Thursday, 25 September 2014

Một Vài Kỷ Niệm Với Thi Sĩ Vũ Kiện - Trần Mộng Lâm

Chúng tôi là anh em họ, và đã cùng nhau trải qua cả một tuổi thơ tại một con đường nhỏ của Hà Nội, gần Hồ Hoàn Kiếm, nơi có một cái tên rất tầm thường là Ngõ Hàng Hành. Bây giờ, nhà đất tại nơi đó lên giá  lắm, nhưng trong tâm khảm, tôi vẫn chỉ nhớ thấy những căn nhà chật chội, và cầu tiêu vẫn phải nhờ người ta đi đổ mỗi ngày, chứ không phải loại cầu tiêu giật nước như bây giờ.

Cha mẹ tôi, hai bác Tam Lang, nhà văn nổi tiếng với tác phẩm Tôi Kéo Xe (cha mẹ Vũ Kiện) và hai bác Giáo (cha mẹ GS Nguyễn Văn Phú), có họ với nhau. Mẹ của Vũ Kiện, là em ruột thân phụ GS Nguyễn văn Phú, nên giữa hai người này với nhau, họ hàng gần hơn một chút, nhưng những đứa trẻ cùng trang lứa trong 3 gia đình, coi nhau như anh em một nhà. Chúng tôi nói những người cùng trang lứa, là nói tới anh em anh Nguyễn Ngọc Định, Nguyễn Huy Xương hai người em ruột của GS Phú, hai anh em tôi, và Vũ Kiện, Chúng tôi 5 người, thường chơi với nhau. Còn nhiều anh  chị em khác nữa, nhưng khác tuổi, nên không thể cùng chơi đùa. Hồi đó, chúng tôi chỉ mới 11, 12 tuổi, nên khi trời mưa, chạy ra đường, tắm mưa cùng nhau, và cùng nhau cưa đẽo, làm những cái súng bằng gỗ,bắn những viên đạn tròn bé xíu người ta bán dưới dạng các cuộn giấy, cũng nổ đì đẹt nghe vui tai. Lâu lâu, một người vai ông của chúng tôi, làm nghề thợ tiện nơi quê ngoại Hà Đông, tiện cho chúng tôi những con quay, hồi đó chúng tôi gọi là con cù, là cả bọn lại sung sướng kiếm những chiếc đinh nhọn gắn vào, và cùng nhau đi «bổ cù», nghĩa là dùng con quay của mình, bổ vỡ con quay của địch thủ, nhiều khi nổi cáu, chửi nhau «tiên sư bố mày», quên hẳn là tiên sư của nó, cũng là tiên sư của mình. Thuở con nít ranh, nhiều khi các cụ gọi về đánh cho mấy roi, hằn đít !!


Chúng tôi đang vui với Hà Nội, mỗi mùa hè, ra bờ Hồ Hoàn Kiếm, bắt ve sầu, uống nước đá chanh, thì Hiệp Định Genève ra đời, dân Hà Nội chán tụi Việt Công với cáo già và chủ nghĩa CS quá,  nên bàn nhau di cư vào Nam, bỏ hết tài sản, ruộng nương dưới quê. Cha tôi có rất nhiều kinh nghiệm với bọn chúng sau nhiều năm đi theo kháng chiến ngoài bưng biền, chỉ về Hà Nội vào năm 1952, nhất định đem anh em chúng tôi di cư. Đây là một quyết định rất sáng suốt của ông, vì nếu chúng tôi ở lại, sẽ có thêm nhiều nạn nhân của CCRD, và chúng tôi chắc chắn sẽ không ra gì, với cái tội là con cái địa chủ.

Vào Nam, 3 gia đình chúng tôi vẫn liên lạc mật thiết với nhau. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy phải tri ơn chế độ VNCH, với những người lính đã hy sinh tính mạng, để cả một thế hệ chúng tôi được học hành tới nơi, tới chốn. Việt Nam Công Hòa mất năm 1975, nhưng từ 1954 đến 1975, hai mươi năm trời vàng ngọc cho thế hệ chúng tôi, thử nghĩ mà xem.

Chúng tôi lớn dần và trưởng thành tại Miền Nam, hai mùa mưa nắng.

Sau Trung Học, hai anh Nguyễn Ngọc Định và Nguyễn Huy Xương lên đường du học, người ở Canada, người ở Pháp.

Vũ Kiện cũng được học bổng sang Canada. Anh em tôi ở lại Việt Nam, và vào quân đội.

Ít năm sau, khi tôi còn ở Miền Tây, thì Vũ Kiện trở về, với văn bằng Kỹ Sư Hóa . Anh được về làm tại Nhà Máy Đường, hình như ở Biên Hòa.

Anh Nguyễn Ngọc Định ở lại Canada, sau này trở thành một Giáo Sư nổi tiếng của Đại Học Laval. Nguyễn Huy Xương trở thành một GS Toán của một Đại Học bên Pháp.

Biến cố 1975 đem đau thương lại cho dân Việt Nam, đặc biệt dân Miền Nam.

Vũ Kiện may mắn ra khỏi nước ngay khi Sài Gòn thất thủ. Tôi chậm chân, ở lại gỡ mấy cuốn lịch, và vào rừng U Minh lao động chơi, cho biết với người ta.

Sau cùng thì Định mênh an bài, chúng tôi hội ngộ tại Canada, cuối thập niên 1970, đúng hơn là vào tháng 11 năm 1978, sau khi tôi liều mạng vượt biên, trong một thời đại mà nếu «cái cột đèn có chân», nó cũng phải ra đi.

Chỉ khi sang được đến Canada rồi, tôi mới biết Vũ Kiện làm thơ. Sau cùng, thì cái gène văn nghệ của bác tôi, nhà văn Tam Lang, cũng được phát huy nơi người con trai duy nhất của bác.

Trong những bài thơ của Vũ Kiện, bài tôi thích nhất là bài anh dịch từ Un Canadien Errant, của một thi sĩ người Québec, làm khi ông phải lưu vong sang Mỹ, phải đi để trốn chạy tù đầy  vì các hoạt động chính trị chống nhà cầm Canada thuở đó. Hoàn cảnh giống như hoàn cảnh của những người Việt Nam, vì chống chế độ CS, phải bỏ nước ra đi.

Rất tiếc bài thơ này tôi không có được , chỉ nhớ lõm bõm một vài câu, như «ai đưa ta đến chỗ bềnh bồng, bên kia là núi, bên này sông», không biết có đúng không. Ai còn giữ được bài thơ này, xin gửi cho tôi.

Vũ Kiện là một nhà thơ của quê hương Việt Nam.

Nhớ về Việt Nam, anh tiếc nuối :

Tôi vẫn thường mang hoài tiếc nuối
Chưa được xuôi nhiều đường quê hương
loạn ly từ lúc chưa đầy tuổi
mất cả trời thơ, lạc phố phường

Đúng vậy, khi nhà thơ ra đời, thì có một bọn người vong bản, đã nhập cảng từ Nga, từ Tầu, một lý thuyết vô luân, nó làm người Việt nhìn nhau như kẻ thù, chỉ lăm le cầm khẩu sung, thanh mã tấu, để thanh toán nhau. Anh sinh vào khỏng năm 1944. 1945, khi Việt Minh đã cướp chính quyền. Với bom đạn như vậy, làm sao có thể, ở tuổi anh, ngược xuôi trên khắp nẻo đường đất nước, một khi sông Bến Hải chia cách non sông.

Bởi vậy, Vũ Kiên chỉ có thể tưởng tương khi nghĩ về quê mẹ :

Quê mẹ chưa bao giờ được gặp
họa hoằn trong mộc bản chiêm bao
ngỡ như lúa kể lời cổ tích
cho cánh đồng nghe tình ca dao
Những địa danh này tưởng rất quen
từng trang sách vở miết mê tìm
trong tiềm thức bút chì xanh đỏ
vẽ những nhành sông, chẩy thật mềm

Quê hương trong tâm tưởng thì mờ mờ, ảo ảo, đó là Miền Bắc xa xôi, mà ngoài Hà Nội, Vũ Kiện không biết một nơi nào khác, vì tuổi tác, và vì chiến tranh. Nhưng quê hương vẫn chan hòa trong tâm hồn nhà thơ, với những cái gì thực tế hơn nhiều, như một tô phở, hay một tiếng hát Thái Thanh . Nhà thơ, tuy ngồi tại Québec, vẫn mơ về một ngày nào đó, đất nước sạch bóng quân thù, để nhà thơ có thể làm một chuyến trở về mái nhà xưa :

Ôi mai mốt về quê hương có phở
cởi mở tâm tình ngò ngát hành hoa
đời hạnh phúc chan hòa thêm nước tiết
ta mời nhau một bát làm quà.

Không phải là nơi đây không có phở, nhưng phở ở đây thiếu một thứ gì, thiếu hương vị quê hương.

Hãy xóa hết những tháng ngày bỏ xứ
ừ đấy thiên đường thừa nạm vè gân
sao vẫn thấy chập chờn thức ngủ
một vị gì ngan ngát của quê thân.

Khi làm những vần thơ này, nhà thơ còn trẻ lắm, mới ngoài ba mươi. Ở tuổi này, ít ai nghĩ tới sự chết. Tuy nhiên, hình như nhà thơ linh cảm là mình sẽ không sống lâu, và sẽ phải chết tại nước ngoài, Nhà thơ viết, như một bản chúc thư :

Ngoài ba mươi tuổi làm lưu lạc
mới biết mình đánh vỡ không gian
gọi ai mà gửi lời di niệm
của kẻ vừa rơi khỏi địa đàng
mốt mai tôi chết cho tôi được
đắp mặt bằng hương tóc người yêu
và trong sáu tấm hòm xô lệch
cho gối đầu lên quyển chuyện Kiều
hát hộ tình ca vút Thái Thanh
cho hồn tôi bát ngát mầu xanh
xác này lửa hỡi làm tro bụi
gió giạt về ven biển Thái Bình

Vũ Kiên không sống lâu. Những người tài hoa thường chết trẻ, âu cũng là định mệnh.

Nhà thơ đã bỏ chúng ta dể ra đi, như vậy kể ra cũng đã trên mười năm.

Bọn năm đứa anh em chúng tôi, tại Ngõ Hàng Hành thuở đó, Vũ Kiện bỏ cuộc chơi sớm nhất, tuy anh nhỏ tuổi nhất. Mới đây, tại Pháp, Nguyễn Huy Xương cũng mang bạo bệnh qua đời.


Cuộc đời như một dòng sông, như một chuyến xe métro. Ai lên , ai xuống, nào có để lại dấu vết gì. Có chăng, chỉ còn lại những vần thơ, lưu lại cho hậu thế, để biết cho tâm sự của những kẻ bị lưu đầy. Hôm nay, đọc lại những vần thơ Vũ Kiên, tôi vẫn thấy hình ảnh những đứa trẻ tắm mưa năm nào tại Hà Nội, và những tiếng cười trong trẻo của tuổi thơ ngây. Kỷ niệm, rất xa, nhưng cũng rất gần.

Trần Mộng Lâm



sài gòn còn mưa còn nng
nón lá gi còn hay mang
áo còn xanh mu tâm s
mình gi mình có còn ngoan

ngày xưa mình che nón lá
nng hanh tô hng đôi má
nng hanh tô đm làn da
nón lá đong đưa tình ta

bui sáng đi vào lp hc
quai nón đan bng ngón tay
tàn me đan đưng bách tho
hoa me rơi trng du giy

đi l hàng hiên hiu sách
nón lá che tri mưa mau
bong bóng v đy con nưc
hiên hp hong tình khô su

nón lá đi vào cng chùa
bóng mát trm hương lay đng
thanh quan vài bông s rng
bài kinh tình thơ đi tha

sài gòn còn mưa còn nng
bây gi đu sông cui sông
vn hi cho lòng bt nh
tình xưa rung cơn mê nng

Vũ Kin

Sài gòn



sài gòn là cơn mưa mau mưa mau
xuôi con đường cây đan tình sầu
chót ngõ hẻm khép hờ bóng tối
những số nhà ôm chồng vào nhau

sài gòn là những quán sách lề đường
quyển truyện tình treo trong bâng khuâng
sáng chủ nhật -- nắng lên bằng băng nhạc
miệng yêu đời thổi sáo khúc yêu đương

sài gòn là ly nước mía viễn đông
là đĩa bánh cuốn đêm phan đình phùng
tranh tĩnh vật vải căng lòng trống trải
đĩa bò khô tô bệt ớt tươi hồng

sài gòn vui như đêm giáng sinh
sài gòn buồn như giờ giới nghiêm
sài gòn tình như khi mới quen em

Vũ Kiện


Thương tưởng về anh Vũ Kiện


Đọc bài viết của anh Lê Dư Khánh trong mục Đất Lnh Ngày Xưa, anh nhlại kỷ niệm làm báo Đất Lnh số Xuân Ất Tỵ1965 với sự đóng góp của nhiều bạn bè và đặc biệt anh Vũ Kiện, nhà thơ của nhóm đã giúp hoàn thành mỹ mãn số báo Xuân năm đó. Nhắc đến anh Vũ Kiện tôi hồi tưởng lại một thời quen biết anh ấy. Khi tôi làm việc trong phòng thí nghiệm công nghiệp nhẹ của Viện Quốc Gia Định Chuẩn ở Khu Kỹ Nghệ Biên Hòa, thì anh ấy là Trưởng phòng thí nghiệm của Công Ty giấy Cogido không xa Viện. Nên tôi được dịp qua lại quen biết anh. Thế rồi hè 1973, chúng tôi cùng may mắn được học bổng của chính phủ Hòa Lan để theo học khóa “Kiểm tra chất lượng” tại Bowcentrum ở Rotterdam.

Khi gặp nhau tại Bowcentrum, anh Vũ Kiện đã ân cần hướng dẫn tôi trong việc thuê  share phòng với các bạn cùng khóa, cùng chương trình của khóa học mà anh đã tìm hiểu trước. Anh ấy lúc nào cũng nhiệt tình mà từ tốn giúp đỡ bạn bè trong khóa học cũng như những việc bên lề.
Anh Vũ Kiện rất nghiêm túc lúc lên lớp cũng như lúc thảo luận. Tôi rất nể trọng anh về cách học tập của anh. Trong khóa học, chúng tôi có chuyến du khảo tại London, Anh Quốc. Hai chúng tôi khi đi tu nghiệp với  thông hành chỉ ghi nơi đến là Hòa Lan, nên chúng tôi phải nhờ Bowcentrum can thiệp với Tòa Đại Sứ Anh Quốc cấp Visa. Gần đến ngày sang London, chúng tôi được báo đã có Visa. Một dịp để biết thành phố  London.  

Trong thời gian chúng tôi tu nghiệp tại Hòa Lan, thì Hiệp định Paris đã được ký kết từ nhiều tháng qua nhưng báo chí vẫn tiếp tục cho thấy nhiều vụ vi phạm ở khắp nơi, nên nhớ về quê hương mà lòng chúng tôi buồn vô hạn.

Tháng 12,1973 xong khóa học, tôi xách vali về nước, anh ấy còn ở lại 2 tháng thực tập trong một công ty đã đồng ý nhận anh.

Khi tôi về Việt Nam, thì tình hình chiến sự càng lúc càng căng thẳng, tôi không có dịp gặp lại anh, và khi biến cố  30/4/75 xẩy ra, mỗi người mỗi ngã. Tôi đi học tập và khi  được về làm việc lại nhưng tinh thần xuống quá thấp. Tôi theo làn sóng người vượt biển.

Tôi may mắn thoát hiểm và được Canada nhận cho định cư tháng 7, 1980. Lúc đầu ở Montréal sau đó tôi về Toronto. Khi mẹ tôi sang Montréal năm 1982 do em tôi bảo lãnh, thì tôi hay về Montréal  thăm bà.  Một lần về Montréal đúng dịp Hội chợ Tết, cả nhà đi xem văn nghệ. Tôi vô cùng sung sướng gặp lại anh Vũ Kiện. Mừng mừng tủi tủi ôm chầm lấy nhau, và mong có nhiều dịp thăm nhau. Nào ngờ, bận rộn với cuộc sống không tìm đến với nhau được, sau đó tôi bàng hoàng đau xót khi nghe tin anh đã qua đời.

Nếu biết rằng đời là vô thường, mạng sống nằm trong hơi thở, chỉ có tâm thức mang theo năng lượng của nghiệp trôi lăn trong luân hồi và chỉ có những tình cảm trong sáng mới là dây nối kết hai bờ sinh tử, lòng chúng ta mới bớt quặn đau.

Tôi viết vài dòng kỷ niệm của tình bạn quen biết với anh Vũ Kiện để đóng góp cho Đặc San Đất Lạnh 2013 và để cùng các bạn anh thương tưởng về anh và tin tưởng anh Vũ Kiện đang mỉm cười nơi cõi Vĩnh Hằng.

Toronto, June 23,2013
ninhvu