Thursday, 25 September 2014

Khủng Hoảng Lãnh Đạo

...70% cho rằng nước Mỹ dưới TT Obama đang đi trật đường...

Mùa hè năm nay đã là mùa đại nạn cho TT Obama. Khủng hoảng liên tục trên đủ mọi vấn đề, từ đối nội đến đối ngoại. Rồi bây giờ đến khủng hoảng ngay trong Tòa Bạch Ốc.

Trong nước, tất cả những vấn đề lớn của nước Mỹ đều đã trở thành những khủng hoảng lớn. Danh sách ai cũng đã biết quá rõ vì nghe hay đọc quá nhiều rồi: Obamacare “trục trặc kỹ thuật”; IRS trù ẻo các tổ chức đối lập trong mùa bầu cử, bộ nhớ của máy điện toán bị “tai nạn” xóa mất, ngay cả điện thoại di động cũng bị xoá hết bộ nhớ; NSA nghe lén cả triệu dân và cả lãnh đạo đồng minh luôn; di dân bất hợp pháp tràn qua biên giới như nước lũ; cả trăm cựu chiến binh ngồi chờ chữa bệnh đến chết luôn trong các bệnh viện của Bộ Cựu Chiến Binh VA; và lần đầu tiên từ hơn 20 năm nay dân da đen lại xuống đường đập phá cướp bóc và cảnh sát mang xe tăng đến đàn áp tại Ferguson.


Đối ngoại, tình hình chẳng khá hơn. Benghazi điều tra từ hai năm qua vẫn chưa ra được kết quả nào, tại Syria cho đến nay ít nhất 200.000 dân đã bị giết trong khi cả triệu người bị thương, tan hoang nhà cửa, “lằn ranh đỏ” của TT Obama tự ý vạch ra hoàn toàn đi vào quên lãng. Tại Libya, sau khi Mỹ “lãnh đạo sau lưng” Anh và Pháp lật đổ Khaddafi thì Libya đã biến thành một Somalia thứ hai, một nước vô chính phủ với các lãnh chúa khủng bố hùng cứ, đánh nhau túi bụi như Mười Hai Sứ Quân của ta thời xưa, tòa đại sứ Mỹ tại Libya đã trở thành câu lạc bộ giải trí của lực lượng khủng bố. Tại Afghanistan, bầu cử tổng thống xong từ gần nửa năm nay, nhưng vẫn chưa có tổng thống vì cả hai ứng viên đều không ai chịu thua ai, cho dù ngoại trưởng Kerry vuốt ve, hăm doạ, áp lực đủ kiểu. Không ai để ý đến quân Taliban đang luyện quân chờ ngày các lãnh tụ trở về sau khi được TT Obama thả với điều kiện bị giam lỏng tại Qatar một năm. Và dĩ nhiên, Iraq!

Trong tất cả các khủng hoảng trong và ngoài nước vừa nêu, thái độ của TT Obama là... hoàn toàn thụ động, không hay chưa giải quyết được bất cứ vấn đề nào hết.

Hầu hết những vấn đề lớn đều còn trong vòng điều tra, chưa có báo cáo cuối cùng hay quyết định cuối cùng gì hết. IRS, NSA, VA, Ferguson, Benghazi. Chiến thuật là câu giờ càng lâu càng tốt, tới cuối 2016 được thì tuyệt. Một vài chuyện khác thì nhắm mắt, bịt tai như Libya, Syria, Afghanistan.

Obamacare quá rõ, không cần điều tra gì nữa nên TT Obama phải có quyết định, cho bà Bộ Trưởng Y Tế “về hưu” sau một thời gian vài tháng gỡ thể diện mà Mỹ gọi là decent interval, chỉnh lại hệ thống điện toán, nhưng cho đến nay vẫn chưa xong. Chưa kể việc áp dụng Obamacare đã được trì hoãn đến cuối 2016, sau khi TT Obama đã về Hawaii tắm biển, viết hồi ký.

Chuyện di dân bất hợp pháp, sau khi hùng hổ hăm doạ biện pháp này nọ, thì cuối cùng chỉ là trái bom tịt ngòi, không nổ gì hết. Vì lý do chính trị, bảo vệ vài ghế trong Thượng Viện cho vài dân biểu, nghị sĩ phe ta, nên không dám quyết định ân xá ngay bây giờ vì biết đại đa số dân Mỹ sẽ chống, sẽ bỏ phiếu bất lợi cho mấy ông dân biểu, nghị sĩ đó, chỉ có thể lấy quyết định sau cuộc bầu cử tháng Mười Một này.

Đúng mô thức Obama, tất cả mọi quyết định đều tùy thuộc vào muà bầu cử. Một chính quyền hiển nhiên không lập trường, không chính sách, không nguyên tắc. Tất cả đều là chuyện... cuốn theo chiều gió chính trị, đếm phiếu.

Cách đây một tháng, thăm dò cho thấy đa số dân Mỹ chống lại việc oanh tạc IS trên đất Syria. TT Obama khi đó tuyên bố sẽ không đánh bom IS trên đất Syria. Sau khi hai nhà báo bị cứa đầu, dư luận Mỹ sôi sục với hơn 70% muốn đánh bom IS trên đất Syria. TT Obama đổi giọng tuyên bố sẽ đánh bom IS tại Syria. Cũng là chuyện gió dư luận thổi chiều nào, hành động chiều đó. Ngoài nước thì lãnh đạo sau lưng đồng minh, trong nước thì lãnh đạo đi theo dư luận.

Năm xưa, ông tổng thống cao bồi Bush tuyên bố “anh có thể đồng ý hay không đồng ý với tôi, nhưng ít nhất anh cũng biết rõ quan điểm tôi như thế nào, tôi sẽ làm gì, và anh có thể bỏ phiếu sau khi biết chuyện đó”. Ngày nay, TT Obama đại khái nói rõ “anh cứ bỏ phiếu cho tôi trước, quan điểm của tôi hay chuyện tôi sẽ làm gì không quan trọng vì tôi sẽ làm theo ý anh”. Bởi vậy mới có chuyện trong những ngày làm nghị sĩ tiểu bang Illinois, ông đã biểu quyết “hiện diện” cả trăm lần, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Hai tổng thống, hai cách hành xử.

Bây giờ nói đến chuyện Iraq.

Đây là cuộc chiến mà ngay từ đầu, TT Obama đã không chấp nhận, gọi là chuộc chiến “ngu xuẩn”, không muốn can dự, và chỉ muốn rút ra bằng mọi giá, càng mau càng tốt bất chấp hậu quả. Cho dù al-Qaeda và các nhóm khủng bố con cháu đang lớn mạnh lại. Mới đây lại còn khẳng định ISIS chỉ là thứ tép riu, một đội bóng rổ JV của trung học.

Lịch sử đã không chiều ý TT Obbama chút nào. Đội bóng trung học ISIS đã vào bán kết vô địch tà phái cùng với al-Qaeda, có nhiều triển vọng hạ al-Qaeda đo ván để vào chung kết đấu với vô địch chính phái Bác Sam.

Thật ra, sự lớn mạnh của ISIS không phải là chuyện bí mật bất ngờ mới được bung ra trong vài tháng qua, mà đã là tin hàng đầu trong các báo cáo an ninh trình cho TT Obama mỗi ngày từ hơn cả năm qua. Bà cựu Bộ trưởng An Ninh Quốc gia, Janet Napolitano mới đây đã xác nhận với báo chí trước khi bà từ chức, tháng 9 năm 2013, tức là cách đây đúng một năm, bà đã có báo cáo đầy đủ về sự lớn mạnh của ISIS cho TT Obama rồi. Nhưng không ai nghe TT Obama nói một tiếng nào về ISIS cho đến khi nhóm này đe dọa tới thủ đô Baghdad và cắt đầu hai nhà báo. Ta không nên quên khi TNS Obama tranh cử năm 2008, ông đã lớn tiếng bảo đảm chính quyền Obama sẽ là chính quyền trong suốt –transparent- nhất lịch sử Mỹ.

Nhưng cái phiền toái là nếu công bố sự thật này ra cho công chúng thì hoá ra những khoe khoang tiêu diệt khủng bố al Qaeda, ISIS là JV, hoá ra đều là chuyện nói láo hết sao? Thôi đành cố ém nhẹm càng lâu càng tốt, biết đâu nhờ trời, các tổ chức khủng bố đánh nhau, al-Qaeda sẽ thắng thế dẹp êm được ISIS? Hay cùng lắm mấy ông khủng bố ISIS có chiếm được một nửa Iraq thì cũng chẳng hại gì cho “quyền lợi và an ninh” của Mỹ lắm. Cho mấy ông Hồi giáo quá khích đánh nhau, giết nhau bớt cũng đỡ cho Mỹ. Không nên xiá vào.

Cái khổ là mấy ông ISIS không biết cố tình hay vô ý, mà không “hiểu ý“ gì cả, chiếm được nửa phiá bắc rồi mà vẫn chưa vừa ý, đòi chiếm cả Baghdad, muốn giết cả trăm ngàn dân Thiên Chúa giáo, dân Hồi khác giáo phái, khiến TT Obama muốn ngó lơ cũng không được. Dù sao, Mỹ khuấy động Iraq bây giờ cũng có phần trách nhiệm ổn định lại. Việc mấy ông khủng bố cuồng tín lại còn cắt đầu hai nhà báo Mỹ trên video phổ biến cho cả thế giới coi, đã chấn động dân Mỹ và ép TT Obama phải có hành động, không thể ngồi yên được nữa.

Sau khi đắn đó suy nghĩ cả tuần rồi cả tháng, cuối cùng thì TT Obama đành phải lên truyền hình, đọc một bài diễn văn đình đám, công khai nhìn nhận ISIS không phải là JV mà đã thật sự là mối đe dọa lớn, đến độ Mỹ sẽ phải ra tay, bỏ bom để tiêu diệt nếu cần ngay cả tại căn cứ địa ISIS bên Syria, cho dù đó sẽ là hành động cứu nhà độc tài Assad. Đồng thời cũng ra lệnh gửi qua Iraq qua một lực lượng thật “hùng hậu”, cỡ 475 lính Mỹ.

Ngày xưa, TT Johnson leo thang từng bước một trong cuộc chiến chống VC tại VN. Bây giờ, tại Iraq, cũng vẫn là chiến thuật leo thang từng bước một. Nhưng TT Johnson leo thang từng trung đoàn và sư đoàn, ngày nay TT Obama leo thang từng tiểu đội, trung đội, theo “chiến thuật hạt tiêu”. Leo thang của Obama là leo thang kiểu Kennedy, qua những bức rụt rè đầu. Cũng là sa lầy từng bước, chỉ khác là nhanh hay chậm thôi.

Trong quyết định mới nhất của TT Obama, có một điều đáng chú ý. Một ngày trước khi TT Obama lên truyền hình, báo phe ta Washington Post và đài TV phe ta CNN đều loan tin TT Obama sẽ công bố danh sách liên minh mới thành lập để đánh IS, khác xa ông cao bồi một người một ngựa Bush. Ngoài một liên minh với các đồng minh NATO như Anh, Pháp, Đức,..., sẽ còn có thêm sự tham gia của một số quốc gia Ả Rập lớn như Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi, Ai Cập, các Vương Quốc Vùng Vịnh, Jordan, có cả Úc Châu bên kia địa cầu nữa. Không phải tự nhiên những cơ quan ngôn luận này đăng tin hỏa mù vớ vẩn, mà chắc chắn họ đã được xì tin mật nào đó. Không chừng chính là tin do Toà Bạch Ốc xì ra để làm áp lực dư luận với các nước này.

Nhưng rồi trong bài diễn văn của TT Obama, không ai nghe nhắc đến một liên minh cụ thể nào hết. Có nghiã là các vận động thành lập liên minh đó đã thất bại? Chưa biết mai này khi nào thành lập được, nhưng cho đến bây giờ thì chưa có nước Âu Châu hay Ả Rập nào chính thức lên tiếng đồng ý tham gia. Ngay cả đồng minh sinh tử Anh Quốc cũng không nghe nhắc đến.

Chuyện gì đã xẩy ra ? Chỉ có TT Obama mới biết rõ. Nhưng nhiều người đã cho rằng thái độ bất nhất hay “không chiến lược” của TT Obama đã khiến cho các nước này dè dặt không dám nhẩy vào vòng chiến cùng với Mỹ, kể cả Anh Quốc. Lỡ TT Obama bất ngờ lạnh cẳng, kiếm cớ tháo chạy như ở Syria, thì họ ở lại lãnh đủ sao? Các nước đang đòi hỏi một bảo đảm vững chắc và cụ thể.

Đã vậy, lại còn một câu hỏi lớn cho những nước đang được mời tham gia vào liên minh. TT Obama khẳng định không có chuyện lính Mỹ tham chiến, mà chỉ có không quân Mỹ can thiệp, đánh bom thôi. Thế thì câu hỏi hiển nhiên là lính nào sẽ đánh? Lính Anh, lính Pháp, lính Thổ, lính Ai Cập? Trong khi lính Mỹ thì không can dự? Hãy thử tưởng tượng phản ứng của các lãnh đạo đồng minh xem? Xin mời quý vị tham chiến với chúng tôi, quý vị gửi lính đi đánh hàng đầu, tôi sẽ lãnh đạo sau lưng, dội bom yểm trợ quý vị, so sorry tôi chỉ làm được vậy thôi chứ dân Mỹ không chấp nhận để lính Mỹ chết đâu.

Nếu không có lính đánh nhau gì hết mà chỉ thả bom thôi, thì kinh nghiệm chiến tranh Việt Nam còn sờ sờ ra đó, thả bom chỉ hiệu lực đến một mức giới hạn nào thôi, không bao giờ tiêu diệt hết địch và kết thúc chiến tranh được. Các độc giả cựu quân nhân VNCH hiểu rõ chuyện này hơn ai hết.

Bài diễn văn dài 15 phút. Gần cuối bài, dĩ nhiên ông đã không quên bỏ ra khoảng năm phút để khoe thành tích, với những tuyên bố thật lạ lùng khiến người nghe có cảm tưởng TT Obama mới đi nghỉ hè về, không rõ chuyện gì đang xẩy ra quanh ông.

TT Obama lớn tiếng hăm doạ đối với khủng bố, sẽ không có chỗ nào là nơi trú ẩn an toàn hết (no safe haven). Nghe tưởng là TT Bush đang đọc diễn văn, hung hăng hăm dọa tất cả những xứ nào chưá chấp khủng bố sẽ bị thanh toán như chính quyền Taliban vậy. Sự thật, ngay cả các báo phe ta lớn nhất như Washington Post và New York Times cũng phải nhìn nhận TT Obama có trách nhiệm lớn trong việc nhắm mắt để cho tổ chức ISIS lớn mạnh đến như bây giờ.

Theo một thăm dò mới nhất của Fox, 55% dân Mỹ nghĩ TT Obama không sẵn sàng làm đủ mọi cách để diệt khủng bố. Nói cách khác, chiến lược chống khủng bố của ông là loại ển ển xìu xìu. Trong 10 người, chỉ có 3 người ủng hộ cách hành xử của TT Obama trong các vấn đề Cận Đông, từ Syria, Iraq đến IS. Câu hăm dọa “no safe haven” nếu do ông cao bồi Bush nói thì còn tin được, ông Nobel nói thì … thôi ta chờ xem.

TT Obama cũng khoe nước Mỹ bây giờ an toàn hơn bao giờ hết (safer than ever). Điều này có lẽ tổng thống cần phải thuyết phục dân Mỹ mạnh hơn nữa, với bằng chứng rõ ràng hơn nhiều. Hiện nay, hơn ba phần tư dân Mỹ cho rằng khủng bố đang chuẩn bị một cuộc tấn công lớn trên chính đất Mỹ. Trong thời gian qua, quân Iraq đánh nhau với IS đã tịch thu được một số computers, trong đó có những tài liệu liên quan đến IS đang chuẩn bị tấn công Mỹ bằng chất hoá học ricin và bằng xe bom, với một số thành phố được nêu tên rõ rệt như New York, Chicago, San Francisco, Los Angeles và Las Vegas.

Khủng bố cũng đang tìm cách tấn công hệ thống internet của Mỹ để gây rối loạn, nhất là cho thị trường tài chánh và hệ thống hàng không dân sự. Ta đừng nên quên IS ngày nay là một tổ chức khủng bố khổng lồ, với ngân quỹ bạc trăm triệu đô, đang kêu gọi sự tham gia của các chuyên gia điện toán Hồi giáo hàng đầu trên thế giới. Và người ta cũng biết hàng ngàn thanh niên, sinh viên Âu Châu, Mỹ, và Úc, đã chạy qua tòng quân với IS. Báo đăng quân Iraq còn bắt được cả một nữ sinh viên Tàu trong đám quân IS!

Quốc Vương Abdullah của Ả Rập Saudi đã cảnh giác ISIS có thể đánh tới Mỹ trong vòng vài tháng tới.

Trong vụ hai nhà báo bị cứa đầu, Bộ Tư Pháp của Nhà Nước Obama coi như đây là “hành động tội ác giết người, thuộc phạm vi hình luật sẽ bị truy tố ra tòa” (criminal act that will be prosecuted). Chỉ có 14% dân Mỹ đồng ý với việc kết tội này. Còn lại, tuyệt đại đa số cho việc thảm sát hai nhà báo là hành động chiến tranh khủng bố phải do lính Mỹ truy diệt, chứ không phải việc làm của các công tố viên và luật sư tranh cãi các ngõ ngách của luật lệ trước toà.

Cũng trong bài diễn văn đó, TT Obama quảng bá là tư thế lãnh đạo thế giới mạnh mẽ của Mỹ đã là “một thực thể bất biến duy nhất” (the only constant) trong cái xã hội loạn xà bần này. Thực tế, vẫn theo thăm dò của Fox, 60% dân Mỹ cho rằng tư thế lãnh đạo và uy tín của Mỹ trên thế giới đã suy giảm mạnh dưới thời TT Obama. Ngay cả trong chính đảng Dân Chủ, một phần ba cử tri cũng chia sẻ ý niệm đó. Tới 57% cho rằng chính sách đối ngoại của Mỹ yếu đuối và bất định, không có gì là mạnh mẽ hay kiên quyết.

TT Obama cũng kết luận đại khái là dân Mỹ “tin tưởng hơn bao giờ hết vào tương lai” của nước Mỹ (more confident than ever in the future of America). Theo Real Clear Politics, một diễn đàn thông tin tập hợp của truyền thông đủ khuynh hướng, 70% cho rằng nước Mỹ dưới TT Obama đang đi trật đường, chỉ có 20% cho rằng Mỹ đang đi đúng hướng. Trong 10 người chỉ có 2 người tin tưởng vào tương lai, vậy mà TT Obama lại coi như đó là tình trạng “hơn bao giờ hết”?

Nếu có quý độc giả nào nghi ngờ Fox thiên vị thì đây là những kết quả thăm dò mới nhất của báo phe ta Washington Post, hợp tác cùng với đài truyền hình phe ta ABC:

- 52% dân Mỹ coi triều đại Obama nói chung như là một thất bại –failure.

- 55% cho rằng TT Obama tạo phân hoá nhiều hơn đoàn kết.

- 53% cho rằng chính sách đối ngoại của TT Obama quá thận trọng.

- 91% cho rằng IS là một đe dọa thực sự cho an toàn của nước Mỹ.

Điểm cuối cùng đáng lo ngại ở một khiá cạnh khác: ngay chính các cơ quan trách nhiệm về an ninh biên giới đã xác nhận có nhiều thành phần ô hợp đang trà trộn vào làn sóng di cư bất hợp pháp hiện nay, trong đó rất có thể có nhiều phần tử Hồi giáo quá khích từ Trung Đông bay qua Nam Mỹ, rồi len lỏi vào Mỹ.

Tất cả những tỷ lệ trên đã làm rung chuyển Tòa Bạch Ốc. TT Obama, hơn tất cả các tổng thống tiền nhiệm, là người quan tâm một cách đặc biệt những thăm dò dư luận, đến độ gần như làm việc gì cũng phải nhìn vào chiều gió dư luận, bây giờ thấy mấy con số này, quả là khủng hoảng đã vào tới trong Tòa Bạch Ốc. (14-09-14)

Vũ Linh