Với lịch sử dài các cuộc đấu tranh vì dân chủ ở châu Âu có trong tâm trí, Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa bắt đầu chuyến công du kéo dài 1 tuần lễ tới Ba Lan, Bỉ và Pháp.
Theo trang Democracy Digest, đây là chuyến đi mà Obama hy vọng ông sẽ thuyết phục được cả thế giới rằng Mỹ vẫn là nước bảo vệ dân chủ, nhưng đồng thời cũng khép lại cuốn sách về một thập niên chiến tranh.
"Tâm trí người châu Âu đã chuyển từ việc coi một nước Mỹ hành động quá nhiều dưới thời George W. Bush, sang một nước Mỹ hành động quá ít dưới thời Barack Obama", trích lời Dominique Moisi, người đồng sáng lập Viện Các quan hệ Quốc tế Pháp.
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ công du châu Âu trong 1 tuần.
|
"Tâm trí người châu Âu đã chuyển từ việc coi một nước Mỹ hành động quá nhiều dưới thời George W. Bush, sang một nước Mỹ hành động quá ít dưới thời Barack Obama", trích lời Dominique Moisi, người đồng sáng lập Viện Các quan hệ Quốc tế Pháp.
Ông Moisi nói thêm: "Tôi nghĩ, sự hoài nghi đang tăng cao rằng để đương đầu với Putin, Mỹ có lẽ không thể hiện được mình là một luật sư đầy tài năng, mà là một nước không đủ mạnh để đối mặt với vấn đề địa chính trị hiện tại".
Ben Rhodes, Phó cố vấn an ninh quốc gia về liên lạc chiến lược, cho rằng ở châu Âu, ông Obama "sẽ có cơ hội tái khẳng định cam kết không nao núng của Mỹ nhằm đảm bảo dân chủ và an ninh cho các đồng minh Đông Âu, công nhận rằng Ba Lan - cũng như bất kỳ một nước nào khác - hiểu rõ dân chủ là thứ cần được bảo vệ liên tục và thúc đẩy liên tục".
"Trong Chiến tranh Lạnh, vấn đề không chỉ là ngăn cản Liên Xô mà còn để trấn an các đồng minh của chúng ta", Robert Lieber, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Georgetown nhận xét. "Sự trấn an đó bây giờ đang mất dần. Và người châu Âu cảm thấy điều này một cách rõ ràng".
"Có một sự quan ngại rằng chúng ta sẽ biến mất, chúng ta sẽ mờ dần, khi cuộc khủng hoảng tiếp theo tấn công chúng ta", Heather Conley thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược nói với hãng tin Reuters.
Obama từ lâu đã đối mặt với nhiều lời kêu gọi từ các chính khách ở Đông Âu rằng ông phải mạnh mẽ hơn nữa, trong đó có Lech Walesa - người đã dẫn dắt phong trào nghiệp đoàn thương mại Solidarity của Ba Lan.
Walesa, cựu Tổng thống Ba Lan, nói trong một cuộc phỏng vấn trên mạng lưới truyền hình TVN24 của Ba Lan tuần trước rằng ông thất vọng về những gì ông xem là cách tiếp cận không đầy đủ của Tổng thống Mỹ với cuộc khủng hoảng Ukraina.
Trong khi đó, Mỹ hiện đang cần Nga để đạt được những gì muốn làm với Iran, nước này cũng cần Nga nếu muốn làm được gì đó ở Syria, David Rothkopf - một học giả tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie - nói với Bloomberg. "Họ phải tìm ra cách thức tiến lên và Putin biết điều đó ngay từ đầu".
Một trong những điều chưa biết chắc là liệu ông Obama và ông Putin có gặp gỡ nhau hay không. Trong khi Tòa Bạch Ốc khẳng định không hề có kế hoạch cho một cuộc gặp chính thức giữa hai nhà lãnh đạo, và gần như chắc chắn họ sẽ chạm trán trong một nhóm tại lễ kỷ niệm ngày D-Day ở Pháp.
Michael McFaul, cựu Đại sứ Mỹ ở Nga, nói rằng một cuộc gặp không chính thức có tiềm năng trở thành quan trọng ngay cả khi không đạt kết quả nào. "Ít có khả năng có đột phá nào đó về một cuộc trò chuyện", ông McFaul nói. "Nhưng nếu có một cuộc trò chuyện thì bạn có thể xuống thang được căng thẳng ở đông Ukraina, khi đó cũng đáng để thử ngay cả khi cơ hội thành công rất ít".
Petro Poroshenko đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở Ukraina hôm 25/5. Trong bài phát biểu công bố thắng lợi, tỷ phú bánh kẹo này khẳng định, ông muốn "đưa các giá trị châu Âu" vào đất nước của mình.
Nhưng rõ ràng hiện nay, những nước chưa có dân chủ, sự ổn định hoặc "các giá trị châu Âu" thì khao khát có được chúng. Còn không ít quốc gia đã đạt được những giá trị đó rồi thì lại không coi trọng và đánh giá cao chúng.
Thanh Hảo.