Wednesday, 4 June 2014

Mạn đàm về chính phủ lưu vong


Chính phủ lưu vong Tây Tạng
Chính phủ lưu vong ít lâu nay là đề tài nóng bỏng của người Việt hải ngoại vì mới đây có thêm chánh phủ lưu vong Việt Nam tại Hoa Kỳ ra đời. Bài viết này sẽ tìm hiểu mục tiêu và hoạt động của những tổ chức này nói chúng và của Việt Nam nói riêng.
oo0oo
Những chính phủ lưu vong trong thời gian Thế Chiến Thứ Hai
Thế chiến thứ II đã chứng kiến một số chính phủ lưu vong được thành lập và hoạt động phần lớn tại Âu châu. Trong số đó phải kể đến Pháp, Hòa Lan, Ba Lan, Tiệp Khắc, Na Uy, Luxemburg, Yugoslavia, Hy lạp, và Phi Luật Tân. Vì giới hạn về khuôn khổ của bài viết này, chúng ta sẽ chỉ tìm hiểu một vài chánh phủ lưu vong trong thời kỳ này.
Thế chiến Thứ II bùng nổ khi Đức Quốc Xã xua quân xâm chiếm Ba Lan vào tháng 9, 1939. Chánh Phủ Ba Lan đã chạy thoát qua ngả Romania để tới Paris và sau đó là London. Dưới sự lãnh đạo của Tướng Wladyslaw Sikorski, Chánh Phủ Ba Lan lưu vong, một trong những chánh phủ năng động nhất trong Thế Chiến Thứ Hai, đã thành lập được những đơn vị quân đội Ba Lan tại Pháp, Anh, và Liên Bang Xô Viết. Những đơn vị này tham chiến tại các mặt trận tại Pháp, Anh, Bắc Phi và Ý bên cạnh các lực lượng đồng minh. Chính Phủ Lưu Vong Ba Lan đã can thiệp với Joseph Stalin để giải thoát một số công dân Ba Lan ra khỏi nhà tù ở Nga và giúp giải quyết vấn đề biên giới khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt.
Vai trò của chánh phủ Ba Lan lưu vong lu mờ vào cuối Thế Chiến Thứ Hai vì nhiều thực tế bất lợi: (1) Chánh Phủ Lưu Vong Ba Lan có nhiều mối bất hòa trầm trọng với Liên Bang Sô Viết về vụ thảm sát hàng ngàn sĩ quan Ba Lan tại Katyn Wood, Nga Sô sát nhập một số lãnh thổ của Ba Lan ở biên giới phía đông vào Nga, và kế hoạch của Nga Sô biến Ba Lan thành một nước chư hầu Cộng Sản; (2) Liên Bang Xô Viết chứ không phải đồng minh giải phóng Ba Lan ra khỏi ách thống trị của Đức Quốc Xã và sau đó thiết lập một chánh phủ Cộng Sản bù nhìn, và (3) Pháp, Anh và Hoa Kỳ chấm dứt công nhận chánh phủ lưu vong Ba Lan vào giữa năm 1945 vì lập trường cứng dắn của chính phủ này về vấn đề biên giới với Nga Sô mà Đồng Minh không giải quyết được.
Mặc dù gặp nhiều trở ngại, chính phủ lưu vong Ba Lan tiếp tục hiện hữu sau Thế Chiến Thứ Hai. Vào cuối năm 1989, khi Ba Lan thoát khỏi sự thống trị của Liên Bang Sô Viết, chánh phủ lưu vong Ba Lan vẫn còn phục vụ 150,000 cựu chiến binh Ba Lan tại Anh quốc bao gồm 35,000 người tại London. Khi Lech Walesa trở thành tổng thống đầu tiên của Ba Lan vào thời kỳ hậu Cộng Sản vào tháng 12/ 1990, ông đã được tổng thống của chính phủ lưu vong Ba Lan Ryszard Kaczorowski trao lại những biểu tượng của nền Cộng Hòa Ba Lan bao gồm ấn tín quốc gia và của tổng thống và bản hiến pháp chính thức của Ba Lan.

Tổng thống của chính phủ lưu vong Ba Lan- Ryszard Kaczorowski
Vào ngày 10 tháng 5, 1940, quân Đức xâm chiếm Vương Quốc Bỉ. Vua Leopold III của quyết định ở lại trong nước với quân lính Bỉ, sau khi quân đội Bỉ đầu hàng Đức Quốc Xã. Tuy nhiên toàn thể nội các dân sự dưới quyền của Thủ Tướng Hubert Pierlot di tản qua Paris, rồi qua London để tiếp tục chiến đấu. Binh sĩ Hải quân và Không Quân Bỉ sát nhập vào Hải Quân và Không Quân Hoàng Gia Anh. Bộ Binh Bỉ thành lập những đơn vị tác chiến nhỏ từ cấp tiểu đoàn trở xuống, bao gồm cả lực lượng cảm tử và nhẩy dù. Vào cuối Thế Chiến Thứ II, Bỉ có 100,000 binh sĩ chiến đấu bên cạnh lực lượng Đồng Minh. Chính phủ lưu vong Bỉ được dân Bỉ công nhận là một chánh phủ hợp pháp. Vào ngày 8, tháng 9, 1944, chính phủ lưu vong Bỉ trở về nước sau bốn năm di tản.
Tiếp theo phải kể đến chánh phủ lưu vong Pháp do Tướng Charles de Gaulle lãnh đạo. Tướng de Gaulle là một thành viên cấp thứ trưởng của chánh phủ Pháp hợp pháp cuối cùng của Thủ Tướng Paul Raynaud. Tổ chức Free French Forces (FFF) có văn phòng đặt tại London vào 1940 và sau đó rời về Algiers vào 1943. FFF sát nhập với Lực Lượng Pháp tại Bắc Phi và đổi tên thành Ủy Ban Giải Phóng Quốc Gia Pháp (French Committee of National Liberation – FCNL).
Vào giữa năm 1944, FCNL có 400,000 quân lính. Một số đơn vị FCNL nằm trong lực lượng Không Quân Hoàng Gia Anh, Không Quân Sô Viết, và Lực Lượng Không Vận của Bộ Binh Anh. FCNL tham gia vào mặt trận Bắc Phi, cuộc đổ bộ của Đồng Minh vào miền Nam nước Pháp và tại Normandy. Khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt ở Châu Âu, FCNL có 1,300,000 quân lính. Hoa Kỳ và Anh Quốc chánh thức công nhận Tướng de Gaulle là nhà lãnh đạo quốc gia Pháp vào tháng 10, 1944 sau khi lực lượng đồng minh gồm FCNL giải phóng Paris vào ngày 25-8-1944. Đến lượt chánh phủ độc tài Pháp của Thống Chế Philippe Pétain do Đức Quốc Xã dựng lên phải lưu vong sang Sigmaringen, Đức sau khi toàn thể nước Pháp được giải phóng vào ngày 7-9-1944.
Chánh phủ Hòa Lan do Hoàng Hậu Wilhelmina lãnh đạo đã di tản qua London vào tháng 5, 1940 sau khi Đức Quốc Xã xâm chiếm Hòa Lan ngay vào giai đoạn đầu của Thế Chiến Thứ II. Trước đó, Hòa Lan là một nước trung lập và duy trì được mối liên hệ ngoại giao tốt đẹp với Đức. Thủ Tướng De Geer của Hòa Lan chủ trương hợp tác với Đức Quốc Xã như Thống Chế Philippe Pétain của Pháp. Do đó, Hoàng Hậu Wilhelmina đã bãi chức De Geer và chọn Pieter Sjoerds làm tân thủ tướng của chánh phủ lưu phong. Trong thời gian Thế Chiến Thứ Hai, chính phủ lưu vong Hòa Lan tiếp tục cai quản những thuộc địa và bảo hộ như East Indies, Aruba, Curacao, và Dutch Guiana. Những nơi này cung cấp dầu hỏa và một số nguyên liệu cho Đồng Minh.
Những chính phủ lưu vong trong thời kỳ hiện đại
Trong giai đoạn hiện nay, vẫn có một số chính phủ lưu vong trên thế giới. Đáng nói đến là hai chánh phủ lưu vong Tây Tạng và Miến Điện. Trung Tâm Hành Chánh Tây Tạng (Central Tibetan Administration – CTA) thường được gọi là chính phủ lưu vong Tây Tạng, được thành lập vào năm 1959 tại Dharamshala, Ấn Độ do Đức Dalai Lama thứ 14 lãnh đạo. Ngài cùng với đa số các vị bộ trưởng đã di tản an toàn ra khỏi Tây Tạng sau cuộc nổi dậy đẫm máu chống sự cai trị của Trung Quốc thất bại. CTA xem Tây Tạng là một quốc gia độc lập, có ngôn ngữ và văn hóa riêng biệt và sự chiếm đóng quân sự của Trung Quốc là bất hợp pháp. Tuy nhiên mục tiêu tranh đấu hiện nay của chính phủ lưu vong Tây Tạng là một quy chế tự trị thật sự.
Mặc dù được tổ chức như một chánh phủ, CTA tuyên bố rằng CTA sẽ không nắm chính quyền tại Tây Tạng mà trái lại sẽ giải tán một khi tự do được phục hồi tại Tây Tạng. Chính quyền Tây Tạng sẽ phải do người Tây Tạng ở trong nước chọn lựa. Chức vụ thủ tướng lúc đầu được Đức Dalai Lama bổ nhiệm, nhưng kể từ 2001, chức vụ này được cử tri Tây Tạng bầu theo thể thức dân chủ. Kể từ tháng 3, 2011, theo sự yêu cầu của Đức Dalai Lama, hiến chương Tây Tạng được thay đổi để ngài không còn giữ trách nhiệm về chính trị. Do đó, chức vụ cao nhất hiện nay của chính phủ lưu vong Tây tạng là Thủ tướng.
CTA chăm lo về vấn đề an sinh cho cộng đồng Tây Tạng tị nạn tại Ấn Độ gồm khoảng 100,000 người. CTA quản trị trường học, cơ sở y tế, sinh hoạt văn hóa, cơ sở thương mại, và những dự án phát triển kinh tế cho cộng đồng Tây Tạng với sự thỏa thuận của chính phủ Ấn Độ. CTA phát hành cuốn sổ xanh lá cây cho tất cả những người dân Tây Tạng sống ở hải ngoại. Cuốn sổ này chứng nhận quốc tịch và sự đóng góp tình nguyện cho CTA. Ngoài ra CTA còn phát hành cuốn sổ mầu xanh da trời cho những ai trên 18 tuổi không phải là công dân Tây Tạng nhưng ủng hộ Tây Tạng.
Chánh phủ lưu vong Tây Tạng không được chính phủ nào trên thế giới công nhận chính thức. Tuy nhiên chánh phủ lưu vong Tây Tạng tiếp tục nhận được sự trợ giúp không chính thức của nhiều nguồn khác nhau. Đức Dalai Lama được các nguyên thủ quốc gia thường xuyên tiếp kiến. Chính phủ lưu vong Tây Tạng duy trì một số văn phòng ở nhiều thành phố và quốc gia khác nhau như New Delhi, New York, Geneva, Tokyo, London, Paris, Moscow, Canberra, và Budapest. Những văn phòng này hoạt động như tòa đại sứ không chính thức của chánh phủ lưu vong Tây Tạng.
Hơn hai thập niên về trước, Đảng Liên Minh Quốc Gia Cho Dân Chủ (National League for Democracy – NLD) của Miến Điện thắng lớn trong cuộc bầu cử. Khoảng 80% số ghế trong của Quốc Hội lọt vào tay các ứng cử viên của đảng này. Nhóm lãnh đạo quân phiệt được biết dưới danh hiệu Hội Đồng Quốc Gia Tái Lập Luật Pháp và Trật Tự (State Law and Order Restoration Council – SLORC) tìm cách ngăn cản NLD thiết lập chánh phủ, bắt giam chủ tịch đảng NLD là Ông U Tin Oo và quản thúc tại gia tổng thứ ký đảng NLD là Bà Aung San Suu Kyi. Càng về sau, SLORC càng đàn áp mạnh hơn. Văn phòng NLD bị khám xét, các đại biểu NLD, những người có cảm tình và những người ủng hộ đều bị bắt. Những tu viện cũng bị bố ráp.
Trước tình trạng bắt bớ như trên, TS Sein Win dời khỏi Burma đến Manerplaw tại biên giới Thái-Miến để thành lập chinh phủ lưu vong vào ngày 18-12-1990 dưới tên hiệu là Chính Phủ Liên Hiệp Quốc Gia của Liên Bang Miến Điện (National Coalition Government of the Union of Burma – NCGUB) với sự hỗ trợ của NLD và một số tổ chức chính trị khác. Chính phủ Sein Win tổ chức một hội nghị tại Bommersvik, Thụy Điển, vào tháng 7, 1995. Hội nghị này đã giải tán NCGUB và thành lâp Chính Phủ Dân Chủ Miến Điện (Democratic Government of Burma) để đáp ứng với tình hình thay đổi ở trong nước. TS Sein Win tái đắc cử chức thủ tướng của tân chính phủ.
Tình trạng của Miến Điện trở nên dễ thở hơn trong hai năm gần đây do sự thay đổi của chánh quyền quân nhân kể từ khi Tướng U Thein Sein lên nắm chính quyền tại Miến Điện vào tháng 3, 2011 sau một cuộc bầu cử đầy gian lận. Trong một thời gian ngắn, Tướng U Thein Sein đã tiến hành một số cải tổ chính trị theo đường lối dân chủ như trả tự do cho một số tù nhân chánh trị, giảm thiểu sự kiểm soát của chính phủ vào khu vực kinh tế, cho phép các đảng phái chính trị hoạt động, và bãi bỏ luật kiểm duyệt báo chí trước khi phát hành. Bà Aung San Suu Kyi và các thành viên của đảng NLD đều thắng cử trong cuộc bầu cử Quốc Hội vào tháng 4, 2012. Sau khi không bị giam giữ tại nhà kể từ tháng 11, 2010, Bà Aung San Suu Kyi còn được tự do xuất ngoại.
Để tạo điều kiện thuận tiện cho tiến trình dân chủ hóa ở trong nước, sau 22 năm tranh đấu, chính phủ lưu vong Miến Điện, chính thức giải tán vào ngày 21-9-2012 vừa qua. Tuy nhiên một số người cho rằng quyết định giải tán này quá sớm vì vẫn còn một số tù nhân chính trị chưa được trả tự do và chính sách thù nghịch những nhóm thiểu số chưa được sửa đổi và một số luật lệ bất công vẫn tồn tại. Một số người khác lại cho rằng Bà Aung San Suu Kyi có thể sớm giải quyết những vấn đề này.
Đặc tính của một chính phủ lưu vong
Phân tách những thí dụ kể trên người ta có thể định nghĩa chính phủ lưu vong là một tổ chức chính trị tự xem mình là một chánh phủ hợp pháp nhưng không thể sử dụng quyền hạn hợp pháp của mình và phải cư ngụ trên một quốc gia khác. Những chính phủ lưu vong thường chuẩn bị một ngày nào đó có thể quay trở về quê hương của mình để dành lại quyền hành chính thức. Các chính phủ lưu vong được thành lập trong những trường hợp như quốc gia bị xâm chiếm trong thời gian chiến tranh, nội chiến, đảo chánh, hay cách mạng.
Một số yếu tố sau đây giúp người ta nhận biết thế nào là một chính phủ lưu vong:
1. Một cá nhân hay một nhóm cá nhân tự cho mình có thẩm quyền tối cao đối với một quốc gia mà mình đã phải di tản.
2. Một cá nhân hay một nhóm cá nhân có uy tín quốc tế và thành tích đáng kể được quốc gia bao dung công nhận rằng họ có thẩm quyền tối cao đó.
3. Một cá nhân hay một nhóm cá nhân được tổ chức để thi hành một số hoạt động nhân danh một quốc gia.
Để chứng tỏ có thực quyền, một chính phủ lưu vong cần phải có khả năng để có thể thực hiện một số hoạt động như sau:
1. Được đại đa số dân ở trong và ngoài nước công nhận.
2. Được các quốc gia có chủ quyền công nhận ngoại giao.
3. Duy trì một lực lượng quân sự ở trong nước và/hay hải ngoại.
4. Tham dự vào những hiệp định song phương hay quốc tế.
5. Tu chính hiến chương của chính phủ lưu vong.
6. Phải có ngân sách hoạt động và có các văn phòng đại diện.
7. Phát hành giấy căn cước.
8. Cho phép thành lập đảng chính trị.
9. Thực hiện những cải tổ dân chủ.
10. Tổ chức bầu cử.
Sự hữu hiệu của một chính phủ lưu vong tùy thuộc vào uy tín và khả năng của những người lãnh đạo.Đó là những trường hợp như Đức Dalai Lama của Tây Tạng, Bà Aung San Suu Kyi của Miến Điện, Tướng Wladyslaw Sikorski của Ba Lan, và Tướng de Gaulle của Pháp. Đồng thời sự trợ giúp từ khối dân của nước đó và các chính phủ ngoại quốc cũng rất là quan trọng. Những chánh phủ lưu vong trong những thí dụ trên đây cho thấy họ làm việc rất hiệu quả, tạo ra khá nhiều thử thách to lớn cho đối phương. Trái lại, có những chánh phủ lưu vong chỉ duy trì sự hiện diện tượng trưng hoặc tệ hơn không được ai nhắc nhở đến. Trong nhóm này người ta phải kể đến Belarusian People’s Republic, Qajar Dynasty, Pahlavi Dynasty, Royal Lao government in Exile, Sahrawi Arab Democratic Republic, v.v.
Các chính phủ lưu vong Việt Nam
Riêng về Việt Nam, đầu tiên có Chánh Phủ Quốc Gia Lâm Thời (CPQGVNLT) do Phong Trào Việt Nam Tân Dân Chủ (PTVNTDC) vận động thành lập vào năm 1990. Vì bạo bệnh, ông Nguyễn Trân giữ chức vụ thủ tướng đầu tiên xin từ nhiệm. Ông Đào Minh Quân, Chủ Tịch PTVNTDC, cựu Trung Úy Chiến Tranh Chính Trị VNCH, lên thay thế và chánh thức giữ tân thủ tướng kể từ ngày 16-2-1991. CPQGVNLT khai báo đã thành lập được năm văn phòng đại diện ở năm quốc gia có đông người tị nạn và được chính phủ Hoa Kỳ công nhận về mặt ngoại giao nhưng không có một bằng chứng pháp lý nào chứng tỏ điều này. CPQGVNLT không đạt được thành tích nào đáng kể và trên nguyên tắc vẫn còn tồn tại đến ngày nay. CPQGVNLT tuyên bố rằng CPQGVNLT là tổ chức “duy nhất đại diện cho Quốc Gia Việt Nam và những người đang bị Cộng Sản cướp nước và được chính phủ Hoa Kỳ nhìn nhận hợp pháp tại Hoa Kỳ.”
Chính phủ lưu vong thứ hai là Chính Phủ Cách Mạng Việt Nam Tự Do (CPCMVNTD) thành lập vào năm 1995, 20 năm sau khi miền nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản. Một người có bí danh là Nguyễn Hoàng Dân giữ chức vụ thủ tướng đầu tiên. Tiếp theo là ông Nguyễn hữu Chánh, trước đó từng là một thành viên của CPQGVNLT. Danh hiệu CPCMVNTD sau này được đổi thành Chính Phủ Lâm Thời Việt Nam Tự Do và cuối cùng là Chính Phủ Việt Nam Tự Do. Tổ chức này tự giải tán vào 2008 vì “không còn phù hợp với tình hình thế giới.” Trong 13 năm hoạt động Chính Phủ Việt Nam Tự Do không được quốc gia nào công nhận, không thu hút được sự hỗ trợ đáng kể của dân Việt Nam ở trong nước và hải ngoại, cũng như không đạt được thành tích nào đáng kể. Trái lại tổ chức này còn bị tai tiếng vì liên hệ đến những vụ đặt bom bất thành tại một vài cơ sở của CSVN.
Chính phủ lưu vong thứ ba do các Ông Nguyễn Bá Cẩn, cựu thủ tướng VNCH, Ông Nguyễn Văn Chức, cựu thiếu tướng và cựu thượng nghị sĩ VNCH, cựu thiếu Tướng Lý Tòng Bá, và Ông Hồ Văn Sinh, chủ tịch VNCH Foundation, vận động thành lập vào năm 2008 với danh xưng là chánh phủ VNCH. Tổ chức này quy tụ được một số nhân vật thuộc nội các VNCH cuối cùng dưới quyền của cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn. Sau khi Ông Nguyễn Bá Cẩn đột ngột từ trần vào năm 2009, hai ông Nguyễn Văn Chức và Lý Tòng Bá tiếp tục điều hành Chinh Phủ VNCH cho đến nay. Tổ chức này chủ trương phục hồi VNCH, đòi CSVN trả lại miền Nam Việt Nam bằng cách vận động quốc tế thi hành đúng đắn Hiệp Định Paris 1973.
Chánh phủ lưu vong thứ tư vừa mới thành lập vào tháng 10 vừa qua dưới danh xưng Ủy Ban Lãnh Đạo Lâm Thời VNCH do khoảng 300 người tham dự một hội nghị họp tại Westminter, California lấy tên là Hội Nghị Diên Hồng Việt Nam Hải Ngoại bầu ra. Ông Nguyễn Ngọc Bích, cựu Tổng Giám Đốc VNTTX, được nhiều phiếu nhất giữ chức chủ tịch. Ông Hồ Văn Sinh, nguyên là viên chức Dân Vận Chiêu Hồi, đệ nhất phó chủ tịch. Ông Đoàn hữu Định, nguyên sĩ quan Nha Kỹ Thuật, đệ nhị phó chủ tịch.
UBLĐLTVNCH có chủ trương tương tự như tổ chức Chánh Phủ VNCH của cố thủ tướng VNCH Nguyễn Bá Cấn: Phục hồi Hiệp Định Paris 1973 và đòi CSVN trả lại miền nam Việt Nam để tái lập nước Việt Nam Cộng Hòa. Cho đến nay, người ta chưa biết rỏ tổ chức Chánh Phủ VNCH và UBLĐLTVNCH là hai thực thể khác biệt hay chỉ là một. Sau khi thành lập được hơn một tháng, Ông Đoàn Hữu Định tuyên bố rút tên ra khỏi UBLĐLTVNCH: “Mới đây qua một cuộc biểu quyết trong giới cựu quân nhân mà tôi là một thành phần đã cho biết là việc tham gia không thuận lợi vào lúc này và không mấy thích hợp trong hoàn cảnh và giai đoạn này.Do đó tôi phải theo ý muốn của đa số là rút tên ra khỏi Ủy Ban Lãnh Đạo Lâm Thời VNCH.”
Bài học
Tại Hoa Kỳ hiện có ít nhất là hai hoặc ba tổ chức dưới hình thức chính phủ Việt Nam lưu vong. Dù danh xưng là chủ tịch, tổng bí thư, tổng thống, hay thủ tướng, cũng không có gì khác biệt. Trong lịch sử hiếm thấy hiện tượng lạm phát chính phủ lưu vong như vậy. Thông thường chính phủ lưu vong được thành lập ngay sau khi có cuộc di tản ra hải ngoại. Trái lại cả bốn chính phủ lưu vong Việt Nam đều được thành lập vài ba thập niên sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt. Có lẽ thời gian đầu còn bận lo cơm áo. Ngày nay một số lãnh tụ lưu vong này đã ngoài 70 hay 80.
Trong Hội Nghị Diên Hồng Việt Nam Hải Ngoại vừa qua, một cựu sĩ quan Quân Pháp VNCH nhận xét rằng “Một chính phủ lưu vong phải có các yếu tố như là chính quyền, dân tộc, lãnh thổ và sự công nhận của quốc tế. Chúng ta không có những điều kiện này thì hãy an phận thủ thường mà làm những việc nho nhỏ, đừng nghĩ đến việc gì quá to lớn.” Ý kiến của ông rất chí lý nhưng rất tiếc không được chấp nhận. Do đó hải ngoại có thêm một chính phủ lưu vong.
Hai năm trước đây, LM Phan Văn Lợi, một thành viên trong ban lãnh đạo của Khối 8406 ở quốc nội, vô cùng ngạc nhiên khi thấy tên của ngài và LM Nguyễn Văn Lý trong danh sách thành phần của một chánh phủ lưu vong. Nhân dịp viết thư yêu cầu chính phủ lưu vong này lấy tên của mình ra, LM Lợi đã đóng góp một số ý kiến được tóm tắt như sau mà kẻ viết bài này hoàn toàn đồng ý:
1. Thành lập một tổ chức nhỏ, hoạt động, từng bước xây dựng uy tín, để lớn dần dần.
2. Không thể có chuyện đùng một cái thành lập chính phủ lâm thời như ảo thuật được, lây qua các tổ chức đấu tranh nghiêm túc đầy gian nan vất vả khác; làm nản lòng bao người Việt tâm huyết khác.
3. Trong 35 năm qua, hình như cũng đã có một số “chính phủ lâm thời” mờ mờ ảo ảo, cũng đã làm người Việt chúng ta tốn công sức và tiền của khá nhiều rồi.
Nếu không đủ uy tín, không có đủ phương tiện, không có thực lực, không nên tổ chức chính phủ lưu phong. Phương sách tranh đấu hữu hiệu cho một nước Việt Nam dân chủ hiện nay vẫn là tập trung mọi nỗ lực để hỗ trợ phong trào dân chủ ở trong nước. Chúng ta vô cùng hãnh diện có nhiều chiến sĩ đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ ở trong nước như Lê Thị Công Nhân, Phạm Hồng Sơn, Cù Huy Hà Vũ, Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Văn Lý, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Phạm Thanh Nghiên, Tạ Phong Trần, Huỳnh Việt Lang, Nguyễn Văn Hải (Điếu Cầy), Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm), v.v. Họ sẽ là những người lãnh đạo đất nước trong tương lai.
Mỗi tổ chức ở hải ngoại dù lớn hay nhỏ nên thiết lập các Quỹ Dân Chủ để luôn luôn có sẵn nguồn tài chánh gửi về trợ giúp những tổ chức dân chủ ở trong nước có phương tiện hoạt động và những nhà dân chủ và gia đình khi họ bị CSVN bao vây kinh tế. Một việc làm hữu hiệu thứ hai là tiếp tục phổ biến tin tức trung thực vào trong nước để phá vỡ kế hoạch bưng bít thông tin của CSVN.Ngoài ra hải ngoại cần liên kết với các sinh viên Việt Nam du học. Lớp người trẻ này không ít thì nhiều sẽ là những thành phần tạo sự thay đổi ở trong nước. Kỹ sư Đỗ Nam Hải, KS Nguyễn Tiến Trung, LS Lê Công Định, Cô Hoàng Lan, v.v. là những thí dụ cụ thể.
© Nguyễn Quốc Khải

Tin bịa đặt: Chánh Phủ Lưu Vong Thứ Năm Ở Hải Ngoại.
Nguyễn Quốc Khải
04-06-2014

Theo những điện thư tôi nhận được qua Internet, câu chuyện chính phủ lưu vong thứ năm bắt đầu như sau.

Vào khoảng giữa tháng Năm, một “tin mới nhất”, không có ngày tháng, không có tên tác giả, không ghi nguồn gốc, được Diễn Đàn Dân Tôc (diendandantoc@yahoogroups. com) phổ biến, nói rằng “Cù Huy Hà Vũ vừa được phe Pháp ủng hộ cho về làm Tổng Thống Việt Nam. Phái đoàn Pháp đang bay qua Mỹ để bàn luận và dàn xếp.”

Sau dó ít lâu, một tin khác cũng không có ngày tháng, không có tên tác giả, không ghi nguồn gốc, phổ biến tiếp tin đầu tiên với một vài bình luận dưới tựa đề “Tin nóng: chính phủ do ông Cù Huy Hà Vũ sẽ ra mắt trong nay mai, có thể có LS Đinh Việt, Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh trong liên danh.”


Từ trái: Cựu DB Cao Quang Anh, DB Chris Smith, TS Cù Huy Hà Vũ, và TS Nguyễn Đình Thắng tại cuộc họp báo tại Quốc Hội Hoa Kỳ vào ngày 06-05-2014 (Hình: Nguyễn Quốc Khải).

Vào ngày 18-05-2014, Quang Nguyen (duyquang45@yahoo.com) phổ biến qua Diễn Đàn Dân Tôc (diendandantoc@yahoogroups.com), một tin của Góp Gió (gopgionews@yahoo.com) dưới tựa đề “Có hay không: tin TS Cù Huy Hà Vũ lập chánh phủ?”  vói nhiều lời bình luận trong đó có những đoạn “Tin mới nhất chưa được kiểm chứng”, “Tin này rất có giá trị.”

Vào ngày 30-05-2014, một người tôi quen biết ở Los Angeles gửi cho tôi một bản tin dưới tựa đề “Mỹ công khai giúp lập chính phủ lưu vong cho Việt Nam,” của tác giả V Pham. Trong bản tin này có đoạn như sau:

“Đây là tin từ phía Pháp, Mỹ, chứ không phải từ ông Cù Huy Hà Vũ, Dân Biểu Cao Quang Ánh, hay từ Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng. Theo nguồn tin, bộ 3 ông này sẽ được Mỹ công khai giúp lập Chính Phủ lưu vong cho Việt Nam. Phe Pháp cũng ủng hộ nhưng một cách tế nhị và khéo léo hơn. Và tôi có viết rằng nếu được LS Đinh Việt, Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh tham gia vào

Khi nhận được tin vừa kể trên trực tiếp từ một quen biết, tôi liền yêu cầu rằng “Xin vui lòng đừng phổ biến những tin tức không kiểm chứng như thế này. Mất thì giờ của hàng trăm độc gỉa.”

Chưa hết.  Chiều qua, trong khi lái xe chở Nhà Báo Bùi Tín và vợ chồng TS Cù Huy Hà Vũ đi dự bữa cơm do Chương Trình Việt Ngữ của VOA tổ chức, TS Vũ nhân được một cú điện thoại của VOA yêu cầu được phỏng vấn TS Vũ về tin chính phủ lưu vong. Tôi cười rũ lên và suýt đâm xe vào lề đường. Quả thật câu chuyện tiếu lâm này, chưa hẳn là điều dối trá, được lập đi lập lại nhiều lần nó cũng có thể trở nên sự thật.

Vào 2 giờ trưa cùng ngày, một tin của Nguyễn Thùy Trang (không có địa chỉ e-mail) do Hoang Long Do (dohoanglongjohn@gmail.com) chuyền, ghi rằng “Trong giai đoạn vận động rất tiến triển khả quan, được biết Chính Phủ Việt Nam Tự Do Lưu Vong được Pháp & Âu Châu hỗ trợ, yểm trợ thành lập. Một điều gần như 100% là Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ chính thức công nhận khi Chính Phủ VNTD Lưu Vong ra mắt.” Tin này kèm theo một bộ ảnh gồm TS Cù Huy Hà Vũ, LS Cao Quang Ánh, TS Nguyễn Đình Thắng, và Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh. Cả bốn người này đều bị CSVN ghét cay ghét đắng.

Vào lúc gần 7 giờ tối hôm qua, Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh đã viết lời cải chánh, nhờ Ô. Bùi Mạnh Hùng chuyển đi như sau “Đây là tin bịa đặt. Xin anh H(ùng) cải chính giùm. Dương Nguyệt Ánh không có tham gia chính phũ lưu vong nào cả.”

Tôi cũng làm việc với TS Nguyện Đình Thằng trong nhiều chương trình. Chúng tôi gặp nhau thường xuyên, nhưng chưa bao giờ nghe thấy ông bàn về chính phủ lưu vong cả. Riêng đối với LS Cao Quang Ánh, tôi mong muốn ông tái tranh cử vào Quốc Hội Hoa Kỳ để chúng ta có tiếng nói trong nghị trường quan trọng này. Tôi nghĩ rằng LS Ánh nặng lòng với quê hương, nên ông có thể sẽ về Việt Nam để phục vụ khi đất nước có tự do. Còn chuyện chính phủ lưu vong, tôi không nghe LS Ánh nói đến bao giờ.

Ở hải ngoại cho tới nay đã có bốn chính phủ lưu vong của các ông: (1) Đào Minh Quân; (2) Nguyễn Hữu Chánh; (3) Nguyễn Bá Cẩn – Nguyễn Văn Chức – Lý Tòng Bá; và mới nhất (4) Nguyễn Ngọc Bích – Hồ Văn Sinh. Thành lập chính phủ lưu vong đã trở thành một trò hề đối với người Việt trong và ngoài nước. Ở đất nước tự do ai muốn làm gì thì làm, không ai cấm cản được. Nhưng phí phạm thời giờ, tiền bạc, sức lực, uy tín và nhất là lòng tin cậy là một lỗi lầm to lớn.

Tôi đồng ý với KHG Dương Nguyệt Ánh rằng tìn chính phủ lưu vong thứ năm ra đời là tin bịa đặt. Nó có thể do trí tưởng tưọng của một vài người, nếu không phải do CS chủ mưu để bêu xấu một số người có uy tín đối với quốc tế và người Việt là ham danh ham lợi.

Hai năm trước đây cũng có vài ông trí thức nghĩ ra chuyện hoang tưởng là vận động quốc tế để phục hồi lại Hiệp Định Paris 1973, đòi CSVN trả lại miền Nam Việt Nam, hầu tái lập lại VNCH và do đó sẽ buộc Trung Quốc phải trả lại Hoàng Sa và Trường Sa cho Việt Nam.

Việt Nam hiện nay ở trong giai đoạn lâm nguy trầm trọng trước sự xâm lăng trắng trợn của Tầu Cộng với sự tiếp tay của bọn Hán ngụy.  Một giai pháp duy nhất cho Việt Nam hiện nay là liên minh kinh tế và quân sự với những nước dân chủ, đặc biệt là Hoa Kỳ, Nhật, Úc, Ấn Độ, và Phi Luật Tân. Để thực hiện được mục tiêu đó, Việt Nam cần phải cải tổ chính trị, thả hết những tù nhân lương tâm, hủy bỏ những luật lệ trà đạp nhân quyền, và tu chánh hiến pháp. Báo chí tự do Công dân có quyền lập hội. Công nhân có công đoàn độc lập. Ruộng đất phải trả lại cho nông dân. Các đảng chính trị được tự do hoạt động. Trong một thời hạn ngắn thuận tiện nhất, Việt Nam tổ chức tổng tuyển cử dưới sự giám sát của LHQ. Một chính phủ hợp hiến phải được toàn dân bầu lên trong thể thức tự do dân chủ.