xưa với bao tà áo trắng bay lượn trong ánh nắng hanh vàng của những chiều tan học vẫn còn in dấu rất đậm nét trong tâm khảm tôi. Song song vào đó là ký ức về những tư lự, những ngậm ngùi trước tuổi của chúng tôi về một ngày mai vô định, một tương lai tăm tối trên đất nước thân yêu của mình; chúng tôi là thành phần con cháu ngụy quân, sân trường đại học sẽ không bao giờ in dấu chân chúng tôi. Giữa những khắc khoải đó, tôi đã ra đi và may mắn đến được bến bờ tự do. Tựa như con chim bị giam hãm, tôi đã tung bay trong bầu trời rộng mở. Nhìn về quê hương, nhớ về trường cũ bạn xưa, lòng bồi hồi nỗi thương cảm, phẫn uất cho bạn cũ, những người cùng ôm ấp những ước vọng tương lai như tôi đã phải nhìn mơ ước của mình tan như như bọt sóng biển. Và đến bây giờ họ lại phải nhìn những bọt sóng oan khiên nơi các thế hệ sau. Chế độ Cộng sản đã hy sinh bao nhiêu thế hệ đi lên, đã vùi dập bao giấc mơ rất chân chính của tuổi học trò để đưa đến một hệ quả tai hại ngày nay: dân trí suy đồi, đất nước tụt hậu.
Để tuổi trẻ quốc nội vẫn còn những ước mơ trong sáng, để thanh thiếu niên hải ngoại không có mặc cảm về một quê mẹ chậm tiến, nghèo nàn, chúng tôi không có sự lựa chọn nào hơn là tiếp tục con đường cha anh đã đi, tranh đấu chống độc tài đảng trị Cộng sản. Hy vọng rằng ý nghĩa trọng đại của công cuộc đấu tranh này sẽ giúp chúng tôi vượt qua được những tỵ hiềm, những khác biệt cá nhân gây nên sức mạnh đoàn kết hầu tiến bước đến thắng lợi.
Gần ba mươi năm sau, tôi vẫn là thuyền nhân. Lần này, con thuyền cưu mang cả 80 triệu người dân Việt Nam. Mong sao toàn dân Việt sẽ khéo tay chèo lái để đưa được con thuyền dân tộc đến bến bờ Tự do, Đân chủ.
Cấn Thị Bích Ngọc
Tài Liệu tham khảo :
- Trần Văn Thủy, Nếu đi hết biển, Thời văn, 2004, 193 trang
- Nguyễn Ngọc Hà, Về người Việt định cư ở nước ngoài , nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh,1990, 122 trang
- US Census Bureau, The asian Population. Issued Feb. 2002, tr.9
- Trần Minh Tùng, Trải qua những cuộc bể dâu: Đi cư và người phụ nữ Việt Nam hải ngoại, Tập san Định Hướng, số 19, mùa hè 1999, tr.101
- Paul James Rutledge, The Vietnamese experience in America , Bloomington, Indiana University Press, 1992, 173 trang