Thursday, 25 September 2014

ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN - Phạm Khắc Trung

Iryna là cô gái gốc Tiệp Khắc. Cô trẻ, đẹp, thông minh, duyên dáng, hiền hòa... Gia đình cô trốn nạn cộng sản, bỏ xứ đến Canada tỵ nạn lúc cô mới 9, 10 tuổi đầu. Khi tốt nghiệp Cao học Hóa học ở Đại Học McMaster, cô vào hãng tôi làm theo hợp đồng bên phòng kiểm phẩm. Lúc hết hợp đồng, cô về lại Hamilton.

Mấy năm sau hãng đăng tin cần Supervisor cho phân xưởng của tôi. Cô nộp đơn và được nhận, hãng sắp cô vào ca trống (khác ca tôi) lúc đầu. Dân bản xứ hơi ích kỷ và có tính thực dụng, hễ có cơ hội là họ lợi dụng ngay, họ thường qua mặt người mới vô chưa có kinh nghiệm, chỉ cốt được nhàn hạ trong giai đoạn nhất thời, nên hiền như cô dễ bị ăn hiếp là chuyện đương nhiên. Ông General Supervisor thấy cô hiền lành nên có cảm tình, ổng mới hoán chuyển cô về làm xếp ca của tôi và nhờ tôi giúp đỡ. Tôi có thiện cảm với cả hai người nên hết lòng hỗ trợ, và chẳng bao lâu sau cô trở thành người Supervisor tháo vát, có lắm sáng kiến, lập được nhiều công trạng, làm lợi cho nhà máy rất nhiều. Hai năm sau cô được thăng cấp và chuyển qua làm việc bên phòng thí nghiệm, cô viết email từ giã và cám ơn tôi đã giúp đỡ cô lúc ban đầu, rất tiếc là tôi đã không giữ lại ra ngoài thành thử hãng xóa đi mất. Cô không nhận là xếp cũ mà lại muốn tôi xem cô như bạn, từ đó chúng tôi thường email liên lạc, hỏi thăm và trao đổi những mẩu chuyện vui, đôi khi cũng đôi co chuyện trên trời dưới đất... Lâu dần tôi nhận thấy, Iryna cũng dí dỏm và rắn mắt như cô bạn học cứng đầu của tôi khi xưa.


Tôi phải khoe hãng tôi làm của Mỹ, nằm trong đỉnh 300 hãng lớn toàn cầu, có chi nhánh khắp năm châu để nhấn mạnh rằng, mọi tiêu chuẩn về tiền lương, trợ cấp, bảo hiểm, phúc lợi, điều kiện làm việc, và mức độ an toàn lao động… của chỗ tôi làm rất cao. Bây giờ (2012), hãng của tôi tuy vẫn được sắp trong danh sách 100 nơi làm việc lý tưởng, nhưng tôi nhận thấy họ đã đi những bước thụt lùi về tiện nghi và nhân phẩm. Không biết đó là sự tụt hậu trong cuộc sống, hay vì chiến lược toàn cầu hóa, đã bắt buộc những quốc gia phát triển phải lùi lại thật xa cho người anh em ở những quốc gia đang phát triển hay chậm phát triển có điều kiện bắt kịp? Dù lý do nào chăng nữa, đó cũng là một thiệt thòi rất lớn cho bước tiến hóa của con người.

Công việc tôi làm liên tục từ 14 năm nay là điều khiển đầu vào và chịu trách nhiệm trong khâu đầu của quá trình sản xuất ra những cuộn giấy nhám lớn nặng khoảng 4,000 – 5,000 pounds. 

Cuộn giấy nặng khoảng 3,000 pounds từ Butler chạy qua khâu in mặt dưới giấy với tốc độ trung bình 300 feet/minute (100 yards/phút). Qua khỏi máy in, giấy chạy ngang hộp dây sưởi ở nhiệt độ cao để làm khô mực, rồi mới qua khâu tẩm keo, rồi chui xuống hầm để đính cát vào. Từ đó, giấy nhám được chuyển vào lò nướng khổng lồ ở nhiệt độ 1700F (76.670C) để làm khô đợt 1, rồi mới chạy qua một máy khác để tẩm thêm một lớp keo lên mặt, rồi lại chạy qua lò nướng khổng lồ thứ 2 với cùng nhiệt độ, làm khô trước khi ra ngoài cuộn lại thành cuộn giấy nhám. Từ đầu vào đến đầu ra mất khoảng 45 phút, tức giấy dài 4,500 yards treo lủng lẳng trong 2 lò nướng. Có nghĩa là, xung quanh chúng tôi được bao bọc bởi những lò nướng khổng lồ, làm nhiệt độ chỗ làm cao hơn nhiệt độ ngoài trời từ 8 – 10 độ C. Và ác hại hơn, cái góc chỗ tôi ngồi là vùng không khí chết, không có cửa sổ sợ gió làm hư sản phẩm, nên càng tù túng hơn trong mùa hè.

Theo luật Lao Động, khi nhiệt độ ngoài trời (kể cả độ ẩm) vượt trên 320C, gọi là nhiệt cấp 1, nhà máy phải tạo điều kiện cho công nhân nghỉ giải lao thường xuyên, cung cấp nước lọc và nước trái cây, thường là cà rem đá (popsicles) cho công nhân, và tránh không cho công nhân làm việc lâu trong lò khi bắt buộc. Nhiệt độ chỗ tôi ngồi lúc này từ 400C – 450C.

Khi nhiệt độ ngoài trời (kể cả độ ẩm) vượt quá 400C, gọi là nhiệt cấp 2, ngoài việc phải thực hiện trong điều kiện nhiệt cấp 1, nhà máy phải cho công nhân nghỉ giải lao 10 phút mỗi giờ. Nhiệt độ chỗ tôi ngồi lúc này khoảng 480C – 550C.

Khâu chuyền sản xuất của chúng tôi dài và phức tạp như vậy, nên chuyện tắt - mở máy rất nhiêu khê và tốn kém vô cùng, cho nên chúng tôi phải du di thay thế nhau nghỉ. May mà trời nóng ở Canada chỉ kéo dài khoảng 10 tuần.

Từ khi khủng hoảng Kinh Tế bùng nổ năm 2008, thị trường tiêu thụ giảm nên mức sản xuất sa sút, hãng xưởng đóng cửa lia chia, công nhân viên thất nghiệp dài dài, ai còn giữ được việc làm phải kể là may mắn. Những hãng còn sống phải cắt giảm chi phí điều hành, nâng cao năng suất lao động để giảm giá thành sản xuất, nhiều hãng đặt chỉ tiêu cắt giảm 30%, 40%, thậm chí 50% không chừng. Dĩ nhiên hãng nào cũng đòi điều chỉnh giá nguyên vật liệu, kéo theo dây chuyền bắt tất cả mọi nơi đều phải cắt giá theo. Theo thống kê, nội năm 2009, công nhân viên bị cắt 15% lương và trợ cấp, nhưng năng suất làm việc lại tăng lên 20% so với năm trước.

Rồi cuộc khủng hoảng Kinh Tế kéo dài không dứt, để sống còn, các hãng xưởng tiếp tục cắt chi tiêu, và không ngừng nâng cao năng suất sản suất cho đợt 2, rồi lại đợt 3. Họp hành lúc nào cũng “cắt”, tin tức khắp nơi đều “cắt”, từ chính phủ cho tới tư nhân, nơi nơi đều “cắt”...

Hè 2011 nóng hơi lâu. Ngồi làm việc trong phòng có máy lạnh, động lòng nghĩ đến chỗ nóng tôi ngồi, Iryna email chọc:

− Hey Trung! Đủ nóng không?

Tôi trả lời:

− Trước kia Diêm Vương quy định nấu dầu sôi ở nhiệt độ 1000C. Từ khi Kinh Tế khủng hoảng, Diêm Vương cũng phải cắt giảm 50% mức chi tiêu, nghe đâu nhiệt độ dưới đó bây giờ là 500C, cũng tương đương với chỗ tôi đang ngồi. Bạn hãy tưởng tượng, nếu Diêm Vương cắt giảm thêm 50% nữa trong tương lai (điều chắc chắn sẽ xẩy ra), thì nhiệt độ dưới âm phủ quanh năm còn 250C, sẽ là nơi sinh sống lý tưởng? Nếu bạn có dự tính đầu tư, tôi khuyên bạn nên tập trung mua đất dưới âm phủ, sau này xây nhà bán sẽ có lợi to!

Iryna viết lại rằng:

− Hehehe, bạn nói nghe rất chí lý. Tôi đâu biết ngoài việc làm ở đây ra, bạn còn làm thêm nghề khuyến mãi địa ốc!

Một đỗi sau, không biết nghĩ sao, Iryna email hỏi:

− Hey Trung! Tôi nhớ người ta nói cộng sản là địa ngục trần gian, đúng không?

Tôi trả lời:

− Đúng một phần! Bởi theo lời đồn thì qủy sứ chỉ nấu dầu người ăn ở ác đức, cắt lưỡi kẻ nói láo, chặt tay kẻ cắp... Thế thì địa ngục chỉ là nơi thực thi công lý, đâu có chi phải sợ. Trong khi bọn cộng sản lại nấu dầu người yêu nước, cắt lưỡi người nói thật, chặt tay người lương thiện..., làm trật tự đảo lộn, đạo đức suy đồi..., thế mới đáng sợ! Vậy chữ “Địa Ngục” phải để dành chỉ chế độ cộng sản mới đúng!

Iryna lại viết:

− Đúng vậy! Hồi đó tôi còn nhỏ đã sợ, bây giờ mỗi lần nhắc lại ba má tôi lại rùng mình. Cộng sản ở đâu cũng ác, tôi nghĩ nước bạn cũng vậy thôi.

Tôi lại trả lời:

− Cùng là cộng sản nhưng mức độ ác có khác nhau. Việt Nam là nước cộng sản nghèo nên mức độ ác cũng khác xa Tiệp Khắc!

Iryna thắc mắc:

− Khác chỗ nào?

Tôi đáp:

− Cộng sản Việt Nam nghèo không có tiền mua củi đốt nên dầu để nguội lạnh!

Một lúc sau tôi lại nhận được email của Iryna:

− Hehe! Tôi phải đọc email bạn nhiều lần rồi cười muốn đứt ruột. Bạn tưởng tượng hay thiệt! Mà dầu nguội thì còn chi phải sợ?

Tôi lại ngồi gõ trả lời:

− Vì nguội nên vi khuẩn sinh sôi nảy nở, dầu bẩn không thay nên thối khắm, lúc nhúc dòi bọ, ngâm người trong đó có khác nào làm mắm người, liệu có hình phạt nào đáng tởm hơn? Cộng sản Việt Nam biết thế nên mới liệng cứt đái, mắm thối vào nhà những người đối kháng. Cái ác của cộng sản Việt Nam nó dơ bẩn, đê tiện, đểu cáng và hèn hạ không có bút mực nào tả hết, đến nỗi nhà thơ Bùi Minh Quốc, một cựu đảng viên cộng sản, phải bàng hoàng thốt lên rằng, “Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa / Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi!”

Và tôi nhận được email nàng trả lời:

− Khiếp! Nghe bạn nói mà phát nhợn. Sợ thiệt rồi! May mà nước tôi đã hết họa cộng sản. Tội nghiệp cho dân tộc bạn quá! Làm người tử tế ở nước bạn khó thật!

Năm nay trời nóng hơi sớm, chưa hết tháng 5 mà đã có 5 bữa bị nhiệt cấp 1 rồi (May 03, 19, 25, 28, 29), thậm chí nhiệt độ ngày 28 là 390C, gần qua đến cấp 2. Ngồi làm trong hơi nóng, tôi cứ tưởng tượng mình đang ngồi tắm hơi. Tai nghe tiếng máy chạy rầm rập đều đều, đầu óc tôi miên man nhớ đến những lời đối thoại vui vui về âm phủ với Iryna năm trước, rồi thả hồn về với cõi mộng xa xăm bên cô bạn rắn mắt ngày nào.

Có lần cô bạn rủa tôi:

− Miệng lưỡi bạn leo lẻo ghẹo tui, mai mốt chết xuống địa ngục bị quỷ sứ cắt mất lưỡi!

Tôi cười cười:

− Chuyện nấu dầu, cắt lưỡi, xẻo tai... chỉ là lời đồn đại, chứ khi chết rồi, thân xác mình đã vữa nát còn đâu để đày đọa hình hài?

Nàng làm mặt xấu dọa:

− Bạn không tin thì chờ đấy! Chính tay tui sẽ hành hạ bạn cho hả giận. Tui hổng thèm cắt lưỡi bạn chi chỉ đau có một lần, tui sẽ lấy một trăm cây kim lớn ghim kín lưỡi bạn, coi bạn còn ghẹo tui được nữa không?

Tôi cười hô hố trả lời:

− Việc gì phải khổ sở tốn công sức thế, sao không lấy răng cắn có hơn không?

Mặt nàng đỏ rân cười khỏa lấp:

− Xí! Còn phia á! Bạn cà giựt tui hổng thèm nói chiện nữa đâu!

Miệng nói “hổng thèm” nhưng khóe mắt lại cười, tôi thấy chứ nhưng tương lai mù mịt, đành cúi đầu lẳng lặng giả ngơ. Thấy tôi trầm ngâm nàng đánh trống lảng:

− Bạn không tin có địa ngục sao?

Tôi mỉm cười đáp:

− Tôi chỉ nói khi chết thân xác không còn thì lấy gì để hành hạ? Họa chăng người ta có thể hành hạ tinh thần, khi bắt mình nhìn cảnh thân nhân bị đọa đày..., mà không làm gì được nên đau đớn.

Nàng nghiêng nghiêng đầu chống tay lên má nhìn tôi hỏi:

− Thế bạn không sợ địa ngục à?

Tôi nhún vai:

− Dưới địa ngục người ta bị hành hạ đau đớn khóc gào. Nếu chỉ có thế thì là chuyện bình thường. Đã bình thường thì có gì phải sợ?

Nàng trố mắt ngạc nhiên:

− Bất thường mới đáng sợ sao? Ở đâu thế?

Tôi lôi mấy câu thơ của Tạ Ký ra đọc:

Ở đâu cỏ không dám mọc,
Nghênh ngang một lũ gian tà?
Ở đâu dân không dám khóc,
Tuy rằng đau thấu thịt da!

Nàng bồn chồn chồm tới:

− Chỗ ấy là chỗ nào?

Tôi xụi lơ:

− Tôi không biết. Khi nào gặp tôi sẽ hỏi thầy Tạ Ký.

Nàng nóng ruột:

− Thầy Tạ Ký đâu?

− Bị tập trung cải tạo!

Thất vọng nàng bảo:

− Vậy là bạn nợ tui câu trả lời!

Tôi chưa kịp đáp lời, nàng đã nheo mắt cười tươi vặn:

− Bạn xuống địa ngục hồi nào mà biết người ta bị hành hạ đau đớn khóc gào?

Nàng lại định gài tôi vào trận. Bởi quá quen nên tôi hững hờ đáp:

− Truyện Mục Kiều Liên kể thế!

Nàng làm dáng, nhăn mặt bỉu môi móc:

− Bạn mà cũng bày đặt đọc Mục Kiều Liên ư?

Tôi cười khekhe:

− Thì tôi nghiên cứu trước cho biết rõ đường đi lối bước, mai kia còn xuống cứu bạn!

Nàng kéo tiếng “xí” dài hơn đường Phan Thanh Giản:

− Tui làm gì mà bị đày xuống địa ngục?

− Bạn đã chẳng hăm dọa hành hạ tôi đấy là gì! Bạn có biết tội hăm dọa làm khủng hoảng tinh thần người khác nặng thế nào không?

Khi đuối lý, có khi nàng quay qua lườm xéo tôi rồi buông tiếng cười khỏa lấp, “Hìhì! Bạn chỉ được cái bẻo mép là không ai bằng!” Có khi lại phụng phịu, “Ai cần bạn cứu?” Có khi lại rắn mắt phang ngang, “Bạn có phải tui đâu mà biết...?”

Ba mươi mấy năm lo cơm áo gạo tiền, xa xôi nhiều khi tôi quên bẵng, nhưng mỗi độ hè hực nóng, lòng tôi lại bùi ngùi nhớ người bạn xưa, câu hỏi kia tôi chưa biết trả lời, bởi thầy Tạ Ký của  tôi đã vĩnh viễn quay về với cát bụi, không người đưa tiễn, không người nhận thây” (Đêm say khóc bạn, GS. Lê Tấn Lộc). Cả tuần nay tự dưng tôi có linh cảm, như thầy tôi đang quẩn quất đâu đây, từ tầng không tôi nghe tiếng thầy vang vọng, “Đất mất rồi cỏ mọc chi mô?” Tôi như vừa bừng tỉnh cơn mơ, đây Vụ Bản, Nam Định: Chính quyền cướp đất, đánh dân tàn bạo, “lũ gian tà nghêng ngang” ác độc hơn loài chó săn (Trích):

“Danlambao (19/05/2012): Khoảng 06:30 sáng, cuộc tấn công bất ngờ diễn ra. Lực lượng cảnh sát cơ động xua chó nghiệp vụ tiến về phía lều trại của dân. Khi đến gần, những con chó nghiệp vụ bất ngờ quay lại không dám cắn người.

Cuộc tấn công bằng chó săn thất bại, phía chính quyền ra lệnh một lực lượng CA hỗn hợp cả thường phục lẫn sắc phục lao vào đập phá lều trại của dân. Với quân số đông gấp đôi, gấp ba lần, phía chính quyền đã ra tay hết sức tàn bạo trong tiếng kêu la thảm thiết của các chị phụ nữ.

Bà con nông dân bị đánh đập dã man, nhiều người bị đánh đến đổ máu.

Một bà cụ hơn 70 tuổi trong nỗ lực giữ đất tuyệt vọng đã phải đổ gục xuống bất tỉnh, sau khi bị công an dùng dùi cui đập mạnh vào đầu. Tiếp đó, những tên công an khác lôi bà cụ ra khỏi khu vực cưỡng chế rồi bỏ mặc nạn nhân nằm bất tỉnh trên đất. Mãi cho đến khi bị nhiều người dân phản đối, phía chính quyền mới cho xe cứu thương đến chở bà cụ đi cấp cứu.

Một số thanh niên có mặt trong khu lều trại cũng bị đánh đập tàn nhẫn, ngay cả khi gục xuống vẫn phải hứng chịu những cú đạp bằng giầy đinh vào đầu, mặt. Trong khi đó, các chị phụ nữ thì bị nắm tóc lôi đi xềnh xệch.

Theo ghi nhận, ít nhất một người bị đánh gãy chân, 2 người bị đánh vỡ đầu. Nhiều người bị bắt đi.

Sau vài phút ngắn ngủi, cuộc tấn công của chính quyền nhắm vào nhân dân mau chóng kết thúc với “chiến thắng” thuộc về những kẻ đi cướp đất. Người dân bị đẩy ra khỏi khu vực cưỡng chế, trên người mang nhiều thương tích nặng nề” (Ngưng trích).

Rồi thông tin về vụ Trưởng phòng Phóng viên Thời sự - Chính trị - Kinh tế của đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV), Nguyễn Ngọc Năm, cùng với Phóng viên dưới quyền là Hán Phi Long bị công an và côn đồ phối hợp đánh hội đồng, phải nghỉ làm gần 2 tuần để điều trị thương tích, mà vẫn lặng căm không dám lên tiếng khóc, huống hồ chi hạng dân dã thấp cổ bé họng ngoi ngóp dưới kia. Xin trích ra đây, “Tâm tư của một nhà báo chưa bị đánh, Hồ Bất Khuất” (11/05/2012):

Tôi đã xem đi, xem lại clip một lũ người mặc sắc phục và thường phục có đeo băng đỏ ở tay đuổi đánh hai người đàn ông đội mũ bảo hiểm. Hai người đó chỉ chạy và chịu trận, hoàn toàn không có bất cứ hành vi chống đối nào. Tôi vô cùng căm tức những kể dùng gậy gộc, chân tay đánh hai người đàn ông đó. Tôi vô cùng thương cảm họ, mặc dù lúc đó tôi không biết họ là ai.

Nay biết hai người bị đánh đó là Hán Phi Long và Nguyễn Ngọc Năm – hai nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Khi biết điều này, tôi đã để rơi nước mắt. Nước mắt rơi không chỉ là sự thương cảm, mà còn là sự uất hận. Trước hết, tôi thương các anh. Vì nước, vì dân đi làm nghề đàng hoàng thế mà lại bị người nhà nước đánh đuổi. Sau đó là tôi hận các anh. Bị đánh đau thế, nhục nhã thế sao hàng chục ngày sau mới lên tiếng?!

Theo như báo chí viết, các anh bị đánh, bị giật máy ảnh, bị thu Thẻ Nhà báo, Thẻ Đảng viên, bị còng tay... Nhưng chiều 24/4 các anh đã về cơ quan ở Hà Nội rồi. Lúc này ai cấm các anh lên tiếng?” (Ngưng trích)

Hỡi cô bạn rắn mắt mến yêu ơi! Hôm nay tôi đã có được câu trả lời. Ba hồn chín vía, mời bạn tìm về đọc, cho tôi rũ sạch nợ nần:

Ở Việt Nam cỏ không dám mọc,
Nghênh ngang một lũ gian tà.
Ở Việt Nam dân không dám khóc,
Tuy rằng đau thấu thịt da!



Phạm Khắc Trung