Wednesday, 4 June 2014

Những người xứ miệt vườn đi bán thận

mien-tay-305.jpg
Một người lao động thu nhập thấp ở miền Tây.
RFA

Chuyện bán thận của những người nghèo ở miệt vườn Tây Nam Bộ không phải là chuyện mới mẽ gì, nó đã diễn ra gần mười năm nay nhưng mới được phát hiện và báo chí vào cuộc trong vài tháng trở lại đây. Khi báo chí đánh động cũng là lúc mà hậu quả kinh hoàng của nó đã ập lên nhiều số phận, nhiều gia đình ở đây. Hầu như những ai từng bán thận đều có cuộc đời nghèo khổ, trái ngang, mong cứu được sự xuống dốc của gia đình bằng một phần thân thể quan trọng của mình nhưng rồi sau khi bán thận, mọi bi kịch lại ập xuống theo một lối khác.

Bán thân và bán thận

Một người tên Mỹ, ở thành phố Cần Thơ, chia sẻ: “Giống như người ta thiếu nợ, họ bán một của thận khoảng một trăm, nó mua vô một trăm, một trăm mấy nhưng nó mua của người ta năm, bảy chục triệu gì đó! Nhưng bán quả thận rồi thì đâu có còn sức lao động đâu. Như có một ông, ổng nghĩ ổng có sức khỏe đầy đủ, thấy vợ con, gia đình khổ quá, nợ nần nên bán bớt một trái, cuối cùng về mất sức lao động luôn, đâu có làm nổi. Có một số thì chồng đi làm, vợ ở nhà, ở không nên sinh ra cờ bạc, nợ nần, một phần con cái bệnh, nhưng con cái bệnh thì ít, nặng vì vợ thì nhiều, ở không không biết làm gì nên gây ra nợ nần.”
Như có một ông, ổng nghĩ ổng có sức khỏe đầy đủ, thấy vợ con, gia đình khổ quá, nợ nần nên bán bớt một trái, cuối cùng về mất sức lao động luôn, đâu có làm nổi.
-Ông Mỹ
Theo ông Mỹ, cho đến thời điểm hiện tại, vấn đề người nghèo đi bán thận để cứu gia đình đã trở thành một đại nạn của người dân nơi đây. Và đối tượng đi bán thận thường là người lâm vào tình trạng khốn cùng, có nghĩa là nông dân quá nghèo hoặc những người từng giàu có nhưng vì một nguyên nhân nào đó dẫn đến trắng tay, cuối cùng, để cứu gia đình họ thoát khỏi cái nghèo, họ quyết định đi bán thận, họ cứ nghĩ chuyện đi bán thận cũng giống như đi bán máu ở các bệnh viện nhưng lại có mức thu nhập cao hơn chứ chưa hình dung được mức độ nguy hiểm và rủi ro của nó.
Có một đặc điểm là đa phần những người đi bán thận đều có tiền sử đi bán máu ở các bệnh viện thành phố. Nhiều gia đình có hai, ba người lên các bệnh viện bán máu theo định kì. Tuy phải cật lực làm việc, phải bán máu định kì nhưng cái nghèo vẫn cứ ám lấy họ, làm thuê cuốc mướn, gặt lúa thuê, làm đủ các nghề mà nghèo vẫn cứ nghèo.
mien-tay-2-250.jpg
Một xóm có nhiều người bán thận ở Cần Thơ. RFA PHOTO.
Thời gian mười năm trở lại đây, khi người Trung Quốc sang miền Tây ngày càng nhiều thì cũng là lúc mà người dân nghe được một món hàng mới có thể bán kiếm được nhiều tiền. Cô Út Thủy, một người từng bán thận, buồn bã nói với chúng tôi rằng ở xứ của cô, nếu không may rơi phải cảnh nghèo khổ thì chỉ có con đường duy nhất là bán thân, nếu không bán thân thì khổ tới khi xuống mồ. Bây giờ, nghe tin bán thận, cô thấy dù sao bán thận cũng hay hơn bán thân vì bán thận chỉ đau một lần, nó khác xa với việc bán thân phải chịu đau khổ dai dẵng suốt cuộc đời.
Có lẽ chính vì thế mà không ít phụ nữ Tây Nam Bộ ở lứa tuổi còn rất trẻ đã chấp nhận đi bán thận để cứu gia đình. Nhưng rất tiếc là họ đã gặp những tay cò để bán với giá rẻ bèo, số tiền từ sáu chục đến bảy chục triệu đồng, trên thực tế, giá của nó cao gấp nhiều lần so với giá họ bán. Và thường thì họ gặp những tay cò người Trung Quốc biết nói tiếng Việt hoặc thông qua những phiên dịch người Việt, và gặp cả hai loại người này, đều phải bán với giá rẻ bèo vì đây là những tay cò cấp hai, cấp ba và giữa họ có sự thống nhất với nhau về chia chác, giá cả thị trường, nên người chịu thiệt bao giờ cũng là dân nghèo, vừa bị ăn chặn nhiều hướng lại phải lãnh hậu quả lâu dài.

Bị người Trung Quốc lừa đảo?

Một người tên Khải, ở Long Xuyên, An Giang, chia sẻ thêm:“Có một số thì họ bán thận, nghe Trung Quốc hô giá cao quá đó… Có người thì kinh tế khó khăn, nợ nần, đủ thứ việc hết, cho nên sao? Người ta phải bán thận, có người bán một trái, có người bán hai trái, vẫn sống nhưng không lao động được. Gia đình giàu có mà lâm vào cảnh nợ nần mới bán, còn gia đình nghèo thì họ sống rất hạnh phúc, khổ tâm thế! Còn gia đình hồi trước rất giàu nhưng giờ đi bán thận, một là cờ bạc, bài số lâm vào cảnh vợ con, tan nhà nát cửa, buộc phải bán cái quả thận để giải quyết một số nợ, bế tắc.”
Theo anh Khải, những trường hợp bán thận trong hai năm trở lại đây có thân thế khá phức tạp. Nghĩa là không giống như nhiều người bán thận ở Tây Nam Bộ trước đây, đa phần họ là những người từng giàu có, khá giả, nhưng do chơi thân với người Trung Quốc, thậm chí có mối quan hệ làm ăn, dây mơ rễ má với những nhà buôn Trung Quốc, về lâu về dài, làm ăn cẩu thả, đề đóm liên miên đâm ra sự nghiệp tan nát, nợ nần chồng chất, đến đường cùng, chọn giải pháp bán thận để thoát nợ nhưng lại rơi vào bi kịch khác.
mien-tay-3-250.jpg
Nhà sàn ở ngoại ô Cần Thơ. RFA PHOTO.
Vì đa phần những người bán thận xong, khi về nhà thì sức khỏe bị tuột dốc hẳn, không thể làm những công việc trước đây, thậm chí có người đi đứng còn không được bình thường nữa chứ đừng nói gì đến chuyện lao động, làm ăn. Và từ chỗ một người khỏe mạnh, họ trở thành bệnh nhân, thành gánh nặng của gia đình. Số tiền sáu, bảy chục triệu có được nhờ bán thận không những không giúp gia đình trả được nợ mà còn không đủ để chạy chữa bệnh tật sau khi mất đi một phần quan trọng trong cơ thể.
Anh Khải cho biết thêm, sở dĩ đa phần người bán thận phải ra nông nổi như thế là do họ bị mắc vào cái bẫy tiền tài do người Trung Quốc sắp đặt trước đó. Anh cũng thừa nhận là người Trung Quốc quá thâm hiểm và tính toán rất kĩ lưỡng, trong khi đó người Tây Nam Bộ thì tính tình hồn nhiên, thẳng ruột ngựa và sẵn sàng chơi hết mình một khi đã thân thiết, tin tưởng. Lợi dụng sự tin cẩn của bà con, các tay cò người Trung Quốc đã sắp đặt một kịch bản, đầu tiên là sang làm ăn, buôn bán các loại nông sản, hải sản, sau đó rủ rê một số người nhẹ dạ đưa con gái sang Trung Quốc lấy chồng, nếu không có con gái thì rủ con cháu bà con, hàng xóm láng giềng cũng được.
Chính vì khoản tiền kiếm được rất dễ dãi từ chỗ cò người nhà, họ hàng lấy chồng Trung Quốc, dần dà, người Tây Nam Bộ hiền lành lún sâu vào tham vọng kiếm tiền bằng nhiều cách, trong đó có đầu tư lâu dài vào dịch vụ mai mối chồng nước ngoài. Và đây là giai đoạn bao nhiêu tiền kiếm được của họ mang đổ sông đổ bể. Chỉ cần hai lần làm ăn thất bại vì lý do này, lý do nọ, coi như sạch vốn, phải thế chấp nhà cửa để lao theo sự nghiệp cò hôn nhân này. Khi mọi sự đã đến đường cùng, phá sản và nợ nần chồng chất, hết đường, người bạn Trung Quốc kia sẽ khuyên người bạn Việt Nam đi bán thận để trừ nợ.
Lần bán thận cũng là lần cuối người Trung Quốc chơi với người Việt ở đây và là cú hốt hụi chót của họ. Một khi gom được mối từ ba người trở lên chấp nhận bán thận, họ kiếm lãi ít nhất cũng được sáu chục ngàn đô la tiền lãi. Như vậy, coi như khoản lãi ròng đã nhận được, họ quất ngựa truy phong.
Với những người nghèo miệt Tây Nam Bộ, việc bán thận cứ ngỡ là cứu rỗi, là sự vớt vát họ thoát khỏi dòng xoáy của nghèo đói. Thế nhưng họ không hề hay biết là lựa chọn này đã dắt gia đình họ đến chỗ bi kịch không lối thoát và biến họ thành những bệnh nhân, người tàn tật!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.